BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

441. Cải cách toàn diện để phát triển đất nước

Posted by adminbasam trên 27/10/2011

Lời giới thiệu: Xin trân trọng giới thiệu các bạn vài ý kiến của chúng tôi về hiện tình đất nước, và suy nghĩ về sự phát triển trong tương lai. Những ý kiến và suy nghĩ này đã được Gs Trần Văn Thọ khởi xướng và soạn ra lần đầu cách đây khoảng 3 tháng. Bản thảo đã qua rất nhiều lần bổ sung và chỉnh sửa, để đi đến sự đồng thuận và dung hòa những khác biệt về quan điểm và cách nhìn giữa chúng tôi. Những ý kiến và suy nghĩ được trình bày trong bài này đã được gửi cho giới lãnh đạo trong Đảng, Chính phủ, và Quốc hội. Mới đây, một số báo cũng đề cập đến một số khía cạnh trong bản ý kiến của chúng tôi. Hôm nay, chúng tôi chính thức công bố để chia sẻ cùng các bạn quan tâm.

Xin nói ngay và nhấn mạnh rằng đây không phải là bản kiến nghị, mà là một bản phân tích. Chúng tôi phân tích những diễn biến trong thời gian qua liên quan đến kinh tế, đối ngoại, giáo dục, khoa học, y tế, và văn hóa. Từ những kết quả phân tích, chúng tôi xác định một số nguyên nhân chủ yếu, và phát biểu một số suy nghĩ về định hướng phát huy những thế mạnh và khắc phục những yếu kém trong tương lai, nhằm đưa đất nước tiến vào một thời kì phát triển mới. Cố nhiên, những lĩnh vực chúng tôi chọn để phân tích và phát biểu có thể không đầy đủ, hoặc những nhận xét của chúng tôi không có gì “mới”, nhưng đây là một nỗ lực tập thể nhằm hệ thống hóa, bổ sung và làm mới những gì các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhân sĩ và trí thức đã phát biểu trong quá khứ.

Chúng tôi nghĩ rằng là người Việt không ai mà không muốn đất nước mình phát triển nhanh và bền vững. Nhưng nhìn qua các nước chung quanh có cùng văn hóa và điều kiện phát triển, chúng ta phải chạnh lòng thú nhận rằng những thành tựu đạt được trong thời gian qua ở nước ta chưa tương xứng với tiềm năng của dân tộc, và nhất là chưa tương xứng với sự hi sinh to lớn của hàng triệu người trong hai cuộc chiến vừa qua. Chúng tôi hi vọng rằng những phân tích và suy nghĩ trình bày trong bài này sẽ giúp cho mỗi chúng ta nhìn lại để — nói như lời kết của bản ý kiến là — “mở ra con đường mới để dân tộc tiến nhanh về phía trước, để đất nước phát triển nhanh chóng, giàu mạnh và tự chủ.”

Nguyễn Văn Tuấn

===================

Ý kiến: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước

Các tác giả:

Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Giáp Văn Dương, Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Vĩnh Long, Vĩnh Sính, Nguyễn Minh Thọ, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm

Nội dung

Tóm tắt

  1. Mở đầu
  2. Việt Nam nhìn từ thế giới bên ngoài
  3. Việt Nam hiện nay: thực trạng và nguyên nhân
  4. Cải cách vì một nước Việt Nam giàu mạnh và tự chủ
  5. Kết luận

Tóm tắt

Việt Nam chúng ta đang đứng trước một khúc ngoặt lịch sử. Theo dõi những diễn tiến của xã hội Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây, chúng tôi thật sự lo âu về tương lai của đất nước. Bản ý kiến này không nêu lại những thành tựu Việt Nam đã đạt được, mà tập trung vào vấn đề nội lực Việt Nam đang suy yếu: Kinh tế bấp bênh, giáo dục và y tế xuống cấp, khoa học và công nghệ non yếu, đạo đức xã hội suy thoái, tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước nhiều bất cập. Trong lúc đó, kinh tế ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và đe dọa về an ninh từ nước láng giềng phương Bắc ngày càng rõ nét.

Năm 2008 lần đầu tiên thu nhập đầu người của Việt Nam vượt qua ngưỡng 1.000 USD, thoát ra được vị trí của nước thu nhập thấp. Nhưng ta đã mất gần 35 năm kể từ khi đất nước thống nhất, nếu kể từ khi đổi mới cũng gần một thế hệ mới đạt được thành quả còn khiêm tốn này. Trong cùng thời gian đó, nhiều nước ở châu Á đã đạt thành quả được cả thế giới ngưỡng mộ. So với các nước trong vùng và trên thế giới có cùng điều kiện phát triển trước đây, nước ta hiện nay vẫn còn ở vị trí rất thấp trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục đến khoa học. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra vẫn còn rất xa. Hiện nay chưa có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Khi phân tích vấn đề, chúng tôi thấy có hai nguyên nhân sâu xa, liên quan đến thể chế nói chung, và cơ chế tuyển chọn người lãnh đạo và quản lý nhà nước nói riêng.

Thứ nhất, thể chế còn thiếu dân chủ. Có thể nói rằng thể chế hiện nay là di sản của thời chiến tranh, bao cấp và chủ nghĩa xã hội kiểu Lênin-Stalin, với đặc điểm cơ bản là hạn chế dân chủ, hạn chế tự do tư tưởng, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật. Hệ quả là xã hội suy giảm tính năng động và hiệu quả, hạn chế sáng tạo trong khoa học và giáo dục, không chống được suy thoái giá trị đạo đức và văn hóa, bất công và cách biệt xã hội tăng lên, và không khuyến khích việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển. Chế độ tiền lương bất hợp lí trong cơ chế “xin cho” đã đẩy nhiều công chức vào con đường tham nhũng, và làm cho nhiều nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học,… không chuyên tâm với nghề nghiệp và không giữ được đức tính cao đẹp vốn có từ xưa. Hoàn toàn đáng lo ngại khi thể chế hiện nay đang hạn chế sức mạnh của đất nước và làm lung lay nền tảng của xã hội.

Thứ hai, là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất, trong thành phần lãnh đạo đất nước chưa có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh, chịu trách nhiệm cao và quy tụ được bên mình những trí thức và cộng sự chân chính. Từ trung ương đến địa phương, nhiều quan chức thiếu cả năng lực và đạo đức cần thiết. Tình trạng bằng cấp giả và chạy chức chạy quyền đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Việc lợi dụng vị trí công quyền để trục lợi cá nhân đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều cán bộ nhà nước.

Theo chúng tôi, phải có một cuộc cải cách mang tính cách mạng về thể chế mới giải quyết được hai vấn đề này. Chúng tôi nghĩ rằng trách nhiệm này trước hết thuộc về đảng cầm quyền và trên thực tế hiện nay cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đảm nhận được vai trò này.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét thực hiện 8 điểm sau:

1. Kiên quyết xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền.

Không có ai và tổ chức nào đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Để thực hiện được điều này, cần triệt để tôn trọng Hiến pháp và đảm bảo sự thực thi Hiến pháp theo tinh thần hiến pháp là trên hết. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, cần có hệ thống tòa án độc lập để chế tài được các hành vi lạm dụng quyền hành, tham nhũng, làm giàu bất chính và ức hiếp dân chúng.

Triệt để dân chủ hóa, đúng như mục tiêu mà Hiến pháp đề ra. Đảng cần chứng minh bằng hành động thực tế rằng đó không phải là khẩu hiệu mà chính là thao thức thường xuyên của lãnh đạo, của các cơ quan công quyền. Để thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, cần thật sự triển khai và áp dụng nội dung của Hiến pháp. Trước hết, phải thật sự tôn trọng các quyền mà Hiến pháp đã ghi rõ, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, và được quyền lập hội, quyền biểu tình trong khuôn khổ pháp luật, và quyền bình đẳng trước pháp luật.

Pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do của người này không xâm phạm đến quyền tự do của người khác chứ không phải nhằm hạn chế hoặc triệt tiêu tự do. Tất nhiên, tự do cá nhân phải tôn trọng lợi ích tập thể, nhưng không nên viện lợi ích tập thể với mục đích triệt tiêu tự do. Cụm từ “theo quy định của pháp luật” phải được hiểu trong tinh thần đó để các quyền được Hiến pháp công nhận có giá trị thực sự chứ không phải chỉ có tính cách lý thuyết. Hiện nay, không thiếu thí dụ luật được viết nhằm hạn chế quyền công dân được ghi trên Hiến pháp. Thí dụ điển hình là luật bầu cử và Quyết định 97. Luật bầu cử hạn chế quyền ứng cử của công dân vì đòi hỏi người tự ứng cử phải được Mặt trận Tổ quốc thông qua. Quyết định 97 của Thủ tướng nhằm hạn chế quyền phản biện chính sách của trí thức. Thật ra, tất cả các quyền của công dân đều đã nằm trong Hiến pháp Việt Nam, chỉ cần triển khai và thật sự áp dụng.

Cần bảo đảm nền móng của dân chủ: đó là tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã ghi rõ cần đi vào thực chất với việc bảo đảm tính công khai và minh bạch của các hoạt động công quyền và quyền tranh luận của xã hội và công dân đối với những hoạt động đó. Những hạn chế cần thiết của tự do ngôn luận, như các bí mật quốc gia (thuộc phạm vi hình sự) hay bí mật kinh doanh, đời tư của công dân (dân sự), phải được ghi rõ trong các đạo luật (được quốc hội thông qua) chứ không phải là qua các nghị định, quyết định của hành pháp.

