Chương 5: Bài Học Chín Năm (1945-1954)
GS Lê Xuân Khoa
… không cần phải nhắc lại những chính sách sai lầm về mặt đối nội như tiêu diệt địa chủ và khủng bố trí thức trong những năm đầu thập kỷ 1950 (xem chương Ba), nhưng cần phải phân tích một sai lầm chủ yếu về đối ngoại có ảnh hưởng tai hại cho Việt Nam đến tận ngày nay. Đó là việc cầu viện Trung Quốc qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Hành động cầu viện và tiếp viện vẫn là chuyện bình thường giữa các nước đồng minh, nhưng đặc biệt trong mối quan hệ Việt-Trung, hành động này có những hậu quả phức tạp. Đối với Trung Quốc, Việt Nam đã mắc một món nợ quá lớn, lại có một thời kỳ bất hòa đưa đến cuộc chiến tranh mùa Xuân năm 1979,25 khiến Việt Nam sẽ phải trả bằng một giá rất cao trong một thời gian rất lâu nếu không có sự sụp đổ của khối Sô-Viết và các nước cộng sản Đông Âu vào giữa thập kỷ 1980. Vì nguy cơ chung, Việt Nam và Trung Quốc lại hòa giải với nhau, nhưng trong tiến trình này, Việt Nam lại đi theo Trung Quốc như một gương mẫu về đối nội và đối ngoại và đã để cho Trung Quốc có cơ hội lũng đoạn và ngăn cản sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Lê Xuân Khoa
Cuộc chiến 1945-19541 đã làm thương vong cho 172,708 người về phía Pháp trong số đó 31,716 là binh sĩ thuộc ba nước Đông Dương, số thương vong về phía quân đội cộng sản không được biết rõ, nhưng được phỏng định ít nhất là nửa triệu, số thường dân bị thiệt mạng trong cuộc chiến vào khoảng 250,000 người. Phí tổn về phía Pháp tính đến 1950 chiếm từ 40 đến 45 phần trăm ngân sách quốc phòng và trên 10 phần trăm ngân sách quốc gia. Trong những năm cuối cùng, viện trợ Mỹ gánh chịu đến 78 phần trăm chi phí. về phía VNDCCH, phí tổn không rõ là bao nhiêu nhưng sự thiệt hại về tài sản của nhân dân và về những nguồn lợi kinh tế của Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh và cả những năm sau chiến tranh, cộng với sự thiệt hại về nhân mạng, đã cho thấy cái giá của chiến thắng quả thật là quá đắt. Cái giá ấy không đắt nếu chiến tranh là con đường duy nhất để dẫn đến độc lập, tự do và hạnh phúc thực sự cho dân tộc. Nhưng cái giá ấy quá đắt vì chỉ trong vòng mấy năm sau Thế Chiến II các xứ thuộc địa trên thế giới, trừ một số nước ở Nam Phi, đều được trả lại độc lập mà không cần phải có chiến tranh. Anh và Hòa Lan là những đế quốc sớm từ bỏ các thuộc địa ở Á châu. Ngay cả đế quốc thực dân ngoan cố nhất là Pháp cũng trả độc lập cho hai xứ bảo hộ là Tunisie năm 1954, Maroc 1956 và các thuộc địa ở Nam Phi năm 1958. Chỉ có Algérie, thuộc địa của Pháp từ 1830 mãi tới 1954 mới noi gương VNDCCH thành lập Mặt trận Quốc gia Giải phóng (Front de Libération Nationale — FLN) vừa đánh vừa đàm cho tới khi độc lập năm 1962, nhưng cũng không phải trả một giá quá cao như Việt Nam. Cái giá của chiến thắng 1954 lại càng đắt hơn nữa vì kết quả là đất nước bị chia đôi, nhân dân vẫn không được tự do, no ấm, nhất là phải chịu thêm một trận chiến khác lâu dài và khốc liệt hơn nhiều.