BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

831. Ông quan đàng hoàng

Posted by adminbasam trên 25/03/2012

Đôi lời: Nhân việc ông Nguyễn Sự vừa được nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, xin được đăng lại hai bài viết về ông, một của Nhà văn Nguyên Ngọc, trên báo Lao động số Tết vừa qua, một trên Sài Gòn Tiếp thị.

Một nhà báo trên blog của mình bữa nay viết: “Cả nước Nam chỉ một ông quan nhận giải thưởng Phan Châu Trinh, đó là sự hiếm có, mà sử xanh phải ghi vào như một tấm gương cho đời sau chứ không phải là điển tích cổ xưa.”  Còn Ba Sàm thì vẫn khoái bông lơn “Làm quan nhưng mà … tốt!”, kèm theo một câu hỏi nghiêm túc, là tại sao đảng CSVN lo phát động “chỉnh đốn” mà không lấy một tấm gương lãnh đạo ra để học tập, ví như ông bí thư này chẳng hạn?

Mời bà con đọc thêm bài diễn từ của ông trong buổi trao giải thưởng, đăng trên Tuổi trẻ: + Xứ sở biết pha đường phèn với đường bát đen, cùng ba bài báo khác về ông: + Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần 5: Hội An – tác phẩm sống của Nguyễn Sự (TT);  + Cắt nghĩa Hội An (TTVH). + Triết lý chè đậu ván của Bí thư Hội An (VNN).

Đố xuân

 Ở Hội An, ra đường, hầu như không hề thấy công an!

Nguyên Ngọc

Người ta bảo khi khỏe thì thấy chuyện khỏe là đương nhiên, chỉ khi đổ ốm mới nhớ ra là có thể có bệnh. Gần đây do công việc tôi về ở Hội An hơi lâu, đến nay đã hơn năm tháng, hằng ngày vẫn đi ra đường ra phố, thỉnh thoảng qua các làng quê ven thị, thấy cũng bình thường thôi, thanh bình, thân thiện, hiền lành, nhẹ nhõm, thì Hội An vẫn thế, ai chẳng biết. Cho đến một bữa có anh bạn ghé thăm, tẩn mẩn hỏi: Anh ở đây có thấy gì lạ không? Gì nhỉ, nghĩ mãi không ra. Anh ấy mới bảo: Ở Hội An, ra đường, hầu như không hề thấy công an. – Thật sao? Tôi ra đường mấy ngày liền, lang thang khắp nơi: À, hóa ra là thế thật!

Hội An thật tài, tôi đố thành phố nào trong cả nước thi đua được với Hội An về cái mục này. Có thành phố nào dám lên tiếng không? …

Ở Hội An, ngày nắng, chiều tôi thường ra tắm biển An Bàng (không biết tại sao gần đây bổng thấy có báo rộ lên tin: bãi biển An Bàng, một trong mấy bãi tắm bình dân của Hội An, được xếp vào top 50 bãi biển đẹp nhất thế giới. Tôi e là tin bịa thôi, vả người Hội An cũng không hề chú ý). Biển lặng và hiền, không quá đông. Tắm xong, thường ăn bát cháo nghêu hay cá, và ngồi chơi hóng gió, nghe sóng, nhiều hôm đến chín, mười giờ đêm. Rồi lững thững ra về. Trên đường, băng qua cánh đồng Trà Quế rộng xa đến vài cây số, vắng tanh, vậy mà thỉnh thoảng gặp vài cô nữ du khách tây, có hôm chỉ mỗi một cô, không biết đi chơi đâu về, cũng lững thững thản nhiên thong thả băng đồng lớn như mình. Lại đố nữa nhé: đố nơi nào có được cảnh ấy, đàn bà con gái, lại tây, mà chẳng lạ nước lạ cái chi hết, chẳng sợ gì sất, có thể một mình băng đồng đi chơi ban đêm, giữa mông quạnh, còn bình yên hơn cả ở chính quê mình?

 Hội An có Cù lao Chàm. Khách ra chơi, đêm ngủ lại, phải căng tăng mà nằm. Thành phố nhất định không cho xây bất cứ khách sạn nào ở đấy. Giữ núi non cây cối nguyên vẹn. Chẳng đua theo Vinpearl trong kia khoét núi giữa biển làm nhà mấy sao. Về mặt này Hội An rất bảo thủ. Ai chê, xin nhận.

Cù lao Chàm là nơi duy nhất trên cả nước hiện nay tuyệt đối không có túi ni lông, được đâu năm bảy năm nay rồi. Người ta ra chợ mang theo cái làn mây hay cái rỗ, mua gì thì bỏ vào đấy, cắp hông thong thả đi về. Hoặc gói lá chuối, lá sen, lá vả (lá vả to như lá sen, thơm mùi mộc hơn). Hội An muốn làm điểm trước ở Cù lao Chàm, nay đang dần  dần lan vào cả thành phố, bước đầu ở mức vận động bà con hạn chế bớt. Tôi cũng thuộc loại bảo thủ, và hoài cổ nữa, tôi rất thích cảnh mấy bà mấy chị đi chợ về cắp rỗ ngang hông, như mẹ tôi xưa. Phố đấy, cũng văn minh như ai chứ, mà vẫn nét quê, đằm, hiền, và đẹp.

Nhưng về vụ túi ni lông còn có chuyện khác, chính những người xướng ra cũng không ngờ. Cũng nghĩ là cố gắng góp phần hạn chế cái nạn trái đất khốn khổ của chúng ta, do thói lười biếng và kiêu căng ỷ phát minh khoa học của con người, ngày càng bị chất đầy cái thứ vừa bẩn vừa độc đến mấy trăm năm chưa chịu tiêu hũy ấy. Không ngờ còn hay hơn nhiều nữa: hóa ra túi ni lông trước đây rơi xuống biển làm chết san hô. Biển Cù lao Chàm năm bảy năm không có túi ni lông nữa, bây giờ san hô nở rộ mọc vào tận sát bờ, đủ màu rực rỡ. Cù lao Chàm có thú lặn biển, bây giờ tha hồ lặn ngắm san hô.    

Hội An. Ảnh: Dương Minh Long

Và không chỉ san hô. Nghe nói một thành phố biển nổi tiếng đẹp và giàu sinh vật biển của ta nay đã tiệt giống mất con nhum, còn gọi là con cầu gai, vốn rất quý. Đặc sản mà, được giá quá, các đại gia hâm mộ quá … Ở Cù lao Chàm, cũng từ khá lâu, bắt được con nhum thì thả ngay xuống biển. Cả cua đá nữa, vốn nổi tiếng ở hòn đảo còn đẹp nguyên sơ này. Người ta làm vậy, cũng chẳng phải vì nơi đây được gọi là khu sinh quyển thế giới đâu. Đơn giản để giữ cho đảo của mình đẹp, và giàu, giàu theo nghĩa hay nhất của từ này: vẻ đẹp nguyên lành của tự nhiên. Tự nhiên còn được như vậy thì tâm hồn con người mới yên. Phá tự nhiên, cũng là tự phá hũy chính mình. Tự tha hóa, như các nhà triết học nói.

 … Nhưng mà cẩn thận nhé, người Hội An có tiếng hiền hòa. Xin nói: cũng tùy lúc, tùy người, tùy chuyện thôi. Gần đây có chuyện thế này: chợ ở gần phố cỗ khá lộn xộn và bẩn. Thành phố xây lại chợ, nguyên chỗ cũ, sạch, gọn, lại giữ được khá tốt nét xưa. Và yêu cầu những người lâu nay ngồi linh tinh bên ngoài vào chợ. Ai cũng biết, hiền mấy thì hiền, hỗn nhất vẫn là dân chợ, nhất là khi các bà bị đụng chạm quyền lợi làm ăn. Các bà chửi um lên, không chịu vào. Các ngành liên quan vận động bao nhiêu đều không xong. Cuối cùng anh bí thư thành phố xuất hiện. Ra đứng giữa chợ nhốn nháo. Gọi lớn: Các bà chửi phải không? Được rồi. Bây giờ thế này nghen, đề nghị các bà bầu lên một bà chửi hỗn nhứt, đại diện cho tất cả, ra đây chửi thi với tui. Chửi thua thì phải vô chợ, đồng ý không?

