BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

10.001. Nhân kỷ niệm Mười năm ra đời tập san “Tổ Quốc”: GIAN NAN VÌ “TỔ QUỐC”

Posted by adminbasam trên 14/09/2016

Trích Chương Mười Bẩy Hồi ký “Người Đội Số Phận”

Nguyễn Thanh Giang

14-9-2016

Thời gian gần đây, ký tên dưới các bản kiến nghị tập thể thường có các hội đoàn sau:

1- Bach Dang Giang foundation. Đại diện: Ths Phạm Bá Hải.

2- Diễn đàn Xã hội Dân sự. Đại diện: Ts Nguyễn Quang A

3- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Ls Nguyễn Văn Đài

4- Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ. Đại diện: Ms Nguyễn Hoàng Hoa.

5- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Đại diện: Hội trưởng Lê Quang Liêm

6- Giáo hội Cao Đài chân truyền. Đại diện: Các CTS Hứa Phi, Nguyễn Bạch Phụng, Nguyễn Kim Lân.

7- Giáo hội Mennonite Độc lập. Đại diện: Các Ms Nguyễn Mạnh Hùng, Huỳnh Thúc Khải, Phạm Ngọc Thạch.

8- Hội Ái hữu Tù nhân chính trị và tôn giáo VN. Đại diện: Ông Nguyễn Bắc Truyển.

9- Hiệp hội Đoàn kết Công Nông Việt Nam. Đại diện: Ông Nguyễn Mai.

10- Hội Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo. Đại diện: Cô Hà Thị Vân

11- Hội Bầu bí Tương thân. Đại diện: Ông Nguyễn Lê Hùng

12- Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

13- Hội Nhà báo Độc lập VN. Đại diện: Ts Phạm Chí Dũng

14- Hội Phụ nữ Nhân quyền. Đại diện: Các bà Huỳnh Thục Vy, Trần Thị Hài, Trần Thị Nga

15- Hội thánh Tin lành Chuồng bò. Đại diện: Ms Lê Quang Du

16- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Ks Đỗ Nam Hải.

17- Lao động Việt. Đại diện: Cô Đỗ Thị Minh Hạnh.

18- Mạng lưới Blogger Việt Nam. Đại diện: Cô Nguyễn Hoàng Vi.

19- Nhóm Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Phạm Xuân Yêm & GS Nguyễn Huệ Chi

20- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Lm Phan Văn Lợi.

21- Phong trào Con đường Việt Nam. Đại diện: Ông Trần Văn Huỳnh.

Trước đây, từng xuất hiện các tổ chức:

1 – Đảng Tự do Dân chủ của ký giả Nguyễn Vũ Bình

2 – Đảng Dân chủ Nhân dân của bác sỹ Lê Nguyên Sang

3 – Đảng Bách Việt của kỹ sư Nguyễn Phương Anh

4- Hội Nhân dân Chống tham nhũng của đại tá Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê

5 – Đảng Dân chủ XXI của ông Hoàng Minh Chính

6- Tập hợp Thanh niên Dân chủ của thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung

Tôi tuy là một trong những người đầu tiên dấn thân vào con đường dân chủ sau Phong trào Nhân Văn – Giai phẩm nhưng tôi chưa hề có ý dồ cầm đầu tổ chức. Một vài anh em trẻ gặp riêng đề nghị tôi làm thủ lĩnh cho họ. Sau khi hình thành khối 8406, Linh mục Nguyễn Văn Lý ba lần gọi điện yêu cầu tôi nhận lãnh trách nhiệm đứng đầu tổ chức này, tôi đều từ chối. Một tham tán chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ và mấy nhà báo Phương Tây hỏi sao tôi không có tổ chức nào? Tôi trả lời: “Tôi không có riêng một tổ chức để được là người của tất cả các tổ chức”. Mãi sau này, khi đã già, tôi mới ghi tên tham gia Hội Nhà báo Độc lập và Văn đoàn Độc lập như một thành viên (rất nhỏ bé).

Thú thật là tôi cũng đã từng có mưu đồ tổ chức nhưng phần vì không có cơ duyên, phần quyết tâm chưa cao nên không thành. Mấy lần tự tìm đến ông Võ Văn Kiệt đều bị ngăn trở. Có lần tôi đã được cụ Nguyễn Hộ sai con gái đèo xe máy đến tận nhà ông ở 16 Tú Xương thì ông lại đi vắng.

Bây giờ thì không mấy ai còn nhìn nhận tôi, nhưng mươi năm trở về trước uy tín của tôi đối với thế giới bên ngoài kể cả trí thức và chính phủ các nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài có thể là khá cao. Nếu tôi trợ tá cho ông Võ Văn Kiệt đứng lên phục hoạt Đảng Lao động Việt Nam thì hầu như chắc chắn Đảng của chúng tôi sẽ cạnh tranh lành mạnh để áp đảo hoàn toàn Đảng Cộng sản Việt Nam. Được như vậy thì, hơn cả “cách mạng nhung”, Việt Nam có thể đã thực hiện thành công cuộc “cách mạng lụa”.

Nhẽ ra tôi không nện tự bạch một cách ngô nghê điều trên đây vì nó chỉ làm tôi vừa ân hận, vừa xấu hổ mà độc giả thì cho là nhảm nhí, huyễn hoặc. Phải cỡ như Đặng Dung mới vạch được lên trời câu thán “Vận khứ anh hùng ẩm hận đa” chứ!

Tôi chủ trương kiên-trì-cải-tạo-nhận-thức-xã-hội, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Chuyên chính vô sản kiểu Trung Quốc, Việt Nam … rất khó hình thành một “Gorbachov”. Những cái mầm Triệu Tử Dương, Trần Xuân Bách, Trần Độ … đều bị triệt hạ khi chưa kịp nhú khỏi mặt đất. Nếu làm tốt việc cải tạo nhận thức xã hội thì hoặc là, ta sẽ tạo ra được “Một nửa Gorbachov nằm trong Bộ Chính trị, một nửa Gorbachov ở các lực lượng đối kháng”, như sự ghép nối giữa ông Võ Văn Kiệt và tôi. Hoặc là, quần chúng từ tự phát tiến lên tự giác liên kết lại mạnh mẽ để trở nên hùng hậu như cuồng phong, như sóng thần cuốn phăng ngai vàng đang ngự trị chế độ lạc hậu đến mức đã trở thành phản động. 

Dù chủ trương kiên-trì-cải-tạo-nhận-thức-xã-hội có bị quy tội “Diễn biến hòa bình” thì tôi vẫn công khai xác nhận mình là một trong nhứng chiến sỹ hàng đầu trong mặt trận ấy, ngay cả khi đang nằm trong tù:

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH, HÓA GIẢI BẦY ĐOM ĐÓM

Họ bảo ta cầm đèn chạy trước ôtô

Ta đâu lú lẫn và ngây ngô

Học hành chưa được vài mủng chữ.

Không hơn Chí Phèo, Thị Nở

Vỗ ngực xưng giai cấp tiền phong

Chễm chệ ngồi lên đầu nhân dân.

 

Ôi Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông

Các ngài giỏi hơn phù thủy

Biến những nông dân chất phác hiền lành

Thành đồ tể

Nặn ra mấy ông giáo sư, tiến sỹ

Bỏ mặc đất nước khổ nghèo

Hì hục xây “Kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa”

… Định hướng vào cái rọ

Bắc Triều!

 

Ta không cầm đèn

Ta cầm trí tuệ nhân dân

Sáng rực hào quang

Hóa giải bầy đom đóm

Và tiến lên, diễn biến hòa bình

   Trại giam B14, tháng 3- 1999

    Nhà riêng sau Hội nghị TW4 

Tôi đã viết và tán phát vài bốn nghìn trang chính luận, nhưng cần thiết hơn, tôi thấy nhất thiết phải có được những tờ báo dù lọt thỏm giữa rừng báo của Đảng nhưng là những nụ hoa thơm phản ánh cho được “Suy tư và Ước vọng” của nhân dân, của đất nước chứ không chỉ có những tờ báo áp đặt ý chí của Đảng. Tôi bắt tay xây dựng tờ Tập san Tổ Quốc. Để bảo toàn tính mạng đặng có thể tồn tại mà thực hiện dự định, tôi không thể không “thủ đoạn”. Tôi gặp gỡ trực tiếp hoặc thư tín bí mật với từng người để mời đứng tên trong Hội đồng Sáng lập và Ban Biên tập. Đối với những người trong nước tôi đề nghị nếu bị công an tra vấn thì cứ bảo có nhận được lời mời từ đâu đó nhưng còn lưỡng lự chưa chính thức nhận thì đã bị ghi tên, tuy nhiên đừng tuyên bố công khai rằng bị ai áp đặt và đừng tuyên bố ly khai là được. Công an gặp từng người và khủng bố rất dữ dội nhưng hầu hết đều giữ được giao ước, ngoại trừ trường hợp ông Đặng Văn Việt. 

