BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2603. Vài giải pháp cho Việt Nam

Posted by adminbasam trên 30/05/2014

Jonathan D. London và Vũ Quang Việt

30-05-2014

Những hỗn loạn và bạo lực bùng nổ ở Việt Nam cách đây hai tuần đã hút sự quan tâm của thế giới khỏi các nguyên nhân căn bản của căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, và thật ra là giữa Trung Quốc và khu vực. Về bản chất, chúng xuất phát từ yêu sách vô căn cứ pháp lý của Bắc Kinh, đòi chủ quyền đối với hơn 80% biển của khu vực, và từ ý đồ của Bắc Kinh nhằm áp đặt tính chính đáng cho các yêu sách đó thông qua các biện pháp vũ lực.

Trên bình diện quốc tế, việc Bắc Kinh cho quân đội canh giữ giàn khoan dầu khổng lồ của họ trong vùng biển tranh chấp được hiểu là một hoạt động mang tính chính trị, nhằm thay đổi hiện trạng ở Đông Á. Còn đối với Việt Nam, hành động của Bắc Kinh buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải suy nghĩ lại một cách cơ bản về tầm nhìn chiến lược của họ – một công việc vừa nguy hiểm vừa mang lại cơ hội. Hiện tại, lãnh đạo Việt Nam đối mặt với ba thách thức.

Thách thức thứ nhất là dọn dẹp và tái thiết, để giải quyết và vượt qua những hậu quả còn tồn đọng của các cuộc bạo loạn hai tuần trước. Rất cần phải nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính xác của vụ hỗn loạn vẫn chưa được xác định, và trên thực tế, nguyên nhân đó có vẻ khác nhau tùy theo ba nơi xảy ra biến cố. Cũng cần phải lưu ý rằng bạo loạn xảy ra ở ba tỉnh chứ không phải 21, như nhiều nơi đã đưa tin sai. Chết chóc, thương tật, và thiệt hại như xảy ra đã không có lợi chút nào cho hình ảnh Việt Nam. Và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng áp lực, thông qua các biện pháp chính trị, kinh tế và quân sự, cũng vậy.

Liên quan đến các vụ bạo loạn, khó khăn lớn nhất của Hà Nội là mở rộng điều tra và đưa ra được một cách giải thích rõ ràng về nguyên nhân gây bạo loạn, tiến hành bồi thường nhanh chóng, và bằng mọi cách cần thiết, thể hiện cho toàn thế giới thấy tại Việt Nam vẫn sẽ là một môi trường đầu tư hấp dẫn. Người ta có thể hy vọng là những việc làm cụ thể theo hướng này đang được tiến hành.

Căn bản hơn, người dân Việt Nam đang đối diện với những quyết định về tương lai của đất nước. Trên thực tế, có hai nhóm câu hỏi khác nhau nhưng có liên quan đến nhau. Thứ nhất là nhóm các câu hỏi về những chiến thuật mà Việt Nam nên sử dụng để đáp lại lối hành xử của Bắc Kinh. Thứ hai là nhóm các câu hỏi về tầm nhìn chiến lược xa hơn của Việt Nam, các mối quan hệ và các điều kiện mà nước này cần để có thể sống trong hòa bình, thịnh vượng, và an ninh trong những năm tới và thập kỷ tới.

Việc Hà Nội phản ứng với Bắc Kinh một cách thận trọng và thăm dò là điều có thể thấy trước, khi mà sức mạnh của hai bên không cân xứng và thực tế là Việt Nam hiện tại không có đồng minh. Có quá ít lựa chọn, lãnh đạo Việt Nam cho thấy – ngày càng rõ ràng hơn – rằng họ không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc, và họ sẽ phản ứng chỉ bằng các biện pháp ngoại giao và pháp lý. Mặc dù mọi nước đều có quyền tự vệ, nhưng Việt Nam đã đúng khi nhấn mạnh yêu cầu phải tránh đối đầu quân sự. Quân sự hóa xung đột sẽ chỉ gây ra thất bại.