Bất ngờ quá, các bà sững đi một lúc. Rồi tất cả phá lên cười. “Thôi, chịu ông rồi, ông bí thư ơi!”.

Vì sao anh bí thư Hội An làm được chuyện lạ này? Đơn giản chỉ vì dân người ta thương anh.

Như chuyện anh cưới vợ cho cậu con trai cách đây mới vài tháng. Không mời bất cứ lãnh đạo nào ở tỉnh hết; anh bảo biết ai mời ai không, mời hết thì không đủ sức, mời thiếu thì mất lòng. Cũng không mời bất cứ doanh nghiệp nào, họ mang phong bì sụ đến, mình tốn công đi trả, mệt. Nhưng anh lại mời đến chín trăm người: tất cả bà con trong xóm trong làng. Anh tâm sự với tôi: Năm ngoái mẹ tôi mất, bà con đến viếng không thiếu người nào. Toàn các bà hằng ngày đi mò hến, mò tôm. Có bà đến, để tờ bạc hai nghìn lên trên chiếc đĩa, cẩn thận vuốt cho thật thẳng, rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ mà lạy mẹ tôi. Tôi hỏi anh người như thế làm sao ngày vui của gia đình tôi tôi có thể không mời. Vợ tôi mang giấy mời tới từng nhà, dặn bà con viếng không được mang theo bất cứ thứ gì …    

 Anh ấy yếu, người gầy, ăn uống rất ít, huyết áp thấp, mà chẳng chịu bỏ việc. Đêm nằm vắt tay lên trán lo cho Hội An, vì anh biết Hội An là văn hóa, mà đã là văn hóa thì bao giờ cũng mong manh, đời là vậy, càng đẹp thì càng mong manh, dễ vỡ, phải nâng niu. Anh nâng niu quê hương và con người quê anh, nâng niu cái đẹp. Một nhà văn hóa.

 Vừa rồi lụt lớn, thủy điện xả lũ khẩn cấp, nước về nửa đêm một tiếng đồng hồ lên hai mét nước. Gầy ốm thế mà hể lụt là anh lao ra giữa dòng, cứu dân. Hội An sông nước mênh mông, lụt thường dữ. Mà mấy mươi năm nay chưa hề có ai chết lụt. Cũng như sức khỏe ấy mà, có ai thấy là ghê gớm gì đâu. Thường thôi. Vẫn vui, lại vui. Nay đã qua hai mươi ba tháng mười rồi. Ở quê tôi, Hội An, vốn có câu ca: Ông tha mà bà không tha, làm ra cái lụt hăm ba tháng mười. Qua cái đận đó là có thể yên tâm. Năm nay trời hiền, lụt bão khá mềm. Hội An đang chuẩn bị đón xuân.

Mùa xuân, tôi mạo muội thay mặt quê mình nêu lên hai thách đố của Hội An đã nhắc đến trên kia. Có thành phố nào lên tiếng đáp không?

N.N. 

Tháng 11-2011

———————–

Sài Gòn Tiếp thị

Ông Nguyễn Sự, bí thư thành uỷ Hội An:

Đã làm quan là phải đàng hoàng

SGTT.VN – Tự nhận là người… thiếu văn hoá nhất Hội An, nói to nhất Hội An, con người bén nhọn, nhạy cảm đến quyết liệt ấy suốt 30 năm qua đã sống chết với Hội An, để gìn giữ cho được một không gian sống vừa xưa cũ, vừa hiện đại. Giữa không gian liêu trai của ngày Hội An ở Sài Gòn (10 – 12.2), ông đọc cho tôi nghe bài thơ của Chế Lan Viên: Yêu ở đâu thì yêu / Về Hội An xin chớ / Hôn một lần ở đó / Cả đời vang thuỷ triều… 

Theo ông, điều gì làm nên sự quyến rũ kỳ lạ của vùng đất Hội An? Những biến động lịch sử có làm cho sức mạnh ấy bị vùi lấp, mai một?

Văn hoá là một khái niệm mở, bảo tồn nằm trong sự phát triển, không đóng khung, đóng cửa, vì thế nó luôn luôn động, phù hợp với đương đại nhưng vẫn giữ được những gì tốt đẹp của quá khứ. Trong một quá trình dài của lịch sử, Hội An vẫn giữ được sự giao lưu, giao thương, đó là một bản lĩnh rất kỳ lạ. Thế kỷ thứ 16 – 17, Hội An là thương cảng sầm uất bậc nhất của Đàng trong, nơi mở cửa đầu tiên của đất nước giao thương với thế giới, từ đó hội nhập với các nền văn hoá khác. Trải qua một thời kỳ dài trọng nông ức thương, Hội An vẫn giữ được tinh thần mở cửa, coi buôn bán là chuyện bình thường, giữ được con đường tơ lụa. Như trong kiến trúc, những ngôi nhà phố hình ống chẳng có mặt tiền, mặt hậu, sẵn sàng mở cửa đón mọi người. Những ngôi nhà của người Hoa, người Nhật đều do bàn tay tài hoa của thợ mộc Kim Bồng, thợ ngói Thanh Hà tạo dựng, vẫn mang diện mạo rất đặc trưng của Hội An…

Mỗi năm Hội An đón nhận đến 1,5 triệu du khách, với dân số khoảng 90.000 người, tính trung bình mỗi người dân đón 150 du khách/năm, làm thế nào để họ vẫn là mình?

Lấy cái tĩnh, vừa vừa, nhỏ nhỏ, bé bé để phát triển, đó là bí quyết của Hội An.

Bản lĩnh của người Hội An chính là sự đón nhận văn hoá các nước một cách bình tĩnh, đĩnh đạc, không ngần ngại, không sợ sệt, không vồ vập… tạo nên một văn hoá đa quốc gia, đa vùng miền, nhưng lại rất Hội An. Chiều sâu tận cùng của văn hoá, của kiến trúc chính là con người. Hội An là một di tích hoàn toàn sống, không bị đứt gãy nhờ những con người nhiều thế hệ sống trong các khu phố cổ. Điều lạ nữa là dân Hội An nghèo, nhưng chẳng ai phá nhà cổ làm nhà mới. Thời bao cấp mỗi nhà chỉ sống bằng vài ba khung dệt, nhưng vẫn giữ nguyên nếp nhà như một sự tri ân với cha ông của họ. Họ giữ lại những gì đẹp đẽ của quá khứ, đâu biết ngày mai sẽ thành di sản. Thời đổi mới, nhà nhà làm du lịch, có người giàu lên nhưng cũng chẳng ai đập nhà làm khách sạn. Ngoài quy định của chính quyền, chính người dân ý thức được chuyện đó. Phố cũng không cần cửa đóng then cài. Dân phố không soi mói, nhưng biết quan tâm đến nhau. Điều gì không phải, trái với đạo lý khó sống được ở đây. Dù lịch sử đầy biến động, người Hội An vẫn giữ được chiều sâu cốt cách, tâm hồn mình. Nhỏ bé, thân thuộc, không vội vã, không có những con đường rộn ràng, chẳng ai chạy xe quá nhanh. Khi con người sống có trật tự thì trong tâm thức, suy nghĩ cũng chậm lại, nhập thân, nhìn lại mình nhiều hơn. Những con người ấy đã biết tự làm mới mình hàng ngày, tạo ra hồn của phố, sự thân thuộc bình yên và một chút chân quê khiến ai đã một lần tới là nhớ mãi, giống như được trở về nhà.