Cái khó là phải tìm sao cho được chỗ dựa vững chắc từ bên ngoài để vừa có kinh phí, vừa không bị đánh sập trang mạng. Tôi đã liên hệ với bốn năm địa chỉ nhưng cuối cùng đã chọn ông Nguyến Gia Kiểng và Tập hợp Dân chủ Đa nguyên làm cộng sự. Rõ ràng đây là sự chọn lựa rất chính xác. Nhờ vậy mà tờ báo còn tồn tại được đến ngày nay với uy tín ngày một cao.

Bản giao ước sau đây đã được thỏa thuận mhamh chóng:

GIAO ƯỚC GIỮA NHŨNG NGƯỜI LÀM TẬP SAN “TỔ QUỐC”

1 –  Cấu trúc nhân sự tập san TỔ QUỐC gồm 3 bộ phận:

a) Hội đồng Cố vấn gồm: Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Hộ, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín;

b) Thường trực Tòa soạn: Trương Nhân Tuấn, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Thanh Giang, Phan Thế Hải, Nguyễn Chính Kết và những người khác theo nhu cầu.(Đề nghị ghi rõ tên luôn)

c) Ban biên tập: Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng Đức, Phan Thế Hải, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Chính Kết, Trần Lâm, Tuệ Minh, Lê Chí Quang, Vũ Cao Quận, Trương Nhân Tuấn, Đặng văn Việt, Phạm Việt Vinh.

Cả ba bộ phận đều có thể thay đổi theo quyết định chung.

2 –  Hội đồng cố vấn và Ban Biên tập đăng trên mặt báo, thường trực tòa soạn không đăng

3 –  Phân nhiệm:

–  Hội đồng Cố vấn có nhiệm vụ lo cho Tập san có chất lượng, giữ cho Tập san đúng tôn chỉ, mục đích.

–  Thường trực tòa soạn lo cho Tập san có đủ bài vở để duy trì Tập san lâu dài. Thiết kế Tập san. Phát hành Tập san theo 3 hình thức: Đưa lên Web; gửi tối đa cho các địa chi Email; tổ chức một số trung tâm tán phát ở trong nước: lấy Tập san từ mạng xuống, photocopy để tán phát.

–  Ban biên tập: viết bài, đặt người viết bài để gửi cho Thường trực Toà soan, tham gia biên tập bài vở.

4 – Tổ Quốc đăng bài của tất cả tác giả trong và ngoài nước, thuộc tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật nhưng không đăng những bài cổ vũ bao lực, kêu gọi lật đổ chính quyền, những ý kiến chỉ trích phê phán quá nặng nề, thô bạo, kể cả đối với các nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay và ông Hồ Chí Minh.

5 – Các vấn đề quyết định liên quan đến Tổ Quốc tuân theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, theo biểu quyết chung của các thành viên thuộc cả ba bộ phận

6 – Mỗi số Tập san được lên khuôn chậm nhất 3 ngày trước khi phát hành, đưa trình Hội đồng Cố vấn và Ban Biên tập để tiếp nhận ý kiến bổ sung, sửa đổi. Báo chỉ được phát hành khi có ý kiến xét duỵệt cuối cùng của Nguyễn Thanh Giang, thay mặt các thành viên trong nước. Trong trường hợp Nguyễn Thanh Giang vắng thì ban cố vấn và ban biên tập sẽ biểu quyết một người thay thế.

7 – Trong trường hợp một số thành viên từ nhiệm hoặc bị ngăn trở, những thành viên còn lại phải tiếp tục thực hiện và phát hành Tập san phù hợp với giao ước này.

*

Tập san Tổ Quốc số một ra mắt độc giả ngày 15 tháng 9 năm 2006. Chỉ là sự tình cờ nhưng linh diệu sao khi đúng nửa thể kỷ trước, 15 tháng 9 cũng là ngày chào đời của tờ Nhân Văn đầu tiên của nhóm Nhân Văn Giai phẩm. Phải chăng “Tổ Quốc” là “Nhân Văn” phục sinh? Cùng với tờ “Tự do Ngôn luận”, bán nguyệt san “Tổ Quốc” là một trong hai tờ báo đầu tiên của Phong trào Dân chủ Việt Nam sau Nhân Văn Giai phẩm. Ít năm sau đó nở rộ những “Ba Sàm”, “Bauxite Việt Nam”, “Tễu”, “Phạm Viết Đào”, “Trương Duy Nhất”, “Bùi Văn Bồng”, “Bà Đầm Xòe”, “Văn Việt”, “Việt Nam Thời báo” …

Dư luận trong nước và thế giới xôn xao chào mừng sự xuất hiện của “Tổ Quốc”. Nhiều trang web đăng bài RFA phỏng vấn tôi ngày 22 tháng 9 năm 2006:

MỘT TỜ BÁO ĐỐI LẬP VỪA PHÁT HÀNH Ở VIỆT NAM

Một tờ báo đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam được tán phát ở trong nước với lập trường phản ánh “suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam”. Tập san Tổ Quốc ra mắt độc giả số đầu tiên vào ngày 15-9 vừa qua.

Nhìn về lịch sử, 50 năm trước, vào ngày 15-9-1956, tập san Nhân Văn Giai Phẩm ra đời đánh dấu sự kiện phản kháng của văn nghệ sĩ miền Bắc. 50 năm sau cái mốc 15-9 đó, tập san Tổ Quốc chính thức ra đời. Mời quí vị theo dõi cuộc trao đổi của Việt Hùng với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là một trong những người thuộc nhóm chủ trương.

Xóa bỏ ngăn cách, hận thù

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Việc xuất hiện bán nguyệt san thông tin và nghị luận Tổ Quốc có lẽ là do yêu cầu nội tại của đất nước Việt Nam hiện bây giờ. Tờ báo Tổ Quốc tự nhận thấy trách nhiệm của mình cố gắng hướng tới để mà xóa bỏ mọi ngăn cách, mọi hằn thù trước đây do chính kiến khác nhau, do ý thức hệ khác nhau, do thành phần giai cấp khác nhau rồi để đóng góp phần nhỏ vào việc xây dựng một con người Việt Nam mới có tri thức về khoa học, về chính trị……

Việt Hùng: Bên cạnh đó chúng tôi cũng ghi nhận thành phần Ban biên tập xuất hiện những tên tuổi của một số nhà dân chủ tại Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Trong Ban biên tập và trong Hội đồng cố vấn xuất hiện những tên tuổi như là ông Nguyễn Minh Cần, cựu Ðại tá Phạm Quế Dương, cụ Nguyễn Hộ, cụ Nguyễn Hộ là một cách mạng lão thành, trước đây từng là người thành lập Câu lạc bộ kháng chiến, rồi một lý luận gia ở nước ngoài là ông Nguyễn Gia Kiểng, rồi Ðại tá Bùi Tín, một nhà báo nổi tiếng từng là Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân của đảng Cộng sản Việt Nam.

Về Ban biên tập có tên tuổi của những nhà dân chủ trẻ tuổi rất thông minh, năng động như Nguyễn Phương Anh, Tuệ Minh và cũng có những cụ lão thành từng nổi tiếng nữa như cụ Ðặng Văn Việt, từng là “con hùm xám đường 4” và bây giờ người ta nói trong thế hệ làm nên Ðiện Biên Phủ còn lại hai người được đặc biệt giỏi quân sự Pháp kính trọng, thứ nhất là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và thứ hai là ông Ðặng Văn Việt, rồi còn có cả Luật sư Trần Lâm…

Một thành phần như vậy chứng tỏ có nhiều chính kiến khác nhau, cho nên từ đấy tờ Tổ Quốc tuyên bố rằng, họ không thuộc một đảng phái, không thuộc một ý thức hệ chính trị nào cả mà đây thực sự là vì nhân dân, vì tổ quốc, đây là tiếng nói cất lên từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam.

