BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1617. Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp

Posted by adminbasam trên 17/02/2013

Blog Hoàng Xuân Phú

Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp

Hoàng Xuân Phú

Hội chợ Leipzig trở thành hội chợ hàng mẫu đầu tiên trên Thế giới vào năm 1895. Đối với Cộng hòa Dân chủ Đức(CHDC Đức, tức Đông Đức xã hội chủ nghĩa, 1949 – 1990), Hội chợ Leipzig là một trong những nơi giao tiếp quốc tế quan trọng nhất. Chính quyền Đông Đức coi hội chợ này là nơi trưng bày thành quả kinh tế và chính trị của CHDC Đức. Nhân dân Đông Đức tận dụng hội chợ này để tiếp xúc với kỹ thuật và văn hóa của các nước tư bản phát triển. Hàng năm, khoảng 600.000 người đổ về hai kỳ hội chợ, được tổ chức vào tháng ba và tháng chín. Trong hơn mười năm sống ở Leipzig, tôi đã từng hòa mình vào dòng người ấy, thăm khoảng 20 kỳ hội chợ, mỗi kỳ dành ra khoảng 3 ngày, và đã học được bao điều mới lạ, trong đó có nhiều kiến thức về công nghệ.

Tại hội chợ hàng mẫu, người ta không bán hàng, mà chỉ trưng bày hàng mẫu, để các doanh nhân xem xét, trao đổi và ký kết hợp đồng. Các nhà trưng bày thường phân phát tài liệu quảng cáo, được in rất đẹp. Người đi xem, nhất là cánh trẻ, thấy đâu đông cũng xếp hàng, mọi người lấy cái gì thì mình cũng vơ cái đó. Nhiều khi đến tối mới có thời gian để đọc, mới biết thành quả kiếm được trong ngày là gì. Và tất nhiên là phần lớn số tài liệu xa lạ đó được bàn giao cho thùng rác.

Vào kỳ Hội chợ Leipzig đầu năm 1987, một công ty của Mỹ phân phát bản sao của một bức tranh màu. Mọi người sà vào nhặt, tôi cũng ôm luôn một tập. Về đến nhà mới giở bức tranh ra ngắm, thấy vẽ nhiều người ăn mặc kiểu quý tộc. Chú thích của bức tranh viết là: “The Signing of the Constitution” by Howard Chandler Christy 1787 (Bức tranh “Lễ ký Hiến pháp” của họa sĩ Howard Chandler Christy 1787), dưới cùng in đậm 1787 ~ 1987 (xem Ảnh 1). Hóa ra, bức quảng cáo đó được in nhân dịp kỷ niệm 200 năm Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Lật mặt sau bức quảng cáo, thì thấy phần gốc của Hiến pháp Mỹ và 10 Điều bổ sung đầu tiên, được gọi chung là “Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa kỳ” – “United States Bill of Rights (xem Ảnh 2 – Nơi được đánh dấu bằng bút màu là những chỗ mà tôi thấy đáng lưu ý khi đọc vào năm 1987).

1

Ảnh 1: Mặt trước của tờ quảng cáo in bức tranh “Lễ ký Hiến pháp” của H. C. Christy

2

Ảnh 2: Mặt sau của tờ quảng cáo in Hiến pháp Mỹ (bản dịch tiếng Đức)

Sau một ngày ròng rã lang thang ở hội chợ, tôi bâng quơ đọc trong mỏi mệt. Nhưng càng đọc thì càng trở nên phấn chấn.Vốn được hệ thống giáo dục và tuyên truyền trao cho một bức tranh màu tối về chính thể Mỹ, tôi bất ngờ nhận ra một thế giới mới lạ trong Hiến pháp Mỹ, và phát hiện ra những tinh hoa của khoa học và nghệ thuật quản lý nhà nước được tích tụ trong đó. Dù không biết hiệu quả thực tế ra sao, dù biết rằng còn tồn tại những điểm vẫn được tranh luận (ví dụ như quyền mang giữ vũ khí của công dân, quy định tại Điều bổ sung sửa đổi II), tôi vẫn rất trân trọng bản hiến pháp ấy, vì nó đã dạy cho tôi nhiều điều bổ ích. Và hôm nay, chép ra đây một số cảm nhận của 26 năm về trước, để bạn hữu gần xa cùng tham khảo.

Lời nói đầu súc tích

Được soạn thảo và ký kết trong năm 1787, có hiệu lực từ năm 1789, Hiến pháp Mỹ bắt đầu bằng câu:

Chúng tôiNhân dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, với mục đích xây dựng một Liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập Công lý, đảm bảo sự Thanh bình trong nước, chăm lo Quốc phòng, lo liệu Phúc lợi chung, giữ vững Phúc lành của Tự do cho chính mình và cho Hậu thế, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.”

Lời nói đầu cô đọng này truyền tải nhiều thông điệp. Trước hết, chủ thể của Hiến pháp này là “Nhân dân”, đã tập hợp thành một khối thống nhất là “Chúng tôi”, những người chủ của Liên bang mang tên Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, và họ đã“xây dựng Hiến pháp này”. Mục đích hướng tới là thiết lập và bảo vệ những giá trị chung, bao gồm “Công lý” (Justice),“Thanh bình” (Tranquility)“Quốc phòng” (common defense)“Phúc lợi chung” (general Welfare) và “Phúc lành của Tự do” (the Blessings of Liberty), không chỉ riêng cho thế hệ người Mỹ đang sống, mà còn cho cả “Hậu thế”, tức là các thế hệ mai sau của họ (our Posterity).

Tôi không trích từ văn bản tiếng Việt đăng trên trang chủ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, mà đưa ra lời dịch khác, nhằm thể hiện sát hơn cảm nhận của mình về Hiến pháp Mỹ. Một ví dụ cho sự khác nhau là cách dịch cụm từ “secure the Blessings of Liberty”. Trên mạng internet có nhiều người hỏi cụm từ này có nghĩa là gì (giải nghĩa trong nội bộ tiếng Anh), điều đó chứng tỏ nó không phải là hiển nhiên, dễ hiểu. Bản tiếng Việt của ĐSQ Mỹ dịch cụm từ ấy thành “giữ vững nền tự do”, tức là bỏ qua danh từ “Blessing”Trong Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn ngữ học (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội in tại Hà Nội vào năm 1975), danh từ “Blessing” có hai nghĩa gần nhất với nội dung đang đề cập là “phúc lành” và “hạnh phúc, điều sung sướng”Bản dịch sang tiếng Đức của ĐSQ Mỹ tại CHLB Đức chọn nghĩa “hạnh phúc” (“das Glück der Freiheit”, tức là “hạnh phúc của tự do”). Còn cá nhân tôi thì muốn chọn nghĩa “phúc lành”, và dịch cả cụm từ thành “Phúc lành của Tự do”. Bởi tôi phỏng đoán, rằng có thể các tác giả muốn dùng “theBlessings of Liberty” để chỉ cái Tự do được Tạo hóa ban phúc cho Loài người, nhằm nhấn mạnh: Quyền Tự do ấy cũng tồn tại đương nhiên như Loài người, chứ không phải là kết quả ban phát của hiến pháp, hay của bất kỳ chính phủ hoặc đảng phái nào cả.

