BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2568. Biểu tình hay bạo động, đã tới lúc không thể thiếu luật biểu tình?

Posted by adminbasam trên 20/05/2014

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

20-05-2014

* Từ thực tế tất yếu xảy ra

Bất ổn biển Đông gây ra bởi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan dầu HD 981, nặng 30.000 tấn, từ đầu tháng ở địa điểm lấn sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam, dự tính kéo dài tới tháng 8.2014. Đường ranh giới EEZ nói trên cách đảo Phú Lâm 60 hải lí, và quần đảo Hoàng Sa Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm rồi tuyên bố chủ quyền 70 hải lí. Như vậy, vị trí HD 981 cũng nằm bên trong EEZ của quần đảo Hoàng Sa. Nhưng Trung Quốc không phải quốc gia quần đảo, nên dù tuyên bố chủ quyền thì đường EEZ này cũng không được Công ước Quốc tế về luận biển thừa nhận. Vị trí HD 981 cũng cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, 183 hải lí, tức cũng nằm trong EEZ 200 hải lí của đảo này, nhưng lại cách bờ biển Việt Nam chỉ 132 hải lí, nên đã vượt quá trung tuyến phạm vào EEZ của Việt Nam. Nghĩa là dù tính toán trên cơ sở nào, chiểu theo Công ước, vị trí HD 981 cũng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế EEZ Việt Nam. Nhưng bất chấp, với tuyên bố trước sau như một, vị trí giàn khoan nằm trong EEZ của họ „không thể tranh cãi“, Trung Quốc từ đầu tháng tới nay đã huy động tới trên trăm tầu các loại, hải giám, hải cảnh, tàu hàng, tàu cá giả dạng bọc thép, đầu kéo, tầu chiến, tầu tên lửa tấn công nhanh kèm máy bay tuần thám hỗ trợ, bố trí thành 4 vòng bảo vệ, tấn công, khiêu khích, xua đuổi các tầu chấp pháp Việt Nam đang thực hiện chủ quyền. Vòng 1 ngay chân giàn khoan gồm các tàu hậu cần phục vụ, tàu kéo. Cách giàn khoan từ 1 đến 1,5 hải lý là các tàu vận tải và tàu hải cảnh, hải giám. Vòng thứ 3 là các tàu chính phủ có tốc độ cao, trọng tải lớn. Còn vòng ngoài cùng là các tàu quân sự.

Một khi tranh chấp lấy Công ước quốc tế làm thước đo, thì không còn con đường nào khác ngoài viện đến Toà án Trọng tài Liên hợp quốc, nếu mọi thoả hiệp đều bế tắc, thiếu đối tác quân sự chiến lược khả dĩ, và vũ lực không phải cứu cánh. Chừng nào chưa viện tới thì chừng đó tranh chấp không một ai có thể quả quyết loại trừ; nguy cơ bất ổn, chiến tranh cục bộ, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Trách nhiệm giải quyết thuộc về nhà nước, dù ở nước nào cũng chưa và không bao giờ thay thế được bằng hội đoàn hay biểu tình.

Tuy nhiên, đường biên còn thuộc phạm trù tổ quốc, quê hương, dân tộc mang ý nghĩa vô giá thiêng liêng tới mức „Quê hương nếu ai không có, sẽ không lớn nổi thành người“, nên hành động Trung Quốc không thuần túy chỉ mang tính pháp lý vi phạm Công ước Quốc tế mà đã đánh thẳng vào lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, lương tri của mọi người Việt ở bất cứ đâu, hiện quốc tịch gì, giai tầng nào, tất yếu gây nên làn sóng biểu tình sôi sục khắp nhiều tỉnh thành, cả trong lẫn ngoài nước, rộng lớn chưa từng có xưa nay, cho dù nơi đó có luật biểu tình hay không. Thực tế đó khẳng định chân lý thời đại: biểu tình là „quyền tạo hoá của mỗi con người“ không phụ thuộc thể chế nhà nước, luôn tồn tại, câu hỏi có chăng chỉ là sẽ xảy ra ở đâu và bao giờ? Thừa nhận và bảo đảm nó thì mang lại hiệu qủa tích cực. Phủ nhận, cấm đoán hậu quả có thể khôn lường, hệ lụy đổ xuống cả người biểu tình lẫn dân chúng và nhà nước.