Cái ước vọng tha thiết nhất của nhân dân Việt Nam ngày nay là tự do và dân chủ, bởi vì có tự do dân chủ thì mới có thể khai thác được mọi ý kiến, mọi sáng kiến, tận dụng được mọi khối óc trái tim để xây dựng một đất nước dân giàu nước mạnh, có xã hội công bằng và văn minh.

Đảng CSVN cũng ra báo Tổ Quốc

Việt Hùng: Nhưng thưa Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Bộ Văn hóa Thông tin cũng có một tờ báo gọi là Tổ Quốc, như vậy dư luận có thể hiểu như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Cái ngày ra đời của bán nguyệt san Tổ Quốc này lại trùng với ngày ra đời của báo Nhân Văn Giai Phẩm đúng cách đây một nửa thế kỷ. Sau đúng nửa thế kỷ thì tờ Tổ quốc cũng xuất hiện, như vậy tờ Tổ Quốc sẽ mang sứ mệnh đấu tranh cho việc dân chủ hóa đất nước.

Một sự kiện thứ hai, không biết là tình cờ hay đây là sự tranh đua với nhau mà bán nguyệt san Tổ Quốc của chúng tôi xuất hiện ngày 15-9 thì bốn ngày sau đó, ngày 19-9 cũng xuất hiện tờ báo điện tử mang tên Tổ Quốc của Bộ Văn hóa Thông tin ra đời.

Tôi cho rằng, dù sự canh tranh hay tình cờ nào đấy có lẽ sẽ góp phần tăng thêm trách nhiệm và uy tín cho bán nguyệt san Tổ Quốc này ở chỗ là có dịp để người ta so sánh tiếng nói ở đây với tờ Tổ Quốc của Bộ Văn hóa Thông tin….

*

Bạn đọc gần xa gửi thư trao đổi:

Anh Thanh Giang kính mến!

Gần đây, được đọc bài “Nằm bệnh viện vẫn sục sôi đất nước” của tác giả Nguyễn Thượng Long đăng trên Tập san Tổ Quốc số 46 ra ngày 1-8- 2008 mới hay tin anh vừa trải qua bạo bệnh và đã thoát hiểm. Tôi vội cầm bút ghi mấy lời thăm hỏi anh. Tôi và các bạn tôi hồi hộp lo lắng theo từng dòng chữ từ đầu đến cuối với lòng dạ bồn chồn, với tâm nguyện cầu khấn cho anh tai qua nạn khỏi. Mừng nhất sau cùng là biết anh từng bước bình phục và tờ “Tổ Quốc” mà anh là chủ nhiệm chắc chắn là vẫn đều đặn ra mắt bạn đọc đáp ứng mong mỏi của nhiều độc giả .

Thưa anh, nhân đây xin có mấy ý kiến nhỏ xin góp với “Tổ Quốc”:

Tập san ra đời đã đáp ứng đúng nhu cầu hiểu biết nắm bắt thông tin đa chiều, giúp bạn đọc nhận thức được thực trạng, bản chất, thực chất của nhiều vấn đề chính trị, xã hội đời sống đang nổi cộm, đang đặt ra bức bách, đang nóng bỏng đòi hỏi phải được tháo gỡ, những vấn đề mà từ lâu cho tới nay những người cầm quyền vẫn tìm đủ cách bưng bít vì những mục đích chính trị .

“Tổ Quốc” đã đề cập đến những vấn đề liên quan mật thiết đến vận mệnh, đời sống, tiền đồ của đất nước, của mỗi người dân, của các thế hệ như: vai trò của đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền; xã hội dân sự; cải cách Hiến pháp; kinh tế thị trường định hướng XHCN; tự do dân chủ, nhân quyền; chính sách đất đai; suy thoái và khủng hoảng kinh tế; thực trạng nền giáo dục; các quan hệ quốc tế … vv… “Tổ Quốc” đúng là tiếng nói của Suy tư và Ước vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước .

“Tổ Quốc” qua 46 số ra mắt bạn đọc, thấy nổi lên khá nhiều bài viết có giá trị của những tác giả như Nguyễn Thanh Giang, Bùi Tín, Trương Nhân Tuấn, Như Hà, Hà sỹ Phu, Nguyên Ngọc, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Thượng Long, Vi Đức Hồi, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Khải Thanh Thuỷ, Phạm Hồng Sơn …. Ở mỗi góc nhìn khác nhau, trên những bình diện khác nhau và ở những trình độ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung cũng như xét từng bài, thấy đó là những bài viết khá công phu, có luận cứ minh xác, có nhận định khoa học có tư liệu cụ thể, rõ ràng, ý kiến có sức thuyết phục. Những bài báo đó cho thấy các tác giả theo rõi khá chặt chẽ diễn biến của thời sự, giúp người đọc thức tỉnh, đổi mới tư duy, bồi dưỡng khả năng độc lập suy nghĩ, nâng cao năng lực quan sát, cảm nhận để từ đó có thái độ đúng, có hướng sống tích cực hơn .

2 – Tuy nhiên, “Tổ Quốc” cũng còn những hạn chế cần được sớm khắc phục:

–  Một số bài viết chưa thực sự có chất lượng, ý kiến chung chung, sơ lược, lặp lại mình, thiếu tìm tòi khám phá, chưa có những nhận định xác đáng, thiếu sự phân tích khách quan khoa học; hoặc dài dòng, dàn trải, sức khái quát yếu….

–  Một số tập san “Tổ Quốc” có hiện tượng in nhầm từng trang bài (như số 44 gần đây) gây khó khăn, khó chịu lúc đọc.

– Tập san in ấn chưa đẹp, chưa chững chạc, khá nhiều số bị nhoè bẩn. Nên chăng, trong điều kiện có thể, Tập san có thể cải tiến khuôn mẫu, khổ giấy, trình bày. Bạn đọc có cảm tưởng như “Tổ Quốc ” là một tài liệu bí mật thời xưa.

3 – Cần nghiên cứu suy nghĩ làm thế nào để tờ “Tổ Quốc” có một chỗ đứng vững chắc trên bình diện công khai, thực sự bình đẳng với nhiều nhiều tờ báo hiện nay được Đảng bảo hộ như tờ Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Văn Nghệ, Đại đoàn Kết …vv…Điều này không dễ, còn tuỳ thuộc vào tiến trình dân chủ phát triển đến đâu. Dù sao “Tổ Quốc” cũng phải phấn đấu thể theo nguyện vọng bức thiết của nhân dân. Tin rằng “Tổ Quốc” sẽ phát triển tốt và nhất định sẽ khẳng định được vị trí của nó .

Anh Giang kính mến !

Tôi xin phép anh được tạm dừng bút ở đây. Rất mong anh giữ gìn sức khoẻ. Kính chúc anh mau chóng bình phục. Qua anh cho gửi lời hỏi thăm chúc chị và các cháu .

Thân kính. Nay thư!  Nghệ An ngày 18-8-2008

Khương Thế Hà

*

Từ Sài Gòn, một ký giả đưa lên mạng bài “Sức sống của quyền được nói”:

Một trong những trí thức kiên trì bảo vệ quyền được nói là TS Nguyễn Thanh Giang, sinh năm 1936, quê Thanh Hóa, hiện nghỉ hưu ở Hà Nội. Nếu như ông Lê Hồng Hà, một trong những nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam không học hàm, học vị, được đánh giá là cây lý luận sắc sảo, thì tiến sỹ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang được đánh giá là cây viết đáng kính trong phong trào dân chủ Việt Nam. Chỉ tính từ cuối năm 2006 đến nay, ông đã có 30 bài viết, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính quyền về tự do dân chủ, về chính sách kinh tế, nhân sự cấp cao và quan hệ đối ngoại. Về dân chủ, TS Nguyễn Thanh Giang cho ra đời 02 cuốn sách khá nổi tiếng là Suy tư và ước vọng, Nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Góp ý về chính sách quốc tế và đối ngoại, TS Nguyễn Thanh Giang có 16 bài viết gửi Đảng và Nhà nước Việt Nam; về đường lối, chủ trương của Đảng CSVN có 22 bài viết. Năm 1992, lúc đó còn là chuyên viên kỹ thuật tại Liên đoàn địa chất Việt Nam, TS Nguyễn Thanh Giang đã viết đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa IX, nhưng bị loại ngay vòng đầu. Đầu năm 1999, ông bị Công an Hà Nội bắt giam, thu giữ nhiều tài liệu dân chủ. Sau khi ra tù, TS Nguyễn Thanh Giang cùng các các nhà bất đồng chính kiến trong nước tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Nhà nước cho phép ra đời báo tư nhân. Trong lúc chờ đợi ý kiến của chính quyền, năm 2006, TS Nguyễn Thanh Giang là một trong những người sáng lập báo điện tử Tổ Quốc, tạo điều kiện cho anh em dân chủ thực hiện quyền được nói. Với tư cách là Chủ nhiệm Ban biên tập, 02 năm qua TS Nguyễn Thanh Giang đã làm cho báo điện tử Tổ Quốc trở thành một trong những báo đối lập ôn hòa, có tri thức, góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ Việt Nam, tạo sức sống cho quyền  được nói.

