BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2572. Khảo luận các bài viết của các tác giả Trần Ngân, Huy Đức và Nguyễn Trọng Bình về hiện tượng Việt Nam – Trung Quốc

Posted by adminbasam trên 22/05/2014

viet-studies

Trần Trọng Nghĩa

21-05-2014

Tôi đọc khá kỹ các bài viết này và nhận thấy rằng các ý kiến của tác giả rất phong phú và khá toàn diện. Tôi xin chưa có ý kiến gì bổ sung mới về nội dung mà các tác giả đã đề cập, nhưng xin nhấn mạnh lại nhiều ý kiến mà các vị đã nêu ra, và cung cấp thêm một số nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước trong tình hình hiện nay của mối quan hệ Việt – Trung:

Về vụ giàn khoan HD-981, thật khó nói trong diễn biến vừa qua và trong những diễn biến sắp tới, ai sẽ là người được hưởng lợi, bên nào được gì, mất gì. Điều này chỉ có thể xác định khi ván bài giàn khoan HD-981 kết thúc… Nhiều người phân tích việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 ra biển Đông hiện nay là một hành vi “thâm hiểm”, được tính toán “kỹ càng”…, nhưng cũng có những nhận định đây là một hành động sai lầm cả ở mức độ chiến thuật lẫn chiến lược của Trung Quốc. Vậy, nhận định nào đúng, nhận định nào chưa đúng, điều này còn tùy thuộc vào cách hành xử tiếp theo của cả Trung Quốc, của Việt Nam và của các bên có liên quan khác.

Trong lịch sử của Trung Quốc, mưu mô, thủ đoạn, tàn độc, yếu hèn, vĩ đại, quân tử, cao thượng luôn là các chuỗi diễn biến liên tục không ngừng của một quốc gia khổng lồ với dân số đông đúc nhất thế giới, lãnh thổ rộng lớn, và có thể nói, đã một thời là cái nôi văn minh của nhân loại. Tôi không có ý định đi quá sâu trong bài viết này về việc phân tích các ý đồ, tính toán của Trung Nam Hải đối với Việt Nam nói chung và trong sự kiện giàn khoan HD-981 nói riêng. Tôi chỉ muốn đi thẳng vào hệ quả tức thì của hành động này. Hệ quả đó là: các hoạt động ngoại giao, các mỹ từ mà Trung Nam Hải dành cho các quốc gia láng giềng và thế giới trong suốt thời gian dài vừa qua có độ sai lệch rất lớn, thậm chí là đối lập 180 độ với những điều đã xảy ra trên thực tế. Thể hiện tiêu biểu đặc trưng nhất là trong quan hệ với Việt Nam.

Có thể nói, trong thời gian vừa qua, về mặt hình thức khó có một quốc gia nào lại có sự bang giao hữu hảo với Trung Quốc như Việt Nam, nào là 16 chữ vàng, nào là 4 tốt, nào là hợp tác chiến lược, nào là các chuyến thăm viếng cấp nguyên thủ, các nhà tư tưởng, các đoàn thể… muôn mầu muôn vẻ diễn ra rầm rập giữa hai nước trong suốt thời gian qua. Nhưng sự kiện HD-981 trong phút chốc đã đảo lộn tất cả. Mọi thứ chỉ là trò hề, khôi hài… Với hành động này, Trung Nam Hải đã tự cho thế giới thấy rằng mục tiêu độc chiếm Biển Đông là mục tiêu tối thượng.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Nam Hải sẵn sàng chà đạp lên tất cả. Điều đau đớn hơn nữa đối với Việt Nam là cú tát về ý thức hệ. Chủ nghĩa Marx Lênin, chủ nghĩa xã hội, khái niệm về đồng chí… đều không có giá trị gì đối với Trung Nam Hải. Cú tát này đủ mạnh để cho bất kỳ những ai ảo tưởng nhất, ngụy biện nhất, cũng không còn đủ nhuệ khí để hy vọng dùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa Marx Lênin làm cái ô, hay chỗ trú ẩn cho sự yếu hèn của mình. Thực chất cú tát này là rất có lợi cho sự sụp đổ tất yếu của các tư tưởng giáo điều, trì trệ, ngụy biện còn rơi rớt lại trong hệ tư tưởng một số vị lãnh đạo Hà Nội.

