BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

12.004. Thước đo nào cho luật xe công vụ?

Posted by adminbasam trên 17/03/2017

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

17-3-2017

Ảnh minh họa: xe công phục vụ đám cưới. Nguồn: internet

Tên gọi Dự thảo của Bộ Tài chính ngày 7.3.2017, số 2399/BTC-QLCS “quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước” đã thể hiện được “điều kiện cần” nó phải ra đời, bởi cả nguyên lý lẫn thực tế từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây cho thấy không một đơn vị, nền kinh tế nào không hạch toán thu chi theo tiêu chuẩn, định mức, mà vẫn phát triển như có tiêu chuẩn định mức cả. Tiêu chuẩn, định mức trong lĩnh vực công, như ở các nước tiên tiến lại do luật điều chỉnh, chứ không thể theo mệnh lệnh các cấp, vốn phụ thuộc động cơ nhận thức năng lực hành xử cá nhân họ. Vì vậy, Dự thảo trước hết cần được nhìn nhận dước góc độ nghiệp vụ, quy trình ban hành văn bản pháp lý.

Về nguyên lý, đó là nấc đầu tiên, tức đề xuất, nên phải kèm tờ trình giải thích lý do, cơ sở thực tế, lý luận, nếu không sẽ khó cho các công đoạn tiếp theo, xin ý kiến, thông qua các cấp. Họ sẽ không biết đâu mà lần, nhất là khi chẳng hạn chức danh được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô có định mức tối đa 1.100 triệu đồng/một xe (Điều 5 Dự thảo), còn chức danh trên đó 1 bậc “không quy định mức giá cụ thể” (Điều 3) tính từ đâu ra? Nên như ở Đức, tờ trình thường bao gồm 6 điểm phải nêu được: (1) Vấn đề đang nảy sinh mà các văn bản pháp lý hiện hành không thể giải quyết được (tức lý do). Mục đích đạt tới. (2) Các phương án lựa chọn. (3) Phương án dự phòng (lựa chọn khác). (4) Hạch toán thu chi ngân sách khi thực thi. (5) Hạch toán phí tổn người dân gánh khi thực hiện. (6) Hạch toán chi phí nền kinh tế phải chịu. (7) Hạch toán chi phí hành chính (nhân sự, tiền, vật chất). (8) Hạch toán các chi phí khác.

Từ điểm (4)-(7) nhằm xác định tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế.  Về thời gian góp ý cho Dự thảo đòi hỏi phải đủ cho họ cân nhắc, bởi thuộc lao động trí óc, ở Đức thậm chí kéo dài hàng năm nếu bất đồng quan điểm. Đến cả quyết định xử phạt, thời hạn họ áp dụng cũng không được dưới 1 tháng, thậm chí được lùi nếu vì lý do bất khả kháng, để đương sự còn có thời gian chuẩn bị. Trong khi đó, Dự thảo ta đưa ra thời hạn góp ý trước ngày 15.03.17 tức chỉ 1 tuần sau soạn thảo, nên rất dễ rơi vào hình thức.

Về nội dung, tức “ điều kiện đủ” để đạt mục đích đặt ra,  Dự thảo cơ bản đề cập tới 3 đối tượng được điều chỉnh theo quy phạm dành cho từng đối tượng: (1) Xe phục vụ công tác của các chức danh lãnh đạo (xe công vụ). Thứ hạng và tính chất sử dụng xe được phân biệt 3 cấp: – Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác dành cho người đứng đầu Đảng và chính quyền trung ương (Điều 3); – Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác dành cho cán bộ cao cấp trung ương và đứng đầu cấp tỉnh thành, có hệ số lương 10,4 trở lên (Điều 4). – Chức danh được xe đưa đón tới nơi làm việc đi công tác dành cho cấp tiếp theo, có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (Điều 6). (2) Xe ô tô phục vụ công tác chung, được thực hiện theo các phương án lựa chọn: a) Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; b) Thuê dịch vụ xe ô tô; c) Trang bị xe ô tô. (3) Xe chuyên dụng.

*Theo hệ quy chiếu nào?

