BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

K.Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu

Posted by adminbasam trên 10/05/2009

K.Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu

Kornai János

Trình bày tại Đại học Kanagawa, Yokohama, 6-12-2009*

Dẫn nhập[1]

Tôi e rằng tất cả những gì có thể nói về Karl Marx đã được viết cả rồi. Hàng ngàn bài báo, bài nghiên cứu và hàng trăm cuốn sách đã được xuất bản trong đó có thể thấy đủ mọi thứ từ ca tụng cuồng nhiệt, phân tích khách quan, đến căm thù giận dữ. Cái tôi có thể thêm vào kho tài liệu mênh mông này chỉ là quan điểm cá nhân mà từ đó tôi xem xét công trình của Marx. Tôi là một người Hungary, một người Đông Âu, sinh năm 1928, tôi bắt đầu trở thành người lớn vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Những diễn biến lịch sử lớn đã gây những ấn tượng sâu sắc lên tư duy của tôi: chiến tranh tàn phá đất nước chúng tôi, Holocaust (vụ tàn sát hàng loạt [người Do thái]), giải phóng khỏi ách thống trị Nazi, đảng cộng sản lên nắm quyền với hệ thống xã hội chủ nghĩa của nó, cách mạng Hungary 1956 và việc đánh gục nó, sự khôi phục hệ thống xã hội chủ nghĩa, các cuộc cải cách trong các năm 1960 về chủ nghĩa xã hội thị trường và chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người và sự thất bại của chúng, sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự trở lại của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nền dân chủ thế chỗ cho chế độ độc tài, và khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay. Chỉ chúng tôi, những người sống ở Đông Âu và bây giờ vào tuổi bảy tám mươi, có thể nói rằng chúng tôi đã đích thân trải nghiệm, không phải một vài lần mà tám lần, những thay đổi hệ thống, những sự biến đổi vĩ đại, hay chí ít các bước ngoặt đột ngột tiến và lùi, rẽ sang và quay lại của chế độ chính trị có nghĩa là gì. Đối sánh chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, so sánh các đặc tính của hai loại hệ thống này, những biến đổi vĩ đại: đấy là những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử thế giới mà Marx quan tâm nhất và cố thử để hiểu. Chúng tôi, tuy vậy, không chỉ quan tâm đến chúng về mặt trí tuệ – chúng tôi đã trải nghiệm những thay đổi đó. Có lẽ lượng kinh nghiệm sống này, chứ không phải khả năng phân tích đặc biệt nào đó, khiến cho tôi có thể thêm nét đặc sắc nào đó vào kho tàng tài liệu lớn và có giá trị về Marx.[2]

Khi các vị chủ nhà Nhật mời tôi trình bày báo cáo này, họ nhấn mạnh rằng có hai sự kiện gắn với nhau. Một là có một hội thảo chuyên môn về Karl Marx, và báo cáo của tôi sẽ được trình bày trong khuôn khổ hội thảo đó. Sự kiện khác là Đại học Kanagawa kỷ niệm tám mươi năm thành lập. Khi họ biết rằng năm nay các nhà kinh tế học Hungary đã mừng sinh nhật lần thứ 80 của tôi, tức là chính xác tôi cùng tuổi với đại học của họ, có lẽ hợp nếu tôi có thể tham gia lễ kỷ niệm thành lập với báo cáo của mình. Đó là một niềm vinh hạnh lớn và tôi rất cảm ơn các vị chủ nhà đã mời. Tôi chào mừng các bạn nhân dịp sinh nhật này với những lời chúc nồng nhiệt và với sự đồng cảm của một người 80 tuổi.

Bởi vì bản thân lời mời có tính chất cá nhân, có lẽ có thể chấp nhận được, nếu giọng bài trình bày của tôi mang tính chủ quan. Tôi không truyền đạt lập trường tập thể loại nào đó của các trí thức Đông Âu, mà tôi kể chuyện cá nhân của chính mình. Cuộc sống của mỗi cá nhân là đơn nhất và khác với cuộc sống của mọi người khác. Thế nhưng, tôi có thể nói thêm rằng từ nhiều khía cạnh câu chuyện của riêng tôi có tính điển hình. Nếu không phải là toàn bộ đường đời của tôi, nhưng các pha khác nhau của nó có thể đại diện cho các pha tương tự của cuộc sống của nhiều người khác. Khi hồi ký tự sự của tôi, cuốn Bằng sức mạnh tư duy, được xuất bản, nhiều người tìm đến và nói với tôi rằng đọc ký sự cá nhân của tôi về một giai đoạn hay giai đoạn khác họ nhận ra câu chuyện của chính họ.[3] Tôi hy vọng điều này cũng đúng hôm nay, khi tôi kể về: quan hệ của tôi đã như thế nào với những tư tưởng của Marx trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời riêng của tôi (và của lịch sử mà đã ảnh hưởng rất lớn đến đời tôi).

Tôi chỉ lựa ra vài tư tưởng trong sự nghiệp vô cùng phong phú của Marx. Chỉ để trình bày những nhận xét riêng của tôi liên quan đến mỗi tư tưởng này thực ra cũng cần đến một hai tiểu luận, thế mà trong khung khổ hiện tại tôi chỉ có nhiều nhất vài phút cho mỗi ý đó. Vì thế tôi không thể đưa ra những lập luận phân tích chi tiết. Tôi hy vọng rằng thể loại được chọn – tường thuật câu chuyện chủ quan về mối quan hệ của tôi với công trình của Marx – sẽ cho phép việc thảo luận các đề tài lớn với nhịp độ rất cao.

Cái gì thu hút tôi đến với Marx…

Tôi đã là một cậu bé, một con mọt sách. Thực sự tôi đã đọc ngiến ngấu không chỉ những kiệt tác văn học, mà cả các tác phẩm triết học và lịch sử nữa, nhưng trước 1945 tôi đã chẳng đọc một bài viết nào của Marx cả. Ở nhà, trong gia đình khá giả, đã chẳng có ai, ở trường, nơi người ta dạy con em của giới trung lưu, cũng đã chẳng có ai giới thiệu cho tôi một tác phẩm Marxist nào. Thế mà, một vài năm sau tôi đã tự nhận là một người Marxist có ý thức.

Cái gì đã gây ra sự thay đổi nhanh chóng này và đã thu hút tôi vô cùng mạnh mẽ đến với Marx?

Trong thời dậy thì nhạy cảm nhất của mình, đầu tiên tôi đối mặt với các luật phân biệt đối xử với người Do Thái, sau đó là những trải nghiệm nhục nhã của sự săn đuổi, sự ẩn náu, trốn chạy, khiếp sợ. Khi cuộc bao vây Budapest chấm dứt, chẳng bao lâu trở nên rõ ràng là, họ đã đưa cha tôi đi Auschwitz và ông bị giết ở đó, còn anh cả tôi đi nghĩa vụ lao động thì không trở về. Ngần ấy tôi đã hiểu từ việc học lịch sử và từ những trải nghiệm cá nhân rằng chế độ Hitler và những kẻ đồng lõa Hungary của nó đã kéo chúng tôi vào chiến tranh và diệt chủng. Nhiều đảng đã hình thành, và tôi rất nhanh chóng trở thành người ủng hộ đảng cộng sản. Ý nghĩ đầu tiên hướng tôi tới đó là: đảng cộng sản là đảng duy nhất, bất chấp rủi ro bị truy bắt, đã kiên định đấu tranh suốt hàng thập kỷ chống lại chế độ Horthy – chế độ đã liên minh với Hitler và sau đó đã đưa sự cai trị Nazi vào Hungary. Họ đã là những người chống phát xít kiên định nhất. Chỗ của tôi là ở trong hàng ngũ của họ. Vì thế tôi đã gia nhập, chứ không phải vì cương lĩnh cải biến xã hội xã hội chủ nghĩa của họ đã cổ vũ, cương lĩnh mà khi đó tôi ít biết đến và bản thân những người cộng sản cũng ít nói tới.

Sau đó khi tôi bắt đầu đi dự các buổi họp và thuyết trình của phong trào thanh niên do đảng cộng sản lãnh đạo, tôi bắt đầu đọc các cuốn sách mỏng do đảng phát hành. Tôi có thiện cảm với hệ tư tưởng của đảng, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa có vẻ thuyết phục. Chưa đầy một năm sau giải phóng tôi đã đến với Marx như vậy. Tôi mười tám tuổi, khi lần đầu cầm cuốn Tư bản luận (bằng tiếng Đức, vì khi đó vẫn chưa có bản dịch ra tiếng Hungary) trong tay, và cùng với bạn thân nhất của mình chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng từng dòng một và ghi chép rất chi tiết.

Tôi dừng lại ở đây một chút để lưu ý bạn đọc về thứ tự thời gian. Không phải kinh nghiệm trí tuệ đã cho tôi, một con mọt sách trẻ, cú hích khởi động đầu tiên đến với Marx, mà đầu tiên là sự tiếp cận chính trị, sự tham gia vào hoạt động của đảng cộng sản, và sau đó mới là ảnh hưởng của việc đọc sách, đọc tác phẩm của Marx. Tôi đã không bắt đầu với việc lựa chọn Marx giữa các trào lưu tư tưởng khác nhau, giữa các trường phái kinh tế học hay triết học khác nhau. Tôi đã bắt đầu với việc lựa chọn đảng cho bản thân mình giữa các phong trào chính trị, các đảng và các hệ tư tưởng khác nhau, và đảng cộng sản đã đặt các công trình của Marx lên bàn của tôi.

Tôi có thể liệt kê dài dài về những đặc điểm mà Tư bản luận đã có ảnh hưởng mạnh nhất khi đó lên tôi, nhưng bây giờ ở đây tôi chỉ lựa ra vài điểm trong số đó.

Việc đọc càng tiến triển tôi càng mê logic sắc sảo, dòng suy nghĩ và lập luận chặt chẽ, việc sử dụng khái niệm chính xác của tác phẩm. Ngay từ khi còn rất trẻ tôi đã có tính mà các thành viên gia đình và các cộng sự của tôi chế nhạo là “cuồng ngăn nắp”. Tôi khó lòng chịu nổi sự lộn xộn, lang thang trong các bài viết hay bài nói nghiêm túc, thậm chí trong cả các cuộc trò chuyện không gò bó. Marx đã ngay lập tức chinh phục tôi với cấu trúc lập luận sáng sủa, trong sáng, với các khái niệm sắc bén. Chỉ rất lâu sau tôi mới biết các tác phẩm đã chuyển hóa một số phần của lâu đài trí tuệ đồ sộ của Marx sang ngôn ngữ mô hình toán học. Thí dụ các nhà kinh tế học Hungary Bródy (1969) và nhà kinh tế học Nhật Bản Morishima (1973) đã diễn đạt lý thuyết tái sản xuất của Marx bằng các mô hình input-output, nhà kinh tế học Mỹ Roemer (1986) đã sử dụng cả các công cụ tiêu chuẩn của kinh tế học vĩ mô dòng chủ lưu để diễn đạt lại kinh tế học chính trị của Marx. Việc sử dụng ngôn ngữ toán học nghiêm ngặt của các nhà lập mô hình được dễ dàng bởi vì Marx đã trình bày nguyên liệu tư duy ban đầu (thí dụ lý thuyết tái sản xuất) theo một trật tự có logic, cố gắng dùng các định nghĩa chính xác ngay từ đầu.

Nếu không phải ngay từ lần đọc đầu tiên, thì muộn hơn, khi tôi đã đọc khá nhiều và đã học được từ công trình của các tác giả Marxist, còn một hiện tượng nữa đã có tác động lớn đối với tôi. Tôi đã có cảm tưởng, rằng một nhà Marxist có trong tay một chìa khóa có thể mở mọi cánh cửa. Nhà Marxist có một bộ máy phân tích và một hệ thống khái niệm mà sức mạnh giải thích của nó là vạn năng. Bất luận đó là đánh giá một sự kiện lịch sử, một vấn đề kinh tế hay một buổi biểu diễn vừa xem xong, trong tay nhà Marxist có các công cụ mà với chúng có thể giải quyết vấn đề phân tích. Điều này tạo cảm giác tự cao trong ông ta. Có thể là X. Y. biết giai đoạn ban đầu của chủ nghĩa tư bản một cách chi tiết bởi vì anh ta đã bỏ hàng năm ra nghiên cứu tỷ mỷ, nhưng anh ta không phải là nhà Marxist, còn tôi là, và vì thế tôi hiểu thời kỳ lịch sử này đúng hơn. Có thể nhà mỹ học N. N. có khiếu thẩm mỹ văn học chắc chắn hơn, và là chuyên gia về kịch, nhưng anh ta không phải là nhà Marxist, còn tôi là, và vì thế tôi nhận ra đúng hơn các giá trị đích thực và những thiếu sót của vở kịch.

Các trí thức trẻ thèm khát loại giải thích thế giới chung nào đó. Có người tìm thấy lời giải thích tổng quát trong niềm tin vào Chúa, hay có lẽ trong một tôn giáo nào đó. Ngày nay nhiều nhà kinh tế học hay nhà khoa học xã hội khác được đào tạo một cách hiện đại cho rằng có thể tìm thấy lời giải thích cho mọi hành động con người và sự kiện xã hội trong lý thuyết quyết định duy lý. Đối với tôi nhu cầu mạnh mẽ về công cụ giải thích vạn năng đã được chủ nghĩa Marx thỏa mãn, chính xác hơn là loại chủ nghĩa Marx mà các nhà Marxist sống trong môi trường trí tuệ của tôi khi đó đã coi là của mình và đã sử dụng. Tôi không nghĩ đến những kẻ không chuyên tầm thường, mà nghĩ đến những đồng bào của mình, như Lukács György, nhà triết học, hay Varga Jenő nhà kinh tế học – đều là những người nổi tiếng thế giới trong ngành của mình. Tôi đã cảm thấy rằng, tôi càng hiểu biết Marx và các môn đồ xuất sắc của ông cặn kẽ hơn, thì tôi càng có thể nắm chắc hơn chiếc chìa khóa mở mọi cánh cửa.

Trong số các lực lôi cuốn, tôi nhắc đến cái thứ ba, tuy thực ra nó tác động song trùng với hai lực kia: sự cam kết đầy nhiệt huyết của Marx với những người bị áp bức, bị bần cùng cũng đã tác động sâu sắc đến tôi về mặt tình cảm. Số phận run rủi là, năm 1944, năm cuối cùng của chiến tranh đã tách tôi khỏi sự tiện nghi của một gia đình trung lưu. Trong vài tháng tôi đã làm công việc chân tay nặng nhọc trong một nhà máy gạch. Những công nhân khác đã thân thiện tiếp nhận một thanh niên gầy gò, nhưng chăm chỉ. Tôi đã đến thăm nhà của họ, và dù muốn hay không tôi đã không thể không so sánh căn hộ quen thuộc, rộng rãi, thanh lịch của chúng tôi với nhà ở chật chội của họ, thức ăn sung túc ở nhà với thức ăn ít ỏi của họ. Hình thành và từ đó vẫn sống trong tôi ý thức đoàn kết. Tư bản luận đã là sách đọc cảm động về khía cạnh này nữa, vì trong đó có sự kết hợp không thể tách rời của sự phân tích kinh tế học lạnh lùng, cảm giác con người nồng ấm và sự phẫn nộ đối với bóc lột.

… và cái gì đã làm tôi vỡ mộng với các tư tưởng của Marx

Bây giờ tôi nhảy qua thời gian. Ở trên tôi kể về các năm đầu sau chiến tranh, tôi đã thử nhớ lại bức chân dung trí tuệ của mình khi đó. Khi thời gian trôi đi, tôi đã nắm vững nhiều và nhiều hơn những giáo huấn của Marx và các môn đồ của ông – và cho đến 1953, đến khi Stalin chết, rồi đến các năm đầy bão tố, đánh dấu điểm ngoặt trong đời sống của các đảng cộng sản và các nước dưới sự cai trị của các đảng đó. Chúng cũng tạo ra điểm ngoặt trong tư duy của tôi.

Bước ngoặt bây giờ cũng chẳng bắt đầu trên bình diện trí tuệ, thí dụ giả như tôi đã đọc các tác phẩm phê phán các học thuyết của Marx. Không phải sự phê phán được xuất bản trong các sách hay các tạp chí đã thuyết phục tôi, rằng Marx đã nhầm về những vấn đề cơ bản. Hoàn toàn là các tác động khác đã làm lung lay – không phải hệ thống tư duy mà tôi đã xây dựng một cách vững chắc cho đến khi đó, mà làm lung lay niềm tin của tôi. Tôi đã gặp một đồng nghiệp già, một người cộng sản từ xưa, người đã bị tù và bị tra tấn tuy đã chẳng phạm tội gì. Cho đến thời điểm đó tôi đã không biết, rằng bằng tra tấn cảnh sát mật chính trị nhân danh các tư tưởng cộng sản đã buộc các tù nhân thú nhận tội giả, theo lệnh trực tiếp của các lãnh đạo tối cao. Nền tảng đạo đức của lòng tin của tôi sụp đổ. Nếu điều này có thể được làm nhân danh đảng cộng sản, thì ở đây hẳn phải có tai họa lớn khác!

