BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

1400. Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học Yangon, Miến Điện

Posted by adminbasam trên 21/11/2012

White House/ Fox News

Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học YANGON

Rangoon, Miến Điện

Người dịch: Huỳnh Phan

19-11-2012

TỔNG THỐNG OBAMA: Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay) Myanmar Naingan, Mingalaba! [Xin chào đất nước Myanmar] (Tiếng cười và vỗ tay). Tôi rất vinh hạnh có mặt ở đây, tại trường đại học này và là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm đất nước của các bạn.

.
Tôi đến đây vì tầm quan trọng của quốc gia các bạn. Các bạn sống ở ngã tư đường của Đông và Nam Á. Các bạn tiếp giáp với hai quốc gia đông dân nhất hành tinh. Các bạn có một lịch sử lâu dài hàng ngàn năm, và có khả năng giúp xác định vận mệnh của khu vực phát triển nhanh nhất này trên thế giới.

Tôi đến đây vì vẻ đẹp và sự đa dạng của đất nước các bạn. Tôi đã thấy chỉ mới ngày hôm nay bảo tháp vàng Shwedagon, và đã xúc động bởi ý tưởng vượt thời gian về lòng từ bi (metta) – niềm tin rằng thời gian của chúng ta sống trên trái đất này có thể được xác định bằng sự khoan dung và tình yêu. Và tôi biết vùng đất này vươn từ các khu dân cư đông đúc của thành phố cổ này cho đến bản quán của hơn 60.000 làng quê, từ các đỉnh núi của dãy Himalaya, các khu rừng của bang Karen vươn tới hai bờ sông Irrawady.

Tôi đến đây vì lòng ngưỡng mộ của tôi đối với trường đại học này. Chính ở nơi đây, tại ngôi trường này, cuộc phản đối chế độ thực dân đầu tiên đã được tổ chức. Chính ở nơi đây, Aung San đã biên soạn một tạp chí trước khi lãnh đạo phong trào độc lập. Chính ở nơi đây, U Thant đã học được những con đường của thế giới trước khi dẫn dắt thế giới tại Liên Hiệp Quốc. Ở đây, việc học tập nghiên cứu đã phát triển mạnh trong thế kỷ qua và sinh viên đứng lên đòi các quyền cơ bản của con người. Bây giờ, cuối cùng Quốc hội của các bạn đã thông qua một nghị quyết đem lại sức sống mới cho trường đại học này và nó phải giành lại sự vĩ đại của mình, bởi vì tương lai của đất nước này sẽ được xác định bằng việc giáo dục thế hệ trẻ.

Tôi đến đây vì lịch sử giữa hai nước chúng ta. Một thế kỷ trước, các nhà buôn và các nhà truyền giáo Mỹ đã đến đây tạo dựng các mối quan hệ về niềm tin, thương mại và tình hữu nghị. Và từ bên trong các biên giới này trong chiến tranh thế giới thứ II, các phi công của chúng tôi đã bay tới Trung Quốc và nhiều binh lính của chúng tôi đã hy sinh mạng sống của họ. Cả hai nước chúng ta đều từ Đế quốc Anh thoát ra, và Mỹ là một trong những nước đầu tiên công nhận Liên minh độc lập Miến Điện. Chúng tôi tự hào đặt một Trung tâm Mỹ tại Rangoon và xây dựng các trao đổi qua lại với các trường học như thế này. Và qua nhiều thập kỷ của sự khác biệt, người Mỹ đã thống nhất trong tình cảm của mình đối với đất nước người dân này.

Trên hết, tôi đến đây vì niềm tin vào phẩm giá con người của Mỹ. Trong nhiều thập kỷ qua, hai nước chúng ta đã trở thành người xa lạ. Nhưng hôm nay, tôi có thể nói với bạn rằng chúng tôi luôn luôn vẫn hy vọng về người dân của đất nước này, về các bạn. Các bạn đã cho chúng tôi hy vọng và chúng tôi chứng kiến lòng can đảm của các bạn.

Chúng tôi thấy các nhà hoạt động mặc đồ trắng tới thăm gia đình các tù nhân chính trị vào chủ nhật và các nhà sư mặc áo vàng (saffron) biểu tình một cách ôn hòa trên đường phố. Chúng tôi được biết những người dân bình thường đã tổ chức các đội cứu trợ để ứng phó với một cơn bão, và được nghe tiếng nói của các sinh viên và nhịp đập của các nghệ sĩ hip-hop thể hiện tiếng nói tự do. Chúng tôi cũng biết những người lưu vong và người tị nạn không bao giờ mất liên lạc với gia đình hoặc quê quán của họ. Và chúng tôi được gợi cảm hứng từ phẩm giá kiên cường của Daw Aung San Suu Kyi, khi bà chứng minh rằng không có con người nào thực sự có thể bị bỏ tù nếu hy vọng còn cháy bỏng trong trái tim họ.

Khi tôi nhậm chức tổng thống, tôi đã gửi một thông điệp tới những chính quyền cai trị bằng sự sợ hãi. Tôi đã nói, trong bài phát biểu mở đầu, “Chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị sẵn sàng thả lỏng nắm tay của quý vị”. Và hơn một năm rưỡi qua, một sự chuyển đổi nhanh chóng đã bắt đầu, khi một chế độ độc tài trong năm thập kỷ qua đã nới lỏng sự kìm kẹp của mình. Dưới quyền Tổng thống Thein Sein, mong muốn thay đổi đã được đáp ứng bởi một chương trình cải cách. Hiện nay một lãnh đạo dân sự đang đứng đầu chính phủ, và Quốc hội đang khẳng định chính mình. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ vốn từng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, đã đứng lên trong cuộc bầu cử, và bà Aung San Suu Kyi là một đại biểu Quốc hội. Hàng trăm tù nhân lương tâm đã được trả tự do, và lao động cưỡng bức đã bị cấm. Các thỏa thuận ngừng bắn bước đầu đã đạt được với quân đội các nhóm sắc tộc, và các luật mới tạo điều kiện cho một nền kinh tế cởi mở hơn.

Vì thế, hôm nay, tôi đến để giữ lời hứa của mình và mở rộng bàn tay thân hữu. Bây giờ nước Mỹ đã có Đại sứ tại Rangoon, cấm vận đã được nới lỏng, và chúng tôi sẽ giúp xây dựng lại một nền kinh tế có thể tạo ra cơ hội cho người dân, và có tác dụng như là một động cơ tăng trưởng cho thế giới. Nhưng cuộc hành trình đáng chú ý này chỉ mới bắt đầu, và có nhiều điều phải đi xa hơn nữa. Cải cách được đưa ra từ phía trên cùng của xã hội phải đáp ứng nguyện vọng của những công dân hợp thành nền tảng của nó. Những đóm lửa lung linh của sự tiến bộ mà chúng ta đã thấy không phải bị tắt đi – chúng phải được làm sáng thêm, chúng phải trở thành một sao Bắc đẩu soi sáng cho mọi người dân của đất nước này.

Và thành công của các bạn trong nỗ lực đó là quan trọng đối với Hoa Kỳ, cũng như đối với tôi. Mặc dù chúng ta ở những nơi khác nhau, chúng ta cùng có những giấc mơ chung: được chọn lưa các lãnh đạo của chúng ta, được sống hòa bình với nhau, được hưởng một nền giáo dục và có một cuộc sống tốt, yêu thương gia đình và cộng đồng của chúng ta. Đó là lý do tại sao tự do không phải là một ý tưởng trừu tượng, tự do chính là điều làm cho tiến bộ loài người có thể xảy ra- không chỉ tại các thùng phiếu, nhưng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Franklin Delano Roosevelt, một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ, đã hiểu rõ sự thật này. Ông xác định cứu cánh của Mỹ là điều gì đó nhiều hơn chỉ quyền bỏ phiếu. Ông hiểu dân chủ không chỉ là việc đi bầu. Ông kêu gọi thế giới nắm lấy bốn quyền tự do cơ bản: tự do ngôn luận, tự do thờ phượng, (tự do) thoát khỏi sự bức bách của nhu cầu vật chất, và (tự do) thoát khỏi sự sợ hãi. Bốn quyền tự do này củng cố lẫn nhau, và bạn không thể hoàn toàn thực hiện một mà không thực hiện tất cả chúng.

Vì vậy, đó là tương lai mà chúng ta tìm kiếm cho chính mình, và cho tất cả mọi người. Và đó là những gì tôi muốn nói tới với bạn ngày hôm nay.

Trước tiên, chúng tôi tin vào quyền tự do bày tỏ để tiếng nói của những người dân bình thường, có thể được nghe thấy, và các chính phủ phản ánh ý chí của họ – ý chí của nhân dân.

Tại Hoa Kỳ, hơn hai thế kỷ, chúng tôi đã làm hết sức mình để giữ lời hứa này cho tất cả các công dân của chúng tôi – giành được tự do cho những người bị bắt làm nô lệ, mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ và người Mỹ gốc châu Phi, bảo vệ các quyền của người lao động được có tổ chức.

Và chúng tôi nhận ra rằng không có hai quốc gia nào đạt được những quyền đó theo đúng cùng một cách, nhưng việc đất nước của bạn sẽ mạnh hơn nếu biết dựa trên sức mạnh của toàn dân là không có gì nghi vấn. Đó là cái cho phép các quốc gia thành công. Đó là cái mà cải cách đã bắt đầu làm.

Thay vì bị đàn áp, quyền của người dân được tu tập với nhau bây giờ phải được tôn trọng đầy đủ. Thay vì bị kiềm chế, bức màn kiểm duyệt các phương tiện truyền thông phải tiếp tục được tháo dỡ  Và khi các bạn thực hiện các bước này, các bạn có thể dẫn tới sự tiến bộ. Thay vì bị lờ đi, các công dân phản đối việc xây dựng đập Myitsone đã được lắng nghe. Thay vì bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, các đảng phái chính trị đã được phép tham gia. Các bạn có thể thấy tiến bộ đã được thực hiện. Như một cử tri đã nói trong các cuộc bầu cử quốc hội ở đây, “Cha mẹ và ông bà của chúng tôi chờ đợi điều này, nhưng không bao giờ thấy nó tới”. Và bây giờ bạn có thể nhìn thấy nó. Bạn có thể nếm mùi vị của tự do.

Và để bảo vệ tự do của tất cả các cử tri, những người nắm quyền phải chấp nhận những ràng buộc. Đó là những gì thể chế của Mỹ được thiết kế để làm. Hiện giờ, Mỹ có thể có quân đội mạnh nhất thế giới, nhưng nó phải chịu sự kiểm soát dân sự. Trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, tôi đưa ra quyết định để quân đội thực hiện, chứ không phải ngược lại. Là Tổng thống và Tổng tư lệnh, tôi có trách nhiệm đó bởi vì tôi chịu trách nhiệm đối với nhân dân.

Bây giờ, ngược lại, với tư cách Tổng thống, tôi không thể chỉ việc áp đặt ý chí của tôi lên Quốc hội – Quốc hội Hoa Kỳ – mặc dù đôi khi tôi ước mình có thể làm điều đó. Ngành lập pháp có quyền hạn riêng và đặc quyền riêng của nó, và do đó, họ kiểm soát quyền lực của tôi và cân bằng quyền lực của tôi. Tôi bổ nhiệm một số quan toà, nhưng tôi không thể bảo cho họ phán quyết như thế nào, bởi vì tất cả mọi người ở Mỹ từ một đứa bé đang sống trong nghèo đói cho tới tôi, Tổng thống Hoa Kỳ – đều bình đẳng trước pháp luật. Và một quan toà có thể đưa ra quyết định về việc liệu tôi có tôn trọng luật pháp hay vi phạm pháp luật. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật đó.

Và tôi mô tả hệ thống của chúng tôi tại Hoa Kỳ bởi vì đó là cách các bạn phải vươn tới cho tương lai mà bạn xứng đáng được hưởng – một tương lai trong đó dù chỉ một tù nhân lương tâm cũng là quá nhiều. Bạn cần phải vươn tới một tương lai ở đó pháp luật là mạnh hơn so với bất kỳ nhà lãnh đạo đơn lẻ nào, bởi vì nó chịu trách nhiệm đối với nhân dân. Các bạn cần phải vươn tới một tương lai mà không có trẻ em nào bị biến thành một người lính và không có phụ nữ nào bị bóc lột, và trong đó luật pháp bảo vệ họ ngay cả khi họ đang dễ bị nguy khốn, ngay cả khi họ yếu đuối, một tương lai trong đó an ninh quốc gia được củng cố bởi một quân đội phục vụ dưới quyền chỉ huy dân sự và Hiến pháp đảm bảo rằng chỉ có những người do dân bầu mới có thể cai trị.

Trên hành trình đó, Mỹ sẽ nâng đỡ các bạn từng bước trên đường- bằng cách sử dụng sự trợ giúp của chúng tôi để làm xã hội dân sự mạnh lên, bằng cách lôi kéo quân đội của các bạn nâng cao tính chuyên nghiệp và quyền con người, và bằng cách hợp tác với các bạn khi các bạn nối kết sự tiến bộ của các bạn hướng tới dân chủ với phát triển kinh tế. Vì vậy, thúc đẩy cuộc hành trình đó sẽ giúp bạn theo đuổi quyền tự do thứ hai – niềm tin rằng tất cả mọi người cần được (tự do) thoát khỏi sự thúc bách bởi các nhu cầu vật chất.

Đánh đổi ngục tù của sự không quyền lực bằng nỗi đau của một dạ dày trống rỗng là chưa tương xứng. Nhưng lịch sử cho thấy rằng các chính phủ của dân, do dân và vì dân là mạnh hơn rất nhiều trong việc tạo ra sự thịnh vượng. Và đó là quan hệ đối tác mà chúng tôi tìm kiếm với các bạn.

Khi những người bình thường có tiếng nói về tương lai của họ, thì đất của bạn không dễ bị tướt đoạt. Và đó là lý do tại sao cải cách phải đảm bảo rằng người dân của quốc gia này có thể có hầu hết những quyền sở hữu cơ bản đó – quyền sở hữu mảnh đất mà các bạn sống trên đó và làm việc trên đó.

