BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2588. CNN: Vì sao một giàn khoan có thể gây bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam?

Posted by News trên 26/05/2014

CNN

Tác giả: Hilary Whiteman

Người dịch: Đỗ Quyên

19-5-2014

Đôi lời: Trong các vấn đề quốc tế, báo chí quốc doanh ở Việt Nam lâu nay vẫn còn giữ một “căn bệnh” của truyền thông thời chiến, đó là bệnh thành tích, bệnh “tự khen” hoặc thổi phồng đánh giá của cộng đồng quốc tế theo hướng khen mình, ví dụ “thế giới ủng hộ”, “quốc tế đứng về phía Việt Nam”, v.v.

Gần đây, khi tình hình quan hệ Việt-Trung và tranh chấp trên Biển Đông đã đẩy Đảng và Nhà nước đến mức buộc phải đề cập đến “Công hàm Phạm Văn Đồng 1958”, truyền thông nước nhà cũng vẫn tiếp tục tìm cách nhấn mạnh “thế giới ủng hộ Việt Nam”, “không nước nào công nhận chủ quyền Hoàng Sa của Trung Quốc”… Trong khi đó, cụ thể thế giới đã có những quan điểm gì về vấn đề Hoàng Sa và Công hàm Phạm Văn Đồng, thì không thấy báo chí nào đưa tin rõ ràng, đầy đủ.

Vào ngày 15/5, ông Sam Bateman, một học giả Singapore, đã có bài phân tích cho rằng Công hàm Phạm Văn Đồng làm hại đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Bốn ngày sau, CNN đăng một bài viết về tranh chấp chủ quyền Việt Nam-Trung Quốc, trong đó trích dẫn trực tiếp ý kiến của ông Sam Bateman.

Điều này cho thấy thực sự quốc tế không hoàn toàn ủng hộ ta như ta vẫn tưởng, và nhiệm vụ của giới truyền thông cũng như giới nghiên cứu nước nhà là phải cung cấp đầy đủ thông tin xác thực, khách quan cho người đọc, đẩy mạnh đấu tranh pháp lý mới mong phần nào hóa giải Công hàm tai hại này. Lừa mị nhau bằng những thông tin một chiều kiểu “thế giới ủng hộ” sẽ chẳng mang lại kết cục nào tốt đẹp.

H1

Hong Kong – Khi công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu đến khu vực tranh chấp trên Biển Đông (nguyên văn: South China Sea – biển Hoa Nam), sự kiện đó đã châm lửa vào một xung đột âm ỉ kéo dài giữa Trung Quốc và nước láng giềng cộng sản Việt Nam.

Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh hẳn phải biết động thái này sẽ gây ra một phản ứng nào đó, nhưng rõ ràng Bắc Kinh không lường trước được là họ sẽ phải sơ tán hàng nghìn công dân Trung Quốc đang tuyệt vọng, để giúp dân tránh xa những cuộc biểu tình bạo lực ở Việt Nam.

“Toàn bộ câu chuyện dường như đầy những tính toán sai lầm, có lẽ của cả hai phía, nhưng nó cho thấy khu vực này mong manh và dễ xáo động đến như thế nào” – Alexander Neill, nghiên cứu viên cao cấp tại Đối thoại Shangri-La và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) phân nhánh châu Á, nhận định.

Mấu chốt của vấn đề hiện nay là giàn khoan dầu được đặt ở vùng biển mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền. Việt Nam lên án việc triển khai giàn khoan dầu ở đây là “bất hợp pháp”, trong khi đó Trung Quốc khẳng định họ có đầy đủ quyền để khoan dầu, và họ chỉ trích chính quyền Việt Nam là đã không đảm bảo được an toàn cho công dân Trung Quốc.

Để hiểu vấn đề, chúng ta cần phải xem xét vị trí chính xác của giàn khoan dầu.

Giàn khoan nằm ở đâu?