*Lý thuyết và thực tế về biểu tình và xã hội dân sự

Khái niệm phổ quát về „biểu tình“ được hiểu là một sự „đồng tình“ tập hợp „nơi công cộng“ để „biểu đạt“ chính kiến tư tưởng tình cảm của họ, thường xảy ra khi xuất hiện chính sách hay sự kiện nào đó, nhằm ủng hộ hay phản đối nó. Vì vậy thực tế ở những nước thừa nhận biểu tình với nội hàm trên, không bao giờ do nhà nước tổ chức. Đó chính là dấu hiệu đầu tiên phải có của biểu tình. Bởi nhà nước có trách nhiệm và đủ quyền lực để ban hành và triển khai chính sách, luật pháp; không cần và không thể giải quyết bằng biểu tình vốn mang đặc tính đám đông. Lịch sử thế giới đã chứng minh khi nhà nước sử dụng biểu tình thay thế cho pháp luật vốn được thực hiện bởi chế tài, chứ không phải bởi đám đông, hậu hoạ sẽ như thế nào. Cuộc biểu tình chống người Do Thái do Đức Quốc xã tổ chức diễn ra suốt đêm mồng 9 rạng ngày 10.11.1938, đã giết chết 400 người, phá hủy 1.400 nhà Thờ, xí nghiệp, nhà ở, nghĩa điạ Do Thái, khởi đầu cho chính sách Đức Quốc xã sử dụng lò thiêu, trại tập trung, diệt chủng tới chừng 6 triệu người Do Thái, được đông đảo dân chúng Đức lúc đó cuồng tín ủng hộ.

Biểu tình là tập hợp, nhưng không do nhà nước, vậy tất yếu phải có ai đó khởi xướng, tổ chức không với danh nghĩa nhà nước. Đó là dấu hiệu thứ 2, biểu tình phải có. Trong thế giới hiện đại, gánh vác sứ mạng đó không tổ chức nào khác ngoài hội đoàn độc lập với nhà nước, hoặc do 1 cá nhân hay 1 nhóm người tự tập hợp khi sự kiện xảy ra. Những tổ chức và hoạt động như vậy thuộc phạm trù xã hội dân sự, hay xã hội công dân (politiké koinonia, societas civilis) được khoa học mô hình hoá thành khoảng không gian công cộng nằm giữa 3 vòng tròn ngoại tiếp nhau, vòng tròn nhà nứơc (hoạt động bằng quyền lực), thị trường (hoạt động bằng trao đổi, tiền bạc, kinh tế) và gia đình (hoạt động bằng tình cảm, quan hệ riêng tư). Biểu tình nằm trong không gian xã hội dân sự đó nên không thể do nhà nước tổ chức; còn nếu do nhà nước tổ chức thì đó không phải biểu tình theo nghĩa phổ quát mà là một hoạt động của nhà nước, cho dù vẫn gọi là biểu tình. Hàng triệu người Việt định cư ở nước ngoài với lý do nhân đạo, đa phần chính nhờ tính ưu việt và sức mạnh của xã hội dân sự làm nền tảng cho chính sách nhập cư đó của nước họ, chưa nói đã ngăn cản được bao hoàn cảnh khốn cùng khi bị nhà nước họ trục xuất theo luật định, như hiệp hội „Bàn tròn Thu Nga“ từng chấn động nước Đức 5 năm trước, sau khi tập hợp được hàng ngàn chữ ký ủng hộ, gửi 600 bức thư tới các cơ quan công quyền, đã buộc nhà nước Đức phải cho phép Thu Nga, học sinh Việt 14 tuổi, trở lại Đức sau 6 tháng bị họ trục xuất về nước do không đủ điều kiện pháp lý ở lại Đức. Hay cũng năm đó, vụ trục xuất đồng loạt 104 người Việt tại Berlin đã bị hàng trăm người Đức kéo tới sân bay biểu tình phản đối dữ dội do hội „Sáng kiến giúp người lánh nạn“ tổ chức.