Khi tài năng các bạn được cỡi trói, thì cơ hội sẽ được tạo ra cho tất cả mọi người. Mỹ đang bãi bỏ lệnh cấm các công ty kinh doanh tới làm ăn ở đây, và Chính phủ các bạn đã bãi bỏ các hạn chế về đầu tư và đã thực hiện các bước mở cửa nền kinh tế. Và bây giờ, khi nhiều của cải hơn đổ vào bên trong biên giới của các bạn, chúng tôi hi vọng và mong rằng nó sẽ nâng nhiều người lên hơn. Nó không thể chỉ giúp cho những người tầng lớp trên. Nó phải giúp cho tất cả mọi người. Và kiểu tăng trưởng kinh tế đó, tất cả mọi người trong đó đều có cơ hội – nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn có thể thành công – đó là cái làm một nước chuyển dịch nhanh chóng khi nó đi tớiphát triển.

Tuy nhiên, kiểu tăng trưởng đó chỉ có thể được tạo ra nếu tham nhũng bị bỏ lại phía sau. Để đầu tư dẫn đến cơ hội, cải cách phải thúc đẩy ngân sách minh bạch và công nghiệp do tư nhân làm chủ.

Lãnh đạo bằng nêu gương, Mỹ khẳng định rằng các công ty của chúng tôi đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sự cởi mở và minh bạch nếu họ làm ăn ở đây. Và chúng tôi sẽ làm việc với các tổ chức như Ngân hàng Thế giới để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy một nền kinh tế cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân nhỏ phát triển mạnh và cho phép người lao động giữ lấy những gì họ kiếm được. Và tôi rất hoan nghênh quyết định mới đây của chính phủ các bạn tham gia vào tổ chức mà chúng tôi gọi là Quan hệ đối tác Chính phủ mở rộng của chúng tôi, để công dân có thể kì vọng tính chịu trách nhiệm và biết được chính xác các khoản tiền được chi tiêu như thế nào và hệ thống chính phủ vận hành ra sao.

Trên hết, khi tiếng nói của các bạn được chính phủ nghe thấy, có nhiều khả năng là các nhu cầu cơ bản của các bạn sẽ được đáp ứng. Và đó là lý do tại sao cải cách phải vươn tới cuộc sống hàng ngày của những người đang đói và những người đang bệnh, và những người sống không có điện, nước. Và ở đây, nước Mỹ cũng sẽ thực hiện phần của mình trong việc hợp tác với cácbạn.

Hôm nay, tôi tự hào thành lập lại phái bộ USAID của chúng tôi ở đất nước này, đó là cơ quan hướng dẫn phát triển của chúng tôi. Và Hoa Kỳ muốn làm một đối tác trong việc giúp đất nước này vốn từng là vựa lúa của châu Á, tái lập năng lực nuôi sống người dân, chăm sóc người bệnh, giáo dục trẻ em, và xây dựng thể chế dân chủ khi các bạn tiếp tục con đường cải cách.

Đất nước này nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên, và chúng phải được bảo vệ chống lại khai thác bừa bãi. Và chúng ta hãy nhớ rằng trong một nền kinh tế toàn cầu, nguồn tài nguyên lớn nhất của một nước là người dân. Vì vậy, qua việc đầu tư vào các bạn, quốc gia này có thể mở cánh cửa cho sự thịnh vượng hơn thêm nhiều – bởi vì mở khóa tiềm năng của một quốc gia phụ thuộc vào việc trang bị năng lực cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ.

Đúng như giáo dục là chìa khóa cho tương lai của nước Mỹ, nó cũng sẽ là chìa khóa cho tương lai của các bạn. Và vì vậy chúng tôi mong muốn hợp tác với các bạn, như chúng tôi đã và đang làm với nhiều nước láng giềng của các bạn, để mở rộng cơ hội và đào sâu thêm các trao đổi qua lại giữa các sinh viên của chúng ta. Chúng tôi muốn sinh viên từ đất nước này đi đến Hoa Kỳ học hỏi chúng tôi, và chúng tôi muốn sinh viên Mỹ đến đây học hỏi các bạn.

Và sự thật này dẫn tôi đến quyền tự do thứ ba mà tôi muốn thảo luận: sự tự do thờ thờ phượng – tự do thờ phượng như các bạn muốn, và quyền của các bạn đối với phẩm giá con người cơ bản.

Đất nước này, giống như đất nước của tôi, được thiên nhiên phú cho sự đa dạng. Không phải ai cũng trông giống nhau. Không phải tất cả mọi người đến từ cùng một khu vực. Không phải tất cả mọi người thờ phượng theo cùng một cách. Tại các thành phố và thị trấn của các bạn, có đền, chùa, nhà thờ [đạo Ki tô] và nhà thờ đạo Hồi đứng cạnh nhau. Hơn một trăm nhóm sắc tộc đã là một phần của câu chuyện củacác  bạn. Tuy nhiên, trong các biên giới này, chúng tôi đã nhìn thấy một số trong các cuộc nổi dậy kéo dài nhất thế giới, chúng đã làm mất vô số mạng sống và xé rời nhiều gia đình và cộng đồng , và đứng chắn trên con đường phát triển.

Không có quá trình cải cách nào thành công mà không có hòa giải dân tộc. (Vỗ tay) Bây giờ các bạn có một thời khắc cơ hội đáng kể để chuyển các cuộc ngừng bắn thành một giải pháp lâu dài, và theo đuổi hòa bình ở nơi mà các mâu thuẫn vẫn còn nán lại, kể cả ở bang Kachin. Những nỗ lực này phải dẫn đến một nền hòa bình công chính và lâu dài hơn, bao gồm cả việc trợ giúp nhân đạo cho những người có nhu cầu, và một cơ hội cho những người di tản trở về quê.

Hôm nay, chúng ta nhìn vào vụ bạo động gần đây tại bang Rakhine vốn đã gây ra quá nhiều đau khổ, và chúng ta thấy sự nguy hiểm của tình trạng căng thẳng tiếp tục ở đó. Đã quá lâu, người dân của bang này, kể cả sắc dân Rakhine, phải đối mặt với cái nghèo và sự khủng bố nghiền nát. Nhưng không có lý do cho bạo lực đối với người dân vô tội. Và người Rohingya giữ cho chính họ mình – giữ bằng chính họ cùng một phẩm giá như các bạn, và tôi giữ.

Hòa giải dân tộc sẽ cần thời gian, nhưng vì lợi ích của nhân loại chung của chúng ta, và vì tương lai của đất nước này, cần phải ngăn chặn sự kích động và ngăn chặn bạo lực. Và tôi hoan nghênh việc chính phủ cam kết sẽ giải quyết các vấn đề về sự bất công và tinh thần trách nhiệm, và tiếp cận trợ giúp nhân đạo và quyền công dân. Đó là một tầm nhìn mà thế giới sẽ ủng hộ khi các bạn tiến về phía trước.

Mọi quốc gia đều vật vã trong xác định quyền công dân. Mỹ đã có cuộc tranh luận lớn về những vấn đề này, và những cuộc tranh luận đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, bởi vì chúng tôi là một quốc gia của những người nhập cư – những người đến từ mọi nơi của thế giới. Nhưng những gì chúng tôi đã học được ở Mỹ là có một số nguyên tắc mang tính phổ quát, áp dụng cho tất cả mọi người dù bạn trông ra sao, dù bạn đến từ đâu, dù bạn đang theo tôn giáo nào. Quyền của người được sống mà không có các mối đe dọa rằng gia đình của họ có thể bị tổn hại hoặc nhà ở của họ có thể bị đốt cháy chỉ vì họ là một ai đó hoặc đến từ một nơi nào đó.

Chỉ có người dân của đất nước này cuối cùng có thể định nghĩa sự hợp nhất của các bạn, có thể định nghĩa một công dân của đất nước này có nghĩa là gì. Nhưng tôi có niềm tin rằng khi các bạn làm điều đó các bạn có thể nhận được sự đa dạng này như là một điểm mạnh chứ không phải là một điểm yếu. Đất nước của bạn sẽ mạnh hơn vì có nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng các bạn phải nắm bắt cơ hội đó. Các bạn phải nhận ra thế mạnh đó.

Tôi nói điều này bởi vì đất nước của tôi và cuộc sống của riêng tôi đã dạy cho tôi về sức mạnh của sự đa dạng. Hoa Kỳ là một quốc gia của những người theo đạo Kitô, người Do Thái, người đạo Hồi, đạo Phật, đạo Ấn và người không có đạo. Câu chuyện của chúng tôi được định hình bằng mọi ngôn ngữ, làm giàu bằng mọi nền văn hóa. Chúng tôi có những người có gốc gác từ mọi miền trên thế giới. Chúng tôi đã nếm trải vị cay đắng của cuộc nội chiến và sự phân biệt, nhưng lịch sử của chúng tôi cho chúng tôi thấy rằng sự thù hận trong lòng con người có thể vơi đi, các lằn ranh giữa các chủng tộc và các bộ tộc sẽ phai dần. Và những gì còn lại là một sự thật đơn giản: e pluribus unum [từ nhiều thành một]- đó là những gì chúng tôi nói ở Mỹ. Từ số nhiều đó, chúng tôi hợp thành một quốc gia và chúng tôi làm thành một dân tộc. Và sự thật đó , lặp đi lặp lại, làm cho sự hợp nhất của chúng tôi mạnh mẽ hơn. Nó đã làm cho đất nước chúng tôi mạnh mẽ hơn. Nó là một phần trong những cái đã làm nước Mỹ vĩ đại.

Chúng tôi đã sửa đổi Hiến pháp để mở rộng các nguyên tắc dân chủ mà chúng tôi trân quý. Và tôi đứng trước các bạn hôm nay với cương vị Tổng thống của quốc gia mạnh nhất trên trái đất, nhưng thừa nhận rằng màu da của tôi đã từng bị từ khước quyền bầu cử. Và như thế điều đó sẽ cho bạn một ý thức nào đó rằng nếu đất nước của chúng tôi có thể vượt qua sự khác biệt thì các bạn cũng có thể như thế. Mỗi một con người bên trong các biên giới này là một phần của câu chuyện của các bạn, và các bạn nên nắm giữ điều đó. Đó không phải là một nguồn làm yếu kém, đó là một nguồn sức mạnh – nếu bạn nhận ra nó.

Và điều đó dẫn tôi đến quyền tự do cuối cùng mà tôi sẽ thảo luận ngày hôm nay, và đó là quyền của tất cả mọi người được sống (tự do) thoát khỏi sự sợ hãi.

Trong nhiều cách, sợ hãi là thế lực chặn giữa con người và những ước mơ của họ. Sợ xung đột và các loại vũ khí chiến tranh. Sợ một tương lai khác lạ với quá khứ. Sợ những thay đổi sắp xếp lại trật tự xã hội và nền kinh tế của chúng ta. Sợ những người trông có vẻ khác ta, hoặc đến từ một nơi khác lạ, hoặc thờ phượng theo một cách khác. Trong một vài giai đoạn đen tối nhất, lúc Aung San Suu Kyi bị cầm tù, bà đã viết một khái luận về (tự do) thoát khỏi sự sợ hãi. Bà ấy nói sợ mất mát làm hư hỏng những người nắm lấy nó – “Sợ mất quyền lực làm hủ bại những người sử dụng nó, và sợ bị trừng phạt quyền lực làm đồi bại những ai phụ thuộc quyền lực”

Đó là nỗi sợ hãi mà bạn có thể để lại đằng sau. Chúng ta thấy rằng cơ hội ở các nhà lãnh đạo đang bắt đầu hiểu rằng quyền lực đến từ việc thoả mãn những hi vọng của dân, chứ không phải những sợ hãi của dân. Chúng tôi nhìn thấy điều đó ở những công dân khẳng định rằng lần này phải khác, rằng lần này thay đổi sẽ đến và sẽ tiếp diễn. Như bà Aung San Suu Kyi đã viết: “Sợ không phải là trạng thái tự nhiên của con người văn minh.” Tôi tin điều đó. Và hôm nay, các bạn đang cho thế giới thấy rằng sự sợ hãi không phải là trạng thái tự nhiên của cuộc sống ở đất nước này.

Đó là lý do tại sao tôi ở đây. Đó là lý do tại sao tôi đến Rangoon. Và đó là lý do tại sao những gì xảy ra ở đây là rất quan trọng – không những đối với khu vực này mà còn đối với cả thế giới. Bởi vì bạn đang bước vào một cuộc hành trình có khả năng truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Đây là một thử nghiệm liệu một quốc gia có thể chuyển tới một vị thế tốt đẹp hơn.

Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, và chúng tôi thấy tương lai của chúng tôi cũng ràng buộc với những quốc gia và các dân tộc này ở phía Tây của chúng tôi. Và khi nền kinh tế của chúng tôi hồi phục, chính đây là nơi mà chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ tìm thấy sự tăng trưởng to lớn. Khi chúng tôi kết thúc hai cuộc chiến tranh đã chi phối chính sách đối ngoại của chúng tôi trong một thập kỷ, khu vực này sẽ là một trọng tâm cho những nỗ lực của chúng tôi để xây dựng một nền hòa bình thịnh vượng.

Ở đây trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng cho sự hội nhập giữa các quốc gia và người dân. Và với cương vị Tổng thống, tôi đã nắm lấy ASEAN vì lý do vượt ngoài thực tế là tôi đã sống một khoảng thời thơ ấu của tôi tại khu vực này, ở Indonesia. Bởi vì với ASEAN, chúng tôi thấy các nước đang trên đà chuyển tới- các nước đang lớn mạnh, và các nền dân chủ đang nổi lên; các chính phủ đang hợp tác nhau; tiến bộ đang xây dựng trên sự đa dạng chạy khắp các đại dương, các đảo, các cánh rừng và các thành phố, các dân tộc thuộc mọi chủng tộc và mọi tôn giáo. Đây là những gì thế kỷ 21 nên giống như thế nếu chúng ta có can đảm bỏ qua một bên sự khác biệt của chúng ta và bước tới với một ý thức quan tâm lẫn nhau và tôn trọng lẫn nhau.