2. Tiếp thu các tư tưởng tiến bộ nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Không nên tự ràng buộc vào một ý thức hệ duy nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu chỉ biết học thuyết Mác-Lênin, không tiếp thu mọi tư tưởng tiến bộ của thế giới thì đã không viết được bản Tuyên ngôn độc lập gói ghém những giá trị phổ quát của nhân loại. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là rất hợp lòng dân. Các hệ tư tưởng là công cụ nhằm giúp đạt mục tiêu trên. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy một xã hội muốn phát triển cần có tự do tư tưởng và tự do ngôn luận do đó cần thoát khỏi sự ràng buộc vào một ý thức hệ duy nhất. Ra khỏi sự ràng buộc vào ý thức hệ đó cũng sẽ cho thấy Việt Nam độc lập với Trung Quốc về mặt tư tưởng và đi trước Trung Quốc về cải cách thể chế.

3. Xây dựng một nhà nước vững mạnh bằng cách minh bạch hóa việc bổ nhiệm các chức vụ cao cấp, thực hiện việc tuyển chọn công chức theo qui trình khách quan dựa trên khả năng, cải cách chế độ tiền lương cho hợp lý.

Nêu cao trách nhiệm cá nhân trong hệ thống công quyền. Tất cả công chức và người lãnh đạo trong hệ thống nhà nước phải chịu trách nhiệm cá nhân về nhiệm vụ của mình, không được ẩn náu dưới danh nghĩa trách nhiệm tập thể. Cơ chế tập trung dân chủ khi đem áp dụng trong việc điều hành chính phủ đã bị nhiều người lợi dụng để bao biện cho thói vô trách nhiệm, ỷ lại, đổ lỗi cho tập thể, cơ hội, bè phái, “cha chung không ai khóc”. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế tách bạch sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước để tránh sự chồng chéo, áp đặt, kém hiệu quả.

Minh bạch hóa trong bổ nhiệm tất cả các chức vụ, kể cả vị trí cao cấp. Tạo cơ chế công khai và dân chủ hóa để có thể tuyển chọn những nhà lãnh đạo tài đức và đáp ứng được đòi hỏi của dân tộc, được dân tin tưởng và được thế giới nể trọng. Không nên tiếp tục cách làm hiện nay là dàn xếp trong nội bộ Đảng rồi đưa ra Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Những người đủ tài đức nhưng không phải đảng viên cũng cần được xem xét bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Chính phủ Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng tám cũng đã có phương châm này.

Xây dựng bộ máy công chức làm việc có trách nhiệm và hiệu quả, và có cơ chế tuyển chọn khách quan dựa trên tài năng chuyên môn. Hiệu suất của bộ máy công quyền là điều kiện tối cần thiết để kinh tế, giáo dục, văn hóa phát triển nhanh và lành mạnh. Cho nên, việc tuyển chọn công chức phải dựa trên tiêu chí chuyên môn và đạo đức, độc lập với quan điểm chính trị ở nhiều loại công việc.

Cải cách chế độ tiền lương nhằm bảo đảm người công chức có thể sống bằng đồng lương của mình. Công chức phải được bảo đảm sống bằng đồng lương để tập trung vào công việc. Chế độ tiền lương cần hợp lí và phù hợp với khả năng, cống hiến thực của công chức để có thể thu hút được những người có khả năng nhất trong xã hội vào bộ máy công quyền. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi cần đặt thành mục tiêu ưu tiên phải thực hiện ngay.

4. Phát triển kinh tế theo hướng bền vững trong đó ưu tiên hàng đầu là tạo công ăn việc làm và nhanh chóng cải cách việc điều hành và quản lý doanh nghiệp quốc doanh trong đó có các tập đoàn kinh tế.

Về việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động cần được đặt thành ưu tiên hàng đầu. Để phát triển bền vững và hướng tới toàn dụng lao động cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng ngày càng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và chú trọng phát triển nông thôn.

Đề nghị lập một hội đồng tư vấn chiến lược phát triển để giúp chính phủ vạch ra chiến lược phát triển có trọng điểm, không dàn trải và dẫm chân lên nhau, kết hợp thỏa đáng lợi ích quốc gia và lợi ích vùng nhằm phát triển nền kinh tế có chất lượng. Hội đồng này tập trung những chuyên gia có trình độ, có chức năng xây dựng và giám sát việc thi hành chiến lược phát triển với đủ thẩm quyền và chế độ đãi ngộ thích hợp. Bộ phận này phải được đặt trên tất cả các bộ ngành liên quan tới lĩnh vực kinh tế, đứng đầu là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng thường trực, có những chuyên viên tài năng, có cơ chế tiếp thu ý kiến của giới doanh nhân và trí thức. Bộ phận chuyên trách này sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định các dự án lớn, trong quy hoạch phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Cải cách chế độ sở hữu ruộng đất và tạo cơ hội có việc làm ngoài nông nghiệp là hai trụ cột để nâng cao mức sống của người dân ở nông thôn. Cần có chiến lược về đất đai, qui hoạch rõ rệt các vùng chuyên canh nông nghiệp và vùng có thể phát triển công nghiệp, cải cách để xác định rõ đâu là đất tư hữu và đâu là đất công hữu, tiến tới xóa bỏ hẳn chính sách coi đất đai là sở hữu toàn dân như hiện nay. Tư hữu hóa sẽ là cơ sở để giải quyết việc tập trung ruộng đất manh mún hiện nay để thực hiện sản xuất lớn nông nghiệp và phục vụ công nghiệp hóa nông thôn. Mặt khác, như nhiều người đã chỉ ra, đất đai là một nguồn tham nhũng rất lớn, gây hàng ngàn vụ khiếu kiện của dân trong những năm qua, tệ nạn này sẽ được hạn chế rất nhiều nếu người dân trên nguyên tắc được toàn quyền sở hữu (thay vì chỉ có quyền sử dụng) đất đai của mình.

Cần xóa bỏ chế độ hộ khẩu để người dân khi đến đô thị làm việc có thể yên tâm với cuộc sống ở đó và không cần giữ lại quyền sử dụng đất ở nông thôn.

Cần nhanh chóng cải cách việc điều hành và quản lý doanh nghiệp quốc doanh đặc biệt là các tập đoàn kinh tế. Thời gian qua tập đoàn kinh tế đã trở thành nơi hội tụ của các nhóm lợi ích và người có quyền chức, gây ra bất ổn cho nền kinh tế và tình trạng tham nhũng bành trướng. Vì thế, cần đặt các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, trong khung pháp lý chung của luật pháp; xóa bỏ việc hành pháp trực tiếp lãnh đạo kinh doanh và thay vào đó là Hội đồng quản trị độc lập có nhiệm kỳ, do Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân bổ nhiệm, nhằm tránh biến tập đoàn thành một phần của các nhóm lợi ích. Ngoài ra, cần xóa bỏ các ưu đãi đặc biệt (về tín dụng, thuế, bảo lãnh nợ,…) cho doanh nghiệp quốc doanh; và không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh.

5. Ngăn chặn sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức xã hội.

Văn hóa và đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Kỷ cương phép nước và nhân phẩm của con người đang bị coi thường. Chưa bao giờ cái xấu, cái giả và cái ác, biểu hiện ở nhiều dạng nhiều mặt, lại xuất hiện nhiều như bây giờ. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại chưa kịp nuôi dưỡng và bén rễ thì đã bị những cái xấu, cái giả lấn át. Thói háo danh, hình thức phô trương, mê tín dị đoan lại càng được dịp lên ngôi. Vì thế, cần quảng bá, khuyến khích những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, pháp quyền… và khôi phục những tinh hoa văn hóa truyền thống để làm nền tảng cho mọi sinh hoạt của xã hội. Cần nghiêm khắc xử lý cán bộ ở các cấp cao khi có hiện tượng sai phạm đạo đức để làm gương. Đặc biệt quan trọng là việc sử dụng hiệu quả vai trò tích cực của công luận để phê phán và ngăn chặn sự suy thoái của đạo đức và văn hóa.

6. Thực sự làm cho giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người. Vì thế, chiến lược phát triển cần phải xây dựng theo hướng chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực ngày càng có kỹ năng và khả năng làm chủ công nghệ cao. Chiến lược phát triển cũng cần phải vì cuộc sống của đại đa số dân chúng nhiều hơn nữa. Do đó, phải có biện pháp hiệu quả nhằm cụ thể hóa các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ. Đồng thời, lãnh đạo phải cho thấy quyết tâm chăm lo sức khỏe của người dân qua các cải cách về y tế.
Cần tránh chính trị hóa học đường. Thay vào đó, cần giáo dục đạo đức, khích lệ tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, và ý chí phấn đấu của tuổi trẻ. Điều tối quan trọng là cần đảm bảo tự do học thuật, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.

Do tầm quan trọng và tình hình ngày càng xuống cấp của giáo dục, chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách, theo sát việc triển khai các chiến lược, chính sách, và chịu trách nhiệm về kết quả của các cải cách lớn.

7. Thực hiện đoàn kết dân tộc

Chấp nhận và dung hòa với những người bất đồng chính kiến nhưng cùng mục tiêu phát triển đất nước. Đặc biệt trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm ở biển Đông, hòa hợp hòa giải dân tộc cũng có nghĩa là cổ vũ lòng yêu nước của mọi người dân không phân biệt chính kiến, quá khứ. Chúng tôi đặc biệt đề nghị nên có hình thức ghi nhận và biểu dương sự dũng cảm hy sinh của những quân nhân Việt Nam Cộng hòa bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.

8. Triển khai một đường lối ngoại giao độc lập, dựa trên một thể chế dân chủ, chú trọng hơn đến quan hệ chiến lược với ASEAN và Hoa Kỳ, trong khi tiếp tục coi trọng quan hệ hữu nghị và bình đẳng với Trung Quốc.

Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cần được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng, nhưng không xem đó là quan hệ đặc biệt, càng không thể coi đó là đồng chí tốt. Việt Nam không thể “hợp tác toàn diện” với một nước lớn và mạnh hơn mình hàng chục lần và có những quan hệ phức tạp về lịch sử và địa chính trị, nhất là đang thể hiện rõ tham vọng và đã có những hành động bành trướng, xâm hại chủ quyền và an ninh quốc gia của Việt Nam.

Về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam cần ra một tuyên cáo đặc biệt về Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, khẳng định đó không phải là sự thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là thiện chí của Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong việc tranh chấp với Mỹ về an ninh ở vùng biển gần Đài Loan. Tuyên cáo này vừa để làm rõ quan điểm của Việt Nam trước dư luận quốc tế, vừa xóa bỏ những ngờ vực của không ít người Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần tăng thêm tình đoàn kết dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm.

Cần đoàn kết với Philippines, Malaysia và Brunei trong việc chống lại tuyên bố “Đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Việt Nam đưa ra đề án với ASEAN đặt tên vùng biển Đông nước ta (mà Trung Quốc và nhiều nước gọi là biển Nam Trung Hoa) là Biển Đông Nam Á.

Trước bước ngoặt lịch sử của đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam mang một trách nhiệm nặng nề đối với tiền đồ dân tộc. Chúng tôi mong thấy một cuộc cách mạng mới về thể chế để Việt Nam có thể phát triển thành một nước giàu mạnh và tự chủ.

A. Mở đầu 

Việt Nam chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ kinh tế và trên cục diện chính trị của khu vực và thế giới? Đất nước chúng ta sẽ thụt lùi về nhiều mặt, hay là sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững, đáp ứng khát vọng của dân tộc là mong thấy một nước Việt Nam giàu mạnh, phát triển hài hòa với thiên nhiên và xã hội, chia sẻ được những giá trị phổ quát của thế giới văn minh và giữ vững độc lập về kinh tế, chính trị, văn hóa? Nền tảng xã hội, văn hóa, giáo dục và thể chế của ta hiện nay có tạo đủ những điều kiện cơ bản để đất nước phát triển theo hướng tích cực không?

Theo dõi những diễn tiến của xã hội Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây, chúng tôi thật sự lo âu khi thử trả lời những câu hỏi nêu trên.

Từ gần 20 năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra mục tiêu phát triển đất nước là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là mục tiêu đúng đắn, có giá trị phổ quát và nước nào cũng muốn nhắm tới. Thế nhưng, hiện thực cho thấy Việt Nam không luôn tiến được theo hướng đó, nếu không nói là trên nhiều mặt Việt Nam đã đi ngược lại. Một bộ phận nhỏ giàu một cách bất hợp pháp, sinh hoạt xa hoa trong khi đa số dân chúng hằng ngày phải vật lộn với cơm áo, với chi phí cho giáo dục, y tế trong cơn lạm phát. Tham nhũng ngày càng trầm trọng, len lách vào mọi ngõ ngách của xã hội làm ảnh hưởng đến ý chí phấn đấu, tinh thần hướng thượng của người dân, và ngày càng có nhiều trường hợp công chức làm mất thể diện quốc gia. Bộ máy công quyền ở các cấp nổi lên quá nhiều người thiếu cả tài lẫn đức đến nỗi một lãnh đạo cấp cao của Đảng phải thừa nhận là bây giờ có quá nhiều “sâu”. Do tham nhũng, thiếu người tài đức gánh vác việc nước nên bộ máy nhà nước có nhiều bất cập. Tiếng nói của trí thức, của các nhà báo chân chính ngày càng mất hiệu quả. Đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, bắt đầu lan tràn vào cả trong học đường, trong viện nghiên cứu khoa học, là những nơi lẽ ra phải đi đầu về đạo đức.

Năm 1996 Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chủ trương phấn đấu làm cho Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Từ đó đến nay đã 15 năm, đã đi gần 2/3 đoạn đường dự định mà cái đích còn quá xa vời. Việt Nam chưa có được một ngành công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Chúng ta chủ yếu vẫn còn xuất khẩu hàng công nghiệp gia công, dùng nhiều lao động giản đơn và tùy thuộc sản phẩm trung gian nhập khẩu. Doanh nghiệp nhà nước nhất là tập đoàn kinh tế được dành mọi ưu đãi về vốn và đất nhưng cho đến nay chẳng những không đóng được vai trò chủ đạo như nhà nước chủ trương mà còn gây ra gánh nặng nợ nần và bất ổn cho toàn nền kinh tế.

Nền kinh tế yếu cùng với bộ máy nhà nước nhiều bất cập đã đưa đến một hậu quả nghiêm trọng là Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Về kinh tế thì đã quá rõ: Hàng công nghiệp của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, nhập siêu từ Trung Quốc cao ở mức dị thường, vừa gây bất ổn kinh tế vĩ mô vừa cản trở khả năng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Việt Nam. Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm phần lớn các gói thầu xây dựng, mua quyền sử dụng lâu dài rừng và bờ biển Việt Nam, đưa lao động vào Việt Nam dưới nhiều hình thức – kể cả bất hợp pháp – và nhiều nơi hình thành cộng đồng người Hoa mới… Về chính trị và tư tưởng, tuy không rõ ràng và dễ nhận biết như trong kinh tế, nhưng sự phụ thuộc là có. Cũng vì gắn bó với Trung Quốc về ý thức hệ, về thể chế chính trị mà ta không triển khai được đường lối ngoại giao khôn ngoan hiệu quả, không tận dụng được sức mạnh thời đại để làm cho dân giàu nước mạnh. Chẳng những thế, lệ thuộc về kinh tế và ngoại giao sẽ dễ dàng dẫn đến việc mất chủ quyền. Điều này đưa đến một thực tế nghiêm trọng: An ninh quốc gia bị đe dọa!

Từ tháng 5 năm nay (2011), vấn đề biển Đông trở nên nổi cộm. Ảnh hưởng của Trung Quốc đến an ninh của ta đã thấy rõ. Thật ra, chuyện Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông lần này không đáng lo bằng sự thâm nhập của họ ngày càng mạnh và sâu vào kinh tế, chính trị và văn hóa của ta. Khi kinh tế ta yếu, bộ máy nhà nước yếu, nền tảng đạo đức xã hội lung lay, Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu biến Việt Nam thành một nước lệ thuộc toàn diện vào họ.

Chúng tôi, những người có tên trong danh sách dưới đây, vô cùng lo lắng, bức xúc trước nguy cơ Việt Nam bị thụt lùi trong tiến trình phát triển của thế giới mà hậu quả là Việt Nam có thể mất độc lập và tự chủ dưới hình thức này hay hình thức khác. Để tránh nguy cơ này, Đảng Cộng sản Việt Nam, với trọng trách đối với tiền đồ của đất nước, cần cải cách và triệt để đổi mới thể chế, nhằm củng cố và phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc, tận dụng thời cơ quốc tế, để mở ra con đường phát triển mới cho đất nước. Những nhận định về thực trạng và đề nghị cải cách dưới đây là xuất phát từ bức xúc về nguy cơ hiện nay đối với Việt Nam và ước vọng của chúng tôi về một nước Việt Nam thực sự giàu mạnh, văn minh và tự chủ. Chúng tôi tin rằng, đây cũng chính là ước vọng của toàn dân Việt Nam nói chung.

B. Việt Nam nhìn từ thế giới bên ngoài 

Nhìn kinh tế thế giới trong nửa thế kỷ gần đây ta thấy nhiều nước, nhất là những nước ở châu Á, đã phát triển nhanh, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước, thậm chí có nước đã tiến lên ngang hàng với các nước tiên tiến. Có mấy khi chúng ta xét xem một cách khách quan, nghiêm túc những yếu tố cơ bản, những đặc trưng chung nhất làm cho các nước ấy thành công? Cho đến nay, Việt Nam có nghiên cứu kinh nghiệm các nước nhưng chủ yếu là những chính sách, chiến lược cụ thể, còn những yếu tố thuộc nền tảng thể chế và xã hội, nền tảng văn hóa, giáo dục…, tức là những tiền đề để cho các chính sách, chiến lược cụ thể ấy thành công, thì hầu như không được chú trọng nghiên cứu, hoặc có nghiên cứu nhưng không được thực thi, áp dụng.

Ta thử lấy trường hợp Hàn Quốc làm thí dụ: Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đoạn phát triển ban đầu và thành công trong giai đoạn phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn. Quá trình công nghiệp hóa của nước này bắt đầu từ năm 1961 nhưng chỉ sau một thế hệ, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp phát triển đáng kể trên thế giới và đến năm 1996 được kết nạp vào Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là tổ chức của các nước tiên tiến. Từ một nước nhận viện trợ nhiều vào các thập niên 1960 và 1970, Hàn Quốc bắt đầu chuyển sang vị trí của nước đi viện trợ từ cuối thập niên 1980. Hiện nay, nhiều công ty của Hàn Quốc trong các ngành công nghệ cao như điện tử, xe hơi đã vươn lên hàng đầu thế giới.