Biểu tình là hình thức biểu đạt chính kiến tư tưởng tình cảm nhưng không phải chung chung hay đối với cá nhân cụ thể, mà đối với một chính sách nào đó của nhà nước hay trước một sự kiện nào đó xảy ra mà họ muốn xã hội nhà nước quan tâm giải quyết. Đó chính là dấu hiệu thứ 3 của biểu tình. Luật biểu tình nhiều nước quy định chi tiết dấu hiệu này, như không được hô khẩu hiệu hay trưng biểu ngữ nêu tên một cá nhân nào đó, còn nếu người đó phạm tội phải chống thì đã có luật hình sự chế tài, không phải việc của biểu tình. Biểu tình ở ta bùng phát do hành động Trung Quốc vi phạm chủ quyền, nên nội dung „biểu đạt“ chỉ giới hạn trong phạm vi phản đối hành động đó, đồng thời với tư cách chủ nhân đất nước thể hiện „chính kiến“ của mình đòi và ủng hộ nhà nước phải có biện pháp bảo vệ chủ quyền. Lấy dấu hiệu trên làm thước đo, cho thấy nhiều băng clip quay cảnh biểu tình vừa qua được truyền đi khắp thế giới có nhiều khẩu hiệu hô hào vượt ra ngoài giới hạn trên, làm giảm ý nghĩa phản kháng Trung Quốc xâm phạm mà biểu tình nhắm tới, gây ngỡ ngàng khó hiểu trong giới truyền thông quốc tế.

Là một „tập hợp“ cùng „đồng tình“, biểu tình (tập hợp trong thời gian ngắn định trước) hay hội đoàn độc lập (tập hợp vô thời hạn, không định trước) đều bao gồm những con người tự nguyện không vì chính cá nhân họ. Đó là dấu hiệu thứ 4 của biểu tình, hội đoàn, được thế giới trân trọng tới mức như ngày 1.5 hay 8.3 chính là thời điểm biểu tình cao đỉnh hồi đó, ngày nay được thế giới long trọng kỷ niệm. Dẫn xuất từ dấu hiệu này là cả hội đoàn lẫn biểu tình, cơ cấu tổ chức không theo nguyên tắc hành chính cấp trên ra lệnh cấp dưới chấp hành, mà chỉ là sự thoả thuận phân công công việc, tự nguyện thực hiện. Tổ chức khác đi, tôn chỉ mục đích tốt đẹp của hội đoàn hay „biểu đạt ý kiến“ về vấn đề biểu tình nhắm đến, chỉ còn là phương tiện phục vụ cho động cơ người cầm đầu. Dẫn chứng về hậu hoạ có thể thấy rõ qua đoạn clip đang lưu trên nhiều trang mạng quay cảnh biểu tình phản đối Trung Quốc ở Berlin ngày 11.5 được tổ chức bởi Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức vốn chỉ có chừng dăm bảy chục thẻ hội viên cá nhân trên tổng số 120.000 người Việt ở Đức, không có thẻ hội thành viên nào trong tổng số gần 100 hội đoàn người Việt toàn Liên bang, được đặt dưới sự lãnh đạo của vị Chủ tịch Liên hiệp từng tuyên bố bằng văn bản là „cấp trên“ của Liên hiệp. Đoạn clip làm đông đảo cộng đồng người Việt khắp nơi bức xúc, bất bình, cảm giác ê chề liên quan tới quốc thể, khi xem tới cảnh một nhà thơ đang đọc thơ chống „Tầu“ trên khán đài do chính một thành viên BTC giới thiệu thì bị Trưởng ban xông tới cướp giật bài thơ trên tay, đòi đuổi xuống, gây nên cảnh to tiếng giằng co bạo lực, những người đứng gần phải xông tới chặn lại đẩy ra. Một thành viên khác của BTC tiếp ứng bằng cách giằng lấy loa cầm tay chuyển cho phiá sau giữ, buộc nhà thơ rốt cuộc phải đọc thơ không loa trước cả nghìn người dự, trong khi thành viên tiếp theo cầm loa thứ 2 hô to khẩu hiệu nhằm át đi, tới mức hô sai cả mục đích biểu tình, thành: „Phản đối Việt Nam xâm lược“, trước bao máy quay video, truyền thông quốc tế! Dẫn xuất tiếp theo của dấu hiệu trên, do biểu tình là tự nguyện, đồng tình, nên không ai được phép mua chuộc hay cưỡng bức ai tham gia, vốn thuộc hành vi hình sự, do luật hình sự chế tài. Tuy nhiên luật nhiều nước cũng phân định rõ hành vi ủng hộ, phục vụ biểu tình như cung cấp miễn phí đồ ăn thức uống phương tiện đi lại, hay kêu gọi, vận động… thuộc luật biểu tình điều chỉnh, không thuộc luật hình sự.