Và ở đây tại Rangoon, tôi muốn gửi một thông điệp cho khắp châu Á: Chúng ta không cần phải được xác định bởi các ngục tù của quá khứ. Chúng ta cần phải nhìn về tương lai. Đối với lãnh đạo của Bắc Triều Tiên, tôi đã đưa cho một sự chọn lựa: hãy dẹp bỏ vũ khí hạt nhân và chọn con đường hòa bình và tiến bộ. Nếu quý vị làm như thế thì quý vị sẽ thấy có một bàn tay mở rộng từ Hoa Kỳ.

Vào năm 2012, chúng ta không cần phải bám vào sự phân chia Đông, Tây, Nam, Bắc. Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, láng giềng phía Bắc của các bạn, và Ấn Độ, láng giềng phía Tây của các bạn. Liên Hiệp Quốc – Hoa Kỳ sẽ làm việc với bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, muốn đóng góp cho một thế giới hòa bình hơn và thịnh vượng hơn, công chính hơn và tự do hơn. Và Hoa Kỳ sẽ là một người bạn với bất kỳ quốc gia nào tôn trọng các quyền của công dân mình và có trách nhiệm về luật pháp quốc tế.

Đó là đất nước, đó là thế giới mà bạn có thể bắt đầu xây dựng ở đây tại thành phố lịch sử này. Quốc gia này vốn bị quá cô lập có thể cho thế giới thấy sức mạnh của một khởi đầu mới, và chứng minh một lần nữa rằng cuộc hành trình tới dân chủ luôn đi đôi với phát triển. Tôi nói điều này trong khi biết rằng vẫn còn có vô số người ở đất nước này, những người không được hưởng những cơ hội mà nhiều bạn ngồi đây được hưởng. Có hàng chục triệu người sống không có điện. Có những người tù lương tâm vẫn đang chờ đợi được thả ra. Có những người tị nạn và di tản trong các trại mà ở đó hi vọng vẫn còn là cái gì đó nằm ở chân trời xa xôi.

Hôm nay, tôi nói với các bạn, và tôi nói với tất cả mọi người có thể nghe thấy tiếng nói của tôi – rằng Hoa Kỳ ở với các bạn, kể cả những người đã bị lãng quên, những người bị tước đoạt, những người đang bị tẩy chay, những người nghèo khổ. Chúng tôi mang câu chuyện của các bạn trong đầu của chúng tôi và hi vọng của các bạn trong tim của chúng tôi, bởi vì trong thế kỷ 21 với sự lan toả của công nghệ và việc phá vỡ các rào cản, tuyến đầu của tự do nằm bên trong phạm vi các quốc gia và các cá nhân, không chỉ nằm giữa chúng.

Như một cựu tù nhân đã nêu ra trong nói chuyện với đồng bào của ông, “Chính trị là công việc của các bạn. Nó không chỉ dành cho [các] nhà chính trị”. Và chúng tôi có một thành ngữ ở Hoa Kỳ rằng văn phòng quan trọng nhất trong một nền dân chủ là văn phòng công dân – không phải Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, mà là công dân. (Vỗ tay)

Vì vậy, cuộc hành trình này có thể có vẻ bất thường và khó khăn và đầy thử thách và đôi khi bực bội  nhưng cuối cùng, các bạn, các công dân của đất nước này, là những người phải xác định tự do có nghĩa là gì. Các bạn là những người sẽ phải nắm bắt tự do, bởi vì một cuộc cách mạng thực sự của tinh thần bắt đầu trong mỗi trái tim của chúng ta. Nó đòi hỏi các loại can đảm mà rất nhiều các nhà lãnh đạo của bạn đã thể hiện.

Con đường phía trước sẽ được đánh dấu bởi những thách thức rất lớn, và sẽ có những người chống lại sức mạnh của sự thay đổi. Nhưng tôi đứng đây với lòng tự tin rằng những gì đang xảy ra ở đất nước này là không thể đảo ngược, và ý chí của người dân có thể nâng đất nước này lên và tạo nên một ví dụ tuyệt vời cho thế giới. Và các bạn sẽ có Hoa Kỳ là một đối tác với các bạn trên cuộc hành trình dài đó. Vậy, cezu tin bad de. [Xin cám ơn các bạn] (Vỗ tay).

Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay).

Nguồn: White House/ Fox News

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Bản tiếng Việt © Huỳnh Phan

114 bình luận to “1400. Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học Yangon, Miến Điện”

  1. hoangdung said

  2. NGUYÊN XI said

    Đọc phần phản hồi trước: KHEN HẾT LỜI. Đọc bài nói chuyện của TT HCQ sau: THƯỜNG THÔI vì những ý của TT Obama phát biểu là ý của những lãnh đạo bất cứ quốc gia muốn tiến bộ, văn minh, muốn nước giàu dân mạnh… Tự nhiên ! Dù chỉ là diển văn suông hay báo cáo láo.
    Điều đáng nói là TT Huê Kỳ chơi ác quá: nói chuyện “dân chủ” ở nước bên cạnh nước mà nhà cầm quyền “dân chửi’. Thật là không tự nhiên tý nào !
    Kỳ quá !!!!!!

    • Dân gian said

      Chiến lược trở lại Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ chính là khích lệ dân chủ. Nếu có một phong trào dân chủ thực sự diễn ra không chỉ ở riêng Myanmar mà còn lan sang Vietnam và Trung Quốc nữa thì đó là một chiến lược tuyệt vời nhất của Mỹ và loài người tiến bộ ! Lúc đó cả thế giới sẽ biết ơn Barack Obama.

  3. Vũ Thế Phan said

    Cả đêm nằm nghe-nhìn bài phát biểu này ba bốn lần: Chú Obama này ăn uống kiểu gì mà phát biểu trơn luồn luột suốt 34 phút 37 giây, lại hổng thèm 1 lần liếc xuống cái giá, kinh thật. Té ra ứng tấu ứng tác cũng có tí khác biệt so với cắm mặt đọc từng chữ như…!

    • Nguyên Trương said

      Obama có tài diễn thuyết ai cũng công nhận, nhưng bảo nói vo hoàn toàn ở đây thì chưa chắc. Nếu để ý kỹ ở phút 31:00 sẽ thấy cái giá ở bên trái màn hình. Đó có thể là cái teleprompter mà các diễn giả Mỹ (kể cả TT) hay dùng.

  4. Dân ngu nói said

    Đôi lời cùng bạn tran hùng:
    Bạn tran hung bạn bảo “Là công dân đang được hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ của một chế độ”,tôi nghĩ chắc bạn là đảng viên đang làm quan trong cái đất nước gần 90 triệu dân này,vậy thì bạn có tiếng nói đóng góp với các lãnh đạo đất nước VN như thế nào để đất nước ngày một phát triển,đời sống người dân ngày càng ấm no hạnh phúc hay không vậy bạn?Bạn thực hiện cái trách nhiệm “gánh vác nghĩa vụ” của bạn như thế nào mà đến hôm nay, hơn ba mươi bảy năm đất nước VN đã hòa bình độc lập, mà sau đời sống người dân vẫn còn “cơ cực lầm than”, đất nước vẫn là một trong những nước nghèo và chậm phát triển vậy bạn? Hay là bạn cũng là một trong những “con sâu” chỉ biết “hưởng quyền” ăn trên ngồi trước ,trên mồ hôi nước mắt của dân nghèo,với phương châm “sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi”, đồng thời lãnh thổ và lảnh hải của VN một số bị xóa tên trên bản đồ, một số đang bị ngoại bang xâm chiếm?Bạn có cảm thấy mình cũng xấu hổ và có tội với Tổ tiên sông núi VN hay không vậy bạn?
    Đúng ra tôi không góp ý với bạn, vì tôi biết cá nhân bạn chẳng làm nên cái “trò trống gì” ,ngoài những lời nói mang tính cách “an ủi” cho chính bản thân của mình bị bất lực trước vận nước mà thôi? nhưng bạn vào diễn đàn ABS này, bạn thốt ra những lời lẻ với tính cách không phải là một “công dân” bình thường,mà mang hơi hóm của người có chức quyền,đồng thời bạn hơi có vẽ khuyên mọi người hãy “hy vọng hảo huyền” vào cái con đường nào đó của bạn qua câu nói:
    Trích:
    rằng chúng ta(toàn thể xã hội) sẽ còn vất vả để đạt được những mục tiêu đã đề ra rằng chúng ta(toàn thể xã hội) sẽ còn vất vả để đạt được những mục tiêu đã đề ra theo con đường mà chúng ta chọn
    ——————————————————
    Tôi khuyên bạn sau này có tuyên truyền cho ai và nhằm mục đích gì, bạn nên nói rỏ cụm từ “theo con đường mà chúng ta chọn” là “con đường nào” để mọi người khỏi hiểu lầm?Vậy con đường mà bạn nói nó như thế nào, ai chọn, bạn chọn, hay là tôi chọn, hoặc mọi người cùng chọn? Bạn nên nói cho rỏ nghĩa chứ bạn nói lấp lửng như vậy ai hiểu “con đường” mà bạn nói là “con đường nào”?Rồi bạn lại bảo “Xin không nhắc đến sự so sánh”,tôi chả biết những mục tiêu và con đường mà bạn nói, mặt mũi nó “tròn méo” ra làm sao,vậy mà bạn bảo “không nhắc đến sự so sánh”?Mà không “so sánh” thì làm sao biết nó “đúng hay sai, đẹp hay xấu” mà chọn với lựa?Nói như bạn vậy cái con đường mà bạn nói đó hay dở gì chúng ta cũng bắt buộc phải chấp nhân đúng vậy phải không bạn? Bạn nói sao tôi nghe giọng điệu của bạn “độc tài” không khác vì bọn phát xích Hitler của nước Đức quá?
    Bạn trong gì ở VN có sự thay đổi khi mà cách đây vài tháng, chính các nhà lãnh đạo Mỹ đã chìa tay cho các nhà lãnh đạo VN,trong khi các lãnh đạo VN cứ ngoãnh mặt nhìn về phương bắc,hết các tướng lĩnh hải quân Mỹ đưa từ tàu quân y cho đến tàu chiến sang thăm VN,rồi đến các Thứ trưởng, Bộ trưởng quốc phòng,rồi đến Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đích thân sang gặp Ngài TBT Nguyễn Phú Trọng?Vậy mà VN có động thái nào tỏ ra muốn bắt tay với nước Mỹ,ngoài việc tiền của Mỹ rót vào VN bao nhiêu cũng được,với phương châm “tiền Mỹ thì sài người Mỹ không chơi”,chỉ chơi với anh em “bốn tốt mười sáu chử vàng thôi”,nên đợt viếng thăm các nước Đông Nam Á,TT Mỹ Obama không thèm sang thăm cái thiên đường XHCNVN, sợ làm ảnh hưởng đến tình anh em “bốn tốt mười sáu chử vàng “ giữa hai nước XHCN “VN và TQ” đấy bạn ạ? Vài lời để bạn mở mang cái kiến thức mà bạn cho rằng “tôi biết(hiểu còn nông cạn)”,chào bạn.

    • Vũ Thế Phan said

      [ Bạn nên nói cho rỏ nghĩa chứ bạn nói lấp lửng như vậy ai hiểu “con đường” mà bạn nói là “con đường nào”?]

      – Chời ơi, bạn Trần Hùng đã ý tại ngôn ngoại “con đường” ấy là Con Đường Bác-Đi ! Thế mà còn vặn vẹo hỏi khó nhau.

    • Dân Ngu noi said

      Nếu nói thẳng thừng như bạn Vũ Thế Phan,con đường mà bạn tran hung nói là Con Đường Bác-Đi,thì hà cớ gì bạn ấy bảo “sẽ còn vất vả để đạt được những mục tiêu đã đề ra theo con đường mà chúng ta chọn” .Nếu là con đường của Bác –đi thì lôi từ “chúng ta” vào trong bài viết làm gì,đó là con đường của riêng Bác chọn, Bác bắt buộc cả dân tộc này đi theo con đường của Bác chọn,dù “hay dù dở” gì cũng phải chấp nhận là sao vậy hởi bạn “tran hung”? Mà cách làm đó theo tôi chỉ thích hợp cho các “chế độ độc tài phát xích”,chứ làm gì thích hợp với cái đất nước CHXHCNVN, “dân chủ” gấp ngàn lần chủ nghĩa tư bản,phải vậy không bạn “tran hung”? theo ý bạn tran hung không lẻ nước VN ta hiện đang đi theo con đường “độc tài phát xích” hay sao vậy bạn?Nếu muốn đất nước VN không đi theo con đường “độc tài phát xích”, thì với cương vị “Là công dân đang được hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ của một chế độ”, bạn nên góp ý với các lãnh đạo VN tổ chức một cuộc “trưng cầu dân ý”, xem con đường mà Bác chọn, nhân dân VN có đồng ý chọn theo Bác hay không?Nếu như nhân dân VN đa số đồng ý theo con đường của Bác chọn, thì bạn mới có thể dùng hai từ “chúng ta” trong bài viết của mình, còn nếu như dân VN đa số không đồng tình theo con đường mà riêng Bác đã chọn, thì bạn không được phép dùng hai từ “chúng ta”, mà bạn phải dùng cụm từ “con đường mà Bác đã chọn” cho đất nước VN, thì mới thích hợp cho cái thiên đường XHCN “mộng mơ”, hơn cả “cỏi thần tiên’ xây hoài mà “không bao giờ đạt được”?Bằng chứng là nước đàn anh XHCN Liên Xô ngày trước do bậc thầy của Bác là Lênin khởi xướng, sau mấy chục năm xây dựng không thành đã “bỏ của chạy lấy người” rồi bạn ạ?Chỉ còn lại một vài nước “nghèo đói” hiện nay trên thế giới “lở phóng lao phải theo lao” thôi bạn ạ?
      Bạn Vũ Thế Phan góp ý làm tôi phải mất thêm chút thời gian, để “khai thông” cái “tôi biết(hiểu còn nông cạn)”,của bạn tran hung, thật ý tôi không muốn chút nào?

  5. Ngoc Ha said

    Một bài phát biểu quá tuyệt vời! Obama! Hãy đến với nhân dân Việt Nam tôi đi!

