BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

6265. Phim Khủng bố ở Little Saigon: Một cơn bão trong ly nước

Posted by adminbasam trên 25/12/2015

Thạch Đạt Lang

25-12-2015

Ảnh: PBS

Ảnh trng phim Khủng bố ở Little Saigon. Nguồn: PBS

Phim Terror in Little Sài Gòn do 2 phóng viên Thompson và Rowley thực hiện đã gây tranh luận ồn ào trong gần 3 tuần lễ vừa qua, chẳng những ở thủ đô người Việt tị nạn CS ở Mỹ là Little Sài Gòn, tiểu bang California mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là trên mạng Internet.

Hơn một tháng trôi qua, sự ồn ào đang có khuynh hướng lắng dịu đi. Các phe chống cũng như bênh hoặc chỉ trung gian đứng giữa quan sát đã đưa ra hết những lập luận, quan điểm của mình. Nhìn lại diễn tiến chúng ta thấy được điều gì?

Cuộc tranh cãi cho thấy rõ ràng là những người bênh vực cuốn phim chú trọng đến nội dung, những người chống chỉ nhắm đến và xoáy vào cái tên. Điều này khiến người viết liên tưởng đến cuộc tranh cãi trước đây về đạo luật S-219 do thượng nghĩ sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình, được quốc hội Canada chấp thuận.

Trước khi phim được trình chiếu trên truyền hình của Frontline và ProPublica, dường như tổ chức được đề cập trong phim đã nghe phong thanh (hơi gió) nên đã có những bước phản đối trước khi phim được đem chiếu trên truyền hình.

Phim vừa chiếu xong tối hôm trước, bữa sau đã có ngay cuộc phỏng vấn cựu đại tá Vũ Văn Lộc, tức nhà văn Giao Chỉ trên đài Calitoday. Ông Lộc cho rằng phim dở, đầu voi đuôi chuột. Ít ngày sau có các cuộc phỏng vấn trên truyền hình của Calitoday, báo Người Việt cũng như qua điện thoại với những người làm phim, những nhân vật xuất hiện trong phim.

Có câu hỏi, tại sao phim chưa được công chiếu (chiếu công khai) mà đã có người chống? Lý do là trước đó đài truyền hình PBS đã có phổ biến chương trình tối ngày 03.11.2015, đồng thời cũng do sự “rò rỉ” thông tin cố ý, nội dung cuốn phim đã được nhiều người biết trước. Tiến sĩ Nguyễn Đinh Thắng của tổ chức BPSOS cũng đã có một bài nói về phim này trước khi phim được ra mắt khán giả.

Sau khi phim được chiếu có một số bài viết rất đáng đọc là “Nhìn Vào Sự Thật qua Vụ Các Nhà Báo Gốc Việt Bị Giết” của tác giả Đinh Từ Thức hay bài của Kỵ Binh Ngụy Sài Gòn “Giết Chi Người Đem Thân Cứu Nước”.

Theo một số lời đồn đãi, chẳng biết có thật hay không, tổ chức dính dáng đến nội dung cuốn phim có tên là The Front, tức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, có lẽ đoán biết sự bất lợi cho mình khi khán giả được coi phim, đã đi một đường ngoại giao trước, liên lạc với hai phóng viên Thompson và Rowley cùng các giới chức có thẩm quyền của 2 phóng viên này là đài PBS, Frontline, yêu cầu ngừng dự định cho công chiếu.

Nhưng hai phóng viên Thompson và Rowley đã bỏ ra 2 năm để làm phim, không thể khơi khơi cho vào kho. Hai năm tâm huyết, cực khổ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đi nhiều nơi, từ Houston Texas, tới Orange County, qua Thái Lan, băng rừng, lội suối, ăn ngủ trên phi cơ, khách sạn… vì thế không thể dễ dàng bỏ cuộc.

Đối với khán giả người Việt tị nạn, dù bênh hay chống cuốn phim, chúng ta không thể chối bỏ một sự thật là đã có 5 ký giả người Việt bị giết vì nghề nghiệp. Trừ Dương Trọng Lâm thiên cộng, 4 người còn lại là những người chống cộng. Ai giết họ, đến ngày hôm nay vẫn chưa tìm ra.

Trong phạm vi bài này, người viết không nói đến chuyện điều tra ai là thủ phạm, chỉ nói đến thái độ của người Việt sống trong cộng đồng.

Khi những người này bị sát hại thì cộng đồng người Việt lúc đó phản ứng ra sao? Có ồn ào viết bài lên án, có biểu tình phản đối kẻ sát nhân không hay hoàn toàn im lặng? Hoàn toàn không.