Trung Quốc trong thời gian vừa qua, không chỉ ru ngủ ban lãnh đạo Hà Nội, để chuẩn bị cho những nước cờ bành trướng của họ, và họ đã làm được hơn thế rất nhiều. Về kinh tế, họ là một quốc gia ngoại bang có thể khống chế cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả ở kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng của nền kinh tế Việt Nam. Họ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của mọi địa phương trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Họ đã thử vận hành nhiều “chiến dịch” nhằm test sự phản ứng của các hoạt động kinh tế của Việt Nam ở phạm vi cục bộ tại nhiều địa phương khác nhau trên toàn quốc. Họ đã mua chuộc được nhiều cấp lãnh đạo, từ cấp trung ương đến địa phương và khống chế đội ngũ này phải làm theo ý muốn của họ trong các tình huống nếu họ thấy cần thiết.

Việc có một số phần tử ẩn danh đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình bạo động, phá hoại tại Đồng Nai, Bình Dương, Nghệ An cũng là một đợt tập dượt thử nghiệm của họ khi mà tình huống xã hội Việt Nam phát sinh những điều kiện chín muồi theo nhận định của họ. Theo dự kiến của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, tuy Trung Nam Hải bằng sự kiện HD-981 đã dành cho ban lãnh đạo Hà Nội những cú tát nhớ đời, nhưng xét về mặt chiến thuật và chiến lược thì họ cũng không muốn một sự thay đổi quá lớn tại Việt Nam, đặc biệt là thay đổi về chế độ theo hướng dân chủ.

Họ, hơn ai hết, hiểu rằng, nếu Việt Nam thoát khỏi được gông tù của tư tưởng xã hội chủ nghĩa lỗi thời, thì chắc chắn Việt Nam sẽ ngả về phía Hoa Kỳ và Phương Tây, điều này hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Điều mà Trung Nam Hải mong muốn có là một ban lãnh đạo Việt Nam run rẩy, yếu hèn trước sức ép của Trung Quốc. Do vậy Trung Quốc sẽ không “ra đòn” để cho tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Việt Nam sụp đổ. Tôi cho rằng nhận định này là chính xác.

Vậy Việt Nam phải làm gì?

Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của Huy Đức là nếu năm 1974 không có cuộc chiến tranh Bắc Nam hoặc ít ra không có sức ép của miền Bắc đối với miền Nam và đối với Hoa Kỳ để buộc Hoa Kỳ phải làm ngơ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa để đổi lấy sư xa lánh của Bắc Kinh với Hà Nội thì Hoàng Sa vẫn luôn luôn là lãnh thổ của Việt nam. Chữ “nếu” này không nên hiểu là một sự luyến tiếc, mà nên hiểu là một bài học cơ bản nhất của mọi quốc gia muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình.

Tôi cũng hoàn toàn tán đồng với ý kiến cho rằng để cứu đất nước trong hoàn cảnh ngặt nghèo này thì ban lãnh đạo Hà Nội phải tự thay đổi mình. Lẽ ra họ phải làm những việc này ngay từ năm 1975 khi mà thế, lực, thời cơ lúc bấy giờ là vô cùng thuận lợi. Nhưng đáng tiếc là ban lãnh đạo Hà Nội ngày càng lún sâu vào tư duy trì trệ về mặt tư tưởng và do vậy ngày càng xa dời dân, thậm chí đối lập với quyền lợi của nhân dân của đất nước. Họ đã ôm khư khư lấy tư tưởng giáo điều, bất chấp rằng việc này đang làm họ ngày càng xa rời và đối lập mục tiêu tối thượng của thế hệ lãnh đạo lớp trước và chính học thuyết hay hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa muốn đạt được.

