BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

11.295. Cần nhận biết sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn của ông Trọng trong công tác xây dựng và lãnh đạo đảng

Posted by adminbasam trên 11/01/2017

“Lịch sử thế giới đã chứng minh, giống như các triều đại phong kiến trước đây, các chế độ độc tài ngày nay dù tự phong thánh cho mình nhưng nếu không đáp ứng được quyền lợi của người dân thì vẫn không thể đứng ngoài qui luật Thành-Trụ-Hoại-Diệt. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời gần 87 năm và đã cướp chính quyền hơn 71 năm, giờ đây có lẽ số phận đã trao cho ông Trọng trọng trách đưa đảng toàn trị của mình từ cuối giai đoạn ba, chuyển sang giai đoạn bốn của quy luật này, nếu ông vẫn muốn tự coi mình có sứ mệnh của Don Quixote de la Mancha”.

_____

Lê Quí Trọng Lê Quang Ngọ

11-1-2017

TBT Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: internet

TBT Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: internet

Cách đây tròn 50 năm, vào mùa xuân năm 1967 của thế kỷ trước, sau khi bài thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch được phát qua Đài tiếng nói Việt Nam, lớp lớp thanh niên miền Bắc đã phải lần lượt lên đường làm nghĩa vụ quân sự để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt của không quân Mỹ tại miền Bắc và để tăng cường sức người cho “Miền Nam trong lửa đạn, sáng ngời” (1) thì cũng là thời điểm một anh sinh viên nông dân khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đang phân vân lựa chọn luận văn tốt nghiệp sau 4 năm học đại học và cũng đang đứng trước ngã ba đường để chọn cho mình một chỗ đứng có sổ gạo (2) trong một xã hội đầy bon chen.

Trong những ngày nghiền ngẫm lựa chọn đề tài, một ý nghĩ đã chợt lóe lên trong đầu anh, qua nghiên cứu văn học và trong thực tế, anh đã nhận thấy những người lãnh đạo đảng tuy luôn ra vẻ khiêm tốn nhưng thực tế rất muốn được người đời ca tụng. Ai cũng biết, bác Hồ đã để cho giới văn nghệ sĩ viết các tác phẩm ca ngợi mình, bản thân bác đã dành cả thời gian hiếm hoi sau khi thành lập chính quyền để viết Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên cho khách quan, thì tại sao anh không chọn đề tài khai thác thị hiếu này, và anh đã quyết định gửi gắm số phận mình vào một nước cờ đầy toan tính.

Lạ thay bài luận văn “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” (3) thực sự đã là câu thần chú: “Vừng ơi! Mở ra!” cho câu chuyện cổ tích của thế kỷ 20 trên mảnh đất hình chữ S đầy bi kịch. Câu thần chú mầu nhiệm này đã mở ra một thế giới mới cho tương lai và sự nghiệp của Ali Baba thời hiện đại, anh Cử nhân văn chương Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 05. 12. 1967 anh đã được đảng mở cánh cửa lâu đài thâm nghiêm của mình, tuyển dụng vào làm việc tại Tạp chí Học tập, một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng và chuyên chính nhất của đảng CSVN (cùng với báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân) và 15 ngày sau (19. 12. 1967) anh được đặc cách kết nạp đảng.

Vào thời kỳ đó, nếu quần chúng có lý lịch cá nhân trong sạch muốn được đứng trong đội ngũ của đảng, bản thân phải có một quá trình làm việc rồi phấn đấu rèn luyện bề bỉ mới có thể được cơ sở đảng nơi đó để mắt và xếp vào dạng cảm tình đảng. Và cho đến khi được vào đảng là cả một khoảng thời gian không nhỏ. Nếu đang trong giai đoạn đối tượng đảng vì lý do nào đó phải thuyên chuyển đến đơn vị mới thì cá nhân đó hầu như phải làm lại từ đầu. Trong chiến tranh, môi trường quân đội là nơi rèn luyện và thử thách con người rất khắc nghiệt và cũng là nơi quần chúng dễ trở thành người của đảng nhất. Thế mà có rất nhiều quân nhân với lý lịch không tỳ vết, từng tham gia nhiều trận đánh trên nhiều chiến trường, trong người mang nhiều thương tích và bệnh tật vì trong chiến tranh phần lớn thời gian dài quân ngũ phải sống nơi lam sơn chướng khí, đời sống vật chất thiếu thốn, khi gần hết tuổi thanh xuân trở về làm phó thường dân, tài sản chính trị vẫn như trước khi nhập ngũ.

