BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1398. Khoa học Việt Nam mắc kẹt trong phi chuẩn mực, hành chính hóa và tư duy ăn xổi

Posted by adminbasam trên 19/11/2012

Khoa học Việt Nam mắc kẹt trong phi chuẩn mực, hành chính hóa và tư duy ăn xổi

Phạm Duy Hiển *

Việt Nam là nước đi sau về khoa học và công nghệ (KH-CN). Ta du nhập cách làm KH-CN, ban đầu từ các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu (ở miền Bắc), gần đây từ các nước tư bản Âu-Mỹ. Ý thức hệ và thiết chế của hai hệ thống hoàn toàn khác nhau, song tư duy và cách nghiên cứu khoa học lại khá giống nhau. Học họ, nhưng ta chẳng giống ai, có chăng chỉ là những bề nổi bên ngoài, như các danh hiệu giáo sư, tiến sỹ, còn cốt lõi bên trong thì theo cách tư duy của mình.

Từ chối chuẩn mực phổ quát trong nghiên cứu khoa học

Ở nước ngoài, chức danh tiến sỹ khẳng định anh đã vượt qua những đòi hỏi gắt gao về học thuật để có thể bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, hoặc giảng dạy đại học. Ở ta, thiếu tấm bằng tiến sỹ chẳng những không vênh vang được với thiên hạ mà không thể chen chân vào nhiều chức quan. Có nơi còn quy định 50% cán bộ thuộc thành ủy quản lý phải có bằng tiến sỹ (TuanVietnam.net, 29/10/2012). Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020 Việt Nam phải có sáu vạn tiến sỹ để đáp ứng quy mô mở rộng hệ thống đại học với 450 sinh viên trên một vạn dân, không cần biết hiện có bao nhiêu người hướng dẫn và phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu. Cách quy hoạch ngược đời này đang lạm phát ồ ạt bằng tiến sỹ, thực học không cần, chuẩn mực khoa học bị gạt bỏ, chưa kể bằng dởm, viết luận án thuê, đang tràn lan (ANTĐ, 28/10/2012).   

Ở nước ngoài, giáo sư phải là người sáng tạo ra tri thức mới qua hàng loạt công trình được đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới trích dẫn và sử dụng. Ở ta, trong Quy chế bổ nhiệm giáo sư mới sửa đổi gần đây để tiến gần hơn đến thông lệ quốc tế vẫn chưa có điểm sàng tối thiểu, chẳng hạn yêu cầu giáo sư phải có một vài bài báo quốc tế. Giáo sư ở ta được tính điểm khoa học chủ yếu dựa trên 900 ấn phẩm nội địa, nhưng chưa có tạp chí nào trong số này, kể cả những tạp chí tiếng Anh, lọt vào Web of Knowledge của Thomson Reuter (ISI). Đây là cơ sở dữ liệu chứa những thông tin cơ bản về các công trình khoa học có phản biện quốc tế đăng trên một vạn tạp chí hàng đầu, bao quát mọi ngành khoa học, kỹ thuật, xã hội, nhân văn và nghệ thuật.     

Tuy không đâu quy định chính thức, song ISI được giới khoa học khắp nơi xem như chuẩn mực, một bộ lọc bảo đảm chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học, qua đây khẳng định chỗ đứng của nhà khoa học trên mặt tiền thế giới. Các tổ chức quốc tế cũng dựa vào số bài báo có phản biện quốc tế và số bằng sáng chế để xếp hạng đại học, trình độ khoa học và năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Cách làm này chưa thể xem là tuyệt hảo, song tương tự như GDP, tuy còn khiếm khuyết vẫn được dùng làm thước đo sức mạnh của nền kinh tế. Cho nên né tránh các diễn đàn khoa học quốc tế chẳng khác nào vận động viên cấp quốc gia chê đấu trường Olympic. 

Mãi gần đây, công bố quốc tế mới được dùng làm căn cứ để đánh giá các đề tài khoa học cơ bản. Nhưng công bố quốc tế lại không đòi hỏi đối với các nghiên cứu ứng dụng, kỹ thuật, xã hội, nhân văn chiếm hầu hết ngân sách và nguồn nhân lực khoa học của đất nước, lại có tác động trực tiếp đến quốc kế dân sinh. Các ngành xã hội nhân văn chiếm ba phần tư số ấn phẩm khoa học nội địa hầu như không có mặt trên các tạp chí quốc tế. Các kết quả nghiên cứu này đúng sai đến đâu, rất khó biết. Trong nhiều thập kỷ gần đây diện mạo khoa học xã hội nhân văn trên thế giới đã thay đổi hoàn toàn nhờ có sự xâm nhập của toán học và các khoa học tự nhiên. Nhiều hướng nghiên cứu đa ngành xuất hiện, khoa học tự nhiên và xã hội đan xen nhau, không thấy đâu phân chia riêng rẻ như ở ta. Khoa học xã hội nhân văn của ta đang lạc lỏng khỏi thế giới.      

Vì sao cho đến nay các diễn đàn khoa học quốc tế không được chấp nhận? Trong số các giáo sư được bổ nhiệm mấy năm gần đây chỉ những người làm Toán và Vật lý có 4-5 bài báo quốc tế trở lên, đa số những giáo sư nghiên cứu ứng dụng, kỹ thuật và xã hội, nhân văn chỉ công bố công trình trong nước. Nhiều người trong số này lập luận rằng nghiên cứu ứng dụng cốt mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, cần gì những mục tiêu hàn lâm. Lập luận này phù hợp với quan điểm nhiều người trong giới quản lý và các cơ quan cấp kinh phí, nên có tác động đến chính sách.

