BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

8186. Tin khó tin: Thợ lặn Formosa kể chuyện cá chết, phở sân bay Tân Sơn Nhất có “trí khôn”

Posted by adminbasam trên 08/05/2016

Lao Động

Lâm Chí Công (tổng hợp)

8-5-2016

Cá ở sông Thanh Hóa chết trắng sông, nhưng một Vụ trưởng bộ Nông bảo đó là chuyện nhỏ. Còn một thợ lặn chuyên nghiệp của Formosa hôm qua đã quyết định lên tiếng sau nhiều ngày im lặng rằng cá ở gần ống xả thải của Formosa chết nhiều, nước có màu khác lạ, khiến người mệt mỏi, nhiều thợ lặn phải xin nghỉ làm nhiều ngày. Không biết có phải vì cá biển chết nhiều nên thịt đắt hay không nhưng ăn tô phở thập cẩm ở sân bay Tân Sơn Nhất lên tới 195 nghìn. Cuối cùng, tin khó tin nhắc mọi người có ôtô, từ 1.6 mọc thêm 8 trạm thu phí BOT nữa…

1. Cá chết trắng sông, ông Vụ trưởng bảo “Chuyện nhỏ” 

Chỉ trong vài ngày qua, cá nuôi, cá trên sông ở Thanh Hóa liên tục chết trắng dòng sông. Những người nông dân – chủ các lồng cá nuôi khóc hết nước mắt vì cả gia sản đổ vào các lồng cá trong phút chốc đã trắng tay. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã rất sốt sắng chỉ đạo điều tra, và đã có kết quả thủ phạm là nhà máy đường ở tỉnh Hòa Bình đã xả thải thẳng ra sông. Ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ngay lập tức chỉ đạo cơ quan điều tra lập hồ sơ khởi tố hình sự vụ việc nghiêm trọng này.

H1

H1Cá chết trắng sông ở Thanh Hóa nhưng Vụ trưởng của Bộ NNPTN nói “chuyện nhỏ”. Ảnh: Lao Động

Ngay trong chiều 6.5, Bộ TNMT đã có văn bản yêu cầu địa phương Thanh Hóa báo cáo vụ việc, điều tra nguồn xả thải trên sông. Thế nhưng, mãi đến trưa ngày hôm sau, trả lời Dân Việt, ông Phạm Khánh Ly – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc bộ Nông vẫn “chưa nắm được vấn đề vì đây là vấn đề xảy ra ở địa phương”. Dù vậy, ông này vẫn khẳng định vụ cá chết trên sông ở Thanh Hóa là không lớn. Ông còn nói thêm là Vụ của ông chỉ có hơn 10 người nên không thể nắm hết các vụ nhỏ lẻ ở 63 tỉnh thành được. 

Tôi đề nghị ông Vụ trưởng làm tờ trình xin thêm biên chế, chứ không thể vì thiếu biên chế mà nói rằng cả gia tài sự nghiệp của nông dân cả nước đang đổ vào lồng cá trên sông là chuyện nhỏ lẻ được.

Xem tại đây  —  Và tại đây 

2. Xe chở hàng từ TPHCM ra Lạng Sơn phải mua vé phí BOT hết 12 triệu/chuyến

“Dân phẫn nộ vì phí giao thông còn đắt hơn nhiên liệu” – hôm qua Tuổi Trẻ đã giật một cái tít báo rất hợp lòng dân. Trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc, thu phí cao, thời gian thu kéo dài… đã và đang khiến cho người dân và toàn bộ nền kinh tế tới ngưỡng không chịu đựng thêm được nữa. Hiện tại, một chiếc xe đầu kéo từ TPHCM ra Lạng Sơn đã phải chịu phí BOT 8 triệu đồng, từ 1.6 tới đây khi có thêm 8 trạm BOT đi vào hoạt động thì con số đó là 12 triệu. Dân không phẫn nộ mới là lạ.

H1Có gian lận thu phí tại dự án BOT 7 nghìn tỉ.

Trong khi đó, từ mâu thuẫn nội bộ đã lộ sáng gian lận thu phí tại dự án BOT 7 nghìn tỉ Pháp Vân – Cầu Giẽ. Một nhà đầu tư trong dự án này cho rằng mức thu 1,2 tỉ ngày là thấp so với lưu lượng xe cộ thực qua trạm; và họ đã đầu tư 7,5 tỉ để mua hệ thống giám sát việc thu phí. Thế nhưng, công an huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín đã đứng về “phe” thu phí để cản trở hoạt động thẩm định tình hình thu phí tại dự án 7 nghìn tỉ này. Doanh nghiệp đã phát công văn yêu cầu Giám đốc Công an Hà Nội có sự can thiệp để họ được tự xử công việc nội bộ, chống lại sự gian lận gây thất thu tiền thu phí BOT.

Mỗi đồng tiền bỏ ra mua vé qua trạm thu phí BOT là mồ hôi nước mắt của dân, là tiền vay mượn nợ nần phải trả nay mai. Dân phẫn nộ vì thu phí cao một thì họ phẫn nộ mười khi biết rằng đồng tiền mua vé của mình bị nội bộ các nhà đầu tư gian lận.  