Có thể nói, thời gian qua, tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đã cùng các nhà trí thức tiến bộ trong nước như TS Nguyễn Xuân Tụ, ông Lê Hồng Hà, giáo sư Phan Đình Diệu, TS Lê Đăng Doanh, nhà văn Lữ Phương, nhà thơ Bùi Minh Quốc,… kiên trì bảo vệ quyền được nói, kiến nghị Đảng và Nhà nước thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, đã có những lúc tưởng chừng TS Nguyễn Thanh Giang không thể tiếp tục thực hiện quyền được nói của mình bởi sự nghi kỵ, ganh ghét của một số anh em hoạt động dân chủ dạng phong trào. Ông bị một số anh em quy chụp là dân chủ “cuội”, cơ hội, tranh giành chức vụ trong phòng trào dân chủ, nhưng ông đã không nản, tiếp tục cất lên tiếng nói của mình.

Gần đây, khi trả lời phỏng vấn đài RFA, TS Nguyễn Thanh Giang thẳng thắn nêu vấn đề: Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam (Intitutes Development Studies – IDS) do TS Nguyễn Quang A đã được cấp phép hoạt động thì tại sao báo Tổ Quốc lại không? Thế đấy, TS Nguyễn Thanh Giang là một nhà bất đồng chính kiến kiên trì theo đuổi quyền được nói của mình, bất chấp sự o ép từ phía chính quyền cũng như sư ganh ghét từ những nhà dân chủ phong trào. Tin rằng quyền căn bản của con người – quyền được nói của TS Thanh Giang sẽ được thừa nhận trong tương lai gần.

Quyền được nói là bất diệt, luôn tràn đầy sức sống.

Sài Gòn 12 tháng 11 năm 2008

Hiền Lương

*

Thế rồi …. phong ba bão táp đùng đùng nổi lên tưởng chừng xé nát cơ đồ của chúng tôi. Rầm rập đội quân báo Đảng theo lệnh truyền của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng xuất quân truy diệt “Tổ Quốc” bằng những “trước tác” sau đây:

1 – Sự thật về “tờ báo lậu” Tổ quốc (báo Công an TP HCM ngày 06/12/2008).  2 -. Đội lốt “dân chủ” ăn chặn đô la (báo Công an Nhân dân ngày 06/12/2008).

3 – Bóc trần bộ mặt kẻ chống phá dân tộc (Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 6/12/2008)

4 – Bóc trần bộ mặt kẻ chống phá Nhà nước (Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 06/12/2008)

5 – Chân dung các “nhà dân chủ” thích… USD (Báo điện tử Vietnamnet ngày 06/12/2008) 

6 -. Bóc trần bộ mặt kẻ chống phá Nhà nước (Báo Hà Nội mới bản giấy và bản điện tử ngày 06/12/2008)

7 – Bộ mặt thật của những “nhà dân chủ” (báo Đất Việt ngày 06/12/2008).8 – Những hành vi lạc lõng xấu xa, đáng lên án (báo Nhân Dân ngày 13/12/2008).

v.v …

Bài đăng trên báo Nhân Dân còn có tý chút “lịch sự”: NHỮNG HÀNH VI LẠC LÕNG, XẤU XA, ĐÁNG LÊN ÁN   

Bắt đầu từ những nguồn tin quần chúng, cơ quan chức năng vừa bóc gỡ một “ổ nhóm” đối tượng có mưu đồ chống phá Nhà nước và gây mất ổn định xã hội. Vào các ngày 7, 8, 9 tháng 3 vừa qua chúng tụ tập giăng khẩu hiệu rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước kêu gọi lật đổ chính quyền, kích động các hành vi vi phạm pháp luật tại ba địa điểm ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương. Cầm đầu ổ nhóm này là Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh năm 1949 ở phường Quán Tữ (Kiến An – Hải Phòng). Nhưng chủ mưu và tài trợ cho hoạt động này là một số phần tử lưu vong ở Mỹ, Pháp, Ô-xtray-lia….. , luôn tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta, trong đó có tổ chức khủng bố Việt Tân. Để thực hiện âm mưu này, chúng đã lên kế hoạch rất chi tiết: Nghĩa chỉ đạo mấy giờ xuất phát, đến đâu, gặp ai, sau khi giăng khẩu hiệu, rải truyền đơn xong thì chụp ảnh rồi truyền ngay ra nước ngoài, vì đám người bên đó đang chờ sẵn để khuếch trương, bôi xấu Việt Nam. Nghĩa trả tiền công cho mỗi người thực hiện vài trăm ngàn đồng. Trực tiếp tham gia có Nguyễn văn Túc (Thái Bình), Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn văn Tính (Hải Phòng), Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh (Bắc Giang), Vũ văn Hùng (Hà Nội), là những đối tượng nhiều lần vi phạm pháp luật, được giáo dục, cảnh cáo nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Trước cơ quan điều tra, bọn chúng đã thừa nhận việc làm đáng hổ thẹn nói trên. Điều đáng nói là, những người này bị lôi kéo không phải ai cũng nhận thức được hành vi sai trái của mình. Có kẻ vì tiền, có kẻ vì dại dột, háo danh, cứ ngỡ có sự hậu thuẫn từ bên ngoài là có thể bất chấp pháp luật. Sau một thời gian “Đồng hóa với phong trào dân chủ” như cách mà Nguyễn văn Tính nói về những kẻ cơ hội chính trị, thì những lời sau đây của ông ta đã diễn tả đầy đủ bản chất của “phong trào”: “Những người tự cho mình là hoạt động đấu tranh cho “Dân chủ”, cho “Nhân quyền” thực ra không phải vì quyền lợi chung mà vì cá nhân họ, vì kinh tế. Qua những bài viết họ đấu đá nhau, chê bai nhau, tranh giành quyền lợi về kinh tế, được hưởng mà tôi đánh giá như vậy. Như Nguyễn khắc Toàn ở Hà Nội, Kim Thu ở Miền Nam đã ăn chặn tiền của nước ngoài gửi cho những người khiếu kiện. Ngay ở Hải Phòng, nơi tôi sinh sống, có Nguyễn xuân Nghĩa, năm 2006 hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất. Nhưng chỉ sau hai năm hoạt động cho “phong trào” kinh tế Nghĩa đã khá lên rõ rệt. Mục đích cuối cùng của những hoạt động đó là xin tiền tài trợ từ những người Việt sống lưu vong ở nước ngoài có tư tưởng chống đối Nhà nước.