Nhìn lại tôi thấy rằng trước bước ngoặt này đã hình thành một cơ chế tự vệ đặc biệt trong đầu óc tôi. Tôi đã tin vào các tư tưởng cộng sản không chỉ bằng trí tuệ, mà bằng cả tấm lòng và trái tim, và vì thế đã hình thành các hàng rào bảo vệ ngăn cản sự thâm nhập của các tư tưởng xa lạ với chủ nghĩa Marx và các học thuyết xã hội chủ nghĩa. Một tác phẩm tranh luận với Marx có đến với tôi cũng vô ích. Tôi không coi nó ra gì, tôi gạt bỏ nó, cho rằng đấy là tiếng nói đầy thành kiến của kẻ thù. Tôi cảm thấy mình được miễn thứ khỏi phải so đọ các tư tưởng có thể được tôi chấp nhận với các tư tưởng đối lập. Trạng thái tâm thần này không chỉ đặc trưng cho những người cộng sản vững tin, mà ít nhiều cũng đặc trưng cho những người cuồng tín khác nữa.[4] Biện lý hay thẩm phán của tòa dị giáo, viên chức của tổ chức khủng bố phái những kẻ đánh bom liều chết, người truyền giáo, người thuyết giáo theo thuyết chính thống, hay một chính trị gia vững tin có sức thu hút quần chúng có thể là người có học thức và thông minh, có thể có khả năng trí tuệ cao, nhưng niềm tin cuồng tín riêng của họ gạt bỏ các lý lẽ đối lập khỏi suy nghĩ của họ. Họ không thể được thuyết phục bằng bất cứ lý lẽ duy lý, điềm tĩnh nào cho đến khi những trụ đỡ đạo đức của niềm tin đó còn vững chắc trong tâm khảm họ.

Khi nền tảng đạo đức đột ngột sụp đổ dưới chân tôi, thì cùng lúc các cửa cống mở ra, và dòng các tư tưởng phê phán tràn vào. Ở đây tôi lại dừng lại một chút để lưu ý bạn đọc về bài học của câu chuyện của riêng tôi. Lại lần nữa đã có cái gì đó đi trước bước ngoặt trí tuệ hiểu theo nghĩa hẹp. Sự kiện đi trước lần này không xảy ra trên bình diện chính trị, mà trên bình diện đạo đức. Một khi các cửa cống đã mở, tôi đã cởi mở trước các lý lẽ. Từng mục một, tôi đối sánh những tư tưởng và các phương pháp Marxist mà tôi đã biết trước đây với sự phê phán mà tôi mới biết. Các ý tưởng mới thâm nhập vào tôi, và đột nhiên tôi cũng trở nên phê phán trên bình diện trí tuệ nữa. Tôi bắt đầu đối mặt với các vấn đề mà trước kia tôi luôn xua đuổi tuy chúng vẫn lởn vởn đâu đó ở bên rìa suy nghĩ của tôi.

Thời đó tôi là một nhà báo viết về đời sống kinh tế. Nhiều lần tôi đã bắt gặp những hiện tượng trái khoáy: hàng trăm loại thể hiện của sự lãng phí, vô kỷ luật, chất lượng kém, sự thiếu hụt. Toàn những vấn đề mà kinh tế học chính trị của Marx chẳng cung cấp cho tôi loại công cụ nào để phân tích. Đây là kinh tế học loại gì mà lại chẳng có nội dung đáng kể nào về các vấn đề hiển nhiên mang tính kinh tế này? Tai họa không phải là nó đưa ra các câu trả lời sai cho những câu hỏi này, mà là nó chẳng thèm nêu ra chúng. Tôi bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc và học các lý thuyết khác kình địch với lý thuyết của Marx, và đột nhiên thấy một thế giới trí tuệ mới mở ra trước mắt mình. Chúng đề cập, đúng hay tồi, đến các vấn đề thực sự là các vấn đề rõ ràng còn bỏ ngỏ của cuộc sống kinh tế hoạt động xung quanh tôi. Đúng là một phần các vấn đề do chúng thảo luận chỉ nảy sinh trong các điều kiện của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng chúng cũng thảo luận một cách có hệ thống các vấn đề chung nữa (thí dụ, tính hiệu quả, hay các khía cạnh của sản xuất và nhu cầu, các vấn đề của mối quan hệ cung và cầu), mà các vấn đề đó cũng không kém quan trọng trong hoàn cảnh kinh tế xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa tư bản.

Những nghi ngờ của tôi cũng nổi lên liên quan đến những luận đề lý thuyết mà Marx và các môn đồ của ông đã không bỏ qua, ngược lại được đưa ra sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi chỉ nêu một thí dụ, những khẳng định của Marx được trích dẫn nhiều lần về sự tích tụ nghèo khổ. Nói về “quy luật chung về sự tích tụ tư bản” Marx khẳng định: “Sự tích tụ của cải ở một cực, vì thế, đồng thời là sự tích tụ nghèo khổ, lao động thống khổ, nô lệ, ngu dốt, tàn bạo và sự thoái hóa đạo đức, ở cực bên kia…” (Tư bản luận, I, (1867) [1967] trang 645). Các môn đồ của Marx thường nói về sự nghèo khổ tương đối và tuyệt đối của giai cấp lao động – và điều này không mâu thuẫn với gợi ý của câu trên. Ngược với khẳng định này, không chỉ những cảm nhận hời hợt thu được qua các cuộc du ngoạn nước ngoài, mà tất cả các số liệu thống kê đáng tin cậy cũng chứng minh rằng mức sống trung bình của những người sống bằng sức lao động của mình ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển trong một thế kỷ đã tăng lên rất đáng kể. (Trong khi đó tất nhiên không thể chối cãi là ở đó sự nghèo khổ cũng chẳng biến mất đi). Đây không phải là một sự hiểu lầm nhỏ nhặt, không phải là một sự nhầm lẫn có thể dễ sửa. Luận đề tiên đoán sự bần cùng hóa của giai cấp vô sản có vai trò cốt yếu trong việc rút ra kết luận cuối cùng của dòng tư duy Marxian. Giả như đúng là sự bần cùng tăng liên tục, và trở thành hàng loạt, thì sự giận dữ của hàng triệu người đã quét sạch chủ nghĩa tư bản từ lâu rồi.

Tôi đã tiến triển liên tục trong tìm hiểu sự phê phán các học thuyết Marxian, và quá trình học này kéo dài nhiều năm. Ngày càng nhiều luận đề – đóng vai trò quan trọng trong lý thuyết kinh tế học Marxian – trở thành không thể chấp nhận được đối với tôi. Cuối cùng tôi đã đạt đến điểm để bác bỏ học thuyết giá trị lao động cùng với việc làm quen với các lý thuyết giải thích tốt – và với nhịp độ tiến triển của việc nghiên cứu ngày càng giải thích tốt hơn – sự vận động thực tế của giá cả, lương, các chi phí, và lợi nhuận.[5]

Trách nhiệm trí tuệ đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa

Hãy quay lại những năm ngay trước cách mạng Hungary 1956. Từ một người xây dựng xã hội chủ nghĩa nhiệt thành và ngây thơ trước kia, kể từ giữa các năm 1950 tôi đã trở thành nhà phê phán gay gắt – và ngày càng gay gắt hơn – đối với hệ thống.

Các thành viên của thế hệ tôi đã trải qua sự biến đổi tư tưởng không phải với cùng nhịp độ và với cùng hình thức. Có người ngay lập tức vứt bỏ quan niệm cũ, có người chỉ từng bước một, bảo vệ từng mẩu tư tưởng khỏi sự hủy diệt. Có người, tự mình bắt đầu cải cách tư tưởng của mình từ sớm, và có người trì hoãn và chỉ sau nhiều thập kỷ mới bắt đầu. Nhưng rốt cuộc các tấn kịch lịch sử vĩ đại, mà họ đã cùng trải nghiệm, đã tạo ra sự biến đổi tư tưởng của cả nhóm trí thức này và của mọi thành viên của nó.[6] Đối với những trí thức khởi đầu như các nhà Marxist và cộng sản vững tin thì sự kiện choáng váng là cách mạng Hungary 1956 và sự đàn áp đẫm máu, rồi đến phong trào Mùa xuân Praha năm 1968 và sự đè bẹp nó, sau đó là phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan và những cuộc bắt bớ và ban bố tình trạng khẩn cấp kế tiếp. Những sự nghi ngờ ngày càng mạnh ngay cả trong những người cố thử giữ gìn dù cho chỉ một mẩu thế giới quan một thời của họ. Câu hỏi giày vò chúng tôi là một trong những câu hỏi cơ bản của thế kỷ 20: thực ra hệ thống mà người ta gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện tồn” là loại hệ thống gì? Liệu nó có đi cùng một cách không tránh khỏi với nhiều đau khổ mà chúng ta đã phải chịu đựng, từ nạn đói, sự lạc hậu kỹ thuật, đến thiếu hụt kinh niên, từ bóp nghẹt tự do tư duy đến sự khủng bố tàn bạo của cảnh sát và Gulag hay không? Hay tất cả những kinh nghiệm đau xót này chỉ là sự méo mó do việc thực hiện tồi một cách tội lỗi gây ra, chứ thực ra chẳng liên quan gì đến Marx, đến học thuyết của ông và đến cương lĩnh hành động mà ông công bố?

Diễn đạt theo cách khác: Marx có chịu trách nhiệm không về những gì đã xảy ra ở Liên Xô của Lenin, Stalin, Khrushev và Brezhnev, ở Trung Quốc của Mao và ở các nước cộng sản khác do các học trò của họ cai trị?

Nhiều người đã diễn toàn bộ câu chuyện trong trí tưởng tượng của mình: giả như nếu với cùng thân thể và tâm hồn thời xưa của ông, giả như ông không sống vào thời đó, mà đã sống trong thế kỷ 20, thí dụ ở Budapest, thì Marx đã ứng xử thế nào? Có thể phỏng đoán rằng ông đã bắt đầu như một người cộng sản, nhưng tinh thần phản kháng của ông mau chóng kéo ông vào hàng ngũ những người chống lại chế độ cộng sản. Có lẽ ông phải vào trại tập trung trong các năm 1950, nhưng thoát ra được, ông đã tham gia các cuộc tranh luận trí tuệ hồi hộp trước và chuẩn bị tinh thần cho cách mạng 1956. Chắc ông đã ở giữa các nhà cách mạng khi đó, và nếu tránh được làn sóng bắt bớ sau đó, thì chắc ông đã xuất bản chui những phê phán của mình với dọng châm chọc chua cay chống lại nền kinh tế kiểu Soviet. Đây là một dòng suy nghĩ lý thú, trong trí tưởng tượng nó miễn thứ cho Marx, cho con người, cho tính cách rất đặc trưng đối với ông, và khính trọng lòng dũng cảm và lòng trung thành với nguyên tắc của ông. Nhưng đồng thời nó cũng lảng tránh câu hỏi thực sự xác đáng được nêu ra ở trước: quan hệ giữa những tư tưởng lý thuyết của Marx và thực tế lịch sử của hệ thống xã hội chủ nghĩa là gì? Trong phép xấp xỉ đầu tiên, tôi sẽ thử trả lời một cách ngắn gọn: hệ thống xã hội chủ nghĩa (không phải loại hệ thống không tưởng đẹp đẽ trong trí tưởng tượng, mà là hệ thống đã tồn tại mà trong đó bản thân tôi đã sống) đã thực hiện kế hoạch của Marx.

Tôi biết rằng nghe câu chắc nịch này nhiều người sẽ sửng sốt, có lẽ cả một số người ngồi đây nữa. Nhưng tôi vẫn nhắc lại. Theo niềm tin của tôi, khẳng định đó là đúng và có thể được hậu thuẫn bằng những sự thực kinh nghiệm lịch sử, rằng cái đã hình thành sau 1917 trong khu vực cộng sản của thế giới, và đã tồn tại đến 1989, về cơ bản đã thực hiện cái mà Marx đã coi là hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ hình thành như cái đối lập của chủ nghĩa tư bản.

Cái nhân cốt lõi của dòng tư duy Marxian là sở hữu tư nhân đặc trưng cho các mối quan hệ sở hữu của chủ nghĩa tư bản. Để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản phải chuyển tư liệu sản xuất thành công hữu. Chừng nào sở hữu tư nhân còn chiếm ưu thế, thì thị trường điều phối sự hợp tác con người, sự trao đổi tài sản, sự phân bổ lực lượng sản xuất. Thị trường là nhà điều phối hoạt động không tốt, thị trường rắm rối, không rõ ràng, hỗn loạn. Sở hữu công sẽ cho phép phân bổ lực lượng sản xuất và rốt cuộc lao động con người trở nên minh bạch, rõ ràng và có kế hoạch.

Tôi đưa ra vài trích dẫn để hậu thuẫn cho những điều mà tôi nhắc đến ở trên đúng là các tư tưởng riêng của Marx (chứ không chỉ là các tư tưởng Marxian có lẽ do những môn đồ của ông đã pha loãng hay đã hiểu nhầm chúng). Tôi trích Tư bản luận: “Độc quyền tư bản trở thành xiềng xích của chính phương thức sản xuất đã nảy sinh và thịnh vượng với nó và dưới nó… Giờ tận số của sở hữu tư nhân tư bản đã điểm. Những kẻ chiếm đoạt bị tước đoạt.”  (Capital Vol. 1 (1867) [1967], p. 763). Hay một trích dẫn quan trọng khác:  “…sự hỗn loạn liên tục và những biến động chu kỳ là những thứ đi cùng chí tử của sản xuất tư bản chủ nghĩa…” – Marx viết trong nghiên cứu về “Nội chiến ở Pháp” ((1871) [1988], p.61). Và trong cùng đoạn văn vừa được trích dẫn có thể thấy cụm từ kế hoạch chung các từ mà người ta hay nhắc đến: “…các hiệp hội hợp tác điều tiết nền sản xuất quốc dân theo một kế hoạch chung, đặt nền sản xuất ấy dưới sự điều khiển của mình…”

Bây giờ chúng ta hãy so sánh các luận đề lý thuyết nêu trên với thực tế của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã hình thành ở Liên Xô và các nước cộng sản khác! Hai nét đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống hiện thực chính là cái Marx đã kỳ vọng và chỉ dẫn:

1)      Đã tiến rất gần đến việc xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất (tuy những tàn tích què quặt, bị siết chặt của nó vẫn tồn tại đó đây), và thay vào đó sở hữu công, chủ yếu dưới dạng sở hữu nhà nước, trở nên áp đảo.

2)      Đã tiến rất gần đến việc xóa bỏ hoàn toàn điều phối thị trường (tuy những tàn tích vẫn còn trong nền kinh tế đen và xám), và thay vào đó kế hoạch hóa tập trung, điều phối quan liêu, nền kinh tế chỉ huy trở nên áp đảo.

Tôi đã không tùy tiện đưa ra hai đặc điểm trong số các đặc điểm thứ yếu của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ở đây tôi nói về hai đặc điểm cơ bản của hệ thống kinh tế.[7]

Nếu tôi đã tranh luận với các nhà Marxist thiển cận về điều này, thì một trong những lập luận phản lại quen thuộc đã là: chế độ Stalinist hay Maoist đã sử dụng tên của Marx chỉ như biểu tượng đánh lạc hướng, đã chỉ nhắc đến như thánh bảo trợ, mặc dù trong thực tế chúng chẳng có gì chung với ông cả. Ở trên tôi đã cố gắng đối chọi với lập luận này bằng những lời lẽ của chính Marx và Engels. Các chế độ đó có toàn quyền để dẫn chiếu đến Marx, vì chúng đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử vĩ đại do ông đề ra.

(Tôi lưu ý chỉ trong ngoặc đơn, rằng phân tích đặc điểm nêu trên phù hợp với đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay, cái đảng trương ảnh Marx trên tường như “thánh bảo trợ” trong các dịp nghi lễ chính trị để che dấu chính sách thực của nó. Đảng cộng sản Trung Quốc trình bày ý thức hệ giả mạo khi dẫn chiếu đến chủ nghĩa Marx. Cái hệ thống mà đảng cộng sản ngự trị về cơ bản mang tính tư bản chủ nghĩa, vì sở hữu tư nhân đã trở thành hình thức sở hữu áp đảo, và bởi vì cơ chế điều phối chính là cơ chế thị trường. Như thế, chính xác là cái đối lập đã được thực hiện trong mười-hai mươi năm so với cái Marx đã nêu thành cương lĩnh, cũng như cái đã thực sự hình thành ở các nước xã hội chủ nghĩa trước kia.)

Những người bảo vệ kiên định các học thuyết của Marx không thích đối mặt với khẳng định đanh thép rằng đảng Bolshevik Nga và các đảng đi theo ở các nước khác đã thực hiện cương lĩnh biến đổi của Marx. Không phải một lần tôi đã đích thân trải nghiệm điều này. Tại vài đại học Mỹ tôi đã gặp các sinh viên thông minh và quan tâm, những người tự coi mình là “các nhà kinh tế học cấp tiến”. Họ tận tâm đọc và học các tác phẩm mà họ cho là có thể chấp nhận được về mặt chính trị. Họ đã sẵn sàng tìm hiểu, thậm chí nghiên cứu kỹ lưỡng cả các lý thuyết kinh tế học và các phương pháp của dòng chủ lưu nữa. Thế nhưng, họ không thèm nghiên cứu sâu nền kinh tế của Liên Xô hay của các nước Đông Âu. Trong con mắt của họ đấy là cái gì đó không đáng quan tâm, hay có lẽ trúng hơn, nếu tôi nói: là hiện tượng khả ố, ghê tởm chẳng liên quan gì đến họ và chẳng có quan hệ gì với các tư tưởng của Marx mà họ kính trọng và chấp nhận. Theo quan điểm của tôi họ chúi đầu vào cát như những con đà điểu.

Tôi bắt gặp hiện tượng này không chỉ ở các sinh viên trẻ. Bây giờ, khi chuẩn bị cho báo cáo này, tôi đọc lại các công trình của các nhà bác học có đầu óc cởi mở, có học thức cao, diễn giải lại các lý thuyết Marxist, tôi chợt thấy rằng ngay các công trình xuất sắc nhất cũng hoàn toàn bỏ qua sự đối sánh những kinh nghiệm lịch sử của Liên Xô, của Trung Quốc và các nước Đông Âu trước cải cách với cương lĩnh xã hội chủ nghĩa của Marx. Những tên như Lenin hay Stalin chẳng hề xuất hiện trong các tác phẩm này.