Nếu lấy nguyên lý kinh điển của nền kinh tế quản lý tập trung nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước làm hệ quy chiếu thì bản chất các quy phạm trên hoàn toàn đúng. Nhà nước có chức năng quản lý trực tiếp kinh tế và xã hội cả ngang lẫn dọc theo kế hoạch từ trên xuống được coi là “pháp lệnh”, thì các cơ quan nhà nước phải được bảo đảm điều kiện nhân, tài, vật lực tương ứng để phục vụ nhà nước. Thời bao cấp, cơ quan nhà nước còn phải bảo đảm tiêu chuẩn nhà ở tập thể cho cán bộ viên chức của mình, họ được phân phối tới bánh xà phòng, gói mì chính… tuỳ cấp bậc.

Tuy nhiên, không chỉ vấn đề xe công vụ phải giải quyết hiện nay, mà nan đề nhà công vụ nổi lên năm 2014 do liên quan tới biệt thư công số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội không thể thu hồi, hay tiền phụ cấp, thưởng lễ, Tết, thu nhập ngoài lương… cộng lương cơ bản tạo nên tổng thu nhập (tất cả tổng cộng lại tạm gọi chung là tiêu chuẩn được hưởng – TCĐH) chênh lệch nhau quá xa giữa các lãnh đạo viên chức cùng ngạch bậc, giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tương tự. Do giải quyết nó đều xuất phát từ nguyên lý kinh điển trên, nên tới nay vẫn bất cập.

Nếu lấy nguyên lý nền kinh tế thị trường làm thước đo thì các quy phạm trên cần tham chiếu luật tương đương của các nước tiên tiến được xây dựng trên nền tảng thước đo đó.

Nền kinh tế thị trường họ coi bất kỳ cán bộ viên chức nào từ nguyên thủ quốc gia, chủ tịch đảng… tới lao công phụ việc văn phòng… đều là lao động hưởng lương. Mối quan hệ giữa nhà nước với cán bộ viên chức là quan hệ giữa chủ thuê việc với người nhận việc. Mọi TCĐH của cán bộ viên chức thuộc lợi ích họ, cao thì họ lợi nhà nước thiệt và ngược lại thấp thì họ thiệt nhà nước lợi, hoàn toàn không mang nghĩa phục vụ nhà nước như trong nền kinh tế quản lý tập trung (khái niệm người dân “làm chủ”, cán bộ viên chức nhà nước là “công bộc” ở họ trước hết được hiểu theo nghĩa người dân đóng thuế để trả lương cho cán bộ viên chức). Chỉ ngoại trừ liên quan tới bộ mặt quốc gia mặc dù người đứng đầu sử dụng nhưng vẫn được coi chi cho quốc gia, như chuyên cơ Air Force One Boeing 747-200B dành cho Tổng thống Mỹ chẳng hạn. Nói cách khác TCĐH của mọi cán bộ viên chức là kết quả mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước và bộ máy thực thi nó, phải được bảo đảm công bằng minh bạch do các quy phạm pháp lý chế tài. Nếu không, sẽ tạo ra bất công về thu nhập ngay trong bộ máy nhà nước, gây bất ổn nó, mất cân bằng ngân sách, tạo nên bất công giữa người dân đóng thuế với đội ngũ cán bộ viên chức hưởng lợi.

Dựa trên nguyên lý coi nhân sự bộ máy nhà nước thuộc lao động hưởng lương, Luật về TCĐH của các chức danh lãnh đạo cao cấp như ở Áo, mang tên BBEzG, quy định rõ nhất: Lãnh đạo bậc cao cấp nhất, tổng thống, chính phủ, quốc vụ khanh, tổng thanh tra, nghị sỹ, trọng tài quốc gia… năm 2017 này được trả lương cơ bản 7.418,62 €/tháng, nhân với hệ số ngạch bậc lương (như ta), cao nhất 280 %, thấp nhất 50%.