Nếu không có một đột phá về mặt ngoại giao thì theo quan điểm của chúng tôi, Hà Nội nên tiến hành ba bước sau đây:

1. Trước tiên, Hà Nội nên đề nghị Tòa án Quốc tế về UNCLOS ra một phán quyết rằng mọi cấu trúc tự nhiên trên biển Hoa Nam đều là đá và như vậy thì chỉ được hưởng 12 hải lý lãnh hải. Trong trường hợp đó, phần biển còn lại trong khu vực (trừ các vùng đặc quyền kinh tế – EEZ – của các nước) sẽ đều có quy chế của biển quốc tế. Yêu sách của Bắc Kinh, cho rằng quần đảo Paracel [tức là Hoàng Sa trong tiếng Việt] (mà họ chiếm đóng trái phép) xứng đáng có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý chắc chắn sẽ bị tuyên vô hiệu lực. Điều đó có nghĩa là, các đảo thuộc quần đảo Paracel mà hiện tại đang bị Bắc Kinh kiểm soát sẽ đều chỉ có lãnh hải 12 hải lý, và việc triển khai giàn khoan dầu tuần trước và tuần này sẽ là bất hợp pháp.

2. Thứ hai, Việt Nam nên tham gia vụ kiện của Philippines, kiện đường 9 đoạn, dựa trên căn cứ rằng không thể có vùng nước lịch sử nào cả, trừ phi đó là một cái vịnh; mọi yêu sách về chủ quyền trên biển đều phải đặt cơ sở trên đất.

3. Thứ ba, Hà Nội nên xem xét hủy bỏ tất cả các yêu sách đối với những cấu trúc đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Malaysia, và ngồi vào bàn đàm phán, thỏa thuận với các quốc gia ASEAN khác cũng có yêu sách chủ quyền, để công nhận chủ quyền đối với những cấu trúc đá mà hiện tại các nước đó đang nắm giữ. Căng thẳng trên biển Hoa Nam chưa hề có dấu hiệu giảm bớt. Hà Nội và Manila có thể hiện ra rằng họ muốn hữu nghị với Trung Quốc đặt trên cơ sở tôn trọng, hợp tác, tuân thủ các điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế. Hà Nội và Manila nên đi trước để làm gương, và nên ngay lập tức giải quyết tranh chấp giữa chính họ với nhau, đồng thời tìm cách kết nối với Malaysia, Indonesia và các đối tác khác.

Quay trở lại với chuyện tương lai của Việt Nam. Việc căng thẳng gia tăng trên Biển Đông của Việt Nam đã gây ra một loạt diễn biến, buộc Hà Nội và thật ra là toàn thể người dân Việt Nam phải đánh giá lại tầm nhìn chiến lược của nước mình. Rất nhiều người ở Việt Nam tin rằng cách bảo vệ đất nước tốt nhất là thoát Trung, bằng cách tiến hành những cải cách thể chế “thay đổi cục diện” – vốn dĩ cần thiết để giành được sự ủng hộ của khu vực và quốc tế. Những cải cách đó bao gồm cả cam kết thực thi nhà nước pháp quyền, thực thi các sửa đổi hiến pháp căn bản, và làm cho Việt Nam phù hợp một cách nhanh chóng và thực chất với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền mà chính Nhà nước Việt Nam đã cam kết.

Mặc dù các bước đi táo bạo đó có thể bị nhiều người cho là bất khả thi về chính trị, hay nói đơn giản là không thể thực hiện được, nhưng các bạn hãy dành một phút để nhớ lại rằng, Việt Nam hiện đang đối đầu Trung Hoa một cách cô độc. Tuy Việt Nam vẫn phải theo đuổi quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng họ chỉ có thể sống trong an toàn, an ninh, được thế giới tôn trọng và ủng hộ, mà điều đó chỉ có thể có được nếu các lãnh đạo và nhân dân của họ xây dựng một tương lai trong đó Việt Nam được độc lập, tự do, và có một trật tự xã hội dân chủ hơn, minh bạch hơn. Cũng giống như với Myanmar, thế giới có thể ủng hộ Việt Nam ngay lập tức.

Điều mà Trung Quốc, Việt Nam, và toàn thể khu vực cần là năng lực lãnh đạo tốt hơn và có trách nhiệm hơn. Từ Đông Bắc Á cho đến Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo của Đông Á phải phối hợp thúc đẩy hòa bình và trật tự trong khu vực trên cơ sở hợp tác thay vì hăm dọa.

Giới lãnh đạo chính trị Trung Hoa đã liên tục nói về sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Nhưng chỉ có chính họ phải chịu trách nhiệm về việc Trung Quốc nhanh chóng bị các nước láng giềng trong khu vực căm ghét và làm cho Mỹ cũng như các siêu cường khác trên thế giới lo ngại. Nếu muốn có hòa bình và trật tự ở châu Á Thái Bình Dương, Bắc Kinh phải áp dụng các chuẩn mực quốc tế, phải từ bỏ đường 9 đoạn vô căn cứ pháp lý, và phải bắt đầu công việc đàm phán, thương lượng một cách chính trực hơn. Khi đó và chỉ khi đó, Trung Quốc mới giành được sự tin tưởng và tôn trọng của khu vực và thế giới.

Nguồn: Xin lỗi ông

Một bình luận to “2603. Vài giải pháp cho Việt Nam”

  1. THAM NHŨNG LÀ MỤC ĐÍCH TỒN TẠI, LÀ THUỘC TÍNH BẤT BIẾN CỦA MỌI CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI ĐỘC ĐẢNG. said

    NGUYỄN BÁ THANH chống tham nhũng làm sao khi bản chất của mọi chế độ độc tài độc đảng là tham nhũng. THAM NHŨNG LÀ MỤC ĐÍCH TỒN TẠI, LÀ THUỘC TÍNH BẤT BIẾN CỦA MỌI CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI ĐỘC ĐẢNG.
    HỎI ÔNG NGUYỄN BÁ THANH ?
    Ông đi học gì ở các nước Bắc Âu về việc chống tham nhũng?
    Nghe báo đăng về việc ông dẫn đoàn người của ban nội chính trung ương sang tận Thụy Điển và Phần Lan để tìm hiểu học tập mô hình chống tham nhũng của hai quốc gia nầy nên tôi mạn phép hỏi ông câu đó.
    Ông có biết mô hình chống tham nhũng của hai quốc gia dân chủ đa đảng đó xây dựng trên nền tảng gì không? Chắc chắn là ông biết, họ xây dựng mô hình chống tham nhũng trên nền tảng dân chủ. Trên nền tảng đó, thiết chế nhà nước của họ có quốc hội độc lập và thực sự có quyền lực, có dân biểu độc lập, tòa án độc lập, viện kiểm sát độc lập, cơ quan điều tra độc lập, cơ quan thanh tra độc lập, cơ quan kiểm toán độc lập. Trên nền tảng dân chủ, họ có nhiều đảng đối lập, có một xã hội dân sự thật sự, có nhiều hội đoàn quần chúng độc lập, có báo chí độc lập, có luật sư độc lập và quyền hạn ngang bằng với bên công tố trước pháp luật…