Những đối tượng nói trên khi làm việc với cơ quan điều tra đều nhắc đến một đối tượng như là nhân vật chủ chốt của “phong trào”. Đó là Nguyễn Thanh Giang, 72 tuổi, ở Trung Văn, Từ Liêm (Hà Nội). Nguyễn Thanh Giang có một quá trình vi phạm pháp luật,  nhiều lần bị bắt quả tang và bị cảnh cáo về hành vi tàng trữ, phát tán tài liệu cũng như xuất bản trái pháp luật bốn đầu sách có nội dung chống phá đất nước. Ngựa quen đường cũ, lần này theo phát giác của một số đối tượng nói trên, thì Nguyễn Thanh Giang đã thành lập trái pháp luật cái gọi là tập san Tổ Quốc do y làm chủ bút, đã phát hành 54 số sau hơn hai năm. Nguyễn Thanh Giang đã khuyến khích, cho máy tính, máy in, máy photocoppi, tặng tiền, (nhiều lần) cho một số người, xúi họ viết bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xúc phạm nhân dân, bôi nhọ lãnh đạo … để đăng trên tập san lá cải nói trên. Từ những lời tố cáo ấy, ngày 26-11-2008, cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã làm việc với Nguyễn Thanh Giang. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Giang thừa nhận là chủ bút, trực tiếp viết, biên soạn, in ấn và tổ chức phát hành cái gọi là tập san Tổ Quốc. Việc ra báo trái phép là vi phạm luật rõ ràng, không có gì phải bàn, nhưng tệ hại hơn là cái “tập san” tập hợp những bài viết, những tài liệu gây bất ổn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước và làm ảnh hưởng uy tín của Việt Nam trên thế giới. Tuy Thanh Giang cũng lập ra ban biên tập, hội đồng “cố vấn” cho tập san, nhưng lập ra cho đủ lệ bộ thôi chứ mọi việc do một tay y làm dưới sự chỉ đạo của ông chủ thực sự là Nguyễn Gia Kiểng, kẻ cầm đầu tổ chức phản động lưu vong “Tập hợp dân chủ Đa nguyên” ở Pháp. Cũng chính Kiểng đã “bao” toàn bộ kinh phí cho hoạt động của tập san này, bước đầu là 125 triệu đồng. Nguyễn Thanh Giang còn là đầu mối nhận tiền của các tổ chức thù địch với Việt Nam ở nước ngoài để trao cho gia đình những đối tượng cơ hội chính trị mà họ gọi là “những nhà dân chủ”, bởi theo Nguyễn Thanh Giang, những người này không muốn trực tiếp nhận sợ mang tiếng nhận tiền của phản động nước ngoài. Về hành vi sai trái của Nguyễn Thanh Giang, chính Nguyễn Mạnh Sơn đã nói: “Theo tôi được biết, một tờ báo tồn tại hợp pháp là tờ báo có đăng ký với Nhà nước và được cấp phép hoạt động. Với tờ báo “Tổ Quốc” của Nguyễn Thanh Giang, đó là tờ báo ngoài luồng, tồn tại bất hợp pháp, phát hành chui lủi …”

Trong thời điểm hiện nay nền kinh tế đất nước sau những tháng lạm phát tăng cao nay lại có dấu hiệu giảm phát, chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính đang lan ra toàn cầu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn và dự báo năm 2009, còn khó khăn hơn. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang dồn sức đối phó với tình hình để ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân đưa đất nước phát triển bền vững. Đã không góp sức chung tay giải quyết khó khăn thách thức, Nguyễn Thanh Giang và những đối tượng nêu trên còn móc nối với các phần tử và thế lực thù địch bên ngoài hòng làm mất ổn định xã hội, phá hoại thành quả của sự nghiệp đổi mới. Hành vi xấu xa, đáng lên án của họ thật lạc lõng giữa dòng chảy của đất nước.

Trường Sơn

*

Bài đăng trên Báo Công an Nhân dân ngày 6 tháng 12 năm 2009 với sự gia giảm của nhà báo Nguyễn Như Phong, nay là Tổng Biên tập báo Petro Times thì phơi bầy rất rõ bản chất ti tiện bẩn thỉu:

NGUYỄN THANH GIANG – MỘT TAY SAI CỦA TỔ CHỨC VIỆT TÂN,   ĐỘI LỐT “DÂN CHỦ” ĂN CHẶN ĐÔLA

Cũng từng có một số kẻ cơ hội, vi phạm pháp luật nhưng chúng còn biết thân phận trình độ “hạt mít” không dám ra mặt, chỉ lén lút làm trò kiếm tiền. Nhưng ông Nguyễn Thanh Giang dù tự nhận mình là người già nua, một thời dạy học lại ngờ nghệch xưng chủ bút cái gọi là “tập san Tổ quốc” để đạo văn, phô tô đóng tập lấy tiền tiêu xài. Tri thức rởm được lật tẩy dưới lốt “dân chủ”, sự thật chỉ là kẻ lừa phỉnh, tham lam, ăn chặn đô la bố thí từ bên ngoài. Bằng thao tác download những bài viết có nội dung xuyên tạc, vu cáo của những kẻ cực đoan, phản động trên mạng Internet, Nguyễn Thanh Giang – đối tượng tự xưng “hoạt động dân chủ” tìm cách in ấn, tán phát dưới cái gọi là “tập san Tổ quốc”, lấy tiền từ nước ngoài tiêu xài. Thỉnh thoảng ông ta nặn chữ được một vài bài, còn lại đều đạo văn nhưng vẫn tự xưng “chủ bút”, lừa mị đối tượng Nguyễn Gia Kiểng (kẻ cầm đầu tổ chức phản động lưu vong ” Tập hợp Dân chủ Đa nguyên”) rằng đã “tuyên truyền rộng rãi” để lừa lấy hàng trăm triệu đồng tài trợ của Kiểng. Bản chất hám lợi của Nguyễn Thanh Giang cũng lộ rõ khi lập lờ đánh lận số tiền Kiểng chuyển về, vờ minh bạch với vài động tác lập hóa đơn chia chác. Chẳng hạn, trong số 125 triệu đồng Kiểng gửi, ông ta tìm cách ẵm gọn, sau đó chỉ báo cáo với Kiểng đã giành 46 triệu đồng làm “nhuật bút” cho một số người như Trần Lâm, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Cao Quận, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính… Sự thật, những kẻ được coi có bài đóng góp cho tài liệu tán phát của Nguyễn Thanh Giang chỉ nhận được vài trăm nghìn đồng. Bởi thế khi biết kỳ thực số tiền Kiểng tài trợ là 125 triệu đồng, một số “tác giả” gọi điện đến hỏi, ông nói qua loa, lúc bảo uống rượu hết, lúc ngụy biện bí quá lỡ tiêu quá tay, lấn cả phần thóc gạo anh em. Nhiều kẻ tức giận nhưng ông “chủ bút” đã nói vậy, họ cũng đành ngậm tăm. Biết chuyện ông già hơn 70 tuổi còn tham lam ăn chặn tiền của mình, Nguyễn Gia Kiểng rút kinh nghiệm nên có lần không gửi cho ông Giang mà gửi thẳng cho Trần Anh Kim, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Tính 10,2 triệu đồng, gửi cho Nguyễn Kim Nhàn, Võ Văn Nghệ 4,8 triệu đồng. Hành động này của Kiểng khiến Nguyễn Thanh Giang tỏ rõ sự cay cú khi không thể kiếm chác gì được, thì ông lại bày ra mẹo khác. Gần đây, ông ta giả vờ tổ chức những cuộc tụ tập, điển hình là cuộc tụ tập ngày 28/10/2008 tại chính nhà ông Giang, kỳ thực để hợp pháp hóa số tiền đã nhận từ bên ngoài. Ông đánh lận bằng cách chia cho Nguyễn Thị Nga (vợ Nguyễn Xuân Nghĩa), Bùi Thị Rề (vợ Nguyễn Văn Túc) một ít tiền, nói rằng do Nguyễn Phương Anh đề xuất, còn dặn thêm nếu bên ngoài có hỏi thì bảo đã nhận đủ, chia đủ! Để có “bằng chứng” gửi ra nước ngoài, Nguyễn Thanh Giang yêu cầu những người nhận tiền phải ký, ghi hoá đơn, thậm chí còn cả “thư cảm ơn”, yêu cầu ghi rõ “đã nhận được từ ông Nguyễn Thanh Giang”. Chẳng hạn Bùi Thị Kim Ngân và Vũ Thuý Hà sau khi nhận được tiền đã buộc phải viết thư kiểu “chứng từ”, đề: “Chúng cháu là Bùi Thị Kim Ngân, vợ của nhà báo Nguyễn Vũ Bình và Vũ Thuý Hà, vợ của bác sỹ Phạm Hồng Sơn. Hôm nay, ngày 1/1/2006, qua ông Nguyễn Thanh Giang, chúng cháu đã nhận được mỗi người 1.000 USD”. Thư của Trần Thị Quyết, mẹ của Nguyễn Khắc Toàn cũng buộc phải ghi thêm vào đoạn “đã nhận 500 USD qua ông Nguyễn Thanh Giang”.