Việc anh Cử nhân văn chương Trọng được đặc cách vào đảng nhờ câu thần chú kỳ diệu có thể là một trong những tiền lệ hiếm trong công tác phát triển đảng thời đó. Trong bó đũa vàng mười mà đảng lựa chọn về Tạp chí Học tập này, gồm những con người hừng hực tinh thần thi đấu Olympic với các động cơ cá nhân mãnh liệt thì việc ông Trọng qua thời gian ngắn được chọn cột cờ cho đường công danh rộng mở, chứng tỏ câu thần chú vẫn còn hiệu nghiệm để mở tiếp những cánh cửa hậu cung lâu đài của đảng và thực sự bản thân ông không phải dạng vừa đâu. Là cán bộ xây dựng đảng cao cấp ông bắt đầu với công tác lãnh đạo đảng từ năm 1985 và cũng bắt đầu từ đây, tên tuổi ông xuất hiện trong các trang báo đảng và cũng từ đây người ta thấy xuất hiện những mâu thuẫn trong lý luận và giữa lý luận với thực tiễn trong con người ông. Vì khuôn khổ của bài viết chúng tôi chỉ nêu những điều đó vào những năm gần đây, khi ông Trọng đã là ngôi sao sáng trên chính trường Việt Nam.

Năm 2002 với chức năng là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ông Trọng viết bài Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác Lênin nhằm biện hộ cho đường lối nhất quán của ban lãnh đạo đảng. Khác với nguyên tắc trích nguồn trong các bài viết chuyên đề, trong bài này ông Trọng dùng các dẫn chứng quá đát cho bài viết của mình để chứng minh cho tính đúng đắn và ưu việt của chủ nghĩa Mác-Lênin (CNML). Trong bài có đoạn ông viết: “Theo số lượng thống kê của UNESCO các tác phẩm của Lênin đã được dịch ra 120 thứ tiếng, được đọc nhiều nhất trên thế giới, hơn cả Tônxtôi, Sechxpia, Bandắc,…”.

Là người nghiên cứu CNML ông thừa hiểu văn phong của Lênin khô khan nên khó tiêu hóa như thế nào, thế mà còn được đọc nhiều hơn cả các tác phẩm văn học hàng đầu thế giới. Nếu đúng như vậy, dân trí toàn thế giới phải cao siêu lắm, và ông cũng chẳng cần phải tốn công viết bài này làm gì.

Ông viết tiếp: “Giá trị bền vững của CNML … nhằm mục đích giải phóng người lao động, giải phóng xã hội khỏi mọi áp bức, bóc lột, mọi sự tha hóa, thực hiện một xã hội công bằng, nhân đạo. ” . Đúng là luận điểm của kẻ giáo điều, để rồi 11 năm sau khi con người đó đã trở thành người đứng đầu đảng toàn trị, dẫn dắt cả dân tộc đi theo chủ nghĩa tôn thờ thì đã phải thú nhận: “…Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu” “Về tham nhũng tôi có thể nói hàng mấy tiếng đồng hồ”.

Phải chăng người dân đen gây ra những sự tha hóa, bất công này trong xã hội, làm cản trở mục tiêu của đảng? Để củng cố cho sự kiên định của đảng, ông khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn đang có sức hấp dẫn, chinh phục hàng tỉ con người trên hành tinh này bởi tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân đạo sâu sắc của nó”. Sau hơn 10 năm sụp đổ của hệ thống XHCH, ngoài mấy nước lẻ loi đang kiên định tôn thờ CNML, bản đồ chính trị thế giới “đỏ hóa” được thêm bao nhiêu phần trăm nữa, đó mới chính là cái cần thiết để bài viết của ông có sức hấp dẫn đối với người đọc.

Năm 2010, khi ông Trọng là ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, ông viết bài “Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ cương lĩnh 1991 đến nay” (4) ông đã mượn Cương lĩnh năm 1991 để tái khẳng định mục tiêu và định hướng của đảng: “Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vẽ ra toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng…chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc, phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…sau này khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ xung và hòan chỉnh từng bước”.