Để sự quyến rũ chân thực ấy giữ chân du khách lâu hơn, có quyết sách nào không thưa ông?

Quyết sách của tôi là giúp người dân có thu nhập một cách văn hoá. Lâu nay chúng ta thường dựng làng nghề theo kiểu biểu diễn. Muốn hấp dẫn du khách, làng nghề phải thực sự sống được bằng nghề. Bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng Kim Bồng góp phần tạo ra dáng hình đất nước, tâm hồn của người dân Trà Quế tạo nên mùi hương sâu đậm của rau húng, rau thơm. Muốn phục hồi làng nghề phải có đội ngũ làm nghề ngay tại làng. Hội An kiên trì đào tạo lớp trẻ sống chết với nghề, cha truyền con nối. Người dân không chỉ sống được nhờ trồng rau, mà còn khá lên nhờ những dịch vụ du lịch từ nghề rau. Suốt chín năm kiên trì thuyết phục bà con cùng với các quyết sách như giao thêm đất, hỗ trợ tiền trồng rau, làm gốm… đến nay chúng tôi đã phục hồi được làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà. Du khách được trồng, thu hoạch rau, chăn trâu, tắm trâu, nuôi trâu đi cày, sống, ăn ở trong nhà dân có khi cả tháng trời, và trả tiền một cách thích thú. Mỗi người nông dân Hội An đang trở thành một sứ giả văn hoá thông qua con đường kinh tế du lịch, họ biết giữ cho môi trường sạch hơn, yêu động vật hơn, và cũng văn minh hơn.

Hội An lên cấp thành phố, ông có lo văn hoá thị sẽ lấn át văn hoá làng?

Đó chỉ là một danh xưng, sự phát triển đòi hỏi văn minh, dù thị xã hay thành phố, Hội An vẫn giữ được tinh thần của nó. Văn hoá làng và văn hoá thị bổ sung, kìm giữ nhau, trì kéo nhau, tạo nên thế cân bằng hơn. Trong tốc độ đô thị hoá chóng mặt hiện nay, giữ gìn vẻ đẹp của một ốc đảo như Hội An là nỗi lo chung của mọi người. Nhưng chính vì nó quá mong manh, dễ vỡ nên mọi người đều phải cùng nâng niu, giữ gìn. Hội An lúc nào cũng có vấn đề, lúc nào cũng có sự bền vững dù luôn thay đổi. Suốt thời gian tôi làm chủ tịch Hội An, chưa thấy ai bị tha hoá, các tệ nạn vào Hội An đều được dân báo ngay. Hội An nói không với bia ôm, ngoài đường cũng không có công an, người dân có thể gặp người làm chính quyền mọi lúc, mọi nơi. Không có khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Ai vào nhà bí thư cũng được.

Còn quyết sách để giải bài toán đất đai ở Hội An, khi nơi đây luôn là điểm nóng hấp dẫn các nhà đầu tư? Làm thế nào để hài hoà lợi ích giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư?

Người ta có thể biến ruộng lúa thành đô thị chỉ với một chủ trương, nhưng trong lịch sử, chưa ai biến đô thị thành ruộng lúa. Cái gì người ta không thể thì mình hãy giữ lấy. Tôi là người nông dân, tôi hiểu hơn ai hết đất của dân phải để cho dân làm. Như vùng biển Cửa Đại, tôi không chủ trương lấy đất đầu tư, mà đầu tư tại chỗ và những người dân định cư tại chỗ, không dời dân. Với nhà đầu tư, Hội An quy định rất rõ ràng: không xây quá ba tầng, mật độ xây dựng không quá 30%, không được mở massage, không được xây tường rào che chắn, không đi cửa sau, không mua đi bán lại… Chính vì thế những nhà đầu tư giả, dỏm rất khó chịu, sẽ bật khỏi liền.

Để gầy dựng một chính quyền vì dân ở Hội An, ông có gặp khó khăn nhiều không?

Hơn 30 năm, trải qua nhiều đời lãnh đạo, Hội An tự hào vì một đội ngũ lãnh đạo trong sạch. Chưa có một đồng chí nào lợi dụng chức quyền lấy một tấc đất của dân, bộ máy chính quyền hoạt động trơn tru nhờ không ai lợi dụng việc công sách nhiễu, tước đoạt của dân. Bên cạnh những biện pháp cứng rắn để giữ kỷ cương, muốn đội ngũ của mình có ý thức, chính người lãnh đạo phải làm gương. Không thể nói anh em đừng tham ô mà mình vẫn nhận tiền vào túi. Ai có công mình thưởng xứng đáng, nhưng khi anh em gặp khó khăn mình phải chia sẻ, giúp đỡ, có trách nhiệm với cả gia đình mỗi người. Con người không chỉ sống bằng đồng lương, mà còn bằng cái nghĩa. Khơi gợi chữ nghĩa trong đội ngũ làm nên phẩm cách của cán bộ mình. Kiểm tra đến nơi đến chốn công việc được giao, những nơi nguy hiểm nhất mình phải xông vào đầu tiên. Mình không xả thân thì đừng nói anh em xả thân. Khi mình sử dụng quyền lực để làm những việc có ích cho mọi người, đứng đầu sóng ngọn gió, biết tiếp thu ý kiến, biết chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định của mình, sẽ quy tụ được anh em. Tôi cảm thấy ấm lòng vì được anh em thương, quý, chia sẻ, nhờ thế mình không cảm thấy cô đơn.

Tôi không thích từ quan “thanh liêm”, đã làm quan là phải đàng hoàng, không thể nhận những gì không phải của mình. Làm chủ tịch, lương 5 triệu đồng/tháng, khi đã chấp nhận mức lương đó, phải làm tốt phần việc của mình. Đừng đổ thừa đồng lương đạm bạc mà tham ô, bởi có ai buộc anh làm đâu? Tôi là người không mưu mô, không thủ đoạn, mọi thứ đều đặt hết lên bàn, nên có thể đập bàn nếu thấy bất bình, khuất tất.

Suốt một thời gian dài làm chủ tịch, nhiều người nói ông “giả chết” vì vẫn ở căn nhà tranh dột nát, ông có buồn nhiều không?

Rất đau, nhưng không thể bụm miệng người đời, vì dân có quyền nghi ngờ. Người dân sẵn sàng nghĩ mình ngồi chỗ đó chắc hốt bạc. Nhà đầu tư nào đến cũng đưa phong bì đầu tiên, dù chưa làm gì cả. Chứng tỏ trong suy nghĩ của họ phải có phong bì công việc mới chạy… Nhưng tôi không bao giờ chấp nhận như thế.

Căn nhà tranh giờ đã được sửa lại thành nhà trệt cấp bốn, đất ấy là do ông bà tôi để lại. Lương hai vợ chồng tôi cộng lại 13 triệu đồng, làm gì cho hết (cười sảng khoái). Biết bao nhiêu là đủ, tri túc là được. Tôi không thấy khổ, vì mình khổ quá rồi, chịu khổ là chuyện bình thường. Điều tôi buồn nhất là không làm được nhiều cho Hội An. Người dân quê tôi dù được hưởng lợi từ du lịch bớt cơ cực đi, nhưng chưa được giàu có…

Là người khá cực đoan, có bao giờ ông phải xin lỗi dân vì một quyết định sai? Anh có sợ những quyết sách quá táo bạo, luôn đi trước của mình sẽ ảnh hưởng đến đường hoạn lộ?