Các ký giả bị sát hại là những thành viên trong cộng đồng bị thanh toán một cách hèn nhát, tại sao báo chí, truyền thông không lên tiếng? Tại sao không tổ chức, hội đoàn, đảng phái nào có tiếng nói, hành động tối thiểu để lên án chuyện này? Ngoài thân nhân trong gia đình, có bao nhiêu đồng nghiệp, bạn bè đến chia buồn, tiễn đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng?

Cộng đồng Người Việt tị nạn lúc đó đã hoàn toàn im lặng. Vì căm thù cộng sản, vì sợ hãi môt thế lực hay vì vô cảm đã xem cái chết của các ký giả như chuyện qua đường, nghe tin xe cán chó?

Nếu vì căm thù cộng sản, dửng dưng hay nguyền rủa trước cái chết của Dương Trọng Lâm là điều dễ hiểu, có thể chấp nhận được.

Thế còn những cái chết ám muội của Đạm Phong, Đỗ Trọng Nhân, Lê Triết, Hoài Điệp Tử, những người bị thanh toán một cách hèn hạ bởi một thế lực đen tối? Họ là những người chống cộng. Một cộng đồng mang danh Tị Nạn Cộng Sản, thờ ơ, vô cảm với cái chết của những thành viên chống cộng trong cộng đồng của mình. Tại sao?

Khi cuốn phim được công chiếu, cùng với các cuộc phỏng vấn sau đó, những người chống đối tìm đủ mọi cách để bôi bác, dèm xiểm cuốn phim. Họ cố tình lèo lái dư luận nhắm vào cái tên thay vì nội dung. Họ lần tìm những đầu mối, nguyên nhân khiến Thompson và Rowley thực hiện thiên phóng sự.

Cuối cùng họ tìm ra Tony Nguyễn, người đã cho Thompson những dữ kiện ban đầu về các vụ án và sau đó trở thành cộng tác viên với Thompson và đài PBS để thực hiện cuốn phim Terror in Little Sài Gòn.

Tony Nguyễn – theo lời tự bạch đăng trong thư viện của blogger Phạm Văn Thành ngày 19.11.2015 (bản dịch của Lê Tùng Châu) – là thế hệ tị nạn thứ hai, được đội nón cối ngay lập tức, nguyên nhân chỉ vì anh đã làm cuốn phim Enforcing the Silence, hoàn tất vào năm 2011 nói về cái chết của Dương Trọng Lâm.

Cũng có nguồn tin cho rằng Tony Nguyễn đã về Việt Nam nhiều lần và có những hoạt động cho chế độ cộng sản trước năm 1975. Tuy nhiên, nếu là bạn của Dương Trọng Lâm thì Tony Nguyễn phải ở lứa tuổi ngoài 60 chứ không thể là một thanh niên trẻ thuộc thế hệ tị nạn thứ hai như anh tự bạch.

Từ cuốn phim Enforcing the Silence, Tony Nguyễn bị kết án, một là thân cộng, hai là cộng sản. Căn cứ vào đó, phe chống cho rằng phim Terror in Little Sài Gòn chỉ có mục đích duy nhất là bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm cộng đồng tị nạn. Đi xa hơn còn có những giả thuyết là Thompson, PBS qua trung gian của Tony Nguyễn, có thể nhận được sự tài trợ của chính quyền cộng sản Việt Nam để làm phim.

Dù Thompson đã lên tiếng đính chính, hoàn toàn không có ý nói xấu hay nhắm vào cộng đồng khi đặt tên cho phóng sự của mình, người viết bài này xin đặt giả thuyết rằng Thompson cố tình xúc xiểm cộng đồng.

Vậy cộng đồng người Việt tị nạn có đáng để bị lên án, nói xấu, bôi nhọ không? Hãy thử nhìn sang một cộng đồng khác trên nước Mỹ, cộng đồng người Mỹ da đen để so sánh.

Khi một người da đen bị cảnh sát Mỹ bắn chết, hay bị đánh đập…hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người da đen ở khắp nước Mỹ ào ào xuống đường biểu tình, lên án kẻ sát nhân, đòi hỏi pháp luật phải trừng trị kẻ phạm pháp cho dù đó là cảnh sát. Nhiều cuộc biểu tình dẫn đến bạo động với cảnh sát không phải vì nạn nhân vô tội mà vì cách hành xử đầy bạo lực của cảnh sát đối với nạn nhân.

Nhiều người Việt Nam dù không nói ra, thường tỏ vẻ kỳ thị, coi thường, thậm chí khinh bỉ người Mỹ da đen, nhưng rõ ràng họ không hèn, không vô cảm khi một người cùng chủng tộc với họ bị giết hại, bị đối xử bất công.