Trên thực tế rất khó đánh giá một công trình nghiên cứu mang lại “lợi ích kinh tế thiết thực” bằng cách nào (xem phần sau). Vả lai, trong số hàng triệu công trình nghiên cứu hàng năm trên thế giới chỉ một số rất ít có tiềm năng trực tiếp tạo ra những ứng dụng nào đó. Trong khi đó, nghiên cứu khoa học có sứ mạng tìm ra tri thức mới, mà cái mới lại rất dễ khẳng định qua bài báo có phản biện quốc tế. Những khám phá trong khoa học cơ bản là tri thức mới đã đành, những quy luật tự nhiên, xã hội ở Việt Nam mà thế giới chưa biết, những phiên bản ứng dụng có thêm phát hiện mới trong điều kiện cụ thể ở nước ta … vẫn cứ rất mới với thế giới, miễn là nhà khoa học phải am tường mọi kết quả nghiên cứu và phương pháp luận hiện đại nhất, từ đó tìm được chỗ đứng dành cho kết quả nghiên cứu của mình trên mặt tiền khoa học.       

Cũng phải thừa nhận rất khó tìm được chỗ đứng trên mặt tiền khoa học nếu không có thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm và hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Chính khó khăn này giải thích tại sao công bố quốc tế của Việt Nam nghiêng hẳn về Toán và các môn lý thuyết. Số bài báo quốc tế về khoa học thực nghiệm, ứng dụng và kỹ thuật quá ít, không tương xứng với quy mô nhân lực và đầu tư, và ít hơn hẳn các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia.        

Bước đột phá trong chiến lược KH-CN 2011-2020

Gần đây lãnh đạo Bộ KHCN đã tạo ra bước đột phá rất đáng mừng, chính thức khẳng định công bố quốc tế là thước đo năng lực nghiên cứu khoa học của đất nước. Chiến lược KH-CN 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) nêu rõ mục tiêu (thứ hai) tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm. Mục tiêu thứ năm lại ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giớí.

Tăng số lượng công bố quốc tế 15-20%/năm là mục tiêu hoàn toàn khả thi, Ngay trong mười năm 2000-2009 chúng ta đã đạt tốc độ 15-16%/năm, ngang với Thái Lan và Malaysia, chỉ kém Trung Quốc (20%/năm), nhưng nhanh hơn Philippine và Indonesia (5,7%/năm). Song số lượng công bố quốc tế chưa phản ảnh đầy đủ năng lực nghiên cứu và hiệu quả đầu tư cho khoa học của một quốc gia. Phân tích các công bố quốc tế của Việt Nam và 11 nước Đông Á cho thấy chất lượng các bài báo (dựa trên chỉ số trích dẫn trung bình) của Việt Nam còn thấp, nhiều ngành trực tiếp liên quan đến quốc kế dân sinh chưa có công bố quốc tế, và phần lớn đồng tác giả Việt Nam không đóng vai trò chính trong các công trình. Số công trình do nội lực chỉ chiếm 30%, vào loại thấp nhất khu vực, so với 90% ở Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan (xem bài “A comparative study of research capability of East Asian countries and implication for Vietnam” đăng trên Higher Education, Vol. 60, trang 615-625, bản dịch tiếng Việt trên Tia Sáng, 22/06/2010).

Bước đột phá trong “Chiến lược” sẽ đưa chúng ta thoát khỏi tình trạng lạc lỏng bấy lâu nay để sớm sánh vai với các nước, nhanh chóng tiếp cận mặt tiền khoa học. Song muốn đạt được các mục tiêu trong “Chiến lược” cần có những đột phá mới để khoa học Việt Nam khỏi bị mắc kẹt trong những tư duy, cơ chế và cơ cấu tổ chức bất cập hiện nay.  

Hành chính hóa hoạt động nghiên cứu khoa học 

Chỉ bám vào nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước, lại thiếu chuẩn mực nghiêm túc, hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào tình trạng hành chính hóa, do các quan chức hành chính cầm cân nẩy mực. Họ là những người chưa hề nghiên cứu khoa học, hoặc nếu xuất thân từ giới khoa học, họ sẽ ném ngay “hòn gạch gõ cửa” sau khi lọt vào chốn quan trường (Lỗ Tấn, Khổng Phu tử ở Trung Quốc đời nay, bản dịch Phan Khôi). Đối với nhiều người trong số họ, khoa học giờ đây chỉ còn là chiếc áo khoác bên ngoài, bên trong là danh, quyền và tiền, những cạm bẫy rất ít ai thoát khỏi.   

Hành chính hóa nghiên cứu khoa học đặt ra luật chơi hành chính. Đề tài các cấp vận hành theo kiểu hợp đồng kinh tế như ra đầu bài, đấu thầu, tuyển chon, kiểm tra tiến độ v.v…Kinh phí được quyết toán dựa trên số ngày công khai báo cho từng thành viên tham gia, số trang dịch thuật, tiền thuê mướn nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao v.v… Sản phẩm phải mục sở thị như quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn nhà nước, phần mềm, số cơ sở sử dụng các kết quả v.v…. Để được nghiệm thu lại phải có đầy đủ các chứng từ, hóa đơn thanh toán hợp “lệ”. Chỉ có bài báo quốc tế là không đòi hỏi. 

Bởi bài báo quốc tế yêu cầu cao hơn hẳn. Đó là phát hiện mới (new findings), tính độc đáo (originality), góp phần đẩy hướng nghiên cứu lên phía trước (significant advances in field) và phương pháp luận hiện đại (state-of- the art approach). Không cần hội đồng đông người, chỉ một trong hai phản biện lắc đầu, bài báo sẽ bị từ chối. Rõ ràng từ đề tài được Bộ KH-CN nghiệm thu đến bài báo quốc tế được chấp nhận là một khoảng cách rất xa, đầy thách thức, nhiều người đành bỏ cuộc vì không còn kinh phí và thời gian, họ phải lao tiếp vào đề tài mới để tồn tại.     

Song những đề tài, luận án nói trên lại được dùng làm căn cứ bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Theo Quy chế, giáo sư phải hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, chủ trì ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên. Các tân giáo sư sẽ được phân vai mới trong hệ thống hành chính, chủ trì các đề tài, dự án, chương trình nhà nước, có tiếng nói nặng cân hơn trong các hội đồng xét duyệt và nghiệm thu. Cuộc chơi trên sân nhà có thêm vai diễn mới, không thấy hồi kết.                   