Như vậy ông gián tiếp thú nhận, sau khi Liên-xô, thành trì vững chắc của phe XHCN bị sụp đổ, đảng không còn mô hình lý tưởng nào để sao y bản chính nên đang phải loay hoay, dò dẫm để tiến lên CNXH. Chính vì phải lần mò, dò dẫm cho nên việc “quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra những biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. ”. Như vậy khác gì ông bóc mẽ thần tượng Hồ Chí Minh, người mà đảng đang bắt cả nước học tập làm theo tấm gương này bao nhiêu năm qua, bởi trước đây đã khẳng định: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” (5). Ông cũng khoe, Cương lĩnh 1991 là một bước tiến trong tư duy lý luận của đảng, nó vừa quán triệt tinh thần cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về CNXH vừa thể hiện sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước trong thời kỳ mới, đó chính là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khái niệm mang tính lý thuyết này khác gì hình thức đưa một số loại cây mọc trong môi trường tự nhiên về làm cây cảnh bonsai, nó ra đời và được đưa vào thực tiễn gần 30 năm qua mà ngay những người thực thi nó cũng không thể hiểu và không thể giải thích cho người khác hiểu nổi.

Một vị bộ trưởng trong chính phủ thời ba X đã phải thốt lên: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”(6). Bởi mãi có tìm ra đâu nên 3 năm sau khi viết bài nói trên, ông đã phải khẳng định lại: “xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (7). Phải chăng chỉ có ông Trọng cùng ban lãnh đạo đảng được thiên phú nhãn quan của Don Quixote de la Mancha, do đó mới nhận biết chính xác được vị trí đường chân trời mà CNML chỉ ra để đẫn dắt người dân hành hương đến đó hưởng thiên đường CNCS, giống như trước đây nhờ nó, hiệp sỹ này nhận thấy được dung nhan tuyệt sắc của Nữ Hoàng của Tình Yêu và Sắc Đẹp lặn trong cô gái quê mập mạp nhiều mồ hôi Aldonza Lorenzo mà người trần mắt thịt không nhận biết được. Trong khi các nước khác trong khu vực người ta đâu có cần phải sử dụng học thuyết này, tư tưởng nọ, dẫn đường chỉ lối mà đất nước họ càng ngày càng bỏ xa Việt Nam về nhiều mặt.

Như vậy đảng bằng mọi giá phải đạt được mục đích của mình, không cần quan tâm đến lợi ích dân tộc, nỗi thống khổ của nhân dân, giống như năm 1966 ông Hồ khẳng định:Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song người Việt Nam quyết không sợ. ”(!)(8), bởi đã có Trung quốc quyết tâm đánh Mỹ … đến người Việt Nam cuối cùng!                                                                                  

Đầu năm 2011 ông Trọng đảm nhận chức vụ Tổng bí thư, trong thâm tâm ông đã rất muốn làm tròn nhiệm vụ được giao, để lại đấu ấn của một Tổng bí thư có học hàm, học vị hơn hẳn những người tiền nhiệm. Oái oăm thay, khắc tinh của ông là Ba Dũng, người đã có “công” đưa nền nền kinh tế vĩ mô của đất nước lâm vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng mà vẫn được tái đắc cử chức thủ tướng, khiến cho tứ trụ triều đình nhiệm kỳ mới này dù có tên gọi kêu như nội dung khẩu hiệu để phấn đấu mà người ta thường nghe, thường thấy: SANG TRỌNG, HÙNG DŨNG lại trở nên khập khiễng hơn bao giờ hết. Với kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước cộng với môi trường quen thuộc, ông Dũng đã tiếp tục dùng quyền lực để phân phát quyền lực, để rồi thâu tóm và thao túng quyền lực, khiến người dân liên tưởng đến hoàn cảnh lịch sử đất nước thời vua Lê chúa Trịnh được lặp lại.

Tuy ông Trọng đã xóa bỏ ban chống tham nhũng do ông Dũng đứng đầu và trực tiếp đứng đầu ban mới, nhưng thành tích của ông trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ được mọi người biết đến qua mấy mấy câu bao biện đầy hoa mỹ của kẻ “vụng chèo khéo chống” cùng với giọt nước mắt cay đắng bất lực rơi vào lịch sử. Cũng từ thời kỳ này ông Dũng được đảng tặng cho biệt danh một ẩn số trong toán học, và có lẽ vì vậy mà ông đã làm lỗi nhịp tim của chính trường Việt Nam cho đến khi diễn ra đại hội đảng lần thứ XII.