Vào đầu tháng 5, Bắc Kinh thông báo giàn khoan HD-981 sẽ được trên biển để làm công tác thăm dò dầu khí cho đến giữa tháng 8. Thuộc sở hữu của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, giàn khoan đóng tại lô 143, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía đông, và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 180 hải lý về phía nam, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

tọa độẢnh trên CNN: Tọa độ của giàn khoan HD-981 (nguồn: CSIS)

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc CSIS, có lẽ Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các quyền của Trung Quốc ở địa điểm này dựa trên mặc định rằng giàn khoan nằm chỉ cách quần đảo Paracel – mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ – có 17 hải lý về phía bắc, cho phép họ có quyền xác định thềm lục địa riêng trong khu vực.

Trung Quốc gọi quần đảo Paracel đang tranh chấp đó là quần đảo Tây Sa, còn ở Việt Nam, nơi này được gọi là quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam thì nói vị trí của giàn khoan nằm chính xác trong thềm lục địa của Việt Nam, hơn thế nữa, còn là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Hà Nội đã yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan về, đưa tàu ra khỏi khu vực và cùng đàm phán để giải quyết vấn đề.

Trung Quốc dùng tàu hải quân và máy bay chiến đấu hộ tống đưa giàn khoan ra vị trí hiện tại, kéo theo Việt Nam cũng triển khai tàu đến khu vực, làm căng thẳng leo thang trên biển. Phía Việt Nam buộc tội tàu Trung Quốc đã đâm va và phun vòi rồng vào tàu của họ. Phía Trung Quốc nói, tất cả các đụng độ đều do Việt Nam khiêu khích.

Xung đột trên đất liền

Cách rất xa nơi xảy ra đụng độ trên biển, những cuộc biểu tình đầy bạo lực cũng đã bùng nổ ở nhiều nhà máy do người Trung Quốc và Đài Loan sở hữu hoặc điều hành, chủ yếu ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Bình Dương.

Video clip: Trung Quốc đàn áp người bất đồng chính kiến

Video clip: Bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam

Những người biểu tình đập phá cổng, đốt công ty, tấn công tất cả những gì có vẻ có nguồn gốc Trung Quốc, kể cả dân chúng.

Vào hôm chủ nhật, 18/5, Trung Quốc điều máy bay đến sơ tán 290 công dân, trong đó có 100 người bị thương trong vụ bạo lực mới nhất.

Video do truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc công chiếu, cho thấy tại sân bay Thành Đô, một số người đi khập khiễng hoặc đang được di chuyển từ máy bay y tế xuống đất, nhiều người chân tay bị băng bó. Cơ quan chức năng cho biết có 2 công dân Trung Quốc đã bị thiệt mạng trong xung đột trước đó.

Tân Hoa Xã thông báo, khoảng 7000 người Trung Quốc đã lên tàu hoặc chuẩn bị lên tàu chạy trốn trong tuần (từ 18 đến 25/5). Một bài xã luận đầy giận dữ trên trang mạng của Tân Hoa Xã tuyên bố, các cuộc biểu tình do “những phần tử bạo động phi lý trí” sẽ không bao giờ có thể củng cố “yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Hà Nội đối với biển đảo của Trung Quốc trên biển Hoa Nam”.

Ai đúng ai sai?

Trong khi có nhiều nhà bình luận cho rằng Việt Nam có đầy đủ quyền để có thể cảm thấy phẫn nộ về giàn khoan dầu của Trung Quốc, có ít nhất một nhà phân tích khẳng định vấn đề không hề rạch ròi như một số người tưởng.

“Gần gũi về địa lý không thôi thì không phải là một cơ sở rõ ràng cho việc ra yêu sách chủ quyền hay quyền chủ quyền” – Sam Bateman viết trên tờ Eurasia Review.

Bateman, một nghiên cứu viên cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa bị “suy yếu nghiêm trọng” vì miền Bắc Việt Nam vốn đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, và cũng không phản đối gì từ năm 1958 đến năm 1975.

Vào năm 1974, hai nước đánh nhau trong trận Hải chiến Hoàng Sa. Trận này kết thúc với thắng lợi thuộc về Trung Quốc và họ kiểm soát hoàn toàn cả các đảo Hoàng Sa lẫn vùng biển bao quanh đó.

Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, các lãnh đạo của nước này đã công khai nhắc lại chủ quyền của nước mình với quần đảo, nhưng vấn đề chính thì vẫn không giải quyết được. Vào tháng 1 năm nay, các nhà hoạt động ở Việt Nam đã hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc và đặt hoa tưởng niệm hơn 70 lính Việt Nam bị thiệt mạng trong trận giao chiến 40 năm về trước.

Động cơ của Trung Quốc là gì?

Xét bề ngoài thì dầu lửa có vẻ là lý do tại sao Trung Quốc đặt chân vào vùng biển tranh chấp, tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng rõ ràng chính trị mới là cái chính.

“Với những động thái kiểu này – đặt một giàn khoan dầu vào một địa điểm như thế – bạn có thể nói rằng nó tạo cho Trung Quốc toàn quyền hành động để mở rộng hoạt động của hải quân trong khu vực và thể hiện sức mạnh xa hơn nữa trên Biển Đông” – Neill nói.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc nhúng vào những việc nhạy cảm trong khu vực, bằng cách gây ồn ào và cố ý xâm nhập vào những địa điểm đang tranh chấp. Từng có những vụ đụng độ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xoay quanh chủ quyền của quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư trong mấy năm gần đây, và Trung Quốc đã cãi vã với Philippines về những yêu sách chủ quyền đối kháng tại bãi cạn Scarborough.

Trong một tuyên bố ra ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá động thái mới nhất của Trung Quốc là “một phần nhỏ trong lối hành xử của Trung Quốc nhằm xúc tiến các yêu sách chủ quyền của mình đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp, theo một cách phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trung Quốc phản ứng như thế nào?

Sự hung dữ trong các cuộc biểu tình của người Việt Nam có vẻ đã khiến Trung Quốc rất ngạc nhiên, và Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng sự không hài lòng của họ với cách Việt Nam xử lý tình hình.

Hôm 18/5, Trung Quốc tuyên bố họ đã ngừng một số chương trình trao đổi song phương với Việt Nam. Họ cũng cảnh báo công dân của nước mình rằng đến Việt Nam là không an toàn, đồng thời, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin, nhiều công ty du lịch Trung Quốc đã hủy tour đến Việt Nam.

Trung Quốc còn cảnh báo về các hình thức trừng phạt khác (nhưng chưa nói cụ thể là hình thức gì), có ý ám chỉ rằng họ sẽ sử dụng đòn kinh tế. Theo báo chí Trung Quốc, năm 2013, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt hơn 50 tỷ đô-la, và Việt Nam phụ thuộc rất chặt chẽ vào đầu tư nước ngoài.

Bình luận của Tân Hoa Xã: “Chính quyền Viêt Nam nên đến bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn, đừng để bị sa lầy trong chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhằm tránh làm bạo lực leo thang và phức tạp hóa tình hình biển Hoa Nam”.

“Nếu Việt Nam ngừng ngay lập tức bạo lực và tất cả các hình thức khiêu khích khác, thì sẽ có thể hợp tác với Trung Quốc để khai thác đầy đủ tiềm năng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính và chuyển giao công nghệ”.

Việt Nam phản ứng ra sao?

Chính phủ Việt Nam, mặc dù vẫn yêu cầu Trung Quốc phải đi khỏi khu vực tranh chấp, nhưng cũng cho biết là họ đã tiến hành các bước ngăn ngừa biểu tình. Họ gọi các cuộc biểu tình là “hành động tự phát” bởi các cá nhân “lợi dụng tình hình để gây rối trật tự công cộng”.

Hàng trăm người đã bị bắt, và chính quyền đã hứa với các nhà đầu tư nước ngoài rằng việc bảo đảm an ninh cho giới đầu tư nước ngoài có một “tầm quan trọng đặc biệt”.

Mọi chuyện có thể kết thúc như thế nào?

Alexander Neill thuộc IISS dự đoán, quan hệ giữa hai nước sẽ căng thẳng một thời gian, nhưng chắc chắn là mối giao thương giữa hai nước sẽ mở ra một lối thoát để đi lên phía trước.

“Tôi nghĩ là có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng quan hệ đảng-đảng, tức là quan hệ giữa hai đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam với nhau, có một sự thông hiểu nhau rất sâu sắc. Tôi không nghĩ điều đó chắc chắn đúng. Tôi cho là mối quan hệ này chỉ có tính chất trang điểm bề ngoài”.