Hành chính hóa nghiên cứu khoa học bộc lộ nhiều lỗ hổng làm nơi ẩn chứa cơ chế xin cho, ban phát, vốn là sản phẩm của thời bao cấp. Thời nay, mỗi đề tài, dự án cấp Bộ trở lên thường được cấp từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng, nên không còn ai ban phát vô tư nữa, kẻ cho người nhận đều phải biết hành xử theo “luật thị trường”. Có hội đồng khoa học để xét duyệt và nghiệm thu, nhưng hội đồng lại do chính bộ máy hành chính lập ra để dễ dàng hợp thức hóa các ý định của mình. Hội đồng chỉ bàn về học thuật không tham gia xét duyệt kinh phí cho đề tài, việc này thường được dàn xếp giữa người ban phát và người nhận. Tiếng nói chính trực thường là thiểu số và sẽ không có cơ hội trong các lần sau. 

Dễ hiểu tại sao nạn gian dối – điều tối kỵ nhất trong khoa học – lại lên ngôi trong những năm gần đây. Khai gian, khai khống các khoản chi là chuyện thường tình. Mọi người đều gian dối nên không ai phải xấu hổ. Bịa số liệu, đạo văn, thuê viết luận án …, ngày càng phổ biến. Nhóm lợi ích hình thành qua các đề tài dự án, che chắn nhau rút ruột kinh phí nhà nước.  Phi chuẩn mực và hành chính hóa làm cho môi trường học thuật ở nước ta ngày một tù mù, vàng thau lẫn lộn, nghiên cứu khoa học trở nên tùy tiện, đề tài nào, công trình nào cũng xem là nghiên cứu, hội thảo nào cũng có thể gán thêm mác khoa học. Báo chí và xã hội không phân biệt được thực và giả, nhà khoa học đích thực với những người khoác áo khoa học. 

Từ môi trường học thuật này không thể xuất hiện đỉnh cao mà chỉ có số đông làng nhàng, thiếu chuyên nghiệp. Lao vào quan trường là con đường tiến thân độc đạo, số người theo đuổi học thuật đến cùng hiếm dần, thành phần ưu tú ngày càng vắng bóng trong lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học và ngay ở những cơ quan đầu não về KH-CN. Rất đông tài năng trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài không tìm thấy đất dụng võ khi trở về nước. Thực trạng này liệu các nhà lãnh đạo có biết?          

Không thành công trong nội địa hóa công nghệ

Nhà nước có chủ trương nội địa hóa công nghệ, nhưng thiếu quyết sách. Hàng điện tử và công nghệ cao là mủi nhọn xuất khẩu, dự kiến đến 2020 kim ngạch lên đến 45% để minh chứng cho mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại của đất nước. Riêng chín tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu lên đến 15 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch. Song phần lớn là sản phẩm từ các doanh nghiệp nước ngoài, và đằng sau những con số ấn tượng trên là một sự thật ê chề: “trong mặt hàng này các doanh nghiệp Việt Nam nhập 100% linh kiện nước ngoài…, phần nội địa hóa chỉ là vỏ nhựa, thùng các tôn và xốp” (SGGP, 25/9/2012).       

Về cơ khí, nội địa hóa công nghiệp ô tô trong hơn hai thập kỷ qua chỉ đạt vài phần trăm (Vneconomy, 03/07/2012), xem như thất bại. Công bằng mà nói, thành tích nội địa hóa công nghệ ấn tượng nhất chính là mấy con tàu trọng tải 50 nghìn tấn được VINASHIN cho hạ thủy và xuất khẩu. Nhưng VINASHIN vỡ nợ, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Các học giả có dịp ném đá vào đống đổ nát mà ít ai quan tâm nhặt ra từ đó bài học nội địa hóa công nghệ thành công hay thất bại.                 

Có nhiều lợi thế hơn VINASHIN, nhưng TKV và EVN cũng không chịu nội địa hóa công nghệ. Theo Quyết định 167/2007/QĐ- TTg, hàng chục nhà máy chế biến alumina sẽ được xây dựng từ năm 2007 dến 2025 trên Tây Nguyên, nhưng không có từ ngữ nào nhắc đến lộ trình nội địa hóa công nghệ, trong khi Việt Nam sở hữu một tiềm năng bô xít lớn thứ năm thế giới. Chính phủ cũng không yêu cầu TKV hứa hẹn đến bao giờ sẽ có công nghệ Việt Nam. Mẻ alumina đầu tiên đang chậm tiến độ hơn hai năm, và trên thực tế cả đại dự án bô xit đang gặp bế tắc, chính phủ phải rút quy mô chỉ còn hai nhà máy thí điểm. Một kết quả nhãn tiền, bởi không chỉ công nghệ, mà cả khoa học cũng đứng ngoài. Bao nhiêu bài toán kinh tế, kỹ thuật, môi trường, xã hội … chưa được nghiên cứu thấu đáo trước khi ra Quyết định. 

Hàng chục nhà máy điện chạy than được EVN xây dựng trên khắp cả nước đều rơi vào tay nhà thầu nước ngoài. Không biết đến bao giờ mới thấy tua bin và máy phát điện do người Việt tự chế tạo. Trong khi đó, EVN đi tắt đến thẳng điện hạt nhân, đề xuất đưa vào vận hành hàng chục lò phản ứng từ 2020 đến 2030. Nhiều ý kiến phản bác hoặc đề nghị đình hoãn kế hoạch mạo hiểm này sau khi xảy ra thảm họa Fukushima. Nhưng chúng đều lọt thỏm trong luồng dư luận phải làm điện hạt nhân mới có quốc phòng mạnh, mới có nước Việt Nam hiện đại vào năm 2020. 

Thành ra hiện đại hay không là ở người tiêu dùng. Nói nôm na, với chiếc iphone 5S bên tay lái Mercedes ngày một phổ biến trên các xa lộ nước ta, người Việt cũng hiện đại không kém người Mỹ, người Đức. Đó là nhờ ta biết đi tắt đón đầu, đúng như lời một vị Bộ trưởng dõng dạc thuyết phục Quốc Hội trước đây ba năm: “xây dựng đường sắt cao tốc Bắc –Nam chính là phương án đi tắt đón đầu lên thẳng hiện đại”. 

