BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1816. THỔ NHĨ KỲ MẤT GÌ TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG XYRI?

Posted by adminbasam trên 06/06/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Tư, ngày 5/6/2013

TTXVN (Prêtôria 3/6)

Theo mạng Tin Trung Đông” ngày 19/5, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện chuyến công du đến Mỹ để kêu gọi Oasinhtơn thúc giục NATO can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc khủng hoảng Xyri. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh hai vụ đánh bom xe vừa xảy ra tại thị thấn Reyhanli (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 11/5, khiến hơn 50 người thiệt mạng.

Động thái trên của Ancara cho thấy không loại trừ khả năng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể dính líu trong vụ đánh bom trong nỗ lực tuyệt vọng để kích động NATO thực hiện cứu vớt Ancara khỏi thất bại và chiến thuật sai lầm trong việc tìm cách lật đổ Chính quyền Bashar al Assad.

Chỉ trong vài giờ đồng hồ, hai quả bom xe đã phát nổ tại thị trấn Reyhani, khu vực biên giới gần Xyri. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngay lập tức lên tiếng đổ lỗi, quy kết trách nhiệm cho Chính phủ Xyri thực hiện hành động tàn bạo này. Với giọng điệu đầy thách thức, Erdogan tuyên bố đất nước mình không thể bị kéo vào vũng lầy của cuộc chiến tranh Xyri. Sự thật là Ancara đã lún sâu vào cuộc chiến tranh Xyri từ hơn hai năm trước đây, một cuộc chiến đã khiến hơn 80.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, Chính phủ Xyri đã lên tiếng thẳng thắn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom, đồng thời vạch trần chính Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu hậu quả cho chính sách sai lầm của mình đối với nước láng giềng Xyri, Chính quyền Erdogan đã cho phép lực lượng nổi dậy được NATO hậu thuẫn xây dựng căn cứ tại khu vực cửa khẩu biên giới với Xyri để phát động các cuộc tấn công chống Bashar al Assad. Các nhóm chiến binh này, thường được gọi là lính đánh thuê thánh chiến từ một số nước Arập và phương Tây, cũng bị cáo buộc thực hiện hành động khủng bố (kể cả đánh bom xe) nhằm vào thường dân vô tội và các khu vực lân cận của các nước láng giềng. Hành động trên của các phe nhóm nổi dậy khiến hàng trăm nghìn người dân Xyri phải rời khỏi đất nước, sống trong các trại tị nạn của Ancara, được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp viện trợ nhân đạo. Kể từ khi nội chiến Xyri xảy ra vào tháng 3/2011, ước tính có hơn 400.000 người tỵ nạn Xyri đang trú ngụ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, khiến chính phủ nước này phải tốn đến 50 triệu USD/tháng để chi trả cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn cho phép lực lượng nước ngoài sử dụng tuyến biên giới của mình để vận chuyển vũ khí và chiến binh vào Xyri. Điều khiến Đamát nổi giận là binh lính đánh thuê được Chính quyền Ancara cho phép quay trở lại nước này để tái lập lực lượng và trang bị vũ khí. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, chuyên gia tình báo quân sự CIA và phương Tây đang đào tạo, cung cấp hậu cần cho các chiến binh Xyri tại căn cứ Incirlik của NATO ở tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời vũ khí hóa học cũng được tuồn vào từ tuyến đường Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp cho lính đánh thuê Xyri. Nếu điều này được chứng minh là đúng sự thật thì thật là mỉa mai vì kể từ khi lên làm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỹ, Erdogan là một trong những người mạnh mẽ nhất và cũng là đồng minh của NATO tại khu vực cáo buộc Chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học tại khu vực thành phố Aleppo vào tháng 3/2013. Ngoài ra, theo truyền thông Xyri, nhiều sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đă bị bắt hoặc giết chết trong các trận giao tranh với quân đội Xyri trong những tháng gần đây.

Tóm lại, dưới sự lãnh đạo của Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị sa lầy vào cuộc chiến Xyri. Hơn nữa, thông qua việc lựa chọn chính sách và áp dụng vào hành động của mình, Chính quyền Erdogan đã tạo ra vũng lầy khủng khiếp này.