“Cốt lõi của mối bang giao là nằm ở thương mại, cho nên thương mại có thể là lĩnh vực sẽ mở ra lối thoát, hay là lĩnh vực mà tại đó, các kênh truyền thông sẽ lên tiếng nhiều hơn là chỉ trích nhau về chính trị”.

“Chính quyền Việt Nam không thể chịu được việc để mất đi lượng lớn vốn đầu tư vào nền kinh tế của mình”.

Nguồn: CNN

26 bình luận to “2588. CNN: Vì sao một giàn khoan có thể gây bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam?”

  1. […] 2268. CNN: Vì sao một giàn khoan có thể gây bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Na… […]

  2. […] 2268. CNN: Vì sao một giàn khoan có thể gây bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Na… […]

  3. Hồ Tập Chương said

    Ông PVĐ đã gửi công hàm có nội dung ghi nhận,tán thành và tôn trọng tuyen bố của TQ.
    Chỉ có chính thể khác mới có thể bác bỏ công hàm của ông đồng mà thôi,

    • Nguoi Viet said

      Thật ra ông Đồng làm quá bậy, đem quyền lợi dân tộc ra bán bằng tình hữu nghị vô sản đấy hay nói một cách khác là ông trung quốc lừa những tên giáo điều ngu xuẩn ! Thật vậy nói gì thì nói công hàm của PVD đã bảo công nhận công bố của TQ về lãnh hải và biển đảo mà trong công bố này TQ có đề cập đến Tây Sa và Nam Sa . Chứ không thể bảo là trong công hàm PVD không đề cập về HS và TS được . Các ông đĩnh cao ăn nói lương lẹo như vậy để chay tội với đất nước là không được !!!

      Tuy nhiên , cái công hàm của Đồng là không có giá trị vì cnính phủ mà Đồng (hay vàng cũng vậy)là thủ tướng không quản lý HS va TS mà nó thuộc về chính phủ Việt Nam Công Hòa !

      Tuy nhiên một điều cần nhấn mạnh là các bác đỉnh cao trí tuệ Ngu bỏ mẹ và luôn đặt quền lợi đảng lên quyền lợi tổn quốc nên bị mấy cái Hán nó lừa ! có vậy thội !

  4. Lý Đảo Chính said

    AnhBaSam cũng kiểm duyệt nữa hả? Tự do ngôn luận, tự do thông tin là không kiểm duyệt, không hiểu tại sao chúng ta lên án chế độ độc đảng độc tài chỉ làm theo ý mình, chúng ta cỗ vũ cho tự do dân chủ, chúng ta khích lệ mọi người được bày tỏ ý kiến thực tâm của mình mà giờ đây chúng ta tạo ra một trang báo có kiểm duyệt. Tôi thích trang báo Đatviet và Danlambao không bao giờ kiểm duyệt. Ai phản hồi bậy bạ sẽ bị người khác tẩy chay từ từ là sợ không dám nói bậy nữa. Còn các ý kiến trái ngược nhau là chuyện Bình Thường Thôi.

  5. nguyenmutat said

    Công hàm Phạm văn Đồng chỉ là một văn bản đơn giản là tình thế nhưng văn bản đó có giới hạn là lãnh thổ Hoàng Sa lúc đó đâu có phải là của VNDCCH ? mà là của Chính quyền CHVN quản lý thật sự cho nên công hàm PVĐ không có nhắc đến Hoàng Sa hơn nữa ông PVĐ cũng thừa hiểu lịch sử Hoàng Sa từ thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh…..
    Tác giả viết bài này cũng mơ hồ như nhà báo Nga của TTX RIA mà thôi! Nếu không nói nặng lời là BỢ TÀU.