Khi ông Trọng sang thăm Cuba năm 2012, ông đã có bài nói chuyện tại trường đảng cao cấp Nico Lopez. Trong bài nói của mình ông chê CNTB: “Cùng với khủng khoảng kinh tế-tài chính là sự khủng khoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thái của môi trường sinh thái đang đặt ra những thách thức vô cùng to lớn cho sự tồn tại và phát tiển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế-xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. ”(9). Thật đúng là: “Chân mình thì lấm mê mê, Đi cầm bó đuốc mà rê chân người”.

Khi đọc đến đó liệu ông có nhớ đến các phong trào quần chúng phản đối dự án khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên của đảng đề ra, nhớ đến nạn ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn hàng ngày đang đầu độc người dân mà các cơ quan chức năng thì bất lực. Ông phê phán thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” của phương tây không hề đảm bảo để quyền lực thực sự về nhân dân do nhân dân và vì nhân dân, yếu tố căn bản nhất của dân chủ: “Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã đẫn đến dân chủ chỉ là hình thức mà không thực chất…. các cuộc bầu cử được gọi là “tự do” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản. ”. Vậy sau 4 năm bài nói chuyện này thì cuộc bầu cử quốc hội khóa XIV vừa qua có thực sự dân chủ như ông Trọng rao giảng? Ông có biết bao nhiêu ứng cử viên tự do “lách qua” được vòng hiệp thương 3 của MTTQ địa phương, và mấy người tự ứng cử được trúng cử đại biểu quốc hội khóa XIV?

Sau khi khối XHCN Đông Âu sụp đổ, những người cộng sản Cuba đã tự nguyện cắp sách sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, duy trì chế độ bằng hình thức cải cách kinh tế, và từ đó họ theo dõi rất sát xao đường đi nước bước của Việt Nam để vận dụng vào thực tiễn. Không rõ ông Trọng có hiểu điều đó không, thế mà trong phần giới thiệu kinh nghiệm với các bạn cộng sản Cuba, ông Trọng bê luôn cả phần cuối bài viết Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ cương lĩnh 1991 đến nay trước đó hai năm rồi khoe: “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát tiển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát tiển kinh tế:” (!) Tuy nhiên phần cuối bài ông Trọng cũng thú nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “là công việc chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa mò mẫm, rút kinh nghiệm”. Không biết đảng dưới sự lãnh đạo của ông Trọng lần mò và dò đẫm thế nào mà đi chệch cả hướng đã định, đến nỗi ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây phải huýt còi: “chỉ còn ‘chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt’ tại Việt Nam”(10).

Khi ông Trọng sang thăm Mỹ năm 2015, ông có bài nói chuyện tại CSIS để nhìn nhận về quan hệ hai nước và chia xẻ tầm nhìn “hướng tới tương lai”. Phần đầu bài nói chuyện, trong phần lịch sử quan hệ hai nước, ông nhắc đến mối liên quan của Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam với Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa kỳ nhằm chứng minh mối liên quan lâu dài của hai dân tộc, do đó ông Trọng đã thừa nhận nước Mỹ là nhà nước đầu tiên đề ra và coi trọng quyền con người. Đến phần quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, ông giải thích mối khúc mắc trong bang giao: “Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người” (!)(11).

Quyền con người đã được quốc tế hóa chuẩn mực, để căn cứ vào đó các nước thành viên phấn đấu, các tổ chức quốc tế đánh giá, nó cũng giống như điều lệ đảng cầm quyền Việt Nam, để tổ chức đảng xem xét kết nạp quần chúng vào đảng, căn cứ vào đó đánh giá tư cách đảng viên, thế mà ông chầy bửa rằng: “hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam”. Không rõ trước đó ông Trọng có biết Tổ chức Phóng viên Không biên giới – RSF đã nhận xét: “ …dưới quyền lãnh đạo của ông Trọng, số nhà báo và các blogger tự do bị bắt đã không ngừng gia tăng. ” (12) mà ông mạnh mồm như vậy và cho đến ngày 02.11.16 tổ chức này vẫn không tin vào lời nói, mà chỉ nhìn vào việc làm của ông để liệt ông vào danh sách những kẻ thù của tự do báo chí trên thế giới (13).