Lời nói đầu của Hiến pháp Mỹ chỉ vẻn vẹn 52 từ (tiếng Anh), tức là chỉ dài bằng khoảng 1/33 so với Lời nói đầu của Hiến pháp Việt Nam 1980 và bằng khoảng 1/10 so với Lời nói đầu của Hiến pháp Việt Nam 1992. Nhưng nó đã gói gọn tất cả những ý quan trọng nhất. Có lẽ, sự cô đọng, súc tích đó đã góp phần làm cho Hiến pháp Mỹ trường tồn suốt hơn 220 năm nay, trong khi nhiều hiến pháp khác đoản mệnh.

Hiến pháp là để tổ chức và kiểm soát quyền lực Nhà nước

Trong một nhà nước pháp quyền, thì hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất. Điều này thì mọi người quan tâm đều rõ. Nhưnghiến pháp quy định những gì và nhằm mục đích gì, thì không phải ai cũng biết hoặc có cùng quan điểm. Ngay trong giới cầm quyền và những người viết ra hiến pháp, cũng có những nhận thức khác nhau về vấn đề này. Vì vậy, các Hiến pháp Việt Nam thường khác rất nhiều so với Hiến pháp Mỹ.

Ngoài Lời nói đầuHiến pháp Mỹ 1787 bao gồm 7 điều, chứa các nội dung sau đây:

Điều I: Quyền lực lập pháp (Quy định về cơ cấu, tổ chức, hoạt động và quyền hạn của Quốc hội, bao gồm Thượng viện và Hạ viện)

Điều II: Quyền lực hành pháp (Quy định về thể thức bầu cử, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của Tổng thống và Phó Tổng thống)

Điều III: Quyền lực tư pháp (Quy định về Tòa án Liên bang Tối cao và một số tòa án cấp dưới do Quốc hội lập ra, và về tội phản quốc)

Điều IV: Quan hệ giữa các bang

Điều V: Quá trình sửa đổi Hiến pháp

Điều VI: Nợ quốc gia, hiệu lực Hiến pháp và các đạo luật của Hợp chúng quốc đối với các bang

Điều VII: Phê chuẩn Hiến pháp

Danh mục trên cho thấy, Hiến pháp Mỹ không lan man ra nhiều lĩnh vực, mà tập trung vào việc thiết lập và kiểm soát hoạt động của các cơ quan quyền lực.

Với phương châm “đầu xuôi – đuôi lọt”Hiến pháp Mỹ không với tới mọi cấp, mà chỉ quy định về các cơ quan và vị trí quyền lực cấp cao nhất.

Đối với tập thể, Hiến pháp Mỹ chỉ đề cập đến Quốc hội (bao gồm Thượng viện và Hạ viện), Tòa án tối cao và một số tòa án cấp dưới do Quốc hội lập ra, về mối quan hệ giữa các bang.

Đối với cá nhân, ngoài mấy quy định chung cho “các quan chức dân sự”Hiến pháp Mỹ chỉ tập trung vào các quy định dành cho Tổng thống, Phó Tổng thống và Nghị sĩ Quốc hội.

Tại sao như vậy? Có lẽ các nhà lập hiến Hoa Kỳ quan niệm rằng: Hiến pháp chỉ cần kiểm soát quyền lực ở cấp cao nhất,không cần phải can thiệp sâu hơn nữa. Các cơ quan và vị trí quyền lực cấp cao nhất sẽ sinh ra các luật và văn bản dưới luật, cùng với các biện pháp thích hợp để điều hành và quản lý các cơ quan và nhân viên cấp dưới.

Việc thu hẹp đối tượng kiểm soát của Hiến pháp, chỉ tập trung vào cấp cao nhất, sẽ không bỏ sót đối tượng, mà ngược lại còn tăng hiệu quả quản lý.

“Không bỏ sót đối tượng” vì: Khi cấp cao nhất đã hoạt động tử tế thì nó cũng bắt buộc các cấp dưới cũng phải tử tế theo. Cho nên, chỉ cần quan sát mức độ tử tế của bộ máy quản lý cấp dưới, thì cũng có thể suy đoán ra mức độ tử tế của lãnh đạo ở cấp cao nhất.

“Tăng hiệu quả quản lý” vì: Nếu quy định chung chung, cho phạm vi quá rộng, thì Hiến pháp sẽ “mất thiêng”, và các lãnh đạo thượng đỉnh dễ quan niệm, rằng những quy định đó chỉ dành cho thần dân và các quan lại cấp dưới, còn bản thân họ là ngoại lệ. Khi đó, lãnh đạo cấp cao nhất dễ “buông thả”, tham nhũng và làm bao điều xấu. Nếu xảy ra như vậy, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, không thể khống chế cấp dưới được nữa. Ngược lại, khi đã quy định đích danh cho Tổng thống, Phó Tổng thống và Nghị sĩ Quốc hội, thì không thể nhầm lẫn, không thể thoái thác được nữa. Họ chỉ còn cách là nghiêm chỉnh chấp hành.

Việc hạn chế đối tượng và khu vực điều tiết (trực tiếp) trong khuôn khổ tương đối hẹp còn có thêm một tác dụng rất tích cực, đó là giúp kéo dài tuổi thọ của hiến pháp. Bởi lẽ, càng dàn trải ra quá nhiều đối tượng và lĩnh vực, thì càng hay phải sửa đổi hoặc viết mới hiến pháp, để đáp ứng những thay đổi của thực tế cuộc sống. Đó chính là một trong những lý do khiến các hiến pháp đã được sinh ra ở Việt Nam đều “đoản thọ”.

Hiến pháp Mỹ không đề cập một cách chung chung những điều cao siêu, mà quy định rất cụ thể và rất thực dụng. Chẳng hạn, để đảm bảo cho bộ máy Nhà nước hoạt động ổn định, Hiến pháp Mỹ quy định:

“Ngay khi nhóm họp sau kỳ bầu cử đầu tiên, các Thượng nghị sĩ sẽ được chia đều thành ba nhóm. Thượng nghị sĩ nhóm một sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai, Thượng nghị sĩ nhóm hai sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư, Thượng nghị sĩ nhóm ba sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ sáu. Sao cho, cứ sau hai năm, sẽ bầu lại một phần ba số Thượng nghị sĩ.” (Trích Điều I, Khoản 3)

Như vậy, tuy nhiệm kỳ thông thường của Thượng nghị sĩ là 6 năm, nhưng không phải cứ 6 năm là bầu lại một lần và thay đổi một thể, mà cứ 2 năm lại bầu một lần và mỗi lần chỉ thay một phần ba số Thượng nghị sĩ. Nhờ thế, hoạt động của Thượng viện không bị trì trệ hay gián đoạn bởi các kỳ bầu cử, và sau mỗi lần bầu cử nó không bị rơi vào trạng thái có quá nhiều “lính mới” (tức là có quá nhiều những người còn thiếu kinh nghiệm về hoạt động trong Thượng viện).

Một ví dụ khác:

“Phó tổng thống Hợp chúng quốc là Chủ tịch Thượng viện, nhưng không được biểu quyết, trừ trường hợp số phiếu hai bên bằng nhau.” (Trích Điều I, Khoản 3)

Với một quy định đơn giản như vậy, Thượng viện sẽ chẳng bị rơi vào tình thế không thể đưa ra kết luận do số phiếu chống bằng số phiếu thuận, mà luôn luôn có thể quyết định dựa trên quá bán (đa số phiếu).