Ông Giang lý giải, việc những người nói trên phải nhờ ông nhận tiền thay là để che giấu có nhận tài trợ từ bên ngoài, song những người nhận tiền khai rằng ông Giang bắt phải ghi rõ như trên để ông có căn cứ gửi ra bên ngoài, nói đã dùng số tiền vào việc được giao, có người làm và nhận chứ không phải ông Giang ẵm hết! Qua tố cáo của các đối tượng trong vụ việc cho thấy, việc lập lờ đánh lận để nhận tiền dưới chiêu bài “chủ bút” cái gọi là “tập san Tổ quốc”, ông Giang đã nhiều lần lừa gạt, lấy tiền tiêu xài. Trong lời khai tại cơ quan Công an về việc những ai được nhận tiền của cái gọi là giải thưởng của một tổ chức phản động tại Mỹ, ông Giang thừa nhận: “Có nhiều người nhận được “giải thưởng”… Khoản tiền này không cố định mà giao động từ 2.000 USD đến 7.000 USD, chẳng hạn tôi nhận được 5.000 USD, Trần Dũng Tiến 2.000 USD”. Trò lừa bịp dưới chiêu bài “dân chủ” bộc lộ bản chất kiếm chác, trục lợi của ông Nguyễn Thanh Giang. Nhiều đối tượng trong vụ việc đã hối lỗi trước cơ quan Công an rằng, họ không hiểu cái gọi “dân chủ” thực chất là gì nhưng nghe ông Giang nói viết bài bịa đặt, xuyên tạc sẽ được tiền, rồi đi treo biểu ngữ, dán khẩu hiệu phản động cũng được tiền nên có lúc vì cả tin và một chút lợi nên những người này đã làm theo. Trước cơ quan chức năng, những đối tượng như Nguyễn Văn Tính cũng thẳng thắn nói rằng, sau một thời gian bị lừa mị, ông hiểu rõ bản chất thực của ông Giang là lừa đảo, kiếm chác, tất cả vì ba đồng đô la bẩn thỉu. Trong lời khai ngày 20/11/2008, Nguyễn Văn Tính thẳng thắn nói sự thật: “Những người tự cho mình là hoạt động đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”, họ hoạt động không phải vì quyền lợi chung mà hoạt động vì quyền lợi cá nhân của họ, vì kinh tế. Qua những bài viết họ đấu đá nhau, chê bai nhau, tranh giành quyền lợi về kinh tế, ganh tị về quyền được hưởng mà tôi đánh giá như vậy. Như Nguyễn Khắc Toàn ăn chặn tiền của người nước ngoài gửi cho những người khiếu kiện, rồi Vũ Cao Quận luôn đề cao cá nhân mình, luôn cho mình là người phải xứng đáng được hưởng thế này, thế nọ…”. Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Khắc Toàn cũng lộ rõ những kẻ hám lợi, ăn chặn tiền tài trợ dưới các chiêu bài xảo trá. Chính ông Giang buộc phải khai nhận trước cơ quan chức năng về những khoản tài trợ, dù ông không giải thích được trong số đó ông bỏ túi bao nhiêu, còn bao nhiêu chia cho người khác. Trước câu hỏi: “Ai là người quản lý và chi tiền mọi người ủng hộ và chịu trách nhiệm chi phí cho tờ báo hoạt động”, ông Giang thừa nhận: “Tôi (Nguyễn Thanh Giang) là người quản lý tiền và chịu trách nhiệm chi phí cho tập san hoạt động”. Riêng các khoản ông ta ăn chặn, lừa gạt bên ngoài thì ông né tránh và không có đề đạt gì!? Để lừa gạt những người thiếu hiểu biết khác, ông ta luôn khoác trên mình tấm áo “tiến sỹ địa chất” và “người cao tuổi, có kinh nghiệm”. Sau này, bị can Nguyễn Xuân Nghĩa thành thật thú nhận việc mình bị ông già Thanh Giang lừa gạt, đưa cho vài đồng bạc rồi bảo làm này, làm nọ. Bị can Nghĩa nói: “Khoảng tháng 11/2006, tôi được ông Vũ Cao Quận đưa cho đọc một vài tài liệu bài viết về “dân chủ, nhân quyền” của ông Nguyễn Thanh Giang (các bài viết này tôi không nhớ tiến độ) và ông Quận cũng giới thiệu ông Giang là người đã nhiều tuổi và cũng hoạt động trong lĩnh vực “dân chủ, nhân quyền”. Như vậy, bằng các bài đạo văn của những kẻ bị kích động, ông Giang cho in ấn, tán phát rồi thu tiền tiêu xài. Ngay cả việc tán phát, kỳ thực là ép buộc họ nhận để lấy tiền, dù những tài liệu này chẳng ai thèm đọc. Ngay cả cái danh tiến sỹ địa vật lý, hầu hết những người từng bị Nguyễn Thanh Giangng lôi kéo đều bảo, họ chỉ biết ông ta khoe khoang vậy chứ không ai rõ thực hư ra sao bởi nếu trình độ tiến sỹ thật thì đã không làm trò đê hèn như vậy. Ông Giang sinh năm 1936, quê Hoằng Hoá, Thanh Hóa, từng là giáo viên dạy học. Ông này từng bị bắt vì hành vi vi phạm pháp luật. Không hiểu vì lý do gì, ở tuổi được coi là gần đất xa trời mà vẫn phải sống bám với những kẻ hậu thế, vòi tiền từ bên ngoài để thoả mãn động cơ thực dụng. Những người từng nhận tiền của ông Giang như Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính… cũng khai nhận sự thực của trò xảo trá này

Trường Sơn

Được giao nhiệm vụ đánh “Tổ Quốc” nhưng vì tư thù, đại tá Nguyến Như Phong “bỏ bóng đá người”, chĩa mũi nhọn vào tôi. Ngoài việc vu khống tôi ăn chặn tiền của anh em để lấy tiền uống rượu (mặc dù từ trẻ đến giờ tôi chưa hề nghiện bất cứ thứ gì), trong bài, Nguyến Như Phong đưa ra dẫn chứng tôi liên minh chặt ché với Tập hợp Dân chủ Đa nguyên nhưng lại quy tôi là tay sai Việt Tân để dễ xui chính quyền bỏ tù tôi hơn.

*

Công an thì liên tục bao vây, hăm dọa. Bài phỏng vấn sau đây của đài quốc tế Pháp RFI phản ánh một trong những buổi vây ráp đó:

TIẾN SỸ NGUYỄN THANH GIANG TỐ CÁO AN NINH SÁCH NHIỄU

Ngày 12/09/2013, vào khoảng 7 giờ sáng, các nhân viên an ninh Việt Nam đến nhà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang để tra hỏi về các bài viết của ông mới đưa lên mạng.  Điều khiến nhà bất đồng chính kiến phẫn nộ nhất là cùng lúc đó, cơ quan an ninh tiến hành một loạt các biện pháp để ngăn chặn các bạn hữu tới chung vui dịp kỷ niệm 7 năm thành lập Tập san Tổ Quốc.

Các nhân viên an ninh chất vấn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về các bài viết “Đừng lũng đoạn luật pháp”, “Cần vinh danh Điếu Cày”, “Hãy để ước nguyện Lê Hiếu Đằng trở thành hiện thực”. Và đặc biệt là bài chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (bài “Mấy nghi vấn đối với bản Tuyên Bố Chung Việt Nam – Trung Quốc do ông Nguyễn Phú Trọng ký kết”), trong đó – theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang – có thỏa thuận «công an Trung Quốc vào để cùng chung sức lập trật tự trị an ở trong nước Việt Nam » (điểm 5 khoản 4 Bản Tuyên bố chung Nguyễn Phú Trọng – Hồ Cẩm Đào) và bài báo về nghi vấn Hồ Chí Minh là người Việt hay người Tàu của đại tá Phạm Quế Dương, đăng trên Tập san Tổ Quốc số mới nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang – chuyên gia địa vật lý đã nghỉ hưu hiện sống tại Hà Nội – là một trong những người thuộc thế hệ tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền đầu tiên ở Việt Nam, kể từ khi đất nước tái mở cửa. Ông là người phụ trách Tập san Tổ Quốc, lưu hành trong nước. Sau đây là cuộc phỏng vấn mà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang dành cho RFI Việt ngữ.