Theo quan điểm của tôi, sự chính trực trí tuệ và chính trị đòi hỏi chúng ta phải đối mặt một cách tận tâm với câu hỏi: những tư tưởng của Marx có liên quan gì đến hệ thống xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện? Marx có liên quan gì đến Lenin và Stalin? Tôi đã thử đưa ra câu trả lời thẳng thắn của mình. Có thể tranh luận về câu trả lời của tôi, song tính chính đáng của câu hỏi thì khó có thể tranh cãi.

Một nền kinh tế, nơi người ta loại bỏ sáng kiến tư nhân và sự điều phối thị trường, buộc phải dựa vào sự điều chỉnh hành chính, từ trên xuống. Trong một cơ chế như vậy, phải cưỡng bức kỷ luật và thực hiện các mệnh lệnh từ trên xuống bằng con đường hành chính. Hệ thống xã hội chủ nghĩa không thể hoạt động mà không có sự trấn áp. Nếu nới lỏng bộ máy trấn áp, chẳng sớm thì muộn hệ thống sẽ sụp đổ. Điều này đã xảy ra ở Liên Xô, và khi nó bắt đầu tan rã, ở các nước cộng sản Đông Âu cũng thế.

Gắn vào đây là lập trường của Marx về vấn đề nền độc tài [chuyên chính] và dân chủ. Có lẽ, bản thân ông cũng rùng mình, nếu giả như với chính mắt mình ông nhìn thấy cái gì xảy ra trong các phòng tra khảo của Cheka hay tại các trại tù ở Siberia. Thế nhưng trong khi cần diễn đạt chỉ trên tờ giấy, thì cả Marx lẫn Engels đều khinh miệt nói về chủ nghĩa lập hiến, chế độ đại nghị, nền dân chủ tư sản sáo rỗng và hình thức, và ủng hộ tư tưởng của nền độc tài [chuyên chính] vô sản.

Những ngày qua tôi đọc lại tranh luận nổi tiếng của Kautsky và Lenin, cuốn Nền chuyên chính vô sản của Kautsky (1918), và cuốn Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky đáp lại của Lenin (1918). Kautsky viết với giọng khách quan, điềm tĩnh, ông kiên định tin vào tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời là tín đồ tận tâm của dân chủ đại nghị. Ông lên tiếng ái ngại rằng nhân danh quyền lợi của giai cấp vô sản người ta có thể bóp nghẹt ý chí của đa số, có thể lạm dụng quyền lực, thiểu số bị bỏ rơi không được bảo vệ. Lenin với giọng mỉa mai khinh miệt, chà đạp lên danh dự của đối thủ, bẻ lại từng lý lẽ của Kautsky. Đọc với con mắt hôm nay, mọi lo sợ của Kautsky tỏ ra chính đáng. Ông đã đúng trong mọi vấn đề ngược với Lenin, trừ một chủ đề quan trọng duy nhất, cụ thể là trong lý giải lập trường của Marx và Engels. Không phải Kautsky, mà Lenin mới là người đã có thể đưa ra các trích dẫn thuyết phục từ tư tưởng của hai nhà tiên tri vĩ đại này để ủng hộ cho lý lẽ của mình. Ông nhắc tới những lời nổi tiếng của Marx: “…những người công nhân sẽ thay thế nền độc tài của giai cấp tư sản bằng nền độc tài cách mạng của mình…” (Marx (1873) [1974] p. 300). Ông trích dẫn Engels: “…đảng chiến thắng không muốn phải chiến đấu vô ích, nó phải duy trì sự thống trị của mình bằng nỗi sợ hãi do vũ khí của nó tạo ra trong những kẻ phản động.” (Engels (1872) [1978] p. 733). Và một trích dẫn Engels nữa mà Lenin dụi vào mũi Kautsky một cách nhạo báng: “Nhà nước không là gì khác bộ máy đàn áp của một giai cấp đối với giai cấp khác, và quả thực trong một nền cộng hòa dân chủ cũng chẳng kém hơn trong nền quân chủ.” (Engels (1891) [1988], p. 22).

Kautsky không thể đưa ra các trích dẫn của Marx để hậu thuẫn cho lý lẽ của ông ở đây. Ông cũng trích dẫn các lời của Marx về nền độc tài cách mạng của giai cấp vô sản, và buộc phải đưa thêm bình luận chua chát sau: “Đáng tiếc, Marx đã bỏ quên việc nêu chính xác ông hình dung nền độc tài này thế nào.” (Kautsky (1919) [1964] p. 43). Cả ở Kautsky, lẫn ở các nhà nghiên cứu–Marx đương đại, thực sự rất khách quan và trong nhiều khía cạnh có cảm tình với Marx, tôi cũng chẳng tìm thấy trích dẫn nào, trong đó Marx – nhà phân tích chính trị vô cùng lỗi lạc, người đã thảo luận toàn diện đến vậy về sự cầm quyền chính trị, nhà nước, và các mối liên hệ giữa áp bức và tự do – giả như đã khảo sát nghiêm túc mối quan hệ giữa các định chế dân chủ và quyền con người, và các mối đe dọa của nền độc tài. Marx đã bỏ qua bản thân vấn đề, bỏ qua toàn bộ lĩnh vực vấn đề khó giải quyết về sự bảo vệ chế định của các quyền tự do và quyền con người. Sự khinh thường nhạo báng này [của Marx] đã ăn sâu vào Lenin và vào những môn đồ trung thành của ông.

Sự khẳng định, rằng nền dân chủ là nền độc tài của giai cấp tư sản, thế chỗ cho nó phải đưa một nền độc tài khác vào bằng con đường cách mạng, đã làm mờ đi sự phân biệt sắc nét giữa nền dân chủ và nền độc tài. Chỉ sau khi Hitler lên nắm quyền, những người cộng sản phương tây mới đột nhiên nhận ra rằng nền dân chủ “hình thức”, “tư sản”, chế độ đại nghị, nhà nước pháp quyền, sự hợp pháp không phải là trò viển vông, mà là giá trị không thể thay thế được. Một trong những lý do là vì nó cung cấp sự bảo vệ chế định cho những người muốn nói và viết, cho những người phê phán chính phủ mọi thời, cho những người làm thay đổi xã hội triệt để, trong đó có các trí thức bức xúc về lẽ phải như Marx đã là trong thời của ông.

Có thể, trong thời của Marx cặp đối lập dân chủ–độc tài, nền độc tài của giai cấp tư sản hay của giai cấp vô sản mới chỉ có vẻ là cuộc đấu khẩu. Ngày nay trong con mắt của những người đã sống và đã sống sót dưới các chế độ chuyên quyền của Stalin, Mao, Rákosi và của những kẻ khác, thì các từ này có nghĩa khác. Ngày nay đã có thể thấy rằng sự khinh bỉ dân chủ trong các bài viết của Marx dường như đã chuẩn bị mặt bằng mà trên đó tòa nhà chuyên chế Leninist–Stalinist–Maoist được dựng lên, đã làm tê liệt sự kháng cự chống áp bức trong những tín đồ của tư tưởng Marxian.

Hiển nghiên tôi dùng từ “trách nhiệm” không theo nghĩa hình sự. Bản thân việc công bố một tư tưởng sai lầm không phải là một hành vi tội phạm. Vấn đề “trách nhiệm” cũng chẳng nổi lên ngay cả theo nghĩa đạo đức học. Marx không vi phạm các mệnh lệnh đạo đức bằng việc lên tiếng đòi xóa bỏ sở hữu tư nhân và thị trường, và đã không nhận ra tầm quan trọng của dân chủ đại nghị và nhà nước pháp quyền trong bảo vệ các quyền con người. Tôi chỉ nói về trách nhiệm trí tuệ. Nếu tôi công bố một tư tưởng thúc đẩy hành động xã hội, thì không chỉ những người trực tiếp thực hiện hành động đó, mà cả tôi cũng chịu trách nhiệm về cái xảy ra, và tôi cũng chịu trách nhiệm về những hệ quả của những cái xảy ra này. Lời tôi càng có ảnh hưởng, thì trách nhiệm của tôi càng lớn. Thế mà, chưa bao giờ, chẳng có ai bằng tư tưởng của mình, bằng cương lĩnh được công bố của mình, lại có ảnh hưởng đến những con người lớn hơn Karl Marx đã ảnh hưởng.

Cái tiếp tục sống từ các học thuyết của Marx

Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, quan điểm khá phổ biến trong giới trí thức khắp thế giới rằng các tư tưởng của Marx đã sụp đổ một lần và mãi mãi. Thấy đấy, lịch sử đã phủ nhận điều đó. Không phải một lần tôi bắt gặp những bài viết huyênh hoang hay bài nói ngạo mạn: Marx đã là “passé –quá khứ”, lỗi thời, và không cần quan tâm thêm.

Trong những ngày này, khi khủng hoảng diễn ra, hình thành đúng là tâm trạng ngược lại. Marx lại trở thành mốt. Trong các giới chính trị gia và nhà báo, việc dẫn chiếu đến những tiên đoán mang tính tiên tri của Marx trở nên sang trọng, khi người ta vẽ ra những cảnh tượng kinh hoàng về sự sụp đổ đến nơi của chủ nghĩa tư bản. Đột nhiên Tư bản luận trở thàng sách bán chạy nhất.[8]

Cả hai trào lưu mốt này đều không có căn cứ. Với công trình của ông Marx đã không chỉ ghi tên mình vĩnh viễn vào lịch sử chính trị và tư tưởng, mà nhiều tư tưởng của ông ngày nay cũng vẫn đứng vững, và giúp cho sự hiểu biết thế giới đương đại. Tôi sẽ quay lại ngay vấn đề này. Nhưng trước đó tôi muốn nói vài lời về sự phục hưng gần đây nhất của Marx. Đúng là Marx thường đưa ra các lời tiên tri được lặp đi lặp lại, theo đó trong chủ nghĩa tư bản có các lực tự hủy diệt hoạt động, các lực đó sẽ dẫn hệ thống đến khủng hoảng chí tử và sụp đổ. Ngay cả một vài trong số các nhà nghiên cứu-Marx, những người khính trọng các tư tưởng của Marx nhất, cũng thừa nhận rằng dòng tư duy giải thích sự sụp đổ cuối cùng là khó theo dõi, bí ẩn, khó hiểu, hay đơn giản là sai lầm.[9]

Tôi không thích tiên tri, và tôi đã học được ngần ấy từ kinh nghiệm riêng của mình rằng những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử thế giới nhiều khi lại diễn ra một cách đột ngột không ngờ được. Tôi không biết cơ cấu xã hội sẽ như thế nào trong tương lai. Tôi chỉ có thể nói ngần này: trong tầm nhìn của tôi không xuất hiện sự kết liễu của chủ nghĩa tư bản, và lời tiên tri của Marx về sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội còn ít có khả năng trở thành hiện thực hơn. Theo tôi những nền tảng của chủ nghĩa tư bản tỏ ra vững chắc hơn thế nhiều. Tất nhiên vấn đề sẽ không thể được giải đáp bởi cuộc đấu khẩu, tranh luận giữa các lời tiên tri tranh cãi nhau, mà bởi lịch sử tương lai. Ngày nay chúng ta chỉ có thể khẳng định ngần này với sự chắc chắn hoàn toàn rằng hiện thời chủ nghĩa tư bản đang co giật – nhưng vẫn sống.

Trong báo chí hàng ngày chúng ta có thể đọc thấy những tuyên bố của các chính trị gia và các nhà báo rằng sự “soviet hóa” của thế giới phương tây đã bắt đầu. Bởi vì cái gì khác có thể giải thích cho sự thực rằng chính phủ của một số nước không cho không các khoản cứu trợ, mà thay vào đó đòi quyền sở hữu [các doanh nghiệp được cứu trợ]. (Hãy để tôi nói thêm: muộn hơn chính phủ có thể tư nhân hóa [bán] sở hữu nhà nước này, trừ trường hợp có loại đảng cộng sản nắm được quyền ở Hoa Kỳ và ở Anh mà đảng đó kiên quyết áp dụng mô hình Soviet bằng mọi giá). Những kẻ huyên thuyên về “soviet hóa” và về việc đưa chủ nghĩa xã hội vào, là những kẻ tự bộc lộ về mình rằng họ không những không hiểu Marx, mà cũng chẳng biết gì về lịch sử của Liên Xô và các nét đặc trưng thực sự của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, đáng nhấn mạnh rằng có thể thấy những nhận xét thiên tài trong tập I và tập III của Tư bản luận về sự bành trướng tín dụng quá đáng lúc này lúc khác và về tác động gây khủng hoảng của nó. Có lẽ ông là người đầu tiên, hay chí ít cũng là một trong những người đầu tiên, chú ý đến hiện tượng rằng bành trướng tín dụng dẫn đến sản xuất thừa (theo thuật ngữ Marxian) như thế nào, tức là dẫn đến sản xuất vượt cầu thực sự, hay là dẫn đến thừa năng lực cần thiết để đạt mức sản xuất quá cao. Và quá trình bành trướng gia tăng này tiếp tục cho đến khi chuỗi cho vay bắt đầu đột ngột đứt tung.[10]

Trong một–hai thập kỷ qua đã có các kinh tế gia hàn lâm và các chuyên gia tài chính thực tiễn nhận ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong việc cho vay vô trách nhiệm, tính toán sai lầm những rủi ro, và trong yếu kém của sự điều tiết hệ thống tín dụng, thậm chí đã đưa ra những kiến nghị để ngăn ngừa tai họa, nhưng người ta đã không lắng nghe họ. Những lời cảnh báo tỉnh táo này không đến từ các giới Marxist, cũng chẳng đến từ những kẻ thù cấp tiến của chủ nghĩa tư bản, mà đến từ những tín đồ chăm lo bảo vệ chủ nghĩa tư bản, từ các nhà phê phán tập quán cho vay hiện hành, từ các nhà cải cách hệ thống.

Còn bây giờ quay trở lại khung khổ kể chuyện chủ quan, tôi muốn nói vài lời về các tư tưởng đáng làm bài học nhất cho tôi từ những tư tưởng ngày nay vẫn còn đúng của Marx. Nhà bác học thiên tài này đã thực sự làm tràn ngập chúng ta với những dòng thác ý tưởng và các công cụ phân tích. Trong tiểu luận ngắn này tôi đã tranh luận với vài tư tưởng rất quan trọng của ông, và tôi đã ra hiệu rằng về phần mình tôi không chấp nhận chúng. Thế nhưng – nếu tôi vẫn có thể tiếp tục nói nhân danh cá nhân mình –  có nhiều đóng góp quan trọng của Marx đối với tư duy khoa học, mà tôi vẫn tiếp tục chấp nhận, và tôi cố gắng sử dụng chúng. Tôi chỉ giới hạn ở vài thí dụ sau đây.

Hầu hết chúng ta thường dẫn chiếu đến Schumpeter, khi nói đến “sự sáng tạo hủy diệt”. Chúng ta nghĩ đến các nhà kinh doanh, các nghiệp chủ, những người tổ chức việc đưa ra các sản phẩm mới, các công nghệ mới, phương thức quản lý mới, chiếm lĩnh các thị trường mới. Và bên cạnh đó chúng ta nghĩ đến sự phát triển tư bản chủ nghĩa do Schumpeter mô tả, nó phá hủy thế giới cũ, tạo ra thế giới của riêng nó, phương thức sản xuất của riêng nó thế vào đó, áp đặt chúng lên xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nói ngay, Marx và Engels đã mô tả quá trình này, lực lượng tạo ra và lực lượng hủy diệt của chủ nghĩa tư bản, trước rất lâu rồi, trong những dòng đầu tiên đầy quyến rũ của Tuyên ngôn Cộng sản. Theo quan niệm của kinh tế học chính trị Marxian các nhà tư bản có vai trò nổi bật trong tổ chức quá trình đổi mới kỹ thuật.

Trước và sau Marx sự chú ý của đa số các nhà kinh tế tập trung vào các trạng thái cân bằng, mà cụ thể là vào một trường hợp đặc biệt của cân bằng thị trường, khi cầu và cung cân bằng với nhau. Muộn hơn kinh tế học gọi trạng thái cân bằng đặc biệt này là cân bằng Walrasian. Bên cạnh Malthus, Marx là người mở đường của hướng nghiên cứu phân tích các trạng thái lệch khỏi cân bằng thị trường, cụ thể là không chỉ nghiên cứu những thăng giáng ngẫu nhiên xung quanh cân bằng thị trường (Walrasian), mà cả những sự lệch kéo dài nữa. Marx đặc biệt quan tâm đến thị trường sức lao động về khía cạnh này, trong đó cung cao hơn cầu không chỉ tạm thời mà kéo dài. Marx đã không thử đưa ra lời giải thích nhân khẩu học, mà đưa ra lời giải thích kinh tế học khi ông khảo sát hiện tượng mà ông gọi là “nạn nhân mãn [quá nhiều người] tương đối”. Ngày nay cũng tình trạng này, tình trạng dư cung sức lao động kéo dài, được kinh tế học sức lao động gọi là cân bằng thất nghiệp. (Xem thí dụ, Layard-Nickell-Jackman 2005, p. 8 và 11). Ít người nhớ rằng Marx là ông tổ mở đường. Về phần mình, tôi nhấn mạnh, trước hết tôi học từ Marx rằng đáng chú ý nhường nào đến những sự lệch kéo dài khỏi cân bằng thị trường.[11]

Tôi không biết chính xác lịch sử về khái niệm “chủ nghĩa tư bản” hình thành ra sao và được đưa vào tư duy khoa học như thế nào. Tôi tin, tôi không nhầm, nếu tôi khẳng định: từ lâu hầu hết các chính trị gia, các nhà bình luận và các nhà khoa học xã hội gắn sự đưa vào khái niệm “chủ nghĩa tư bản” với Marx và trào lưu tư tưởng Marxist, và đối sánh hệ thống tư bản chủ nghĩa thực sự hình thành về mặt lịch sử với một thế giới mới, với hệ thống xã hội chủ nghĩa mà trước đó Marx mới chỉ tiên tri và ao ước. Marx không hình dung cái sau (hệ thống xã hội chủ nghĩa) như một sự không tưởng, mà như một thực tế lịch sử chắc chắn sẽ xuất hiện.

