BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

12.188. Luận cứ bảo vệ quyền lợi cho Đỗ Đăng Dư (bị hại) tại phiên tòa HSPT, ngày 29/03/2017 TAND cấp cao tại Hà Nội

Posted by adminbasam trên 31/03/2017

FB Hà Huy Sơn

31-3-2017

Đỗ Đăng Dư lúc qua đời. Ảnh từ gia đình nạn nhân

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Tôi là Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn, địa chỉ số 156 Trần Vĩ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Đỗ Đăng Dư (người bị hại, đã chết) theo yêu cầu của bà Đỗ Thị Mai (mẹ của anh Dư), trong vụ án hình sự về “Tội cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104, BLHS 1999.

Cáo trạng số 32/CT-VKS-P2 ngày 28/12/2015, của Viện trưởng VKS nhân dân thành phố Hà Nội truy tố Vũ Văn Bình sinh ngày 23/02/1998 (17 tuổi 7 tháng 11 ngày) về “Tội cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 04/10/2015 tại Trại tạm giam số 03, Công an TP.HN theo quy định tại khoản 3, Điều 104 BLHS 1999.

“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”

I. Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, chưa xác định được sự thật của vụ án:

1. Cáo trạng cho rằng nguyên nhân gây nên cái chết của Đỗ Đăng Dư, trích (trang 04): “Thấy Đỗ Đăng Dư rửa bát chưa sạch, Vũ Văn Bình gọi Dư đến ngồi ở giữa 02 bệ xi măng nơi các bị can ngủ, rồi dùng tay phải tát liên tiếp 02 cái vào má trái của Đỗ Đăng Dư … Dư vừa dứt lời thì Bình đứng dậy dùng gót chân trái nện 03 cái liên tiếp vào đầu, vào trán Dư theo hướng từ trên xuống. Hậu quả, làm Đỗ Đăng Dư bị Chấn thương sọ não, tụ máu dưới da đầu, chảy máu não; tụ máu quanh lỗ chẩm gây chèn ép cuống não dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp dẫn đến tử vong”.

Đánh giá hành vi bị cáo dùng tay tát 02 cái vào má Dư và dùng gót chân trái nện 03 cái liên tiếp vào đầu, trán Dư theo như lời khai của bị cáo, các nhân chứng và biên bản thực nghiệm điều tra thì không thể gây nên “Chấn thương sọ não, tụ máu dưới da đầu, chảy máu não; tụ máu quanh lỗ chẩm gây chèn ép cuống não dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp dẫn đến tử vong” như Cáo trạng truy tố. Bởi các lý lẽ sau đây:

Thứ nhất: Theo bản ảnh thực nghiệm điều tra, ngày 11/11/2015, tại Buồng tạm giam C 15, Khu C, Trại tạm giam số 3, Công an thành phố Hà Nội (Bút lục 245): Vũ Văn Bình đứng trên 01 chân, 02 tay buông không vịn vào đâu thì không thể “dùng gót chân trái nện 03 cái liên tiếp vào đầu, vào trán Dư” với lực đủ mạnh làm cho “Dư bị Chấn thương sọ não, tụ máu dưới da đầu, chảy máu não” (như Cáo trạng nêu trên) mà không bị mất thăng bằng. Hoặc, Nếu Vũ Văn Bình thực hiện được hành vi là “dùng gót chân trái nện 03 cái liên tiếp vào đầu, vào trán Dư” mà vẫn giữ được thăng bằng thì lực đó không thể làm cho “Dư bị Chấn thương sọ não, tụ máu dưới da đầu, chảy máu não” (như Cáo trạng nêu trên).

Thứ hai: Về phía Đỗ Đăng Dư, nếu bị Vũ Văn Bình dùng gót chân nện với lực mạnh đến mức sau đó mà chết thì sau cái nện thứ nhất hoặc thứ hai Dư phải đổ người ra chứ không thể ngồi yên để cho Bình nện liên tiếp ba cái vào đầu vào trán phải.