Có đấy. Một lần tôi đã ra quyết định trồng hoa sữa dọc phố. Nhưng đâu ngờ đến mùa hoa nở, cả con phố nồng nặc mùi hoa rất khó chịu. Tôi phải đứng ra xin lỗi dân và đốn đi trồng cây mới.

Khi người dân có đủ dũng khí chửi mình trong lúc bình tĩnh nhất, chứng tỏ họ còn tin mình. Khi đúng sai dân không lên tiếng nữa, mới là bi kịch.

Tôi nhớ mãi cơn bão năm 2007, sau cuộc họp chiều, chúng tôi thông báo toàn thị xã sáng mai mới dời dân. Nhưng khi bưng bát cơm tối lên ăn, tự nhiên một linh cảm ập đến khiến tôi giật mình. Nhiều anh em phản đối dữ dội nhưng tôi vẫn buộc phải dời dân trước 12 giờ đêm. Quả nhiên 1 giờ sáng bão tràn vào ngập hết nhà. Sống ở Hội An là sống chung với lũ, người lãnh đạo phải biết rõ bão đi theo hướng nào, chỗ nào là thiệt hại nặng nhất để giúp dân tránh gió, di dời. Phải nghe lượng mưa trên nguồn, và tìm ra cái gì có lợi trong lũ. Sắp tới tôi sẽ tổ chức cho khách đi ghe chụp ảnh những con đường nước ngập, tuyệt vời lắm đó.

Quyết định tắt đèn, đi bộ đêm rằm đến với tôi vào một tối mất điện năm 1998, tự dưng thấy phố đẹp lạ lùng. Sáng hôm sau quyết định làm liền. Những ngày đầu người dân phản đối quyết liệt khiến anh em nản lắm, nhưng mình cương quyết giữ, cố gắng điều chỉnh cho phù hợp hơn. Đến tháng thứ tư thì thành công, và trở thành sản phẩm độc đáo. Có những quyết định phải trả giá dữ lắm, nhưng tôi chấp nhận, kể cả việc mất chức. Nếu so đo tính toán vị trí của mình thì chẳng làm được gì. Ngay từ ngày nhậm chức tôi đã chuẩn bị cho mình nếu có mất chức thì cũng thấy bình thường, có chăng chỉ mất tiếng vâng tiếng dạ. Làm sao để anh em có một chỗ dựa, có lòng tin vào mình là khó nhất.

Cơn bão lớn nhất mà ông đã vượt qua?

Thời điểm tôi mới làm chủ tịch, quyết định cấm để xe trên lòng lề đường đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của bà con. Vợ ở nhà mỗi lần ra chợ nghe dân tiếng bấc tiếng chì suốt một năm trời, giờ thì thành hình mẫu, cả nước học tập Hội An. Khi nhà cổ xuống cấp, dân xin sửa nhà tôi đồng ý cho sửa theo nguyên gốc. Tự biết đó là quyết định vô trách nhiệm, tôi cảm thấy mình vô cùng có lỗi, vì dân lấy tiền đâu ra mà sửa theo nguyên gốc, nếu lỡ nhà sập thì vô cùng nguy hiểm. Tôi chủ trương bán vé di sản để lấy tiền giúp dân sửa nhà. Quyết định này cũng gặp phải áp lực từ mọi phía, đang đi ngoài đường tôi bị dân chận lại chất vấn, phải đứng giữa đường giải thích cho dân nghe. Từ 50 triệu đồng/năm, doanh thu đã tăng 8 tỉ, giờ là 40 tỉ đồng/năm. Khi người dân có đủ dũng khí chửi mình trong lúc bình tĩnh nhất, chứng tỏ họ còn tin mình. Khi đúng sai dân không lên tiếng nữa, mới là bi kịch.

Bài học đắt giá nhất mà tôi nghiệm ra từ trong gian khó là bài học về lòng dân. Tôi không nói giáo điều đâu. Muốn thành công phải được lòng dân, lo cho cuộc sống của dân. Rất nhiều lần tôi nghe lời dân hơn là cấp trên, đó là cá tính của tôi. Nhiều văn bản nhà nước không sát với thực tế, nếu cứ theo nguyên tắc thì làm khó dân dữ lắm, phải chấp nhận trả giá thôi. Tôi không biết nịnh, cũng rất ghét người ta nịnh mình. Người nịnh đã hèn, mà người ưa nịnh còn tệ hơn.

Điều gì khiến ông phải đau lòng nhất?

Ngay từ ngày nhậm chức tôi đã chuẩn bị cho mình nếu có mất chức thì cũng thấy bình thường, có chăng chỉ mất tiếng vâng tiếng dạ.

Có một bộ phận cán bộ nhà nước thoái hoá, biến chất, tham nhũng, làm giàu bất chính đến mức xấu hổ, khiến cho người dân không còn tin vào những người đại diện chính quyền, đó là điều làm tôi chua xót nhất. Nỗi đau này không chỉ của riêng tôi, mà còn là nỗi đau của biết bao cán bộ chân chính nhưng đã bị bôi đen bởi một số không nhỏ đang làm giàu trên mồ hôi nuớc mắt của nhân dân. Sức dân chỉ thực sự huy động được khi lòng dân an ổn. Làm mất niềm tin của dân là tổn thất vô cùng lớn.

Ông đã học được gì của người xưa, để vượt qua mọi bão tố cuộc đời?

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ cha tôi đều là nông dân làm thuê cuốc mướn. Ba mẹ cơ cực mò cua mót lúa nuôi tôi ăn học nên người. Khi mình có tiền mua được cho mẹ bộ đồ đẹp thì bà đã mất. Điều tôi học được lớn nhất từ mẹ là làm sao biết sống đùm bọc lẫn nhau, như hàng xóm đã từng đùm bọc gia đình tôi. Cái nghĩa trong tôi lớn lắm. Nhìn mấy cụ già lọm cọm là tôi lại nhớ mẹ vô cùng, tự hứa với lòng phải sống sao cho thật tốt, nếu không làm lợi cho ai đó thì đừng nên làm hại ai đó. Con người ai cũng cần niềm tin. Niềm tin chính đạo giúp người ta sống thiện hơn. Ở Hội An, giữa phố có chùa Cầu, chùa là đạo, cầu là đời, đạo và đời không có khoảng cách. Khi bánh xe công nghiệp đang nghiến nát nhiều giá trị sống đích thực, tôi tin đời cha ăn mặn chưa xong đã khát nước rồi, chẳng cần đợi đến đời con. Biết thế để sống đàng hoàng, lương thiện hơn. Phật tự tâm, ma cũng tự tâm. Quyền lực trong tay mình, trị dễ lắm, tha mới khó. Phải tìm trong cái lỗi của người ta có cái lý mà tha. Tôi luôn tập điều đó. Mỗi người có một sứ mệnh riêng, số mệnh của tôi gắn với Hội An. Và tôi tin tương lai Hội An sẽ là nơi hội nhân, hội thương, hội tụ văn hoá, hội tụ sự an bình.