Sự tạo khái niệm này gắn mật thiết với học thuyết liên quan đến các phương thức sản xuất kế tục nhau, khác nhau về những đặc trưng quan trọng nhất.

Thành phần quan trọng này của tòa lâu đài trí tuệ của Marx ngày nay vẫn có ảnh hưởng mạnh đến tư duy của tôi. Trong một bài viết của mình tôi gọi cách xem xét này là “khung mẫu hệ thống–system paradigm”, tức là cách xem xét không tách một lát (cắt) duy nhất, phần được giới hạn duy nhất của xã hội, ấy là lĩnh vực chính trị, lĩnh vực văn hóa và tư tưởng hay nền kinh tế, mà tập trung vào cái toàn thể do các phần đó tạo nên. Nó tập trung chú ý đến các phần khác nhau phụ thuộc lẫn nhau thế nào, những mối quan hệ nào hình thành giữa chúng. Nó không mô tả hệ thống trong bức ảnh tĩnh chụp chớp nhoáng, mà nó cố hiểu động học của hệ thống, như hệ thống diễn ra trong lịch sử. Marx là người mở đường vĩ đại và bậc thầy vô song của system paradigm. Cùng một lúc, trong một cá nhân, ông vừa là nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà khoa học chính trị và nhà sử học. Thời đó, đã chẳng ai dùng từ “liên ngành–interdisciplinary”, nhưng ông đã nêu một tấm gương về làm thế nào để vượt lên trên giới hạn chuyên ngành hạn hẹp và nghiên cứu với tư cách một nhà khoa học xã hội toàn diện.

Người ta thường hỏi, tôi có là nhà Marxist hay không? Câu trả lời của tôi dứt khoát là không.[12] Những người khác nói: tôi thuộc trường phái Áo, hay tôi là người theo trường phái Keynes, tân cổ điển hay tân tự do, và v.v. Tôi lắc đầu từ chối trong mỗi trường hợp. Tôi không là một tín đồ vô điều kiện của một trường phái hay chủ nghĩa nào cả. Nếu những người khác thử làm việc đó, tôi cũng chẳng để mình bị nhốt trong một cái hộp nào. Tôi ưa thú nhận rằng các thành tố của tư duy của tôi – mượn các từ châm biếm của Engels – hòa lẫn thành cháo biện chứng của kẻ ăn mày. Nếu tôi có thiện chí hơn với bản thân mình, tôi vui lòng nói rằng tôi cố gắng tích hợp nhiều loại trào lưu tư tưởng. Khi phải nêu tên những người đã có ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi, tôi thường nhắc đến tên Schumpeter, Keynes, Hayek, nhưng cùng trong danh sách này tên của Karl Marx luôn đứng ở vị trí đầu tiên.

Tài liệu tham khảo

BENCE, G. – KIS, J. [1978]: Towards an East European Marxism, under the pseudonym Marc Rakovski, London: Allison and Busby.

BRÓDY, ANDRÁS [1970]: Proportions, Prices and Planning: A Mathematical Restatement of the Labor Theory of Value, Budapest – Amsterdam: Akadémiai Kiadó – North Holland.

BRUS, W. (1961) [1972]: The General Problems of the Functioning of the Socialist Economy, New York -London: Routledge.

COLLINS, P. [2008]: Karl Marx: Did he get it all right? Times, October 21, 2008. http://www.timesonline.co.uk (Downloaded November 4, 2008.)

ELSTER, J. [1991]: Making Sense of Marx, Cambridge – Paris: Cambridge University Press – Maison des Sciences de l’Homme.

ENGELS, F. (1872) [1978]: On Authority, in Marx-Engels Reader, second edition (first edition in 1973), pp.730-733. New York: Norton.

ENGELS, F. (1981) [1988]: Introduction, in Karl Marx: The Civil War in France: The Paris Commune, pp.9-22. , New York: International Publishers..

FOLEY, D. [1986]: Understanding Capital: Marx’s Economic Theory, Cambridge MA: Harvard University Press.

KAUTSKY, K. (1918) [1964]: The Dictatorship of the Proletariat, University of Michigan Press.

KORNAI, J. [1980]: Economics of Shortage, Amsterdam: North-Holland

KORNAI, J. [1993]: The Socialist System, Princeton – Oxford, Princeton: University Press – Oxford University Press. (Hệ thống xã hội Chủ nghĩa, NXB Thông tin, 2002)

KORNAI, J.(2005) [2007]: By Force of Thought – Irregular Memoirs of an Intellectual Journey, Cambridge, Massachusetts and London, England: The MIT Press. (Bằng sức mạnh Tư duy, NXB Thanh Hóa, 2008)

LAYARD, R. – NICKELL, S. – JACKMAN, R. [2005]: Unemployment. Macroeconomic Performance and the Labor Market. Oxford: Oxford University Press.

LENIN, V. I. (1918) [1964]: The Proletarian Revolution and the Renegade Kautsky, Moscow: Foreign Languages Press.

MANDEL, E. [2008] Marx, Karl Heinrich (1818–1883), in Durlauf, S.N. – Blume, L.E. (eds.) The New Palgrave Dictionary of Economics. Second Edition. Vol. 5. pp. 384-405. Palgrave – Macmillan.

MARX, K – F. ENGELS (1848) [1969]: The Communist Manifesto, Marx-Engels Selected Works, Volume One, Moscow: Progress , pp. 98-137.

Marx, K. (1871) [1988]: The Civil War in France, in Karl Marx: The Civil War in France: The Paris Commune, New York: International Publishers.

MARX, K (1873) [1974]: Political Indifferentism, in Karl Marx: The First International and After, New York: Vintage Books

MARX, K. (1867) [1967]: The Capital: A Critique of Political Economy Vol. 1., New York: International Publishers.

MARX, K. (1863-1883) [1967]: The Capital: A Critique of Political Economy Vol. 3, New York: International Publishers.

MORISHIMA, M. [1973]: Marx’s Economics: A Dual Theory of Value and Growth, Cambridge: Cambridge University Press.

OZ, A. [2006]: How to Cure a Fanatic, Princeton: Princeton University Press.

ROEMER, E. J. (ed.) [1986]: Analytical Marxism, Cambridge, UK: Cambridge University Press.

ROEMER, E. J. (ed.) [1994]: Foundations of Analytical Marxism, Brookfield: Elgar.

TABBIT, F. [2006]: A Brief History, Scope, and Peculiarities of „Analytical Marxism”, Review of Radical Political Economics, http://www.sagepublications.com


*Nguyễn Quang A dịch dựa vào nguyên bản tiếng Hungary, “Marx egy ketet-erópai értelmiségi szemével” và bản dịch tiếng Anh, “Marx through the eyes of an east european intellectual”. Có thể tiếp cận cả hai bản tại:  http://www.colbud.hu/fellows/kornai.shtml

[1] Tôi cảm ơn Dániel Zsuzsa, Madarász Aladár, và Nagy Eszter vì sự giúp đỡ quý báu của họ cho việc soạn tiểu luận này. Tôi cảm ơn Brian McLean đã dịch sang tiếng Anh, cảm ơn Collegium Budapest và Đại học Trung Âu đã hỗ trợ nghiên cứu của tôi.

[2] Tôi chọn ra các công trình sau từ văn liệu gần đây và đương đại: Elster (1991), Foley (1986), Kolakowski (1978), Mandel (2008), Roemer (1986 và 1994) và Tabbit (2006).

Các sách giáo khoa về lịch sử lý thuyết được dùng ở các đại học phương Tây – hay chí ít các sách giáo khoa được xuất bản trong mười năm lại đây – có nhắc đến các công trình của Marx nhưng thường không phân tích hay đánh giá chúng một cách sâu sắc. Xem, thí dụ, Backhouse (2002) và Vaggi and Groenewegen (2006)

[3] Hồi ký tự sự của tôi được xuất bản bằng tiếng Hungary năm 2005. Kế tiếp là các lần xuất bản bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, rồi đến tiếng Nga, Ba Lan và tiếng Việt. Bản tiếng Trung Quốc đang chuẩn bị. Cuốn sách được Tsuneo Morita dịch ra tiếng Nhật và được Nippon-Hyoron-Sha xuấ bản ở Tokyo.

[4] Amos Oz, nhà văn lớn của Israel, cũng rút ra những kết luận tương tự trong kiệt tác của ông: How to Cure a Fanatic [Chữa trị một kẻ cuồng tín thế nào] (2006).

[5] Không chỉ những người chưa bao giờ chịu ảnh hưởng của Marx có lập trường này, mà cả hầu hết các đại diện của cái gọi là “chủ nghĩa Marx giải tích – analytical Marxism” cũng có lập trường như vậy cho dù họ coi hầu hết các yếu tố của lý thuyết xã hội và triết học của Marx là của mình.

[6] Cuộc vật lộn với các tư tưởng của Marx và sự vượt từ từ qua chủ nghĩa Marx có thể thấy trong các công trình của nhiều nhà khoa học xã hội Đông Âu. Tôi chỉ nhắc đến hai công trình đáng chú ý và có ảnh hưởng, là cuốn sách của W. Brus (1972), xuất bản lần đầu tiên ở Ba Lan năm 1961, và nghiên cứu của G. Bence và J. Kis (1978). Bản xuất bản chui (samizdat) của cuốn sau đầu tiên được lưu truyền bất hợp pháp ở Hungary, rồi được xuất bản dưới một bút danh trong một tạp chí của người Hung di tản ở Paris.

[7] Tôi đã thử nêu các đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa bằng vài dòng ngắn gọn. Các ý tưởng của tôi được trình bày chi tiết trong cuốn Hệ thống xã hội chủ nghĩa (1992, 2002).

[8] Về sự quan tâm được hun nóng đột ngột đến Marx, xem, thí dụ bài báo của tờ Times ở London (Collins 2008).

[9] Các ý tưởng của Marx về vấn đề này thường được diễn giải rằng xu hướng suất lợi nhuận giảm dần cuối cùng sẽ dẫn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đến mất khả năng. Dựa vào những cân nhắc lý thuyết cũng như các sự thực lịch sử, đa số các nhà phê phán nghi ngờ bản thân xu hướng này. Về phần mình, tôi đồng ý với các nhà phê phán.

[10] Marx đã không tổng kết các ý tưởng của mình về các cuộc khủng hoảng có chu kỳ. Có lẽ những chỗ quan trọng nhất để dẫn chiếu đến ở đây là Tư bản luận tập III, chương 30. Mandel (2008) cho một tổng kết ngắn gọn về các ý tưởng của Marx liên quan đến các cuộc khủng hoảng.

[11] Hiện tượng trung tâm đối với nghiên cứu của tôi (Kornai 1980) là sự thiếu hụt kinh niên về hàng hóa và sức lao động xuất hiện trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chính là ảnh đối xứng của hiện tượng dư thừa kéo dài do Marx và Keynes mô tả, tức là hiện tượng đối xứng với nó và có dấu ngược lại.

[12] Ngày nay ở Đông Âu, ngay cả những người năm 1989 vẫn bình tĩnh dạy “chủ nghĩa duy vật biện chứng” hay “kinh tế học chính trị” [Marxist] cũng trả lời là không. Tuyên bố trên của tôi có những tiền đề cá nhân khác. Như tôi đã nói ở đầu: tôi bắt đầu như một người Marxist. Thế nhưng, tháng 11-1956, sau khi các xe tăng Soviet đã tràn vào Budapest, tôi đã tuyên bố với bí thư đảng bộ địa phương lập trường chính trị của mình: hãy ghi nhận tôi không còn là người Marxist nữa. Tuyên bố này đã gây nhiều khó khăn cho đời sống của tôi sau đó, trong một thế giới hàn lâm nơi mà theo nghĩa đen của từ bắt buộc phải là người Marxist.

Ghi chú của Ba Sàm:

– Viện sĩ Kornai János, người Hungari, có nhiều sách rất có giá trị đã được dịch ra tiếng Việt (mời xem bài 10:Điểm sách – Bằng Sức Mạnh Tư Duy).

– TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, cũng là người dịch nhiều cuốn sách của Viện sĩ Kornal János.

Một vài ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu (ngày 11,12-5-2009) sau khi đọc bài này:

1 – Tiến sĩ kinh tế Vũ Quang Việt:

Đúng như ông Kornai nói, Marx chính là đưa ra các biện luận để sau này Lenin, Stalin, Mao sử dụng xây dựng một thể chế độc tài, không phải của giai cấp mà của một hoặc một thiểu số người.   “Các chế độ đó có toàn quyền để dẫn chiếu đến Marx, vì chúng đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử vĩ đại do ông đề ra.”
…….

Tranh luận giữa  Kautsky và Lenin mà Kornai nhắc tới thì đúng là tranh luận của một con người còn quan tâm đến con người nhân bản  ” ái ngại rằng nhân danh quyền lợi của giai cấp vô sản người ta có thể bóp nghẹt ý chí của đa số, có thể lạm dụng quyền lực, thiểu số bị bỏ rơi không được bảo vệ.” với một người  như Lenin hiểu rõ quyền lực là gì nhưng lại tin  tưởng ngờ nghệch rằng (nếu ta còn có cảm tình với Lenin) con người “cách mạng ” có thể dùng quyền lực đúng đắn.

Đúng như Kornai viết:

Marx đã bỏ qua bản thân vấn đề, bỏ qua toàn bộ lĩnh vực vấn đề khó giải quyết về sự bảo vệ chế định của các quyền tự do và quyền con người. Sự khinh thường nhạo báng này [của Marx] đã ăn sâu vào Lenin và vào những môn đồ trung thành của ông.

……

Ngày nay đã có thể thấy rằng sự khinh bỉ dân chủ trong các bài viết của Marx dường như đã chuẩn bị mặt bằng mà trên đó tòa nhà chuyên chế Leninist–Stalinist–Maoist được dựng lên, đã làm tê liệt sự kháng cự chống áp bức trong những tín đồ của tư tưởng Marxian.

Vấn đề không chỉ là dân chủ vì số đông có thể bỏ phiếu đa số truất quyền của phụ nữ, truất quyền suy nghĩ độc lập như trong xã hội muslim quá khích hiện nay, và có khi có lúc trong xã hội cộng sản thời Stalin và Mao dân chúng cũng có thể sẵn sàng bỏ phiếu như thế. Vấn đề còn là quyền (tự do) của thiểu số, quyền (tự do) của cá nhân, hay nói chung là quyền con người. Tức là làm sao hạn chế quyền của những người nắm quyền lực của nhà nước. Ở chủ nghĩa xã hội thì đây là vùng trắng, vì không có thể chế cân bằng và kiểm soát quyền lực.

Các đóng góp khác về kinh tế của Marx như động lực phát triển, business cycles, phân tích động thay vì phân tích tĩnh, v.v. vẫn có giá trị về mặt tư tưởng, nhưng tôi nghĩ về mặt chuyên môn chỉ còn giá trị lịch sử.

Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện nay sẽ đưa đến một chủ nghĩa tư bản với các pháp qui cần thiết nhằm hạn chế sự thao túng thị trường tài chính chứ không thể dẫn đến một loại chủ nghĩa Marx kiểu mới được.

2- Nhà nghiên cứu Lữ Phương:

Nhân đọc bài của Kornai viết về Marx do Nguyễn Quang A dịch, sau đó đọc thêm được mấy dòng nhận định cùa Vũ Quang Việt, do có quan tâm chút ít đến vấn đề này, tôi cũng có mấy ý nghĩ sau đây, mạo muội gửi đến quý vị tham khảo:

Trong kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng những nhà kinh tế, những người hoạt động chính trị, nhân danh cho những lợi ích thực tiễn để đọc Marx, rồi khen hay chê phần nhiều  đều hời hợt, không nghiêm chỉnh, không thật đáng tin. Chủ đề mà Marx đề cập là kinh tế chính trị chứ không phải kinh tế thực hành và chỗ đứng mà ông dựa vào để phê phán thứ kinh tế chính trị ấy chính là cái quan điểm triết học-chính trị của ông về con người, về lịch sử.

Những người cộng sản kiểu Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông… khi theo Marx để chống lại những chính sách tư bản ăn cướp, thực dân, đế quốc đã xử sự với tư tưởng của ông theo kiểu chính trị  thực dụng. Những  tệ hại  mà họ gây  ra là sau khi đạt được mục đích rồi họ vẫn xài Marx theo cách đó: họ xem những  suy lý triết học chính trị của Marx như là kinh thánh và dùng bạo lực áp dụng vào cái gọi là “xây dựng kinh  tế”. Chẳng có gì là kinh tế trong chính sách tập thể hoá của Stalin.  Chẳng có gì là kinh tế trong những lò luyện thép gia đình của Mao. Kể cả cái gọi là “cải cách ruộng đất” của Bắc Việt Nam v.v…

Cũng xin nói thêm: cũng chẳng có gì là “mácxít’ trong những thứ quỷ quái ấy cả!

Những người theo kinh tế tư bản, dựa vào những nguyên lý kinh tế  tự do, hay  dẫn ra  một số câu của Marx để so sánh, rồi cho rằng chính Marx phải chịu trách nhiệm về những gì mà những kẻ độc tài đã nhân danh Marx để gọi là”vận dụng” vào việc xây dựng nên cái mô hình mácxít về “chủ nghỉa xã hội”, những nhà kinh tế này cũng chỉ lý sự một cách “vô duyên” không kém gì những kẻ độc tài mà họ chống lại: họ cũng hoàn toàn không chú ý gì đến cái tính chất  lôgích trong biện luận cùng với hàng loạt những điều kiện Marx đã  hình dung cho cái viễn cảnh, cũng lôgích, mà ông suy ra trong quá trình phê phán kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa thời ông.

Cũng xin nói thêm: những nhà kinh tế ấy chỉ chống một hình rơm của Marx!