Dấu hiệu thứ 5 của biểu tình là tổ chức nơi công cộng, không được diễn ra tại trụ sở công quyền, doanh nghiệp, nhà dân, đúng với bản chất của biểu tình thuộc xã hội dân sự nằm ngoài vòng tròn kinh tế, nhà nước, gia đình. Ngay cả khái niệm „nơi công cộng“ cũng phải định nghĩa, luật pháp nhiều nước đưa ra những chỉ giới cụ thể để cấm biểu tình xâm phạm vào những chỗ cần tránh tập trung đông người, như nghĩa điạ, di tích, tiền sảnh nhà quốc hội, chính phủ… Làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc vừa qua, nhiều nơi đã vi phạm dấu hiệu này khi họ tràn vào các doanh nghiệp, nhà ở vốn không liên quan gì tới mục đích biểu tình nhắm tới.

Dấu hiệu cuối cùng cực kỳ quan trọng quyết định quyền biểu tình liệu có trở thành thực tế hay không, ngay cả khi được hiến định. Đó là không được sử dụng bạo lực – dấu hiệu phân biệt biểu tình khác với bạo lực đường phố thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hình sự, cũng khác với cách mạng bạo lực thuộc phạm trù chính trị xảy ra một khi „bên trên (nhà nước) không thể tồn tại như vậy và bên dưới (nhân dân) cũng không chịu được như vậy – Lê-Nin“. Vì vậy khi nói biểu tình là đã mặc định ôn hoà, bởi không có khái niệm biểu tình bạo lực.

*Khi thiếu luật biểu tình

Tuy nhiên, biểu tình dù được cho là quyền cơ bản thiêng liêng tới đâu, thì cũng khó có thể trở thành hiện thực, bởi biểu tình bao giờ cũng là một tập hợp người, khó tránh khỏi quy luật „hội chứng đám đông“ dẫn tới bạo lực vượt ra ngoài khả năng phòng tránh của chính người biểu tình, nếu không được bảo đảm tiền đề pháp lý loại trừ hội chứng đó. Lý giải tại sao ở những nước thừa nhận và bảo đảm quyền biểu tình đều có luật biểu tình, xuất phát từ nguyên lý nhà nước pháp quyền được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc tới trong Thông điệp đầu năm, „nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép (tức bị chế tài, giới hạn quyền lực), còn người dân được quyền làm tất cả, chỉ trừ những gì luật cấm“, chứ không phải ngược lại, người dân bị cấm tất cả trừ khi có luật cho phép. Nói cách khác, nếu thiếu luật thì nhà nước bó tay không biết được phép làm gì, còn người dân hoàn toàn tự do không bị cấm. Do đó, rốt cuộc nhà nước cần luật biểu tình, chứ không phải người dân, và nếu vì thiếu nó dẫn tới biểu tình xảy ra bạo lực, thiệt hại, thì nhà nước có chức năng làm luật phải chịu trách nhiệm đó.

Thực tế bạo động liên quan tới làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc vừa qua đã cho thấy tính cấp thiết của luật biểu tình đối với cả nhà nước lẫn người dân đã tới lúc không thể không ban hành, khi cả nền kinh tế lẫn chính trị vì thế bị đe doạ bất ổn, cả những người biểu tình tâm huyết vì vận mệnh dân tộc lẫn người dân trong khu vực biểu tình bị thiệt hại vô cùng to lớn trước làn sóng biểu tình bùng nổ tại nhiều khu công nghiệp hầu khắp cả nước… Với tổng cộng hàng mấy chục nghìn người tham gia biểu tình, bạo động đã gây thiệt hại 2 người Trung Quốc chết, 140 người bị thương, 200 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị phóng hoả, đập phá, cướp bóc; trên 300 đối tượng bị khởi tố (Theo Trung tướng Hoàng Kông Tư, Bộ Công an, tại cuộc họp báo 17.5, Hà Nội). Có những nơi hỗn loạn gây cảnh bài Hoa đau thương, xót xa cho bao thân phận tha hương nơi đất khách quê người, nhiều công dân Trung Quốc bị ép buộc qùy lạy, bỏ chạy thoát thân lên Sài Gòn, hay qua ngả đường bộ về Cam Bốt, không cả mang theo hành lý, phụ nữ thậm chí đang ẵm con nhỏ trên tay. Về phiá Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã, tính đến 18/5, đã sơ tán khỏi Việt Nam hơn 3.000 công dân, trong đó có 16 người bị thương nặng, và chuẩn bị sơ tán thêm 4.000, đồng thời khuyến cáo „công dân Trung Quốc không được tới Việt Nam“ (Bộ trưởng Ngoại giao), tuyên bố „hết sức bất mãn trước việc Việt Nam không thể phản ứng hiệu quả để ngăn chặn bạo loạn leo thang“ (Bộ trưởng Công an). Tổng thống Đài Loan cũng yêu cầu các chuyến bay thương mại chờ lệnh để sẵn sàng sơ tán các công dân họ. Rốt cuộc cả nhà nước lẫn người dân trở thành nạn nhân chỉ bởi thiếu nền tảng luật biểu tình!