Tôi hoàn toàn tán đồng với nhận định rằng họ đã tự cầm tù họ và cầm tù những người dân Việt nam trong sự u mê và giả dối. Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng bằng những sự kiện HD-981 sẽ làm cho ban lãnh đạo Việt Nam “đột ngột” thay đổi hệ tư tưởng của mình mặc dù rằng sự đột ngột thay đổi đó là sự cứu cánh tốt nhất để vớt vát lại những điểm tích cực của hệ tư tưởng này trong quá khứ. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ban lãnh đạo Hà Nội hiện nay không thể lật ngược lại được tình thế và giành chiến thắng trong vu viêc HD- 981.

Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu nhận định nếu ban lãnh đạo Hà Nội tỉnh táo thì hoàn toàn có thể lật ngược lại được tình thế một cách ngoạn mục mà buộc phía Trung Quốc phải rút giàn khoan với lý do là “việc khoan  thăm dò đã hoàn tất”. Ngay cả việc ban lãnh đạo Hà Nội đã không kịp phản ứng để cho một nhóm kích động dân chúng tàn phá các doanh nghiệp FDI tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh … cũng là một dịp rất tốt để Hà Nội chứng minh với các nhà đầu tư và thế giới rằng những việc bạo loạn trong hai ba ngày vừa qua chỉ là tai nạn ngoài ý muốn vì đã buông lỏng để cho “dân chủ” phát triển một cách tự phát. Cụ thể là nhân cơ hội này, họ sẽ trấn áp thẳng tay các cuộc biểu tình mà không cần phân biệt quá khích hay không quá khích. Hà Nội có thể thực hiện bằng hàng loạt các biện pháp, cả về mặt tinh thần và vật chất để bù đắp cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong thời gian vừa qua, bằng nhiều chính sách khác nhau, như giảm thuế, đền bù vật chất… Đây là dịp hiếm có để nhà cầm quyền Hà Nội PR cho hình ảnh của mình với chi phí không đắt.

Còn đối với Trung Quốc, Hà Nội không cần phải dùng đến bất kỳ phương tiện chiến tranh nào để gây sức ép với giàn khoan HD-981 và với các lực lượng tuần duyên bảo vệ giàn khoan này. Hà Nội hoàn toàn có thể mở chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ đối với cộng đồng quốc tế để họ gây sức ép về mặt ngoại giao và các sức ép phi quân sự khác, đối vơi Trung Quốc. Ai cũng biết là việc gây sức ép với Trung Quốc không phải chỉ nhằm bảo vệ Hà Nội, bênh vực Việt Nam, mà chính là ngăn chặn ngay từ đầu những việc làm hiếu chiến, manh động của Trung Quốc trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới.

Hà Nội hoàn toàn có thể biến sự kiện HD-981 trở thành một cuộc đối đầu về mặt tư tưởng, ngoại giao, kinh tế…. giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Tôi tin rằng, nếu lãnh đạo Hà Nội mà làm như vậy thì thiệt hại của Trung Quốc là khôn lường còn Hà nội sẽ không phải tốn môt viên đạn.Thế giới dân chủ đang vô cùng cảnh giác với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ, mà đứng đầu là Hoa Kỳ đang tìm cái cớ để hãm phanh sự trỗi dậy hiếu chiến này. HD-981 là cái cớ quý giá cho thế giới phương tây.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 21-5-14

—–

– Trần Ngân: Vài đáng giá ban đầu về cuộc xung đột hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc

– Huy Đức: Mồi Lửa & Đống Củi

– Nguyễn Trọng Bình: Đối phó với chiến lược “trồng tre nẩy măng” của nhà cầm quyền Trung Quốc

6 bình luận to “2572. Khảo luận các bài viết của các tác giả Trần Ngân, Huy Đức và Nguyễn Trọng Bình về hiện tượng Việt Nam – Trung Quốc”

  1. […] […]

  2. […] pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông Nam Á* (National Interest/ Tia Sáng). – Khảo luận các bài viết của các tác giả Trần Ngân, Huy Đức và Nguyễn Trọng B… (viet-studies/ Ba […]

  3. Hoàng Lan said

    Nhà cháu độ rày hơi rảnh háng, rỗi hơi và ức chế bạn tàu cho nên gom ít sức mọn chung với toàn dân đem bọn chúng ra mổ xẻ. Mời các bác chén:

    https://hoanglanblog.wordpress.com/wp-admin/post.php?post=3&action=edit&message=6&postpost=v2
    Gregory Moore, Hoàng Lan lược dịch.