Đưa ra những kết luận về sự lỗi thời của học thuyết Marx cũng là vớ vẩn – triết học không phải  là cái kiểu áo ta mặc, không có thứ triết học nào hợp thời hay lỗi thời cả – cách diễn đạt đó không khác gì cách ăn nói của những kẻ mộng du nhắm mắt nhắm mũi bảo vệ Marx như một chân lý ngàn năm. Điều đáng suy ngẫm về Marx sau hơn 150 chủ nghĩa Marx ra đời, với bao nhiêu đổi thay xảy ra trên mặt đất, không còn phải là tính khả thi hay không của nó nữa mà là sự tồn tại của những cơn đau có thật do một chế độ tư bản vô tâm, vô cảm, ngạo mạn, huênh hoang  gây ra cho con người, vẫn còn kéo dài từ khi Marx nêu ra như một nghiệm sinh,  cho đến nay có vẻ như vẫn vô phương chấm dứt.

Cũng xin nói thêm điều này:  cái thứ chủ nghĩa tư bản ấy không phải chỉ lộng hành bên Mỹ mà đang tác oai tái quái trên đất nước Việt Nam, tệ hại hơn nhiều lần!

Tất cả những xét đoán về Marx, với chúng ta ngày nay, thiết nghĩ chỉ có  bấy nhiêu đó mới đáng gọi là  quan trọng. Tôi cho rằng Kornai đã suy nghĩ về Marx như một nhà kinh tế tầm thường: theo sự trình bày của ông thì  ông theo  Marx cũng chỉ vì chính trị thực dụng, nay ông bỏ Marx mà vẫn vớt vát mấy điều để xài cho  được thì cũng chỉ vì lý do đó thôi –  chẳng có gi khác cả.

3- Trao đổi lại của Tiến sĩ Vũ Quang Việt:

Xin góp lại vài lời với anh Lữ Phương. Có những cái tôi đồng ý và có những cái không.

Marx vừa là nhà triết học, nhà kinh tế chính trị học, và nhà vận động cách mạng.

Marx với tư cách là nhà triết học thì các nhà tư tưởng và trường học sẽ không bao giờ bỏ qua được. Biện chứng pháp duy vật là đóng góp lớn của Marx và là một trong những phương pháp (không phải duy nhất) phân tích xã hội có giá trị lớn.  Điều này tôi đồng ý với anh Lữ Phương.

Với tư cách là nhà kinh tế chính trị học thì việc phân tích kinh tế tư bản ở thời Marx sống và ảnh hưởng của chúng đến xã hội và chính trị là điều các học giả vẫn cần tiếp tục học tập, kể cả phương pháp lý luận, mà có cái đã được các nhà kinh tế hiện đại sử dụng và phát triển (tôi thí dụ như mô hình vào ra và cả một phần quan trọng trong hệ thống tài khoản quốc gia nhằm đo lường nền kinh tế đang là chuẩn mực quốc tế là dựa vào Marx). Tuy nhiên nhiều phương pháp dùng để phân tích kinh tế và nhiều kết luận đã lỗi thời không còn phù hợp. Có lẽ chúng ta cũng dễ đồng ý về nhiều điểm ở đây.

Nhưng cái quan trọng có thể nói là đã ảnh hưởng lớn đến thế kỷ 20 là Marx với tư cách là nhà vận động cách mạng, mà tư tưởng của ông đã được các nhà chính trị như Lenin, Stalin, Mao tiếp nhận. Điểm này là điều không thể bỏ qua, và không thể cho rằng nó không nằm ngay trong tư tưởng của Marx. Đây chính là điều mà Kornai viết về nó. Tôi cho rằng bất cứ một nhà triết học nào bàn về con người, bàn về mâu thuẫn, bàn về biện chứng, rồi cổ võ cho một hình thức xã hội nhất định mà không bàn về quyền lực và lạm dụng quyền lực thì là điều thiếu sót lớn.

Cải cách ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai về cơ bản cũng đòi hỏi việc giải quyết vấn đề quyền lực và lạm dụng quyền lực trong xã hội. Và nói theo kiểu Marx thì đây là cuộc vận động biện chứng giữa các lực lượng trong xã hội. Tôi nói “theo kiểu” có nghĩa là tôi không dùng quan niệm đấu tranh giai cấp ở đây.

4 bình luận to “K.Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu”

  1. Nguyễn Hưng said

    Tác giả Kornai nói về thực tế trải nghiệm CN Mark qua 3 giai đoạn:
    – Giai đoạn đầu, người tiếp cận CN Mark, nhất là những người trẻ bị hấp dẫn bởi “cái vẻ” khoa học và sự toàn diện, vạn năng của nó. Từ đó dễ dẫn đến tuyệt đối hóa, coi nó là duy nhất đúng, là “kim chỉ nam” cho mọi nhận thức và hành động.
    – Giai đoạn thứ 2, phải qua thực tiễn người ta mới thấy có nhiều vấn đề thực tế khách quan mà CN Mark không hề đề cập đến và không có cách giải quyết. Các đảng cộng sản (ĐCS) đã dựa vào CN Mark để cướp được quyền lực theo lẽ tự nhiên sẽ tiếp tục bám vào CN Mark, coi các vấn đề này chỉ là vấn đề nhỏ và tìm cách “vận dụng sáng tạo” CN Mark để giải quyết (giới lãnh đạo bảo thủ VN vẫn đang ở giai đoạn này). Những học giả có tâm thì dần dần thấy đây là các vấn đề chính vì đó là quyền con người và động lực phát triển xã hội, họ nhận ra sự xảo ngụy của CN Mark đó là “cố tình” lờ đi các vấn đề này.
    – Giai đoạn thứ 3, xem lại các lý luận có vẻ “khoa học” của CN Mark (trong những vấn đề mà nó đề cập), hóa ra nó thường dựa trên sự phê phán các lý luận trước đó và CN tư bản rồi đưa ra 1 quan điểm trái ngược và mặc nhiên coi điều này là đúng (VD: mặt tiêu cực của tư hữu dẫn đến những bất công, lãng phí xã hội nên phải xóa bỏ tư hữu bằng công hữu, song nó cố tình lờ đi mặt tích cực của tư hữu chính là động lực phát triển xã hội), nó cũng chứa đựng những quan niệm “tiên đề” hết sức sai lầm. Một sai lầm rất lớn nữa của CN Mark là tư duy đóng theo hướng độc quyền chân lý, theo hướng này nó càng ôm đồm nhiều lĩnh vực thì sai lầm lại càng lớn.
    Nhưng tôi không đồng ý với tác giả Kornai khi nói Mark với “tư cách một nhà khoa học xã hội toàn diện” vì những nghiên cứu đa ngành của Mark đều không đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách thấu đáo mà chủ yếu phục vụ cho quan điểm “đấu tranh giai cấp” của Mark. Về mặt này thì như chữ của TS Vũ Quang Việt, với “tư cách là nhà vận động cách mạng” thì theo tôi Mark đã gây tai họa cho thế giới vì thiếu trân trọng yếu tố “con người”.

  2. Mỹ Vân said

    Phê bình nhận thức luận về lịch sử của Marx – Engels
    Ngày: 21-03-2006
    Đề tài: Tư Duy Lịch Sử

    Trần Mạnh Hảo

    Nhà văn Trần Mạnh Hảo lần thứ mười góp ý với “Bản dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X”

    Trong một thế giới tương đối, không một dòng triết học hướng đến sự tuyệt đối nào có thể tiếp cận được chân lý, dù chỉ là chân lý tương đối: (chân lý: là cái “lý” có “chân”!). Triết học duy tâm của Hegel là một dòng triết học như vậy, khi cuối cùng, Hegel dồn biện chứng pháp vào chân tường “tuyệt đối”. Hegel chỉ ra rằng: biện chứng pháp phát triển tới tận cùng thì dừng lại để thành tuyệt đối; nghĩa là mâu thuẫn dừng lại, biện chứng dừng lại, không còn ba nhịp: chính đề, phản đề và tổng đề nữa; cuộc sống ngừng lại ở phạm trù trần gian để hoá phạm trù thiên đường, loài người không còn bị chi phối bởi cái sai, cái ác, cái xấu nữa…Đức Chúa của Hegel là nước trời dưới thế với ý niệm tuyệt đối chân thiện mỹ đã thành hiện thực vĩnh hằng…

    Marx, người học trò vừa trung thành, vừa phản bội thầy mình là Hegel, đã bê tới tám mươi phần trăm học thuyết ông thầy này vào làm học thuyết của mình; đoạn, duy vật hoá biện chứng pháp Hegel thành biện chứng pháp duy vật Marxism.

    Nhưng học thuyết của Marx đã như con tàu Titanic đâm vào tảng băng “tuyệt đối” – Hegel, khiến “chủ nghĩa xã hội khoa học” của ông chìm nghỉm giữa biển thẳm duy tâm ngay từ lúc nó mới ra đời. Dù là đi theo con đường duy vật, nhưng đích đến của Marx vẫn là khái niệm “tuyệt đối” – Hegel; mà duy vật, thì không có và không bao giờ chấp nhận sự tuyệt đối, dù chỉ là sự tuyệt đối được giả định, được dùng làm trạm trú nắng giữa đường biện giải chông chênh.

    Hegel thách thức niềm tin Thượng Đế mang vẻ dung tục của thần quyền giáo hội, trở thành đối tượng căm ghét của Vatican, đã chia tay với khái niệm tuyệt đối của Spinoza, coi bản thể của thế giới là Thượng Đế; Hegel đã dám chia tay với “cái vỏ vật chất của khái niệm Thượng Đế”, chỉ mang chút xíu tinh thần Thượng Đế từ thẳm siêu hình triết học xuống trần gian làm hạt giống, đặng hòa niềm siêu hình kia vào thiên nhiên, vạn vật, hòa vào con người; khiến Thượng Đế không còn ở ngoài thiên nhiên, ngoài con người nữa mà ở trong, ở giữa, ở cùng một thể với thế giới khả giác quanh ta. Cho nên cái “tuyệt đối” mà học thuyết duy tâm của ông hướng tới, nói cho cùng là cái “tuyệt đối” mang tính trần gian, hơn là tuyệt đối mang tính thiên giới kiểu Spinoza, hay kiểu Kant (như một chút hoài niệm về người thầy ban đầu của Hegels là ông già Kant, vẫn còn đang cố thủ trong lô cốt “vật tự nó” dù thầy đã ở bên kia thế giới!)

    Khái niệm “tuyệt đối” của dòng triết học duy tâm này muốn trao lại trang phục thiên giới cho nhà thờ, hy vọng thánh hoá trần gian bằng một bản thể luận tân thời nhân bản hơn, gần với thuyết duy mỹ và mô hình nhà nước kiểu mẫu? Khi chia tay các thiên thần triết học, Hegel đã xuống thực tại không phải để chơi, mà để cứu đời, để hòa hồn xưa vào xác nay, hoà Chúa Trời vào tạo vật như hòa mực vào nước. Chừng như hạt gống “tuyệt đối” Hegel gieo vào hiện tồn nửa vẫn cứ dây dưa giấc mộng thiên đường, nửa lại muốn quy thuận thế giới tương đối mà chấp nhận “tội tổ tông truyền” của nền triết học phóng thể Đức? Tư tưởng triết học trùm thiên hạ của Hegel muốn tuyệt đối hoá cái tương đối, duy tâm hoá cái duy vật, ý niệm hoá cái hiện tồn là bi hài kịch của triết học Hegel.

    Khi không còn thiên thần bổn mệnh đi theo nâng đỡ, khi bị tước mất “phép thông công” thiên giới, khái niệm “Tuyệt đối” của Hegel lại vừa bị Spinoza và Kant đòi lại linh hồn, khiến thân xác biện chứng pháp chợt hết hơi,ngừng thở và làm toàn bộ hệ thống triết học của ông hoá thành xác ướp: lịch sử con người dừng lại khi triết học Hegel dừng lại. Hegel, nói cho cùng, chính là người đã kết thúc một thế kỷ triết học Đức.

    Marx xuất hiện, thừa hưởng gia tài của Hegel là món “tuyệt đối” khó xơi này, bước đầu duy vật hoá khái niệm biện chứng; giống như Marx vác cả một bầu nước của Hegel gửi lại trên con đường băng qua sa mạc siêu hình, khởi đầu từ “Tâm” sang “Vật”; rồi Marx niệm “thần chú tuyệt đối” cầu cho nước bốc cháy để soi đường cho mình giữa đêm tối triết học bơ vơ, để một lần nữa, chấm dứt chính sự chấm dứt của Hegel bằng khởi điểm duy tâm chủ quan, mà ông cứ ngỡ mình đã tới được bờ bên kia của duy vật khách quan (!)

    Hegels và Marx, hai thầy trò, Một ông “Tâm” và một ông “Vật” đã là “sự cáo chung triết học”, làm chết chìm cả nền triết học Đức thế kỷ thứ XIX, khi cả hai nhánh sông “Tâm” và “Vật” này cùng đổ hết nước vào biển siêu hình -“Tuyệt đối” – hư vô!

    Marx, nhân danh duy vật, đã duy tâm tới hai lần khi đẩy cái mô hình xã hội cộng sản của ông vào hệ thống chết, tức biện chứng chết, lịch sử chết, nhân loại chết, chân lý chết là phép-duy-vật-tuyệt-đối-biện- chứng- Hegels-Marx: con người được (bị?) tuyệt đối hoá trở về với thượng đế; nghĩa là con người phải từ bỏ hiện tồn để vào sống trong Ý thức, Ý niệm, sống trong mộng mị, sống trong “lý tưởng tuyệt đối ảo”, sống trong một thế giới phi xã hội, phi điều kiện, phi quan hệ, phi mâu thuẫn, phi dục vọng, phi …nhân tức phi cá nhân, phi tư hữu, phi sở hữu, phi nhà nước, phi lịch sử … nghĩa là phi lý tính, phi logic, phi trần gian vậy!

    Chủ nghĩa cộng sản mang tính chất tuyệt đối do Marx vẽ ra bằng giáo điều hư vô của Hegel, thực sự đã xóa nhòa ranh giới thiện ác, xóa nhòa nhân tính và thú tính, xóa nhòa tốt xấu, xóa nhòa chân lý và ngụy lý, xóa nhòa khoảng cách giữa địa ngục với thiên đường! Cho nên khi Marx mời chúng ta vào thiên đường, tức là ông xin mời chính quý vị xơi món địa ngục xào lăn đấy!

    Marx, với quan niệm duy ác để giài thích thế giới kiểu Darwin, tay cầm con dao chọc huyết lợn có tên là “tuyệt đối” để chọc huyết các sự vật, đã đi từ sai lầm trong nhận thức luận về con người (xem bài “Phê bình nhận thức luận về con người của Marx & Engels” của TMH vừa in trên các website hải ngoại), đến nhận thức luận về lích sử.

    Trong bài Phê bình nhận thức luận về con người của Marx & Engels, chúng tôi đã chỉ ra rằng, do quan niệm “tuyệt đối”, lấy “tuyệt đối” làm nhãn quan triết học, Marx đã có cái nhìn sai lạc về con người, tách con người ra khỏi các mối quan hệ tự nhiên, gia đình, xã hội để xem xét nó như xem xét một vật đơn nhất, như xem xét cái cây bị bứt khỏi gốc rễ, một con cá đã tách khỏi môi trường nước.

    Ludwig Andreas Feuerbach (28/7/1804 – 13/9/1872)
    Khi nhận thức và định nghĩa con người, Marx đã tách nó ra khỏi thế giới tự nhiên; lại còn tách con người ra khỏi đời sống tinh thần của nó, tôn giáo và các quan niệm triết học, thần học nguyên sơ của nó. Thành ra con người trong triết học Marx là một con người đã được tuyệt đối hoá thành con người miếng ăn, con người sản xuất, hàng hoá, con người duy vật chất; do đó, thay vì nghiên cứu con người đúng như nó tồn tại, Marx lại nghiên cứu con người đã bị Marx hoá, sơ đồ hoá, giới hạn hoá, đơn giản hoá (tức Marx đặt cái cày “Ý thức Marx” trước “con trâu tồn tại” ). Marx bắt con người phải tồn tại theo ý muốn chủ quan của ông kiểu con người gỗ, con người đồ chơi.

    Do đó, Marx mới đưa ra những tiên đề hết sức sai lạc, như khi ông cho rằng: hành vi tìm miếng ăn là hành vi đầu tiên xác lập tính người, hay xác lập lịch sử người; coi “miếng ăn” là bước đầu tiên xác tín con người là chính nó. Nhận thức luận sai lạc này về con người của Marx đã bị chúng tôi phản bác lại, và đưa ra khẳng định ngược với Marx; rằng: chính sự “Tự ý thức” đã là hành vi mang tính người đầu tiên, như là bước khởi đầu nhân loại; do đó “Ý thức người” quyết định “Hiện tồn người” chứ không phải ngược lại như Marx ngộ nhận.

    Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục tinh thần bài viết trước, nhằm phê phán nhận thức luận về lịch sử không chuẩn của Marx (nói đến Marx là đồng thời nói đến Engels). Bài viết này căn cứ trên tác phẩm “Luận cương về Phơ-bách (Ludwig Feuerbach), của Marx – Engels – phần nói về “Lịch sử” từ trang 39, đến trang 52, quyển thứ 3 trong bộ “Toàn tập Marx & Engels” do nhà xuất bản “Chính trị quốc gia -Sự thật Hà Nội ấn hành 12/1995. Mọi trích dẫn trong bài viết đều lấy từ cuốn sách này.