*Liệu còn chờ tới bao giờ?

Khác với những nước biểu tình trở thành văn hoá thường nhật, biểu tình ở ta xưa nay mang đặc thù riêng, chủ yếu do các hội đoàn nằm trong hệ thống chính trị xã hội đứng ra tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc hành chính, chấp hành phục tùng, không thể vượt ra ngoài khuôn khổ tổ chức, nên cả người biểu tình lẫn cơ quan chức năng nhà nước đều thấy không cần thiết luật biểu tình, và thực tế chưa bao giờ xảy ra bạo động cả để đặt ra đòi hỏi bức bách. Đặc thù đó thấm vào máu thịt trở thành hành trang được không ít người Việt mang theo ra nước ngoài, không thể không va chạm với nền văn hóa biểu tình của họ, gây ra không ít hậu hoạ mà băng video ghi cảnh giằng co, hô sai khẩu hiệu, trong cuộc biểu tình do Liên hiệp người Việt Liên bang Đức tổ chức là một điển hình. Hay cảnh cùng biểu tình phản đối Trung Quốc, nhưng dứt khoát không tập hợp cùng điạ điểm, tách đôi phân biệt theo nguồn gốc ra đi, gọi nhau là bên kia. Có người tuyệt vọng thốt lên cay đắng, trâu bò còn sống với nhau được, nhưng con người chưa chắc !

Hội nhập với thế giới hiện đại, biểu tình ở ta được hiến định là quyền cơ bản; người dân ý thức được quyền biểu tình của cá nhân họ. Biểu tình phản đối Trung Quốc vì vậy tất yếu đã xảy ra. Khi bạo lực chớm phát, do thiếu luật biểu tình cơ quan chức năng không thể tự động hành xử mà buộc phải báo cáo chờ chỉ đạo. Đó chính là thời gian vàng ngọc bị mất đi lẽ ra đủ để ngăn ngừa bạo lực bùng phát. Lý giải tại sao thiệt hại lớn tới mức đó, mặc dù lực lượng cảnh sát an ninh ở ta chắc không thua kém gì các nước. Trong khi những cuộc biểu tình quy mô như thế ở những nước như Đức, bạo động có xảy cũng không thể tới tầm đó, được dập tắt kịp thời. Bởi thông thường lực lượng cảnh sát được huy động chốt chặn các điểm nút biểu tình đi qua, mở đầu khoá đuôi cho đoàn biểu tình, và có mặt bất cứ lúc nào, tại bất cứ đâu chỉ cần hành vi bạo lực xuất hiện được thông báo tới, không cần bất cứ một mệnh lệnh nào từ cấp cao nhất cả. Tất cả đều do luật biểu tình điều chỉnh. Và cảnh sát, nội chính phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra bạo động, hay thiệt hại, do không tuân thủ luật định. Toà án sẽ phán quyết nếu có tranh chấp giữa cơ quan công lực với người biểu tình phải viện tới toà. Cách đây mấy năm, một vụ biểu tình cực hữu đăng ký trước với thành phố Leipzig, bị thành phố từ chối với lý do số lượng người biểu tình dự tính quá sức bảo vệ của lực lượng cảnh sát sẽ dẫn tới bạo động, bị họ viện tới toà án chống lại. Toà đứng về phiá biểu tình phán, nhà nước không thể vì năng lực của mình mà cấm quyền cơ bản của công dân, nếu không đủ thì phải viện tới các tỉnh thành khác hỗ trợ.