Họ được quyền sử dụng xe công vụ như Điều 3, Điều 4 Dự thảo ta, nhưng mỗi tháng phải trả nhà nước phí tổn cho phần kết hợp phục vụ mục đích cá nhân, được tính đổ đồng ở mức 1,5% trị giá xe (khi mua), tối đa không quá 7% lương cơ bản. (Ở Đức, ngay cả xe thuộc tài sản doanh nghiệp, nếu chủ không có xe cá nhân riêng, xe doanh nghiệp sẽ bị tính trị giá chủ doanh nghiệp tự sử dụng ở mức 1% trị giá xe nhân 12 tháng, rồi cộng vào lãi hàng năm của chủ thành tổng thu nhập để đánh thuế). Cách tính phí tổn trên sẽ buộc cán bộ viên chức họ phải tự hạch toán nên dùng xe riêng hay xe công vụ, không thể lạm dụng ngân sách nhà nước do tiền thuế của dân chi trả. Thực tế hầu hết họ đều đi xe riêng, kể cả thủ tướng. Họ chỉ đi xe công vụ khi luật bắt buộc công vụ đó phải sử dụng xe công vụ. Đó chính là hiệu qủa luật xe công vụ ở họ được xây dựng công bằng và minh bạch trên nền tảng kinh tế thị trường.

Trong khi đó, Dự thảo ta, mặc dù Điều 2, điểm 4, quy định: “Nghiêm cấm việc sử dụng xe ô tô quy định tại Quyết định này vào việc riêng”, nhưng lại để họ toàn quyền sử dụng như xe riêng, thậm chí cả khi nghỉ hưu, mà không hề tính  phần phục vụ cho mục đích cá nhân của chức danh lãnh đạo đó lẽ ra họ phải trả, thành ra nhà nước thiệt.

Không chỉ xe công vụ, Luật BBEzG còn quy định: Tất cả các khoản chi phục vụ công tác, như đi lại ăn ở, cần vụ, được nhà nước trả toàn bộ nhưng khống chế không quá 12% của 98,96% lương cơ bản.  Nếu phải sống xa nhà được hưởng thêm 6% của 98,96% lương cơ bản. Còn nếu chi vượt quá phải tự trả, không thể “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu được”, cho dù có tài năng, đức độ, hết lòng vì dân vì nước tới mấy.

Cũng vậy, nhà công vụ dành cho quan chức ở, như Đức được Luật Bộ trưởng Liên bang BMinG quy định: Trong thời gian đương nhiệm, tính từ ngày tuyên thệ cho tới ngày thôi chức, Thủ tướng và bộ trưởng được hưởng lương chính tính theo hệ số trên ngạch lương B11, cùng phụ cấp khu vực, phụ cấp công tác phí, và phụ cấp đi lại nếu không chuyển được nhà. Thủ tướng có quyền (tức không bắt buộc) hưởng nhà công vụ dành cho quan chức với đầy đủ tiện nghi; bộ trưởng cũng có thể được hưởng (nghĩa là phải xét); khi đó phụ cấp khu vực sẽ bị cắt (có khi cỏn cao hơn trị giá thuê nhà công vụ). Cũng vì vậy, hầu hết họ tự thuê hoặc mua nhà riêng. Còn ở ta, với các văn bản pháp lý hiện hành, nhà và xe công vụ trở thành tiêu chuẩn mang phần nào tính ưu đãi (tự khái niệm này đã bao hàm nghĩa không công bằng), ngân sách nhà nước phải gánh chịu.

Xe công vụ chỉ là một phần trong các TCĐH của cán bộ viên chức, vì vậy cần được giải quyết cùng lúc trong tổng thể đó theo nguyên lý nền kinh tế thị trường mà nước ta đang đeo đuổi, nhất là trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay khó nước nào có thể đứng nổi ngoài “cuộc chơi”.

*(Xem thêm bài “Thước đo nào cho quy định về xe công vụ?” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

3 bình luận to “12.004. Thước đo nào cho luật xe công vụ?”

  1. […] Thước đo nào cho luật xe công vụ? […]

  2. […] 12.004. Thước đo nào cho luật xe công vụ? […]

  3. […] Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức (Ba Sàm) 17-3-2017 – Tên gọi Dự thảo của Bộ Tài chính ngày 7.3.2017, số 2399/BTC-QLCS […]

Sorry, the comment form is closed at this time.