  6. Dân ngu nói said

    Đọc bài Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học YANGON
    Rangoon, Miến Điện Đó mới xứng đáng là một Tổng Thống của nước Mỹ nói riêng và là người lãnh đạo thế giới nói chung,đó mới thể hiện được bản lĩnh và trình độ văn hóa của một vị Tổng Thống ở một đất nước tự do và dân chủ một cách đúng nghĩa.Không mỵ dân,không cho dân ăn “bánh vẽ”,không huyễn hoặc dân xây thiên đường trong chốn địa ngục, như một vài nước còn xót lại trên thế giới đang thực hiện.Đọc bài phát biểu của TT Obama ở cái đất nước mà một vài năm trước không ai dám nghĩ sẽ có được như ngày hôm nay,vậy mà các Lãnh đạo mà nhất là đương kiêm TT Thein Sein Miến Điện đã làm được,một vị Tổng Thống đã biết đặt lợi ích dân tộc, lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích cá nhân,thì trước sau gì vị TT Thein Sein đó cũng được sử sách đất nước Miến Điện ca ngợi và truyền tụng về “phẩm chất và tài đức” của mình.
    Trong người lại ngẫm đến ta,ôi thôi ! Cái đất nước VN bốn ngàn năm văn hiến này, hiện nay đang bị một “bầy sâu”,từ “sâu lớn” đến “sâu bé”,chỉ biết đặt quyền lợi cá nhân và cái lòng tham không đáy của mình lên trên lợi ích của dân tộc và của nhân dân, bòn rút tài sản của dân nghèo và tài nguyên của đất nước, nhầm thỏa mãn lợi ích cá nhân và gia đình.Nhưng lúc nào các lãnh đạo cũng hô hào là chính quyền này “do dân vì dân”,thì thật là đáng xấu hổ với các Vua Hùng cũng như các bậc công thần đã không tiếc xương máu ,gầy dựng nên giang sơn và tổ quốc VN ngày nay?
    Nói chung toàn phát biểu của TT Obama phát biểu tại Đại học YANGON Miến Điện, như trải tấm lòng của mình ra không chỉ cho riêng đất nước Miến Điện, mà hầu như cho cả các nước “độc tài độc đảng” trên thế giới thấy kỷ nguyên ngày hôm nay phải là kỷ nguyên của sự thay đổi,những đất nước nào mà các nhà lãnh đạo còn chuyên chế độc quyền, u mê, đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của quốc gia dân tộc, hãy sớm thức tĩnh như đất nước Miến Điện đã từng làm cho nhân dân và cho đất nước của họ, để đất nước ngày một tiến bộ và đời sống người dân ngày một hạnh phúc hơn,nhưng rất tiếc VN là một trong nước “không thể chuyển hóa” được như Miến Điện.Đồng thời qua bài phát biểu TT Obama cũng gởi thông điệp tới cho những nước không biết chìa tay ra qua câu nói:
    Trích:
    Khi tôi nhậm chức tổng thống, tôi đã gửi một thông điệp tới những chính quyền cai trị bằng sự sợ hãi. Tôi đã nói, trong bài phát biểu mở đầu, “Chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị sẵn sàng thả lỏng nắm tay của quý vị”.
    ——————————————————————
    Một Nguyên Thủ của một nước mạnh nhất thế giới, sẳn sàng chìa bàn tay nắm lấy những bàn tay các nước yếu kém còn đang cai trị trong sự sợ hãi, vậy mà có lắm nhà lãnh đạo các nước “độc tài, độc đảng” vẫn còn tham chức tham quyền,chỉ biết đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích của quốc gia dân tộc,thì trước sau gì những lãnh đạo các nước đó cũng giống tên Gadafi nước Lybya mà thôi?
    Đồng thời qua bài phát biểu của TT Obama tôi tâm đắt nhất câu:
    Trích:
    Ngược lại, bây giờ trên cương vị Tổng thống, tôi không thể chỉ việc áp đặt ý chí của tôi lên Quốc hội – Quốc hội Hoa Kỳ – mặc dù đôi khi tôi ước mình có thể làm điều đó. Ngành lập pháp có quyền hạn riêng và đặc quyền riêng của nó, và do đó, họ kiểm soát quyền lực của tôi và cân bằng quyền lực của tôi. Tôi bổ nhiệm một số quan toà, nhưng tôi không thể bảo họ phán quyết như thế nào, bởi vì tất cả mọi người ở Mỹ từ một đứa bé đang sống trong nghèo đói cho tới tôi, Tổng thống Hoa Kỳ – đều bình đẳng trước pháp luật. Và một quan toà có thể đưa ra quyết định về việc liệu tôi có tôn trọng luật pháp hay vi phạm pháp luật. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật đó.
    ——————————————————————
    Đấy một đất nước tư bản giẫy chết mà trước pháp luật “từ một đứa bé sống trong nghèo đói cho tới tôi, Tổng thống Hoa Kỳ – đều bình đẳng trước pháp luật”,còn cái đất nước CHXHCNVN của chúng ta,dân chủ gấp ngàn lần cái chủ nghĩa tư bản giẫy chết đó, thì đảng “ngồi chồm hổm” trên luật pháp,đảng tự cho mình cái quyền “bất khả xâm phạm”, thì dân VN chỉ còn ước mơ được như bọn tư bản giẫy chết hiện nay đó mà không được?

  7. Loan said

    Kỳ bầu cử vừa rồi tôi đã không bầu cho TT Obama, nhưng sau khi đọc bài của Ông nếu có thể, tôi sẽ bầu cho Ông ấy hàng ngàn phiếu đề cử TT của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ Obama sẽ là Tổng Thư ký LHQ nhiệm kỳ tới.
    Siet.

  8. Nhat Minh said

    Đó là tiếng nói của văn minh và tiến bộ!

    • Xuan Phong said

      Ngô Nhân Dụng – Chuột hay bù nhìn

      at 11/21/2012 11:16:00 AM

      Ngày xưa có anh chết xuống dưới âm phủ, sau một thời gian “cải tạo” với các quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa anh được chuyển trại, cho đi đầu thai kiếp khác. Họ đưa anh ra trước Ủy ban Ðầu thai, mà theo báo cáo của Nam Tào, Bắc Ðẩu, hồ sơ, lý lịch của anh rất xấu; anh không thể đầu thai làm người nữa.

      Anh năn nỉ xin được đầu thai làm kiếp trâu; nghĩ rằng làm thân con trâu thì lúc nào cũng có người nuôi ăn, không phải vất vả. Nhưng lũ quý sứ đầu trâu phản đối, vì đưa anh ta lên làm con trâu là xúc phạm đến tất cả lực lượng công an nhân dân dưới âm phủ. Cuối cùng Ủy ban Ðầu thai cho anh ta lựa chọn: Hoặc sinh ra làm một con chuột, hay làm một thằng bù nhìn đứng ngoài ruộng xua đuổi chim chóc. Làm chuột hay làm bù nhìn, anh ta nên chọn cách nào?
      Câu chuyện cổ tích trên được nhớ lại sau khi chúng ta nghe những bản tin và lời bàn về vụ ông Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc Hội ở Hà Nội. Thứ Tư tuần trước, khi ông thủ tướng nước Việt Nam ra trước Quốc Hội, có một đại biểu là ông Dương Trung Quốc đứng lên hỏi ông rằng ông có nghĩ đến chuyện từ chức hay không. Nói văn hoa, theo báo chí tường thuật, thì ông Quốc hỏi ông Dũng có “hướng tới một văn hóa từ chức” hay không. Bởi vì, một người làm thủ tướng sai lầm mà chỉ ra trước Quốc Hội nói mấy lời xin lỗi thì kỳ cục quá. Câu hỏi bất ngờ của ông Dương Trung Quốc được cả nước chú ý. Và ông Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời một cách khéo léo, nhưng ý kiến rất rõ ràng và giản dị: Quý vị đại biểu Quốc Hội không có quyền đặt câu hỏi đó! Vì ông Dũng chỉ được đảng giao việc làm thủ tướng cho nên ông làm thủ tướng. Nói cách khác, ông Dương Trung Quốc muốn thấy cái “văn hóa từ chức” thì hãy đi gõ cửa đảng cộng sản mà hỏi; chứ đem hỏi ông Dũng là gõ nhầm cửa!

      Phải nghe nguyên văn những lời ông Dũng nói mới cảm thấy được nỗi bẽ bàng của ông Dương Trung Quốc. Ông Dũng nói, “…gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không có xin một chức vụ nào cả!” Ông còn nói, “và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng, nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi.”
      Tức là ông Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn đóng vai thụ động, trách nhiệm sau cùng là của toàn thể đảng cộng sản, từ những cụ ngồi trên cho đến các đảng viên ở dưới. Ông không bao giờ xin giữ chức thủ tướng cả. Ông được đảng trao cho. Ông còn nói: “Ðảng, Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi.” Tức là nếu ông có sai lầm, thì đảng đã biết trước rồi, chứ không có gì lạ cả!

      Ðây là một lối tự biện rất hay. Con gái, con trai ông Nguyễn Tấn Dũng cũng có thể nói giống y như vậy. Vì đảng giao phó cho nên cô này mới làm chủ tịch ngân hàng, cậu kia mới làm chức thứ trưởng. Các cô, cậu chỉ ngoan ngoãn nhận việc mà thôi. Có thể nói, những người phụ trách các công ty Vinashin, Vinalines, hay các ông đã làm PMU 18 hoặc, nhận làm xa lộ xuyên Sài Gòn để lấy hàng triệu đô la của nhà thầu Nhật Bản, họ cũng có thể tự biện minh như thế: Tôi “không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng, nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi” đứng ra điều khiển công ty Vinashin (hay Vinalines)! Họ vô tội bởi vì trước khi trao nhiệm vụ, đảng “đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi.” Khi họ tự biện minh như vậy thì các quan tòa phải thấy thương họ mà tha bổng. Bởi vì thủ phạm đích thực của các vụ cướp của công làm của riêng, ăn tiền mua tầu dỏm, không phải là những đảng viên ngoan ngoãn này. Thủ phạm đáng đem ra trước vành móng ngựa chính là đảng!

      Tức là các ông bà đại biểu Quốc Hội cũng không có quyền nói chuyện “bất tín nhiệm” với ông thủ tướng hay bất cứ quan chức nào trong guồng máy nhà nước. Tất cả đều do đảng trao trách nhiệm! Mà chính cái Quốc Hội này, tất cả các đại biểu ngồi gật gù trong đó, cũng là do đảng chỉ định cho ngồi!

      Cho nên nhà bình luận Mai Thái Lĩnh tại Việt Nam mới viết: “Mặc dù quy định về thủ tục ‘bỏ phiếu tín nhiệm’ đã được ghi trong Luật Tổ Chức Quốc Hội 2002 và cả trong bản sửa đổi năm 2007, Quốc Hội lại không thể tự mình thực hiện quyền này. Thực tế cho thấy chế độ ‘đảng trị’ đã vô hiệu hóa công cụ hữu hiệu nhất của Quốc Hội để kiểm soát quyền lực của bộ máy hành pháp.” Cho nên ông Giáo Sư Tương Lai phải công nhận: “Câu trả lời của ông thủ tướng theo tôi nghĩ là chính xác.” Bởi vì chính Quốc Hội cũng chỉ là một Quốc Hội của đảng chứ không phải của dân; nó cũng chỉ được đảng cho lên ngồi đó chứ chẳng có quyền đặt câu hỏi nào với các quyết định của đảng.

      Ðó là nỗi bẽ bàng của những đại biểu Quốc Hội, khi nghe ông Nguyễn Tấn Dũng nói về 51 năm làm cách mạng chỉ biết nghe lệnh đảng. Ông đại biểu Dương Trung Quốc hỏi: “Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân?” Nghe những lời ông Dũng đáp lại, người ngoài cũng thấy muốn đặt câu hỏi với ông Dương Trung Quốc: “Ông đại biểu nghĩ gì về ý kiến cho rằng, Quốc Hội đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân?”

      Ðến đây, chúng ta thấy các đại biểu Quốc Hội ở Việt Nam hiện đứng trước hai lựa chọn. Một con đường là an phận, cứ ngậm miệng ăn tiền, chả bao giờ dại dột đứng lên nói như ông Dương Trung Quốc, chỉ thêm bẽ bàng thôi. Hai là mạnh dạn đứng lên, thoát xác, nhất định thi hành quyền hạn của một Quốc Hội, theo Hiến Pháp và đạo luật Luật Tổ Chức Quốc Hội quy định. Biết đâu, có nhiều người cũng gan to như ông Dương Trung Quốc, yêu cầu đặt vấn đề bất tín nhiệm chính phủ?

      Hai lựa chọn, hoặc ngậm miệng, hoặc đứng lên cất tiếng nói, sẽ đưa tới những hậu quả nào?

      Nếu các đại biểu Quốc Hội dám đứng lên đòi bất tín nhiệm, thì dù họ chiếm đa số, thì chắc cũng không đi tới đâu cả. Bởi vì tất cả những người cầm đầu cái Quốc Hội đó đều là người được đảng chỉ định, họ sẽ không cho biểu quyết. Các ông bà muốn nói gì thì nói, nhưng không bao giờ có thể đưa tới một quyết định, rồi đem quyết định đó trao cho bên hành pháp để bắt nó thi hành. Tình trạng này giống như một cái hội đồng trong chuyện cổ tích. Ðó là hội đồng của các con chuột quyết định sẽ đem cái chuông đi cột vào cổ con mèo, để mèo đi tới đâu thì họ hàng nhà chuột nghe biết trước mà chạy. Hội đồng đã quyết định xong, nhưng không ai có can đảm đem cái chuông tới buộc cổ con mèo cả. Giống như vậy, nếu cái Quốc Hội ở Việt Nam bây giờ mà quyết tâm đòi bất tín nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng, thì họ cũng chỉ là một cái Quốc Hội Chuột mà thôi!

      Lựa chọn thứ hai, ngậm miệng ăn tiền, là con đường nhàn hạ hơn. Ðó là số kiếp đã được dành cho những ông bù nhìn giữ dưa, đuổi quạ. Tất cả các chế độ độc tài đều lập ra các quốc hội bù nhìn cả. Cho đến khi chế độ sụp đổ, các bù nhìn cũng rớt theo. Nếu có ai hỏi tội, họ cũng có thể tự bào chữa y như lời ông Nguyễn Tấn Dũng: Ðảng và Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi đấy chứ!