Do tầm quan trọng của nó, luật biểu tình đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất xây dựng cách đây 3 năm, giao Bộ Công an soạn thảo, nằm trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII. Lúc đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đa số các ý kiến đều „đồng tình“ phải nhanh chóng xây dựng luật này vì đây là vấn đề thực tế đòi hỏi. Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) còn bức xúc, nhiều vấn đề chưa thực sự bức thiết vẫn „cố“ đưa vào chương trình, trong khi hiện tượng người dân tụ tập thể hiện ý kiến đang là vấn đề bức xúc trên cả nước. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đặt vấn đề thẳng thắn, không nên „sợ“, né tránh thực tế cuộc sống, quy thành vấn đề nhạy cảm, „cần sớm“ có luật để người dân có thể biểu tình đúng luật.

Cơ quan hành pháp đã đề xuất, soạn thảo, Quốc hội „cơ quan quyền lực cao nhất“ đã „đồng tình“, và thấy rõ „cần sớm“, nhưng 3 năm đã trôi qua, thiệt hại to lớn do thiếu luật nay đã được thực tế kiểm chứng, vậy cả cơ quan công lực lẫn người dân và nhất là những người bị thiệt hại có quyền đặt câu hỏi với các đại biểu thay mặt mình, „sớm“ tới bao lâu nữa mới có thể có luật biểu tình?

10 bình luận to “2568. Biểu tình hay bạo động, đã tới lúc không thể thiếu luật biểu tình?”

  1. […] 2248. Biểu tình hay bạo động, đã tới lúc không thể thiếu luật biểu tình? […]

  2. […] vụ cho động cơ người cầm đầu. Dẫn chứng về hậu hoạ có thể thấy rõ qua đoạn clip đang lưu trên nhiều trang mạng quay cảnh biểu tình phản đối Trung Quốc ở Berlin ngày 11.5 được tổ chức […]

  3. […] hay giam nhốt tại gia người biểu tình trong nước ?” – TS Nguyễn Sỹ Phương: Biểu tình hay bạo động, đã tới lúc không thể thiếu luật biểu tình ? (Ba Sàm). – Việt Nam cần có luật biểu tình: Đb. QH Dương Trung […]

  4. […] hay giam nhốt tại gia người biểu tình trong nước ?” – TS Nguyễn Sỹ Phương: Biểu tình hay bạo động, đã tới lúc không thể thiếu luật biểu tình ? (Ba Sàm). – Việt Nam cần có luật biểu tình: Đb. QH Dương Trung […]

  5. […] hay giam nhốt tại gia người biểu tình trong nước ?” – TS Nguyễn Sỹ Phương: Biểu tình hay bạo động, đã tới lúc không thể thiếu luật biểu tình ? (Ba Sàm). – Việt Nam cần có luật biểu tình: Đb. QH Dương Trung Quốc […]

  6. quynhmai said

    Vậy thì biểu tình ủng hộ trung cộng hco nó đánh bỏ mẹ đi bênh vực làm đeó gì lú ăn cháo đá bất này?

  7. LỪA, LỪA NỮA, LỪA MÃI said

    Luật lệ gì một khi nhà nước của 1 đảng cầm quyền; luật đẻ ra chỉ để bảo vệ cho cái đảng cầm quyền ấy thì sinh ra làm đéo gì cho nó thêm khổ dân?
    với cái nước cộng hoà xã…nghĩa VN thì chỉ cần lệnh của đảng là đủ, vẽ chuyện hươu vượn ra”hiến pháp”; rồi “luật”; với”quốc hội” ra để lừa bịp để làm trò ma ra thêm tốn tiền; đem tiền phải chi cho những trò mèo ấy ra chi cho mấy thằng ở bộ chính trị, ban chấp hành tỏi trung ươn là xong. LỪA, LỪA NỮA, LỪA MÃI.

  8. montaukmosquito said

    Mít tinh ủng hộ chính phủ do chính phủ lãnh đạo và tổ chức aka tự sướng, không cần luật . Biểu tình tự phát chống chính phủ bất cần luật . Chỉ còn biểu tình tự phát ủng hộ chính phủ . Thối quá, làm luật cho việc thối này còn thối hơn!

    Suy ra, không cần luật .

  9. […] 2248. Biểu tình hay bạo động, đã tới lúc không thể thiếu luật biểu tình? […]

  10. Hanh Son said

    Sống với CS mấy mười năm rồi mà còn đòi làm luật biểu tình, CS chỉ có luật rừng mà thôi. CS muốn thì cho biểu tình, không muốn thì bắt hết đám biểu tình, thế thôi! Dể vậy mà còn chưa thấy thì làm sao mà đấu tranh với CS.

Gửi phản hồi cho LỪA, LỪA NỮA, LỪA MÃI Hủy trả lời