Được tái cử trong đại hội XII, ông Trọng có vẻ được rảnh tay thực hiện công việc ông còn nợ của nhiệm kỳ trước. Nhưng hình như yếu tố Nhân Hòa không trợ giúp ông trở thành một nhà lãnh đạo thành công mà ông hằng mong muốn, cho dù sang nhiệm kỳ này, ông hay lạm dụng ý câu nói: “Chính phủ của dân, do dân và vì dân” của A. Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Mỹ và ít đề cập đến từ “các thế lực thù địch” trong các bài nói của mình. Tuy nhiên tình hình thực tế đang chỉ rõ, chưa bao giờ mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội trở nên trầm trọng như những ngày tháng trong năm 2016 vừa qua, làm xấu đi hình ảnh “đảng là mẹ hiền” và người lãnh đạo nó.

Khi ông Trọng làm bí thư thành ủy Hà Nội ông được người dân tặng cho biệt danh “lú”. Cho đến nay có rất nhiều cách giải thích cho cái tên kép này của ông Trọng. Theo thiển ý của chúng tôi, đây là cách của người dân ám chỉ đến sự thiếu nhanh nhạy của một ông tiến sỹ giấy trong thực tiễn, hoặc nói theo quan điểm triết học là bởi ông quen tư duy trìu tượng nên luôn bị “chơi vơi” giữa hiện thực khách quan. Bằng chứng là khi thảm họa môi trường Formosa xảy ra, ông Trọng chỉ ghé thăm kẻ gây ra thảm họa, mà không thèm thăm hỏi nạn nhân và mãi đến tháng thứ sáu sau đó thì chính phủ mới ban hành Quyết định hành chính 1880/QĐ-TTg về định mức bồi thường thiệt hại cho người dân miền Trung, theo tinh thần “con có khóc mẹ mới cho bú”. Thế mà trước đó, ngày 27. 05. 2016 ông rao giảng: “Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân đân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục” (14). Thật đúng như câu người dân vẫn thường nói: “Đừng tin những gì đảng nói, hãy xem những việc đảng làm!”.

Ngày 17.10.2016 trong cuộc tiếp xúc với cử tri ông Trọng gọi cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc chiến “chống giặc nội xâm” và ông thừa nhận: “Chống ngọai xâm đã khó, chống nội xâm càng khó vì ta đánh vào ta”. Cụm từ “ta đánh vào ta” này của ông thực ra đã được ông Vũ Ngọc Hoàng, thuộc cấp của ông đề cập từ tháng 6 năm 2015: “Lợi ích nhóm là một kiểu tham nhũng nhiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức, tham nhũng chính sách, tham những quyền lực (ghế)…Chống “lợi ich nhóm” là công việc hết sức khó khăn phức tạp, vì không rõ “chiến tuyến”, thuờng ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó. ”(15).  

Vâng khó thật đấy, bởi ông làm công tác xây dựng đảng từ khi còn trai trẻ đến nay và lãnh đạo bao nhiêu năm thế mà đến giờ đảng viên có chức quyền có “Ai dám tự phê bình, tự nhận mình khuyết điểm, nhận kỷ luật đâu. Kiểm điểm rất nghiêm túc, nhưng xin được rút kinh nghiệm, thế thôi” (16). Thủy, hỏa, đạo, tặc là bốn đại họa trong cuộc sống, có sự tàn phá mạnh mẽ, cần được phòng chống kiên quyết và khẩn trương. Chống giặc nội xâm là chống tặc, một vấn đề cấp bách của xã hội như vậy mà ông còn khuyến cáo: …kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh thông cảm với cái chung” (16), khác nào ông thú nhận Bộ Chính trị đang ở trong tình trạng bất khả kháng trước vấn đề nghiêm trọng này. Để đánh răng rửa mặt sạch cần phải đứng trước gương. Khi đã toàn trị đảng trở nên tự cao, ngạo mạn, tự coi mình “vĩ đại như biển rộng, như núi cao” (Hồ Chí Minh), nên đảng vệ sinh cá nhân không theo qui trình như vậy, đảng đâu có thích nghe những lời góp ý, phê bình và phản biện, bởi “Ai chê là thấy khó chịu rồi! Con người là thế, một tổ chức cũng vậy” (16).

