BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1620. Dưới làn đạn Trung Quốc ở Lạng Sơn

Posted by adminbasam trên 17/02/2013

Dưới làn đạn Trung Quốc ở Lạng Sơn

( Trích quyển “ĐỜI, hay chuyện về những người tù của tôi”, bản thảo năm 2000-2001, của Hồ ngọc Nhuận )

…Lại nhớ hồi đầu năm 1979, khi tôi ra dự hội nghị Trung Ương Mặt Trân Tổ Quốc ở Hà Nội rồi xin đi Lạng Sơn, vô trung tâm thị xã, để chụp mấy tấm hình. Đạn Trung Quốc bắn ào ào, xối xả phía trên đầu mà tôi cứ tỉnh bơ lo bấm máy ảnh: tôi cứ tưởng đạn của phía mình, làm như với đạn phía mình thì không chết! Nếu không có một lính trinh sát của ta bị thương, ngoắc xe tôi lại đưa anh ra ngoài, chắc tôi đã ở lại thị xã lâu hơn. Để rồi biết đâu đã chẳng nằm lại như anh Takano, phóng viên báo Cờ Đỏ của đảng Cộng sản Nhật Bản?

Mấy tấm hình đăng báo, khi tôi về lại Sài Gòn, và bài tôi khóc Takano trên Tin Sáng, làm tôi không nhớ, sau lúc thoát khỏi lửa đạn ở Lạng Sơn, tôi có nghĩ lại mà giựt mình hay không.

Nhưng tôi không thể nào quên cái lần đầu tôi kể chuyện nầy cho đám con tôi. Hơn hai mươi năm qua rồi mà mọi việc như cứ rành rành trước mắt…

Sau hội nghị Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội, giữa lúc chiến trận biên giới giữa Trung quốc và Việt Nam đang tiếp diễn ác liệt, tôi nằng nặc xin đi Lạng Sơn, lấy cớ là nhà báo Sài Gòn duy nhất có mặt, không ra chiến trường săn tin e bà con độc giả Sài Gòn chê trách. Phải mất vài ngày chờ đợi, nghe ngóng… Ông Xuân Thủy sau cùng dàn xếp cho đi, cấp một xe bộ đội loại nhỏ hiệu Liên Xô, với đầy đủ lương thực ăn đường và một cán bộ tháp tùng. Khi chuẩn bị lên đường tôi mới biết có hai ông Nguyễn Ngọc Trân, nay là chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội, và Nguyễn Văn Ngọc, nay là phó trưởng ban Tôn giáo Chánh phủ, cùng đi. Tôi nói “cùng đi”, chớ kỳ thật không biết chừng nhờ có hai ông mà tôi mới được đi, vì hai ông là đảng viên, và vì dọc đường tôi thấy ông Trân thỉnh thoảng trình giấy giới thiệu với địa phương mà không biết giấy nói gì.

Xe đi không vội vã vì dọc đường còn phải dừng lại nghỉ đêm và nghe ngóng tin tức. Bà con các dân tộc tiếp đón niềm nở và không có vẻ gì là hoảng sợ. Chánh quyền các địa phương báo qua kế hoạch bố trí bà con sơ tán: tất cả đều được phân bố trong các gia đình và tiếp tục tham gia sản xuất. Ải Chi Lăng núi non hiểm trở, trùng điệp, hùng vĩ – mà tôi mới đặt chân đến lần đầu – như hối thúc tôi dồn bước về phía trước. Càng gần về phía biên giới mới có lác đác người đổ về xuôi. Mà không hối hả. Với trâu và trâu. Không biết bà con nuôi kiểu nào mà từng đàn con nào cũng mập mướt. Một dân quân, súng trường dài thoòng quàng vai, chở một bà cụ sau xe đạp, đổ dốc. Anh nói: đưa mẹ đi gửi rồi trở về đánh tiếp. Ở một huyện lỵ, gần thị xã Lạng Sơn, chợ vẫn nhóm. Thuốc lá Lạng Sơn đi đâu cũng đụng. Tấm ảnh hai con bồ câu rỉa lông nhau trên cành cây vệ đường, đăng trên Tin Sáng, là tôi chụp ở chợ nầy. Ở một cơ quan địa phương , một bà chị người dân tộc im lặng ngồi ở cửa, không biết tự bao giờ và đến bao giờ: chồng chị, một cán bộ tuyên huấn, đi công tác ở một xã trên cao, kẹt đánh nhau cả tuần chưa thấy bóng. Nước trên các chóp rất khó tìm, phải trữ, phải tiếp. Phần lớn các hang núi được biến thành nơi làm việc, trạm xá. Những thứ đó còn đọng lại trong tôi cho tới giờ.