Tuy nhiên, vấn đề đối với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là chương trình hành động rõ ràng của NATO nhằm thay đổi chế độ Đamát đã không thực hiện được. Thay vì bị tiêu diệt chớp nhoáng như ở Libi thì Chính quyền Assad vẫn tồn tại vững vàng một cách đáng kinh ngạc. Bằng chứng rõ ràng là Chính phủ Xyri đang ngày càng chiếm ưu thế trên thực địa trước lực lượng nổi dậy được NATO hậu thuẫn bất chấp sự tàn sát và tình trạng lộn xộn đang xảy ra tại đất nước này.

Trong số các đồng minh của NATO thực hiện mưu đồ nhằm lật đổ Chính phủ Xyri thì Thổ Nhĩ Kỳ là nước phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cuộc khủng hoảng Xyri đã khiến Ancara phải tiêu tốn hơn 1,5 tỷ USD dành cho hoạt động cứu trợ người tỵ nạn. Và với số lượng người tỵ nạn dự kiến tăng gấp đôi vào cuối năm nay thì đây sẽ là một gánh nặng không nhỏ đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc xung đột Xyri cũng làm bùng phát tình trạng bất ổn vấn đề người Cuốc ly khai ở khu vực miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Và trớ trêu thay, các phần tử thánh chiến mà Thổ Nhĩ Kỳ từng nuôi dưỡng, hậu thuẫn nay lại quay ngược trở lại gây bất ổn cho chính nước này. Người dân ở khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải gánh chịu tình trạng cướp bóc, tội phạm của các phần tử thánh chiến khi chúng tạm nghỉ dưỡng, phục hồi lực lượng để chuẩn bị tham chiến tiếp ở Xyri. Các cửa hàng, trung tâm thương mại ở khu vực biên giới tỉnh Hatay thường xuyên bị các băng nhóm có vũ trang quấy rối, cướp phá, lấy tài sản và coi đây là chiến lợi phẩm.

Chính quyền Erdogan đang phải trả giá cho những toan tính của mình trong vấn đề Xyri. Kết quả những cuộc thăm dò gần đây cho thấy uy tín của ông Erdogan giảm sút đáng kể. Nhiều cuộc biểu tình của người dân tại thủ đô Ancara cùng các thành phố khác trên cả nước đã diễn ra để phản đối hành vi kích động của Erdodan đối với xung đột tại quốc gia láng giềng Xyri. Đáng chú ý, ngay sau vụ đánh bom Reyhanli xảy ra, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai bày tỏ sự tức giận đối với Erdogan chứ không phải đối với cáo buộc Chính phủ Xyri là thủ phạm đứng đằng sau vụ đánh bom này. Một lần nữa, tham vọng thực hiện vai trò trung gian khu vực trong vấn đề Xyri của Erdogan đã bị thất bại.

Gần đây, trong khi Erdogan đang ở Oasinhtơn gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Barak Obama thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cũng đến thăm khu vực đã diễn ra vụ khủng bố Reyhanli. Trong bài phát biểu đầy tức giận, Abdullah Gul đã lên án cộng đồng quốc tế “chỉ nói suông” mà không có hành động cụ thể đối với Xyri. Rõ ràng khái niệm “cộng đồng quốc tế” được Gul sử dụng chính là ám chỉ đến Mỹ, NATO và Anh, Pháp.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng những gì mà Erdogan đang thực hiện trong chuyến công du đến Mỹ là muốn thúc đẩy Obama hành động mạnh mẽ hơn để yêu cầu NATO thực hiện can thiệp quân sự lật đổ chế độ Assad. Đề nghị mà Erdogan đưa ra liên quan đến vai trò trực tiếp của Mỹ trong cung cấp quân sự đối với lực lượng nổi dậy, thiết lập vùng cấm bay ở khu vực biên giới với Xyri và chia sẻ trách nhiệm vấn đề người tỵ nạn cho Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, trước sự thất vọng của Erdogan, Mỹ dường như muốn thực hiện một trò chơi chính trị dài hơi hơn, đặt cược kế hoạch của mình vào quá trình đối thoại chính trị giữa các phe nhóm Xyri tại Giơnevơ mà nước này đã thống nhất với Mátxcơva. Và điều này có nghĩa sẽ không có cứu trợ trước mắt cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Rõ ràng Ancara đang cảm thấy bẽ bàng, thậm chí không muốn nói là tuyệt vọng rằng mình đang bị bỏ rơi, gạt ra ngoài lề trong cuộc chiến bí mật của NATO đối với Xyri. Trong khi Obama do dự về những bằng chứng cáo buộc Xyri sử dụng vũ khí hóa học thì Erdogan lại lớn tiếng tuyên bố “giới hạn đỏ đã bị vượt qua từ lâu”. Vậy tại sao Thổ Nhĩ Kỳ, nếu chính nước này cảm thấy tự tin về cáo buộc Chính quyền Assad đã sử dụng vũ khí hóa học, lại không viện dẫn đến điều khoản phòng thủ của NATO để thực hiện hành động đối với Xyri? Có lẽ Erdogan hiểu rằng NATO chẳng mấy hào hứng can thiệp quân sự vào tình hình lộn xộn tại Xyri và bất kỳ hành động kêu gọi nào của ông ta đối với NATO yêu cầu thực hiện kế hoạch này chắc chắn sẽ bị NATO phản bác kịch liệt.