Không có bằng sáng chế

Không có sản phẩm từ công nghệ Việt Nam, bằng sáng chế cũng không có nốt. Việt Nam hầu như không có bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ (US Patent and Trademark Office, US PTO). Trong khi đó, năm 2011 Indonesia và Philippines sở hữu hàng chục bằng, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc còn nhiều hơn gấp bội. Báo chí đổ lỗi cho 9000 giáo sư/ phó giáo sư (VietnamNet, 5/11/2012) khiến mọi người có dịp mang các vị ra đàm tiếu mà không biết rằng nghiên cứu khoa học khác nghiên cứu công nghệ. Sản phẩm nghiên cứu khoa học là tài sản chung cho mọi người cùng sử dụng, bằng sáng chế là bí quyết công nghệ của doanh nghiệp được bảo vệ và mua bán thông qua cơ quan đăng ký. Chính doanh nghiệp, chứ không phải tác giả, phải bỏ tiền ra để đăng ký bằng sáng chế và hưởng lợi từ việc mua bán nầy. 

Đâu phải làm thơ, nhà khoa học lấy đâu ra bằng sáng chế khi doanh nghiệp không yêu cầu. Thiếu bằng sáng chế chứng tỏ trình độ quá thấp của nền công nghiệp nước nhà. Chúng ta chỉ du nhập công nghệ từ nước ngoài để sản xuất, mà không nội địa hóa để có công nghệ của mình. Nếu cần thay thế công nghệ, doanh nghiệp sẽ đi mua, hơn là đầu tư nghiên cứu.      

Tư duy ăn xổi     

Dù sao, thiếu bằng sáng chế cũng đặt ra dấu hỏi về tính thiết thực và hiệu quả của nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam hai thuật ngữ khoa học và công nghệ luôn gắn với nhau, thậm chí đồng nhất với nhau trong cùng một khái niệm như thị trường khoa học công nghệ, hội chợ khoa học công nghệ v.v… Chính sự nhập nhằng này trong tư duy làm cho nghiên cứu công nghệ đích thực vẫn là bãi đất trống. Đây là hệ quả của tư duy ăn xổi, muốn nghiên cứu khoa học phải cho ra ngay sản phẩm trên thị trường.         

Khoa học và công nghệ hỗ trợ lẫn nhau, nghiên cứu khoa học tạo ra mảnh đất cho công nghệ phát triển, và ngước lại. Tuy nhiên ngay trong số hàng triệu bài báo khoa học công bố hàng năm trên thế giới, rất ít công trình có tiềm năng tạo ra công nghệ hay dịch vụ. Nếu có, còn phải trải qua nhiều khâu, đòi hỏi thời gian, công sức và kinh phí. Kết quả nghiên cứu phải được kiểm nghiệm và củng cố bằng nhiều nghiên cứu mới tiếp theo, bảo đảm chất lượng (QA), prototype, quy mô pilot, thử sai (trial by error) nhiều lần trước khi đưa ra ứng dụng. Tư duy ăn xổi bỏ qua các khâu quan trọng này, nên nghiên cứu khoa học sinh ra những đứa trẻ đẻ non, chết yểu, làm thất thoát nguồn kinh phí lớn của nhà nước. Bao nhiêu đề tài chế tạo thiết bị với tính năng “chẳng kém nước ngoài”, nhưng chỉ là đơn chiếc mang trưng bày ở triển lãm, hội chợ, sau vài năm mất hút. Số trẻ đẻ non, chết yểu này nhiều lắm, cứ chọn ra một số đề tài, dự án lớn được Bộ KHCN nghiệm thu từ 5 đến 10 năm trước đây sẽ thấy ngay. 

Tư duy ăn xổi không thể tạo ra những đỉnh cao khoa học, những hướng nghiên cứu mũi nhọn có thể sớm bứt phá lên mặt tiền khoa học thế giới. Các quan chức muốn thấy thành tích ngay trong nhiệm kỳ của mình, lại phải ban phát, rải đều quả thực cho mọi người, năm nay anh có đề tài, sang năm đến lượt anh khác, người làm khoa học giống như dân du canh, không chuyên sâu vào một hướng nhất định. Trong khi đó, khoa học phát triển được nhờ tích lũy và kế thừa, công trình đẻ ra công trình, thành công lẫn thất bại trong công trình trước đều để lại dấu ấn trong các công trình sau. Biết tích lũy và kế thừa, tri thức sẽ tăng tốc theo cấp số nhân, được lưu lại trong đầu con người qua các thế hệ, trở thành một dạng chứng khoán (stock) của các doanh nghiệp, thành truyền thống của phòng thí nghiệm và hình hài của nền khoa học.

Qua cơ chế tích lũy và kế thừa, người tài mới xuất hiện, người khác đứng trên vai họ (stand on the shoulder of giants) để nhìn rõ chân trời phía trước. Nhờ đó các nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành và phát triển, các thế hệ khoa học sinh ra và trưởng thành nối tiếp nhau. Theo “Chiến lược”, năm 2020 nước ta sẽ có 60 nhóm nghiên cứu mạnh. Hy vọng họ, và những người lãnh đạo của họ, sẽ làm nên hình hài nền khoa học nước nhà. Thế giới sẽ biết khoa học Việt Nam qua họ. Các thế hệ tương lai sẽ nhớ đến thế hệ hiện nay qua các công trình khoa học của họ.        

Mấy bước đột phá thay lời kết

Chỉ cần cố gắng làm giống như các nước khác, KH-CN Việt Nam sẽ thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Nghiên cứu khoa học chỉ được xem là đích thực khi tìm ra tri thức mới. Những người cầm quân, như giáo sư, chỉ được bổ nhiệm khi có chỗ đứng nhất định trên mặt tiền khoa học. Công bố quốc tế phải được dùng làm thước đo thay cho các chuẩn mực hành chính. Làm được những việc này sẽ tạo ra bước đột phá lớn đẩy lùi tệ nạn xin cho, ban phát và những tiêu cực trong môi trường học thuật hiện nay. 