Rồi cũng đến được đỉnh đồi cách vài kilômét nhìn xuống thị xã Lạng Sơn. Một hàng dài xe báo chí nước ngoài đang chờ đó, không biết tự bao giờ. Sau khi đọc giấy giới thiệu, ông tướng chỉ huy mặt trận chấp nhận cho chúng tôi vô thị xã mà phải theo chân một đơn vị bộ binh dẫn đường. Ông nói: “Để các anh đi ẩu, rủi có gì ai chịu trách nhiệm!”. Ông nói cũng có lý, với lại chiến trận chỉ cách vài cây số đường chim bay. Một sĩ quan đứng gần kề tai tôi mách nước: “Các anh theo lính không nổi đâu. Đường núi quanh co không dễ đi, họ còn phải lo bảo vệ các anh nữa, biết chừng nào tới nơi! Các anh có xe sao không phóng thẳng vô? Chỉ sau mấy phút là tới. Nếu chúng không pháo trúng”.

Nhìn quanh, các ngọn đồi đan chen nhau như bát úp. Ta và địch chia nhau làm chủ và đấu pháo qua lại. Pháo địch chiếu cố đặc biệt con đường dưới chân đồi từ chỗ chúng tôi đứng dẫn vào thị xã.

Mạo hiểm cũng có cái hấp dẫn và cũng dễ lây: “cán bộ đường lối” cũng đồng tình phóng xe vô thị xã, không do dự mấy. Chúng tôi nhảy vội lên xe, vọt. Đạn pháo ùm oàng. Địch có nhắm bắn chúng tôi không, tôi không biết. Chỉ vụt thoáng thấy hai bên đường đây đó vài chiếc thiết giáp nằm kềnh, trâu phơi bụng, các bụi tre tang toác… Xe ngừng, nhảy xuống, ngó lại: một xe truyền hình Thuỵ Điển bám sát chúng tôi hồi nào không ai hay. Vài phút sau, một xe trinh sát trờ tới, đổ quân, tủa ra bố trí… Hợp tác xã thêu Lạng Sơn đổ nát. Bấm. Bệnh viện Lạng Sơn tan hoang. Bấm. Ở một ngã tư, vài xác chết chưa kịp nhặt. Không bấm. Một cột mốc bên lề đường, có khắc “Lạng Sơn, km: 0”, với hai ông Trân và Ngọc ngồi đứng kế bên. Bấm. Một con mèo con co rúm trong một đống đổ nát, không biết đường chạy. Bấm luôn. Ngó lại: mấy ông truyền hình Thuỵ Điển đang chĩa máy quay hình tôi! Đạn bay như gió bão ào ào trên đầu. Tưởng là đạn ta, tôi cứ chạy nhảy, lia máy, bấm.

Từ xa, một người ngồi sát chân một tường rào giơ tay ngoắt. Lom khom men tường tôi đến gần. Một anh bộ đội ta vừa bị thương vào đùi. Xe chúng tôi vọt tới, lôi vội anh lên, phóng ra khỏi trận địa. Anh thương binh nói : “Tôi đã rút sẵn chốt lựu đạn, tụi nó tới, tui cho nổ luôn!”. Ra tới đỉnh đồi lúc nãy, bộ chỉ huy quân sự đâu không thấy, xe các phóng viên chiến trường cũng không. Một anh bộ đội giữ chốt cho biết: một đạn pháo địch vừa rơi trúng đây, mấy chiến sĩ bị thương vừa được chuyển về tuyến sau.

Về lại tuyến sau, buổi chiều, chúng tôi được tin ký giả Takano của báo Cờ Đỏ Nhật Bản hy sinh. Anh vào thị xã Lạng Sơn sau chúng tôi khoảng ba tiếng đồng hồ. Và anh cũng đã đến quãng bên này đầu cầu Kỳ Lừa, nơi chúng tôi đã mò gần đến, trước khi quân Trung Quốc giựt sập cầu để rút lui.

Bài học không nên quên

Chuyện đang hào hứng mà đám con tôi lại òa khóc. Bắt đầu từ cô chị cả. Con gái lớn tôi mếu máo qua nước mắt: “Cha không thương tụi con ! Ai bắt cha vô đó”?!
Ai bắt ? Chẳng qua là nghề với nghiệp thôi !”