THỰC HIỆN: KIM YẾN
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG


Nhà văn Nguyên Ngọc:“Nếu không có Nguyễn Sự, sẽ chẳng giữ được Hội An. Nguyễn Sự là tập trung tinh tuý của người Hội An: trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật. Vừa rồi sửa chợ, anh em vất vả lắm vẫn không dời được mấy chị bán lề đường vào chợ, lại còn bị chửi gay gắt. Cuối cùng Nguyễn Sự phải ra tay, ông mời bà chửi hỗn nhất ra… chửi thi với ông. Thế là các bà sững ra, cười phá, lặng lẽ chấp nhận vào chợ. Sở dĩ ông làm được điều đó vì được dân thương. Cù lao Chàm cũng là một chuyện kỳ lạ của Nguyễn Sự, đây là nơi duy nhất không có bao nilông. Quan chức ít ai giống anh, liêm khiết, thương dân, biết văn hoá bao giờ cũng mong manh, luôn lo lắng, suy nghĩ, gìn giữ, không chủ quan”.
“Để giữ được một thành phố sạch, cảng thị đầu tiên sinh ra những nhà ngoại thương, nơi đầu tiên của Việt Nam sống với toàn cầu… cần có một chính quyền sạch, những con người Hội An thực sự sạch. Nguyễn Sự đã làm được điều đó. Bằng trí tuệ và sự quyết liệt của mình, anh đã giữ được Đảng bộ Hội An thật sự liêm khiết, vì dân, để cùng những con người đầy bản lĩnh của Hội An hướng đến một thành phố phụng dưỡng môi trường, phụng dưỡng thiên nhiên, đón nhận và chắt lọc tất cả những giá trị văn hoá, văn minh của thế giới”.Nhà báo Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ:

54 bình luận to “831. Ông quan đàng hoàng”

  1. […] ông Nguyễn Sự lại có thể đang (vô tình) trở thành, hoặc bị trở thành, hoặc hiểu nhầm thành một sự tôn vinh, gia cố thêm cho tư tưởng đức trị. Đó là một nỗi buồn […]

  2. […] ông Nguyễn Sự lại có thể đang (vô tình) trở thành, hoặc bị trở thành, hoặc hiểu nhầm thành một sự tôn vinh, gia cố thêm cho tư tưởng đức trị. Đó là một nỗi buồn […]

  3. […] Nguyễn Sự lại có thể đang (vô tình) trở thành, hoặc bị trở thành, hoặc hiểu nhầm thành một sự tôn vinh, gia cố thêm cho tư tưởng đức trị. Đó là một nỗi buồn […]

  4. […] ông Nguyễn Sự lại có thể đang (vô tình) trở thành, hoặc bị trở thành, hoặc hiểu nhầm thành một sự tôn vinh, gia cố thêm cho tư tưởng đức trị. Đó là một nỗi buồn […]

  5. 1nxx said

    Nhờ các bác giải thích dùm tui, tại sao ông Sự không “ăn” mà không bị tụi khác đập chết, có cái gì đó bất thường mà tôi không thể hiểu nổi.

    Bà Sương không phá nông trường sông Hậu để “ăn” và bà Sương đã bị đập “gần chết”. Tại sao ông Sự thóat nạn? Chẳng lẽ có phép thần tại thiên đường thật ư?

  6. […] 831. Ông quan đàng hoàng […]

  7. HoaCaiNo said

    Được biết về đ/c bí thư Nguyễn Sự, vô cùng kính phục Ông,
    tự nhiên lại nhớ và thương Bà Sương với NTSH.

  8. […] Nguyễn Sự lại có thể đang (vô tình) trở thành, hoặc bị trở thành, hoặc hiểu nhầm thành một sự tôn vinh, gia cố thêm cho tư tưởng đức trị. Đó là một nỗi buồn […]

  9. Trần Quốc said

    Đọc xong bài của bác Nguyên Ngọc, một người hiểu biết và tử tế mà tôi hằng khâm phục, viết về ông Nguyễn Sự, thì sẵn sàng lắm hô to, kể cả cái chức của ông ấy, rất nghiêm túc và thực tình:

    Ông Bí thư Hội An Nguyễn Sự muôn năm !

    Cứ nghĩ, đoàn biểu tình chống Tàu gây hấn âm mưu xâm lấn nước ta, trong có bác Nguyên Ngọc, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Nga Hà Nam giả dụ không ‘tụ tập’ ở Bờ Hồ Hà Nội mà ‘tập trung’ ở Hội An thì vẫn có thể cũng sẽ không thấy công an và không xảy ra nhiều điều đáng buồn đáng phẫn. Vì rằng, xem chuyện ông Sự giải quyết với bà con ở chợ thành ra nghĩ vậy.
    Và cứ nghĩ đi, phải chăng ông Sự vẫn là “đức trị”, chứ chưa hẳn là “pháp trị”.
    Rồi thì nghĩ lại, dẫu thế nào, được cái “đức trị” của ông Sự cũng là quý hóa, quý hóa lắm rồi, cho dân Hội An.

  10. HaHa said

    Thiết thực nhất trong việc chỉnh đốn Đảng là phát động Học tập tấm gương đạo đức Nguyễn Sự. Học đến khi nào lãnh đạo đều thành Nguyễn Sự hết.

  11. 1nxx said

    Tôi đề nghị đưa ông Sự lên làm thủ tướng kiêm chủ tịch quốc hội VN. Đề nghị đưa bà Sương lên làm chủ tịch nước VN.

    Cần phải truy tố trước pháp luật kẻ chịu trách nhiệm chính trong vụ Vinashin.

    • montaukmosquito said

      “Đề nghị đưa bà Sương lên làm chủ tịch nước VN.”

      Yep, tớ ủng hộ VN trở lại con đường hợp tác xã hóa .

      • 1nxx said

        Tớ không ủng hộ mô hình HTX tại VN nhưng mô hình nông trường sông Hậu về mặt phúc lợi xã hội là rất thành công và người dân nông trường sông Hậu được hưởng những phúc lợi xã hội tại nông trường sông Hậu tốt không kém gì dân bắc Âu được hưởng phúc lợi xã hội từ nền dân chủ của họ.

        Về mặt kinh tế cho đến nay vẫn chưa có 1 bản tổng kết cụ thể, chính xác và khách quan nào về nông trường sông Hậu có khả năng tin được. Cho nên tớ không dám bàn những gì mình không biết.

        Về mô hình hợp tác xã chăn nuôi và trồng trọt tại đông Âu trước đây tốt không kém gì mô hình hộ nông dân cá thể hiện nay tại đông Âu, thậm chí còn tốt hơn về mặt hiệu suất và hiệu quả.

        Về công nghiệp tại đông Âu hiện nay hiệu quả gấp hàng trăm lần so với đông Âu thời thiên đường XHCN.

        Tại các nước dân chủ cũng rất cần những người lãnh đạo có tình thương nhân dân như Indira Gandi đã nói :”Tính độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hi sinh và lòng dũng cảm sẽ cổ vũ cho các thế hệ mai sau”.

        Tất nhiên bà Sương là 1 cá biệt trong 1 thể chế độc tài đảng trị và không thể hy vọng 1 cây có thể làm nên non. Chỉ có bỏ điều 4 thì may ra có hy vọng.

        1 vài trao đổi ngắn với bác montaukmosquito, tớ thích đọc còm của bác lắm. Còm rất chất lượng.

        Tớ tôn thờ direct democracy.

  12. Ếch con said

    Tôi yêu Hội An, mỗi khi về với HA tôi luôn được tận hưởng một không khí thanh bình êm ả như trong mơ. Những con phố sạch sẽ vắng lặng vào buổi sớm, những quán cà phê xinh xắn đầy quyến rũ, những con người hiền hậu thân thiện luôn mê hoặc tôi.
    Tôi kính trọng và biết ơn ông Sự, người đã giữ lại được một góc nhỏ thanh bình cho ít nhất là tôi trong cái đất nước đang lúc quá hỗn loạn này.
    Theo tôi đảng nào không quan trọng, quan trọng là đảng ấy yêu dân, vì dân. Nếu đảng viên, bí thư đảng CS ai cũng được như ông Sự thì tại sao chúng tôi phải phản đối đảng CS.