Tổng hợp các kết quả nghiên cứu về sự thành công của Hàn Quốc ta có thể nêu lên mấy nguyên nhân chính. Thứ nhất là tố chất của người lãnh đạo. Đó là những nhà chính trị mà tinh thần yêu nước vượt qua những niềm tin ý thức hệ, luôn trăn trở về con đường đưa đất nước đuổi kịp các nước tiên tiến. Họ cũng là những người thức thời, biết học hỏi ở đâu, tham khảo thể chế, cơ chế nào và du nhập công nghệ gì để phát triển nhanh. Và họ cũng biết rằng để xây dựng chiến lược phát triển trên cơ sở hiểu rõ nội lực và ngoại lực không thể không dựa vào người tài thật sự. Bởi vậy, chung quanh lãnh đạo toàn người tài giỏi, nhất là nhiều người đã du học và làm việc ở các nước tiên tiến. Thứ hai, với ý thức rằng bộ máy hành chính mạnh, hiệu suất cao mới vạch ra được các chính sách cụ thể và thực thi có hiệu quả các chính sách ấy, Hàn Quốc từ rất sớm đã có cơ chế thi tuyển công chức nghiêm ngặt để có được đội ngũ quan chức tài giỏi, mang trong mình sứ mệnh lo việc nước. Thứ ba, trong quá trình phát triển, Hàn Quốc xây dựng được quan hệ lành mạnh, hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước yểm trợ để doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới nhưng có cơ chế để doanh nghiệp không ỷ lại vào nhà nước như buộc doanh nghiệp phải có thành quả xuất khẩu mới tiếp tục được hỗ trợ. Thứ tư, giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ được quan tâm hàng đầu. Vào giữa thập niên 1980, nghĩa là chỉ sau khoảng 25 năm từ khi bắt đầu quá trình phát triển, Hàn Quốc đã có những đại học, những viện nghiên cứu đạt chất lượng thuộc đẳng cấp quốc tế.

Những đặc trưng trên hầu như xuyên suốt trong quá trình phát triển, kể cả giai đoạn đầu, dưới thể chế độc tài chính trị (1961-1987). Hàn Quốc không phải không có tham nhũng, nhưng không tràn lan trong xã hội mà chỉ giới hạn ở một vài chính trị gia và một số ít tập đoàn kinh tế. Đặc biệt hầu như không có hiện tượng bòn rút của công, rút ruột công trình xây dựng, càng không dám lạm dụng, lãng phí tiền viện trợ.

Trong 50 năm qua, những nền kinh tế khác tại châu Á phát triển nhanh trong thời gian dài như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan cũng đều có những đặc trưng giống Hàn Quốc, tuy nội dung chi tiết có khác và thành quả ít ấn tượng hơn.

Bây giờ nhìn lại trường hợp Việt Nam. Năm 2008, lần đầu tiên thu nhập đầu người của Việt Nam vượt qua ngưỡng 1.000 USD, thoát ra được vị trí của nước thu nhập thấp theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới. Nhưng ta đã mất gần 35 năm kể từ khi đất nước thống nhất, nếu kể từ khi đổi mới cũng gần một thế hệ mới đạt được thành quả khiêm tốn đó. Mặt khác, cơ chế, chính sách trong thời gian qua, đặc biệt trong 4-5 năm gần đây, đã làm cho kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào vốn, hiệu quả đầu tư giảm và kéo theo lạm phát, lãng phí. Chất lượng phát triển cũng giảm nghiêm trọng: môi trường xuống cấp, phân hóa giàu nghèo tăng nhanh. Từ thành quả khiêm tốn và chất lượng phát triển thấp này, liệu từ nay Việt Nam có thể bắt đầu giai đoạn phát triển bền vững và kéo dài trong nhiều thập niên để thực sự có dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, có vị trí xứng đáng trong khu vực châu Á và trên thế giới?

Cũng theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới, tính theo giá năm 2009, thu nhập đầu người 4.000 USD là cái mốc của nước thu nhập trung bình cao và 12.000 USD là mốc vượt lên hàng các nước thu nhập cao. Ở châu Á, Hàn Quốc từ một nước nghèo đã vươn lên hàng các nước thu nhập cao chỉ trong 4 thập niên (thu nhập đầu người năm 2009 là 17.000 USD). Malaysia (7.000 USD) và Thái Lan (4.000 USD) đang nỗ lực tạo điều kiện để trở thành nước tiên tiến, có thu nhập cao trong vòng hai thập niên tới.

Chỉ kể từ thời kỳ sau đổi mới, Việt Nam đã nhận viện trợ gần 20 năm rồi mà chưa thấy lãnh đạo Việt Nam đưa ra kế hoạch tới bao giờ sẽ không còn nhận viện trợ. Ngược lại, ở Hội nghị các nhà tài trợ mới đây, chính phủ còn nhấn mạnh Việt Nam vẫn là nước nghèo, cần thế giới tiếp tục quan tâm, giúp đỡ! Sang Seoul gặp sinh viên ta đang du học ở đấy sẽ nghe họ buồn rầu nói về hình ảnh Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong khoảng 95.000 người Việt Nam tại đây thì 60.000 là lao động xuất khẩu và 30.000 là phụ nữ sang lấy chồng vì lý do kinh tế. Vậy thì hình ảnh Việt Nam ở đây làm sao tốt được? Trí thức nước ngoài hiện nay khi nói về Việt Nam ít có ai lạc quan về tương lai kinh tế nước ta. Đó là họ mới chỉ thấy tình trạng tham nhũng, trình độ của quan chức mà họ tiếp xúc và những chính sách bất cập mà họ thấy được.

Phân tích trong phần tiếp theo cho thấy thực trạng đáng lo ngại về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học & công nghệ và đối ngoại, cũng như những nguyên nhân chính đã đưa đến trình trạng đó.

C. Việt Nam hiện nay: Thực trạng và nguyên nhân

Phân tích hiện trạng Việt Nam, chúng tôi thấy có quá nhiều vấn đề đang làm cho nền tảng xã hội bị lung lay, đất nước suy yếu. Hầu hết những vấn đề đó bắt nguồn từ thể chế và cơ chế.

1. Về kinh tế

Hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam tuy hàng công nghiệp chiếm khoảng 60% nhưng chủ yếu vẫn là những ngành dùng nhiều lao động giản đơn. Thêm vào đó, sản xuất các mặt hàng này phải phụ thuộc vào nguyên liệu và sản phẩm trung gian nhập khẩu. Các loại máy móc, những sản phẩm có hàm lượng kỹ năng lao động cao chỉ chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nông sản, nguyên liệu. Từ năm 2002 nhập siêu của Việt Nam tăng nhanh và gần đây khuynh hướng này càng mạnh hơn. Nhập siêu quá lớn đang gây ra bất ổn vĩ mô.

Trong 5 năm qua, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đi theo hướng hầu như mở toang cửa nền kinh tế mà không kèm theo việc thiết lập một hệ thống pháp lý cần thiết nhằm giám sát các mặt trái của nền kinh tế thị trường. Kết quả là Việt Nam đã vô tình xây dựng và củng cố một nền kinh tế tư bản hoang dã phục vụ các nhóm lợi ích (nhất là các tập đoàn kinh tế), phá hoại tài nguyên thiên nhiên, bòn rút của công làm giàu cho cá nhân trong khi lao động chân chính phải khổ sở với đồng lương thấp trước sự leo thang của vật giá.

Từ năm 2006 Việt Nam cho phép lập các tập đoàn kinh tế nhưng không đi kèm quy định giám sát cần thiết cũng như điều kiện buộc phải xác lập hệ thống quản lý doanh nghiệp, minh định rõ trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo công ty. Điều này đã đưa đến hậu quả nghiêm trọng, trở thành một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự đổ vỡ của Vinashin cho thấy bản chất của các tập đoàn kinh tế.

Chính sách phân quyền xuống địa phương đã không phát huy được sức sáng tạo và cạnh tranh để phát triển mà ngược lại, mở cửa cho những người có chức có quyền ở địa phương lợi dụng cơ hội đào khoét tài nguyên đất nước để làm giàu cá nhân, kể cả việc giao đất và tài nguyên cho nước ngoài khai thác ở những nơi trọng yếu về an ninh và quốc phòng. Luật Đất đai coi đất đai là sở hữu công, do đó dành cho chính quyền quyền thu hồi đất của bất cứ ai. Luật lại giao quyền này cho Ủy ban Nhân dân ở mọi cấp, xuống tận cấp quận, huyện, với giá do chính Ủy ban Nhân dân quyết định nhằm mục đích “phát triển kinh tế”. Đây chính là lý do nhiều đất đai mầu mỡ của nhân dân bị thu hồi để làm khu phát triển công nghiệp, sân gôn, hay xây nhà kinh doanh. Do được phân quyền, nhiều địa phương giao đất rừng, hầm mỏ cho công ty Trung Quốc khai thác trong 50 năm, kể cả những vùng nhạy cảm về an ninh mà trung ương không biết. Ngoài ra, tình trạng thu hồi đất có tính cách cưỡng chế đã giải thích tại sao có quá nhiều vụ dân oan liên quan đến đất đai.

Chính sách phân quyền hoàn toàn hợp lý để tạo sự chủ động, sáng tạo cũng như nhằm giải quyết các vấn đề riêng của địa phương, kể cả tạo cạnh tranh giữa địa phương này và địa phương khác. Nhưng thực tế các yếu tố tích cực đó đã không phát huy tác dụng, ngược lại chỉ làm nảy sinh các mặt tiêu cực. Tại sao như vậy? Đó là do năng lực yếu kém và thiếu tinh thần trách nhiệm của nhiều lãnh đạo địa phương như sẽ nói dưới đây.

Quy hoạch phát triển cũng là vấn đề đáng lo ngại của ta. Nhìn chung, cho đến nay quy hoạch nặng tính chất áp đặt, nóng vội, duy ý chí, thiếu thiết kế tổng thể và nhiều khi thiếu tính chuyên nghiệp. Những yếu kém này thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Trong phát triển đô thị thì đó là việc quy hoạch vội vã, thiếu khoa học dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông liên tục và kéo dài, ngập úng do mưa, đào đường, đắp đường, chắn lô cốt … ở khắp mọi nơi. Trong đầu tư thì đó là tình trạng đầu tư theo phong trào, tràn lan kém hiệu quả như việc đầu tư trong nhiều dự án về kết cấu hạ tầng, về nhiều dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ kém hiệu quả. Việc quy hoạch phát triển yếu kém dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên cạn kiệt, ồ ạt, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không tính đến hiệu quả lâu dài; không xét đầy đủ đến tất cả các khía cạnh liên quan đến hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường, v.v. Nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Điển hình của việc này là nhiều dòng sông đã và đang bị các công ty đua nhau “bức tử”. Nguồn nước sinh hoạt, nước trong các ao hồ từ các thành phố lớn đến nông thôn cũng bị ô nhiễm ở rất nhiều nơi. Chính do ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ở nhiều vùng đã xuất hiện những “làng ung thư”. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp bách và đòi hỏi chính quyền phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường và chất lượng nguồn nước. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng ở trạng thái báo động và ô nhiễm ở các làng nghề cũng ở mức nguy hiểm.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của quy hoạch, do khả năng hạn chế của chính quyền địa phương, và không loại trừ những toan tính tư lợi hoặc lợi ích cục bộ của những người có trách nhiệm.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình hình kinh tế như hiện nay? Chúng tôi cho là có ba nguyên nhân sâu xa.

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì phương châm xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đó chủ trương vai trò chủ đạo của sở hữu nhà nước, của kinh tế nhà nước. Từ khi có phương châm này (1991), do sự thuyết phục của những người có tư tưởng cải cách, nội dung có thay đổi một phần nhưng cái cốt lõi vẫn giữ nguyên mà hiện thân của nó là các tập đoàn kinh tế do nhà nước lập ra. Nhiều tập đoàn kết nối với một số lãnh đạo làm thành những nhóm lợi ích chi phối chính sách kinh tế. Khi có sai phạm các lãnh đạo đó bám theo phương châm nói trên của Đảng để trốn trách nhiệm.

Thứ hai, trong cơ quan nhà nước, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng và thiếu động cơ để quan chức, lãnh đạo các bộ phấn đấu để bộ mình giải quyết các vấn đề lớn của đất nước. Ngược lại, ta thấy nhiều trường hợp họ chạy theo những hoạt động ngoài công việc mình phụ trách, lãng phí thì giờ và công quỹ. Có bộ trưởng phụ trách kinh tế trong lúc kinh tế khủng hoảng lại dành thời gian hướng dẫn nghiên cứu sinh viết luận án tiến sĩ, vốn là việc của giáo sư đại học. Có cục trưởng phụ trách vấn đề giá cả trong lúc lạm phát người dân khốn đốn lại bỏ đi đóng phim! Suốt trong hơn 10 năm qua, ai cũng thấy rõ công nghiệp Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, hàng hóa của Trung Quốc ào ạt tràn vào nước ta, doanh nghiệp nhỏ và vừa không phát triển được, v.v. Cũng đã có rất nhiều đề án, chiến lược được trí thức trong và ngoài nước đưa ra, kể cả phân tích của học giả nước ngoài và các cơ quan quốc tế, nhưng tất cả đều bị xếp lại, không được chuyển thành chính sách để thực hiện.

Thứ ba, một phần liên quan đến vấn đề thứ hai vừa đề cập, trình độ, năng lực, tư cách của rất nhiều quan chức các cấp ở trung ương và địa phương không đạt yêu cầu. Rất tiếc chúng ta chưa chứng kiến những hình tượng lý tưởng của nhà cầm quyền “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, còn người ngược lại thì quá nhiều. Trong cơn bão giá làm dân chúng điêu đứng mà trách nhiệm chính ở những bộ liên quan, nhưng tiền mua xe hơi của quan chức cao cấp được tăng lên và được giải thích đó là chính sách đối phó với giá cả leo thang! Thí dụ tương tự về sự vô cảm, vô trách nhiệm của quan chức thì quá nhiều. Hậu quả tiêu cực của chính sách phân quyền đã nói phần lớn là do trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn và tư chất đạo đức của các chức trách địa phương. Chúng ta nghe nhiều về các hiện tượng tiêu cực ở địa phương hơn là những điển hình tiên tiến, ít thấy những lãnh đạo dấn thân vì dân giàu nước mạnh ở địa phương mình. Hiện tượng đưa người thân quen vào bộ máy công quyền rồi trang bị thêm bằng cấp đạt được bằng con đường bất minh cũng làm suy yếu bộ máy hành chính ở rất nhiều nơi

2. Về văn hóa

Văn hóa, đạo đức xã hội đang suy thoái trầm trọng. Chưa khi nào tin tức về tệ nạn xã hội lại có mật độ dày đặc như hiện nay. Dường như, cái xấu và cái ác đang hoành hành ngoài xã hội và tràn lên mặt báo mỗi ngày. Kỷ cương, phép nước bị coi thường, tính tự giác tôn trọng pháp luật và các quy ước xã hội và văn hóa rất thấp. Mê tín dị đoan lên ngôi, không chỉ ở tầng lớp đại chúng mà ngay ở cả một số cán bộ cao cấp ở các cơ quan công quyền. Hiện tượng “buôn thần bán thánh” trở thành phổ biến. Những chuẩn mực về văn hóa, những giá trị phổ quát như chân-thiện-mỹ đã bị sự giả dối, cái xấu và cái ác bóp nghẹt không nhân nhượng.

Hệ quả của điều này là các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn. Sự tự trọng, danh dự đã bị sự giảo hoạt, gian dối lấn át. Người ta sẵn sàng làm đồ giả để dâng cúng Quốc tổ, Quốc mẫu; sẵn sàng tranh cướp trong các lễ hội hoa; sẵn sàng túc trực chen lấn xô đẩy đến hỗn loạn trong lễ hội phát ấn.

Chưa bao giờ, nhân phẩm của con người có thể bị xúc phạm dễ dàng và tính mạng của con người có thể bị coi rẻ như vậy. Những vụ đánh giết nhau với hung khí xảy ra thường xuyên, nhiều khi chỉ vì những nguyên nhân không đâu. Không chỉ giữa những người dân bình thường với nhau, mà còn cả giữa đại diện của cơ quan công quyền với dân chúng. Vốn văn hóa dân tộc trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết trước sự tấn công của văn hóa ngoại, đặc biệt là văn hóa Trung Quốc dưới mọi hình thức, thể loại.

Một điều hết sức đáng băn khoăn là thế hệ thanh thiếu niên đang lớn lên trong một môi trường thiếu hình mẫu cá nhân về lý tưởng và đạo đức, do vậy dễ quen một cách tự nhiên với các thói xấu như quay cóp, gian lận thi cử, đạo văn, hối lộ… Tính vị kỷ được đề cao, đi liền cùng sự thờ ơ với các vấn đề của xã hội, của đất nước.

Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng suy thoái đạo đức, văn hóa này là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng; sự băng hoại, tha hóa của nhiều công chức qua việc tham nhũng và hối lộ; và sự kiểm soát báo chí và truyền thông, – vũ khí mạnh nhất để chống lại tham nhũng, bất công, giả dối, ác độc – đã làm cho công luận bị hạn chế và vô hiệu hóa.

3. Về giáo dục

Giáo dục là vấn đề được toàn xã hội Việt Nam quan tâm nhất từ nhiều năm nay. Từ cuối thập niên 1990 nhà nước đã đưa giáo dục lên quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế thì tình hình giáo dục ngày càng tụt hậu, sa sút, nhất là trong những năm gần đây. Một vài điểm nổi bật dễ thấy của giáo dục Việt Nam trong những năm qua như sau.

Một là chất lượng đào tạo sút kém, từ bậc phổ thông đến đại học và càng lên cao chất lượng càng yếu. Nhìn tổng thể, giáo dục Việt Nam chưa đào tạo đủ những người có kiến thức và năng lực để đáp ứng nhu cầu của phát triển đất nước. Nhân lực đào tạo ra ở cuối bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề còn ở khoảng cách xa với đòi hỏi thực tế của các ngành nghề và xã hội.

Hai là hệ thống giáo dục phổ thông gây ra nhiều hiện tượng làm bức xúc trong xã hội như tổ chức quá nhiều kỳ thi, lãng phí sức người, sức của; dạy thêm, học thêm tràn lan; chương trình giáo dục và sách giáo khoa luôn thay đổi nhưng chất lượng không được cải thiện. Ngoài ra, bệnh thành tích và các tệ nạn tham nhũng trong giáo dục hết sức phổ biến.

Ba là giáo dục đại học có chất lượng nói chung còn thấp, gần đây lại phát triển hỗn loạn với nhiều trường tư chạy theo lợi nhuận lại được cấp phép bừa bãi, không đáp ứng một quy hoạch có cân nhắc nào. Tình trạng nói trên dẫn đến hiện tượng “tị nạn giáo dục”, khi những người giàu có ở Việt Nam, kể cả các quan chức trong Đảng và chính phủ, đều tìm cách cho con em ra nước ngoài học, thậm chí từ cấp phổ thông.

Bốn là bằng cấp trở thành mục đích, là cứu cánh của cả xã hội, và các tệ nạn học vẹt, học tủ, bằng giả, gian lận trong thi cử, … không hề được bài trừ một cách kiên quyết. Nhiều quan chức bị tố cáo trên báo chí về việc dùng bằng giả hay gian lận thi cử rồi cũng được bỏ qua, thậm chí được bổ nhiệm chức vị cao hơn. Hiện tượng mua bằng, sao chép luận án, thuê viết luận án, v.v. đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức học đường nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Năm là chế độ phong chức danh phó giáo sư và giáo sư ở đại học còn nhiều bất cập. Các tiêu chuẩn phong chức danh hiện nay không khuyến khích nhà giáo đại học hướng đến những nghiên cứu khoa học đích thực, có ý nghĩa mà thường làm những việc để dễ có “điểm” theo quy định không đâu có của việc phong chức danh. Ngoài ra, các chức danh này lẽ ra chỉ dành cho người giảng dạy đại học hoặc nghiên cứu khoa học, nay được phong ở nhiều ngành cho nhiều người vốn không có vị trí giảng dạy đại học hay nghiên cứu ở cơ quan khoa học, làm cho nhiều quan chức hành chính nhảy vào tham gia công việc của đại học một cách không thích đáng.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút của giáo dục đã được bàn luận rộng rãi, chúng tôi cho rằng các nguyên nhân sau đây là chính yếu.

Một là giáo dục của Việt Nam trong những năm qua thiếu một tầm nhìn chiến lược tổng thể; thiếu kiên quyết theo đuổi một triết lý giáo dục xác định; thiếu kế hoạch đồng bộ từ cơ cấu tổ chức đến triển khai các hoạt động giáo dục; ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục. Thêm nữa là nội dung giáo dục nặng nề, phương pháp dạy và học lạc hậu, chậm đổi mới; và trên hết là thiếu những người lãnh đạo ngành giỏi cùng một đội ngũ quản lý giáo dục hiệu quả. Những cố gắng thay đổi của ngành giáo dục trong những năm qua thường mang tính vụn vặt, chắp vá, nhiều khi do quyết định vội vã của một vài cá nhân và càng làm tình hình thêm rối.

Hai là lương của giáo viên quá thấp làm họ không thể vô tư toàn tâm toàn ý với công việc. Do giáo viên phải tự bươn chải trong một xã hội cha mẹ sẵn sàng làm mọi việc cho sự học của con cái, nhiều tiêu cực đã nảy sinh, ảnh hưởng đến tư cách và hình ảnh người thầy, vốn là điều kiện tiên quyết cho thành bại của giáo dục.

4. Về y tế

Tình trạng bệnh tật và y tế của nước ta thật hết sức đáng lo.

Số người chết vì tai nạn giao thông làm nhức nhối xã hội, nhưng nguyên nhân tử vong trong các bệnh viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét còn cao hơn nhiều. Mẫu số chung của các bệnh này là tình trạng thiếu dinh dưỡng vì nghèo khó, là môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, là sự bất cập trong chính sách về y tế và thiếu đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc.

Dịch vụ y tế ở Việt Nam có phát triển trong những năm vừa qua (số lượng cán bộ nhà nước làm về y tế tăng xấp xỉ 40% trong giai đoạn 1995-2009, và có thêm nhiều cơ sở y tế tư nhân xuất hiện), nhưng tình trạng quá tải ở các bệnh viện công, với hiện tượng 2-3 người phải nằm chung một giường bệnh ở nhiều nơi, không giảm đi mà thậm chí có phần tăng lên. Lý do là, tuy dịch vụ y tế tăng lên, nhưng bệnh tật ở Việt Nam còn tăng nhanh hơn. Ví dụ, nếu năm 2000 cứ 100 nghìn người có 242 ca ung thư, thì đến năm 2010 con số này đã tăng lên thành 315 ca, so với trung bình trên thế giới là dưới 200 ca. Nếu như trong giai đoạn 2002-2006 cứ 100 người thì có 9 lượt nhập viện trong năm, thì đến năm 2009 con số đó đã tăng hơn 30% thành 12 lượt nhập viện, thuộc loại cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ bệnh tật tăng nhanh là cái giá mà Việt Nam đang phải trả cho kiểu phát triển kinh tế thiếu bền vững, thói làm ăn giả dối dẫn đến môi trường bị ô nhiễm và thực phẩm độc hại.

Tương tự như đối với ngành giáo dục, nhà nước ở trung ương và địa phương chưa chú tâm đầu tư đúng mức đến ngành y tế, trong khi tiếp tục lãng phí trong việc xây dựng nhiều công trình không hoặc chưa cần thiết. Tỷ lệ chi phí mà nhân dân phải tự bỏ ra cho dịch vụ y tế tăng lên nhanh. Nhiều người nghèo có bệnh không được nhập viện, hay phải trốn viện vì không có tiền đóng viện phí. Lương chính thức trả cho các y bác sĩ không đủ sống và không xứng đáng với địa vị của họ. Những điều này góp phần làm cho các tệ nạn tiêu cực, sự suy đồi về đạo đức lan tràn vào trong ngành y tế. Người thầy giáo và người thầy thuốc vốn là những người được xã hội ta tôn trọng từ xưa, nhưng sự suy thoái về đạo đức đã làm phai nhạt đi truyền thống tốt đẹp này.

5. Về khoa học và công nghệ

Có thể nói những đặc điểm chính của khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam trong mấy chục năm qua là sự đóng góp còn rất hạn chế của KH&CN vào công cuộc phát triển đất nước; lực lượng làm KH&CN được đào tạo nhiều nhưng không làm việc hiệu quả; các chính sách và cách thức tổ chức hoạt động KH&CN còn nhiều bất cập.

Có thể tóm tắt những điểm nổi bật của bức tranh tổng quát về tình trạng khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay, như sau:

Thứ nhất, có thể nói hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN ở Việt Nam còn mờ nhạt: hoạt động nghiên cứu KH&CN có chất lượng thấp và KH&CN chưa có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển đất nước.

Chất lượng thấp này có thể thấy rõ qua các thước đo khách quan như số lượng các công trình công bố trên các tập san khoa học quốc tế uy tín và số bằng phát minh sáng chế. Trong 10 năm qua, số lượng công bố của các nhà khoa học Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 2/5 của Malaysia. Hơn nữa, ở nhiều lĩnh vực, phần lớn những nghiên cứu này là do hợp tác với nước ngoài, tức còn phụ thuộc vào “ngoại lực” quá nhiều. Trong giai đoạn 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng phát minh, trong khi cùng thời gian này Malaysia có 901 bằng phát minh. Thái Lan (310), Philippines (256) và Indonesia (85) cũng đều có số bằng phát minh nhiều hơn Việt Nam nhiều lần.

Ứng dụng và sáng tạo KH&CN trong sự phát triển của Việt Nam còn mờ nhạt, chưa tương xứng với lực lượng đông đảo cán bộ KH&CN được đào tạo và chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Kinh phí đầu tư, chính sách và cách quản lý chưa cho thấy KH&CN khó có thể trở thành yếu tố quyết định để Việt Nam thoát ra khỏi nhóm quốc gia chủ yếu chỉ sản xuất sản phẩm đơn giản hay gia công hàng hóa. Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp làm ăn chưa dựa trên KH&CN và hầu hết không có liên kết chặt chẽ với các cơ sở KH&CN.

Thứ hai là số người được đào tạo để hoạt động KH&CN tuy rất đông với nhiều bằng cấp, nhưng phần lớn không thật sự hoạt động KH&CN, mà lay lắt hoặc “chân trong chân ngoài” với danh nghĩa làm KH&CN.

Có thể nêu ra một số nguyên nhân chính của tình trạng trên:

Một là, Việt Nam thiếu một chiến lược KH&CN thích hợp nên chưa xác định được lộ trình của KH&CN, và tập trung vào những hướng quan trọng rất cần cho phát triển đất nước và có thể tạo ra thành quả ý nghĩa. Hạn chế này có phần do việc thiếu các chuyên gia đầu đàn ở mức độ am hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn, có kinh nghiệm và uy tín quốc tế, có thể lãnh đạo được những tập thể khoa học. Một nguyên nhân của tình trạng trên là: Tuy số lượng cán bộ KH&CN của ta được đào tạo nhiều, nhưng hầu hết chỉ ở mức vừa xong giai đoạn học việc (như có bằng tiến sĩ mới là xong giai đoạn học để thành người làm nghiên cứu), thường không được rèn luyện thêm trong môi trường KH&CN phát triển để thành nhà khoa học trưởng thành.

Hai là, các nhà khoa học Việt Nam chưa có được môi trường KH&CN thích hợp để có thể làm việc và sáng tạo. Môi trường này gồm ba yếu tố cơ bản: điều kiện làm việc đủ tốt, lương đủ sống để tập trung cho công việc, các chính sách hợp lý có tác dụng kích thích tinh thần sáng tạo, dấn thân vì khoa học. Điều kiện làm việc ở phần lớn các đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam nói chung còn thiếu thốn, chưa đủ để tiến hành nhiều đề tài quan trọng và tiên tiến trong khoa học. Một số nơi có trang thiết bị tốt, lại không giải quyết được vấn đề tiền lương. Tiền lương của người làm khoa học thấp vừa ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng nghiên cứu vừa gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, người có năng lực nghiên cứu cũng không chuyên tâm với nghề mà phải xoay xở tìm thêm thu nhập ngoài lương.

Nhiều chính sách và cách quản lý đề tài KH&CN chưa hợp lý cũng góp phần làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của nghiên cứu. Thí dụ tiêu biểu như cách tổ chức đề tài khoa học còn nặng tính xin-cho, làm nhiều người làm nghiên cứu mất nhiều thì giờ chạy dự án; việc tuyển chọn và nghiệm thu đề tài thiếu nghiêm túc nên rất nhiều đề tài không có ý nghĩa và giá trị khoa học. Những quy định, tiêu chuẩn hiện nay về việc phong các chức danh giáo sư, phó giáo sư không khuyến khích các nhà khoa học hướng đến những nghiên cứu quan trọng và thách thức, có giá trị khoa học cao hoặc cần cho sự phát triển, mà dễ hướng đến những nghiên cứu dễ làm, những nơi dễ công bố để có đủ “điểm” thỏa mãn các tiêu chuẩn phong chức danh, vốn không có ở bất kỳ nước nào khác. Đây thật sự là những điều rất không hợp lý đã được nhiều nhà khoa học góp ý gần hai chục năm, nhưng không được thay đổi.