Với lại, cũng cần nói thêm: suốt mấy ngàn năm lịch sử quan hệ giữa hai nước, có triều đại nào, có chế độ nào của Trung Quốc mà không xua quân sang đánh nước ta? Đó là điều trẻ con nào cũng biết. Nhưng một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, vừa là đồng chí vừa là anh em, lại cũng không từ cái việc “dạy cho Việt Nam xã hội chủ nghĩa một bài học”, sau khi Việt Nam, cũng chẳng đặng đừng, đã đánh cho một đồng chí anh em khác chạy có cờ, là điều mới mẻ ít ai ngờ. Việc tôi có mặt ở Lạng Sơn trong cuộc chiến ít ai ngờ đó cũng là một cơ hội bất ngờ hi hữu mà không phải ai cũng được gặp. Và tôi không thể bỏ qua.

Cuộc chiến nầy là một bài học lịch sử vô giá đối với tôi. Nhưng không biết rồi đây tôi có nhớ mà học cho thuộc hay không.

Nghĩ về cái sợ đến sau, cái sợ hồi tưởng, và về cái sợ cho người thân của mình, hai cái sợ mà các con tôi hơn một lần đều lãnh đủ, tôi thấy thương các con lắm !

Đang chuyện làm báo, sao tôi nói leo vô chuyện tù và chuyện nhà? Nhưng việc vào tù ra khám, việc vào ra công an hay việc làm báo đối lập của tôi đôi khi tách riêng ra cũng không dễ, và khó mà không “văng miểng” cho gia đình. Biết bao lần vợ con tôi đã phải ngăn tiếng khóc, để đến bây giờ mới bật ra?…

Hồ ngọc Nhuận

21 bình luận to “1620. Dưới làn đạn Trung Quốc ở Lạng Sơn”

  1. Người Việt Yêu Nước said

    Cảm ơn bác Hồ Ngọc Nhuận…Cảm ơn tất cả các nhân sĩ đã làm một “lễ” tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã ngã xuống trước họng súng của bọn tàu công dã man, tàn bạo để đập vào mặt cái chính quyền vô ơn này đã không ghi nhớ công ơn xương máu của đồng bào, không chịu làm vì hèn hạ, vì âm mưu đưa cả dân tộc quay trở lại vòng nô lệ.

  2. ĐỀ NGHỊ NỮ ĐẠO DIỄN LÊ PHONG LAN THỰC HIỆN MỘT CUỐN PHIM THỜI SỰ VỀ CUỘC CHIẾN 17-02-1979

  3. […] 1620. Dưới làn đạn Trung Quốc ở Lạng Sơn […]

  4. Dương Lê Tiến said

    Một cái gì buồn lắm nghèn nghẹn dâng lên khi đọc bài của bác Nhuận và com của thày giáo Phạm Toàn. Cứ ước ao giá như được nhìn thấy những bức ảnh của bác Nhuận…

  5. Quang Tri said

    http://lytuongnguoiviet.com/index.php/baivietbinhluan/23783-gii-phap-khn-cp-thit-thc-cho-tinh-hinh-tuyt-vng-ca-vit-nam
    Hãy khẩn cấp kêu gọi Quân Đội Bão Vệ Hòa Bình LHQ vào Việt Nam!

  6. Lê Bình Nam said

    Bỗng dưng tôi nhớ, một đoạn nào đó trong hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê: khuyên con cháu đừng làm chính trị, vì làm chính trị là thủ đoạn, nhưng nếu đã làm thì hãy làm đối lập, để tranh đấu cho người dân.

    Ông cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa Hồ Ngọc Nhuận chắc chắn không xa lạ gì với cụ Nguyễn Hiến Lê.

  7. thanh said

    “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giơí….Quân xâm lược bành trướng Bắc kinh…Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp giãi biên cương….” Lời ca hào hùng đó làm sao có kẻ bịt miệng được.Tôi nghĩ dù Đảng,dù Chính quyền CS VN có muốn dấu diếm đi nửa, thì những bài viết,bài ca một thời làm thế hệ 6X chúng tôi cầm súng chống bọn CS Trung quốc làm sao bị xóa bỏ được,Lịch sử sẽ kết án những kẻ phản bội đất nước khoác áo hữu hảo ngụy biện.(trong khi đó lại ra rả chiến thắng đế quốc Mỹ).Người ghi lại lịch sử phải ghi lai chính xác sự kiện, đừng vì 16 vàng (giả) 4 tốt (tốt cho giới chóp bu thì có. Vì họ sợ câu ca dao ” con vua thì….. lại ra quét chùa”) mà phủ nhận kẻ thù xâm lược, phủ nhận xương máu của thế hệ cha, anh và thế hệ 6X chúng tôi đả đổ.