      Trở lại câu chuyện cổ tích anh chàng được ra trước Ủy ban Ðầu thai dưới âm phủ, đứng trước câu hỏi: Giữa hai kiếp mới, làm chuột hay làm bù nhìn, anh ta chọn đầu thai làm cái nào? Quý vị có thể đoán ra, anh ta sẽ chọn làm bù nhìn, con đường an toàn, nhàn nhã hơn. Chắc các đại biểu Quốc Hội ở Việt Nam cũng lựa chọn như thế.

  9. […] 1400. Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học Yangon, Miến Điện […]

  10. Em La Lu said

    Việt nam ta có Nguyễn Tấn Dũng.
    Mỹ có Obama.
    Toàn là kẻ cơ hội, hí hố thì nhiều làm thì lại thiếu khả năng, chỉ giỏi mị dân!.
    Nếu Nguyễn tấn Dũng nổi tiếng bởi tuyên bố: ” Nếu chống tham nhũng không xong, tôi xin từ chức”, thì Obama lại nổi tiếng bởi câu:
    Redistribution of The Wealth, tạm dịch Phân Phối Lại Của Cải Vật Chất, mà thực chất của nó thì chả khác gì Cải Cách Ruộng Đất, hoặc Chống Tư Sản ở Viêt Nam ta.
    Obama là tên hèn, vì hắn vỗ ngực là Tư Bản mà thực chất lại núp dưới bóng ma CS.

    • Nothing said

      Có lẽ bạn quá ư là thiển cận khi nhìn một lãnh tụ ! Có thể ông TT Obama chưa phải là một TT vĩ đại và toàn hảo nhưng tôi tin là nhân dân Mỹ đã chọn lựa ông thì không bao giờ lầm ! Người Mỹ có trình độ chính trị rất cao nên họ chọn người lãnh đạo rất chính xác.
      Tôi cũng đã bỏ phiếu cho ông TT Obama lần này , 4 năm trước tôi bỏ phiếu cho ông Mc Cain. Tôi vẫn nghĩ ông Mitt Romney cũng là người yêu nước nhưng ông TT Obama bình dị và khiêm tốn hơn. TT Obama rất tế nhị khi không đến VN khi nhậm chức là để tránh làm mất mặt các nhà lãnh đạo VN. Không lẽ ông ta mới nhậm chức lại đến VN nói về Nhân quyền , tự do và dân chủ để làm mích lòng VN? Ông ta chọn Miến Điện để nhắn nhủ các nước VN , Kampuchea , Lào , TQ là nên học hỏi cải cách của Miến Điện : hãy chọn lựa dân chủ để cùng hòa nhập với Thế Giới ! Chính các ngài độc tài cũng cho con cái qua Hoa Kỳ học để huởng tự do , dân chủ… tại sao các ngài lại ích kỷ không cho con em dân thuờng huởng một nền dân chủ do các ngài tạo ra?

      • Em La Lu said

        “Có lẽ bạn quá ư là thiển cận khi nhìn một lãnh tụ !”……
        Vâng bạn ạ, nếu muốn thấy được cái hay, cái đẹp, cái tài giỏi của lãnh tụ thì phải “viễn cận” như bạn, thì Lú phải đành mong bạn tha thứ cho suy nghỉ này của mình vậy !.
        Bạn đang sống ở Mỹ, thì hãy luôn nhớ rằng mỗi lá phiếu đều luôn có “giá trị như nhau” cả , dù đó là “phiếu thắng” hay ” phiếu bại”, cái quan trọng ở đây là xữ dụng đúng chức năng của Nó bạn ạ.
        Sự THẮNG BẠI không đánh mất giá trị của lá phiếu!.
        Tự Do coi vậy mà khó nuốt. Không chấp nhận được “Khác Biệt” thì dù bạn có sống ở Mỹ thêm ” một ngàn năm nữa” thì cũng thế thôi bạn ạ, tiếc thật Lú ước gì được như bạn.
        Tự Do không áp đặc và không ai có Quyền để Tự Do Giùm cho người khác!. Mong bạn thông cảm.

        • nghiemphe said

          Lu co doc ma khong hieu y OBAMA, dang tiec , du da dich ra tieng Viet! Dung la OB. da nhan dao hon ca cs thoi ky moi xuat hien “du khi” can lao toan the gioi …!!! OB. nhac den nhung so phan dang o duoi day xa hoi (ngheo, doi, benh, song khong dien nuoc, …nhung nguoi bi lang quen, bi tuoc doat, bi tay chay…phu nu bi boc lot, tre em phai di linh…nhung hoan toan khong chu truong cuop cua nguoi giau de chia cho tang lop duoi day xa hoi ma tat ca phai cham chi lam viec la co the thanh cong, cho phep nguoi lao dong giu lay nhung gi ho kiem duoc, xoa tham nhung = NGAN SACH PHAI MINH BACH : dan co the biet duoc chinh xac cac khoan tien duoc chi tieu nhu the nao va he thong chinh phu van hanh ra sao, … Trong nen kinh te toan cau nguon tai nguyen lon nhat cua 1 nuoc la nguoi dan. Tiem nang quoc gia phu thuoc viec trang bi nang luc cho moi nguoi dan, dac biet la nguoi tre. Giao duc la chia khoa cho tuong lai dat nuoc….Khong co qua trinh cai cach nao thanh cong ma khong co HOA GIAI DAN TOC, HGDT can co thoi gian….4 quyen TU DO co ban can cho moi nguoi ma khong co 2 quoc gia nao dat duoc theo cung 1 cach… Qua dung va sat thuc, sao Lu lai chui???!!! 2 nguoi dung canh nhau tai hnASEAN nhin khac nhau 1 TROI 1 vuc sao co the danh dong 1 giuoc nhu nhau duoc?????!!!!!

    • No Way Out said

      “Và chúng tôi nhận ra rằng không có hai quốc gia nào đạt được những quyền đó theo đúng cùng một cách, nhưng việc đất nước của bạn sẽ mạnh hơn nếu biết dựa trên sức mạnh của toàn dân là không có gì nghi vấn. Đó là cái cho phép các quốc gia thành công. Đó là cái mà cải cách đã bắt đầu làm.”
      TT Obam vẫn có cách ” gợi ý ” cho các nước độc tài , độc đảng như VN , TQ…. là không cần làm giống như Mỹ là Đa Đảng , Đa Nguyên nhưng nếu 1 Đảng thì phải cho ra hồn như Singapore ! Phải trong sạch và không tham nhũng ! Phải dân chủ , tự do bầu cử !
      Đảng CS có thể độc quyền lãnh đạo nhưng phải cực kỳ trong sạch và cực kỳ không tham nhũng ! Chứ độc quyền lãnh đạo mà thối nát , tham nhũng thì nên Đa Nguyên , Đa Đảng để cho người dân được quyền kiểm soát !
      Ông Thủ Tướng Lý Quang Diệu chỉ có một Đảng lãnh đạo nhưng vì đảng của ông quá tốt nên không có một đảng phái nào ra đời để cạnh tranh quyền lãnh đạo ! Đảng CS VN làm được như vậy thì toàn dân sẽ tâm phục và khẩu phục cho Đảng lãnh đạo đến muôn đời !
      Tuy Đảng của ông TT Lý Quang Diệu chỉ có 1 nhưng vẫn có Tam Quyền Phân Lập đàng hoàng , dân vẫn bỏ phiếu chọn người lãnh đạo chứ không ” láu cá ” như Đảng CS là : Đảng cử , dân bầu ! Đảng thâu tóm Lập Pháp , Hành Pháp , Tư Pháp trong tay và tha hồ tác oai tác quái !
      Đảng của TT Lý Quang Diệu chỉ có đá banh cho dân xem còn Đảng CS thì vừa đá banh vừa thổi còi ! Cũng độc Đảng như người ta nhưng bản chất thì khác hẳn !

      • Dân gian said

        Rất nhiều người VN xếp hàng làm gì đó thì trong đầu đều nảy ra ý chen ngang. Tâm lý sợ thiệt, tâm lý lo cho cá nhân mình trước, mình phải tồn tại , kệ người khác. Đó là tâm lý cạnh tranh hoang dã.
        Đảng CSVN cũng luôn hành động theo dạng tâm lý này. Theo tôi cần rất nhiều thời gian để xoá bỏ nó, thay thế nó bằng dạng tâm lý Cạnh tranh Bình đẳng.

    • Nguyên Trương said

      Mị dân hay không thì tôi không dám nói, mỗi người có cách đánh giá riêng. Tuy nhiên cách bạn đánh đồng Redistribution of wealth (RoW) với CCRĐ hay CTS ở VN thì hơi khập khiễng vì những lý do sau đây:

      1. Obama muốn như vậy, nhưng không thể cứ làm là được, mà phải có chuẩn thuận của lưỡng viện. Nếu bạn nghĩ cơ quan lập pháp của Mỹ nhắm mắt gật đầu cho Obama muốn làm gì thì làm như QH VN thì không cần đọc những lý do dưới làm gì nữa. Một góc nhìn khác là đảng DC cũng có thể hướng Obama làm như vậy như kiểu đảng CS ở VN ra nghị quyết cho TT làm; nhưng điểm khác nhau vẫn là cơ quan hành pháp bị kiểm soát bởi cơ quan lập pháp và tư pháp.

      2. RoW thông qua hình thức thuế cao cho người có thu nhập cao. Mức thuế lũy tiến dù cao đến đâu chăng nữa cũng không thể làm người giàu nghèo hơn người nghèo được, chỉ là bớt giàu thôi. Làm sao có thể so sánh với “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” ở VN được? Làm gì có chỉ tiêu mỗi vùng phải tố cho đủ bao nhiêu địa chủ? Làm gì có định hướng cào bằng, không ai được giàu hơn ai?

      3. Mục đích của RoW là tăng ngân sách nhà nước, tăng phúc lợi xã hội cho người nghèo. Phần này có tương tự ở VN, nhưng khác nhau ở chỗ nó không có hơi hướm ý thức hệ, tầng lớp công nhân, nông dân vô sản là cao quý nhất.

      Việc bạn coi Obama là TB nhưng thực chất là CS cũng không thuyết phục lắm. Đúng ra phải coi ĐCS VN giương cao ngọn cờ CS nhưng thực chất lại là TB mới đúng.

      1. Một trong những nhân tố cơ bản nhất của CNTB là quyền tư hữu. Obama chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ tơ tưởng đến việc xóa bỏ quyền này. Còn ở VN thì đã công nhận quyền này rồi.

      2. Đừng đánh đồng CNCS với CNTB Phúc lợi (tạm dịch thuật ngữ ‘Welfare capitalism’ http://en.wikipedia.org/wiki/Welfare_capitalism). Đa số các nước TB đều có hệ thống thuế thu nhập cá nhân rất cao, nhưng bù lại y tế, giáo dục không mất tiền, người nghèo có trợ cấp xã hội sống tương đối thoải mái. Những ai ở VN được dạy về tư tưởng ‘Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’, khi sống ở những nước này đều coi đây chính là thiên đường hằng khao khát. Điểm khác biệt là những ai không chấp nhận sống bằng trợ cấp nhà nước dù no đủ, đều có quyền tích lũy: thêm nhà, thêm xe, du thuyền, máy bay… Ở VN cũng có tầng lớp giàu như TB rồi đó, nhưng vế ‘hưởng theo nhu cầu’ ở đâu? Vậy thì ai núp bóng ai?

    • Dân ngu nói said

      Đúng với danh xưng ” Em La Lu ” + “thiểu năng trí tuệ”

  11. Tôi là dân nông thôn miền bắc.Từ trước tới nay,tôi chỉ được học,nghe và đọc những phát ngôn “thiên tài’ của Lê Nin.Mao,Phidencatro,và các lãnh đạo CS VN với sức mạnh vô song của CNCS.Mình cứ nghĩ cac lãnh đạo CS quá giỏi,trí tuệ,xuất chúng,tài giỏi và “thương dân”.Còn đế quốc Mỹ và bọn Tư Bản chỉ biết boc lột,đè nén nhân dân…

    Lần đầu tiên được đọc đầy đủ 1 bài diễn văn của 1 TT đế quốc.Tôi bị sốc bởi nó quá Nhân Bản,quá dân chủ thật sự,một thiên đàng tự do đang có thật trên trái đất.Ít nhất thì họ-Tư Bản cũng đang từng ngày phấn đấu cho cai thiên đàng ước mơ mà nhân dân XHCN mơ từ gần 100 năm nay.Mà sự thật XHCN thì ngày càng tiến gần Địa ngục hơn là trần gian chứ đừng nói tới thiên đàng CS không biết 4000 năm sau cũng không thấy bóng dáng)

    Ông Obama nói-ở nước Mỹ cái văn phòng quan trọng nhất không phải là văn phòng Tổng thống (Tòa bạch ốc) mà là văn phòng Nhân Dân.Chính ông Lê Hiếu Đằng cũng phải công nhận-Tổng Thống thiệu tới Tối Cao pháp viện -VNCH-đề nghị xử 39 SV là do CS cài đặt.Nhưng ông Kiên đứng đầu TCPV dùng luật của Hiến Pháp VNCH đối lại Tổng Thống và Ông Kiên (TCPV) đã xử theo Hiến Pháp VNCH chỉ có 21 SV là CS.Ông Thiệu cũng phải chấp hành…

    Thế mới biết Người đứng đầu Quốc Gia dân chủ phải gương mẫu chấp hành luật pháp chứ không ngồi trên luật pháp như chính quyền ở ta hiện nay.Bởi vậy mới có những vụ án -2 bao cao xu đã qua xử dụng-hài hước nhất thế giới và cũng thâp nhất thế giới về sự “sáng tạo” trong đánh án.

    • dân gian said

      Nghe nói rằng ông Boris Yeltsin sau khi đi thăm Mỹ về đã nói ‘CNXH là đấy chứ đâu nữa’.

  12. dân gian said

    Tôi bổ nhiệm một số quan toà, nhưng tôi không thể bảo họ phán quyết như thế nào, bởi vì tất cả mọi người ở Mỹ từ một đứa bé đang sống trong nghèo đói cho tới tôi, Tổng thống Hoa Kỳ – đều bình đẳng trước pháp luật. Và một quan toà có thể đưa ra quyết định về việc liệu tôi có tôn trọng luật pháp hay vi phạm pháp luật. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật đó.
    ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
    Thế thì ông Obama thua xa các quan đảng Việt nam rồi. Các quan đảng VN cũng chọn và bổ nhiệm các quan tòa nhưng không quan tòa nào được tự ý xử án theo luật. Không quan tòa nào giám xử các quan đảng và các quan đảng chẳng phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật.
    Các quan đảng ngồi trên pháp luật, điều mà Obama không bao giờ làm được.