    Trên nền tảng dân chủ như vậy, chính phủ và toàn thể các quan chức nhà nước từ thấp đến cao nhất đều bị giám sát chặt chẽ bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Bất kỳ một công dân nào cũng có quyền hạch hỏi về chi tiêu và tài sản của bất kỳ một quan chức nào, kể cả người đứng đầu nhà nước. Họ không trực tiếp hỏi được thì họ thông qua báo chí, thông qua hội đoàn, thông qua người đại diện mà họ bầu ra. Bất kỳ một cơ quan công quyền nào hoặc một quan chức nào đều cũng có thể bị thanh tra, bị điều tra khi có dấu hiệu vi phạm. Các đảng đối lập và báo chí luôn luôn soi mói để tìm ra bất kỳ sai trái nào của các cơ quan công quyền cũng như của các quan chức đương quyền để đưa lên công luận và tố cáo ra cơ quan điều tra.
    Mô hình chống tham nhũng ở hai nước ấy được xây dựng trên một nền tảng công khai minh bạch và dân chủ như vậy thì liệu có mang về áp dụng ở Việt Nam được không, thưa ông Nguyễn Bá Thanh?
    Người dân VN có biết được tài sản của các ông trước khi lên làm quan và sau khi lên làm quan được không? Họ có hỏi các ông có mức lương bao nhiêu, thu nhập thêm bao nhiêu, chi tiêu sinh hoạt bao nhiêu, con cái ăn học tốn kém từ nguồn nào, mua sắm nhà cửa xe cộ đắt tiền từ nguồn nào…được không? Họ có hỏi các ông có những công ty sân sau nào được không? Dân đã không hỏi được đã đành mà hầu như cũng chẳng có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào hỏi được các quan chức đương nhiệm những câu như vậy. Ngay cả việc ông đưa một một đoàn cán bộ ban nội chính xuất ngoại như vậy thì chi tiêu vào ngân sách hết bao nhiêu, học hành được điều gì, hiệu quả ra sao thì dân chúng là những người đóng thuế cho sự chi tiêu đó hoàn toàn mù tịt và cũng chẳng có bất kỳ cơ quan nào dám đặt ra những câu hỏi đó với các ông.
    Liệu cái mô hình chống tham nhũng của hai nước Thụy Điển và Phần Lan có thể nào phù hợp với thiết chế độc đảng toàn trị như ở VN được không? Một thiết chế mà mọi cơ quan, tổ chức, hội đoàn, báo chí đều là của đảng. Quốc hội cũng nằm dưới đảng, chính phủ cũng của đảng, tòa án của đảng, viện kiểm sát của đảng, cơ quan điều tra của đảng, đoàn thể quần chúng của đảng, báo chí của đảng…thì liệu có dung nạp được cách chống tham nhũng của xứ sở dân chủ công khai minh bạch được không?
    Hỏi là là hỏi ông cho vui vậy thôi chứ biết ông cũng quá rành sự khác biệt gữa hai thể chế chính trị. Thật ra nói đi tìm hiểu mô hình chống tham nhũng là cái cớ thôi, chứ đoàn ông đi làm cái gì thì…cũng chẳng có ai biết được. Đất nước bị toàn trị và bưng bít như thế nầy thì dân chúng chẳng có quyền gì để biết được cái gì, mà biết cũng chẳng làm được gì.
    Chúc ông xuất ngoại vui vẻ.
    HNC
    Ban Nội chính T.Ư đi Bắc Âu tìm hiểu mô hình chống tham nhũng
    TTO – Từ ngày 2 đến 6- 6, đoàn công tác của Ban Nội chính trung ương thăm, làm việc với một số tổ chức của Thụy Điển, Phần Lan để tìm hiểu về mô hình, tổ chức, hoạt động về công tác phòng chống tham nhũng.
    Theo Ban Nội chính trung ương, thực hiện chương trình công tác năm 2014, từ ngày 2 đến 6-6, đoàn công tác của Ban Nội chính trung ương do ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban, dẫn đầu sẽ thăm, làm việc với một số tổ chức của Thụy Điển, Phần Lan để tìm hiểu về mô hình, tổ chức, hoạt động về công tác phòng chống tham nhũng.

    Tham gia đoàn công tác này còn có ông Phan Đình Trạc, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Nội chính trung ương và một số lãnh đạo các vụ của Ban Nội chính trung ương.

    Theo chương trình, đoàn sẽ thăm, làm việc với Bộ Ngoại giao, Học viện Phòng chống tham nhũng, cơ quan công tố và cơ quan giám sát của Quốc hội Thụy Điển. Tại Phần Lan, đoàn sẽ làm việc với Bộ Tư pháp và Ủy ban Kiểm toán của quốc hội.

    T.L.

Bình luận về bài viết này