  8. Van Minh said

    Đảng thì rõ rồi, không cần nói. Nhưng những nhà Lịch sử học như nghị Dương (người) Trung Quốc, (người) Ngô Văn Lan đọc những bài như thế này thì nghĩ sao nhỉ.

    • bang bang Sgn said

      […]

    • Kiến said

      Bác Văn Minh hỏi khó các ông Dương Trung Quốc và Ngô Văn Lan rồi.
      Tại cuộc gặp Thành Đô 1990 đã có sự đồng thuận giữa 2 bên là không nhắc đến cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979.
      34 năm nay ai dám cãi? ngay cá nhân các vị TBT, CTN, chủ tịch QH, thủ tướng CP cũng không tự ý làm trái được nói chi đến các nhà sử học, trừ phi có sự đồng thuận của 14 ông bà ở BCT xé bỏ mật ước Thành Đô – mà xin lỗi nhé, cái BCT hiện nay không có tâm, cũng không đủ tầm làm chuyện lớn đó đâu! hay các vị BCT đang rắp tâm làm cái gì đó to lớn hơn mà người phàm tục chúng ta không biết được??

  9. Chukho said

    Xem trên bách khoa toàn thư, mới biết được sự khóc liệt và tàn bạo của cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979. Thời đó, tôi cũng có nghe nhưng chỉ biết loáng thoáng. Còn bây giờ, giới trẻ gần như mù tit, ngay cả con trai của tôi đang học lớp năm thì bị nhôi nhét về chuyện”thăng Pháp đuổi Mỹ”. Tôi thiết nghĩ một ngày gần đây thôi, thế hệ người Việt sau này sẽ chăng còn biết gì về lịch sử hiện đại của VN. Âu cũng là điều bât hanh cho VN. Đây cũng là điều trăn trở và suy tư của tôi, thôi thì trong gia đình, tôi biết được bao nhiêu về lịch sử nước Việt của mình tôi cố gắn day cho con tôi biết, để nó không bị mù về lịch sử VIỆT NAM.

  10. ihtvp2 said

    ĐCSVN rút ra được gì từ bài học chiến tranh biên giới này ngoài việc tiếp tục ca ngợi truyền thống anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc VN, đã từng đánh bại hai tên đế quốc to lớn là Pháp và Mỹ, từ đó suy ra việc “hạ đo ván” Trung quốc cũng là chuyện “dễ dàng” như việc “lừa dối và đè đầu cưỡi cổ”mấy chục triệu dân VN (không biết trong đó có bác Hồ ngọc Nhuận không,nếu bác nghe rõ xin trả lời. Bây giờ bác cũng đã sống và đấu tranh đã “đã đời” rồi, thì trận đánh “cho thế hệ mai sau” này, nếu cần thì bác cho pháo nổ “chụp” ngay trên đầu mình luôn chứ ngán thằng tây đen, tây trắng, tây vàng nào nữa?) vậy.

  11. Đào Tiến Thi said

    Cảm ơn bác Hồ Ngọc Nhuận đã cho độc giả hôm nay một mảng ký ức về một cuộc chiến tranh vệ quốc gần đây nhất nhưng người ta lại quên nhiều nhất, làm như chưa hề có cuộc chiến ấy. Ai quên nhiều nhất? Ấy là các nhà sử học và giới sử học nói chung. Khi viết sách sử họ cố lờ đi cuộc chiến này, nhiều lắm thì dành vài dòng. Thậm chí hiện nay trên thị trường có nhiều cuốn sách nghiên cứa dày cộp nói về Trung Quốc từ 1978 đến nay nhưng không đả động gì đến cuộc chiến tranh xâm lược VN năm 1979; ngược lại, còn ra sức ca ngợi thành tích đổi mới của Đảng CSTQ, ca ngợi nước Trung Hoa đang tiến nhanh trên con đường xây dựng CNXH.
    Nhưng họ cố lờ đi cũng không dễ đâu. Nhất là hôm nay TQ lại có những âm mưu và hành động xâm lược mới, nguy hiểm hơn. Ký ức của những người như bác Nhuận sẽ truyền tiếp cho thế hệ hôm nay và mai sau. Còn bao nhiêu người nữa đương đầu trực tiếp với cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 sao không lên tiếng?