    Bản tiếng anh trên The Diplomat

    Nền công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh của Ukraina cho Bắc Kinh những lợi ích không dễ thấy trực tiếp.

    Một trong những nguyên nhân ẩn tàng của những va chạm giữa Nga với chính quyền Ukraina ở Kiev là mối quan tâm của Moscow đối với nền công nghiệp quốc phòng lớn mạnh và rất có giá trị nằm chủ yếu ở vùng đông và nam Ukraina. Theo số liệu của SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute) [1], Ukraina là nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ tám trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2013, và nền công nghiệp quốc phòng của Ukraina rõ ràng là một lý do mà Moscow không muốn để yên cho đất nước này.

    Đó cũng là một trong các lý do quan trọng nhất tại sao Bắc Kinh không ủng hộ Moscow trong ván bài của Nga áp đặt ảnh hưởng lên Ukraina. Điều này đã dẫn đến việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết của hội đồng bảo an Liên hợp quốc để chỉ trích Nga về vụ sát nhập Crimea. Trung Quốc cần những công nghệ của Ukraina về động cơ máy bay, đóng tàu, tàu đổ bộ, tên lửa, không gian và nhiều lĩnh vực khác nữa. Nếu để Nga thành công thì Bắc Kinh sẽ càng trở nên phụ thuộc vào Moscow cho những đòi hỏi quốc phòng của mình. Trung Quốc có nhiều lợi ích ở tình trạng hỗn mang giữa Nga và Ukraina hơn những gì có thể nhìn thấy trực tiếp.

    Vậy thì nền công nghiệp quốc phòng của Ukraina có gì đáng chú ý? Đầu tiên là Ukraina chế tạo ra chiếc Antonov AN225, loại máy bay lớn nhất thế giới, cùng với nhiều máy bay vận tải cỡ trung bình, tàu lượn và máy bay hạng nhỏ tại một cơ sở gần Kiev. Công ty Motor-Sich, nằm ở thành phố Zaporizhia phía đông nam Ukraina là nhà sản xuất hàng đầu của động cơ máy bay phản lực cũng như lên thẳng, trên thực tế hầu hết các máy bay lên thẳng trong quân đội của Nga đều sử dụng động cơ của Motor-Sich. Cũng trong vùng đông nam Ukraina, tại thành phố Dnepropetrovsk, Ukraina có cơ sở thiết kế và sản xuất tên lửa tuyệt vời, nơi đã sản xuất các tên lửa cho chương trình không gian của Liên Xô còn ngày nay thì cung cấp và bảo trì tên lửa liên lục địa trọng yếu SS18 cùng với tên lửa Soyuz nổi tiếng cho Nga.

    Dọc theo bờ biển Đen của Ukraina còn có các công ty đóng tàu đáng chú ý, nơi đã sản xuất chiếc Varyag mà Trung Quốc mua lại về để cải tạo thành con tàu sân bay duy nhất của họ với cái tên Liêu Ninh. Theo Vladimir Voronov, trong số 54 hợp đồng tàu chiến mặt nước mà Nga đang có kế hoặch lắp ráp thì có đến 31 chiếc sẽ sử dụng động cơ Ukraina. Ukraina còn có cơ sở sản xuất chiến xa tại Kharkiv, nơi chế tạo chiếc thiết giáp bộ binh BTR-4 và xe tăng chủ lực T-84 (theo giới chuyên môn, T84 là xe tăng chủ lực có thể so sánh với T-90 là tăng chủ lực chính của quân đội Nga và có động cơ khoẻ hơn cả T-90). Ukraina còn sản xuất các tên lửa không đối không dùng cho máy bay chiến đấu, tham gia sản xuất một phần, lắp ráp và bảo dưỡng các thiết bị quân đội quan trọng như là chiếc máy bay chiến đấu SU50 PKA/FA thế hệ năm đỉnh cao của Nga.