Xem tại đây  —  Và tại đây 

3. Ăn phở, uống nước lọc ở sân bay Tân Sơn Nhất phải có trí khôn

Chuyện xảy ra ở ga nội địa sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM). Một hành khách sau khi nhìn bảng giá phở 55 nghìn đồng/ tô đã gọi một tô phở tái nạm và hai chai nước suối. Bảng tính tiền ghi tô phở 105 nghìn, hai chai nước 40 nghìn. Nước nói sau. Nhưng hỏi sao phở ghi giá 55 nghìn, giờ thành 105 nghìn? Cô bán hàng bảo tô phở 55 nghìn là phở trẻ em, gọi phở tái nạm tức là gọi thêm thịt, nên phải tính tiền. Hành khách tức muốn trào tô phở ra lại nhưng cố nuốt để có sức mở ví đếm tiền.

H1Hóa đơn ăn phở tại sân bay Tân Sơn Nhất: 55 nghìn mới là giá phở của trẻ em… Ảnh: PLO

Sau khi uống ngụm nước suối để hạ hỏa, hành khách tiếp tục tìm hiểu “trí khôn phở sân bay Tân Sơn Nhất”. Và học thêm được kiến thức về giá phở thật là vi diệu: Nếu gọi tô phở thập cẩm ở đó thì bạn phải có trong túi ít nhất tờ 200 nghìn, vì giá của nó sẽ là: 55 nghìn phở trẻ em + 20 nghìn phở người lớn + 120 nghìn tiền thịt. Một nữ hành khách khác nói thêm chai nước suối 20 nghìn là đắt gấp 400% nơi khác, giá chỉ 5 nghìn/ chai mà vẫn có wifi miễn phí nữa.

Xem tại đây 

4. Siêu dự án thủy điện trên sông Hồng: Coi chừng “bỏ túi” lợi ích!

 Về siêu dự án 24.500 tỉ đồng chủ yếu từ vốn vay ngân hàng thương mại để làm đường thủy và thủy điện trên sông Hồng đã thu hút nhiều ý kiến phản biện trong những ngày này. Hôm qua, GS -TS Vũ Trọng Hồng nói rằng ông hồ nghi về dự án này, rằng nếu xảy ra khả năng “giữa đường đứt gánh” thì doanh nghiệp chủ dự án cũng đã “bỏ túi” một khoản lợi nhuận từ bán khoáng sản, sa khoáng trong quá trình nạo vét 288 km sông Hồng.

H1Sông Hồng – nơi nhà đầu tư tư nhân đang trình dự án làm thủy điện… Ảnh: TBKTVN

Cũng hôm qua, một quan chức thuộc bộ Giao nói rằng mô hình thủy điện trên sông như đang đề xuất với sông Hồng ở châu Âu không hiệu quả, điện thu được chỉ đủ để vận hành máy móc đưa tàu thuyền qua âu. Cũng như GS –TS Vũ Trọng Hồng, tôi cho rằng một đại dự án liên quan đến môi trường, văn hóa, xã hội, sinh kế… cả một vùng đất phía bắc đất nước như thế mà giao cho tập đoàn tư nhân với năng lực tài chính đến 70% dựa vào vốn vay thương mại là sự đánh đổi với rủi ro cực lớn. Xin hãy cân nhắc thật cẩn trọng, và tuyệt đối không để một tia hy vọng nào cho lợi ích nhóm có cơ hội được tham gia bấm nút biểu quyết cho dự án này.

Xem tại đây   —  Và tại đây 

5. Tin tốt trong ngày: Lặn xuống “nghĩa địa cá” chỉ thấy vỏ ốc sò

Từ thông tin trên một tờ báo rằng cá ở biển xã Nhân Trạch (Quảng Trạch, Quảng Bình) chết dày đặc dưới đáy biển, xếp thành lớp như cả một “nghĩa địa cá”, mạng xã hội đã dậy sóng lo ngại. Bộ TNMT ngày 7.5 đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra. Cùng lúc đó, một số phóng viên cùng các thợ lặn chuyên nghiệp đã xuống tận “nghĩa địa cá” theo phản ánh; kết quả họ thu được chỉ là những vỏ ốc, sò, ngao đã chết, không có cá chết xếp thành lớp ở đó.

H1

H1Thợ lặn chuyên nghiệp đã vớt lên từ “nghĩa địa cá” theo phản ánh chỉ những thứ này… Ảnh: Lao Động

Như vậy là, những tin tốt đã bắt đầu xuất hiện: Không có “nghĩa địa cá” ở vùng biển Quảng Bình, mà chỉ có cá chết ở gần vị trí xả thải của Formosa Hà Tĩnh. 

Cũng trong dòng sự kiện này, cuối ngày hôm qua, phóng viên Báo Lao Động đã trực tiếp trao đổi với ông Chu Văn Đại (52 tuổi, thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), thợ lặn chuyên nghiệp của Cty Formosa Hà Tĩnh. Ông Đại nói khi lặn gần vị trí xả thải của Formosa, phát hiện cá chết, nước có màu khác lạ, người mệt mỏi…

Xem tại đây  — Tại đây   —  Và tại đây 

 

Một bình luận to “8186. Tin khó tin: Thợ lặn Formosa kể chuyện cá chết, phở sân bay Tân Sơn Nhất có “trí khôn””

  1. […] […]

Sorry, the comment form is closed at this time.