Trong khi đó cộng đồng NVTN lại hoàn toàn im lặng trước sự giết hại các ký giả, không phải một mà là nhiều người.

Chúng ta vì hèn, vì sợ nên phải chạy trốn chế độ cộng sản bằng cách bỏ đất nước ra đi, mong tìm một cuộc sống bình yên, tự do, xứng đáng với nhân phẩm con người. Chúng ta tụ tập lại, sống gần nhau để tạo thành một cộng đồng, nương tựa, bảo bọc, giúp đỡ cho nhau.

Thế rồi chúng ta lại tiếp tục hèn khi cộng đồng bị một thế lực đen tối uy hiếp, bắt buộc chúng ta phải ngậm miệng, không được nói lên sự thật, không được có hành động bày tỏ tiếc thương những người vì công bố sự man trá, lường gạt của một tổ chức hay vì sinh kế mà phải chết oan uổng.

Cộng đồng đó có bị nói xấu, xúc phạm thật đi nữa cũng không phải là điều quá đáng. Bởi không ai có thể bôi nhọ, xúc phạm, làm xấu đi hình ảnh một cộng đồng bằng chính những thành viên trong đó.

Nếu ngay sau khi Đạm Phong, Hoài Điệp Tử, Đỗ Trọng Nhân, Lê Triết bị sát hại, người Việt tị nạn khắp nơi tổ chức biểu tình, cộng tác với cảnh sát, FBI, cung cấp tin tức.

Nếu báo chí, truyền thông đồng loạt lên án kẻ sát nhân, các hội đoàn, tổ chức, đảng phái,… gửi vòng hoa phúng điếu, tòa soạn các tờ báo đăng lời chia buồn đồng nghiệp… thì dù không tìm được thủ phạm, ít nhất cộng đồng cũng đã hoàn thành nghĩa vụ với thành viên, đồng thời gia đình nạn nhân cũng cảm thấy khuây khỏa khi được an ủi, không cô đơn và không một ai có thể bêu riếu, chê cười.

Đến ngày hôm nay, thay vì ủng hộ những người làm phim cố gắng đi tìm manh mối dựng lại những vụ án đã bị đóng băng sau một thời gian dài mấy chục năm, đem lại bình yên, giải tỏa thắc mắc cho thân nhân của những người bị sát hại, vẫn có những kẻ tìm cách khuấy động, lôi kéo cộng đồng, tìm cách ngăn trở việc làm của các phóng viên đó.

Tuy nhiên, chuyện tranh cãi rồi cũng sẽ qua đi. Căn cứ vào diễn tiến những ngày qua trong cộng đồng, trên báo chí, truyền hình chung quanh cuốn phim, người viết bài tin rằng tất cả chỉ là một cơn bão trong ly nước.

Có hai lý do khiến mọi chuyện rồi sẽ chìm xuồng. Sẽ không có một phiên tòa hay vụ kiện nào xẩy ra về cuốn phim Terror in Little Sài Gòn.

1- Muốn khởi kiện Thompson và nhóm thực hiện phim Terror in Little Sài Gòn hay đài PBS, Frontline thì MT phải là một tổ chức chính danh đang tồn tại, có ghi danh hoạt động ( Register ) tại tòa án.

Tại buổi họp báo của đảng Việt Tân ở Rose Center ngày 14.11.2015, ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân xác nhận Mặt Trận đã ngưng hoạt động từ lâu.

Trong cuốn phim dài 54 phút, Thompson không hề nói đến tên Việt Tân lần nào. Do đó trên phương diện pháp lý, Việt Tân không thể kiện cáo Thompson, Frontline hay PBS được, nếu không có những văn bản chứng minh tư cách pháp nhân rằng Việt Tân chính là Mặt Trận.

2- Giả sử MT còn hoạt động, còn chính danh để kiện cáo, chắc chắn MT cũng không dám thưa kiện Thompson. Trên bàn xì phé, không ai dại dột đi tháu cáy một ván bài khi biết đối thủ đã nắm được con tẩy của mình, nhưng chỉ tố lấp lửng, dương bẫy chờ mình sập vào.

Tất cả mọi cố gắng, khuấy động cộng đồng ồn ào của Việt Tân chỉ có mục đích khỏa lấp những xấu xa, gian dối của Mặt Trận ngày trước. Nhưng được hay không lại là chuyện khác.

Người Việt, đại đa số vốn dễ dãi, có từ tâm, hay tha thứ nhưng cũng rất vô cảm, nhất là những chuyện ảnh hưởng đến sinh mạng, an nguy của mình, không riêng gì người trong nước mà ở hải ngoại cũng thế.

Người Việt tị nạn ở Mỹ có thể biểu tình, thu thập chữ ký, trình thỉnh nguyện thư cho tổng thống Obama, yêu cầu chế độ CSVN phải trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang, nhưng chắc chắn sẽ không dám biểu tình, cung cấp chứng cớ cho cảnh sát hay thu thập chữ ký để yêu cầu FBI và bộ tư pháp Mỹ tái điều tra, xét xử lại việc giết hại các ký giả.

Biểu tình, lên tiếng chống chế độ cộng sản VN đàn áp giáo dân, cướp đất dân oan, giết người trong đồn công an… là chống cái gian ác, tàn nhẫn, vô nhân đạo ở xa, vừa an toàn vừa được tiếng chống cộng, yêu nước, thương dân.

Biểu tình, cung cấp tin tức, bằng chứng hay thu thập chữ ký đòi xét xử lại các vụ án sát hại ký giả trong thập niên 80 là chống cái lừa bịp, gian manh, tàn ác gần, sát bên cạnh, sẽ bị đội nón gây chia rẽ, mất đoàn kết, bưng bô cho cộng sản, thọc gậy bánh xe, gây thù oán…, nên dễ ăn đòn và rất dễ ăn đạn.

Công sức, thiện ý, tốn kém của Thompson, đài PBS, Frontline, ProPublica rồi sẽ nhanh chóng chìm dần vào quên lãng.

Nhân vụ cô Nguyễn Thành Tín, một nạn nhân gốc Việt trong số 14 người bị khủng bố IS bắn chết tại San Bernardino, báo chí, truyền thông trong cộng đồng NVHN, nhất là báo Người Việt ở Westminster, những ngày qua ồn ào loan tin, bình luận, tổ chức phỏng vấn gia đình nạn nhân, phỏng vấn cư dân ở Orange County, chụp hình ảnh đám tang. Nhà thờ, chùa chiền tổ chức cầu nguyện, có người lập quỹ tương trợ…

Đó là những việc làm đáng hoan nghênh, cổ vũ, nói lên tinh thần tương thân, tương trợ, lên án cái Ác của cộng đồng NVHN.

Cô Nguyễn Thành Tín trước khi bị sát hại, chắc rất ít người biết đến trừ gia đình, thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp… Người viết ngậm ngùi thương cảm cho cô đã chết trong tuổi hoa xuân nhưng cũng không thể không nghĩ đến sự im lặng, vô cảm của cộng đồng NVHN trước cái chết của các ký giả VN thập niên 80.

Thôi thì hãy để cho cơn bão trong ly nước tự lắng xuống, chẳng có ai bị thiệt hại gì. Có chăng là gia đình, người thân của các nạn nhân thêm một lần nữa tắt niềm hi vọng tìm ra thủ phạm: Ai đã giết thân nhân của họ?

___

Mời xem lại: VIỆT KHANG ĐẶT CÂU HỎI THỜI ĐẠI: “ANH LÀ AI?” (BS). – Cực đoan và hận thù là nguyên nhân của mọi tai họa (Viet-studies/ BS). – Bằng Phong Đặng Văn Âu thoát chết bởi băng đảng Việt Tân như thế nào? (BCT/ FB Đinh Ngọc Thu). – TÔI THÁCH ĐẢNG VIỆT TÂN KIỆN PBS (TNM/ BS). – Chuyện Tháng Qua (NL/ BS).- Nhìn vào sự thật qua vụ các nhà báo gốc Việt bị giết (DM/ BS).  – Có gì mới trong phim Terror in Little Saigon? (BS). – Khủng bố dù ở đâu, nhân danh lý do gì, cũng bị nhân loại lên án (Blog RFA/ BS). – Bằng phong Đặng Văn Âu gửi nhà báo Ngô Nhân Dụng (TDCVN/ BS). – Phim ‘Terror in Little Saigon’: Con trai Ðạm Phong lên tiếng (NV/ BS). – VIỆT NAM CỘNG HÒA KHÔNG CHẤP NHẬN KHỦNG BỐ  (FB CHTB/ BS). – Về phim “Khủng bố ở Little Saigon” (FB Đinh Ngọc Thu). – Không phải chỉ có CSVN độc quyền ám sát khủng bố! (FB Ngô Văn Hiếu).

Một bình luận to “6265. Phim Khủng bố ở Little Saigon: Một cơn bão trong ly nước”

  1. […] 6265. Phim Khủng bố ở Little Saigon: Một cơn bão trong ly nước […]

Sorry, the comment form is closed at this time.