RFI: Xin kính chào TS Nguyễn Thanh Giang. Vừa rồi, có tin gia đình Tiến sĩ bị công an làm phiền. Xin Tiến sĩ cho biết cụ thể về chuyện này.

TS Nguyễn Thanh Giang: Phiền gia đình, nói là công an đến “làm phiền gia đình”, thì đối với tôi việc ấy là thường xuyên. Thành ra tôi không coi đấy là việc làm phiền. Họ, trung bình khoảng một tháng, hai tháng gì đấy, thì họ cũng rất lịch sự thôi. Họ báo cho tôi biết trước là mai chúng tôi sẽ đến thăm bác. Thực chất (những lần) họ đến đều là các cuộc thẩm vấn cả (…)

Thế nhưng mà sự việc xẩy ra hôm 12/09, tức thứ Năm vừa rồi, thì nó hơi nặng nề quá. Thì mới hơn 7 giờ sáng, họ bấm chuông họ vào. Vào thì có ba người. Hai người ở Bộ (Công an) và một người ở Sở (Công an) đến thẩm vấn tôi. Nội dung lần thẩm vấn này họ xoay quanh ba vấn đề chính :

Thứ nhất, họ bắt tôi phải ký xác nhận vào bốn, năm bài mà tôi vừa đăng trên các trang mạng gần đây. Sau đó, thì họ quay sang lên án tôi, cảnh cáo tôi, tại sao lại viết những bài đó. Và trong những bài đó, thì nặng nề nhất là bài phê phán ông Nguyễn Phú Trọng. Đối với ông Nguyễn Phú Trọng, thì tôi chưa bao giờ gặp gỡ ông ấy, và không có mâu thuẫn gì với ông ấy cả. Nhưng qua những việc ông ấy làm, và những lời ông ấy nói, thì tôi không thể đồng ý với ông ấy được.

Ví dụ như việc ông ấy, khi còn là Chủ tịch Quốc hội, thì giữa lúc ngoài Biển Đông căng thẳng như vậy. Rồi Trung Quốc họ đã thành lập Tam Sa. Họ cướp mất Hoàng Sa của ta rồi, rồi họ cấm ngư phủ của ta đi đánh bắt cá, rồi họ bắt họ giết, họ cướp tàu… Thế mà Quốc hội yêu cầu cho nghe bên Chính phủ báo cáo, thì ông ấy gạt đi. Ông ấy bảo Biển Đông không có gì mới cả.

Thế vừa rồi, khi là Tổng bí thư, ông ấy sang ký tay đôi với ông Hồ Cẩm Đào (lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó). Tôi đã phản ứng (bản Tuyên bố chung này) nhiều lĩnh vực, nhưng có một lĩnh vực tôi phản ứng ông ấy gay gắt nhất là ông ấy lại ký kết với ông Hồ Cẩm Đào, để mà thỏa thuận với nhau, chủ trương đưa công an Trung Quốc vào để cùng chung sức lập ra trật tự trị an ở trong nước Việt Nam. Thì tôi ngạc nhiên quá… người ta đã biết rằng công an Trung Quốc họ đối với dân của họ, họ còn tàn bạo, thì đưa họ vào định để làm cái gì ?!

Đối với họ, thì họ còn làm Thiên An Môn, giết hàng trăm, hàng nghìn sinh viên của họ. Thế rồi, công an của họ không phải chỉ giết sinh viên, người thường, mà họ đã từng giết nhau. Họ đã giết Tổng bí thư của họ. Tổng bí thư Triệu Tự Dương đã từng bị chết trong tù ngục, chết bó chiếu. Rồi Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ… Thế bây giờ đưa công an Trung Quốc vào Việt Nam để làm gì?

Cho nên tôi rất không đồng ý với ông Phú Trọng và không thể có nhận xét tốt về ông ấy được. Họ bảo tôi “nói nặng nề“, “nói xấu lãnh đạo“. Tôi bảo không, tôi nói những sự việc có thật và tôi phát biểu những nhận thức của một người công dân. Thế đấy là cái nặng nề thứ nhất. Nặng nề thứ hai là…

RFI: Trước khi chuyển sang nói về cái nặng nề thứ hai, xin Tiến sĩ cho biết thêm về các phản ứng của ba người công an đến hôm thứ Năm vừa rồi.

TS Nguyễn Thanh Giang: Hôm ấy, chủ yếu là, coi như là họ cảnh cáo tôi là không được đụng chạm đến người lãnh đạo của đảng như vậy. Nhưng tôi bảo tôi không có nói sai, không có nói xấu. Tôi nói những điều mà tôi cho là ông ấy xấu với đất nước và dân tộc. Ông ấy đưa công an Trung Quốc vào cái đất nước này là tôi phản ứng kịch liệt.

RFI: Khi họ nghe Tiến sĩ nói như thế, thì họ tiếp tục phản ứng ra sao ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi nói thật là trên bảo xuống, thì họ cũng phải làm thôi, chứ họ cũng biết là họ không thể cải tạo tư tưởng tôi được. Thành ra, tôi nói thế, thì họ cũng tiếp nhận như thế thôi, chứ họ cũng không nói gì thêm được nhiều.

Cái việc thứ hai là họ tỏ ra phàn nàn và có ý tỏ ra nhắc nhở, cảnh cáo tôi, tức là tại sao cái tập san Tổ Quốc, họ nhắc nhở cảnh cáo tôi nhiều lần. Đến tịch thu, rồi khám nhà, rồi các thứ, rồi đưa lên thẩm vấn, mà không phải một ngày đâu, mà vài ba, bốn năm ngày liền. Rồi quay phim, chụp ảnh…đủ thứ như vậy. Thế mà, tại sao tôi vẫn để cho tập san Tổ Quốc vẫn tồn tại?! Mà không những phát hành trên mạng, mà lại còn tán phát bằng giấy ở trong nước. Tôi cũng nói với họ nhỏ nhẹ: «Thôi này, các đồng chí về nói với các đồng chí lãnh đạo ở cấp trên ấy, là thôi bây giờ, đất nước có bao nhiều việc mà nguy cấp, mà cần phải quan tâm, làm sao mà có mỗi tờ tập san Tổ Quốc của tôi cỏn con như vậy, mà cứ để tâm, để mắt vào đấy cho nó mất thì giờ?! Bây giờ, cả cái sa mạc lớn của gần 1.000 tờ báo giấy, báo nói, báo viết… của đảng như vậy, tờ tập san Tổ Quốc của tôi chỉ như một hạt cát, thì làm gì mà phải sợ nó thế, mà cứ phải răn đe tôi như thế?! ».

Việc thứ ba, mà họ không bằng lòng tôi, họ cảnh cáo tôi là cái việc: Tại sao số báo Tổ Quốc vừa rồi mới nhất đây lại cho đăng cái bài của ông Phạm Quế Dương, yêu cầu xem lại ông Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay người Đài Loan?

Nguyên do cái chuyện ấy, ai cũng biết là trên mạng trong thời gian gần đây, có loan truyền một cuốn sách tên là “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của một tiến sĩ người Đài Loan viết. Họ bảo rằng là ông Nguyễn Ái Quốc đã chết từ năm 1932-1933 rồi. Bây giờ cái ông Hồ Chí Minh ấy tên là Hồ Tập Chương, tức là người Đài Loan, do gián điệp quốc tế gài vào, để đóng giả ông Hồ Chí Minh. Tôi bảo, một việc như thế, thì quá sức hệ trọng. Cho nên là việc ấy muốn bịt cũng không bịt được, nó lan truyền không phải chỉ trong nước mà trên thế giới. Ông Phạm Quế Dương ông ấy nói với tôi chuyện ấy, thì tôi bàn với ông ấy việc ấy nên làm, nên viết. Tôi đồng ý cho ông ấy viết và tôi đăng, vì tôi cho rằng việc làm ấy là hết sức cần thiết. Bây giờ phải xác minh cho được, việc ấy họ nói có đúng không. Nếu là đúng, ông Hồ Chí Minh là ông Hồ Tập Chương, người Đài Loan, thì bây giờ phải xét lại lịch sử Việt Nam, còn nếu mà không đúng, thì yêu cầu phải đưa việc này ra tòa án quốc tế, không thể bôi nhọ lịch sử Việt Nam được. Thì tôi cho là đây là việc rất cần thiết, tại sao đảng không làm, chính phủ không làm ? (…)

Thế nhưng mà tôi nói thật, cuộc thẩm vấn này, cuộc vây ráp này, chủ yếu nó lại là, nó nặng nề ở phần khác. Thì nguyên do, không biết họ nghe ngóng, rình rập ở đâu, họ biết rằng là chúng tôi có thầm thì, có rủ nhau đến dự cái buổi kỷ niệm 7 năm ra đời bán nguyệt san Tổ quốc của chúng tôi.