Và như lời ông thì người dân nên chịu đựng “ngứa ghẻ” cho đến khi đảng tìm được phương thuốc đặc hiệu, bởi đảng hiện nay có các ban bệ đầy đủ với các chức năng tham mưu “mà cũng đã mất nhiều công sức cho công việc khó khăn vất vả này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế” (17). Tiếp xúc với cử tri là để hiểu sâu thêm những khúc mắc, cũng như tâm tư nguyện vọng của của người dân để đảng có đường lối chính sách phù hợp thực tiễn chứ đâu phải là cuộc họp chi bộ, họp đảng ủy để ông chất vấn đồng chí của ông: “Mỗi người chúng ta có cái gì suy thoái không? Có tự diễn biến, tự chuyển hóa không? Có tham nhũng không? Có thích chức quyền không? Có thích khen không?” (16), để rồi bao biện cho những thói hư tật xấu đang có trong đảng của ông.

Ngày 30.10.2016, ông Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, nội dung nghị quyết này là bằng chứng về sự tha hóa quyền lực ở đảng viên có chức quyền và phản bác lại các kết quả được thổi phồng của các phương tiện truyền thông lề phải về việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hơn chục năm qua, cũng như sự phân hóa trong nội bộ đảng qua cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế đã chứng minh, những bộ óc siêu việt của đảng đã từng làm việc quan liêu, giáo điều và duy ý chí cho nên đường lối của đảng không phải lúc nào cũng sáng suốt và đúng đắn, điển hình như đường lối của đại hội đảng toàn quốc lần IV. Nhưng ban lãnh đạo đảng luôn yêu cầu toàn đảng, toàn dân, toàn quân phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của đảng và nhà nước, vì vậy khi đường lối được triển khai cấp dưới chỉ được bàn biện pháp thực hiện. Do đó hiện tượng “tự diễn biến” không phải bây giờ mới xảy ra. Một trong số các trường hợp đó là ông Kim Ngọc (1917-1979) nguyên bí thư tỉnh ủy Vĩnh phú. Sáng kiến “khoán hộ” trong nông nghiệp của ông đã bắt buộc đảng phải “tự chuyển hóa” mà ban hành “Nghị quyết 10 của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam năm 1988” đó sao. Bởi con người “tự diễn biến” này đã “đồng cảm sâu sắc trước cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ mà dám tháo bỏ những qui định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển. ” (Trương Đình Tuyển).                                      

Ngày 09.12.2016 ông Trọng đã nhắc lại lời Hồ Chí Minh về “một đảng hỏng“ trong Hội nghị của BCT với cán bộ toàn quốc nhằm phổ biến quán triệt Nghị quyết Hội nghị TW 4 khóa 12. Những nguyên nhân dẫn đến việc đảng hỏng hiện nay đã được các nhà trí thức có uy tín, các cán bộ đảng cấp cao có tâm huyết nghiên cứu, phân tích và đề xuất từ lâu, nhưng không hề nhận được hồi âm. Khi người ta thường nhắc đến đạo đức, điều đó có nghĩa xã hội đang trong trạng thái suy đồi, tình hình hiện nay đúng là thế.

Như vậy dưới công tác xây dựng và lãnh đạo đảng của ông Trọng, tình trạng thực tế của đảng toàn trị hiện nay đang dần dần tiếp cận hiện trạng dẫn đến nguyên nhân sụp đổ của Liên xô và khối Đông Âu trước đây, như ông đã phân tích, mổ xẻ chúng trong bài viết của mình cách đây 25 năm, lúc ông còn là chuyên gia công tác xây dựng đảng với vai trò là nhà khoa học xã hội: “người ta không chăm lo củng cố các tổ chức đảng, không giữ vững các tổ chức và sinh hoạt Đảng, xem nhẹ vấn đề lãnh đạo nhà nước thông qua các tổ chức Đảng làm cho hệ thống của Đảng tan rã, kỷ luật lỏng lẻo, tổ chức Đảng không kiểm tra, giám sát được đảng viên, sức chiến đấu của các cơ sở Đảng quá yếu” rồi thì: “xem nhẹ vấn đề kỷ luật tập trung trong Đảng… dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực và làm tan rã Đảng về mặt tư tưởng” …“chính vì người ta hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác-Lênin: sai cả về thực hiện nguyên lý cơ bản, về vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng” (18). Để rồi dẫn đến “sự suy thoái đạo đức, lối sống ở những đảng viên của Đảng khiến cho họ chỉ còn biết chú trọng đến việc tranh giành địa vị, tham ô, hối lộ, lạm dụng chức quyền, từ đó dẫn đến tình trạng xa rời quần chúng, làm mất đi niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng đối với Đảng” như đánh giá bổ xung và tổng kết của chungta.com (18).  