  6. Cai Tien said

    Bài viết này thể hiện phần nào (nếu không là phần lớn) quan điểm của thế giới đối với vụ giàn khoan HD981. Có hai điểm nhấn đáng đề cập:

    1. Để đáp lại cái lý của TQ (Công hàm Phạm Văn Đồng, TQ tuyên bố chủ quyền HS và VN không đề kháng từ 1958 đến 1975) VN nên khởi xướng vấn đề pháp lý kiện TQ ra tòa án quốc tế khẳn cấp. Không kiện bây giờ thì đợi đến khi nào? Nếu không kiện là đã gián tiếp công nhận TQ chủ quyền HS. Có những ý kiến như kiện cũng sẽ không kết quả, “bát nước đổ khó lấy lại” v.v…, nó không đúng đắn, phải hiểu vấn đề trước hết là kiện TQ để công khai tuyên bố chủ quyền HS/TS là của VN trên toàn án quốc tế.

    2. “…Trung Quốc tranh chấp với láng giềng cộng sản Việt Nam…” đây là quan điểm của thế giới, TQ và VN là “anh em đồng minh” của nhau thế giới không ai là đồng minh của VN cả, hay nói cách khác “anh em chúng nó chọi nhau không liên quan đến ta”. Trong khi chỉ có Phi, Nhật và Mỹ lên tiếng TQ hành động khiêu khích nguy hiểm các quốc gia khác kêu gọi giải quyết ôn thỏa song phương trên tư thế trung lập không nghiên về VN hay TQ. Truyền thông VN cũng nên trung thực, cân nhắc trong việc hô hào “thế giới ủng hộ”, “quốc tế đứng về phía Việt Nam”.

    Thời điểm này hơn lúc bất cứ lúc nào VN cần một lập trường đúng đắn. Nếu muốn “quốc tế đứng về phía Việt Nam” thì biết bao nhiêu nhân sỹ trí thức đã phân tích rồi, VN phải tuân thủ thực thi nhân quyên như đã ký cam kết, cải cách thể chế đột phát, dân chủ hóa để hòa nhập với quốc tế. Đây cũng không là khái niệm mới mẽ gì, ông Dũng đã tuyên bố như thế đầu năm nay, ông Sang đã viến thăm Mỹ năm 2013 tuyên bố hợp tác chiến lược toàn diện. Đây là lúc thật hành. Về quan hệ Việt-Trung thì không việc gì phải bỏ hợp tác kinh tế hữu nghị, 4 tốt 16 vàng cũng chẳng hại gì. Sự khác biệt là VN sẽ có thế đứng vững chắc trên mọi giao dịch với TQ hơn là sự “trung thành chủ tớ” và TQ buộc phải ứng xử trên tư thế bình đẳng với VN, một nước nhỏ nhưng thế lực mạnh mẻ.

    • Nguoi Viet said

      Có hai điểm cần bàn :

      – Chưa nói bài báo trên là đúng hay sai ở đây Basam muốn nhấn mạnh một điều là báo chí VN còn mang tính tuyên truyền chưa thật với nhân dân khi cho rằng tòan thế giới chỉ nói có lợi cho VN . Chưa đâu cũng có những báo, đài vì lý do này khác nói sai sự thật bẻ con ngòi bút có lợi cho tàu để từ đó nhân dân VN cố gắng hơn trong mặt trận truyền thông !

      – Bác nói đúng, để có được sự ủng hộ của thế giới dân chủ chúng ta cũng phải chấp nhận khái niệm phổ quát về dân chủ . Ví dụ các bác nhà ta đòi Trung Quốc phải tuân thủ nguyên tác quốc tế thì chí ít các bác cũng phải tuân thủ trước các k luật quốc tế với người dân mình thì khi có gì người ta mới hổ trợ chân tình !

      Chứ không thể các bác đỉnh cao trí tuệ bịt miệng người dân, ai phản đối ôn hòa, tự do phát biểu bác bắt nhốt người ta rồi bao nước tôi có luận lệ riêng thì anh tàu khựa cũng ngổ ngáo bảo anh ta chơi theo luận cậy mạnh nói bừa của anh ta mà thôi !