  12. […] Dưới làn đạn Trung Quốc ở Lạng Sơn   (Hồ Ngọc Nhuận) […]

  13. “Từ xa, một người ngồi sát chân một tường rào giơ tay ngoắt. Lom khom men tường tôi đến gần. Một anh bộ đội ta vừa bị thương vào đùi. Xe chúng tôi vọt tới, lôi vội anh lên, phóng ra khỏi trận địa. Anh thương binh nói : “Tôi đã rút sẵn chốt lựu đạn, tụi nó tới, tui cho nổ luôn!”.”
    VN quyết không thể bị BẮC THUỘC dễ dàng như hôm nay được!

  14. Đại_úy said

    Người Nhật :
    http://t1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcREqY3iiD9DRpwTRAI2YrMxFf3Y2fBj2DrYkYedYnO0x6xkM-vN

    Người Việt :
    http://t1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRiSB9pGMr5GTm8TMzb6trW5wdsEcv1vjtsdNlY0mRTozcqWjqK

  15. Nho que said

    Thế mà vẫn còn nhiều đồng chóe quên lịch sử!

  16. Cám ơn anh Nhuận.

    Bài viết cảm động, giản dị, thuyết phục, của một nhà báo đáng trọng! Cám ơn anh Nhuận. Chuyện cũ nhắc nhớ tôi vài kỷ niệm…

    Thời gian ấy, anh Vũ Thư Hiên cũng rủ tôi đi Lạng Sơn. Vũ Thư Hiên bảo tôi: “Tao với mày phải lên Lạng Sơn một cái, xem thực hư thế nào”. Khi đó, tôi gần như không có việc gì làm, vì không trở lại được Hà Tuyên là nơi tôi ở đó cả chục năm nghiên cứu dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Tôi liền ừ và cùng Vũ Thư Hiên lên Lạng Sơn. Vũ Thư Hiên đi vì cái máu nhà báo. Tôi đi vì … Hiên rủ thì đi. Và cũng vì tôi có bạn học là Hoàng Thoại, trưởng ban Tuyên Huấn tỉnh ủy Lạng Sơn khi đó, tôi hứa đưa Vũ Thư Hiên cùng đến ở nhà Thoại, bên bờ sông Kỳ Cùng.

    Chúng tôi đi nhờ đủ các loại phương tiện để lên Lạng Sơn. Đến nơi, may mà gặp được bạn, nhà anh nhỏ nên không bị bọn Tàu đánh mìn. Trong mấy ngày Thọai nghỉ không đến cơ quan làm việc (mà còn đâu cơ quan nữa, tan nát hết rồi) để lang tháng với Vũ Thư Hiên và tôi. Chúng tôi đi khắp thị xã, gần như để sờ vào từng đổ nát. Ban đêm, thị xã đen thui, tiếng chó hoang nhấm nhách. Đêm, đi mệt, chúng tôi về nhà, và Vũ Thư Hiên trổ tài nấu nướng cho ba anh em ăn, cùng với những bè bạn sà tới …

    Cái gì hôm nay còn đọng lại trong tôi về chuyến đi “vô lỷ luật” bỏ công việc ở Hà Nội trốn để đi xem xét thực tế mà không xin phép ai hết… Cái gì đọng lại?

    Một tâm trạng ngao ngán buồn trước quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả đều đen thui như những đêm Lạng Sơn mất điện. Trong tâm tư, mơ hồ hiện lên một đối tượng phải kết án, cái đối tượng có thói quen bưng bít sự thật, và hàng nhiều chục năm rồi chỉ thích giữ khư khư cho mình cái quyên ban phát tin tức và sự thật cho nhân dân.

    Từ đó tới nay, mấy chục năm đã qua, nhiều sự thật vẫn cứ bị giữ khư khư… Nhưng sự thật trong lòng từng con người thì không cần ai ban phát. Vũ Thư Hiên, còn nhớ chứ? Thoại yên nghỉ rồi. Ký ức dần dần mất rồi. Và rồi một ngày nào đó …

    PT.

  17. […] Dưới làn đạn Trung Quốc ở Lạng Sơn   (Hồ Ngọc Nhuận) […]

  18. Tran H. said

    Ôi chao, ông Hồ Ngọc Nhuận! Bài viết ngắn, phong độ quá. Báo Đối lập của ông…càng thêm chứng tỏ máu Nam Bộ của ông!

Bình luận về bài viết này