Thế thì, họ tổ chức một chiến dịch ghê gớm lắm, với ba, bốn, năm cánh quân. Cánh quân công an thứ nhất họ xộc đến nhà những người mà họ biết là dự định sẽ đến đây, họ ngăn cấm ngay. Không phải chỉ là anh em trẻ, kể cả những bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa. Cánh quân thứ hai, họ ếm ở bên Ủy ban xã Trung Văn, tức là ngay đối diện nhà tôi. Ở đấy cũng phải hàng chục người, với xe cộ. Cánh quân thứ ba là những tốp ở đầu ngõ vào nhà tôi. Có những người bị đuổi về, người thì họ bắt đi…. Còn có một người lọt lưới vào được đến cổng nhà tôi, thì người nhà tôi vừa ra mở, thì bị chỉ mặt: “Cấm không được mở cổng!”. Và họ điệu người khách của tôi đí. Còn cánh quân ở trong nhà tôi, vừa làm nhiệm vụ thẩm vấn tôi, vừa làm nhiệm vụ ếm quân ở đấy không cho ai vào.

Tôi nói rất chân thành là trong buổi 12/09 ấy, tôi không có ý đồ gì gọi là tổ chức cả, không có bàn định kế hoạch gọi là lật đổ gì cả. Phải nói là cách đây mấy năm, tôi có sinh hoạt một cái, bảo là sinh hoạt câu lạc bộ thì cũng phải, mà không cũng phải. Chỉ một số anh em thân tình với nhau, đến với nhau một tháng một hai lần gì đấy, để trò chuyện: Chuyện thế giới, chuyện trong nước, chuyện con cháu, chuyện làm ăn… Thì họ đã bắt giải tán rồi, và chúng tôi không được gặp nhau nữa. Nhưng lâu quá, mà anh em nhớ nhau quá, nhân dịp ấy đến để mà uống với nhau một vài tách cafe, ăn một bữa trưa rất là sơ sài, để mà kỷ niệm 7 năm thành lập báo Tổ Quốc.

Thế mà họ làm cả một chiến dịch kinh khủng như vậy. Cho nên tôi bực quá đi. Họ dã man đối với tôi quá đi. Gần 20 năm nay, tôi chỉ nói và viết. Kính mong tất cả vị thính giả đang nghe, hãy bớt chút thì giờ ra, vào thư viện online của tôi:  www.nguyenthanhgiang.com, để xem tôi nói như thế nào. Tôi nói rất nhẹ nhàng, có tình có lý, và không nói gì sai sự thật cả, không vi phạm pháp luật, thế mà họ hành hạ tôi đến như vậy. Bây giờ tôi già rồi, tôi gần 80 rồi, mà họ cũng không cho tôi sống với bạn bè tôi nũa, thì hỏi rằng, có một cái gì dã man, tàn bạo hơn đối với con người không?

RFI: Thưa Tiến sĩ, về cuộc gặp với các bạn hữu không thành hôm thứ Năm, Tiến sĩ có thể cho thính giả biết thêm đặc biệt là về những người bị bắt giữ, bị công an đưa đi?

TS Nguyễn Thanh Giang: Nói thế thôi, mục tiêu của họ chỉ là để phá cái buổi gặp gỡ đấy thôi. Chứ còn, cũng chẳng làm gì. Mấy người bị đưa lên trên đồn, trên huyện, trên sở gì đấy. Mỗi người cũng chỉ bị tiêu vào đấy của họ mất vài ba tiếng đồng hồ, nói có tính chất “nhắc nhở”, răn đe thôi. Trong đó, có nhiều vị lão thành cách mạng, có nhiều trí thức cũng có công… Tôi nghĩ họ cũng chẳng làm được gì, và cũng chẳng có chứng lý, họ có tội gì đâu. Thành ra cũng không làm được gì hơn là làm phiền họ trong mấy tiếng đồng hồ. Nhưng cái rất cay đắng là: Tại sao họ lại xem chúng tôi là… tội phạm thì không thể được, vì chúng tôi không hề có tội! Nhưng mà, tại sao lại xem chúng tôi là những người xấu, những người không được sống như những công dân bình thường như vậy? Thì cái đó, có Trời Đất nào mà có thể dung tha cho những hành động như thế đối với chúng tôi được?

RFI: Trước khi chia tay với thính giả, Tiến sĩ có thêm chia sẻ gì không ạ ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Suốt trong 30 năm qua, tôi có phát biểu ý kiến. Có thể xem là tôi bất đồng chính kiến với đảng Cộng sản Việt Nam thật. Vì tôi cho rằng, đảng – suốt trong lịch sử vừa qua – có nhiều chủ trương đường lối không đúng. Chính vì chủ trương đường lối của đảng không đúng, nên đã phải dắt Dân tộc qua những cuộc chiến tranh núi xương, sông máu như vậy, mà hậu quả bây giờ là một nước Việt Nam tụt hậu.

Ta nhớ trước Cách mạng Tháng Tám, ta phải hơn Hàn Quốc. Ngay cả năm 1975, ta hơn nhiều nước, ở mặt bằng cao trên thế giới. Đến bây giờ (tại sao) ta tụt hậu so với Đông Nam Á như vậy? Đấy là cái hậu quả của chủ trương đường lối không đúng. Rồi bây giờ đầy rẫy những tham nhũng, những gì cũng nhất thế giới cả: Tai nạn giao thông, rồi… giáo dục cũng sút kém, mọi thứ như vậy… tức là cái hậu quả của chủ trương đường lối không đúng. Thế thì phải cho dân người ta bàn để mà sửa sang! Thế mà tôi cũng chỉ làm một việc đó thôi, làm một chức năng đó của một người tạm gọi là trí thức thôi. Và tôi nói rất nhỏ nhẹ, tôi nói rất có tình có lý… nhưng mà tại sao lại đầy đọa tôi.

Và tôi có cảm giác là càng ngày, cái sự thù hận của họ đối với tôi, nó càng sâu sắc: Họ rình rập tôi như vậy. Không biết là họ đã làm những việc táng tận lương tâm như là đối với những người khác, như là vu khống cho người ta là trốn thuế, hay là chỉ dùng hai bao cao su để bắt người nọ, người kia… Đối với tôi, thì bây giờ những bài bản ấy không thể giở ra được với tôi, tôi gần 80 tuổi rồi và tôi vốn trong sạch từ xưa đến giờ. Nhưng không biết là rồi họ còn làm những cái gì tồi tệ với tôi hơn nữa không.

Tôi chỉ mong bà con là, tôi không cầu xin cái gì cả. Tôi chỉ mong hễ có cái gì, bà con làm sao đọc lại những trang viết của tôi, mấy nghìn trang viết trên thư viện online của tôi. Rồi khoảng gần chục đầu sách, gồm cả sách khoa học kỹ thuật, sách chính luận, rồi thơ ca của tôi, để hiểu rõ, xác minh cho con người của tôi. Và hãy làm những việc gì mà các quý vị thấy rằng cần thiết phải làm, không chỉ vì số mệnh của tôi, mà còn vì vận mệnh của nhân dân, đất nước.

(Mời xem tiếp phần Hai)

2 bình luận to “10.001. Nhân kỷ niệm Mười năm ra đời tập san “Tổ Quốc”: GIAN NAN VÌ “TỔ QUỐC””

  1. […] 10.001. Nhân kỷ niệm Mười năm ra đời tập san “Tổ Quốc”: GIAN NAN VÌ “TỔ … […]

  2. […] […]

Sorry, the comment form is closed at this time.