    Xin quý độc giả hãy quan sát cái gọi là “con người”, hay “lịch sử người” trong hình dung của Marx về xã hội cộng sản tương lai: thật quá sức vui nhộn vì Marx đã hợp tác với Tôn Ngộ Không để nhào nặn ra các siêu nhân bằng 72 phép thần thông quảng đại Marxism, như Marx viết sau đây:

    “…Thêm nữa, sự phân công lao động cũng đồng thời bao hàm mâu thuẫn giữa lợi ích của cá nhân riêng biệt hay của gia đình riêng biệt với lợi ích tập thể của tất cả các cá nhân liên hệ với nhau; hơn nữa, lợi ích tập thể này không chỉ tồn tại trong tưởng tuợng, với tư cách là lợi ích chung, mà trước hết tồn tại trong hiện thực, với tư cách là sự phụ thuộc với nhau giữa các cá nhân có phân công lao động với nhau. Và cuối cùng, sự phân công lao động còn cung cấp cho chúng ta ví dụ đầu tiên về tình hình sau đây: chừng nào con người còn ở trong xã hội hình thành một cách tự nhiên, do đó chừng nào còn có sự chia cắt giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, do đó chừng nào sự phân chia lao động còn được tiến hành không phải một cách tự nguyện mà một cách tự nhiên thì chừng đó hành động của bản thân con người sẽ trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người, và nô dịch con người, chứ không phải bị con người thống trị. Thật vậy, một khi bắt đầu có phân công lao động thì mỗi người đều có một phạm vi hoạt động nhất định và độc chuyên mà người đó buộc phải nhận lấy và không thể thoát khỏi được: người đó là người đi săn, người đánh cá, hoặc người chăn nuôi, hoặc là nhà phê phán có tính phê phán, và người đó vẫn cứ phải làm như thế nếu không muốn mất những tư liệu sinh hoạt của mình; còn trong xã hội cộng sản, trong đó không ai bị hạn chế trong một phạm vi hoạt động độc chuyên, mà mỗi người đều có thể tự hoàn thiện mình trong bất kỳ lĩnh vực nào thích, thì xã hội điều tiết toàn bộ nền sản xuất, thành thử tôi có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau bữa cơm thì làm việc phê phán, tuỳ theo sở thích của tôi mà chẳng bao giờ trở thành người đi săn, người đánh cá, người chăn nuôi hoặc nhà phê phán cả…”

    Trong đoạn văn trên của Marx, ta thấy ông đòi phải để con người được “Tuyệt đối tự do”, tức vô điều kiện hoá con người. Ông giải thích do con người còn bị “phân công lao động” một cách tự nhiên chứ không phải một cách tự nguyện; tức là con người còn phải phụ thuộc vào những khế ước gia đình, xã hội, nhà nước, tức con người còn phải là một “con người lịch sử”, còn phải phụ thuộc vào những điều kiện sinh tồn xung quanh nó nên nó chưa được tự do ? Trong khi Marx đang bàn về thế nào là “lịch sử con người”, rằng hoạt động của con người đi từ mỗi cá nhân đến xã hội, bước đầu tiên là phải thông qua gia đình, từ gia đình bước vào cộng đồng làng, nước và nhân loại.

    Theo chúng tôi, chừng nào con người còn sống trong môi trường xã hội, nó luôn luôn “bị”, hoặc “được” “phân công lao động” không ở dạng này thì cũng ở dạng khác; bởi xã hội dù là xã hội của bầy ong cũng luôn là một xã hội của “phân công lao động”, xã hội của một tổ chức nhất định, một trật tự nhất định, một khế ước nhất định.

    Cũng trong đoạn văn trên, sau khi quy tội cho “sự phân công lao động” làm tha hoá con người, Marx quy tội tiếp cho một hành vi làm vong thân con người là ở chỗ con người còn có “lợi ích riêng”: “ …Chừng nào còn có sự chia cắt giữa lợi ích riêng và lợi ích chung… thì chừng đó hành động của bản thân con người sẽ trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người và nô dịch con người chứ không phải bị con người thống trị”

    Chính ở đây, Marx lặp lại sai lầm khi giải thích và định nghĩa con người: tách con người ra khỏi tự nhiên là tách con người ra khỏi chính nó; tức là Marx vẫn ngoan cố cho rằng chính tư hữu, sở hữu, tức chữ “của” làm tha hoá con người, làm nó không được “tuyệt đối tự do”! Đã nhiều lần trong các bài phê phán Marx, chúng tôi đã bác bỏ nhận thức luận không đúng này của Marx về con người; rằng chính chữ “của”, chính tư hữu, chính sở hữu mới là hành vi khỏi nguồn nhân tính. Rằng, muốn là người, con người phải nhận ra sở hữu đầu tiên, tư hữu đầu tiên: tôi, trước hết và sau cùng là của tôi, chứ không phải của ai khác.

    Lần đầu những con vượn người do não bộ phát triển (điều mà Kinh Thánh nói rằng sau khi Adam và Eva ăn trái cấm thì mới có trí khôn, mới biết mình là ai, biết xấu hổ, biết thiện ác, tốt xấu, đúng sai, tức hành vi nhận thức ra mình – Ý thức người: nhân tính, nhân loại) lần đầu tiên soi mặt mình xuống suối, bất chợt nhận ra gương mặt kia chính là mặt mình, chính là sỡ hữu (tư hữu) đầu tiên, tư hữu bản lề, tư hữu khởi nguồn này là nhân tính: tôi hoá ra chính là tôi, là của tôi, của tôi gương mặt xa lạ kia mà nghìn năm nòi giống tôi vì thiếu trí óc, thiếu tư duy, đã không phát hiện ra, thấy mặt mình là sợ hãi, tưởng mặt mình là mặt ai khác rồi ù té chạy; nay tôi nhìn thấy tôi trong gương-mặt suối, mới kinh ngạc phát hiện ra gương mặt kia (một phản ánh mình) là của chính mình. Do đó, khi Marx đòi xóa bỏ chữ “của”, xóa bỏ tư hữu, sở hữu, Marx đồng thời xóa bỏ chính bản thể người!

    Vì nhận thức quá ư sai lạc là con người muốn tự do phải xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ cái riêng, xoá bỏ “của riêng-lợi ích riêng”, Marx đã đi từ sai lầm này sang sai lầm khác. Riêng với chung, ý thức và bản năng, tốt với xấu, thiện và ác, âm và dương, đúng và sai …là những cặp phạm trù, là biện chứng của nhau; nếu ta xoá cái riêng đi như Marx dạy, thì “cái chung” cũng sẽ biến mất; nếu ta xóa “âm” thì “dương” củng sẽ biến mất; nếu ta xóa “khái niệm sai, ác, xấu” đi cũng có nghĩa là ta không còn biết thế nào là “chân, thiện, mỹ” nữa! Thế thì Marx nhân danh cái gì để đòi xóa chính con người và các phạm trù người một cách phản khoa học như thế ? Thưa rằng Marx nhân danh cái “Tuyệt đối” – Hegel đấy!

    Để rồi Marx vẽ ra một cái giống người từ hành tinh khác xuống “tuyệt đối tự do”, tuyệt đối phi xã hội, phi lịch sử, phi “phân công lao động”, phi tư hữu, phi sở hữu (tức người = zê rô ), phi cái riêng, phi quan hệ, phi tổ chức, phi khế ước, phi chuyên môn, phi điều kiện, phi thời gian, phi không gian, phi gia đình, phi nhà nước, phi giới hạn, phi phạm trù, phi biện chứng, phi thực tại… tồn tại trong một thế giới ảo, thế giới ma có tên là “xã hội cộng sản”; nơi những con cung quăng được gọi là “người”, biểu diễn màn ảo thuật “tuyệt đối tự do” rất tức cười như sau: “…Tôi có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau bữa cơm thì làm việc phê phán, tùy theo sở thích của tôi mà chẳng bao giờ trở thành người đi săn, người đánh cá, người chăn nuôi hoặc nhà phê phán cả…”

    Xin quý độc giả hãy nghe Marx “phát hiện” ra “hình thức sở hữu đầu tiên của loài người” chính là việc người chồng sở hữu vợ và con cái, như sau: “…Sự phân công lao động ấy-nó chứa đựng tất cả những mâu thuẫn nói trên và đến lượt nó, lại dựa vào sự phân công lao động nảy sinh một cách tự nhiên trong gia đình và vào sự phân chia xã hội thành những gia đình riêng rẽ đối lập với nhau, – đồng thời cũng bao hàm sự phân phối lao động và sản phẩm của lao động; một sự phân phối thật ra không đồng đều cả về mặt số lượng lẫn chất lượng; vì vậy nó cũng bao hàm sở hữu, mà mầm mống và hình thái đầu tiên nằm trong gia đình, trong đó vợ và con cái là nô lệ của người đàn ông. Chiếm hữu nô lệ trong gia đình – đành rằng còn rất thô sơ và được che đậy – là hình thức sở hữu đầu tiên, một hình thức cũng đã hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của các nhà kinh tế học hiện đại nói rằng sở hữu là quyền tự do chi phối sức lao động của của người khác…”.

    Theo các nhà sử học, con người sau hàng triệu năm sống trong tình trạng quần hôn (cộng sản nguyên thuỷ?) mới biết sống theo từng gia đình riêng lẻ; mà hình thức gia đình ban đầu kéo dài hàng nhiều nghìn năm là hình thức gia đình mẫu hệ, tức là người đàn bà sở hữu người đàn ông, chi phối các ông chồng của mình (thậm chí nô lệ hoá các ông chồng) chứ không phải ngược lại như Marx nói ở trên. Đưa ra một khái quát khá tuỳ tiện là hình thức sở hữu đầu tiên của loài người bắt đầu từ chuyện các ông chồng sở hữu, nô lệ hoá vợ và con cái, chứng tỏ Marx rất phi khoa học. Như chúng tôi đã viết ở các bài trước, hình thức sỡ hữu đầu tiên mang tính người, của loài người là hành vi tự ý thức: bản thân mỗi cá nhân biết mình chính là của mình, tức là sỡ hữu cá nhân, sở hữu bản thân của mỗi con người với chính nó là hình thức sở hữu khởi nguồn nhân loại. Sau đó, con người bước tiếp tới các sở hữu khác ngoài mình là sở hữu kẻ khác, chí ít là trong hành vi giao phối chọn lựa bạn tình. Loại sở hữu này đã có trong tự nhiên: các con vật đực khỏe mạnh sở hữu riêng các con cái trong bầy đàn để thoả mãn dục vọng truyền giống. Loài vật cũng biết tư hữu, sở hữu bạn tình, con đực khác nào dám liều lĩnh “đụng vào”, “sờ vào” các “em” của nó, nó sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền tư hữu con mái (cái).

    Ngay từ khi con người còn sống trong trạng thái quần hôn bầy đàn như súc vật, các con-người -đực khỏe mạnh đã biết sở hữu các con-người-cái hợp nhãn cho riêng mình. Con người còn biết sở hữu miếng ăn, sở hữu chỗ ở, sở hữu công cụ và phương tiện sản xuất, đâu phải đợi đến lúc xã hội chuyển sang sống thành gia đình mới sinh ra sở hữu đầu tiên là các ông chồng sở hữu vợ và con cái như Marx ngộ nhận?

    Vả lại, khi con người còn sống thành bầy đàn, bao nhiêu hình thức sở hữu đã xuất hiện cùng với nhân tính trước khi gia đình xuất hiện, như sở hữu bản thân, sở hữu bạn tình, sở hữu con cái của giống cái (các bà mẹ người sở hữu con mình ), sở hữu tổ ấm, sở hữu bếp lửa, nguồn nước, mũi lao, dụng cụ lao động và dụng cụ săn bắt…Việc Marx quy cho chuyện tự do sở hữu sức lao động của người khác mới là hình thức sở hữu đầu tiên của loài người là định kiến sai lạc, cốt áp đặt từ ‘bóc lột” là từ mang tính giả tạo rất chủ quan làm nên học thuyết “chôn tư bản” của Marx, tác hại vô cùng lên lịch sử hình thành và phát triển của loài người vậy.

    Khởi đầu, Marx đặt vấn đề có tính tiền đề “Lịch sử” như sau: “ …Việc xác định tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề của mọi lịch sử, đó là : người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất trong những tư liệu để thoả mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất…”.

    Trong định đề này, Marx lặp lại cái sai của nhận thức luận về con người: cái ăn là hành vi lịch sử đầu tiên mang tính người. Từ đó, Marx nâng lên thành “hành vi lịch sử đầu tiên là sản xuất là đời sống vật chất”, như là một học thuyết: “vật chất luận”, “miếng ăn luận”. Loài vật trong tự nhiên cũng phải tuôn theo quy luật sống còn này: ăn để tồn tại và duy trì nòi giống? Lấy gì làm ranh giới phân biệt giữa loài vật và loài người ở vạch xuất phát “miếng ăn”, vạch xuất phát sản xuất ra đời sống vật chất để sinh tồn đây?

    Thưa rằng, loài vật lao động tìm miếng ăn theo thuần tuý bản năng tự nhiên. Loài người cũng tìm miếng ăn theo bản năng sinh tồn tự nhiên, nhưng là một bản năng đã được ý thức hoá, tức bản năng đã được thuần dưỡng bởi ý thức về chính nó, ý thức về tự nhiên và ý thức về đồng loại, tiến lên một bước nữa là ý thức về gia đình – xã hội. Loại bỏ ý thức và tự ý thức của con người ra khỏi khởi nguồn tiến hoá của nó, để thay bằng hành vi “miếng ăn” còn ban sơ thú vật, Marx đã toan từ chối khát vọng làm người của chính con người đang muốn vươn lên cao hơn bản năng tự nhiên, chế ngự và làm chủ bản năng bằng ý thức, ý chí, bằng tư duy hình tượng đang hình thành tư duy khái niệm, để tạo thành những hình thái ý thức xã hội mới vinh danh con người là tôn giáo, chính trị, đạo đức, luật pháp, giáo dục, văn nghệ…

    Vì sao Marx lại chối bỏ ý thức của con người xuất hiện như là hành vi nhân tính đầu tiên, để phân biệt thú vật và con người, là hành vi lịch sử đầu tiên giúp con người thoát khỏi bản năng thú tính? Đơn giản vì Marx đã đúc sẵn cái khuôn duy vật cứng nhắc, nên cái gì cũng phải tuôn theo “tính tất yếu lịch sử” do ông áp đặt lên các sự vật, nên ông phải phủ nhận vai trò quyết định của ý thức tạo nên tính người mà quy vào hành vi “miếng ăn” là hành vi lịch sử đầu tiên của người và xã hội loài người như ông ngộ nhận!

    Marx tiếp tục bàn về “lịch sử người” như sau: “Điểm thứ hai là bản thân cái nhu cầu đầu tiên đã được thoả mãn, hành động thỏa mãn và công cụ để thoả mãn mà người ta đã có được –đưa tới những nhu cầu mới; và sự sản sinh ra những nhu cầu mới này là hành vi lịch sử đầu tiên”. Viết như thế này, Marx vẫn quanh đi quanh lại theo kiểu con người nói cho cùng là một loài không dừng lại ở những thoả mãn nhu cầu vật chất sẵn có, nó ngày càng đòi hỏi những nhu cầu vật chất khác mới hơn…Tức là, con người vì có ý thức, nên nó khác các loài vật là luôn phải tìm tới những hình thức thoả mãn mới hơn. Nhưng vì Marx sợ từ “Ý thức”, sợ con vượn người có ý thức, lấy ánh sáng ý thức từ biệt lốt thú tăm tối của mình, dùng ý thức chế ngự bản năng, vươn lên làm người thì sẽ hỏng cả quy trình sẵn có của chủ nghĩa Marx đã được tuyệt đối hoá, tất yếu hoá, sơ đồ hoá bằng kết luận: “tồn tại người ” quyết định “ý thức người” vậy!

    Marx tiếp tục “lịch sử luận” về giống người, như sau: “Quan hệ thứ ba tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển lịch sử : hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở -đó lá quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”… Khái quát này của Marx có thể áp dụng cho nhiều loài chim và thú có đời sống độc thê, ví như chim thiên nga là loài sống đời sống một vợ một chồng cho đên chết, chứ cứ gì là hình thức lịch sử riêng của loài người như Marx “khái quát khoa học” trên?

    Một cái sai căn bản của Marx là ông đã đuổi cổ một số hình thái ý thức xã hội như chính trị, tôn giáo… ra khỏi tiến trình lịch sử của con người, tuyệt đối hoá vai trò “sản xuất vật chất”, coi “sản xuất vật chất” chính là lịch sử, tước đoạt hoàn toàn lịch sử tinh thần của loài người, khiến loài người theo kiểu Marx là loài người đất sét, một thứ loài người còn nguyên bầy đàn vượn khỉ, không hề có đời sống tinh thần tham dự, ví như ông viết: “ Như vậy là ngay từ đầu, đã có một liên hệ vật chất giữa người với người, mối liên hệ này bị quy định bởi những nhu cầu và phương thức sản xuất và cũng lâu đời như bản thân loài người – một mối liên hệ không ngừng mang những hình thức mới, và do đó, là “lịch sử” – mà hoàn toàn không cần có bất cứ điều nhảm nhí nào về chính trị, hoặc về tôn giáo gắn bó thêm con người lại với nhau”!

    Lịch sử con người là lịch sử của cả đời sống tinh thần và đời sống vật chất hòa quyện với nhau, trong đó yếu tố “sản xuất ra của cài vật chất” chỉ là một mặt, một thành tố, trong những thành tố khác tạo nên con người và lịch sử người gồm các hình thái ý thức xã hội khác ví như chính trị, tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật…

    Tuyệt đối hoá vai trò “sản xuất ra của cải vật chất” chính là lịch sử, coi “miếng ăn” là hành vi đầu tiên và cuối cùng của con người và lịch sử loài người như Marx ngộ nhận, phải chăng chủ nghĩa Marx đi từ chỗ xóa tư hữu, xóa ý thức người đã tiến lên xoá luôn cả lịch sử loài người như một học thuyết phản tiến hoá, phản khoa học, phi nhân bản nhất từ trước tới nay?