  7. hái hoa said

    Một bài viết hời hợt

  8. manh hung said

    Cai tua de cua bai bao tren da thay het suc vo ly. Chi vi cai goi la dan khoan ma sinh ra bao dong??? Day khong phai chi la cai dan khoan ma la cai dan khoan do dat o dau? No nhu la mot mui khoan Dam thang vao trai tim nguoi Viet. Bao dong the la con it, giet duoc co hai mang giac Tau van con la it…Vay so sanh bao loan ma chinh phu Tau khua bat den xanh cho bon Tau no tan cong xe cua Dai su Nhat thi sao? Thang nao du con vo hoc hon?? Thang TAU

  9. Hai Lúa said

    Bài viết phân tích phiến diện, xin lỗi là Lúa tôi không cho rằng tác giả bài này am hiểu về tình hình chính trị cũng như mối quan hệ chằng chéo giữa VN và TQ. Tác giả đem công hàm Pham Vă Đồng ra mà hăm doạ, một công hàm chỉ có tính ngoại giao không phải văn kiện, nó không có giá trị bằng hiệp định Genever năm 1954- khi TQ là thành viên. TQ dùng bạo lực cưỡng chiếm Hoàng Sa là vi phạm hiến chương LHQ.
    Tác giả lại đem cái cân kết “Chính quyền Việt Nam không thể chịu được việc để mất đi lượng lớn vốn đầu tư vào nền kinh tế của mình”. một lôi suy diễn vừa kích bác vừa miệt thị. Tác giả này có hiểu một chút gì về chủ nghĩa dân tộc không? Chắc chắn sự phụ thuộc của Ukcraine vào Nga, của Tân Cương vào TQ còn lớn gấp bội phần nhưng rồi kết quả ra sao?
    Vào thế kỷ 21 rồi, không có một dân tộc nào được quyền cho phép họ chà đạp, nô dịch lên một dân tộc khác cho dù sự lệ thuộc về kinh tế lớn tới đâu.
    Myamar là một vì dụ, chỉ cần thoát Tàu, Myamar đã được Mỹ hỗ trợ, được Nhật xóa khoản nợ hàng chục tỉ dollars, khoản tiền lớn hơn nhiều lần những khoản đầu tư kiểu vơ vét tàn phá mà TQ rót vào Myamar.
    Chỉ càn thoát Tàu, làm bạn với các nước dân chủ, chúng ta chẳng sợ TQ.

  10. Ts. Nguyễn Thạch Cương said

    bài viết trên tôi cho là không đúng, xin lỗi nếu tôi nói sai: “phải chăng tác giả đã nhận tiền của trung cộng?”, dù ảnh hưởng của công hàm PVĐ có thể hơi bất lợi một chút?, nhưng các nhà sử học và các tư liệu lịch sử của Vietnam hiện có chẳng lẽ là đống giấy phế liệu?, vả lại các chuyên gia, luật sư cả trong và ngoài nước lại không GIỎI HƠN TÁC GIẢ BÀI VIẾT?, vấn đề là : Nhà nước vietnam có biết tận dụng, sử dụng và tập hợp tài liệu cũng như chất xám của các luật sư và học giả Vietnam ở trong và ngoài nước như thế nào mà thôi. Đó chính là sức mạnh của dân tộc ta…Tôi tin chính nghĩa là của chúng ta.

  11. Tào Lao said

    “Cốt lõi của mối bang giao là nằm ở thương mại, cho nên thương mại có thể là lĩnh vực sẽ mở ra lối thoát, hay là lĩnh vực mà tại đó, các kênh truyền thông sẽ lên tiếng nhiều hơn là chỉ trích nhau về chính trị”.
    Cha này cố tình lừa Việt Nam. Thương mại rồi sao nữa? Thương mại rồi để Trung Cộng khai thác dầu? đánh giết ngư dân? tàu bè Việt Nam đi ngang phải xin phép đóng thuế … Chưa nói thương mại với Trung Cộng đã làm cho Việt Nam điêu đứng mà ai cũng biết.
    Có khi cái giàn khoan này lại là một tiếng sét may mắn làm cho chính quyền Việt Nam phải giật mình xem xét lại (Chứ dân chúng thì đã biết từ lâu).