  13. Đọc bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc cảm thấy thanh thản như cảm giác ông về ông Sự, Hội An. “làm quan nhưng đàng hoàng”. khó, nhưng có đấy.
    Căn bản là cái tâm và cái tầm.
    “Đức mỏng mà ngôi cao”, “tài mọn mà mưu việc lớn” đang rất phổ biến trong giới quan ta, sở dĩ ra nông nỗi ấy là do cơ chế chọn lãnh đạo. Cái cơ chế ấy đang gây họa cho dân cho nước.
    Để có được cái tâm cái tầm ông Sự đâu phải dễ, “Làm người là khó” nhưng làm người có lợi cho dân cho nước càng khó bội phận. Ông Sự không cố leo, bằng lòng với cấp chức của mình, gắng gỏi làm tốt việc mình được giao, đó là phúc của dân Hội An. Nhưng rồi ông Sự toàn dân, ông có quyền chọn hoặc chọn được người kế nhiệm ông không?

  14. […] Nguyễn Sự lại có thể đang (vô tình) trở thành, hoặc  bị trở thành, hoặc hiểu nhầm thành một sự tôn vinh, gia cố thêm cho tư tưởng đức trị. Đó là một nỗi buồn […]

  15. D.Nhật Lệ said

    Bác Nguyên Ngọc nói đúng.Đúng là ở Hội An,tôi có về chơi vài lần thì không thấy bóng công an đâu cả.Có thể công an được lệnh ông Nguyễn Sự phải mặc thường phục vì đây là thành phố du lịch có đông du khách nước ngoài thì ông NS.đúng là có tài lãnh đạo hơn đa số cán bộ chóp bu khác ! Thứ
    nữa ông NS.là người ủng hộ mạnh mẽ Đại học dân lập Phan Chu Trinh,một mô hình đại học tư đáng
    nể với hàng ngũ giáo sư có văn bằng thật và khả năng thật.
    Thế nhưng,bác NN.thách kiểu thi đua vậy thì không có bất cứ tỉnh,thành nào bắt chước nổi đâu vì Hội An có thế mạnh độc đáo về du lịch mà không nơi nào có được.Hơn nữa,dân Quảng Nam rất tôn trọng
    một lãnh đạo có lý có tình như ông NS.,dù ông thiên về lý lẽ hơn vì là dân ‘QN.hay cãi’ mà !
    Một người được giải phụ nữ Á châu như bà Sương còn có kết cục bi thảm thì ông NS.,theo thiển ý tôi
    là người đàn ông may mắn hay nói theo kiểu Mỹ là “the right person in the right place” !

    • Boxit Việt Nam said

      Tôi rất đồng tình với ý của bác D.Nhật Lệ. Bà Trần Ngọc Sương là một người phụ nữ mà dân ở nông trường Sông Hậu tôn thờ như một vị thánh sống. Tôi đã từng gặp và nói chuyện với bà, hiều được tấm lòng của bà. Tiếc thay!!!!!!!

  16. montaukmosquito said

    Giời ạ, không ngờ tới bây giờ vẫn còn người ngộ nhận về giải thưởng Phan Chu Trinh . Chủ xị là bà Nguyễn Thị Bình nói năng còn ấm ớ còn hơn đám hội tề, giải được trao cho một ông chí thức từng tự hào mình là một trong những người đặt nền móng cho nền giáo dục XHCN, và bây giờ la làng giáo dục càng ngày càng xuống dốc . Nền móng ông đặt thế quái nào thế nhỉ ?

    Tớ mà là Phan Chu Trinh tới đội mồ sống dậy mắng đám hậu sinh khả ố đang làm nhục cái tên tớ .

    Ai lỡ nhận được giải thưởng đó không nên tự hào mà phải coi lại mình đã “đặt nền móng” kiểu gì kỳ thế!

    • S300 said

      Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của Phan Châu Trinh

    • dân Quangnam said

      Sai lỗi chính tả: “trí thức” chứ không phải “chí thức”! Thế mà cũng bày đặt có ý kiến , nên “học ăn, học nói…” rồi hãy nói.

  17. lãng tử said

    Tôi mong một ngày nào đó được đến Hội An để tận mắt nhìn cảnh vật và con người ở đây. Có cảm giác rằng nơi này tựa như một ốc đảo thanh bình còn sót lại giữa những hỗn tạp; nơi mà người dân và ông Nguyễn Sự dám từ chối sự hào nhoáng của văn minh hiện đại mà giữ lại nét chân quê Việt. Trân trọng.

  18. DÂN OAN said

    Đây là điều không nhỏ : Luơng thiện.
    Luơng thiện là điều íi ai muốn nói tới. Nguời ta chĩ muốn say mê phô truơng trên mép những thứ trống rỗng như Việt nam “trái tim nhân loại, luơng tâm nhân loại “Ai muốn đất nuớc giàu đẹp ,văn minh như Nhật thì truớc hết phải nói tới luơng thiện. Kẻ cầm quyền không giữ mình , không tôn vinh luơng thiện , cơ sở công bằng và ổn định xã hội thì đừng nói tới tuơng lai cuả đất nuớc và con cháu.

    Không thể vưà hô hào trẻ con mới mở mắt muờn một muời hai tuỗi cầm súng đổ máu ngoài mặt trận trong cái gọi là “chống Mỹ cưú nuớc ” (lịch sử cho thấy cứu Liên Bang
    Đông Duơng , một đơn vị cuả Đại đồng ) để riêng mình lăn lộn trên bụng gái trẻ đáng con mạt hay “cháu muốn đi đái thí bác dẫn cho mà đi đái” hay là có kẻ than thở,”
    cả đời làm Thủ tướng, tham nhũng như rươi mà tôi chưa cách chức được một cán bộ nào! Hiện nay ta chống tham nhũng nhưng cũng chỉ chống được từ vai trở xuống thôi!”.

    Buớc đi nguợc chiều chế độ cuả Huyện ủy Nguyễn Sự là thể hiện nguyện vọng cuả trí thức , nhân sỉ yêu nuớc . Giãi Phan Chu Trinh là thãm đỏ duới buớc chân đó.

  19. CÔNG DÂN TRUNG THỰC said

    Nếu các ngài BCT mà được như Ông Sự thì chẳng cần phải chỉnh đốn Đảng chẳng cần 19 điều ĐV không được làm và chẳng cần nhiều cái nữa… và tất nhiên Anh Đoàn Văn Vươn của chúng ta không phải nổ súng đâu nhỉ.

  20. Nói Thật said

    Cám ơn ông Sự đã giữ được Hội An cho chúng ta, cho nhân loại.
    Cũng may cho ông Sự là Hội An có đặc thù riêng của nó. Một người như ông hiện nay mà ở vào nơi khác thì khó làm lắm đấy. Rất khó!

  21. Minh said

    Nói về ông Nguyễn Sự ư ? Hi… Phan Thị Vàng Anh nói mới hay !

    • tho said

      Phan Thị Vàng Anh không nói về ông Sự, nếu cần bạn hãy hỏi Phan Thị Vàng Anh.

      • dân Quangnam said

        Tôi có đọc bài của Phan Thị Vàng Anh; Phan Thị Vàng Anh nói về cách giải quyết của ông chủ tịch UBND thành phố mà Chủ tịch UBND không phải là ông Sự , ông Sự là Bí thư Thành ủy chứ không phải Chủ tịch.

  22. nguoimientrung said

    VAN DE LA CACH SONG O NUOC VIET NAM TA DA SUY DOI CHUA?. TAI SAO MOT VI QUAN NHU THE LAI SONG DUOC TRONG MOT XA HOI NHU THE? NHU THE CHUNG TA TU HOI XA HOI DUNG DUONG ONG NGUYEN SU? HAY LA NOI DIEN TIEN HOA BINH NO THE? HAY LA CUOC SONG VAN CON LA NHUNG CON NGUOI NHU THE? HON THIENG SONG NUI, ONG BA CHA ME VAN DE CHO VIET NAM SONG NHU THE VA VAN LAM NHU THE. CAM ON ME VIET NAM VAN DE LAI CHO CON NHUNG SUY NGHI NHU THE.