    Điều đáng buồn thay là học thuyết xóa cá nhân, xóa lịch sử này của Marx đang được ĐCSVN tôn lên là tôn giáo độc nhất, bắt cả dân tộc chúng ta phải tin theo, không ai được phép phê bình, tranh luận, ai không theo đạo Marx, không tin Marx thì Đảng bắt bỏ tù. Đảng còn bắt các thế hệ học sinh suốt 50 năm nay phải học thứ chủ nghĩa ngoại lai phản khoa học này từ trung học tới đại học, gây tổn thất lớn cho đất nước, phá hoại tinh thần nhân bản và truyền thống yêu nước thương nòi của cha ông, hơn một đại thảm họa cho giống nòi, thì xin giời cao đất dày chứng dám…

    Sài Gòn, 20-03-2006

    Copyright @ DCVonline 2006

    http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=print&sid=1409

  3. Nguyễn Văn An said

    Về Mác, chỉ cần viết gọn thế này:
    Ai đã đọc cuốn “Tuổi trẻ Các Mác”, do VN dịch và xuất bản, đều thấy rằng, Mác khá “hung hăng” trong đánh nhau ở trường học, với mục tích bảo vệ học sinh nhỏ, yếu. Động cơ đánh nhau là tốt, khỏi phải bàn. Nhưng ta lưu ý tính cách ấy vào sự nghiệp chính trị của ông sau này.
    Khi Mác viết bộ Tư bản, xây dựng lý thuyết kinh tế về quá trình sản xuất, phân phối, chủ tư bản bóc lột công nhân, để các đảng công sản có thể dựa vào lý thuyết ây mà sách động công nông làm cách mạng, lật đổ chế độ tư bản. Công nông là 2 tầng lớp nghèo khó nhất, ít học nhất, dễ bị lừa gạt nhất, mong mỏi đổi đời nhất, nên dễ đi theo cách mạng nhất. Cuối cùng, khi có chế độ mới, 2 tầng lớp này mới hiểu ra, mình bị lừa, thì đã muộn, vì mở mồm kêu khổ thì đã bị chuyên chính vô sản hùng hậu dí súng vào họng.

    Ít ai biết, khi Mác tung ra bộ Tư bản, nhiều nhà kinh tế học xuất sắc đã phát hiện ra “tiên đề” tiền vốn (C trong công thức C+V+m = giá trị hàng hóa) không sinh ra lời nhuận (m) là sai lầm chết người. Theo Mác, V (sức lao động) mới sinh ra lợi nhuận. Họ viết thư trao đổi, phản biện với Mác. Cuối cùng, đuối lý, Mác trả lời “tôi làm bộ Tư bản để cổ vũ đấu tranh giai cấp” (thừa nhận công trình này không phải thuần khiết là nghiên cứu khoa học kinh tế. Thừa nhận nó có mục tiêu đạt tới: chính trị). Thấy Mác thú nhận như vậy, các kinh tế gia ngừng viết thư tranh luận (đánh kẻ ngoan cố, ai đánh kẻ đầu hàng?). Thực tế, ngay chế độ CS thủ cựu bậc nhất thế giới nhừ Cu Ba cũng phải mời tư bản nước ngoài rót vốn đầu tư, chứ không chỉ hy vọng chỉ vào trồng mía bằn cơ bắp của dân Cu Ba.

    Hãy so sánh trong toán học: tiên đề Ơclit (qua 2 điểm cho trước, chỉ có 1 đường thẳng, chỉ 1 mà thôi) và tiên đề Lôbaxépxky (qua 2 điểm cho trước, có vô số đường thẳng khác nhau – trên quan niện đường thẳng là đường cong có bán kính lớn vô cùng. Đã gọi là tiên đề thì chỉ công nhận, không chứng minh được như định lý. Cho nên tính đúng đắn của tiên đề không cao như định lý. Bằng thực tiễn, loài người thừa nhận, nếy không công nhận Lôbaxépky, không thể nào cho tàu vũ trụ lên không gian thành công. Ngay Mác cũng thừa nhận “thực tiễn là thước đo kiểm chứng lý thuyết” (!)

    Bài viết của tác giả người Hungari quá dài, diễn đạt rối rắm, người dịch chưa “Việtnam hóa” câu chữ và chuyển ý không khéo (cái này đòi hỏi vốn tiếng Việt phải xuất sắc). Đọc lằng nhằng, “tra tấn” độc giả…

  4. Mỹ Vân said

    PHÊ BÌNH NHẬN THỨC LUẬN VỀ CON NGƯỜI CỦA MARX VÀ ENGELS

    Trần Mạnh Hảo

    Bằng tiểu luận này, chúng tôi ( TMH) kêu gọi tất cả những nhà khoa học trong ngành khoa học nhân văn ( người Việt Nam) ở trong nước và nước ngoài, các giáo sư tiến sĩ triết học, chính trị học, kinh tế chính trị học, mỹ học, lý luận văn học, văn hoá học, sử học…, những người cầm bút không cần học hàm học vị nào mà vẫn uyên bác như ai, những độc giả bình thường khác…, những người còn có khả năng phân biệt được sự khác nhau giữa con voi và con kiến, còn có lòng yêu nước, hay còn khả năng yêu nước, thương nòi, hãy vì dân tộc đau thương, bi thảm và nước Việt buồn của chúng ta mà bỏ qua sĩ diện không thèm đối thoại với “nhà cầm quyền Hà Nội độc tài, độc quyền chân lý…” đặng cùng nhau lên tiếng, xem rằng : chủ nghĩa Marx rốt cục LÀ PHÚC HAY HỌA CỦA DÂN TỘC VÀ NHÂN LOẠI đây ? Vì khi nào đảng cộng sản VN còn “kiên định chủ nghĩa Marx-Lenine”, còn độc quyền “cấm tranh luận về chủ nghĩa Marx và tư tưởng Hồ Chí Minh”, như ông Nguyễn Đức Bình – nhà lý luận hàng đầu của ĐCSVN vừa viết trên báo Nhân Dân và báo Tuổi Trẻ – thì chừng đó chúng ta vẫn còn phải dùng nhãn quan khoa học để chỉ ra cái sai, cái phản khoa học, phản con người của học thuyết duy ác này …

    Với chính tinh thần hoài nghi tất cả và đặt tất cả mọi đối tượng nghiên cứu trong tầm phê phán triệt để khoa học mà Marx đã dạy, chúng tôi xin phê bình những quan niệm về con người của Marx (nói tới Marx, nghĩa là bao gồm cả Engels). Chúng tôi xin lấy chính lời tuyên bố của Marx, viết trong lời tựa bản thảo cuốn “ Hệ tư tưởng Đức”- một tác phẩm triết học hàng đầu của hai ông Marx và Engels- để phê bình nhân sinh quan của hai ông tổ chủ nghĩa cộng sản này. Chúng ta hãy cùng nghe Marx phê phán triệt để hệ tư tưởng Đức, y như là ông đang phê phán chính học thuyết của mình, như 158 năm sau khi “Tuyên ngôn của ĐCS” ra đời, bỗng dưng Marx sống dậy để xóa sổ toàn diện học thuyết phản khoa học của mình bằng tuyên bố nảy lửa như sau :
    “… Chúng ta hãy giải thoát họ khỏi những ảo tưởng, những khái niệm, những giáo điều, những điều tưởng tượng mà cái ách của chúng đã dày vò họ. Chúng ta hãy nổi dậy chống lại sự thống trị ấy của những quan niệm. Chúng ta hãy dạy cho con người- một người này nói- biết đổi những ảo tưởng đó lấy những tư tưởng phù hợp với bản chất con người, -một người khác nói -biết có thái độ phê phán đối với những ảo tưởng đó,- một người thứ ba nói – biết trục xuất những ảo tưởng ra khỏi đầu óc, – thế là hiện thực hiện tồn tại sẽ sụp đổ…” ( tr.19, “Lời tựa” bản thảo “ HỆ TƯ TƯỞNG ĐỨC” của Marx-Engels, trong tập 3, toàn tập C.MÁC và PH. ĂNG-GHEN do NXB Chính trị quốc gia-Sự thật xuất bản – Hà Nội 1995 – Trích dẫn trong bài viết này đều lấy từ sách trên- )

    Chúng tôi không thể nào ngờ, Marx- một nhà triết học khổng lồ như thế, lại có một định nghĩa hết sức ngớ ngẩn về con người; xin dẫn và phân tích.

    Trong “Luận cương về Phơ-bách”[ Feuerbach] ( tr. 11, sđd) Marx viết : “Phơ-bách hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người. Nhưng bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội…”… “…Do đó, ở Phơ-bách bản chất con người chỉ có thể được hiểu là “loài”, là tính phổ biến nội tại, câm, gắn bó một cách thuần tuý tự nhiên đông đảo cá nhân lại với nhau…”… “…Vì thế, Phơ-bách không thấy rằng bản thân “tình cảm tôn giáo” cũng là một sản phẩm xã hội mà cá nhân trừu tượng mà ông phân tích, trên thực tế, là thuộc một hình thức xã hội nhất định…”

    Rõ ràng, qua đoạn văn khái quát về nhận thức luận con người, Marx đã hoàn toàn rơi vào duy tâm chủ quan, khi tuyệt đối hoá yếu tính xã hội của con người, đồng thời phủ định yếu tính tự nhiên nơi con người. Theo chúng tôi, CON NGƯỜI TRƯỚC HẾT VÀ SAU CÙNG LÀ CON NGƯỜI TỰ NHIÊN ĐƯỢC XÃ HỘI HOÁ. Trong đoạn văn trên, Marx phê bình Phơ-bách đã “ hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người” là do sự căm thù tôn giáo QUÁ KHÍCH CỦA Marx, khiến ông không còn tỉnh táo để nhận ra là “con người tôn giáo” vừa mang yếu tính tự nhiên, vừa mang yếu tính xã hội, chứ không bao giờ là ý thức xã hội tuyệt đối hoá như ông quan niệm. Marx, trong cơn cuồng si chống lại người thầy duy vật của mình là Phơ-bách ( Hegel là người thầy duy tâm thứ nhất của Marx cũng được ông tiếp thu và chống lại), đã không còn đủ lý tính cần thiết để đi đến một định nghĩa về con người, lại đưa ra một quan niệm sai trái một cách quá vĩ đại và ngờ nghệch một cách quá kinh thiên là TƯỚC BỎ TÍNH TỰ NHIÊN NƠI CON NGƯỜI, TƯỚC BỎ TÍNH TÔN GIÁO CỦA BẢN THỂ CON NGƯỜI.

    Có kẻ lý luận ăn gian, lý luận học phiệt đã xông ra cãi hộ Marx rằng : “ Marx đang nói về CON NGƯỜI “TRONG TÍNH HIỆN THỰC” cơ mà, chứ nào phải con người trong cõi mông lung ! Thưa, cãi thế là tự lòi cái ngu ra nhà học phiệt ơi : “CON NGƯỜI TRONG TÍNH HIỆN THỰC”, thì cũng chính là con người trên cõi thế; vì chả lẽ, trong “TÍNH HIỆN THỰC” không có không gian và thời gian à ? Không có thiên nhiên, tự nhiên, càn khôn, nhật nguyệt và toàn bộ vũ trụ hiện thực ( và hư ảo, huyền nhiệm) nơi con người định cư à ? Vả, có HIỆN THỰC nào không bao hàm yếu tính TỰ NHIÊN ?

    Nếu hiểu TÍNH HIỆN THỰC chỉ quy về ý nghĩa xã hội thô thiển và ngu ngốc như Marx quan niệm, thì xin hỏi ngài Marx, ngài Engels, ngài Lenine, con người –xã hội CỦA QUÝ VỊ THỞ BẰNG GÌ, uống bằng gì, ăn bằng gì nhỉ ? Tách con người ra khỏi tự nhiên, ra khỏi tôn giáo để nghiên cứu nó, cũng đồng thời tách con người ra khỏi hoàn cảnh lịch sử của nó ! Toàn bộ học thuyết Marx quả tình đã nghiên cứu một CON NGƯỜI –XÁC ƯỚP, một CON NGƯỜI BÙ NHÌN RƠM, một con người phi tự nhiên, phi tôn giáo, phi lịch sử, chứ không phải là con người đích thực !

    Marx luôn nhân danh duy vật biện chứng để đưa ra những kết luận rất duy tâm, rất phi logic, như ở trang 36 ( sđd), ông viết : “ Cơ cấu xã hội và nhà nước luôn luôn nảy sinh từ quá trình sinh sống của những cá nhân nhất định, không phải của những cá nhân đúng như bản thân của những cá nhân ấy có thể tự hình dung, mà là của những cá nhân đúng như trong hiện thực, nghĩa là đúng như họ đang hành động, sản xuất một cách vật chất, tức là đúng như họ hành động trong những giới hạn, tiền đề và điều kiện vật chất nhất định, không phụ thuộc vào ý chí của họ”.

    Trong định đề trên, Marx đã tuyệt đối hoá vai trò của con người trong khái niệm “vật chất nhất định” nhằm giết chết khái niệm “hiện thực” bằng cách dung tục hoá hiện thực, coi hiện thực chỉ là những món sờ được, cảm được, nhìn thấy được mà quên rằng, HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG con người bao hàm cả đời sống vật chất và tinh thần của nó, mồ hôi, nước mắt của nó và những khát vọng, những giấc mơ, hi vọng và tuyệt vọng cồn cào bên trong của nó, như thể cái vô biên tồn tại hòa điệu ở ngay trong lòng cái hữu hạn và ngược lại.

    Con người với Marx bao giờ cũng chỉ là con người công cụ, không phải con người với mục đích tự thân, nên ông không bao giờ cho phép con người và những hình dung của nó về chính đời sống người của mình gặp nhau, hoặc chập chờn hư thực bên nhau : “ Không phải của những cá nhân đúng như bản thân của những cá nhân ấy có thể hình dung hay đúng như người khác có thể hình dung, mà là của những cá nhân đúng như trong hiện thực…”. Hiện thực hoá hiện thực một cách tuyệt đối như trên, Marx đã treo cổ ngay cả khái niệm hiện thực !

    Con người trong quá trình mưu sinh, lao động, sản xuất, nó đồng thời cũng phải tư duy, mộng tưởng, khát khao, hình dung, tưởng tượng về mình, về cuộc sống quanh mình . Nó phải ngước lên, ngó ra ngoài hòng khám phá cái bí mật bên trong của mình, lại phải ngó vào trong tâm hồn mình để tìm kiếm cái bao la của thế giới khách quan ; cớ sao Marx lại cho rằng con người hiện thực là con người không thể, không được hình dung về sự hiện hữu hiện thực của nó, hoặc không thể hình dung đúng với hiện thực mà nó đang sống, hoặc nó không bao giờ có thể là hình ảnh trong những cá nhân khác đang hình dung về nó ?

    Không cho thế giới tự nhiên được tự nhiên chứng tỏ mình là thế giới( con người bản năng, con người trường tồn hay tính người muôn thuở), không cho thế giới tinh thần của con người tham dự vào hành trình sống của nó, nhất định tuyệt đối hoá yếu tố vật chất, yếu tố sản xuất là Marx đã chối bỏ chính con người ? Xua đuổi con người đích thực ra khỏi đối tượng nghiên cứu triết học, kinh tế chính trị học, học thuyết của Marx nói cho cùng là một thứ học thuyết phi nhân.

    Trước Marx, triết gia duy lý vĩ đại thế kỷ thứ XVII người Pháp là Descartes, đã lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tôn vinh bộ óc của con người bằng một câu nói vô song : “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Nếu Decartes TÔN VINH CON NGƯỜI TƯ DUY thì Marx 200 năm sau, tôn vinh hoá, tuyệt đối hoá CON NGƯỜI TỒN TẠI.

    Có thể nói không ngoa rằng, quá trình lập thuyết của Marx là quá trình xua đuổi CON NGƯỜI TƯ DUY DECARTES ra khỏi triết học DUY “DUY VẬT” của ông ! Thành ra hệ thống Marx trở thành một thứ triết học thiếu vắng TƯ DUY, thiếu vắng TINH THẦN, rốt ráo thuyết Marxism chừng như thiếu vắng cả văn hoá, thiếu vắng nhân bản,nhân văn ?

    Từ câu nói trên của Decartes như một mệnh đề tiên khởi duy lý, chợt làm ta hụt hẫng, toan vịn vào quan niệm nhất nguyên luận về thế giới của minh triết phương Đông. Hình như trong nhận thức luận về mối quan hệ giữa TƯ DUY và TỒN TẠI, giữa cái PHẢN ÁNH và cái ĐƯỢC PHẢN ÁNH ( hay BỊ PHẢN ÁNH), Descartes đã mơ hồ muốn thoát ly nhị nguyên luận trong truyền thống triết học phương Tây từ thời Socrates, vốn coi TỒN TẠI và TƯ DUY là hai món khác nhau, nên từ đó nền triết học CHỦ BIỆT phương Tây chia thành hai phái : PHÁI DUY TỒN TẠI ( DUY VẬT) và phái DUY TƯ DUY ( DUY TÂM) cứ cãi nhau chí chết mà vẫn bất phân thắng bại ?

    Khi đưa ra câu định nghĩa : “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”, Decartes chắc cũng loáng thoáng nghĩ rằng (hình như) tồn tại với tư duy : “ mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”; nhưng rồi ông vẫn đi theo truyền thống Plato, coi TÂM ( tư duy) quyết định VẬT (tồn tại)

    Có lẽ, trong nhận thức luận của mình, người phương Đông đã rốt ráo hơn phương Tây khi coi TÂM với VẬT là một : rằng trong VẬT có TÂM, và trong TÂM có VẬT; nếu tách TÂM ra khỏi VẬT, thì TÂM không còn là TÂM nữa; nếu tách VẬT ra khỏi TÂM thì VẬT cũng không còn là VẬT nữa. Cũng như thế, nếu ai đó như MARX lại điên rồ tách CON NGƯỜI ra khỏi TỰ NHIÊN thì CON NGƯỜI không còn là CON NGƯỜI nữa và ngược lại…

    Triết học phương Tây từ Socrates đến Marx đã bị HỆ THỐNG TINH THẦN TẤT YẾU của Plato chặn đầu và HỆ THỐNG TINH THẦN TUYỆT ĐỐI của Hegels chặn hậu : nên nó là dòng triết học DUY “DUY”, CỰC ĐOAN TÂM hoặc CỰC ĐOAN VẬT, thiếu hẳn tinh thần TRUNG DUNG, tinh thần HÀI HÒA ÂM DƯƠNG, hài hòa TÂM & VẬT kiểu phương Đông.