Sản phẩm nghiên cứu khoa học là đỉnh cao văn hóa, làm tăng vốn tri thức của đất nước, tác động đến chính sách và nâng cao mặt bằng dân trí, từ đó tạo nên sức mạnh tác động đến phát triển kinh tế xã hội. Trường đại học là nơi gánh vác tốt nhất sứ mạng này. Từ trường đại học tri thức khoa học lan tỏa ra cộng đồng, do đó phải tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên – những người lan tỏa tri thức – được tiếp thu tri thức mới trực tiếp từ những nhà khoa học có chỗ đứng trên mặt tiền khoa học. Nghĩa là phải ưu tiên tập trung nghiên cứu khoa học về các trường đại học và xây dựng lên tại đây những nhóm nghiên cứu mạnh. Chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội rồi, giờ đây không được chậm trễ nữa. 

Nghiên cứu công nghệ khác với nghiên cứu khoa học và cần có chỗ đứng trong phát triển kinh tế. Nên cho qua đi niềm tự hào Việt Nam là nơi thu hút vốn FDI, ODA nhiều nhất, thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất…. Không thể mãi mãi làm người tiêu thụ mà phải bước lên bục cao hơn của những người tạo ra tiện ích cho xã hội. Con đường duy nhất là nội địa hóa công nghệ, sau đó tiến lên đổi mới để cạnh tranh. Cho nên rất cần một quyết sách từ phía nhà nước, đừng để doanh nghiệp mãi chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên lợi ích lâu dài của dân tộc. Và sau quyết sách là tầm nhìn và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo KH-CN. Bởi tìm ra cách đi hợp lý trước trăm bề ngổn ngang hiện nay, thật không dễ chút nào.   

P.D.H.

* Mời đọc thêm: –  1023. Quốc Hội phải làm gì khi ra nghị quyết dựa trên những bằng chứng không đúng;  –  Năm 2020 Việt Nam chỉ cần 100 tỉ kWh điện! (TC Thời đại/TBKTSG, 8/7/2004).  –  GS Phạm Duy Hiển nói về điện hạt nhân (Bee, 5/11/2009).  – GS Phạm Duy Hiển: Nên lùi thời điểm làm ĐHN 10 năm (Bee, 6/6/2011). –  Thư ngỏ của GS Phạm Duy Hiển gửi Thủ tướng Naoto Kan (Bee, 23/6/2011). –  GS Phạm Duy Hiển “Tôi chờ họ bắt tôi “ (Mr.LeCongNhan/YouTube, 19/7/2011). – GS PHẠM DUY HIỂN: TA CHỈ YÊU NƯỚC KHI CHỊU HY SINH CHO ĐẤT NƯỚC (Nguyễn Xuân Diện, 25/7/2011).

28 bình luận to “1398. Khoa học Việt Nam mắc kẹt trong phi chuẩn mực, hành chính hóa và tư duy ăn xổi”

  1. […] Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2012/11/19/1398-khoa-hoc-viet-nam-mac-ket-trong-phi-chuan-muc-hanh-chi… […]

  2. Caumuoi said

    Làm khoa học mà suốt ngày cứ nghĩ đến cơm áo gạo tiền, chức danh này nọ thì thà đi làm kinh doanh, làm quan chức cho nó yên, chớ có vơ vào cái danh nhà khoa học mà tội nghiệp.

    Cứ ngẫm tại sao trong khi bà con nông dân chân đất cứ ra sáng kiến, sáng tạo đều đều mà các nhà pha học tiêu tiền ti tỉ của dân lại tắc tịt, thì khắc biết thực chất của giới pha học kỹ thực nước nhà.

    Không thể nghiên cứu ra cái mịa gì đáng kể cả nếu không có lòng say mê, óc tìm tòi, khám phá. Mà hễ đã say mê danh lợi thì không có chỗ cho say mê khoa học, kỹ thuật.

    Không cần phải phân tích lí luận lòng thòng mới rõ được cái lẽ đơn giản như đang giỡn này.

  3. Trần Văn Tuấn said

    Cứ nhìn cái công trình “Sai Lệch Toán Học” của tôi,bị các cơ quan ban ngành khoa học VN “đá tới đá lui như trái banh”,xong rồi chẳng ai thèm quan tâm đến, thì mới biết cái cơ chế này trọng nhân tài như thế nào?Mặc dù Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh,đã xác nhận công trình “Sai Lệch Toán Học” của tôi “đúng và chính xác hoàn toàn”,đồng thời công trình “Sai Lệch Toán Học” của tôi hiện nay vẫn còn đang treo lơ lững trên trang Web: http://www.dost.hochiminhcity.gov.vn/hoithisangtao_khkt/default.aspx?Source=/hoithisangtao_khkt&Category=C%C3%A1c+gi%E1%BA%A3i+ph%C3%A1p+d%E1%BB%B1+thi+qua+c%C3%A1c+n%C4%83m&ItemID=10&Mode=1
    Của Sở Khoa Học Và Công Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh ở mục 84,thì Ngài Phạm Duy Hiển thấy có cần thiết phải viết bài: “Khoa học Việt Nam mắc kẹt trong phi chuẩn mực, hành chính hóa và tư duy ăn xổi” hay không?
    Ở cái đất nước VN này các chức danh Giáo Sư Tiến sĩ nhiều, nhiều lắm, không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới,nhưng đa phần các học hàm, học vị đó có được, không phải bằng chính tài năng và kiến thức do các vị đó cần cù học hỏi mà có được,mà do nhà nước này ban phát với tính cách “ban ơn kiểu xin cho” các vị , “tài” thì chẳng bằng ai, nhưng cái “đức lòn cúi” và đi bằng “đầu gối” thì ít ai sánh bằng. Cộng thêm nhiều vị học hàm học vị, được mua “bằng tiền” và “chức quyền” mà có,thì bảo sao các ngành khoa học của cái đất nước VN này, không tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc như “rùa” thì mới là chuyện lạ?