Khi xem xét động cơ chính trị giữa Chính quyền Erdogan và Xyri trong vụ đánh bom tại Reyhanli thì ai là người sẽ có lợi từ vụ thảm sát này? Chắc chắn không phải là Đamát. Dường như người chiến thắng ở đây không có ý nghĩa gì cả, dù là lực lượng nổi dậy được NATO hậu thuẫn hay Chính quyền Đamát.

Tuy nhiên, trước thềm chuyến công du của Erdogan đến Oasinhtơn thì hành động khủng bố kinh hoàng sẽ tăng cường sức mạnh để thúc đẩy sự ủng hộ thực tế hơn nữa của Mỹ đối với tình hình căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc vội vàng kết tội Đamát là thủ phạm vụ đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua thể hiện mong muốn tột bậc của nước này muốn phương Tây thực hiện hành động đối với Xyri dù chẳng có bất kỳ bằng chứng chúng minh cụ thể nào.

Theo Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, vụ đánh bom kép tại Reyhanli đã khiến 51 người thiệt mạng, phá hủy hơn 730 ngôi nhà, 62 xe cộ, 8 tòa nhà công cộng và 120 ngôi nhà. Tuy nhiên, bốn ngày sau vụ khủng bố xảy ra, nhật báo Hurriyet công bố Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố việc điều tra hình sự vụ “khủng bố” đã hoàn tất, 10 nạn nhân đang được nhận diện, 13 đối tượng tình nghi đã bị cảnh sát bắt giữ để thẩm vấn.

Thật tội nghiệp cho Erdogan. Kể từ khi Đảng Công lý và Phát triển lên nắm quyền vào năm 2003, đặc điểm chính trong chính sách đối ngoại của Ancara là theo định hướng “tân đế chế Ottoman”. Thổ Nhĩ Kỳ muốn quay trở lại thời hoàng kim, có vai trò ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp Trung Đông như đế chế Ottoman hùng mạnh trước đây. Có vẻ như với chính sách tân đế chế Ottoman, Thủ tướng Erđogan đã bị lôi kéo vào kế hoạch do Mỹ đứng đầu là tái định hình lại trật tự Trung Đông với sự thay đổi các chế độ tại khu vực này để phù hợp với tham vọng bá quyền của Mỹ và Ancara là lựa chọn số một của Mỹ trong thực thi kế hoạch này.

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những đề xuất về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama năm 2009 là coi chính phủ Hồi giáo ôn hòa của Erdogan là đối tác đồng minh của mình tại khu vực Trung Đông. Quan hệ đối tác chiến lược giừa Oasinhtơnvà Ancara là bằng chứng rõ ràng cho sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ để thay đổi chế độ Xyri và suy rộng ra là làm suy yếu đồng minh truyền thống của Xyri là Iran, Nga và Trung Quốc.

Mỉa mai thay, kết quả cay đắng cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có nguy cơ phá hoại mối quan hệ địa chính trị của mình với Iran, Nga về vấn đề năng lượng cùng các quan hệ thương mại khác mà còn ngày càng chìm sâu vào chính cuộc khủng hoảng tại Xyri. Cuộc khủng hoảng này đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ hao người và tốn của. Tuy nhiên, dường như đối tác Oasinhtơn chẳng mấy bận tâm cứu vớt Ancara khỏi vũng lầy đó và cũng chẳng mấy để ý đến cảm giác hiện giờ của Ancara./.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: