BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

4995. Chuyện Đỗ Hùng, chuyện Lê Diễn Đức

Posted by adminbasam trên 06/09/2015

FB Trịnh Anh Tuấn

5-9-2015

Trong tuần vừa rồi, chuyện Đỗ Hùng bị cắt chức gây ra một đợt sóng trong làng báo chí trong nước. Đỗ Hùng, một nhà báo khá trẻ, đầy tài năng và giữ vai trò Phó TTK Thanh Niên Online, bị bắt chức vào chiều ngày 03/09 sau một cuộc họp khẩn cấp của báo Thanh Niên. Lí do Đỗ Hùng bị cắt chức là vì một status trên trang facebook cá nhân của anh vào ngày 2/9, với toàn dấu sắc và nói về chuyện cướp chính quyền của Việt Minh vào những năm 1940, chuyện Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn vào sáng 2/9/1945 với giọng điệu hài hước, tếu táo.

Status đó nhanh chóng bị xóa đi, nhưng ngay ngày hôm sau, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông đã gọi điện xuống TBT báo Thanh niên, chửi mắng “ không biết dạy phóng viên” và gầm gừ đủ thứ. Ngay chiều hôm đó, TBT Báo Thanh niên vội vàng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, cắt chức Đỗ Hùng. Sáng ngày hôm sau, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhanh nhẹn làm một công văn, gửi đến nhiều nơi, trong đó có Ban tuyên giáo và A87, Cục An ninh văn hóa, Bộ Công An, thu hồi thẻ nhà báo của Đỗ Hùng.

Ngay sau sự kiện Đỗ Hùng, làng báo hải ngoại lại xảy ra một vụ tương tự. Lê Diễn Đức, một cây viết hải ngoại, đã bị đài RFA ( Đài Á châu Tự do) và Báo Người Việt hủy hợp đồng cũng vì một status trên facebook cá nhân. Status này nói về chuyện thua trận của quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 và nhận xét chuyện Hoàng Cơ Minh, một cựu sĩ quan VNCH, tập hợp lực lượng ở Thái Lan và tổ chức các cuộc “Đông Tiến” vào những năm 80 thế kỉ trước nhằm chiếm lại miền Nam Việt Nam bị Miền Bắc thống nhất năm 1975, là hoang tưởng . Các cuộc “Đông Tiến” này thất bại nặng nề và Hoàng Cơ Minh đã phải đánh đổi mạng sống của mình vào năm 1986. Sau khi status này được đưa lên, những người liên quan đến chế độ cũ đã phản ứng với ông Lê Diễn Đức rất mạnh mẽ, có cả những lời dọa dẫm mang tính bạo lực. Họ cho rằng ông Đức đã xúc phạm đến danh dự cũng như lòng tự trọng của những người miền Nam thua trận sau khi cuộc nội chiến chấm dứt. Ngay sau đó, Người Việt ( một tờ báo tư nhân của người Việt hải ngoại ở Mỹ) và RFA, đã thôi cộng tác với ông.

Hai sự kiện tương tự trên gần nhau và cũng có sự quan tâm từ nhiều người, đặt ra một vấn đề tự do ngôn luận và cách hành xử của cơ quan chủ quản.

Đầu tiên, chuyện Đỗ Hùng bị TBT Báo Thanh niên cắt chức chỉ sau một cuộc điện thoại của ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT. Ở Việt Nam, Ban Tuyên giáo cũng như Bộ TT-TT là con ngáo ộp với bất cứ tòa soạn báo nào, trừ VTV, VOV, Báo Nhân Dân. Chỉ cần một cuộc gọi từ trên xuống hay chỉ một viên An ninh quèn của Bộ CA xuống, họ đều run như cầy sấy. Chỉ một cuộc gọi từ một ông Thứ trưởng về một status tếu táo, hóm hỉnh mà một Tòa soạn báo lớn như Thanh niên phải triệu tập khẩn cấp và cắt chức ngay lập tức một phóng viên giỏi nhất nhì của mình. Điều này chứng tỏ sức mạnh của Bộ TT- TT và Ban tuyên giáo cũng như độ hèn của các Tòa soạn báo ở Việt Nam.

Còn chuyện Lê Diễn Đức, ông không phải là phóng viên mà chỉ là Cộng tác viên của Người Việt và RFA. Người Việt là một tờ báo tư nhân, họ phải phục vụ theo ý muốn người đọc, ở đây chủ yếu là người Việt hải ngoại, nên họ thôi cộng tác với ông có thể thông cảm được. Tuy nhiên, RFA là một đài được chính phủ Mỹ tài trợ, họ không hề kinh doanh trong đó, nên việc thôi cộng tác và nhanh chóng gỡ mục blog Lê Diễn Đức trên trang với Lê Diễn Đức khiến nhiều người đặt vấn đề. Thêm nữa, chuyên mục Lê Diễn Đức làm chỉ là mục blog, nơi những người cộng tác viên thể hiện quan điểm cá nhân của mình trong đó rất rõ ràng. Ở đó, sau mỗi bài viết của Lê Diễn Đức, đều có dòng: “Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không phải quan điểm của Đài Á Châu tự do”. Tuy vậy, RFA thôi cộng tác với Lê Diễn Đức chỉ vì một status trên facebook cá nhân của ông ấy.

Một vấn đề người ta thường nhắc đến trong câu chuyện trên là quyền tự do ngôn luận. Việc người ta có quyền phát biểu gì người ta muốn, miễn là không ảnh hưởng đến quyền của người khác. Tôi sẽ không nói về tính đúng sai, mức độ hài hước hay tấn công của hai status của Đỗ Hùng và Lê Diễn Đức. Nếu tôi nói ra, đó chỉ là một nhận xét mang tính cá nhân và chỉ kéo dài thêm cuộc tranh cãi. Chỉ tòa án là nơi có quyền quyết định một vấn đề đúng hay sai, có ảnh hường đến quyền của người khác hay không. Vì vậy, để đảm bảo quyền tự do ngôn luận cũng như quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm cá nhân; nếu ai thấy việc đó xúc phạm đến mình, có thể đưa ra tòa án để giải quyết. Tất nhiên, việc ra tòa ở Mỹ dễ hơn ở VN rất nhiều. Khi đó, dưới ánh sáng của công lý, mọi người đều phải tuân theo. Không thể vì viện cớ ảnh hưởng đến uy tín của tòa soạn hay tờ báo, không phù hợp với quan điểm mà có thể quay mặt với những nhân viên, cộng tác viên một cách dễ dàng như vậy. Dù gì đi nữa, những nhân viên thường xuyên hay không thường xuyên đó cũng đã cùng với họ xây dựng hình ảnh và bộ mặt của tờ báo đó. Đó là một sự bất công đối với người làm việc bằng chính mồ hôi và sức lực của mình.

p/s: Tôi có rất nhiều người bạn thường xuyện bị mất việc chỉ vì họ đi biểu tình chống Trung Quốc hay thể hiện quan điểm cá nhân khác biệt trên mạng. Cá biệt hơn, vì biết nhân viên mình thể hiện quyền tự do ngôn luận hay quyền biểu đạt ý kiến, người chủ sẵn sàng đuổi việc nhân viên trước khi An ninh đến cho đỡ phiền.

Về mặt cá nhân, tôi thích Đỗ Hùng hơn Lê Diễn Đức. Tôi gặp Đỗ Hùng vài lần trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở SG với cái dáng “vịt bầu” và mặc quần kaki trắng rất nổi bật. Đỗ Hùng viết status rất hài hước . Tôi có là bạn trên facebook với Lê Diễn Đức, nhưng tôi tránh vì ông ấy hay tranh cãi, mà mỗi lần cãi lại rất hăng.

____

Mời xem lại: Nhà báo mất chức ‘vì bài về 2/9’ (BBC/ DL/ BS). – Tự do ngôn luận: cho thôi việc và cấm hành nghề! (Nguyễn Đình Bổn/ BS). – Bộ Thông tin rút thẻ của nhà báo Đỗ Hùng là một sự lạm quyền (Huy Đức/ BS). – ‘Khủng bố các nhà báo chính là khủng bố dân chủ’ (VNN/ BS). – Qua việc hai tờ báo chấm dứt hợp đồng với nhà báo Lê Diễn Đức (Trương Nhân Tuấn/ BS).

5 bình luận to “4995. Chuyện Đỗ Hùng, chuyện Lê Diễn Đức”

  1. […] không? (THĐP/ BS). – RFA Việt ngữ gỡ giải thích về Lê Diễn Đức (BBC/ BS). – Chuyện Đỗ Hùng, chuyện Lê Diễn Đức (Trịnh Anh Tuấn/ […]

  2. […] RFA Việt ngữ gỡ giải thích về Lê Diễn Đức (BBC/ BS). – Chuyện Đỗ Hùng, chuyện Lê Diễn Đức (Trịnh Anh Tuấn/ BS). – CHÂM BIẾM LÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN (Dương Hoài Linh/ […]

  3. […] RFA Việt ngữ gỡ giải thích về Lê Diễn Đức (BBC/ BS). – Chuyện Đỗ Hùng, chuyện Lê Diễn Đức (Trịnh Anh Tuấn/ BS). – CHÂM BIẾM LÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN (Dương Hoài Linh/ […]

  4. […] 4995. Chuyện Đỗ Hùng, chuyện Lê Diễn Đức […]

  5. […] Trịnh Anh Tuấn☆(Basam) – Trong tuần vừa rồi, chuyện Đỗ Hùng bị cắt chức gây ra một đợt sóng […]

Sorry, the comment form is closed at this time.