    • khách said

      Đồng ý với bác, hầu hết các hàm GS, PGS ở nước ta do nhà nước “ban phát” theo cơ chế xin cho – vì thế giá trị chất xám thực sự của hầu hết các GS, PGS xứ là là con số không

  4. fukito said

    Ông Hiển có cái tật thích dậy đời. Bản thân ông Hiển đã được hưởng đủ thứ của ngon vật lạ rồi mà có làm nên cơm cháo gì đâu. Ông nên khiêm tốn khi lạm bàn chuyện khoa học. Xin hỏi ông là gì mà cao đạo vậy?

    • khách said

      Cứ nói như bác thì từ nay ta dẹp luôn cái chuyện nhận xét phê bình về bất cứ lĩnh vực gì đi là vừa? Thế thì xã hội làm sao mà tiến bộ được

      • fukito said

        Nhận xét cần căn cứ vào thực trạng chư không thể có giọng cao đạo. Thử hỏi nếu không dựa vào các bài bào ISI thì dựa vào cái gì để đánh giá nhà khoa học có hoạt động thực sự hay không. Còn ở Việt Nam vốn là tình hình năm cha ba mẹ, vậy làm sao có trường phái khoa học như các nước phát triển?

  5. Dân ngu nói said

    Nói đến khoa học VN trong cái cơ chế “quan liêu chuyên quyền” và xin cho” này, thì hai từ “khoa học” ở VN hiện tại chỉ có từ “học” còn chưa “nên thân”, thì bàn làm gì đến từ “Khoa” cho thêm xấu hổ?

  6. khách said

    Nước ta có 3 tổ chức “khoa học” lớn:
    Viện khoa học công nghệ Việt Nam (trực thuộc chính phủ, chủ tịch viện hiện nay là GSTS Châu Văn Minh – cũng là một trong số 175 ủy viên TW đảng)
    Viện khoa học xã hội Việt Nam (cũng trực thuộc chính phủ, chủ tịch viện hiện nay là GSTS Nguyễn Xuân Thắng – cũng là một trong số 175 đứa)
    Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (trực thuộc Mặt trận tổ quốc, chủ tịch hiện nay là GSTS Đặng Vũ Minh – cũng là một trong số 175 đứa)

    Đấy đấy, 3 tổ chức “khoa học” lớn nhất đều trực thuộc CP, MTTQ. Đứng đầu 3 tổ chức này lại là 3 ông Ủy viên TW đảng (3/175 đứa)
    Giàu tính đảng, đậm tính đảng như thế thì nền khoa học nước nhà cũng ảnh hưởng “giàu tính đảng, đậm tính đảng” dẫn tới “vì đảng, phục vụ đảng” là đương nhiên. Làm sao mà giống như các nền khoa học nhiều nước khác được

    • khách said

      Thực ra cũng không phải nghiên cứu khoa học ở nước ta là phục vụ đảng, đúng hơn là các nhà khoa học/các nhà nghiên cứu nước ta thường kiêm cả hai vai. Một vai là nghiên cứu còn một vai là làm công chức 8h/ngày để lĩnh lương, chính hai cái này nó đá vào nhau nên thành tựu khoa học chẵng bao giờ có

      Cần phải tách biệt hai vai này ra, các việc nghiên cứu cần độc lập, nên xem nó như là một Doanh nghiệp cung cấp các “sản phẩm trí tuệ” cho khác hàng là các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp khác

  7. Hai Lúa said

    Kính thưa GS Phạm Duy Hiển, Gs có khỏe không ạ? Nếu khỏe thì Lúa chúc mừng, còn không khỏe thì GS đi nghỉ đi nó khỏe, nói với mấy cái lỗ tai trâu bò, vô liêm sĩ đến tận cùng cực rồi uổng hơi lắm.
    Tất cả do cái quái thai XHCN mà ra, cứ dẹp nó, (trước mắt là dẹp cái đám PGS/GS hổ lốn để tụi không “đẻ” nữa) mọi thứ được minh bạch rõ ràng, sẽ đâu vào đó hết. Lúa dám nói chắc một câu như đinh đóng cột, cứ còn cái chủ nghĩa quái thai này, còn cái đảng độc tài toàn trị này thì dừng bao giờ nói tới khoa học hàn lâm.
    Mời Gs đọc lại một bài viết vớ vẩn của một kẻ chân đất mắt toét dân Hai Lúa này, khi viết trong một trạng thái “không bình thường”
    http://hailuablog.wordpress.com/2012/06/27/coi-troi-cung-khong-the-chua-tri-tan-goc-nhung-can-benh-giao-duc-tram-kha-2/

    Nhiều lúc nhìn cái đám hổ lốn đầu đất, bàn tán với nhau, rồi chia chác đề tài cho nhau trong mấy cái “kế hoạch”, “phương hướng”, “định hướng”, “tầm nhìn”, máu cứ sôi sùng sục. Đề tài tiến sĩ nhé, GS nổi tiếng nhé, chức vụ ngất trời, sai từ phương pháp luận. Ví dụ thôi nhé, trích một loại protein nào đó từ con A, khảo sát hoạt tính B (có khả năng phân hủy chất C) , cứ thấy C phân hủy là kết luận “đã trích được chất A”, trong khi bố trí thí nghiệm thì độ khảo sát 55oC là tối ưu. Họ có biết rất nhiều loại protein biến tính ở 50oC hay không. Hay họ trữ chất C bằng một dung môi có khả năng biến tính protêin…. Đấy là Lúa chỉ nói những kiến thức cơ bản vô cùng….. Khi bảo vệ, họ sẽ nói như vầy “mong hội đồng xem xét vì đề tài đã làm quá hạn 3/4/5 năm nay chưa được báo cáo, chỉ cần các thầy cô đồng ý cho qua, còn yêu cầu tiến hành thêm thí nghiệm hay bổ sung thêm gì thì em xin bổ sung sau….Nếu lần này không được thì coi như phải hủy đề tài…” Trời ạ, y như đi “ăn mày”. Nếu có châm chước cho họ qua, yêu cầu làm thêm hả, đừng mong….. Vậy mà tổ chức báo cáo thấy chóang, nào bày bố hội trường, nào hoa hóet, còn phong bì thì tính tiền triệu, tiệc chiêu đãi là phải có đặc sản (tôm hùm, cheo, hoãng…..) nhiều lúc mình ức muốn hộc máu. Cứ lơ đi, giả sử có không bằng lòng thì cũng phải ghi “đạt” vào…. Còn không hả….cho ngồi chơi xơi nước, rồi hô lên “ông/bà/cô/con nhỏ/thằng cha đó…. làm phách, gây khó dễ cho người ta”.
    Rồi cái đám ts quái thai này tiếp tục…..lên pgs/gs……