  23. […] 831. Ông quan đàng hoàng […]

  24. GÀ QUÊ said

    Viết Nam này có bao nheei người như ông sự? Chắc chỉ có một Sự mà thôi, còn lại…

  25. anhnamsg said

    Tôi thì thích ông Nguyễn Sự ở chổ : dám cãi lại cấp trên dù cho đó là chủ tịch tỉnh hay TW xuống nếu ông thấy ý kiến của mình đúng(mà không sợ bị trù dập), một người hết lòng vì Phố cổ Hội An, nếu ông không cương quyết thì Hội An sẽ không được như bây giờ. Công lao của ông cũng đã được nhà nước phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Tôi nghĩ làm quan cũng có nhiều người tốt sống vì dân vì nước, chẳng qua là do cơ chế của đảng, rồi tạo phe cánh, rồi lỗi hệ thống mà nhiều người buộc phải ‘theo dòng’(người trong phe ăn mà mình không ăn sẽ bị loại ra khỏi phe liền) để tồn tại. Gia đình, người dân VN sẽ hãnh diện vì ông Sự, chúc ông Sự sức khỏe dồi dào gia đình hạnh phúc. Chúc cho nước VN có nhiều người làm quan như ông Sự. Mong chúa phù hộ cho nước VN

  26. Nguyễn Cường said

    Không biết ông BT Sự thế nào? Nhưng đúng như thế thì quý thật. Nếu có dịp vào Hội An, tôi phải trực tiếp tới gặp và nói chuyện với ông. Có 02 điều ông nói rất thú:
    – Nịnh là hèn, người thích nịnh còn rất hèn
    – Không làm lợi được cho ai thì cũng cố gắng không làm hại đến ai

  27. Xã hội này mà còn có một ông quan như vậy thì lạ thật.Đáng ngưỡng mộ thật.Nhưng sớm muộn gì thì ông cũng bị các quan ròi bọ ăn thịt mất thôi!!!

  28. Sát Thát said

    Nguyễn Sự có gì đó giống như một Lý Quang Diệu của Singapore, một Kim Ngọc của Vĩnh Phúc nhưng lại có cái vẻ hài hước của một ông Thủ Thiệm…đời mới!

  29. xích lô Hội An said

    bàn tay có 5 ngón, ngón dài ngón ngắn…
    đòi cũng có nhiều loại người, Ô.Sự làm quan ở Hội An, cứ cho là tất cả mọi chuyện đã kể, đã viết, và còn nhiểu chuyện khác chưa kể, chưa viết…vể ông là sự thật, chứng tỏ rằng ông là một người tốt thật sự, tôi nói NGƯỜI, chứ không nói người CS !
    tiếc thay, trong cái vòng xoáy ốc do bọn ngươi không tốt, thậm chí là độc ác, hèn hạ, đểu giả, lưu manh…tạo ra, được bọc dưới danh nghĩa CS, dưới áo khoác ĐCS…những người tốt lần lượt bị chèn ép, cho ra ngoài vòng đua hết…Mail liêm Trực, 1 thời là bộ trưởng bộ bưu chính viễn thông, có lẽ củng là 1 trong số này…!
    “đống chí bây giở phải sợ nhau ” câu nói đau đớn và chua xót đó của bác Lê hiểu Đăng, 1 cựu tử tù thoát khỏi án tử hình – đã nói lên sự thật cay đắng hôm nay : bọn xấu vào hùa, kéo bè, kết đảng với nhau…và mượn danh đủ thứ, từ người chết đến người sống, từ lý thuyết moi ra trong đống rác đến mớ lý thuyết hẩu lốn không đầu đuôi do chúng tự đặt ra tử những nhãn mác giả hiệu TS, PGS, GS…làm đủ thứ chuyện nhảm nhí đểu cáng, cho bât kỳ ai vào tù dưới đủ các hình thức và lý do, từ bao cao su đã xài đến trại phục hồi nhân phầm, khủng khiếp hơn, một người đàn bà nuôi con dại sống ỏ phố thị phủ lý cũng trở thành mục tiêu đánh phá hủy diệt của cả trùng điệp đội ngũ CA các cấp + quần chúng tự phát dạng lưu manh xã hội đen…
    không phải bỗng dưng mà người dân có ác cảm , thậm chí là thâm thù chế độ này, vì họ đã thông qua những con người cụ thể và những việc làm cụ thể của ché độ….tử ông tổng bí thơ, chủ tịch nước, thủ tương, chủ tịch QH, các ông bộ trưởng …- tất cả chỉ là 1 loại hình nhân chém gió, nói không, tuyên chiến, trảm, …”nói dzậy mà không phải dzậy !”.
    Rất mong ô. Sự, ngưởi Tốt, có những lời , cho dù phải bóng gió…để nói vể thực trạng XH đang vận hành ngược lại với ý muốn và việc lam tốt đẹp của ong…hy vọng là vậy, mà thất vọng là cái chắc !

  30. hoaden said

    Thưa bác Nguyên Ngọc: bác nói thế thì tôi tin thế,nhưng tôi nghĩ trong cơ chế hiện nay đó chỉ là “huyền thoại” hoặc ít nhất “sơm muộn gì cũng đổ”.Tôi không ăn ốc nói mò đâu: có một ông bạn tầm cỡ còn to hơn ông Sự, cũng làm như ông Sự,nhưng mà rôi cũng bị hạ bệ,vì phe cánh nào chịu để yên.Thế là từ TW ông được đưa về làm cấp tỉnh,nhưng cũng chẳng được bao lâu,ông bị tống về TW cũng cùng một lý do:ông ngồi đó thì chẳng ai “xơ múi” gì được.Câu ngạn ngữ: Buôn có bạn,bán có phường,hay sát hơn: Ngưu tầm Ngưu,Mã tầm Mã, sao mà chuẩn xác thế. CNXH mà bác và những người như ông Sự dốc tâm phụng sự,giờ chỉ là những ảo ảnh. Đó là một sự thât 100%. Khi mà đã là ảo ảnh mà cứ tuyên truyền,cổ vũ thì tôi nghĩ không khác gì “lừa bịp”. Người mà tôi kể ở trên,chắc bác Ngọc cũng biết.Anh ta cũng là đồng môn với bác.Chúng tôi là những kẻ hậu sinh đối với bác,ôm ấp lý tưởng CNXH khi còn mặc quần “xà lỏn” (loại học sinh nông dân thời kháng chiến” và giờ đây “vở mộng “tan tành

    • nguyen van Duc said

      đồng ý với bác. chỉ có một người đảng viên tốt thì cũng như một con én không tạo ra một mùa xuân.

    • Lý Hoa Sơn said

      Bác làm tôi nhớ đến một chuyện: Cỡ đầu những năm 60, ông Đinh Đức Thiện thấy HN điện đóm phập phù quá, bèn “nổi máu CM” Thì thỉ với Bác Hồ vĩ đại rằng, nếu để ông ta làm Bộ trưởng thì không bao giò như thế!? Vậy rồi ông được toại nguyện : Bộ trưởng Bộ Điện- Than ( hay Năng lượng gì đó ). Nhưng khoảng hơn 2 năm sau, ông lại gặp Bác Hồ vĩ đại mà rằng: ông xin sang bộ khác, vì “cơ chế” vậy, không ai làm được! Vụ PMU18, ông Bộ trưởng Đào Đình Bình cũng vô cùng tự tin tuyên bố : Cơ chế dư lày, ai ngồi vào ghế của ông cũng vậy thôi !…
      Và giờ đây, hãy nhìn vào “chiện” ông NĐM, ông NTD…xem các ông ấy “gương mẫu” thế nào thì rõ. Ông NPT rồi LTH hay PQN đang ngửa cổ kêu lên trời xanh kia kìa : Các đ/c lãnh đạo hãy dương cao vũ khí phê và tự phê, hàng ngày phải xem xét lại mình xem có gì chưa được thì…thì…”đừng để lộ ra!!! Bó tay với sự giả dối đến trắng trợn của …tất cả chúng ta.