    Điều này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc? Cái quan trọng nhất là, Trung Quốc từ trước đến nay luôn là kẻ chậm chân trong cuộc đua công nghệ quốc phòng với Nga, Mỹ và các nước Châu Âu. Như vậy, giữ được mối quan hệ với thị trường vũ khí và các công nghệ của Ukraina có ý nghĩa quan trọng cho nền quốc phòng của Trung Quốc, trong đó các hợp đồng với Ukraina thường được chào giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại từ Nga. Quan trọng hơn nữa là Ukraina sẽ không cảm thấy khó chịu nhiều như Nga với việc Trung Quốc có thói quen mua thiết bị quân đội của nước ngoài về và sao chép ở trong nước. Vấn đề này đã là nguyên nhân của căng thẳng giữa Nga và Trung Quốc, đáng chú ý nhất như trong vụ Trung Quốc mua máy bay chiến đấu SU27 của Nga, và sau đó đã bị Nga cáo buộc là sao chép toàn bộ để sản xuất chiếc J-11B của Trung Quốc. Vụ này làm cho Nga giảm các hợp đồng sản xuất chung với Trung Quốc và trở nên e dè hơn trong việc cung cấp cho Trung Quốc các công nghệ mới hơn của họ. Trong khi đó, Ukraina đã bán cho Trung Quốc nguyên mẫu chiếc SU33 của Nga, để Trung Quốc dùng làm cơ sở chế tạo ra chiếc tiêm kích J-15 phục vụ hải quân của nước này. Ukraina còn bán cả động cơ phản lực và động cơ lên thẳng hết sức cần thiết cho Trung Quốc.

    Ukraina còn là nguồn cung cấp các tên lửa không đối không, đất đối không và hải đối không cho Bắc Kinh, cùng với tàu đổ bộ Zubr (sản xuất tại Crimea và có thể hữu ích cho các hoạt động chiếm đảo ví dụ như ở Đài Loan), tàu sân bay Varyag, và chiếc tàu phá băng Rồng Tuyết, tàu phá băng duy nhất của Trung Quốc (có thể xem thêm thông tin về hoạt động của Rồng Tuyết trong vụ giải cứu tàu Nga gặp nạn tại Nam Cực[2]).

    Những thay đổi ở Ukraina có thể sẽ dẫn đến khó khăn cho các mua sắm và phát triển của quân đội Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau. Nếu như Ukraina có thể thống nhất toàn vẹn (không tính Crimea) và gia nhập EU, nó có thể sẽ phải dừng các hoạt động mua bán thiết bị quân đội với Trung Quốc, bởi vì EU cũng như Hoa Kỳ hiện vẫn giữ các hạn ngạch đối với Trung Quốc từ sau vụ Thiên An Môn. Mặt khác, nếu Ukraina, hay là vùng đông Ukraina bị nằm dưới cái ô ảnh hưởng của Nga, có thể một số hoặc là tất cả các thương vụ mua bán vũ khí giữa Ukraina với Trung Quốc, nhất là các vụ “qua mặt” Nga sẽ bị đình lại, huỷ bỏ hay ít nhất là rơi vào trạng thái phập phù như những thương vụ mua bán của chính Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây.

    Những thay đổi gần đây ở Ukraina đe doạ các thương vụ mua bán thiết bị quân đội to lớn giữa Ukraina và Trung Quốc, và chỉ có thể mang lại khó khăn cho kế hoạch hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc. Do đó Trung Quốc có rất nhiều lợi hại ở các diễn biến xảy ra tại Ukraina.

    1- Viện nghiên cứu hoà bình Stockholm

    2 – Vụ này hơi bị hài khi mà tàu Trung Quốc tới cứu tàu phá băng của Nga tên Akademik Shokalskiy và sau đó cũng bị băng quây kẹt luôn, cuối cùng phải nhờ đến tàu của Mỹ tới cứu cả hai

  4. Trúc Bạch said

    Trích :

    “Hà Nội hoàn toàn có thể mở chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ đối với cộng đồng quốc tế để họ gây sức ép về mặt ngoại giao và các sức ép phi quân sự khác, đối vơi Trung Quốc.”

    Điều này thì tác giả có hơi chủ quan – bởi vì rằng, ngay chính quyền CS Hà Nội cũng biết là chẳng trông mong gì vào “cộng đồng quốc tế”, cho nên Hà Nội mới phải nìn nhịn một cách nhục nhã như mọi người đã thấy

    Tại sao Hà nội biết là không thể trông mong gì vào “sức ép ngoại giao hay phi quân sự khác” (ý nói là kinh tế ?) của cộng đồng thế giới với TQ ?

    – Là bởi vì chính Hà Nội tự biết mình – từ trước đến nay – để bênh vực các nước “anh em” – hay nói cho đúng là để “lấy điểm” với các nước “anh em” – CS Hà Nội đã không ngần ngại chủ động, tích cực làm phật lòng “cộng đồng quốc tế” trong mọi vấn đề liên quan đến …tranh chấp giữa các nước “anh em” với cộng đồng quốc tế như :

    – Thờ ơ với sự kiện Trung cộng lấn áp Philippines, lấp lửng với lời (ngầm) kêu gọi liên kết với Phi để kiện TQ trong vấn để Biển Đông.

    – Mỗi khi Mỹ có những động thái “ve vãn” Hà Nội….thì ngay lập tức Hà Nội liền cho các cán bộ cao cấp như Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh, hay các cán bộ giảng dậy …lên tiếng đánh phủ đầu bằng những giọng điệu như Mỹ luôn luôn là kẻ xấu, tội ác của Mỹ là “trời không dung, đất không tha” và TQ mới thực là “ân nhân” của VN nên “VN không bao giờ ăn ở hai lòng với TQ”, và rằng VN sẽ không bao giờ dựa váo nước này (ý nói Mỹ) để chống nước kia (ý nói TQ) .v.v….

    – Khi Nhật và TQ có vấn đề về quần đảo Senkaku…- dù không chính thức bênh TQ bằng kênh ngoại giao, nhưng Hà nội đã có những bài báo viết có tính thiên vị nhằm bênh vực luận cứ của TQ về chủ quyền “Điếu Ngư .

    – Khi Nga xâm lăng Ukraina để chiếm Crimea, chính Hà Nội đã cho dàn loa phường của mình xả hết công xuất ca tụng hành động của Putin, đồng thời cáo buộc, lên án Mỹ và Liên Âu không hết lời ….(những cáo buộc dù không do cơ quan nhà nước phát ra, nhưng do cán bộ đảng viên nói ra, thì cũng coi như là “quan điểm” của nhà nước, vì ở CHXHCNVN không ai được phép nói những gì không đúng với “chủ trương và đường lối” của lãnh đạo !”

    Những động thái tệ hại trên của Hà Nội đối với cộng đồng thế giới như vậy …Thì làm sao cộng đồng thế giới lại có thể hy sinh quyền lợi của mình (vốn có) đối với TQ mà “cứu” Hà Nội – một kẻ không những đã không là đồng minh, mà trong mắt họ – lại còn là kẻ tráo trở, giảo hoạt và …mất dậy nữa ?

    Ngoại trừ có hai nước là Mỹ và Nhật đã có những tuyên bố tương đối mạnh, trong “sự cố” giữa TQ và VN, Còn cộng đồng thế giới thì nhiều lắm là đã chỉ có những tuyên bố mang tính ngoại giao – gần như vô thưởng vô phạt – chứ dứt khoát là sẽ không có động thái tích cực nào nhằm “cứu” VN đâu (điển hình là tại hội nghị ASIAN vừa qua) .

    Thử hỏi, ngay cả những nước vốn là “đồng chí. anh em” với Hà Nội như Lào, Campuchia, Cuba, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ và Nga .v.v…Đã có nước nào chính thức lên tiếng bênh Hà Nội và lên án TQ chưa ?

    Dứt khoát là chưa, và cũng sẽ là KHÔNG !

  5. […] pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông Nam Á* (National Interest/ Tia Sáng). – Khảo luận các bài viết của các tác giả Trần Ngân, Huy Đức và Nguyễn Trọng B… (viet-studies/ Ba […]

  6. […] […]

Bình luận về bài viết này