    Thôi, đi ngủ cho qua cơn đói GS ạ, cứ bao giờ cái ung nhọt XHCN nó không còn, cỡ mấy PGS/GS cỡ bà mồm chuột chù Nguyễn Thị Doan/ Nguyễn Phú Trọng,….rồi ts cỡ Đinh La Thăng ra cái quy định “giờ cao điểm không được sữ dụng phương tiện cá nhân chỉ chở 1 người” mà phải từ hai người trở lên (tức là chợ vợ tới trường đón con, bỏ vợ ở lại đó, sau đó đợi qua giờ cao điểm quay lại đón vợ) thì chúng nó sẽ từ từ chết hết đi.

    Thưa GS, cái ung nhọt nó mọc lên cũng có ngày có tháng, tức là hơn 30 năm nay, bây giờ nó chưa vỡ, đến khi nó vỡ rồi, cũng phải có thời gian để nặn hết cùi, lấy hết nọc độc, rồi nó ăn da, rồi nó lành được. chắc cũng không ít hơn thời gian 30 năm bằng thời gian ung nhọt hình thành (nếu bây giờ lấy cùi).

    Chết sướng hơn

    • Tdafree said

      Dung chet Lua, Lua chet thi dam gioi bo nay cang map, chung no cang pha hoai dam ma non cua Lua thoi.
      Phai tim cach lam cho cai ung nhot nay vo ra…cang som cang tot.
      Chao Lua.

  8. Thuong Dan said

    Tất cả chung quy lại chỉ là do: Cơ chế chính trị và con đẻ của nó – kinh tế thị trường định hướng XHCN.

  9. Trích, Trong khi đó, năm 2011 Indonesia và Philippines sở hữu hàng chục bằng, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc còn nhiều hơn gấp bội.
    những Quốc Gia này May mắn hơn Việt Nam là Tên hiệu Quốc Gia không có Tính Từ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa”

  10. Làm đĩ said

    Chử nghĩa cho to tác. 99% cái bọn có “bằng cấp” ở VN chỉ là những tên lưu manh, cơ hội, chụp giựt, kiếm chác và lừa đảo thì làm gì có chuyện nghiên cứu.

  11. Văn Đức said

    Xin có ý kiến

    Tôi có thói quen copy-past để lưu tài liệu. Tại trang này không hiểu sao không thực hiện được, trong khi bên Việt Sử Ký thì bình thường.
    Xin các bác cho biết nguyên do và cách khắc phục.
    Thân mến.

    ———
    BTV: Vẫn copy & paste được bình thường bác ạ.

  12. xóa điều 4 hiến pháp said

    Ai cũng phải “sống theo hiến pháp”. Trong hiến pháp, có điều 4, đã quy định “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Họ có rất nhiều kinh nghiệm “Chuyên chính vô sản” và “đấu tranh giai cấp” và họ đem cái đấy ra lãnh đạo, Vì họ không có quan điểm kỹ thuật, công nghệ, nên Việt nam, như thế này là phải rồi. Với điều 4 hiến pháp, làm cái gì, cũng phải XIN PHÉP họ. Trong dự thảo sửa đổi hiến pháp, họ vẫn là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Họ là ai, xem điều 4 hiến pháp!

    • Dân gian said

      Nếu xoá điều bốn HP đi thì nền khoa học VN cũng phải mất một thế hệ con người nữa mới phục hồi đà phát triển bởi hiện nay nó đang bị tê liệt!

  13. chipheo@ said

    Tôi quá thất vọng khi đọc bài của GS Hiển.Tôi không nghĩ rằng bài này là của GS Hiển viết(?).Tôi không muốn tranh luận dông dài mà chỉ nêu 3 ý kiến của tôi:
    1) Ai chả biết muốn phát triển khoa học cơ bản phải có nền tảng.Từ đó mới xây dựng cái mà người ta gọi là “trường phái”. Với cách ki cóp các bài báo,dù cho có dấu ấn ISI mà chỉ là “dựa dẫm” thì làm thế nào mà xây dựng trường phái.(không ít các bài báo này là hoặc những nghiên cứu sinh,hoặc cọng tác viên của các nhà khoa học nước ngoài,chưa kể người ta đã phát hiện có hiện tượng đút lót để được công bố(!)) thì thử hỏi GS Hiển đánh giá như thế nao?
    2) Lĩnh vực Khoa học ứng dụng là cực kỳ quan trọng,vì nghĩ cho cùng,ai cũng phải ăn,cũng phải mặc,cũng phải tồn tại.GS chắc không thể không biết có nhiều rào cản vấn đề này:có một qui hoạch nào mang tầm quốc gia về lĩnh vực áp dụng.Thêm vào nữa vấn đề ứng dụng phải hội tụ nhiều điều kiện:đó là nền tảng công nghiệp,Hệ thống các phòng thí nghiệm ,các nhu cầu từ các nhsaf công nghệ (đây là điểm quan trọng và là điểm gây cấn nhất vì vấn đề “lại quả”,vấn đề trách nhiệm.Các vấn đề này không lo nghĩ đến khi các nhà công nghệ nhập khẩu(!))
    3) Khi mà GS đòi hỏi công trình về Khoa học xã hội phải được công nhận từ ISI.Không hiểu GS biết hay cố tình không biết là nền tảng KHXH là học thuyết Mác-Lê..và thế giới này vị thế của học thuyết này được đánh giá như thế nào
    Tôi rất ủng hộ vấn đề hội nghập,nhưng hội nhập không phải là cái” mốt”,không phải là xí diện mà hội nhập để cuối cùng là phải đưa cái đất nước này tiến lên,là phải góp phần “dân giàu nước mạnh” mà trước hết là người dân phải có cái gì để ăn đủ no và mặc đủ ấm

    • MH said

      Đọc mãi mà ko hiểu bác này viết cái gì. Thời đại này mà còn cứ phản bác ISI, chắc bác chưa bao giờ công bố trên ISI. Bác xem có cái nào hay hơn ISI thì xin mời đề xuất. Lại còn “không ít các bài báo này là hoặc những nghiên cứu sinh,hoặc cọng tác viên của các nhà khoa học nước ngoài,chưa kể người ta đã phát hiện có hiện tượng đút lót để được công bố”: Ko ít là bao nhiêu %, ở chỗ nào, dân chứng ra chứ. So sánh với system ở VN thì hơn hay kém.