Qua đó ta thấy rằng: Hiến pháp Mỹ được xây dựng để tổ chức và kiểm soát quyền lực ở cấp cao nhất trong bộ máy quản lý Nhà nước.

Hiến pháp với vai trò phòng chống tham nhũng

Tham nhũng là nguy cơ thường trực đối với bộ máy cầm quyền. Nó hoành hành nhiều nhất tại các chế độ lạc hậu và độc tài. Chính quyền càng tham nhũng thì càng cư xử tệ hại với Nhân dân. Điều đó gây phản cảm và bức xúc đến mức, để lấy lòng Nhân dân thì các trùm tham nhũng cũng lớn tiếng tuyên bố chống tham nhũng. Vì thế, nhiều khi chống tham nhũng chỉ là màn kịch trớ trêu, và lãnh đạo càng hô hào chống tham nhũng thì càng lộ diện là diễn viên tồi.

Để bộ máy quản lý Nhà nước có thể hoạt động một cách tử tế và thực sự vì Nhân dân, các nhà lập hiến Mỹ đã huy động cả hiến pháp vào việc phòng chống tham nhũng. Vấn đề là, hiến pháp không thể cấm đoán tràn lan và đề cập quá rộng. Vậy họ đã lựa chọn những đối tượng và hành động tham nhũng nào để ngăn ngừa trong Hiến pháp?

Nhằm hạn chế khả năng các Nghị sĩ “tự phục vụ”, bằng cách bỏ phiếu tán thành thiết lập hay tăng thù lao cho các cương vị công chức mà bản thân muốn được bổ nhiệm, và hạn chế việc Chính phủ cài người vào Quốc hội, Hiến pháp Mỹ quy định:

“Trong nhiệm kỳ của mình, không một Thượng nghị sĩ hay Hạ nghị sĩ nào được bổ nhiệm vào bất kỳ cương vị công chức nào của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nếu nó được lập ra hay nếu thù lao dành cho nó được tăng trong nhiệm kỳ đó; và không một ai đang là công chức của của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được trở thành Nghị sĩ của một trong hai Viện.” (Trích Điều 1, Khoản 6)

Nhằm hạn chế tham nhũng thông qua quà tặng, lương bổng, danh hiệu…, Hiến pháp Mỹ quy định:

Không tước hiệu quý tộc nào được trao bởi Hợp chúng quốc. Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không ai trong số những người đảm nhận các chức vụ có thù lao hoặc mang tính chất danh dự của Hợp chúng quốc được phép nhận bất cứ quà tặng, thù lao, chức vụ, hoặc danh hiệu ở bất cứ dạng nào, do vua chúa hoặc do chính phủ nước ngoài ban tặng.” (Trích Điều I, Khoản 9)

Để hiểu hơn ý nghĩa của quy định trên, ta ôn lại đôi chút về một số giải thưởng mà hai vị nguyên thủ quốc gia của hai nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và CHDC Đức đã từng nhận.

Leonid Brezhnev là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1966 và kiêm chức Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô (tức đứng đầu Nhà nước Liên Xô) từ năm 1977, cho tới khi qua đời vào năm 1982. Ông được phong Anh hùng Liên Xô 4 lần (1966, 1976, 1978, 1981). Đó là phần thưởng và danh hiệu danh dự cao quý nhất của Liên Xô. Người được phong Anh hùng Liên Xô được nhận thêm cả Huân chương LêninHuy chương Sao Vàng, Bằng khen của Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao và một khoản tiền thưởng tương đương với một năm lương. 

Erich Honecker là Tổng bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức từ năm 1976 đến năm 1989. Ông được trao Huân chương Các Mác 5 lần (1969, 1972, 1977, 1982, 1985). Đó là huân chương cao quý nhất của CHDC Đức, được kèm thêm khoản tiền thưởng là 20.000 Mark. (Để so sánh: Tại CHDC Đức vào năm 1988, lương tháng trung bình của công nhân trực tiếp sản xuất là 1.110 Mark, của thợ cả là 1.370 Mark và của giảng viên đại học là 1.477 Mark.) Ông Honecker được phong Anh hùng CHDC Đức vào năm 1987.

Bên cạnh đó, Liên Xô đã 3 lần (1972, 1982, 1987) trao Huân chương Lênin cho ông Honecker. Ngược lại, CHDC Đức đã trao Huân chương Các Mác (1974) và phong tặng danh hiệu Anh hùng CHDC Đức (1976) cho ông Brezhnev. Ngoài ra, họ còn nhận được nhiều phần thưởng khác từ trong nước, và nhiều giải thưởng “trao đổi” với lãnh đạo các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.

Cuối cùng thì CHDC Đức sụp đổ vào năm 1990 và Liên Xô tan rã vào năm 1991. Hơn nữa, ông Honecker bị cách chứcTổng bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức vào tháng 10 năm 1989, và  bị khai trừ khỏi đảng vào tháng 12 năm 1989. Điều đó cho thấy, hai ông Leonid Brezhnev và Erich Honecker có xứng đáng với bằng ấy danh hiệu và giải thưởng hay không.

Ví dụ kể trên cho thấy, khi đã nắm trọn quyền lực trong tay, các nhà lãnh đạo quốc gia khó mà tự kiềm chế, để khước từ các giải thưởng và sự vinh danh, mà bộ sậu nịnh thần luôn chầu chực nỉ non. Liên hệ với cả vấn nạn giải thưởng và danh hiệu đang hoành hành ở Việt Nam hiện nay, ta thấy các cha đẻ của Hiến pháp Mỹ đã nhìn xa trông rộng biết nhường nào, khi đưa vào Hiến pháp điều cấm liên quan đến quà tặng, lương bổng, danh hiệu và tước vị.

Ở Việt Nam thường diễn ra cảnh cấp dưới tỉ tê với cấp trên, rằng “công lao của anh như trời bể, mà lương bổng lại èo ọt, bất công quá chừng”. Rằng “nếu anh bóp miệng, thì đàn em cũng bị đói lây…” Vậy là thủ trưởng “mủi lòng”, “cả nể chiều theo ý kiến anh em”, “đành chấp nhận” để họ làm thủ tục tăng lương liên tiếp cho mình. Chỉ đợi có vậy, các đệ tử cũng ào ào hưởng ứng, “theo đóm ăn tàn”. Lương sếp tăng trước, lương mình theo sau. Cũng tương tự như việc sốt sắng chạy cho sếp chút học vị, để thêm rộng đường mà lo bằng cấp cho bản thân. Rồi rầm rộ cái phong trào “tình cảm”, hết tết nhất đến cưới xin, phúng viếng… “Tình cảm đi” dưới dạng phong bì kèm theo quà cáp, “tình cảm lại” dưới dạng chữ ký. Hai bên đều có lợi, chỉ khổ cho Dân, hại cho Nước. Các nhà lập hiến Mỹ đã đề phòng viễn cảnh “đời thường” ấy từ hơn 220 năm trước, nên đã quy định trong Hiến pháp rằng:

“Vào các thời điểm cố định, Tổng thống được nhận một khoản thù lao cho công việc của mình, khoản tiền này sẽ không tăng và cũng không giảm trong suốt nhiệm kỳ, và ông ta không được phép nhận bất cứ một khoản thù lao nào khác của Hợp chúng quốc, hoặc của bất cứ bang nào.” (Trích Điều II, Khoản 1)

Hơn nữa:

Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chúng quốc sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốctội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác.” (Điều II, Khoản 4)

Tức là, đối với “Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chúng quốc”, thì “tội nhận hối lộ” được xếp chỉ dưới “tội phản quốc”, trên “những tội nghiêm trọng khác”, và người “bị buộc tội” đó phải “bị cách chức”.