  12. […] Basamnews […]

  13. […] CNN: Vì sao một giàn khoan có thể gây bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam? (CNN/ Ba Sàm). – Mời xem lại: “Công hàm Phạm Văn Đồng làm lung lay yêu sách […]

  14. Nguoi Viet said

    Đây không chỉ là não trạng chinh phủ VN mà có là tính cách của người Việt nữa ! Hãy nhìn các comments bên dưới các bài bình luận trên các báo online của VN hay của nước ngòai viết bằng tiếng Việt thì biết ngay . Nhiều bài bình luận thật hoan tưởng như tự sướng là các chú nhà mình hoan hô , tâng bốc trong khi một số bài nói lên sự thật mà người Việt cần hiểu để thay đổi chính bản thân mình để dân tộc tiến liên thì bị chưởi bới thậm tệ . Tôi lấy ngay một vài ví dụ: những bài nói về tật xấu của người Việt làm nước khác khinh khi (một thực tê’) nhưng các chú thay vì tiên trách kỷ các chú văng tục sĩ diện ! trong khi những bình luận tâng bóc ảo tưởng (ví dụ một số hão sĩ nhà báo lá cải VN như tay Ngọc Thống gì đấy) thì các chú nhà mình hoan hổ ! Phải chăng tính tự sướng ảo tưởng là bản chất của đa số người Việt !

    • Lý Đảo Chính said

      Đó là do kiểm duyệt của các tờ báo của đảng lãnh đạo, ai tưng bốc thì ban biên tập cho đăng, ai phản biện chê bai thì nằm mơ cũng không thấy ý kiến của mình hiện lên. Phần lớn tính cách con người do nền giáo dục của một chế độ nhào nặn ra. Sao cũng cùng xuất phát từ dân tộc Hoa nhưng dân HongKong, Đài Loan và Singapore so với dân Trung Quốc đại lục có suy nghĩ và xử sự khác xa nhau. Hay dân Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cũng có tính cách khác nhau. Sa lầy trong thời bao cấp và chế độ XH bất bình đẳng ngày nay đã làm cho một bộ phận người dân chỉ biết ích mình hại người, có thể dùng thủ đoạn hạ tiện nhằm đạt mục đích, lấy sự giả dối làm mỹ phẩm trang điểm, thi thố lòng tham để chứng thực vị thế trong xã hội. Mức độ tham lam, giả trá, nói năng thô thiển chửi thề mỗi vùng miền có khác nhau. Nhưng nói về sự giả trá, khoa trương, tự sướng ảo và tham tàn thì trong giàn lãnh đạo nơi nào cũng có.

  15. cumi said

    Chung toi rat ung ho y cua o cu ha huy vu. Cung nhu y kien cua quy bao Basam.

  16. […] 2267. CNN: Vì sao một giàn khoan có thể gây bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt&nbs… […]

  17. […] Basam […]

  18. nieman said

    Bài viết của thằng cha Sam Bateman có nhiều sơ hở, thông tin thiếu chính xác, nói chung là thiếu khách quan một cách có chủ ý nhằm có lợi cho Trung Quốc. Cái này cũng để hiểu vì Trung Quốc lâu nay đầu tư khá nhiều cho giới học thuật nhằm tuyên truyền, thuyết phục thế giới tin vào các lập luận của họ, trong khi Việt Nam thì chỉ tuyên truyền trong nước là chính thôi. Mà ngay cả tuyên truyền trong nước cũng giấu giếm bưng bít, như vụ công hàm Phạm Văn Đồng. Cũng ví như nhà có ông bố cờ bạc nghiện hút, viết giấy gán nợ cho bọn bất lương. Bây giờ nó cầm giấy đến đòi nhà đòi đất thì trước hết phải công khai hóa xem văn tự viết gì, trong hòan cảnh nào, có tệ lắm không, có chỗ nào còn có thể cứu vãn được. Nếu cần thiết thì phải xin ý kiến chuyên gia pháp luật . Đằng này cứ ỉm đi, chối bay chối biến, thậm chí còn cãi cố rằng văn tự ấy không có giá trị, không ảnh hưởng gì, là khôn ngoan sáng suốt về ngoại giao trong hoàn cảnh đặc thù. Vẫn ca ngợi kẻ ký công hàm kia là tài giỏi lỗi lạc, vinh danh đủ thứ. Thái độ kiểu ấy thì chưa kiện đã thua. Ca ngợi thằng ngu thì đến bao giờ khôn?