Thứ ba: Trích Bản án sơ thẩm (trang 05): “Bản kết luận giám định pháp y 29X2015 số 329/GĐ-PY ngày 05/11/2015 của Viện Pháp y Quân đội thì trên cơ thể Dư còn một số dấu vết như “xây xát da vùng mặt, lưng, tay và đùi do tác động của vật tày”, qua điều tra xác định được là do Dư bị ngã trước đó không phải nguyên nhân gây ra cái chết với Đỗ Đăng Dư”. Mặt khác, trích Bản án sơ thẩm (trang 09): “Nguyên nhân chết: chấn thương sọ não do tác động của vật tày vào vùng trán phải:”. Suy luận: do Bình “dùng gót chân trái nện 03 cái liên tiếp vào đầu, vào trán Dư” (Cáo trạng – trang 04) là hành vi gây nên cái chết của Dư.

Nhưng kết luận này mâu thuẫn với bản ảnh thực nghiệm điều tra ngày 11/11/2015 (Bút lục 425), Dư ngồi quay mặt bên trái về phía Bình nên gót chân trái của Bình không thể nện với lực mạnh vào trán Dư, hoặc Bình sẽ bị ngã ngay từ cú nện đầu tiên. Như vậy, có căn cứ khẳng định không có căn cứ xác đáng rằng: tác động của vật tày vào vùng trán phải của Dư và dẫn đến cái chết, không phải do Bình gây ra.

Thứ tư: Khởi tố bị can Vũ Văn Bình ngày 08/10/2015, nhưng hơn 1 tháng sau (ngày 11/11/2015), Cơ quan điều tra mới tổ chức thực nghiệm điều tra, sau khi có Kết luận giám định pháp y (05/11/2017), 06 ngày. Điều này đã làm mất tính khách quan của thực nghiệm điều tra. Nó không còn là công cụ để kiểm chứng (kiểm tra và xác minh – k 1 Đ 153, TTHS 2003) các chứng cứ khác. Ngược lại nó có dấu hiệu hợp thức hóa cho các tài liệu khác là các vết thương trên cơ thể của Dư (bị hại) và lời khai của những người tham gia tố tụng theo ý chủ quan của Cơ quan điều tra.

Thực nghiệm trên có thể diễn lại ngay tại phiên tòa sẽ cho thấy sự vô lý của Kết quả thực nghiệm điều tra ngày 11/11/2015. Hay nói cách khác Kết quả thực nghiệm điều tra không đảm bảo tính xác thực của chứng cứ theo quy định của khoản 1, Điều 66 “Đánh giá chứng cứ”, BL TTHS 2003.

2. Mặt khác, các tổn thương thực thế trên cơ thể của Đỗ Đăng Dư (bị hại) không làm rõ được nguyên nhân:

Theo các bút lục có trong hồ sơ và Biên bản thực nghiệm điều tra, chưa giải thích rõ và kết luận khách quan về nguyên nhân gây nên các tổn thương ở đùi trái gây phù nề hơn đùi trái các thương tích khác toàn thân:

– Đám da đổi màu hơi tái vùng trán phải (Ảnh 21);
– Đám vẩy khô ở vùng môi trên (Ảnh 22);
– Xây sát da ở vành tai phải, tai trái (Ảnh 23, 24);
– Các vết xây sát da ở vùng cổ phải, tình trạng cơ dưới da vùng cổ phải (Ảnh 25, 26);
– Vùng mông bị thâm tím (Ảnh 28);
– Các dấu vết màu nâu đen ở vùng ngang đốt song số 7 (Ảnh 29, 30);
– Các vết xây sát da từ bờ vai phải đến bờ vai trái (Ảnh 31, 32, 33, 34);
– Vết xây sát da vùng thắt lưng (Ảnh 35, 36);
– Tình trạng cơ dưới da vùng xây sát khửu tay phải (Ảnh 38);
– Vết xây sát da mặt trong gối phải (Ảnh 40, 41), để dẫn đến cái chết của Đỗ Đăng Dư theo như Bản kết luận giám định pháp y 29X2015 số 329/GĐ-PY ngày 05/11/2015 của Viện Pháp y Quân đội.