Qua quy định phòng chống tham nhũng, trong đó chỉ đích danh Tổng thống và Phó Tổng thống, ta lại được chứng kiến một lần nữa các phương châm “đầu xuôi – đuôi lọt”, “cụ thể” và “thực dụng”, được quán triệt trong Hiến pháp Mỹ.

Hai bài học có thể rút ra từ đây là:

–       Muốn thành công trong việc phòng chống tham nhũng thì trước hết phải tập trung nhằm vào mấy vị trí cao nhất trong bộ máy quyền lực.

–       Để phòng chống tham nhũng ở cấp lãnh đạo quốc gia, thì chẳng công cụ pháp lý nào tốt hơn là những quy định trong hiến pháp.

Với những biện pháp cụ thể và tập trung vào mấy điểm huyệt quan trọng nhất, các nhà lập hiến Mỹ đã thể hiện là họ thực tâm và rất quyết tâm chống tham nhũng. Ngược lại, nếu lãnh đạo chỉ hô hào chung chung, mà không có biện pháp đặc chủng dành riêng cho việc phòng chống tham nhũng ở mấy chức vụ cao nhất, thì có lẽ họ cũng chỉ diễn kịch mà thôi.

Hiến pháp là để bảo vệ Nhân dân

Ban đầu, Hiến pháp Mỹ không đề cập đến các quyền con người và các quyền công dân. Tại sao như vậy? Phải chăng các nhà lập hiến quá quan tâm đến phía cầm quyền, mà sao nhãng phía người dân? Hoàn toàn không phải như vậy.Đoạn sau đây, trích từ Lời mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, có thể cho ta câu trả lời:

“Chúng tôi khẳng định các chân lý sau đây là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không thể xâm phạm, trong những quyền ấy, có quyền Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc.”

Qua đó ta thấy, các chính trị gia hàng đầu của nước Mỹ ngày ấy, trong đó có các nhà lập hiến, quan niệm rằng: “Quyền Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc” cũng như một số quyền khác là “hiển nhiên”, không phải bàn cãi.Tuyên ngôn Độc lập Mỹ viết tiếp:

“Rằng để bảo vệ những quyền ấy, các chính phủ được lập ra trong Nhân dân và có được các quyền lực chính đáng từ sự ưng thuận của Nhân dân. Rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó trở nên tiêu cực đối với mục tiêu ấy, thì quyền của Nhân dân là thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập ra một chính quyền mới, được thiết lập dựa trên những nguyên tắc và hình thức tổ chức quyền lực mà họ cảm thấy có thể  ảnh hưởng tốt nhất đối với An ninh và Hạnh phúc của họ.”

Tức “Chính phủ được lập ra”, bởi Nhân dân và được Nhân dân trao cho quyền lực, chỉ nhằm “để bảo vệ những quyền ấy”. Cho nên, muốn bảo vệ các quyền con người, thì Hiến pháp chỉ cần điều tiết và ràng buộc hoạt động của bộ máy chính quyền, sao cho nó làm việc tử tế và bảo vệ “An ninh và Hạnh phúc” của Nhân dân một cách tốt nhất. Nếu chính quyền không hoàn thành nhiệm vụ đó, thì Nhân dân sẽ “thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập ra một chính quyền mới”.

Có nghĩa là: Tuy ban đầu Hiến pháp Mỹ không đề cập trực tiếp đến các quyền con người, nhưng mục đích của Hiến pháp Mỹ chính là bảo vệ Nhân dân, bảo vệ các quyền con người, vốn được coi là tồn tại đương nhiên và độc lập với Hiến pháp.

Tuy nhiên, không an tâm với quan niệm mặc định đó, năm 1791 các nhà lập hiến Hoa Kỳ đã thêm 10 Điều bổ sung sửa đổi đầu tiên vào Hiến pháp Mỹ, nhằm bảo vệ các quyền Tự do và quyền Sở hữu.

Đọc các Điều bổ sung sửa đổi từ I đến X, ta càng cảm nhận rõ hơn quan niệm về quyền đương nhiên. Với tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền hội họp (bao gồm cả quyền biểu tình) và quyền kiến nghị, Hiến pháp Mỹviết rằng:

“Quốc hội không được ban hành luật nhằm thiết lập quốc đạo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hay hạn chế tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí, hoặc quyền của Nhân dân về hội họp ôn hòa và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.” (Điều bổ sung sửa đổi I)

Nghĩa là, các quyền tự do đó không phải do Hiến pháp “cho phép”, hay “ấn định”, hay gọi một cách văn vẻ là “minh định”, mà chúng đã tồn tại sẵn, với tư cách Phúc lành Tự do, được Tạo hóa ban kèm khi sinh ra Loài người. Và Hiến pháp Mỹchỉ làm chức năng là cấm Quốc hội ban hành đạo luật nhằm ngăn cản hay hạn chế các quyền đó mà thôi.

Một điều đáng chú ý trong Hiến pháp Mỹ là cách viết: Khi nhắc tới “quyền”, thì thường là trong ngữ cảnh “(quyền) tự do …” (chẳng hạn: “(quyền) tự do ngôn luận”, “the freedom of speech”), hay “quyền của Nhân dân về …” (chẳng hạn:quyền của Nhân dân về hội họp ôn hòa”, “the right of the people peaceably to assemble”), chứ không phải là “có quyền …” (như trong các văn bản pháp luật của Việt Nam). Cách viết ấy cũng thể hiện tính “tồn tại một cách đương nhiên” của“quyền” đó. Ví dụ:

“Không được xâm phạm quyền của Nhân dân về an toàn cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản…” (Điều bổ sung sửa đổi IV)

Nếu viết theo phong cách của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, thì câu trên sẽ được viết đại khái như sau:

“Mọi người có quyền được đảm bảo về an toàn cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản…”

Khi được thể hiện dưới dạng “có quyền …” như vừa rồi, thì “quyền” được nhắc đến có thể chỉ là quyền hiến định, và nếu hiến pháp không nhắc tới thì Nhân dân chưa chắc đã được hưởng.

Đây là điểm khác nhau quan trọng nhất trong quan niệm về “quyền con người” giữa hai hiến pháp của Việt Nam và của Mỹ.

Ngược lại với kiểu dùng hiến pháp để ban phát, Hiến pháp Mỹ không chỉ thể hiện tính đương nhiên của các quyền con người, mà còn nhấn mạnh thêm rằng:

“Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.” (Điều bổ sung sửa đổi IX)

“Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc thuộc về Nhân dân.” (Điều bổ sung sửa đổi X)

Cho đến nay, Hiến pháp Mỹ có thêm 27 Điều bổ sung sửa đổi. Kể cả văn bản gốc lẫn 27 Điều bổ sung sửa đổiHiến pháp Mỹ chỉ tập trung vào việc ràng buộc bộ máy công quyền, để bảo vệ các quyền cũng như quyền lợi của người dân.