  14. người bình luận said

    Ta mắc bệnh duy ý chí nặng bắt nguồn từ cách thức điều hành chiến tranh ,xã hội đã trở thành nếp: Đảng họp,ra nghị quyết,đường lối,toàn dân,toàn quân quán triệt thực hiện. Khoa học lại là một lĩnh vực đặc thù,trong đó vai trò cá nhân là quyết định.Nếu không có nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực nào đó thì có nghìn nghị quyết cũng không ăn thua. Vậy cho nên hãy làm theo phương pháp “vết dầu loang”.Hãy tìm và xác định(điều này không khó) những nhà khoa học,công nghệ giỏi và tạo cho họ mọi diều kiện tốt nhất để phát triển. Từ một tâm chấn này giống như nguyên tắc Guy gen trong vật lý sẽ lan tỏa,phát triển thành nhiều hướng nghiên cứu mới,nhiều phòng thí nghiệm,viện…trình độ ngang tầm QT. Các nhà quản lý khoa học của ta cho đến nay đều chưa đủ thông minh ,hoặc không để tâm tìm hiểu được cách thức mà khoa học phát triển như vậy. Cứ đọc lịch sử phát triển khoa học của các nước thì rõ.

  15. Lanh The said

    “người tài mới xuất hiện, người khác đứng trên vai họ (stand on the shoulder of giants)”
    Nếu có người tài đi nữa, “người khác” ở VN chỉ có thể nhóm đồng chí X (chuyên đi tắt đón đầu) sưỡi cưỡi lên vai đạp đầu người ta xuống, bốc nhanh xèng cho vào túi.
    “Bọn” Pháp nó bảo ở VN không có trí thức, nếu đúng thì ta cùng quên hết Khoa học, công nghệ, đột phá… chỉ có y tá (lang băm), đồ tể, phe phẩy, cửu wạn, Lăm Sài Gềnh, Tú bà…
    Tôi U60 thấy Phớp là bọn hiểu ta nhứt.

    • said

      Khoa học đích thực ở VN là sự xa xỉ. Không gian độc tài,toàn trị mang đặc thù của CSVN đã bẻ gãy ngay từ đầu những cá nhân có tố chất của tài năng (khoa học) , chỉ còn lại tầm cỡ thư lại, chạy giấy.long tong vv…Một số lanh lợi hơn thì trở thành” lưu manh” đầy học hàm, học vị trong “khoa học”. Một số ít có thể có một chút tài nhưng đã sớm mang hội chứng vĩ cuồng như những tay răng hô mã tấu làm chính trị, và tôi hoàn toàn đồng ý vói @LanhThe

      • Dân Việt said

        Nền khoa học của đất nước Xô-Viết độc tài toàn trị,theo chủ thuyết Mác -lê đã từng đứng nhất nhì thế giới với những thành tựu vĩ đại và những nhà khoa học hàng đầu. Có lẽ bác chưa hoàn toàn đúng đâu ạ.

        • Nguyen said

          Thoi do nhieu nuoc ko co dk de pt khoa hoc. Bay gio nhin ro hon.

        • Lanh The said

          Điều bác Dân Việt nói đúng có tính bộ phận. Thời Brezhnev được gọi là thời trì trệ, cũng đúng cả về khoa học công nghệ. Cuộc cải tổ, theo học già LX (không phải 1 học giả, mà nhiều) được tiến hành để đánh đổi lấy CN tiên tiến hơn của phương Tây.
          Khoa học cơ bản thì (tạm được) nhưng KH prikladnaya (ứng dụng) thì gần số không, lại còn gây thất thoát.
          Gần đây cậu em tôi (khá có tên tuổi ở viện Toán( sang gặp thầy cũ ở Viện Toán Nga. Thày nói: ở đây (viện Toán) chưa bao giờ người ta làm gì, và chắc sẽ không làm gì. Mời bác xem thêm, chẳng hạn:

          http://www.aif.ru/society/article/54608/3

          Và nếu bác tìm thì còn nhiều nữa.”liệt…” (chữ dùng thời Gorby) là chứng nan y của LX, có lẽ cả về KH. Đa tạ.

  16. Binhminhmoi said

    Tán đồng ý kiến tâm huyết của Giáo sư. Là người trẻ và mới bắt đầu làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học , tôi có một số ý kiến tại sao nghiên cứu của chúng ta ít có bài báo quốc tế hay patent trong sản phẩm đầu ra của đề tài? Lý do thì nhiều, nhưng theo tôi thì những lý do như sau làm cản trở công bố quốc tế:
    – Thời gian thực hiện đề tài không dài. Để một bài báo được chấp nhận đăng có khi mất từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy khi hoàn thành kết quả nghiên cứu và viết bài đăng báo thì không kịp tiến độ nghiệm thu đề tài.
    – Lương người làm nghiên cứu, nhất là những cán bộ nghiên cứu trẻ không đủ sống vì vậy người chủ trì đề tài hoặc nhóm nghiên cứu của đề tài phải lấy một phần nguồn tiền trong đề tài để hổ trợ thêm, do đó chất lượng nghiên cứu không cao. Lương thấp cũng dẫn đến nhóm nghiên cứu không đeo đuổi hướng nghiên cứu sở trường mà chạy theo hướng nghiên cứu nào dễ xin đề tài.
    – Trình độ tiếng Anh chưa cao nên viết bài báo công cố quốc tế mất nhiều thời gian.

Bình luận về bài viết này