2. Kết luận giám định pháp y về tử thi:

2.1.

– Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 155 BL TTHS 2003 thì nguyên nhân chết người phải bắt buộc trưng cầu giám định;

– Căn cứ điểm 1 mục V, phần I Các trường hợp chết do vật tày, Các quy trình giám định pháp y của Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành quy trình giám định pháp y, quy định: “Giám định viên: 02 người”. Nhưng Bản kết luận giám định pháp y 29X2015 số 329/GĐ-PY ngày 05/11/2015 của Viện Pháp y Quân đội (Bút lục số 225), Giám định viên chỉ có 01 Giám định viên Pháp y Bộ Quốc phòng là Đại tá, Bác sĩ Chuyên khoa I, Vũ Văn An – Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội; Bác sĩ, Đại úy Phạm Hồng Thao chỉ là Bác sĩ pháp y – Khoa khám nghiệm, Viện pháp y Quân đội (không phải là Giám định viên). Như vậy, Bản kết luận giám định pháp y này là không hợp pháp, nên không đủ chứng cứ để giải quyết vụ án.
2.2.

Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 22/09/2016 (BL 590), khi Chủ tọa hỏi giám định viên Vũ Văn An giải thích thế nào là “đầu ở tư thế tự do”?

Đáp: Thuật ngữ “đầu ở tư thế tự do” tức là không cố định, không bị ai giữ, không đặt vào đâu, không tựa vào đâu. Đối với trường hợp này, Dư bị tát, Dư hoảng hốt, lực tác động gây tụ máu ở dưới da đầu, gây rung lắc, gây chảy máu ở dưới cột sống, lực tác động đấy làm dễ lắc nhất.

Tôi cho rằng GĐV giải thích không đúng với thực tế. Vì nếu chỉ bị tát ở má thôi mà gây chảy máu ở dưới cột sống thì các vận động viên đấm bốc nhà nghề họ đấm vào mặt nhâu đều gây chảy máu ở dưới cột sống và chết hết. Đây là 01 căn cứ nghi ngờ tính trung thực của Bản kết luận giám định pháp y của Viện pháp y Quân đội.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Anh Đỗ Đăng Dư là người tham gia tố tụng của một vụ án hình sự khác, bị tạm giam, vụ án đang do Cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ thụ lý giải quyết. Nhưng các cơ quan tiến hành cấp sơ thẩm đã không đưa Cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ tham gia với vai trò Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xác định sự thật khách quan của vụ án là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 10 và Điều 191, BL TTHS 2003.

“Điều 10. Xác định sự thật của vụ án

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Điều 191. Sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ

1. Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.”

4. Vắng mặt nhân chứng duy nhất tại phiên tòa:

Vụ án xảy ra có 04 người, 01 Dư đã chết, 01 bị cáo và 02 người cùng buồng giam là Lê Đức Anh, SN 1998 và Nguyễn Nam Trường, SN 1998 vắng mặt tại phiên sơ thẩm. Tuy 02 nhân chứng đã có lời khai, nhưng khoản 3 Điều 222, BL TTHS 2003 các lời khai phải được xem xét, đối chất, thẩm tra tại phiên tòa.

Kết luận:

Cơ quan điều tra chưa xác định được sự thật của vụ án. Vì chưa xác định được “Ai là người thực hiện hành vi phạm tội” theo khoản 2 Điều 63 “Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự”, BL TTHS 2003. Đây là chứng cứ quan trọng đối với vụ án theo quy định (khoản 1 Điều 1, Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/08/2010).

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 179, BL TTHS 2003 và Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC, thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng đã không làm điều đó mà lại ra Bản án sơ thẩm số 360/2016/HSST, ngày 22/09/2016, TAND thành phố Hà Nội, tuyên Vũ Văn Bình phạm tội cố ý gây thương tích cho Đỗ Đăng Dư theo khoản 3 Điều 104, BLHS 1999 là không có căn cứ.