    Cái khác nhau trong phương pháp tư duy giữa dòng triết học DUY “DUY” và triết học PHẢN DUY “DUY” hay triết học TRUNG DUNG = HÀI HÒA là ở hai từ TRƯỚC HẾT hay ĐỒNG THỜI !

    Qúa trình vận động của nhận thức luận phương Tây thường bắt đầu bằng định đề : vũ trụ trước hết khởi đầu bằng Ý NIỆM, bằng TÂM = BẰNG THƯỢNG ĐẾ, BẰNG CÁI NGOÀI CON NGƯỜI…hay vũ trụ trước hết là VẬT ở ngoài ta, được ta nhìn thấy ( phản ánh); nên VẬT là bước khởi thuỷ của nhận thức, bước thứ hai mới là bước NHÌN THẤY ( thu vật vào não ta = nhận thức = phản ánh = hình ảnh vật )…Nói qua đến sự khác biệt giữa cái nhìn CHỦ TOÀN phương Đông và cái nhìn CHỦ BIỆT phương Tây, cũng là nói về phương pháp tiếp cận sự vật khác nhau của hai dòng triết học đông tây vẫn hằng bổ túc cho nhau vậy .

    NGƯỜI PHƯƠNG ĐÔNG quan niệm : khi ta bàn về TÂM tức là ta đang bàn về VẬT đấy! Nghĩ đến VẬT tức là vận hành TÂM trong tư duy đấy ! TÂM và VẬT là quá trình ĐỒNG THỜI chứ không phải TRƯỚC HẾT là …rồi mới tới SAU LÀ…như hệ thống triết học phương Tây.

    Sự phiến diện, chia tách sự vật ra thành các bộ phận thiếu tính hệ thống, thiếu cái nhìn chỉnh thể trong quá trình tự nhiên, xã hội và lịch sử theo cái nhìn biện chứng ( ví như sự ngu dốt TÁCH CON NGƯỜI RA KHỎI TỰ NHIÊN của Marx) ấy chính là thái độ DUY VẬT CỰC ĐOAN của Marx và Engels, Lenine trong bất cứ trang nào nơi học thuyết của các ông. Mà đã CỰC ĐOAN, đã TUYỆT ĐỐI “DUY” thì dù núp dưới chiêu bài DUY VẬT, cuối cùng toàn bộ học thuyết Marx cũng vẫn lộ nguyên hình là triết học DUY TÂM CHỦ QUAN, điều mà các ông vô cùng nguyền rủa ( tức các ông tổ cộng sản này chuyên chống mình : nói và làm ngược nhau ).

    Để chứng minh cho điều nhận xét trên, xin qúy vị đọc tiếp lời Marx bàn rất ư dông dào và tào lao, ở trang 38 ( sđd) như sau : “…Như vậy thì đạo đức, tôn giáo, siêu hình học và những dạng khác của hệ tư tưởng cùng với những hình thái ý thức tương ứng với chúng, liền mất ngay mọi vẻ độc lập bề ngoài. Tất cả những cái đó không có lịch sử, không có sự phát triển; chính con người, khi phát triển sự sản xuất vật chất và sự giao tiếp vật chất của mình, đã làm biến đổi cùng với hiện thực đó của mình, cả tư duy lẫn sản phẩm của tư duy của mình. Không phải ý thức quyết định đời sống, mà chính đời sống quyết định ý thức. Theo cách xem xét thứ nhất, người ta xuất phát từ ý thức, coi đó là cá nhân sống; theo cách thứ hai, là cách phù hợp với đời sống hiện thực, người ta xuất phát từ chính ngay những cá nhân sống, hiện thực và coi ý thức chỉ là ý thức của họ mà thôi”.

    Bằng định đề trên, chừng như Marx đang tranh luận với khoảng không, khi ông TỔNG ĐỀ phép biện chứng CON NGƯỜI TUYỆT ĐỐI HIỆN THỰC, TUYỆT ĐỐI SẢN XUẤT, TUYỆT ĐỐI DUY VẬT của mình là CON NGƯỜI “… HIỆN THỰC và coi Ý THỨC CHỈ LÀ Ý THỨC CỦA HỌ MÀ THÔI” !

    Đây hẳn là “phát minh vĩ đại” của Marx về mối quan hệ giữa Ý THỨC và CÁ NHÂN ( con người ) rằng : “Ý THỨC CHỈ LÀ Ý THỨC CỦA HỌ MÀ THÔI !”.

    Ơ hay, Ý THỨC ( tức tư duy, ý nghĩ, mơ mộng hay thế giới tinh thần của con người) không phải là của chính con người thì nó còn là của chính con mèo hay chính con chim cu hả ngài Marx thông tuệ ?

    Học theo tuyên ngôn triết học có một không hai này của Marx, Trần Mạnh Hảo tôi xin lập thuyết mới mà rằng : “ÁO BÀO TRÊN NGƯỜI CỦA CÉSAR LÀ CỦA CHÍNH CÉSAR CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA THỐNG SOÁI BRUTUS ” !

    Con người xuất hiện trên vũ trụ khi NÓ Ý THỨC ĐƯỢC BẢN THÂN MÌNH ! Tại sao Marx lại sợ ý thức của con người đến thế ? Trong học thuyết của mình, đầu tiên Marx xua đuổi TỰ NHIÊN ra khỏi con người; bước thứ hai, Marx xua đuổi Ý THỨC NGƯỜI ra khỏi HIỆN THỰC NGƯỜI, coi Ý THỨC = TINH THẦN như là hủi, như là con đỉa đeo bám con người, như là thập giá mà con người phải vác, nên Marx đặc biệt căm thù và khinh rẻ Ý THỨC=TINH THẦN của chính con người.

    Marx tách hẳn TINH THẦN NGƯỜI, Ý THỨC NGƯỜI ra khỏi HIỆN THỰC SẢN XUẤT VẬT CHẤT NGƯỜI; ông ta khùng điên bắt Ý THỨC=TINH THẦN= TƯ DUY làm tù binh, làm nô lệ cho TỒN TẠI=VẬTCHẤT=HIỆN THỰC DUY SẢN XUẤT; lúc nào cũng gằm gằm đe dọa rằng : bọn Ý THỨC phi vô sản kia, chúng mày chỉ là nô lệ, là kẻ bị lãnh đạo, chúng mày như nhân dân muôn đời là tù binh của ĐẢNG DUY VẬT CHẤT độc quyền đang trổ tài tham ô, tham nhũng toàn diện đấy nhé !

    Ý THỨC với HIỆN TỒN nơi con người quan hệ với nhau một cách biện chứng; có thể ví Ý THỨC như ngọn lửa cháy trên cây nến, còn con người chính là CÂY NẾN ! Nếu tắt NGỌN LỬA Ý THỨC đang cháy trên THÂN XÁC NẾN CON NGƯỜI thì, cây nến không còn là cây nến nữa !

    Marx, kẻ đã tắt NGỌN LỬA PROMETE Ý THỨC=TINH THẦN NGƯỜI trên chính CÂY NẾN HIỆN TỒN NGƯỜI bằng lý thuyết dung tục đầy tính hàng thịt, tính xác ướp : “Hiện tồn quyết định Ý thức”; mà quên rằng TINH THẦN NGƯỜI hay Ý THỨC NGƯỜI không bao giờ có thể tách rời chính TỒN TẠI NGƯỜI, mà nó là hai mặt của một vấn đề, là hai mặt của một đồng tiền.

    Ý THỨC NGƯỜI với HIỆN TỒN NGƯỜI là một quá trình ĐỒNG THỜI, ở trong nhau, như quá trình đồng thời của máu, xương , thịt tạo nên con người, không bao giờ là chuyện TRƯỚC HẾT là thực tại, sau mới là Ý THỨC VỀ THỰC TẠI ( con người trước hết là thịt, sau đến xương và sau mới đến máu) như quan niệm nhị nguyên luận của hệ thống triết học phương Tây mà Marx là một đại diện…đã huyênh hoang tuyên bố.

    Cho nên, Marx mới dám nói liều lĩnh nhất trong những người nói liều lĩnh là phủ nhận ý thức, phủ nhận các giá trị tinh thần, phủ nhận tôn giáo, đạo đức, siêu hình học…là những giá trị căn bản bên trong làm nên HIỆN TỒN NGƯỜI mà rằng : “ Tất cả những cái đó ( tức đạo đức, tôn giáo, siêu hình học…) không có lịch sử, không có sự phát triển…”. [ Phần vừa dẫn ở trên]

    Xua đuồi tự nhiên, xua đuổi tôn giáo, xua đuổi đạo đức ra khỏi hệ thống cộng sản của mình như chính Marx tuyên bố, học thuyết của ông này quả thực là học thuyết của quỷ Sa-tăng !

    Chúng tôi xin trích dẫn thêm một sự tối ngu dốt của Marx trong hàng nghìn quan niệm tầm bậy trong sách của ông, khi ông định nghĩa về HÀNH VI XÃ HỘI ĐẦU TIÊN CỦA CON NGƯỜI LÀ HÀNH VI MIẾNG ĂN mà ông cho là MỘT ĐỊNH NGHĨA GỐC VỀ NGƯỜI, như sau trích trang 39, 40 (sđd) :

    “… Với những người Đức hoàn toàn không có tiền đề gì cả, chúng ta buộc phải bắt đầu bằng việc xác định tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề lịch sử, đó là : người ta phải có khả năng sống đã, rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy hành vi lịch sử đầu tiên tiên là việc sản xuất trong những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất. Hơn nữa đó là một hành vi lịch sử,một điều kiện cơ bản của mọi lịch sử mà ( hiện nay cũng như hàng nghìn năm về trước) người ta phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ, chỉ nhằm để duy trì đời sống con người…”

    Trong định đề triết học quan trọng bậc nhất của hệ thống duy vật biện chứng Marxism trên đây, Marx đã lầm lẫn hai điều quan trọng :

    1. Ông cho rằng MIẾNG ĂN là hành vi đầu tiên mang tính lịch sử, tức mang tính xã hội.
    2. Ông sai lầm khi cho rằng : “ Hành vi lịch sử đầu tiên ( của con người) là việc sản xuất trong những tư liệu để thoả mãn những nhu cầu vật chất !

    Trần Mạnh Hảo xin phép phản bác Marx, như sau :

    Thưa, HÀNH VI MIẾNG ĂN, tìm thức ăn của con người là hành vi của bản năng tự nhiên chứ tuyệt nhiên KHÔNG PHẢI LÀ HÀNH VI XÃ HỘI, HÀNH VI LỊCH SỮ như Marx viết trên.Bởi, hành vi hít thở, ăn, uống, ngủ, sinh lý, bài tiết…là hành vi của toàn bộ sinh vật trong giới tự nhiên, chứ không phải là sinh hoạt của riêng con người; nên nó không phải là hành vi mang tính lịch sử đầu tiên của con người như Marx ngộ nhận.

    Hành vi lịch sử đầu tiên của người theo Marx là hành vi lao động, sản xuất bằng tư liệu ( công cụ). Không, các loài vật cũng lao động, cũng tìm kiếm thức ăn trong thiên nhiên; riêng các loài linh trưởng còn biết dùng công cụ để lao động, như lấy đá đập vỡ quả khô lấy hạt ăn, biết dùng que để thọc lấy kiến, dùng gậy để dò sông suối, chống gậy qua sông suối, biết bẫy côn trùng bằng các loại công cụ thô sơ…chứ không phải chỉ riêng con người sơ khai mới biết lao động, biết sản xuất bằng công cụ để tìm thức ăn như Marx ngộ nhận… !

    Vậy thì đâu mới là hành vi đầu tiên mang tính người hay tính lịch sử người ?

    Thưa, hành vi đầu tiên của một ( hay nhiều con -vật-người đồng loạt) con vượn người vượt lên, để chứng tỏ nó là người, mà không còn là con vật nữa, ấy là HÀNH VI TỰ Ý THỨC.

    Tức lần đầu tiên, có một hay hai ba con vượn người do bộ não phát triển, khi ra suối uống nước, soi mặt vào nước suối trong xanh, như soi vào chiếc gương, nó chợt phát hiện ra hình bóng- SỰ PHẢN ÁNH- kia không còn là một KẺ XA LẠ nữa, hoặc một con quái vật nào khác làm nó bỏ chạy như hàng triệu năm tổ tiên nó đã bỏ chạy khi nhìn thấy mặt mình mà lại ngỡ mặt con quái vật nào đấy, nên sợ hãi quá rú lên, hét lên rồi bỏ chạy, đặng trốn chạy chính bản thân mình.

    Lần này, con vượn người kia do não bộ phát triển tới mức XUẤT HIỆN HÌNH THÁI ĐẦU TIÊN CỦA Ý THỨC là TỰ Ý THỨC, là nó chợt nhận ra gương mặt in dưới suối kia, mắt kia, môi kia, răng kia, đầu tóc, thân mình kia là chính nó chứ không phải tha nhân; RẰNG TÔI KIA, HÌNH ẢNH CỦA TÔI KIA LÀ CHÍNH TÔI, LÀ CHÍNH MÌNH, KHÔNG PHẢI AI KHÁC…ỐI giời đất ơi, người xuất hiện ra ĐẦU TIÊN trong trạng thái TỰ Ý THỨC chứ không phải DO LAO ĐỘNG HIỆN TỒN đâu Marx !

    Trần Mạnh Hảo cam đoan với ngài Marx thông tuệ rằng, con vượn người kia, bằng sự tự ý thức, bằng sự chợt nhận ra mình là chính mình, tôi là chính tôi khi tôi soi mặt tôi xuống suối : NÓ ĐÃ BẬT KHÓC VÌ SUNG SƯỚNG khi chợt nhận ra mình : nhân loại !

    ĐÂY MỚI LÀ HÀNH VI NGƯỜI ĐẦU TIÊN MANG TÍNH LỊCH SỬ : HÀNH VI CON NGƯỜI NHẬN RA CHÍNH NÓ, tức hành vi tự ý thức, tự tỉnh thức, mới là hành vi ĐẦU TIÊN mang tính cá nhân, tính lịch sử; như một CĂN NGUYÊN GỐC của TÍNH NGƯỜI !

    Như vậy, từ xét nghiệm đơn giản này, chúng ta mới thấy Marx CĂN BẢN ĐÃ SAI khi quy HÀNH VI MIẾNG ĂN, HÀNH VI SẢN XUẤT BẰNG CÔNG CỤ là hành vi gốc MANG TÍNH XÃ HỘI VÀ LỊCH SỬ đầu tiên của con người. Tất nhiên, trong suốt quá trình lịch sử tiếp theo, hành vi ý thức và hành vi lao động, tư duy và hiện hữu của con người trộn vào nhau, hài hoà trong nhau, vừa là hành vi tự nhiên mang tính xã hội, vừa là ý nghĩa xã hội thể hiện trong sự cải biến, hòa điệu với tự nhiên nơi con người…, không còn là bước một, bước hai như sự khởi đầu nữa.

    Chính vì thế, hành vi đầu tiên làm xuất hiện con người mang tính lịch sử là hành vi CON NGƯỜI TỰ Ý THỨC VỀ BẢN THÂN MÌNH chứ không phải hành vi LAO ĐỘNG KIẾM MIẾNG ĂN như Marx viết ! Rằng : tôi chính là tôi, ấy là người, cá nhân xuất hiện trong sự tự ý thức, bước tiếp theo mới xuất hiện ý thức xã hội và ý thức lịch sử loài người. Thế thì Ý THỨC NGƯỜI QUYẾT ĐINH TỒN TẠI NGƯỜI chứ đâu phải ngược lại như lý thuyết duy tâm chủ quan của học thuyết Marx đã tuyên bố tưởng chừng rất duy vật, rằng : HIỆN TỒN QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC ?

    Chúng tôi viết bài báo này không phải để nhằm chống ai, hoặc nhằm thỏa mãn tính háo thắng trẻ con của mình, mà viết ra để tham gia góp ý với BẢN DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐẠI HỘI X của ĐCSVN, khi đảng tha thiết mời tôi góp ý.

    Vả lại, Đảng vẫn ngoan cố kiên định chủ nghĩa Marx-Lenine, có ý đồng nhất học thuyết Marx là chân lý vĩnh hằng; trong khi QUỐC HỘI CHÂU ÂU ngày 25-01-2006 vừa qua, đã thông qua nghị quyết với số phiếu áp đảo 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống, lên án “ Chủ nghĩa cộng sản và các nước cộng sản phạm tội ác chống nhân loại như chù nghĩa phát-xít Hitler”.

    Tôi nghĩ, chân lý không bao giờ nằm trong tay kẻ độc quyền chân lý, dù kẻ đó là Đảng CSVN đi chăng nữa ! Chân lý và sự thật chỉ có thể đạt được bằng tri thức khoa học, bằng công khai tranh luận; tuyệt đối không kẻ nào có thể cướp đoạt được chân lý bằng sức mạnh của đàn áp, súng gươm hay nhà tù… như những chính thể quân phiệt độc tài từng thể hiện .,.

    Sài Gòn ngày 02/03/2006
    Trần Mạnh Hảo

    http://hungvietsite.org/blog/2006/03/02/phe-binh-nh%E1%BA%ADn-th%E1%BB%A9c-lu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-c%E1%BB%A7a-max-engels/

Bình luận về bài viết này