Đặc biệt, không có bất cứ điều khoản nào được đặt ra theo hướng hạn chế quyền con người, hay hạn chế quyền công dân, hoặc giao nghĩa vụ cho công dân.

 

*

*      *

Tóm lại: Các nhà lập hiến Mỹ đã thay mặt Nhân dân Mỹ làm ra Hiến pháp Mỹ, và Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp ấy. Điều đó không chỉ thể hiện qua tuyên bố trong Lời nói đầu, mà nhất quán trong toàn bộ nội dung của nó. Với mục tiêu bảo vệ quyền con người và quyền công dân, Hiến pháp Mỹ hoàn toàn không đưa ra đòi hỏi nào đối với người dân, mà chỉ tập trung vào việc tổ chức và khống chế bộ máy Nhà nước. Tức là Nhân dân Mỹ xây dựng Hiến pháp Mỹkhông phải để ràng buộc chính mình, mà nhằm ràng buộc Nhà nước, để Nhà nước làm tốt nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ Nhân dân. 

Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là như vậy. 

Phải chăng, nhờ vậy mà nguồn năng lượng vô biên của Nhân dân được giải phóng, để hợp lực tạo nên sức mạnh củaHợp chúng quốc Hoa Kỳ?

Trên đây chỉ là mấy nhận xét tản mạn về Hiến pháp Mỹmang tính hàn lâm, lý thuyết và độc lập với thực tiễn cuộc sống. Đó là kết quả của những quan sát và suy luận cá nhân, dựa trên lời văn của bản Hiến pháp Mỹ. Chúng không nhằm để xu nịnh ai, bởi các tác giả của Hiến pháp Mỹ đã về cõi vĩnh hằng từ hơn trăm năm trước; cũng chẳng nhằm để tôn vinh riêng một dân tộc hay một chủng tộc nào, vì mọi dân tộc và mọi chủng tộc trên trái đất này đều có người của mình đã và đang chung tay xây dựng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Không phải ngẫu nhiên mà Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được mở đầu bằng đoạn bất hủ về quyền con người, được trích từ bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.

Chắc hẳn, thuở ấy, năm 1945, những người thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không nhìn nhận Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ như sản phẩm chính trị của một cường quốc đối địch, mà coi nó thuộc vào tinh hoa văn hóa chung của Loài người, và mọi người sống trên trái đất này đều có quyền chia sẻ và tận hưởng.

Hy vọng, bây giờ, 68 năm sau, chúng ta cũng có được tinh thần coi trọng tinh hoa nhân loại, để mở lòng tìm hiểu và học hỏi Hiến pháp Mỹ và hiến pháp của các cường quốc khác, gom góp thêm kinh nghiệm cho việc sửa đổi hay viết lại Hiến pháp nước nhà.

Câu hỏi đọng lại là: Bao giờ thì Nhân dân ta có được chỗ đứng tương tự … trong Hiến pháp Việt Nam?

Hà Nội, ngày 14/02/2013

Cùng tác giả:

–       Teo dần quyền con người trong Hiến pháp

–       Hai tử huyệt của chế độ

–       Viễn tưởng từ chức

–       Bài học tồn vong từ thảm họa

–       Nhận thức mới: Lấy là bỏ, bỏ là lấy

–       Lực cản Nhà nước pháp quyền

–       Trải bốn nghìn năm còn chậm lớn

–       Chiến binh cầm bút

–       Hãy để lương tâm lên tiếng một lần!

–       Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng

–       Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ

–       Quyền biểu tình của công dân

–       Phiêu lưu điện hạt nhân

–       Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ

–       Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân

–       Nỗi buồn Quốc hoa

–       Một nhà khoa học đích thực

–       Bàn về qui mô đào tạo đại học từ góc độ chất lượng giảng viên

Nguồn: Blog Hoàng Xuân Phú

41 bình luận to “1617. Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp”

  1. HTD said

    Bài viết có nhiều thông tin bổ ích, khai sáng được cái đầu óc mê muội của lũ thần dân chúng tôi.
    Cảm ơn GS. Phú rất nhiều. Chúng tôi luôn tự hào về ông !

  2. tran hong van hanoi said

    cam on gs phu gs dã mo tam hiêu biêt cho nhiêu nguoi mong sao hp cua vn duoc nhu hp cua hoa ki cho dân vn hêt khô.

  3. […] – 1617. Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp (Hoàng Xuân Phú/ BS). […]

  4. […] – 1617. Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp (Hoàng Xuân Phú/ BS). […]

  5. […] 1617. Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp […]

  6. […] 1617. Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp […]

  7. Hà Văn Thịnh said

    Xin được bày tỏ sự cảm ơn chân thành nhất đến GS HXP! Tôi đã đọc HPM nhiều lần, phân tích vài lần nhưng chưa bao giờ biết cách để phát hiện vấn đề độc đáo và rõ ràng như của GS. Bài viết này dạy cho tôi thật nhiều điều… Một lần nữa xin cảm ơn GS. Kính!

  8. Đôn said

    Liệu bác Ba sàm có thể co các nút như Thích, đồng tình, không đồng tình, không thích…. để đánh giá bài viết không nhỉ?

  9. muly said

    Đúng là nhà toán học có khác, phân tích vấn đề về luật mà cứ như giải một phương trình! So sánh có thể là khập khiểng, vì Hiến pháp Mỹ đã có từ năm 1787, còn VN HP đầu tiên là 1946. Lúc đó Mỹ đã là một đế quốc hùng mạnh, còn VN mới bắt đầu có tên trên quốc tế với tư cách là một quốc gia độc lập. Khi GS. HXP cũng nhắc, tức là cũng trả lời cho một số người thắc mắc sao lại phải sửa đổi, bổ sung HP, rằng thì là “Cho đến nay, Hiến pháp Mỹ có thêm 27 Điều bổ sung sửa đổi. Kể cả văn bản gốc lẫn 27 Điều bổ sung sửa đổi, Hiến pháp Mỹ chỉ tập trung vào việc ràng buộc bộ máy công quyền, để bảo vệ các quyền cũng như quyền lợi của người dân”. Đặc biệt là tầm nhìn của những nhà lập hiến: đưa vào Hiến pháp điều cấm liên quan đến quà tặng, lương bổng, danh hiệu và tước vị. Bởi vì ở bất cứ chế độ nào, khi đã nắm trọn quyền lực trong tay, các nhà lãnh đạo quốc gia khó mà tự kiềm chế, để khước từ các giải thưởng và sự vinh danh, mà bộ sậu nịnh thần luôn chầu chực nỉ non. Đây là điều các nhà lập pháp nước ta phải học để chống tham nhũng triệt để. Hy vọng với tinh thần coi trọng tinh hoa nhân loại, để mở lòng tìm hiểu và học hỏi Hiến pháp Mỹ và hiến pháp của các cường quốc khác, gom góp thêm kinh nghiệm cho việc sửa đổi hay viết lại Hiến pháp nước nhà. Có điều, đúng là HP Mỹ không có bất cứ điều khoản nào được đặt ra theo hướng hạn chế quyền con người, hay hạn chế quyền công dân, hoặc giao nghĩa vụ cho công dân, nhưng có lẽ Giáo sư quên (chứ không thể không biết), các bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – mỗi bang đều có vô số văn bản luật, dưới luật qui định chặt chẽ những điều hạn chế quyền công dân và nghĩa vụ của công dân đấy!

    • Anti-Hypocrisy said

      Bạn nên nhớ điều luật các tiểu bang không thể nào trái với hiến pháp. Xin thử dẫn chứng ra đây điều luật nào của bang nào hạn chế các quyền của công dân? nếu bạn xem quy định cấm lái xe khi say rượu chẳng hạn là hạn chế quyền công dân, thì hoặc là bạn có vấn đề về tâm thần, hoặc là bạn cố ý đánh bùn sang ao, xập xí xập ngầu để biện bạch cho những điều khoản nhằm mục đích kìm kẹp những kẻ bị trị của các hiến pháp VN từ 1946 đến nay!

  10. tran hung said

    Xin được cám ơn GS Hoàng Xuân Phú về những kiến thức mà Ông đã chuyển tải cho độc giả(nhất là trong lĩnh vực lập hiến)!
    Câu hỏi đọng lại là: Bao giờ thì Nhân dân ta có được chỗ đứng tương tự … trong Hiến pháp Việt Nam?
    Câu hỏi thay cho câu trả lời là: Bao giờ thì nhân dân ta mới tự mình thực hiện quyền cơ bản của mình?

  11. người dân said

    Nước Mỹ có một bản Hiến pháp tuyệt vời đến như vậy, hèn chi biết bao người dân Việt ước mong được làm công dân của Hoa Kỳ.
    Con người ta sống trên cõi đời này ước mong nhiều thứ, yêu nhiều thứ, song suy cho cùng thì cũng là để mong có được cuộc sống ẤM NO TỰ DO HẠNH PHÚC. Dù sống ở đâu trên trái đất này, mà có được điều đó là cuộc sống mãn nguyện lắm lắm.
    Vậy tại sao VN không mong trở thành một bang của Hoa Kỳ ??? Chắc hẳn khi đó dân ta sẽ được hưởng một đời sống ấm no hạnh phúc. Một ngày nào đó, một người VN nào đó có đủ phẩm chất cao quí nhất sẽ đươc bàu làm tổng thống Hoa Kỳ ?! Tại sao không ???

  12. Lê Bình Nam said

    Hãy dựa vào thành quả, tinh hoa của nhân loại mà áp dụng cho đất nước chúng ta, hầu mang lại cuộc sống văn minh, tự do hạnh phúc cho dân tộc mình.

    Thiên hạ đã xài nồi cơm điện bảy đời nao, cớ gì ta lại cứ chúi mũi đi tìm cho ra ba ông táo, gom cho được một ôm rơm ướt về nhà, mới chịu thổi cơm. Rồi cho đấy là đặc trưng văn hóa “cần cù lao động” của nhân dân ta, sáng tạo của đảng ta – “đỉnh cao trí tuệ loài người”.

  13. Hiến pháp của VN cũng vì dân đó thôi! hiến pháp được thông qua đại biểu QH, do đảng cử dân bầu chặt chẽ!
    công dân nào tự ứng cử, nhưng không do đảng cử, kèm theo bị đảng ghét, sẽ bị đảng chỉ đạo cho MTTQ bố trí cử tri đến phá đám, quấy rối, buộc phải bị loại khỏi danh sách ứng cử.
    Đảng phối hợp tay chân bộ hạ rất nhịp nhàng, để triệt hạ những tay nào ứng cử nhưng không theo ý đảng.
    Dân chủ XHCN là như vậy!, dân chủ gấp vạn lần bọn Mỹ (bà Doan)

  14. Minh Sim said

    Bai viet cua GS Hoang xuan Phu de hieu, ro rang va rat thuyet phuc.

  15. Hoa Cải said

    Mong muốn tiến sĩ Hoàng Xuân Phú thôi việc chỗ Viện khoa học, toán học gì đó, mà về mở trường tư, dạy cho sinh viên VN đi giáo sư ơi! Thật là uổng phí một tài năng lớn khi TS vẫn còn ngồi đó. Đảng nhà nước không cho tự do dạy học ư? Thế thì họ đã coi Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là thứ “giẫy chết” từ khi họ ra đời 2/9/1945, chứ tiến sĩ đừng tưởng bở mà đánh giá thấp họ, cho rằng họ nghĩ thật bụng như tiến sĩ nghĩ:

    “Không phải ngẩu nhiên mà tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được mở đầu bằng đoạn bất hủ về quyền con người, được trích từ Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ”. Và: “Chắc chắn thuở ấy, năm 1945, những người thành lập VNDCCH đã không nhìn nhận Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ như sản phẩm chính trị của một cường quốc đối địch, mà coi nó thuộc vào tinh hoa chung của loài người, và mọi người sống trên đái đất này đều có quyền chia sẻ và tận hưởng”.
    Không phải rồi, tiến sĩ ơi! Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 25 tuổi đảng CS, là thành viên sáng lập đảng CS Pháp, là ủy viên cao cấp quốc tế III cộng sản quốc tế – Stalin, cùng nhiều đồng chí khác, như Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, và các đồng chí đã hy sinh, như Trần Phú – trí phú địa hào, Đoàn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong. Thì không thể “đã không nhìn nhận Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ như sản phẩm chính trị của một cường quốc đối địch”. Sự thật có thể hiểu được khi trích Tuyên ngôn Mỹ, ghi vào Tuyên ngôn 1945 chỉ là “biện pháp tình thế” mà thôi. Cho rằng câu chuyện trích đọc Tuyên ngôn Mỹ là thật tình là đánh giá thấp “thiên tài” Hồ Chí Minh trong việc sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam đấy. Thưa tiến sĩ Hoàng Xuân Phú.

    Ông George Washington cùng nhiều người bạn đứng về phía Chúng Quốc, thì đương nhiên bản Hiến pháp họ tạo dựng phải thể hiện mong muốn của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Không thể khác được. Bối cảnh nước Mỹ thời ấy mà soạn Hiến pháp nghiêng ưu tiên về phía cầm quyền thì liệu có tồn tại nước Mỹ như ngày nay? Chắc chắn là ngược lại. Một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy bản Hiến pháp chỉ tập trung chế tài quyền lực là trước Tuyên ngôn độc lập, người dân Mỹ đã sở hữu súng đạn cá nhân nhiều hơn súng đạn quân đội cùng thời, họ đã ngủ say, ăn no cái quyền tạo hóa ban cho (tự do), quan hệ dân sự sòng phẳng, văn minh, hiện đại, bắn chết bỏ, không thù dai. Đó mới chính là nền tảng quyết định Hiến pháp hợp chúng quốc Hòa Kỳ! Có ai trên đời này đi giành ăn mà giành phần dở cho mình?

    • người dân said

      Tranh giành là bản năng tự nhiên của động vật nói chung, trong đó loài người là động vật cấp cao nhất. Song tranh giành không phải được đánh giá là giá trị nhân bản của con người. Ai xử sự nhân bản thì sẽ thu phục được nhân tâm, đời đời ca ngợi.

  16. Chukho said

    QUÁ HAY! QUÁ TUYỆT! TÔI THÂT SỰ ĐƯỢC MỞ MANG ĐẦU ÓC. XIN CẢM ƠN.

  17. Đảng viên said

    Thưa Gs Hoàng Xuân Phú!
    Đọc bài nào của Gs cũng rất hay, rất sâu sắc và rất ngắn gọn. Qua bài này tôi mới hiểu đôi chút về Hiến pháp Mỹ và từ đó mới hiểu được phần nào về văn minh của nước Mỹ, sức mạnh Mỹ. Tại sao nước Mỹ có đến 50 bang mà không có một lúc nào, một bang nào đòi tách ra khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ? Tại sao lịch sử nước Mỹ mới có hơn 200 trăm năm với đa sắc tộc mà họ đã xây dựng nên nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới? Ước mơ Mỹ không phải là điều gì viển vông, xa vời mà là thật sự là khát vọng của nhiều dân tộc trên thế giới trong đó có Việt Nam.
    Cám ơn Gs đã khai mở cho cái đầu u tối, ngu dốt của những đảng viên như chúng tôi!

    • xo viet said

      Ôi, nếu 2.999.999 đảng viên còn lại cũng cầu thị như bạn thì nước Việt nam, Dân Việt nam hạnh phúc biết bao. Khi đó tôi đảm bảo số đảng viên sẽ không phải là 3.000.000 mà sẽ là 2×3000000 (hoặc n lần 3.000.000) đấy

    • Hoa Cải said

      Nói “đảng viên ngu dốt” thì không phải, mà nói những người viết Hiến pháp Mỹ giỏi cũng chẳng đúng. Mấu chốt và quyết định là viết Hiến pháp để làm gì, viết cho ai, vì ai. Không khó lắm khi chúng ta thử đặt câu chuyện viết Hiến pháp: Dân là chủ, dân viết Hiến pháp thì đương nhiên HP ấy phải vì lợi ích của dân, dân giữ quyền “đuổi chính phủ”. Đảng viết HP, thì cũng như dân, họ giành quyền cho mình. Chết ở chỗ đảng giành quyền viết HP mà dân không dám phản đối!

  18. Nhân Dân Hoa Kỳ thật VÔ PHÚC khi có bản Hiến Pháp như thế!
    Nếu như khởi đầu năm 1789, HP Mỹ ghi rằng: “Đảng NHÂN DÂN CÁCH MẠNG HOA KỲ lãnh đạo tuyệt đối đối nhà nước và toàn xã hội, lấy CHỦ NGHĨA THIÊN ĐƯỜNG và TƯ TƯỞNG WASHINGTON làm kim chỉ nam.” thì bây giờ làm gì có chuyện dân chủ Mỹ tệ hại gấp vạn lần dân chủ XHCN VN.
    Thật vô phúc cho nhân dân Mỹ!
    và thật hạnh phúc cho nhân dân VN, tự do – dân chủ gấp vạn lần nước Mỹ!

  19. said

    Về nguyên tắc Hiến pháp của Quốc gia này hoàn toàn có thể tham khảo hoặc lựa chọn các Hiến pháp tiến bộ của Quốc gia khác, chẳng hạn ngay chính tuyên ngôn độc lập của VN, ông Hồ cúng “bê” nguyên xi một phần Tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ. Nhưng khổ nỗi là chỉ “bê” ngôn từ nhưng cái “nội năng” của dân tộc, của chính ông ta (ông Hồ) không thể tiêu hóa và thấu hiểu những điều sâu xa, cốt lõi của ngôn từ đó.

    Ngay cả nếu bây giờ VN có một hiến pháp “đẹp”, chỗ đứng của nhân dân là đúng chỗ của nó trong hiến pháp thì với cách cai trị gần 100 năm của CS, sẽ dễ thấy một hố thẳm sâu và rộng biết bao nhiêu giữa những lời có cánh và thực tại của “địa ngục CS” hay “thiên đường CS” cũng vậy.

    Từ Hiến pháp đến các bộ luật, đến việc thực thi, giám sát, chẳng hạn với Tòa án mà thời của ông Trịnh Hồng Dương phải nhặt những tay lái xe,bảo vệ để làm “quan tòa” nắm cán cân công lý thì hỡi ôi, đó chính là “cứt” đã ỉa trên một hiến pháp cho dù “đẹp”.

    Và do đó (đến bây giờ) những phân tích của GS Phú cho dù muộn, nhưng quả là quý giá biết nhường nào !

  20. HHN said

    Những người hiểu biết nhu bác Phú thì chỉ nói được ở nhà mình và ngoài đường cho vợ con bè bạn nghe, trong khi nhiều ông bà nghị trình độ vớ vẩn ‘bệnh hoạn’ như tay Hoàng Hữu Phước thì lại có quyền ‘huênh hoang’ tận chốn nghị trường quốc gia! Sự ‘quái đản’ này mà cứ kéo dài đất nước chúng ta sẽ trôi về đâu?

  21. xo viet said

    Thưa GS , ngày nào tôi cũng vào trang của GS để tìm đọc, có lẽ đây là trang mạng mà tôi khâm phục nhất cả về tư tưởng và cách viết đầy tính triết học logic của GS. Khi đọc thông tin tiểu sử của GS tôi mới biết GS là nhà toán học. Thế mới biết tại sao cách mạng Pháp lại có nhiều nhà toán học tham gia lãnh đạo thế. Tôi tự hỏi, tại sao Đảng và nhà nước lại không mời những người như GS vào việc viết hiến pháp, một sự lãng phí ghê gớm mà sau này lịch sử sẽ không tha thứ cho thể chế hiện tại.
    Mong được đọc nhiều bài của GS hơn nữa, và mong GS bền chí, vì tôi tin rằng họ sẽ không để GS viết mãi thế đâu!
    Nếu hiến pháp Việt nam được viết theo tinh thần và tư tưởng như GS đã phân tích thì nước ta sẽ cường thịnh biết bao,dân ta sẽ hạnh phú biết bao tôi không biết mình sẽ có ngày nhìn thấy ngày đó không, nhưng tôi tin tưởng sâu sắc rằng con tôi sẽ được hưởng niềm hạnh phúc đó.

  22. D.Nhật Lệ said

    Thật ra,quan điểm về Hiến Pháp của chế độ CS.khác hoàn toàn với chính thể dân chủ,do đó mà luật nói một đường,luật
    làm hay thực hiện một nẻo,mâu thuẫn và tréo ngoe là chuyện thường ngày dưới thể chế CS.
    Đối với nước dân chủ,Hiến Pháp có mục đích HẠN CHẾ và KIỂM SOÁT quyền lực cấp cao nhất của hệ thống chính trị để
    họ không được lạm quyền và lộng quyền,thế nhưng ngược lại 180 độ trong nước độc đảng độc tài thì tìm mọi cách để tập
    trung quyền hành vào tay mình để vừa ban ơn cho tay chân vừa giá họa cho người dân nếu chống đối họ.
    Thực chất,HP.ở nước ta nằm dưới sự thao túng và chi phối của đảng CsVN.nên họ coi Hiến Pháp cho phép họ mọi quyền
    tự do,chứ không phải cho người dân.
    Chỉ có đảng cướp mới thu tóm hết tài nguyên,nhân vật lực một nước rồi chia phần như chia chiến lợi phẩm cho bộ hạ mình.

  23. gia tao said

    khi giành chính quyền,tuyên ngôn quyền con người thì bác HỒ trích từ tuyên ngôn của hợp chủng quốc HOA KỲ khi có chính quyền rồi thifquyeen đi .như vậy nó phản ánh cái mà đảng có

  24. Mẹ Đốp said

    Chân lý luôn đơn giản cho nên bản HP Hoa kỳ đã gần như đạt được điều này khi đã hơn 200 năm rồi mà những điều được nêu trong đó vẫn mang tính thời sự. Còn HP của CHXHCN VN ta là một vở kịch nhằm che đậy sự thật và lừa mị nhân dân để một nhóm người dưới danh nghĩa ĐCS VN tha hồ ăn trên ngồi trốc .

  25. Vũ Hưng said

    Hiến pháp là đạo luật tối quan trọng của một Quốc Gia , vì vậy , HP phải được chính thể quan tâm, mọi người cùng nhau chung sức xây dựng thì cơ may mới có thể trường tồn cùng dân tộc . Cảm ơn Bác H-Phú đã dày công nghiên cứu một bản HP của một Quốc Gia hùng mạnh trên trái đất . Một đất nước là hợp chủng quốc ( rất nhiều dân tộc trên thế giới ) nhưng bộ máy của họ vận hành rất trơn tru , Tài năng được nở rộ , tinh thần của người dân rất phấn trấn , vì thế họ rất yêu tổ Quốc của họ , và chỉ Tổ Quốc là tối thượng thôi . Hoa Kỳ không có thần thánh hóa một cá nhân , chủ thể nào . Việt Nam nên học hỏi những trí tuệ của những cường quốc đã phát triển để cùng nhau xây dựng một bản HP cho phù hợp với Thực tế , phù hợp với xu thế thời đại , mở ra lối thoát cho tất cả mọi người ( tự nhìn ra vấn đề còn yếu , tự nhìn thấy nghĩa vụ với tổ quốc và tương lai của con cháu về sau ) . Hãy dũng cảm bỏ qua những hạn hẹp bè phái , cá nhân chủ nghĩa hay học thuyết cao siêu để vươn tới cái tâm , cái tầm của một con người vì chính thể Quốc gia , vì người dân . Hy vọng bản HP tới đây được xây dựng thành công và trường tồn hàng trăm năm như bản HP của các nước văn minh trên thế giới . Ở đó cả Dân tộc , ai ai cũng được hưởng lợi , ai ai cũng đặt lợi ích Quốc gia lên trên mọi lợi ích đảng phái . Ai , ai cũng hăng say mong muốn được cống hiến cho quê hương , đất nước và từ đó trí tuệ của cả dân tộc được nở rộ như mùa xuân Quý Tỵ -2013.

  26. […] Print […]

  27. hungxuan301 said

    càng đọc bài phân tích của bác phú , tôi thấy càng sáng ra : QUYỀN CON NGƯỜI TRONG HIẾN PHÁP CỦA HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ ĐƠN GIẢN TRONG SÁNG DỄ HIỂU , SÚC TÍCH, NGẮN GỌN , RÕ RÀNG. mấy trăm năm ra đời mà không phải sửa nhiều , chỉ bổ sung thêm . chà bù cho nước mình mới lập nước từ năm 1945 tới nay , được có 68 năm mà sửa hiến pháp tới 4 lần . ĐÁNG SUY NGHĨ LẮM THAY?

  28. Xóa §4HP-1992 said

    Chúng ta là nhân dân!

    Với khẩu hiệu này trên, được trích ra ngắn gọn từ Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, cuối năm 1989 nhân dân Đông Đức đã liên tục xuống đường biểu tình ôn hòa chống lại chế độ đảng trị, công an trị của Honecker và rồi nhân dân đã thắng.
    Khẩu hiệu ngắn gọn nhưng nói lên tất cả – không những đòi quyền làm người của người dân, mà là một cái tát vào mặt những kẻ lúc nào cũng nhắc đến “nhân dân”: quân đội nhân dân công an nhân dân, toà án, quốc hội…nhưng thực chất là công cụ của Độc đảng để đàn áp nhân dân.
    Chúng ta là nhân dân!

  29. Do Quan said

    Noi chung, cai vuong mac cua VN trong qui trinh soan thao HP la su hien dien cua dang CSVN.
    Hau het ban HP nao tren the gioi deu qui dinh toan the “khoi nhan dan” la chu the cua ban HP va qui dinh nhung co cau co trach nhiem lanh dao quoc gia. Rieng tai VN mot dieu chac chan trong tuong lai, khong the nao choi bo tinh cach lanh dao cua dang CS trong ban HP va dang CSVN lai khong do nhan dan bau ra, nhu vay dieu 1 qui dinh VN la mot quoc gia dan chu la mot dieu khong tuong va hoan toan mau thuan voi nhung dieu ke tiep trong ban HP.
    Tom lai, tat ca cong trinh nghien cuu cua cac bac thuc gia ve ban du thao HP, trong do co nhung bai viet dang luu tam cua GS.Hoang X Phu tro thanh vo ich. Ly do, HP trong tuong lai van qui dinh dieu khoan tuong tu nhu dieu 4 cua ban HP hien nay, HPVN van la mot ban HP phi dan chu va lac hau.

  30. huythuanvu said

    Càng đọc càng ngao ngán! Sao các nước không học tập Việt Nam đưa ra bộ Hiến pháp phù hợp với 4000 năm văn hiến. Ho đưa ra các bản hiến pháp quá ngắn đến nỗi không thể sửa được nữa. Nên 200 năm vẫn phải sài lại bản hiến pháp cũ. Nước ta từ 1946 đến nay sửa 4-5 lần lần nào cũng dài hơn, cũng phong phú hơn, lại vẫn có cơ hội để vân dụng linh hoạt vào đời sống nữa. Túm lại tui nghĩ rằng:chả hiến pháp nào sánh được với Hiên pháp của ta. Dù có thể được chỉnh sửa năm bảy lần nữa cũng vậy thui.

  31. Hoàng Lan said

    Bài nào của bác Phú đọc cũng thích, cũng rõ, mà chất, đọc đến đâu sướng ra, tỉnh ra đến đó.

    • xo viet said

      Ờ mà tôi cũng y thế, thấy quyến rũ hơn tiểu thuyết. Không chê vào đâu được. Nhưng tôi đoán GS không trụ được lâu đâu. Viết thế, CA không hỏi thăm mới là lạ!

      • xóa điều 4 hiến pháp said

        Công an, không thể lý luận được với GS Phú! GS Phú, sẽ hoàn toàn dùng các điều luật của VN và công ước quốc tế,mà VN đã ký, để lập luận.

        • Điều nuật CCC said

          Công an:
          Điều nuật của VN và công ước quốc tế mà VN đã ký
          CCC.

        • xo viet said

          Bạn hơi ngây thơ đấy! Thế bạn tưởng Trần Độ, Trần Xuân Bách trình độ kém lắm sao? Xem kết cục của họ thì biết đấy, Chỉ có bao giờ thay đổi thể chế căn bản tận gốc rễ thì những Người như GS Phú mới cất tiếng nói của tự do được.

          • Hoa Cải said

            Bạn Xô Viết đây hiểu cộng sản tới lõi rồi mà. Ôi, cộng sản mà lý luận! Họ “nâng quan điểm” lên cao và rồi tìm cách hại người dễ như trở bàn tay mà.

Bình luận về bài viết này