  13. Tiểu Điền Địa said

    Tôi nghiền ngẫm phát biểu của Barack Obama nhiều giờ và có suy nghĩ quái lạ rằng với trí tuệ và hiểu biết của người Việt Nam,đặc biệt,các lãnh đạo cấp cao Việt Nam chắc không khỏi lúng túng,dao động tư tưởng,dù dây thần kinh xấu hổ bị cho là đã đứt,nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng trực tiếp “khuyên” Myanmar nên nhanh chóng ổn định tình hình chính trị,phát triển cùng cộng đồng Asean. Chỉ có điều chưa rõ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “khuyên” nhà cầm quyền quân sự Myanmar dẹp biểu tình lẹ lên hay trả quyền cho dân sự như khởi đầu của Myanmar hôm nay.

  14. tran hung said

    Là công dân đang được hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ của một chế độ, tôi biết(hiểu còn nông cạn) rằng chúng ta(toàn thể xã hội) sẽ còn vất vả để đạt được những mục tiêu đã đề ra theo con đường mà chúng ta chọn. Xin không nhắc đến sự so sánh, nhưng tôi tin rằng bài phát biểu của ông Obama(tổng thống hợp chủng quốc Hoa Kỳ) tại đại học Yagon sẽ đem đến những thay đổi căn bản cho đất nước(khác tổ quốc) Myanmar.
    Cám ơn anh Ba đã chuyển tải(có dịch) bài phát biểu!

  15. The Bell said

    Bài phát biểu của Obama quá hay, quá thực tiễn và mang tính toàn cầu. nhưng thiếu ” tính chiến đấu”. Tính ” vĩ mô” cũng thua xa bài phát biểu của Tổng BT Trọng ở Cu Ba và bài viết vừa rồi của GS Nguyễn Đức Bình nhân ngày ” Cánh mạng tháng mười Nga vĩ đại” . Hai bài của hai vị giáo sư Việt nam mang tầm Vũ trụ và mang tính … hỏa tiễn !

    • Tiểu Điền Địa said

      Mỗi nhân vật sở hữu sở trường khác nhau nhưng tầm cao đều ngang nhau. Đó là tính đa dạng mà ông Obama đã tâm đắc như bài học quý khi giải quyết nan đề rộng lớn này cho nước ông. Các nhân vật lãnh đạo cộng sản VN cũng có tài dành cho riêng họ nên họ mới tồn tại đến ngày nay. Sự khác biệt làm tê liệt dân ta,nước ta! Thưa bạn!

  16. Giỏi. Tuyệt giỏi ! said

    Đây mới là chủ nghĩa: Chủ nghĩa Obama

  17. Trần Đông A said

    Bài diễn văn của OBAMA tại đại học Yangoon ngày 19/11/2012, có thể gọi là bài phát biểu về “Tự Do” hay nhất mà tôi đã nghe và đọc:

    1.Tự do ngôn luận
    2.Tư do thờ phượng
    3.Tự do thoát khỏi sự bức bách mưu cầu vật chất
    4.Tự do thoát khỏi sự sợ hãi

    Trong một vài giai đoạn đen tối nhất, lúc bà Aung San Suu Kyi bị cầm tù, bà đã viết một bài về thoát khỏi sự sợ hãi. Bà nói sợ mất mát làm hỏng những người nắm lấy nó – “Sợ mất quyền lực làm hủ bại những người sử dụng nó, và sợ bị trừng phạt quyền lực làm đồi bại những ai phụ thuộc quyền lực”.

    Bốn “tự do” nói trên là mơ ước của nhân dân, đất nước Việt Nam hiện nay.

    Nhưng muốn dành được Bốn “tự do” thì Nhân dân VN trước hết phải thực hiện “tự do” thứ bốn, đó là “Tự do thoát khỏi sự sợ hãi” như bà Aung San Suu Kyi đã viết ở trên.

    • The Bell said

      Nhất trí với bác nhưng đàn bò cũng cần có ” thủ lĩnh”.
      Có hy vọng bà Doan ( vẩu) suy nghĩ lại không?

    • Tiểu Điền Địa said

      Muốn thoát khỏi sự sợ hãi phải bắt đầu Điều 1: Tự do ngôn luận. Trước khi đánh phải chửi,chửi hăng tiết là hết sợ mà đánh. Kinh nghiệm dân gian cho thấy trước khi hai người đánh,đâm,chém thường chửi nhau hết lời,trong nhiều lời ấy có vài lời tức không chịu nỗi mà hành động. Tốt nhất là giương đồng loạt cả 4. Ai giỏi kỹ năng nào thì giương lên mà chơi!

  18. Hoang Mai said

    Hay qúa!
    Đúng là:

    Miệng
    Nhà
    Sang

    Gang

    Thép

  19. Dân đen said

    Tôi tiếc, tôi thương nước Việt mình
    Nhân tài hưu quạnh lá mùa thu
    Quan tham khoác lác, trơ như phỏng
    Chủ thuyết tuyên truyền, giá một xu
    Suốt ngày rao giảng không người ứng
    Nhiễu xạ liên hương, nghỉ mà thèm
    Làm sao nói vậy, ai chẵng thấu
    Bao giờ dân Việt thoát đêm đen….

    • Tiểu Điền Địa said

      Dám sửa 1 từ trong câu thứ 3 của bạn thành: “Quan tham khoác lác “quay” như phỏng”. Phỏng nóng lắm,có lì như tay X cũng không thể “trơ” được. Thưa bạn!

  20. nam said

    Hiện tọi bây giờ, cứ tạm đánh giá Việt Nam và Myanma là bằng nhau về mọi mặt đi . Tôi tin chắc rằng : Chỉ mười năm nữa thôi, Miến Điện sẽ đi trước Việt Nam ta một trăm năm. Nếu vẫn còn bọn việt cộng bán nước.

  21. Năm Darwin said

    Ông Obama ghé Kampuchia nhưng không ghé VN dù gần xịt vì nghe nói bài diển văn ổng tính đọc ở VN vi phạm điều 88 của bộ luật gì đó của VN nên ổng ớn.

    • Năm Darwin said

      À quên, TTVN Nguyễn Tấn Dũng có hứa chắc là không sao nhưng ông Obama nhất định không tin. Lãnh tụ thế giới có khác.

  22. Nhan said

    “Ngành lập pháp có quyền hạn riêng và đặc quyền riêng của nó, và do đó, họ kiểm soát quyền lực của tôi và cân bằng quyền lực của tôi. Tôi bổ nhiệm một số quan toà, nhưng tôi không thể bảo họ phán quyết như thế nào, bởi vì tất cả mọi người ở Mỹ từ một đứa bé đang sống trong nghèo đói cho tới tôi, Tổng thống Hoa Kỳ – đều bình đẳng trước pháp luật. Và một quan toà có thể đưa ra quyết định về việc liệu tôi có tôn trọng luật pháp hay vi phạm pháp luật. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật đó.”

    Các Tổng thống của Mỹ, cũng như các nước có nền dân chủ thực sự, họ là những nhân cách lớn , là những thiên tài thật sự. Nhìn Obama, Myanma, các nước dân chủ mà buồn cho đất nước VN.

  23. Trần Đông A said

    Tuyệt vời! đó là cảm giác được nghe bài nói của TT OBAMA tại đại học Yangoon. Ông Obama không chỉ xứng đáng là Tổng thống Mỹ mà là TT của cả Địa Cầu.

    Nhìn Myanma đón TT Mỹ (Obama) làm dân VN Ta (trong đó có tôi) thèm muốn, mặc dù Việt Nam đã đón TT Mỹ (Clinton) trước Myanma 12 năm và sau đó năm 2006 còn đó cả TT Bush, là tại sao?

    Chắc chắn không phải quan hệ Mỹ – Myanma tốt hơn quan hệ Mỹ-Việt, vì quan hệ Mỹ-Việt thiết lập lại từ 1995, trong khi quan hệ Mỹ-Myanma mới thiết lập lại gần đây…

    Chúng ta thèm được như Myanma, theo tôi là vì :

    Myanma công nhận chính trị đối lập và nổi bật là lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kiy được tự do hoạt động, được tôn trọng.

    Myanma có bầu cử tự do, có đại diện các đảng chính trị trong Chính phủ và Quốc Hội.

    Đặc biệt là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đã được thả tự do.

    Myanma còn có một Tổng thống dân sự có tầm vóc và có lương tri, lãnh đạo một nhà nước, chính phủ biết lắng nghe nhân dân và thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân (qua vụ ngừng xây đập thủy điện do TQ đâu tư vì dân phản đối, vụ thả tù nhân chính trị…).

    Lực lượng Quân đội và An ninh Myanma đã tỏ ra là lực lương trung lập…chỉ trung thành với nhân dân và tổ quốc Myanma.

    • Tiểu Điền Địa said

      TT Barack Obama là một người tài giỏi,một nhà hùng biện quá sức tưởng tượng đối với thế giới chưa có nền giáo dục tự do,chưa có xã hội tự do. Diễn văn vận động của bà vợ Obama,diễn văn của đối thủ Romney,rồi của hai ông phó hai bên,thì ra chẳng có ai nổi trội hơn ai mà sự nổi trội ấy chính là nền giáo dục ưu việt của nước Mỹ,nền tự do giáo dục,tự do phát triển con người lên tới mặt trăng và đang tính chuyện lên Sao Hỏa.

      TT Mỹ thăm chính thức Myanmar,thăm chính thức Thailand. Campuchia là kết hợp việc quốc tế như TT Bush thăm VN hồi 2006. Mỹ – VN bình thường hóa để mà hóa thường bình,không có động cơ thúc đẩy đặc biệt như Myanmar. Các nhà lãnh đạọ quân sự Myanmar cho thấy họ “đang quay về”,đọc kỹ phát biểu của Obama có thể tin vào đường quay về đó.

      “Lực lượng quân đội và an ninh Myanmar đã tỏ ra là lực lượng trung lập…chỉ trung thành với nhân dân và Tổ quốc Myanmar” – Không thể nghi ngờ vào đâu được! Nếu không phải vậy thì bành trướng nó nướng từ lâu rồi. Thưa anh!

  24. Không Còn Sự Lựa Chọn Nào Khác!!! said

    Một bài phát biểu hoàn toàn xứng đáng để đi vào lịch sử!
    Tiên Sinh Huỳnh Phan dịch còn hơn cả tuyệt vời!
    Miến Điện, chính là cánh chim én đầu tiên, báo hiệu cho MÙA XUÂN tuyệt vời của châu Á.
    Bánh xe lịch sử thế giới, đang chuyển động với một tốc độ hợp lý, một hướng đi kiên định nhất, và một quán tính vô địch, AI sẽ đảo lại được qui luật lịch sử này?
    Thuận THIÊN, thì AN MỆNH! Thế thôi!

  25. teptiensinh said

    mong sao việt nam được một lần đón obama còn cụ bà lê hiền đức thì thất nghiệp.

  26. Đào Tiến Thi said

    Qua bài diễn văn này tôi càng hiểu vì sao ông Obama không ghé qua Việt Nam trong chuyến công du này.
    Và Việt Nam lại một lần nữa bỏ mất cơ hội để thoát ra khỏi gọng kìm Trung Quốc, cái gọng kìm mà những cán bộ đi vận động người biểu tình chống Trung Quốc luôn luôn giơ ra để thuyết phục (hay là để doạ): Trung Quốc mạnh lắm, đừng chống.

  27. Dien Hong said

    “Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học Yangon, Miến Điện

    Tin khẩn : một cụ già, dân oan vừa bị đánh !”

    Ôi, Việt Nam quê hương đau thương và yêu dấu của tôi ơi !
    bao giờ mới lớn nổi bằng người ?

    hùng dũng sang trọng đấy, mà hùng dũng sang trọng đâu chẳng thấy,
    chỉ thấy hèn hạ nhung nhúc một lũ lưu manh được đẻ ra và nuôi dưỡng bởi một nền chính trị lưu manh…

    Nhìn kìa, có khác gì chúng đang đánh lại mẹ cha, đánh lại chính người đã đẻ ra và nuôi dưỡng chúng bằng những giọt mồ hôi tần tảo và cả máu thịt của mình ?

    Ôi, Việt Nam quê hương đau thương và yêu dấu của tôi ơi !
    bao giờ mới lớn nổi bằng người ?

  28. PHÓ 4T said

    Bài phát biểu thật tuyệt vời! Cảm ơn ngài Tổng thống Obama, xin chúc mừng người dân Myanma!

  29. Đời xã hội said

    Ông Thống Mỹ OBAMA có bài phát biểu quá hay có lẽ cuộc đời tôi kể từ sau ngày giải phóng Miền Nam cách nay 37 năm sẽ không còn thời gian để một lúc nào đó có một ông Tổng thống Mỹ ghé thăm đất nước VN chúng tôi và được nghe Ông nói chuyện như ở đất nước MYAMA xinh đẹp. Xin chúc mừng nhân dân MYAMA đã hạnh phúc khi xã hội đã bước sang một nền dân chủ mới.

    • Dế Mèn said

      Sao bác bi quan thế. Đời bác rồi sẽ thấy một lãnh tụ VN thông minh, trác việt ngang tầm, thậm chí vượt trội TT Obama nữa đấy chứ. Muốn có thì phải mưu cầu, không thể đợi mà có. Đó là qui luật.

  30. Một bài phát biểu tuyệt vời! Thật xứng danh là vị Tổng thống của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ! Cảm
    ơn nền dân chủ Mỹ đã chọn ra được một vị Tổng Thống làm tấm gương cho các nhà lãnh đạo của các nước nhất là các nước có chính quyền độc tài phản động và lạc hậu đáng học tập !

    • Tiểu Điền Địa said

      Tôi thích gọi “độc tài phản động” vì nói lên đúng bản chất của chúng! Chống lại xu thế thời đại là phản động,không phải chống một nhóm người ăn xuôi,nói ngược,làm hại nhiều người dân mà gọi là “phản động” được.

