BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

6979. Lời ước nhân Ngày đầu năm

Posted by adminbasam trên 11/02/2016

Ngụy Hữu Tâm

11-2-2016

Ước vọng nhân Ngày đầu năm cho đất nước nơi mình sinh ra và sẽ ra đi để biến thành cát bụi.

Vào Ngày đầu năm, theo phong tục lâu đời ở nước ta là khai bút, tôi cũng xin viết ít dòng mong xin Trời Đất ban phước cho đất nước chúng ta. Nhất là năm nay, Bính Thân, là năm tuổi của tôi, mọi người nói là rất thiêng. Cái phước này theo tôi hiểu là an khang, thịnh vượng, tức là hòa bình và giàu mạnh cho đất nước, là an lành và hạnh phúc cho bất cứ người dân bình thường nào. Hãy cho phép tôi đề đạt những ước nguyện của mình cho sự phát triển của đất nước mà trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, dẫu đã có nhiều tiến bộ nhưng còn lâu mới đạt được kỳ vọng của nhân dân, vốn đã chịu quá nhiều đau khổ, nhất là sau những tổn thất vô cùng to lớn của 3 cuộc chiến tranh hết sức khốc liệt trong 43 năm chống ngoại xâm.

Ước nguyện lớn nhất và duy nhất của tôi là nhà nước ta sớm thực hiện được thể chế nhà nước pháp quyền thực sự, chứ không chỉ là lời nói sáo rỗng, mị dân. Bởi lẽ nhà nước pháp quyền thì thể chế phải là tam quyền phân lập, chứ không thể theo thể chế độc tài toàn trị với điều 4 của Hiến pháp để Đảng Cộng sản là cơ quan quyền lực duy nhất ngồi xổm lên luật pháp. Khi điều đó được thực thi thì nhiều điều như trong mơ sẽ được thực hiện ngay tức thì.  

Với việc Hiệp định TPP vừa mới được ký kết tại New Zealand, đất nước ta hy vọng bước vào một kỷ nguyên mới của quá trình hội nhập. Đây không chỉ là một cơ hội lớn cho sự phát triển đất nước mà cũng sẽ đặt ra vô vàn thách thức. Trước hết, chắc chắn đó là những thách thức về mặt kinh tế, cụ thể là các yêu cầu quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp, về vai trò hay có lẽ đúng hơn là tỷ lệ của các thành phần quốc doanh và tư nhân trong nền kinh tế, có cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt giữa các doanh nghiệp nước nhà với các công ty đa quốc gia và những doanh nghiệp nước ngoài mà trong cuộc đấu cam go này, chúng ta rất có thể bị thua ngay trên sân nhà. Chỉ mong sao với những nỗ lực rất lớn trong những năm qua, các nhà kinh tế chúng ta, giới doanh nhân, nông dân chúng ta ở các xí nghiệp nông – công nghiệp vừa mới thành lập, đã đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, không chỉ trên thị trường trong nước và cả trên thị trường nước ngoài, trước hết là trong ASEAN.

Nhưng không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà trên hết, trên cả mặt chính trị, cũng ước mong đất nước có những bước chuyển mang tính đột phá, vì như một đại biểu đã mạnh dạn đề đạt tại Đại hội vừa rồi, phải tiến hành song song thay đổi về kinh tế với chính trị và nhiều việc khác, tuy không mới trên thế giới nhưng lại là mới trên diễn đàn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi không hề muốn và càng chẳng thể „cầm đèn chạy trước ô-tô“ hay làm „dự báo“ hoặc những „tiên đoán“ gì, vì đó là việc quá khó, có lẽ là bất khả thi về mặt chính trị, mà chỉ nêu lên những ước muốn mà thôi. Và hơn nữa, chắc chắn những người lãnh đạo đất nước cũng có đủ đội ngũ cố vấn, có đủ hiểu biết, chỉ có họ có tâm để biến những hiểu biết thành hiện thực hay không mà thôi.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 86 năm cầm quyền vừa qua của họ, như tất cả mọi thể chế độc tài để giữ độc quyền lãnh đạo của mình, đã dùng bạo lực, nghĩa là nước mắt và máu, để chà đạp lên quyền con người của chúng ta, tức các quyền tự do cá nhân và quyền tự do thân thể, tức là đâu phải chỉ có vi phạm quyền sở hữu, mà cả tự do vận động cá nhân mà vận động hiểu tác động mà cả vận động này đâu chỉ là vận động cơ học mà ngoài ra còn cả vận động tinh thần là tư duy, nghĩa là tôn giáo và phẩm giá, là tất cả các giá trị đạo đức của chúng ta.

Để chứng tỏ nghiêm chỉnh đổi mới, đại diện cho thể chế chính trị này là Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Thường vụ Quốc hội mà sau thắng lợi bất ngờ tái trúng cử của Tổng bí thư tại Đại hội Đảng XII ít ngày vừa qua, hãy can đảm để những nguyên tù chính trị như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, hay Lê Thăng Long…, nguyên viện trưởng Viện IDS Nguyễn Quang A, hay chính trị gia đại diện Việt kiều nước ngoài như Nguyễn Gia Kiểng… mà tôi tạm liệt kê thuộc phái đối lập, tham gia bầu và ứng cử Quốc hội tháng năm sắp tới, để những người ấy một khi trúng cử thành viên Quốc hội, có thể ra ứng cử Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước.

Quốc hội sắp tới sớm ban hành và Chính phủ sớm thực hiện các Luật vô cùng quan trọng về tự do lập hội trong đó trước tiên là công đoàn độc lập, để sớm có đa đảng, để Việt Nam ta cũng có những người tài ba như Walesa của Ba Lan gần 30 năm trước. Song song cũng sẽ là các Luật về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận theo đúng Hiến Pháp. Biết đâu Quốc hội đó lại sửa đổi Hiến pháp, trong đó có điều quan trọng nhất là xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp. Hay là khi những điều đó còn là quá xa với cho „trình độ dân trí“ nước ta, thì tôi xin đề đạt một ước nguyện mà anh em chúng tôi ở Ban Chiến lược Viện Khoa học Việt Nam đã nêu ra khi tôi đang còn công tác tại đó, mà nay thấm thoát đã trên chục năm và đã có ba người anh mà tôi hết sức kính nể, một tiến sĩ Toán, một tiến sĩ Vật Lý, một tiến sĩ Hóa học, đều từng là sinh viên khóa 0 hay khóa 1 Đại học Tổng hợp mà năm nay sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập, đã ra đi vậy đã là vài năm rồi.

Ước nguyện đó là có một vị ngay trong Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam hay thậm chí Bộ chính trị như Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt Trận Tổ quốc, chẳng hạn, tách cơ quan đó ra thành một đảng mới mang tên, Đảng Dân chủ hay Đảng Tự do Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chẳng hạn.

Chúng ta mong muốn có một nền dân chủ thật sự chứ không phải dân chủ tập trung mà thực chất chỉ là dân chủ giả hiệu.

Những người cầm quyền hay mang con ngoáo ộp „ổn định chính trị“ ra dọa mọi người. Thế nhưng họ không thể phá hủy lý tưởng dân chủ của chúng ta, chỉ chính chúng ta mới có thể phá hủy những giá trị thiêng liêng đó. Chúng ta kiên quyết đấu tranh cho tự do, bởi lẽ đó cũng chính là phẩm giá của chúng ta. Hãy nhớ câu cảnh báo của Benjamin Franklin: „Ai muốn đánh đổi an toàn lấy tự do thì cuối cùng sẽ đánh mất cả hai“.

Để kết thúc bài biết ngắn về những ước nguyện nhân Năm Mới Bính Thân này, tôi xin nhắc lại, đây chỉ là những ý kiến mà tôi đã trình bày đầu năm 2000, nhân bắt đầu Thiên Niên kỷ. Thế mà đã 16 năm trôi qua mà đất nước ta chưa tiến được bao xa trên lộ trình dân chủ hóa và thay đổi thể chế. Nên dẫu rằng những ước nguyện đó là hết sức táo bạo cho Năm bắt đầu Thiên Niên kỷ nhưng lại là bình thường cho Năm Bính Thân này. Và dù táo bạo đến mấy đi nữa, nhưng biết đâu, tất cả hay chí ít một trong số những ước nguyện đó biến thành sự thật. Và hy vọng đó không chỉ là ước nguyện của cá nhân tôi, mà cũng là ước nguyện của 90 triệu người Việt trong nước và 4 triệu người Việt ở nước ngoài.      

4 bình luận to “6979. Lời ước nhân Ngày đầu năm”

  1. […] này năm ngoái tôi đã viết bài “Lời ước nhân Ngày đầu năm”. Nay theo truyền thống đó, xin viết tiếp một bài […]

  2. […] Hữu Tâm (Ba Sàm) 27-1-2017 – Ngày này năm ngoái tôi đã viết bài “Lời ước nhân Ngày đầu năm”. Nay theo truyền thống đó, xin viết tiếp một bài nữa. Ngày đầu năm, theo […]

  3. […] này năm ngoái tôi đã viết bài “Lời ước nhân Ngày đầu năm”. Nay theo truyền thống đó, xin viết tiếp một bài […]

  4. […] 6979. Lời ước nhân Ngày đầu năm […]

Sorry, the comment form is closed at this time.