Lịch sử thế giới đã chứng minh, giống như các triều đại phong kiến trước đây, các chế độ độc tài ngày nay dù tự phong thánh cho mình nhưng nếu không đáp ứng được quyền lợi của người dân thì vẫn không thể đứng ngoài qui luật Thành-Trụ-Hoại-Diệt. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời gần 87 năm và đã cướp chính quyền hơn 71 năm, giờ đây có lẽ số phận đã trao cho ông Trọng trọng trách đưa đảng toàn trị của mình từ cuối giai đoạn ba, chuyển sang giai đoạn bốn của quy luật này, nếu ông vẫn muốn tự coi mình có sứ mệnh của Don Quixote de la Mancha.

_______

(1) Câu kết trong bài thơ Miền Nam sáng tác năm 1963 của Tố Hữu

(2) Trong thời kỳ bao cấp nhà nước cấp sổ gạo và tem phiếu cho những người  làm việc cho khối nhà nước và thân nhân ruột thịt của họ để đảm bảo một cuộc sống ổn định.

(3) Tạp chí Thơ in luận văn về Tố Hữu của tác giả Nguyễn Phú Trọng không có lợi cho ông của Đỗ Hoàng –(vannghecuocsong. com/…/ ta vanghegiangnamlangtu. wodpress. com/2014/09/07/

(4) www. sggp. org. vn/chinhtri/2010/5/255123/

(5) Thơ chúc Tết năm 1961 của Hồ Chí Minh

(6) Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải (Thời báo kinh tế Sài gòn. 03. 05. 2014

(7) “Dự thảo chưa vang vọng như lời hiệu triệu” ( Tuổi Trẻ online 23. 10. 2013)

(8) Lời kêu gọi của Chủ Tich Hồ Chí Minh 50 năm trước (Tuổi Trẻ Online 17. 7. 2016)

(9) Bài nói chuyện về CNXH của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Cuba (SGGP Online 11. 4. 2012)

(10) John Kerry:´Chỉ có chủ nghĩa tư bản´ ở Việt Nam (BBC Tiếng Việt 13. 10. 2016)

(11) Toàn văn bài nói chuyện của Tổng Bí thư tại CSIS (www. vietnamplus. vn/ 9. 7. 2015)

(12) Ủy ban bảo vệ Ký giả lên tiếng về những vụ bắt bớ bloggers Việt Nam (VOA 9. 12. 2014)

(13) Tổng bí thư VN nằm trong danh sách ´kẻ thù tự do báo chí´ (VOA 13. 11. 2016)

(14) Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư về công tác dân vận (baochinhphu. vn/Tin-noi-bat/Toan-van…/255067. vgp)

(15) “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” – Cảnh báo nguy cơ (Tạp chí Cộng sản 2. 06. 2015

(16)Tổng Bí thư: “Chống nội xâm khó vì tự ta đánh vào ta” (Dân trí 17. 10. 2016)

(17) Tham nhũng lan vào chốn thiêng liêng (BBC Tiếng Việt 26. 9. 2016)

(18) Quan điểm và cách nhìn nhận của học giả Việt Nam về sự sụp đổ của Liên xô và tiền đồ chủ nghĩa xã hội (www. chungta. com. Tư liệu nguồn & tra cứu 30. 07. 2010)

6 bình luận to “11.295. Cần nhận biết sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn của ông Trọng trong công tác xây dựng và lãnh đạo đảng”

  1. […] Cần nhận biết sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn của ông Trọng trong c… […]

  2. […] 11.295. Cần nhận biết sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn của ông Trọng… […]

  3. […] Quí Trọng và Lê Quang Ngọ (Ba Sàm) – “Lịch sử thế giới đã chứng minh, giống như các triều đại phong […]

  4. […] Cần nhận biết sự mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn của ông Trọng trong c… […]

  5. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/11/11-295-can-nhan-biet-su-mau-thuan-giua-ly-luan-va-thuc-tie… […]

  6. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/11/11-295-can-nhan-biet-su-mau-thuan-giua-ly-luan-va-thuc-tie… […]

Sorry, the comment form is closed at this time.