BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

7109. Lẩn thẩn nghĩ về sự đời và việc viết báo

Posted by adminbasam trên 21/02/2016

Ngụy Hữu Tâm

21-2-2016

Sau một hồi suy nghĩ, hơi lan man một chút – cũng là bình thường cho ngày xuân vì … tháng giêng vẫn là tháng ăn chơi mà – lại nói về chuyện làm báo ở nước ta, có lẽ cũng là đề tài hay cho người đọc và người làm báo chúng ta, duy nhất chỉ bởi lẽ nó… khác người, dù có khi vẫn là … biết rồi khổ lắm nói mãi!  

Năm nay năm tuổi của mình, nghĩ cũng sướng. Sau một con giáp, tức 12 năm, mới lặp lại. Nó liên quan tới sự vật trong vũ trụ, đồng hồ sinh học mà thôi, cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Thế nhưng với phát triển của khoa học, người ta chứng minh được rằng, ở vào vị trí đó của Trái Đất với Mặt Trời, hạt cát nhỏ bé là chúng ta đó vẫn có những phản ứng đặc biệt mà từ xa xưa các cụ ta đã phát hiện ra, chẳng hạn nhiều sự cố (nói thế để bảo mọi sự là tương đối, xấu tốt, may rủi, theo góc nhìn mà thôi!) hơn hẳn xảy ra như ốm đau, bệnh tật, hay thậm chí… cái chết, cái mà con người ta, ai ai cũng sợ nhất!

Nói bạn đọc đừng cười mà cười thì càng tốt vì – … “một tiếng cười bằng mười thang thuốc” cơ mà – tôi vốn là thằng bé hiếu động không bao giờ chịu đứng yên một chỗ, dù với tuổi tác rồi cũng phải đứng… rồi ngồi yên có khi hàng mấy tiếng, vì công việc nó đòi hỏi vậy. Thế thì bây giờ đã ở tuổi sáu con giáp trôi qua, những năm tuổi của mình có gì đặc biệt xảy ra để nhớ lại không. Cuộc đời tôi – dẫu sao cũng có trên ba con giáp trong biên chế nhà nước – so với nhiều bạn cùng trang lứa, nhất là các bạn đã từng cầm súng, chắc ít sự cố hơn nhiều vì trước khi về hưu tôi, vốn là “cán bộ nghiên cứu”, nghề mà các cụ xưa gọi là “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, cho đến bây giờ vẫn hàng ngày lóc cóc đạp cái xe cà tàng lên viện để rồi hết tám tiếng lại đạp về, mỗi ngày chạy cái “cuốc” 20 cây đó.

Liệu cái gì là thang mốc cho những năm tuổi đó, đáng để nhớ?

Bính Thân – Mười hai tuổi: được sang Đức học. Bây giờ đi học nước ngoài với trẻ con khá là bình thường, con em nhà giàu ở nước ta… vẫn được gửi đến các trường nội trú nước ngoài hay các gia đình ngoại quốc theo diện trao đổi đó thôi, nhưng với chúng tôi thời đó thì đó là ân huệ quá ư lớn lao… của Bác, của Đảng. Dù cho đó chỉ là một trường nội trú bình thường-internat ở CHDC Đức thời đó, thì với Việt Nam ta sau chiến tranh, đó vẫn là một dạng trường dành riêng cho thiếu sinh quân, hay từ hiện nay là “con ông cháu cha”, và dẫu sao thì ở đó chúng tôi cũng đã có những thầy cô người Đức và Việt hết sức tốt và giỏi, nói theo từ thời đó hay thời nay là do “Mao nhiều” mà “vừa hồng vừa chuyên”, nên chúng tôi khi 18 tuổi đã nên người, với vốn tiếng Đức kha khá vì đã học ở trường nghề Đức và với một nghề công nhân kỹ thuật đàng hoàng – mà cho đến ngày hôm nay cũng vẫn là ước mơ của bao giới trẻ. Tháng chín này hơn 300 anh chị em chúng tôi sẽ long trọng kỷ niệm 60 năm chuyến đi – với chúng tôi đã trở nên lịch sử – ấy.

Mậu Thân – Hai tư tuổi: Tết Mậu Thân đáng nhớ với “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, thắng trận tin vui khắp mọi nhà…”: tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, “đại đăng khoa, tiểu đăng khoa”, 3 năm sau lấy vợ, để đẻ đứa con trai đầu lòng sau đó một năm, 28/10, lần đầu tiên được tận mắt trông thấy sinh linh nhỏ bé (vợ) mình sinh ra, để hai tháng sau thấy hàng ngàn đồng bào mình chết vì bom B-52 ở chính nơi mà hai trăm năm trước đó, hàng vạn quân Tàu phơi xác… và sáng ngày 25/12, chính tận mắt thấy trên đường phố Khâm Thiên la liệt quan tài … và nhà trung tâm Ga Hàng Cỏ và Tòa đại sứ Pháp Phố Bà triệu, chỉ còn là một hố bom to đùng…      

Canh Thân – Ba sáu tuổi: sinh con gái, chỉ ít lâu sau phát hiện cháu bị “thông liên thất”, đối với ngày nay là không quá khó chữa trị nhưng thời đó được mổ thành công và qua khỏi là nhờ ông nội nó – “bố tớ” – và để tả lại câu chuyện bét ra cũng là đề tài cho một truyện ngắn. Nay cháu đã là thạc sĩ tin học giỏi giang, thành đạt về nghề nghiệp, định cư ở một thành phố châu Âu và tôi cũng đã có hai cháu ngoại đã đi học.

Nhâm Thân – Bốn tám tuổi: những năm cực kỳ rối ren, không chỉ trên thế giới mà trước hết với bản thân vì “Bốn chín chưa qua Năm ba đã đến”: Hai năm trước đó nước Đức thống nhất, tôi đang lang thang ở Algier rồi Berlin, Moscow, rồi gia đình nhỏ của mình ly tán ngày 10.10.1990, và một năm trước đó thì người cha kính yêu, người thầy đáng mến ra đi, còn vào chính năm đó thì cậu con trai đầu lòng yêu dấu, sinh viên giỏi giang Đại học Kỹ thuật Budapest nổi tiếng, mất ở Moscow vì đuối nước. Rồi tiếp theo hai ông chú cũng lần lượt ra đi. Lăn lộn ở Bắc Phi với nạn khủng bố Hồi giáo đang bắt đầu lan rộng, một mối tình dang dở… nơi kinh đô ánh sáng hoa lệ với cú chia tay lần hai không đau đớn như lần đầu vì không liên quan tới vấn đề con cái nhưng chẳng phải vì thế mà ít trầm cảm trong cả hai năm dòng …

Chỉ Tết 1995 về nước, làm lại cuộc đời, thì cuộc sống mới ổn định…

Dẫu không trực tiếp tham gia cầm súng ở nơi chiến trường ở đất nước qua đến bốn cuộc chiến, thì cuộc đời của một người con bình thường của đất nước cũng đủ chất liệu để viết một cuốn tiểu thuyết lâm ly – cứ xem những gì xảy ra ở Ucraina, Syria, Irắc, Trung Phi hay bây giờ ngọn lửa đã lan đến cả Paris hay Djakarta mà xem – nhưng lấy đâu ra thời gian cho việc đó với biết bao “dự án” đang còn dở dang?

***

Lại nói về chuyện làm báo ở nước ta, dẫu cho có thể có người bảo, đó là những chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, thì vẫn cứ phải nói và nói công khai, không úp mở, không né tránh vì cứ cái kiểu nửa úp nửa mở, đánh du kích cái kiểu anh Ún này thì ta không chỉ thua anh ta (dẫu sao cũng không quá xa về chủng tộc và văn hóa) ở mãi cách xa, mà còn thua ngay cả những anh em láng giềng ASEAN nữa cơ. Đó là vấn đề tự do ngôn luận, sát nách với tự do tôn giáo, những tự do cơ bản của con người mà chỉ có tư tưởng như thế chúng ta mới khác loài vật, và nó cũng quan trọng không kém điều 4 của Hiến pháp. Vì đó thuộc lãnh vực mass-media, văn hóa – tư tưởng, với bất kỳ nước nào cũng hết sức hệ trọng mà ở nước ta cũng như tất cả các nước cộng sản khác, luôn có vị trí hết sức đặc biệt -một vị Ủy viên Bộ Chính trị, hàng ghế thứ ba, ngồi chồm hỗm ở đó rồi và ông Tổng Trọng của chúng ta cũng xuất thân từ đó mà lên kia mà, nên với tôi và với tất cả anh em trong nghề này ở nước ta, việc đầu tiên phải làm là “tẩy não” đã, để nghiêm chỉnh tự kiểm duyệt mình, làm sao cho đừng nói gì “phạm húy”, vì đã phạm húy thì nhẹ nhất là mất việc, mà không khéo thì như các bậc tiền bối ở “Nhân văn Giai phẩm”, còn phải ngồi bóc lịch hay bét ra cũng bị tẩy chay trong một xã hội vốn dĩ khép kín và chỉ gần đây mới mở, nhưng cũng chỉ mở có điều kiện “theo đúng sự chỉ đạo của Đảng, Bác”, vì… nước ta vốn chưa bao giờ dân chủ đến thế kia mà.

Mà đã mất tự do tư tưởng thì đối với quốc gia không chỉ là mất độc lập chủ quyền, mà đối với tất cả thần dân là mất tất cả. Việc ngành công an tư tưởng của nước ta có trình độ nghiệp vụ ngang ngửa trên thế giới để làm cho việc kiểm duyệt internet ở ta chỉ thua duy nhất mỗi ông bạn láng giềng yêu quí thôi, cũng đáng báo động lắm chứ!    

Thế nên, như đã nói ở bài báo trước Tết, dẫu cho tôi viết bài báo đầu tiên (dẫu cho bài báo đó mang tên “bố tớ”), và tuy viết nó vào năm 64-65 gì đó, nhưng bẵng đi mãi đến 1995 khi từ Pháp về ở hẳn lại Việt Nam, tôi mới nảy ra ý định làm sách báo vì… không thể làm chuyên môn sâu được nữa vì bỏ nó cũng ngót nghét cả chục năm rồi, sắp về hưu đến nơi. Dĩ nhiên, lẽ ra chuyện viết lách cũng chẳng có gì là ghê gớm lắm khi đã viết luận văn tốt nghiệp đại học rồi luận án tiến sĩ, rồi các bài báo chuyên môn nữa. Nhưng dẫu sao cũng có những khác biệt đáng kể, nhất là làm sao để viết cho hay, cho súc tích, cho dễ đi vào lòng người, thì đó không chỉ còn là kỹ thuật nữa, mà đã là nghệ thuật, không chỉ đòi hỏi công phu rèn luyện mà chắc chắn cả chút ít năng khiếu và cả… may mắn nữa thì thông tin mình cần chuyển tải mới đến được với bạn đọc.

Cũng may là với sách, đầu tiên là biên dịch và biên soạn sách chuyên môn, rồi sách phổ biến khoa học, cũng được các nhà xuất bản và bạn đọc chấp nhận. Nhất là khi vào cuối Thiên niên kỷ, tôi được giải thưởng ở một cuộc thi dịch ở một Sứ quán, rồi một anh bạn thân – vốn là tiến sĩ Toán-kinh tế nhưng chuyển sang làm giám đốc một công ty liên doanh đang làm nên ăn ra, mời tham gia một dự án dịch sách giáo khoa về xã hội học khi nước ta mở ngành này và tôi dịch thành công hai cuốn, thì việc viết lách rõ ràng lên tay trông thấy. Tôi đã dám dịch sách văn học dẫu biết rằng đây chẳng phải công việc dễ dàng gì và chỉ dành cho những người thật sự đam mê văn học mà thôi.

Các bài báo tôi gửi tòa soạn các báo khi đó bị từ chối, bởi lẽ tôi là người vốn chăm đọc báo ngay khi còn ở nước ngoài nên cũng dễ chọn những bài hay và vì thế đâm ra chủ quan, cứ tưởng bê nguyên xi sang tiếng Việt là tòa soạn và bạn đọc chấp nhận. Ở ta, viết còn phải “lách” nữa cơ! Ngay khi có nguyên liệu đó rồi cũng mất còn xắn tỉa ta trò đấy! Cứ như nghệ sĩ nặn tượng vậy, có đất sét nhuyễn chắc gì đã có tác phẩm hay? Và dĩ nhiên phải tránh những vấn đề cấm kỵ khi đụng chạm chuyện chính trị. Dần dà các báo cũng nhận đăng và bạn đọc cũng có người phản hồi, khen hay. Tôi thậm chí có thể nói là một tay viết thường xuyên cho một tờ nguyệt san trong nhiều năm…

Thế nhưng với việc lên gân cường bạo về chính trị vì tính mất chính danh, và với sự thắt lại về về văn hóa tư tưởng sau khi “thiên tài Đảng ta” những năm đầu 90 thế kỷ trước, sau khi Liên Xô sụp đổ, bắt tay với anh bạn “16 chữ vàng”, bắt đầu mở cửa nhưng rồi càng ngày càng thấy bí về lý luận để đến gần đây phải công nhận “đến cuối thế kỷ này chắc cũng chưa thấy CNXH ở đâu”, nên lại phải dần dần khép lại, và song song cũng có xu thế cạnh tranh càng ngày càng gay gắt của báo mạng, sân chơi cho tôi cũng dĩ nhiên phải khép dần lại.

Có tờ báo bất thần bị đóng cửa vì những lý do rất ngớ ngẩn, vì được cấp phép ở một nước mất tự do ngôn luận đến như nước ta đâu có dễ, có tờ khéo léo từ chối sau khi gửi hai, ba, rồi có khi khất lần dần dà năm, bảy bài mới đăng. Có biên tập viên thậm chí còn trả lời thẳng thừng bằng cách “meo” cho tôi: bài bác viết lủng củng lắm, tôi không có thời gian biên tập.

Chán quá, lần này bắt đầu với báo mạng, thậm chí báo lề trái Ba Sàm chứ không phải báo giấy lề phải chính thống nữa cơ, chẳng biết có thành công hay không đây?

Một bình luận to “7109. Lẩn thẩn nghĩ về sự đời và việc viết báo”

  1. […] 7109. Lẩn thẩn nghĩ về sự đời và việc viết báo […]

Sorry, the comment form is closed at this time.