  31. Loc Nguyen said

    Sua soan cho viec sap xep nhung thu phai lam cho chuong trinh bon nam sap toi, Obama da goi email cho toi(mot nguoi hay ung ho dang dan chu)de xin y kien ,xem trong dan gian co nhung y tuong ,sang kien hay ,la gi khong.

  32. Tiểu Điền Địa said

    Hồi mùa hè Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm nước Cu Ba và đọc diễn văn,nay đầu đông,Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Myanmar cũng nói diễn văn (không đọc). Là công dân VN,được sự lãnh đạo của Tổng bí thư,được hưởng ơn huệ của Tổng bí thư. So sánh hai bài diễn văn đều cùng hướng tới sự tốt đẹp cho mỗi dân tộc và cồng đồng thế giới,nhưng diễn văn của Tổng bí thư càng khó hiểu và không thể hiểu bao nhiêu thì diễn văn của Tổng thống Mỹ lại gần gủi,thiết thực vô cùng,nó chỉ rõ đũa chén phải để ở đâu,bàn thờ phải được đặt ở đâu. Không phải cứ hễ cùng chung con đường là sẽ kiếm được bàn thờ,kiếm được đũa chèn đẹp như nhau nhưng đó là cơ sở nền tảng để đạt được và ít ra sẽ không tệ hơn không đi trên con đường chung đó. Từ so sánh hai bài diễn văn,dân thường trú VN tôi không tìm đâu ra lòng dạ nào có thể ủng hộ Tổng bí thư mà chỉ còn lại ước gì bài diễn văn của Tổng thống Mỹ được đọc tại nước Việt Nam tôi!

    Tại trường đại học Myanmar ông Obama đã quả quyết: “Hoa Kỳ sẽ làm bạn với bất kỳ quốc gia nào tôn trọng các quyền của công dân mình và có trách nhiệm về luật pháp quốc tế”. Từ bài diễn văn tại Cu Ba và từ ấy đến nay TBT tiếp tục vi phạm quyền công dân của mình,vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền điều đó cho thấy TBT đã mạnh mẽ chối bỏ làm bạn với Mỹ. Như vậy,VN sẽ chẳng tìm đâu ra những người bạn tốt như nhân dân hằng mong đợi! Phản đối những ai không chọn bạn tốt mà chơi!

    • Dế Mèn said

      Lú thì nói chuyện với kẻ ngu ngơ hoang tưởng. Khôn mới đi dạy cho người biết học khôn. Một bên thì đi rêu rao cho cái lỗi thời đã bị đào thải đến cuối “thời kỳ quá độ đi đến phá sản”. Một bên thì bàn đến lẽ tự nhiên của tiến hóa và sự khôn ngoan của tiến bộ. Còn trông gì ở Lú mà so sánh bác ơi. Gánh xiếc đỏ ế khách rồi, xem ra sắp rã gánh thôi. Ba dê ôi là ba dê, làm trò khỉ miết thôi.

  33. montaukmosquito said

    Phép lạ của Miến Điện là không có phép lạ nào cả, mà là mồ hôi, nước mắt, máu và ước vọng tự do cháy bỏng của người dân

  34. BA-CHỐP said

    OBAMA VĨ ĐẠI SẼ MÃI MÃI ĐƯỢC NHÂN DÂN BỊ ÁP BỨC YÊU MẾN,NGƯỠNG MỘ .MONG ÔNG CÓ TIẾNG NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG GÓP PHẦN GIẢI PHÓNG NHẠN DÂN THOÁT KHỎI SỰ ĐỘC TÀI PHÁT XÍT TRÊN THẾ GIỚI

  35. Obama quá hiểu Myanma và châu Á! đường còn dài nhưng xu thế tiến bộ ở Myanma không thể đảo ngược. Myanma sẽ là tấm gương cho các nước muốn thoát khỏi sai lầm, đi lên hạnh phúc văn minh! Đúng như thế!
    Tuy nhiên, nhìn lại VN thì chán quá,vì có đặc điểm rất khác, do cụ Mác Lê…. bó chặt như vòng kim cô, chwua ai dám gỡ dù toàn dân chán đến tận mang tai….

  36. Anh Chín said

    Đoạn này thật hay:

    Trong nhiều cách, sợ hãi là lực cản ngăn chặn giữa con người và những ước mơ của họ. Sợ sự xung đột và vũ khí chiến tranh. Sợ một tương lai khác lạ với quá khứ. Sợ những thay đổi sắp xếp lại trật tự xã hội và nền kinh tế của chúng ta. Sợ những người trông có vẻ khác ta, hoặc đến từ một nơi khác lạ, hoặc thờ phượng theo một cách khác. Trong một vài giai đoạn đen tối nhất, lúc bà Aung San Suu Kyi bị cầm tù, bà đã viết một bài về thoát khỏi sự sợ hãi. Bà nói “sợ mất mát làm hỏng những người nắm lấy nó – Sợ mất quyền lực làm hủ bại những người sử dụng nó, và sợ bị trừng phạt quyền lực làm đồi bại những ai phụ thuộc quyền lực”.

    Đó là nỗi sợ hãi mà bạn có thể để lại đằng sau. Chúng ta thấy rằng cơ hội ở các nhà lãnh đạo đang bắt đầu hiểu rằng quyền lực đến từ việc thoả mãn những hy vọng của dân, chứ không phải những sợ hãi của dân. Chúng tôi nhìn thấy điều đó ở những công dân khẳng định rằng lần này phải khác, rằng lần này thay đổi sẽ đến và sẽ tiếp diễn. Như bà Aung San Suu Kyi đã viết: “Sợ không phải là trạng thái tự nhiên của con người văn minh”. Tôi tin điều đó. Và hôm nay, các bạn đang cho thế giới thấy rằng sự sợ hãi không phải là trạng thái tự nhiên của cuộc sống ở đất nước này.

    • Tiểu Điền Địa said

      Ông Obama lên án chế độ cộng sản và các chế độ độc tài từng gây nên nỗi sợ hãi thật khéo léo!

      • Dế Mèn said

        Chửi nặng đấy chứ bác. Thật, nghĩ anh 3 Dê và “nội các” của ảnh, kẻ nào cũng mặt dày hơn mo cau sao thấy chán. Họ cũng là Người đấy ru?

  37. Mongun said

    Tin khẩn : một cụ già, dân oan vừa bị đánh !
    Dân oan gọi điện cho biết : một dân oan tên là Nguyễn Thị Hồng ( Quảng Bình ) vủa bị đánh tại vườn hoa Mai xuân Thường, đã bị đưa vào viện Xanh Paul !

    Các phóng viên đang đến và sẽ gửi tư liệu để tôi đăng tải.
    ===========================
    xem trên blog của cụ Lê Hiền Đức

  38. Nhật Tuấn said

    Đọc xong, đọc lần nữa và ứa nước mắt vì thương…dân tộc mình (!!!).Ai đưa dân tới chỗ này ? Ban đêm thì tối , ban ngày thì đen ????

    • Dế Mèn said

      Vì thương thì cũng nên có kế hoạch dấn thân hành động. Đầu thể để mãi kẻ thất học, trí trá, xảo quyệt, hèn, ác đưa đẩy dân tộc đến thế giới mù lòa, “ban đêm thì tối, ban ngày thời đen…”.

    • Xuan Phong said

      Bạn đừng buồn nữa ! Dân tộc chúng ta sẽ ” thoát khỏi sự sợ hãi thường trực ” để đứng lên ! Chính Đảng CSVN đã giúp người dân thoát khỏi sợ hãi để đứng lên giành độc lập nhưng rất tiếc họ lại tạo ra cho dân tộc mình một nỗi sợ hãi khác ! Chính họ cũng đang có sự sợ hãi , đó là sự sợ hãi mất quyền lực !
      Nhưng trong tăm tối và tuyệt vọng như dân Miến Điện trước kia , họ đã thoát khỏi sợ hãi !
      * Trong bóng đêm đè nghẹt
      Phục sẵn một mặt trời !
      Trong bóng tối không lời
      Phục sẵn toàn sấm sét !
      Trong lớp người đói rét
      Phục sẵn những đoàn quân !
      Khi vận nước xoay vần
      Tất cả thành NGUYÊN TỬ !
      ( Nguyễn Chí Thiện )

  39. […] Nguồn: Fox News/Ba Sàm […]

  40. Năm Darwin said

    Tàu Khựa nhìn mà tức. Nhân dân VN nhìn mà ao ước. Riêng lãnh đạo đảng CSVN thì đang chạy loanh quanh 16 chử vàng, 4 tốt và nhìn vào quá khứ “thắng Mỹ” để tự sướng.

    • baphai said

      “Thang My” cai gi dau? My tu phai rut vi dan (la chu) phan doi chien tranh ton kem (nguoi +cua) day chu, chi thang VNCH thoi.

  41. Công Lý said

    ” …. Và chúng tôi có một thành ngữ ở Hoa Kỳ rằng văn phòng quan trọng nhất trong một nền dân chủ là văn phòng công dân – không phảiTổng thống, Chủ tịch, mà là công dân …” (Trích bài nói chuyện của TT Obama)
    Bài nói chuyện của Tổng Thống Obama thật tuyệt vời xin miễn bình luận. Liên tưởng ở nước Việt Nam ta cố chủ tịch Hồ chí Minh đã một thời từng căn dặn ,giáo dục cán bộ là phải lấy dân làm gốc nhưng thực tế lại không như vậy , cho nên dân Nam kỳ có câu ” Nói zậy nhưng không phải zậy” . Rất mong các đ/c đảng viên cán bộ Việt Nam nên tìm nghe ,đọc bài nói chuyện của Tổng Thống Obama mà ngẫm lại mình . thấy xấu hổ lắm .
    Câu nói của Tổng Thống bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu trước khi rút chạy khỏi Sài gòn cách đây 37 năm đã trở thành nổi tiếng ” Đừng nghe cộng sản nói hãy nhìn cộng sản làm”
    Hoan hô Miama đã từ giã chế độ độc tài chuyển sang thế giới dân chủ và tiến bộ , xây dựng nhà nước pháp quyền do dân vì dân
    Bao giờ đến Việt Nam ?

  42. Dân mất Nác. said

    Chúc mừng dân tộc Miama đã có một người nữ anh hùng kiên cường, bất khuất là bà Daw Aung San Suu Kyi, và những người lãnh đạo sáng suốt có tâm huyết với đất nước, biết vứt bỏ những tư tưởng cố chấp, thiển cận, để đưa đất nước bước lên con đường hùng mạnh. Qua bài nói chuyện của Obama, ta thấy rỏ ràng ông này đầu óc và ăn nói kém tổng Trọng nhà ta một trời một vực, cụ Tổng nhà ta thì nói những chuyện tận trên thiên đường, còn Obama chỉ biết nói những chuyện ở ngay đất nước mà ông đang đứng.

  43. dân gian said

    Cái may cho người dân Myanma là đảng cầm quyền của họ không tham và ngu như 175 con người tạo ra BCH ĐCS VN.

    • montaukmosquito said

      Sai, cái may cho người dân Myanmar là họ tự tạo ra cái may mắn của mình . Lịch sử của giới cầm quyền Myanmar không khác mình lắm, có cả chủ nghĩa Mác-Lê nữa, cái khác là thái độ của dân chúng . Từ những năm 70-80-90, dân Miến liên tục nổi dậy với quy mô lớn, và chính tinh thần đó tạo ra Aung San Suu Kyi. Trong một lần về nước thăm gia đình, bà đã gia nhập đoàn biểu tình của dân chúng . Chính áp lực từ dân đã buộc lãnh đạo phải thay đổi, buộc quốc gia phải đổi hướng, không phải ngược lại .

      Dân mình … phát chán, chả muốn bàn thêm .

      • Tiểu Điền Địa said

        “Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ tinh thần của một dân tộc,làm tê liệt hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ,ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ,làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối,chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ,giáo điều.
        Nó đang làm hại cả một nòi giống”. Trung tướng Trần Độ – Nguyên cố vấn văn hóa cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh 1986 – 1991.

        Myanmar không chính trị hóa các tôn giáo, Myanmar không tiến hành công cuộc cách mạng “triệt để nhất,sâu sắc nhất,toàn diện nhất” như cộng sản Việt Nam. Có thể nói hai nền chính độc tài Myanmar và Việt Nam mang hai bản chất khác nhau. Nếu ở VN dứt khoát bà Aung San Suu Kyi sẽ không tồn tại! Các đảng đối lập sẽ bị tẩy xóa tận gốc. Trí phú địa hào còn đào tận gốc trốc tận rể huống hồ là…

      • dân gian said

        Bác cứ so sánh số nạn nhân của cuộc nội chiến của mỗi nước thì bác thấy ai may mắn hơn. Hơn nữa cũng là độc tài nhưng độc tài CS thì không bao giờ có nhận thức trở lại như lãnh đạo Myanmar. Còn các chiêu bẩn để đàn áp liểu hai bao cao su đã qua sử dụng chắc chắnchỉ là phát minh của công an VN. Aung San Suu kyi mà ở VN thì sẽ bị tống vào trại phục hồi nhân phẩm ngay tức khắc. Làm gì có cơ hội ngồi vào quốc hội như hôm nay?

  44. Tự do said

    Chốt điểm ở Myanma
    Khai phóng dân chủ trước qua nước Lào

    Sau đó sẽ tiến ào ào
    Qua Tàu sang Việt tuôn trào rất kinh

    Trước làn sóng của dân tình
    Đòi quyền dân chủ Triều đình tính sao?

  45. Mu Sic said

    Trích: …thấy rằng các chính phủ của dân, do dân và vì dân là mạnh hơn rất nhiều trong việc tạo ra sự thịnh vượng

    Obama ăn cắp câu thần chú của đảng ta hehe…

    • baphai said

      Cung cua, do, vi DAN nhung khac nhau ve cot loi: BIP nen toan dan bi ban cung hoa qua tung nam vao dip Tet la tien mat gia, va moi khi lam phat tien, doi tien,,, Cua, do, vi DAN thuc su cua OBAMA moi tao ra su Thinh vuong CHO dan CHO nuoc duoc. Chang biet nhung dua nao TRONG DCSVN an cap mo hoi xuong mau va thanh qua cua long yeu nuoc cua toan dan VN. ..!!!!!!