    • bang bang Sgn said

      Các bác thật sáng suốt, có cảnh giác cao, xin trân trọng

  31. cslykhai said

    ong su la nguoi cua dan khong phai nguoi cong san

  32. cslykhai said

    ong quan nay khong goi la thuc dan ban dia duoc ong khong phai cong san

  33. Ông Nguyễn Sự- một ông bí thư tuyệt vời, một người cộng sản chân chính liêm khiết, hết lòng vì nước, vì dân. Đây mới thực sự là người đầy tớ trung thành của dân.Ông mà làm chức to nhất thì dân cả nước được nhờ, tin yêu vô bờ bến.
    Là người dân xin cảm ơn ông chúc ông và gia đình sức khỏe, hạnh phúc!
    Hội An một thành phố cổ xanh, sạch, đẹp, cổ kính,thành phố không có bóng dáng công an, yên bình, không còi xe cộ, không mùi cưỡng chế,không tệ nạn gì hết còn gì hạnh phúc hơn…

    • cslykhai said

      khong co nguoi cong san nao la chan chinh dau ,nguoi chan chinh thi khong la cong san ,ong nguyen su cung the thoi mah, ong con giu the dang de lam nhung viec trai nguoc voi tim den cua dang cs ,

      • bóng tre xanh said

        nếu những người cộng sản đúng như bài viết ,tại sao chúng ta sợ cộng sản ,tại sao chúng ta không chấp nhận cộng sản .
        cãm ơn ông – NGUYỄN SỰ .
        tôi cũng biết rằng ông ấy và nhiều người yêu nước bị lừa dối ,nhưng ông có quyết tâm và khả năng làm được việc giúp dân ,cũng may ông không bị như nhân văn giai phẩm .đã đến lúc những người yêu nước đứng ra , cùng dân noí lời dân muốn.
        và buộc cộng sản từ bỏ gian dối ,
        về với dân ,
        trả lại cho dân những gì cũa dân nếu không muốn bị tru di tam tộc .-tội
        – bán nước buôn dân
        – hèn với giặc ác với dân
        – giết dân . cướp cũa .hại nước .hại dân .
        – tam vô
        -bần cố nông ,[những thằng ngu lãnh đạo ]

      • S300 said

        Nhầm, thưa ông CSlykhai. Tui không phải là CS nhưng tui (và nhiều người biết tui) đánh giá mình chẵng chân chính gì, ngược lại nhiều vị là CS như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, ông Dương Danh Hy,… (và cả anh Basam nữa, từng làm Anninh và Ngoaigiao thì chắc phải là đảng viên) đối với tôi đều là những người chân chính

        Đừng có cực đoan một chiều như vậy

        • Khách quan said

          OK S300- tôi biết vẫn còn nhiều và rất nhiều những người Cộng sản chân chính và cũng còn rất nhiều những ông quan tốt như ông Sự vẫn hàng ngày làm những việc có ích cho cộng đồng ,cho nhân dân – tôi thấy chúng ta nên khuyến khích và chăm chút những việc làm tốt dù nhỏ để cuộc đời này tốt lên hơn . Không nên cực đoan thái quá ,tôi rất dị ứng những kẻ đang ăn lộc và lộc rất lớn của Cộng sản mà mồm cứ ra rả chửi Cộng sản.

          • Sự thật said

            Tôi đồng ý với Bác khách quan! Bây giờ quá nhiều kẻ ăn theo nói leo ,thấy người ta chửi- mình cũng mở miệng chửi theo – những người đó làm cho tôi nhớ lại một ý của ông Ngô Công Đức là chủ bút báo tin sáng : có con gà trống ngủ gục thấy trời sáng trăng tưởng sáng rồi nên gáy ,những con gà khác đang ngủ nghe con gà kia gáy nên giật mình gáy theo – gáy một lúc lâu mới biết là trời mới tối. Vậy đó ; có những kẻ hiện nay hàng tháng vẫn nhận bổng lộc của Cộng sản không thiếu một xu mà vẫn cứ chửi Cộng sản . Là công dân Việt Nam rất buồn và phẩn nộ trước những tệ nạn nhũng nhiễu của bộ máy hiện nay cũng như những yếu kém và quan liêu của các quan chức nhưng tôi rất ghét ,thậm chí là khinh hạng người mà ăn được – chửi được.

  34. khachquaduong said

    XHCN khác với TBCN chỉ ở chỗ làm quan là không được giàu hơn giai cấp trung lưu. Nếu chỉ làm được như vậy thì đúng là đã tới thiên đường XHCN rồi.

  35. M@i said

    Cái ông Nguyễn Sự này là quan nhưng mà… tốt. Nhưng khốn khổ, gương tốt vậy mà sao lạc lõng quá! Lạc lõng quá!
    Chuyện Phong thần! Làm quái gì có chuyện lấy gương Nguyễn Sự, một bí thư cấp TP thuộc tỉnh nhàng nhàng bậc trung để học tập và chỉnh đốn đảng?! Có nước người ta ị lên đầu!
    Bác Nguyên Ngọc và báo chí có thương ông Sự và dân Hội An thì khen ông ấy ít thôi, kẻo ông tổn thọ.

  36. DUY NAM said

    Lạ nhỉ ,nghe cứ như chuyện bịa ấy nhỉ ? Xã hội này mà có ông quan như thế thật sao ?

  37. phamtayson said

    Trích :”Có những quyết định phải trả giá dữ lắm, nhưng tôi chấp nhận, kể cả việc mất chức. Nếu so đo tính toán vị trí của mình thì chẳng làm được gì. Ngay từ ngày nhậm chức tôi đã chuẩn bị cho mình nếu có mất chức thì cũng thấy bình thường, có chăng chỉ mất tiếng vâng tiếng dạ. Làm sao để anh em có một chỗ dựa, có lòng tin vào mình là khó nhất.”
    “Lương hai vợ chồng tôi cộng lại 13 triệu đồng, làm gì cho hết ”
    Nếu 64 Tỉnh thành mỗi nơi có 2 Ông thế này và trên “chót vót” có 2 Ông thì đâu có cảnh “tụ tập khiếu kiện đông người”- Đâu có cảnh “ăn cướp có ba tăng’ ở Tiên lãng – Đâu có cảnh tang thương ở “Thăng bình” mới tức thì…..???? Có lẽ chỉ mình Ông sự mới nói “lương 2 vợ chồng 13 triệu một tháng xài làm gì cho hết”- Lương hàng mấy chục triệu mà họ vẫn còn thấy “thiếu” đấy- Cái đạo làm Quan của Ông sự chỉ mình Ông “theo đạo”- Chỉ chuyện lương có “quan” nào “dám” nói như Ông Sự? Bác Ngọc khỏi cần thách chuyện “quá lớn”- Cái “chết” là do không có ai như Ông sự.

  38. F 361 said

    Một cánh én không làm nổi mùa xuân. Ơ mà CNCS đã là mùa xuân nhân loại ròi thì đâu cần con chim én!!

    Ha… ha… He…he… Hu… hu…

    F 361

    • tam said

      Bi kịch của CNCS là những người thanh liêm, trung trực, nhân đức như ông Sự khó lên quan. Thành thử loài chim én đã dần dần bị tiệt chủng, chỉ còn loài chim (phụ) quạ.

Bình luận về bài viết này