II. Về dân sự: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Chương Mỹ phải là người bồi thường cho gia đình anh Đỗ Đăng Dư.

Bản án sơ thẩm số 360/2016/HSST, TAND thành phố Hà Nội, phần dân sự tuyên Vũ Văn Bình phải bồi thường cho gia đình anh Đỗ Đăng Dư tổng số 82.600.000đ là không đúng. Bởi lẽ.

– Căn cứ Điều 7, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, quy định:

“Điều 7. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân

Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.

Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.”

Và Điều 619, Bộ luật dân sự 2005:

“Điều 619. Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.”

Như vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Chương Mỹ là cơ quan đang thụ lý vụ án và anh Đỗ Đăng Dư là người tham gia tố tụng nên Cơ quan CSĐT phải chịu trách nhiệm về tính mạng của anh Đỗ Đăng Dư.

III. Đề nghị khởi tố vụ án về “Tội ra quyết định trái pháp luật” quy định Điều 296, BLHS 1999:

Theo BL 166: Ngày 05/08/2015, Công an xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ bắt quả tang Đỗ Đăng Dư về hành vi trộm cắp tài sản trị giá 2 triệu đồng. Trong quá trình điều tra Dư khai còn nhận thực hiện 04 vụ trộm cắp tài sản khác (Khi chưa có bản án không phải là tái phạm). Ngày 07/08/2015, Thiếu tá Lê Thanh Việt, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ ký Lệnh tạm giam số 137 đối với Đỗ Đăng Dư về hành vi trộm cắp tài sản quy định Điều 138, BLHS 1999. Đỗ Đăng Dư, sinh ngày 01/08/1998, lúc bị tạm giam Dư 17 tuổi 06 ngày. Thời gian tạm giam 57 ngày từ ngày 09/08/2015 – 05/10/2015. Ngày 16/09/2015, kết thúc điều tra.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ không có căn cứ để khởi tố và đề nghị truy tố Đỗ Đăng Dư theo mức từ khoản 2 của Điều 138, BLHS trở lên.

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

A) Có tổ chức;
B) Có tính chất chuyên nghiệp;
C) Tái phạm nguy hiểm;
D) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
Đ) Hành hung để tẩu thoát;
E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
G) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng ngày 07/08/2015, Thiếu tá Lê Thanh Việt, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT ký lệnh tạm giam đối với Đỗ Đăng Dư là vi phạm khoản 2 Điều 303, BL TTHS 2003, quy định:

“Điều 303. Bắt, tạm giữ, tạm giam

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.”

– Căn cứ Điều 13 BL TTHS 2003 “Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự” đề nghị Tòa án ra quyết định khởi tố vụ án về “Tội ra quyết định trái pháp luật” quy định Điều 296, BLHS 1999.

“Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật

1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”

IV. Đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm:

– Với các căn cứ và các lý lẽ nêu trên,

– Căn cứ khoản 1 Điều 250, BL TTHS 2003, tôi đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm số 360/2016/HSST, ngày 22/09/2016, TAND thành phố Hà Nội để điều tra lại vì việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

“Điều 250. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại

1. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.”

Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị.

Hà Nội, ngày 29/03/2017

4 bình luận to “12.188. Luận cứ bảo vệ quyền lợi cho Đỗ Đăng Dư (bị hại) tại phiên tòa HSPT, ngày 29/03/2017 TAND cấp cao tại Hà Nội”

  1. […] 12.188. Luận cứ bảo vệ quyền lợi cho Đỗ Đăng Dư (bị hại) tại phiên tòa HSP… […]

  2. […] Luận cứ bảo vệ quyền lợi cho Đỗ Đăng Dư (bị hại) tại phiên tòa HSPT, ngày… […]

  3. […] Hà Huy Sơn☆(Ba Sàm) 31/3/2017 – Kính thưa Hội đồng xét […]

  4. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/03/31/12-188-luan-cu-bao-ve-quyen-loi-cho-do-dang-du-bi-hai-tai-… […]

Sorry, the comment form is closed at this time.