  19. Sao Mai said

    Một bài phân tích thiếu thấu đáo khi không nhìn thấy hết suốt chiều dài lịch sử chống xâm lược của dân tộc và mưu đồ xâm lược của tàu cộng.

  20. Hoàng Sa said

    Thực chất cuộc biểu tình bạo động vừa qua ở Bình Dương, Hà tĩnh hoàn toàn không phải tự phát, mà hoàn toàn có tổ chức do đảng và nhà nước đứng đàng sau giật dây. Hãy xem phóng sự ” Giữa dòng bạo động” của nhạc sĩ Tuấn Khanh thì rõ. Ngày thường thì đi đâu cũng thấy công an, CSGT, đến hôm đó thì thật là lạ không thấy cảnh sát tăm hơi bóng dấng. Rõ ràng là có một sự sắp đặt từ trước. Cuộc biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/5 thỉ có 100-200 người thì đã bị chận đứng. Cuộc ngày 11/5 thì cũng bị phá rôí bởi LL phản biểu tình. Còn cuộc bạo động ở Bình dương, Hà Tĩnh thì hoàn toàn không bị ngăn trở.
    Ở đây, Đcsvn đã bắn một mũi tên nhằm 2 đích. Thứ nhứt khêu gợi tinh thần bài Trung cộng, thứ hai nhân vụ bạo động này cấm hẳn biểu tình luôn. Nhất cử lưỡng tiện. Chỉ iếc rằng họ không lường trước sự việc đi quá xa, khi bạo động bùng phát thì họ không kiểm soát nổi, dẫn đến thiệt hại và hậu quả khôn lường.

  21. Hoa Cải said

    Ông này huyên thuyên một thôi một hồi rồi chốt hạ một ý hết sức vớ vẩn rằng “Tôi nghĩ là có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng quan hệ đảng-đảng, tức là quan hệ giữa hai đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam với nhau, có một sự thông hiểu nhau rất sâu sắc. Tôi không nghĩ điều đó chắc chắn đúng. Tôi cho là mối quan hệ này chỉ có tính chất trang điểm bề ngoài”. Rất sai! Đây là mối quan hệ giữa đồng chí lớn trói ké đồng chí nhỏ. Đồng chí nhỏ muốn tồn tại phải chấp nhận sự trói buộc của đ/c lớn, chứ không phải “trang điểm”.
    Mối quan hệ “đảng-đảng” là chỗ dựa quyết định đồng thời là mối quan hệ sống còn của đảng và cũng là của chế độ XHCN Việt Nam. Ai cũng thấy đó là sự thật, ai cũng đều tin tưởng nếu không còn mối quan hệ “đảng- đảng” Trung-Việt như hiện tại, mà chuyển hướng chính trị đồng hành với phương Tây thì đảng VC sẽ đi toi, mà đảng TC cũng bị trọng thương. Sự thật hoàn toàn là vậy. Sao ông này có thể tùy tiện đến mức tào lao cho rằng nó “chỉ có tính chất trang điểm bề ngoài”. Ông giỏi gỡ bỏ cái gọi là “trang điểm bề ngoài” ấy thử coi sao. Bảo đảm với ông rằng nó sẽ lồ lộ một khuôn mặt như vừa bị tạt axit nguyên chất.

    • D.N.L. said

      Tôi cũng rất đồng ý với bác về nhận định vớ vẩn của người viết đứng ở ngoài nhìn vào trong
      nước ta rồi khẳng định sai mà tưởng mình đúng “có một quan niệm sai lầm phổ biến…”.
      Thật là lý luận vô căn cứ của kẻ bàng quan,chỉ nhìn sự việc diễn ra bên ngoài chứ chưa biết
      sâu xa về lịch sử chống giặc Tàu xâm lược của VN.và ngược lại lịch sử Trung Hoa có tham
      vọng nuốt chửng VN.mà chưa bao giờ thành công.
      Thế nhưng,thời cơ này là vô cùng thuận lợi cho thủ đoạn bành trướng khi giặc Tàu có chung
      chế độ CS.với VC.và cái thòng lọng “4 Tốt+ 16 chữ vàng” do đàn em tự nguyện buộc vào.

Bình luận về bài viết này