  46. Ha Le said

    Là Tổng thống của nước Mỹ, nhưng ông ấy còn có dáng dấp và tầm cỡ của một… Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc!

  47. Tự do said

    Franklin Delano Roosevelt, một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ, đã hiểu rõ sự thật này. Ông xác định cứu cánh của Mỹ là điều gì đó nhiều hơn chỉ quyền bỏ phiếu. Ông hiểu dân chủ không chỉ là việc đi bầu. Ông kêu gọi thế giới nắm lấy bốn quyền tự do cơ bản: tự do ngôn luận, tự do thờ phượng, (tự do) thoát khỏi sự bức bách của nhu cầu vật chất, và (tự do) thoát khỏi sự sợ hãi. Bốn quyền tự do này củng cố lẫn nhau, và bạn không thể hoàn toàn thực hiện một mà không thực hiện tất cả chúng.
    —————————–

    Mồm ta đã bị khâu rồi
    Bàn thờ phụng đã bị rờ bỏ đi
    Mưu sinh chẳng có cái chi?
    Bạo lực của đảng xiết ghì khắp nơi

  48. nghiemphe said

    Bai noi gianh cho Mianmar, doc hieu ky TUNG CAU, thay nhu gianh cho moi nuoc doc dang lac hau tren the gioi trong do co VN, TUONG LAI GI CHO VN????!!!!!!!

  49. dân gian said

    Thay mặt BCH TƯ ĐCS VN tôi xin nhận xét: OBM là thằng thần kinh, không chấp nhận bài giảng về tự do, dân chủ của tay này. Theo kiểu của nó là phải bỏ điều 4 HP. Nhưng chấp nhận tiền của nó. Hết!

  50. nghiemphe said

    CUC KY TUYET VOI – BAI NOI cua TTMY, – xu so THE GIOI DAI DONG dau tien cua qua dat nay. =Dieu noi bat la het suc thong minh va NHAN DAO. Nho lai hinh anh OBAMA dung ben ttntd : thu tuong NTD mat beo xung xia, het suc venh vao, bam tron den muc tho thien ngu muoi, OBAMA het suc tuoi cuoi nha nhan, gay com thanh thoat, lam lien tuong ngay toi QUY THAN 2 vai luon ben canh moi nguoi …(trong Thien Chua giao). CHAN CHO LU DAU DAT VN CUOP DOAT THANH QUA LONG YEU NUOC CUA TOAN DAN VIET BAY LAU NAY ROI. (1945-2012)……ngay tu ban dau da tro mat va ngay cang lo ro TRI TE XAU XA…

  51. Dế Mèn said

    Tôi xin gửi lại đoạn diễn văn của TT Obama mà bạn No Way Out đã trích dẫn: “Bây giờ, ngược lại, với tư cách Tổng thống, tôi không thể chỉ việc áp đặt ý chí của tôi lên Quốc hội – Quốc hội Hoa Kỳ – mặc dù đôi khi tôi ước mình có thể làm điều đó. Ngành lập pháp có quyền hạn riêng và đặc quyền riêng của nó, và do đó, họ kiểm soát quyền lực của tôi và cân bằng quyền lực của tôi. Tôi bổ nhiệm một số quan toà, nhưng tôi không thể bảo cho họ phán quyết như thế nào, bởi vì tất cả mọi người ở Mỹ từ một đứa bé đang sống trong nghèo đói cho tới tôi, Tổng thống Hoa Kỳ – đều bình đẳng trước pháp luật. Và một quan toà có thể đưa ra quyết định về việc liệu tôi có tôn trọng luật pháp hay vi phạm pháp luật. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật đó”.

    Có lời nói nào chân thành hơn từ những người nắm quyền lực cao nhất của một quốc gia hơn những lời nói này của TT Obama – người có thể nói là nắm quyền lực cao nhất thế giới? Và đây là bài học về ý thức, trách nhiệm bảo vệ thể chế dân chủ – tôn trọng và bảo vệ Tam Quyền Phân Lập – của lãnh đạo quốc gia.

    Bài học này rõ ràng TT Obama dành cho Theinsein của Miến Điện, nhưng nó được đọc trên miền đất của châu Á, miền đất của sự nhọc nhằn đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Sự nhọc nhằn ấy chưa chắc đã thể hiện gay go, gian khổ, tốn nhiều xương máu và tủi nhục của người dân Miến hơn là ở các vùng đất khác của châu Á. Người dân TQ, Việt Nam, kể cả Kampuchia có lẽ còn cay đắng, tủi cực hơn, đổ nhiều xương máu, nước mắt hơn mà vẫn chưa thấy ánh sáng huy hoàng của nhân quyền, của văn minh ló dạng.

    Do vậy, nó còn là bài học, thông điệp gửi đến những lãnh tụ độc đảng ở TQ, VN, và Kampuchia. Nó là gợi ý, chia xẻ tinh thần lãnh đạo nhân bản, văn minh, văn hiến và tiến bộ nhất của lịch sử nhân loại. Nhưng đồng thời còn là cảnh báo bởi nó là hướng đi duy nhất, hợp lý nhất, là qui luật của xã hội. Trái với nó, sẽ là sự tàn rụi và bại vong, đầy nhục nhã, đổ vỡ!

    Nhân “mùa chất vấn” của các đại biểu QH với chính phủ vừa rồi, thiết nghĩ các ông TBT, CTN, TT và các bộ trưởng, cũng như các đại biểu QH nên học tập, chiêm nghiệm các ý tưởng của TT Obama để mà biết cách thay đổi trong việc lãnh đạo đất nước. Được vậy còn gì bằng.

    Mà nhắc đến TT Obama, nghĩ đến vận mệnh tổ quốc dân tộc. Dân ta, đất nước ta, bao giờ mới bằng người? Dân tộc khôn ắt sẽ có lãnh tụ giỏi, dân tộc giỏi ắt sản sinh lãnh tụ khôn. Chứ không phải các lãnh tụ phường tuồng trí trá, xuẩn ngốc, nghờ nghệt vụng dại như dân tộc chúng ta đang có.

    • dân gian said

      Thủ tướng NTD được nắm tay Tổng thống OBM ở Campuchia rồi đấy, đứng ngang hàng, dòng họ ông TT có quyền tự hào. Nhưng không phải vì thế mà trí tuệ của ông OBM sẽ được truyền sang NTD đâu nhé!

    • Dân mất Nác. said

      Obama phải cúi xuống đề nắm tay T/T ta, chắc ông Obama này muốn học hỏi kinh nghiệm “quản lý” quyền lực, kinh tế cùa 3D đây mà.

    • Tiểu Điền Địa said

      Obama ở đời thứ 44,ông chỉ nhắc lại ý nguyện của George Washington thôi mà,nào dám hó hé dù có tí muốn hó hé nhưng sợ té lăng chiêng.

  52. No Way Out said

    Các ông TB. CTN và Thủ Tướng VN nên đọc và hiểu kỹ câu này để thấy bọn tư bản giãy chết sao nó ngu thế ! Đảng cứ độc quyền lãnh đạo cả Hành pháp , Lập pháp và Tư pháp cho nó gọn ! Đảng vừa đá banh vừa thổi còi xem có vẻ văn hóa hơn bọn Tư Bản :
    ***Bây giờ, ngược lại, với tư cách Tổng thống, tôi không thể chỉ việc áp đặt ý chí của tôi lên Quốc hội – Quốc hội Hoa Kỳ – mặc dù đôi khi tôi ước mình có thể làm điều đó. Ngành lập pháp có quyền hạn riêng và đặc quyền riêng của nó, và do đó, họ kiểm soát quyền lực của tôi và cân bằng quyền lực của tôi. Tôi bổ nhiệm một số quan toà, nhưng tôi không thể bảo cho họ phán quyết như thế nào, bởi vì tất cả mọi người ở Mỹ từ một đứa bé đang sống trong nghèo đói cho tới tôi, Tổng thống Hoa Kỳ – đều bình đẳng trước pháp luật. Và một quan toà có thể đưa ra quyết định về việc liệu tôi có tôn trọng luật pháp hay vi phạm pháp luật. Và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật đó.

  53. […] Miến Điện. Bạn có thể theo dõi các phản hồi của bài viết này thông qua RSS 2.0 dòng thông tin. Bạn có thể Để lại lời nhắn, hoặc trackback từ trang của […]

  54. No Way Out said

    TT Hoa Kỳ Obama chọn viếng thăm Miến Điện sau khi nhậm chức là đúng rồi ! Không lẽ chọn VN , nơi mà không có dân chủ , tự do và quyền con người để viếng thăm? Không lẽ một khôi nguyên Hòa Bình Nobel lại đi thăm ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Tập Cận Bình , chúa đảng của Mafia Chính Trị ?
    Chúng ta hay tự hào là 4,000 năm chống giặc ngoại xâm trong khi Miến Điện cùng một lúc bị nằm kẹp giữa 2 gả khổng lồ mà vẫn thoát được và tự lập một cách ngoạn mục ! Nên nhớ Miến Điện cũng là một trong vài quốc gia hiếm hoi đã đánh thắng Đế Quốc Nguyên Mông vào thế kỷ 13 !

    • HP said

      Ông TT Mỹ qua thăm Miến Điện để gởi thông điệp đến lđ VN , nhắc nhở ông NTD hãy nhớ lại nhưng gì ông D đã từng khuyên MĐ trước đây , vì thật sự nếu VN không cải cách cơ chế chính trị như MĐ hoặc theo thể chế chính trị ổn định đã được chứng thực như Singgapore , hội nhập cùng khối Asian , từ bỏ chủ nghĩa M-L ( chỉ còn VN là nước duy nhất cung kính tôn thờ tự biên tự diễn) , ly thân với anh bạn vàng gian tham trù úm dân tộc thì chắc chắn nước VN khó thoát họa vong quốc hoặc thảm kịch dân tộc tương tàn như thời vua Lê chúa Trịnh .

  55. 4L said

    Xin cảm ơn BTV và Huỳnh Phan đã post bài diễn văn tuyệt vời của TT Obama. Qua sự kiện này tôi thật sự ngưỡng mộ tổng thống Thein Sein. Ông xứng đáng được nhận giải Nobel Hòa bình. Ước gì Việt nam mình cũng có một lãnh tụ như Ngài.

  56. Mr.tran said

    Không dũng cảm hành động thì ước mơ mãi là mơ ước

  57. Cựu đảng viên said

    Một bài phát biểu súc tích, sâu sắc và đi vào lòng người, không màu mè, sáo rỗng như những bài phát biểu của các ông lãnh đạo VN.
    Tuyệt vời Hoa Kỳ! Tuyệt vời Myanamar! Từ một đất nước bị cô lâp, bị cấm vận hàng chục năm, Myanmar đã bứt lên hòa nhập với cộng đồng thế giới bằng việc thực thi một nền dân chủ thực sự (chứ không giả tạo như ở VN). Lãnh đạo Myanmar mà đứng đầu là Tổng thống Thein Sein đã đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết để đưa đất nước tiến lên. Với đà này, chỉ dăm năm nữa thôi, Myanmar sẽ hơn hẳn VN về tất cả các mặt. Đó là điều không thể chối cãi.
    Hãy nhìn hàng nghìn người dân Myanmar đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ với sự ngưỡng mộ và háo hức chưa từng thấy cũng đủ biết rằng người dân ở đây đón nhận nền văn minh, dân chủ như thế nào. Liệu Tập Cận Bình/Trương Tấn Sang khi sang đó có được đón như vậy không. Nằm mơ!
    Về phía VN, có thể nói, do ban lãnh đạo CS dốt nát nhưng bảo thủ, tham nhũng, lại có thái độ không dứt khoát với bọn bá quyền Bắc Kinh nên Hoa Kỳ có lẽ cũng sẽ không cần đến VN như trước đây nữa. Họ đã có Thái Lan, Philippin, Singapo, giờ đây là Myanmar.(chưa kể Nhật, Hàn, Úc) để làm đối trọng với Tầu. Với chính sách đối ngoại nửa vời, VN sẽ ngày càng cô lập, không có đồng minh, trừ cái thằng đồng chí “4 tốt” đểu cáng. Ngay cả Lào, Campuchia cũng đã và đang ngoảnh mặt lại với VN.

    • dân gian said

      Riêng đối với 175 Ủy viên BCH ĐCS VN, chỉ cần có đồng chí 4 tốt là đủ để lên thiên đường rồi.
      Thực tế 175 ủy viên này có cuộc sống so vói người dân nghèo ở việt nam có khác gì đang sống trên thiên đường đâu?

  58. Mr.tran said

    Chúc mừng myanma

  59. […] Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học Yangon, Miến Điện […]

  60. Nguyễn Thị Chinh said

    Quá tuyệt vời, rất rõ ràng, rất xúc động khi được nghe những lời của TT. Obama. Nó khác rất xa những gì những vị lãnh đạo ” của dân – do dân – vì dân ” của VN nói. Nói thực chả cần nghe cũng biết các vị ấy nói gì, lải nhải hết ngày này qua ngày khác mà không biết ngượng. TT. Obama nói rất rõ: Tôi có thể bổ nhiệm một thẩm phán, nhưng không có quyền lệnh ông ta phải xử thế nào và ông ta có quyền phán quyết việc làm của Tổng thống có phù hợp pháp luật hay không? ” Ở VN là án bỏ túi, do đảng quyết, chỉ cần 2 bao cao su cũng đủ 7 năm tù. Hu hu thiên đường XHCN là đây.

  61. […] 1400. Phát biểu của Tổng thống Obama Tại Đại học Yangon, Miến Điện […]

  62. Loan said

    Cảm ơn Tổng Thống Obama bài nói chuyện hay quá . Mơ ước 1 ngày đẹp trời cũng những lời này được nói ở quê hương tôi Việt nam.

    • phó thủ tướng phụ trách "hạ uy tín" said

      Ông Clinton cũng có nói rồi nhưng khi dịch ra tiếng Việt thì bị cắt mất, hu hu.

    • Dân mất Nác. said

      Định hướng XHCN của ta là ở trên thiên đàng í, Obama chỉ biết nói chuyện ở quả địa cầu này thôi.

Bình luận về bài viết này