Người làm nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội còn luôn nỗi ám ảnh sợ “chệch hướng”, mất lập trường, nên nói chung sáng tạo bị hạn chế, khoảng cách so với cộng đồng khoa học thế giới càng lớn. Ngoài ra, ngược với yêu cầu rất cao về sự bình đẳng, sự tự do tư duy của môi trường khoa học, việc mất dân chủ ở các cơ quan khoa học thường rất lớn, nhiều trường hợp nội bộ mâu thuẫn, giành giật địa vị, hoàn toàn không xứng đáng với phẩm vị của người làm khoa học.

6. Về quan hệ đối ngoại

Sau khi gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và giao lưu văn hóa với hầu hết các nước. Sau năm 2000, quan hệ đó được đẩy mạnh thêm một bước bằng Hiệp định thương mại Việt Mỹ và gia nhập WTO. Cùng với trào lưu toàn cầu hóa, kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào dòng chảy của thế giới, các quan hệ đối ngoại khác cũng nhộn nhịp hơn trước.

Có thể ghi nhận nhiều mặt tích cực của hiện tượng đó. Chẳng hạn xuất khẩu sang thị trường lớn nhất thế giới (Mỹ) được đẩy mạnh, cơ hội du học của sinh viên Việt Nam tăng nhanh, giành được vị trí trong các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, WTO. Nhưng nhìn kỹ ta thấy những mặt tiêu cực lớn hơn nhiều, rất đáng lo ngại.

Theo chúng tôi, so với thời mới đổi mới, mở cửa (đầu thập niên 1990), hình ảnh Việt Nam trên thế giới xấu đi nhiều. Tham nhũng lan ra cả trong các quan hệ quốc tế. Chỉ kể những sự kiện lớn (như dự án ODA của Nhật, vụ in tiền polymer ở Úc,…) cũng thấy thể diện đất nước bị tổn thương nhiều. Các vụ nhỏ hơn thì nhiều vô kể, chỉ cần gặp những doanh nhân nước ngoài có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam là biết rõ. Điều đáng nói là nhà nước Việt Nam đã không có thái độ thích đáng, không xử lý nghiêm những sự kiện bị nước ngoài chỉ trích. Điển hình là vụ in tiền polymer, báo chí nước ngoài nhiều lần nêu tên thật của cựu thống đốc ngân hàng nhà nước mà cả đương sự và chính phủ đều giữ im lặng. Là người Việt Nam có ý thức dân tộc ai cũng thấy hổ thẹn về sự kiện này.

Nhìn sang lĩnh vực đầu tư nước ngoài, ta thấy nổi bật lên sự hiện diện rất lớn của Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và gần đây là Trung Quốc. So với các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Pháp,.. thì những nước mới nổi, mới phát triển chưa có nhiều những công ty đa quốc gia tầm cỡ; chưa có công nghệ cao; chưa coi trọng sự minh bạch, hoạt động đúng theo luật và nhất là giữ thanh danh đã được xác lập của mình. Không ít trường hợp các công ty của những nước mới nổi tạo những quan hệ bất chính với quan chức nhà nước Việt Nam, nhất là với chính quyền địa phương, để được cấp các dự án béo bở. Chúng tôi rất lo ngại khi thấy nhà nước Việt Nam quá dễ dãi để cho tư bản nước ngoài đầu tư ồ ạt vào việc xây dựng các khu nhà ở quy mô lớn, các khu du lịch, sân gôn, v.v. và hình thành những cộng đồng người Hàn, người Hoa trên đất nước mình. Trong khi giới doanh nhân trong nước còn non yếu, chưa có khả năng làm chủ đất nước và cuộc sống của tuyệt đại đa số người dân còn nhiều khó khăn, liệu có nên để cho nước ngoài xây dựng những vùng đặc biệt như vậy? Trong nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài triển khai ồ ạt ở Việt Nam mà cơ cấu công nghiệp không chuyển dịch lên cao hơn, không tạo ra được những mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao.

Trong chiều hướng chung ấy, quan hệ với Trung Quốc là đáng lo nhất. Đầu tư của Trung Quốc chưa nhiều bằng những nước nói trên nhưng sự hiện diện của Trung Quốc trong những hình thái khác đang làm Việt Nam mất dần chủ quyền trong nhiều lĩnh vực. Nếu tình hình hiện tại không thay đổi thì đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc sẽ tăng nhanh, không bao lâu sẽ chiếm vị trí số một tại Việt Nam.

Hiện nay, quan hệ ngoại thương Việt Trung gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh kinh tế và gây khó khăn trên con đường công nghiệp hóa của ta. Mậu dịch giữa hai nước tăng nhanh từ năm 2000 nhưng ngày càng mất quân bình. Do nhập khẩu tăng nhanh, nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày càng mở rộng. Hiện nay nhập siêu của Việt Nam đối với thế giới chủ yếu là nhập siêu với Trung Quốc.

Nhìn cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ta thấy nguyên liệu và nông sản phẩm chiếm vị trí áp đảo. Cơ cấu này hầu như không thay đổi trong 10 năm qua. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc thì hầu hết là hàng công nghiệp. Các loại máy móc và các sản phẩm trung gian như sắt thép, thậm chí các loại vải để dệt may là những mặt hàng nhập khẩu chính. Theo Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc, đến năm 2015 Việt Nam sẽ bãi bỏ hàng rào quan thuế trên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tình hình sẽ càng bi đát hơn nữa. Con đường công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ rất khó khăn. Nhưng chính phủ Việt Nam không thấy nguy cơ đó dù đã được trí thức trong và ngoài nước cảnh báo nhiều lần. Ngược lại nhà nước còn cho tiến hành khai thác bô-xit để xuất khẩu sang Trung Quốc làm cho cơ cấu ngoại thương hiện nay đã bất lợi càng trở nên bất lợi hơn. Cần nói thêm rằng tính chất của ngoại thương Việt Trung hiện nay là quan hệ của một nước tiên tiến với một nước chậm phát triển. Tính chất này vừa tạo ra khó khăn cho kinh tế Việt Nam vừa làm hình ảnh Việt Nam trên thế giới xấu đi nhiều.

Thách thức từ Trung Quốc không chỉ trong ngoại thương. Các công ty Trung Quốc thắng thầu phần lớn các dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam. Trung Quốc với lối làm ăn không minh bạch, sẵn sàng mua chuộc, lại quả, nên dễ thắng phần lớn các gói thầu lớn ở Việt Nam. Theo ước tính, Trung Quốc chiếm khoảng 50% giá trị thầu trong vòng 10 năm nay, đặc biệt Trung Quốc thắng thầu tới 90% các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, viễn thông, cơ khí, hóa chất và 100% dự án khai khoáng. Trong việc thực hiện các dự án này, Trung Quốc đưa nhiều lao động đi theo, kể cả các hình thức bất hợp pháp, thậm chí hình thành những khu cư trú đặc biệt cho người Hoa. Ngoài ra, nhiều chính quyền địa phương còn cho công ty Trung Quốc thuê rừng, thuê bờ biển hàng nửa thế kỷ, kể cả những nơi nhạy cảm nhìn từ góc độ an ninh quốc gia.

Một vấn đề nữa là Việt Nam ngày càng vay nợ từ Trung Quốc. Theo số liệu chính thức của Bộ Tài chính Việt Nam, nợ từ Trung Quốc tăng rất nhanh, gấp 10 lần trong 4 năm gần đây (1,4 tỉ USD năm 2009). Nếu khuynh hướng này tiếp tục, chẳng bao lâu Trung Quốc sẽ trở thành chủ nợ lớn nhất và lớn áp đảo đối với Việt Nam.

Quan hệ Việt Trung cũng ảnh hưởng nhiều đến đường lối đối ngoại của Việt Nam. Vấn đề này sẽ được bàn riêng trong một mục ở phần D.

Trong thời đại hội nhập, quan hệ đối ngoại của Việt Nam như được trình bày trên đây hoàn toàn không lành mạnh, ảnh hưởng đến con đường phát triển sắp tới của Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ mất chủ quyền. Yếu tố nào gây ra tình trạng đáng lo này? Có thể kể hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, nội lực của Việt Nam quá yếu nên khi hội nhập với thế giới không hoặc ít tranh thủ được thời cơ từ ngoại lực để phát triển, ngược lại bị ngoại lực chi phối. Thị trường Trung Quốc lớn và rộng nhưng hàng hóa của Việt Nam không chen vào được. Nội lực yếu vì sao? Vì trình độ của nhiều lãnh đạo và quan chức có hạn, không ít trường hợp họ không vì dân vì nước mà vì lợi ích riêng, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài dù thấy bất lợi cho xã hội, cho đất nước. Mở tung cửa thị trường cho hàng hóa và tư bản nước ngoài mà không định hướng để phát triển những ngành mới và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, không đi kèm các luật lệ, quy định cần thiết để giám sát cũng là một biểu hiệu yếu kém của nội lực.

Thứ hai, trong lúc nội lực của Việt Nam còn quá yếu, quan hệ “đặc biệt” với Trung Quốc càng làm cho Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào nước này. Kinh tế Trung Quốc lớn, mạnh áp đảo, phát triển nhanh, và lại ở cận kề Việt Nam, trong khi kinh tế Việt Nam nhỏ yếu, phát triển chậm hơn mà Việt Nam lại sẵn sàng đồng ý “hợp tác toàn diện” (4 trong 16 chữ vàng), tạo mọi điều kiện để hợp tác toàn diện thì dẫn đến kết quả như đã thấy.

7. Tổng kết: Đâu là những nguyên nhân sâu xa?

Trên đây chúng tôi đã điểm qua thực trạng kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và đối ngoại của Việt Nam hiện nay và trình bày một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đó. Nổi lên trên hết là hai nguyên nhân cơ bản, chung cho tất cả các mặt của xã hội:

Thứ nhất, thể chế còn thiếu dân chủ. Có thể nói rằng thể chế hiện nay là di sản của thời chiến tranh, bao cấp và chủ nghĩa xã hội kiểu Lênin-Stalin, với đặc điểm cơ bản là hạn chế dân chủ, hạn chế tự do tư tưởng, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật. Hệ quả là xã hội suy giảm tính năng động và hiệu quả, hạn chế sáng tạo trong khoa học và giáo dục, không chống được suy thoái giá trị đạo đức và văn hóa, bất công và cách biệt xã hội tăng lên, và không khuyến khích việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển. Chế độ tiền lương bất hợp lí trong cơ chế “xin cho” đã đẩy nhiều công chức vào con đường tham nhũng, và làm cho nhiều nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, … không chuyên tâm với nghề nghiệp và không giữ được đức tính cao đẹp vốn có từ xưa. Hoàn toàn đáng lo ngại khi thể chế hiện nay đang hạn chế sức mạnh của đất nước và làm lung lay nền tảng của xã hội.

Thứ hai, là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất, trong thành phần lãnh đạo đất nước chưa có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh, chịu trách nhiệm cao và quy tụ được bên mình những trí thức và cộng sự chân chính. Từ trung ương đến địa phương, nhiều quan chức thiếu cả năng lực và đạo đức cần thiết. Tình trạng bằng cấp giả và chạy chức chạy quyền đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Việc lợi dụng vị trí công quyền để trục lợi cá nhân đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều cán bộ nhà nước.

D. Cải cách vì một nước Việt Nam giàu mạnh và tự chủ

1. Cải cách thể chế là quan trọng nhất

Có thể nói Việt Nam chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Phải có cuộc cách mạng về thể chế mới tránh được nguy cơ này và đưa đất nước phát triển bền vững. Ai sẽ đảm nhận cuộc cách mạng mới này và nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng là gì?

Chúng tôi cho rằng ở thời điểm này chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được cuộc cách mạng này. Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự thay đổi để lãnh đạo dân tộc bước vào một thời đại mới, thời đại củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để đất nước trở nên giàu mạnh, tự chủ. Đó cũng chính là sức mạnh to lớn mà Đảng cộng sản Việt Nam (trước đây là Đảng Lao động Việt Nam) đã phát huy, đã phấn đấu, hy sinh trong suốt lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc cách mạng thể chế này, theo chúng tôi, bao gồm những khía cạnh sau:

Thứ nhất, không áp đặt một hệ tư tưởng, một ý thức hệ duy nhất vào thể chế chính trị, vào đời sống của dân, vào các hoạt động kinh tế – giáo dục – văn hóa – báo chí, để tạo điều kiện cho người dân, nhất là giới trẻ tiếp cận được những tinh hoa, những tiến bộ của thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu chỉ biết Mác-Lênin, không tiếp thu mọi tư tưởng tiến bộ của thế giới thì đã không viết được bản Tuyên ngôn độc lập gói ghém những giá trị phổ quát của nhân loại. Trên thực tế, chính Đảng Cộng sản đã từ bỏ nhiều khẩu hiệu phi lý một thời đã được cường điệu. Chẳng hạn “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” từng là một trong những khẩu hiệu được phổ biến rộng rãi (sau năm 1975) nhưng đã dần dần biến mất. Đó là một sự thay đổi tích cực cần ghi nhận. Mong rằng Đảng Cộng sản tiến thêm một bước tránh dùng các cụm từ như “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” để các thế lực bảo thủ vì lợi ích riêng không thể dựa vào đó để làm cho đất nước trì trệ, lạc hậu. Chúng tôi cho rằng Đảng Cộng sản chỉ giữ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là hợp lòng dân.

Ra khỏi sự ràng buộc vào một ý thức hệ cũng sẽ giúp cho Việt Nam độc lập với Trung Quốc về mặt này và đi trước Trung Quốc về cải cách thể chế. Làm được điều này, Đảng Cộng sản vừa được lòng dân vừa tạo được uy tín trên thế giới.

Thứ hai, phải triệt để thực hiện dân chủ, đúng như quy định của Hiến pháp và đúng như trong Cương lĩnh mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Đảng phải làm thế nào để nhân dân thấy rằng đó không phải là khẩu hiệu mà chính là khát khao, trăn trở thường xuyên của lãnh đạo, của nhà cầm quyền để mọi người dân thật sự được tham gia bàn bạc và quyết định việc chung. Để thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, chỉ cần triển khai và thật sự áp dụng nội dung của Hiến pháp.

Trước hết, phải thực sự tôn trọng các quyền mà Hiến pháp đã ghi rõ, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và quyền bình đẳng trước pháp luật. Đầu tiên là quyền tự do báo chí. Muốn biết một nước có dân chủ hay không, chỉ cần nhìn tình trạng báo chí là thấy. Mà tình trạng báo chí trong nước ta thì nhân dân thấy rõ là chưa làm được nhiệm vụ thông tin trung thực và soi sáng được dư luận. Tiếp theo là quyền bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng trước pháp luật có nghĩa rằng luật pháp là ở trên cao nhất, tối thượng, ai cũng ngang nhau và đều ở dưới pháp luật. Vậy mà nhân dân thấy quá nhiều người có quyền chức tự cho mình quyền đứng cao hơn người khác, thậm chí cao hơn cả pháp luật. Như vậy là ta chưa tiến được bước nào, thậm chí còn đi lùi, trên con đường “nhà nước pháp quyền” mà chính Hiến pháp đã đề xuất. Bình đẳng trước pháp luật bao hàm bình đẳng trước công vụ như một hệ quả tất nhiên. Do đó, những phân biệt đối xử như lý lịch, đảng viên hay không, đều là trái với Hiến pháp. Bình đẳng trước công vụ, ai cũng có quyền bầu cử, ứng cử như nhau, ai cũng phải được tuyển dụng vào các cơ quan hành chính trên cơ sở duy nhất là năng lực và tinh thần trách nhiệm. Chỉ với biện pháp đó, thực hiện triệt để, nền hành chính của ta, từ trung ương đến địa phương, mới có thể tuyển dụng được người tài giỏi xứng đáng.

Thứ hai, triệt để tôn trọng nguyên tắc “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất”. Đảng Cộng sản phải thực sự thực hiện nguyên tắc đó để làm nhân dân tin rằng lá phiếu của mình chắc chắn góp phần vào việc xây dựng một cơ quan xứng đáng là đại diện toàn dân.

Thứ ba, bảo đảm có hệ thống tòa án độc lập là sự phân quyền vô cùng quan trọng. Để có được sự độc lập và bảo đảm khả năng chuyên môn về luật pháp, các thẩm phán cần phải được tuyển dụng như công chức, được bổ nhiệm theo một quy chế riêng có mục đích bảo vệ tính độc lập của họ. Thẩm phán ở cấp cao có trách nhiệm bổ nhiệm thẩm phán cấp dưới, cần có nhiệm kỳ dài, chỉ bị truất quyền giữa nhiệm kỳ nếu vi phạm luật pháp.

Cần nhấn mạnh điều này: Nếu Đảng đứng trên hiến pháp và quyết định thay cho Quốc hội và tòa án thì tình trạng mãi kéo dài như hiện giờ: Nhiều sai phạm lớn của cán bộ, đảng viên chỉ được xử lý nội bộ, được bao che, nên không phòng chống được tham nhũng, và kết quả là mất lòng dân và bộ máy nhà nước kém hiệu lực.

Thứ tư, cần tạo cơ chế công khai, minh bạch, thực sự dân chủ, trước hết là trong Đảng để có thể chọn lựa và làm xuất hiện những nhà lãnh đạo xứng tầm với trí tuệ của dân tộc, được dân tin tưởng và được thế giới kính trọng. Không nên tiếp tục cách làm hiện nay là dàn xếp trong nội bộ Đảng rồi đưa ra Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Chúng tôi thẳng thắn nêu những vấn đề này chỉ với mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là tổ chức lãnh đạo đất nước, không bị trói buộc bởi những giáo điều, những mô hình đã bị thực tế lịch sử loại bỏ. Những giấc mơ, những lý tưởng tốt đẹp cần được chứng minh từng bước bằng thực tế, bằng kết quả hiện thực chứ không chỉ bằng duy ý chí, và bị lợi dụng bởi một nhóm người cầm quyền, dùng giáo điều, dùng khẩu hiệu để củng cố quyền lực và lợi ích phe nhóm mà hậu quả là đất nước tụt hậu và tha hóa…

Nếu bốn điểm nói trên được thực hiện, dân chúng sẽ tin tưởng ở Đảng Cộng sản, tin tưởng ở người lãnh đạo và hy vọng về một đất nước tốt đẹp hơn. Do đó dân chúng nếu có bất mãn và phê phán lãnh đạo hay quan chức thì chỉ là đối với cá nhân chứ không phải đối với Đảng Cộng sản. Ngược lại, dân chúng được tự do sử dụng các quyền chính đáng của mình thì chính là giúp Đảng phát hiện ra những người không đủ tư chất đảm trách công việc lãnh đạo hay quản lý. Thực hiện dân chủ cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng.

Ngoài ra, Đảng Cộng sản cần quan tâm hơn đến vấn đề đoàn kết dân tộc. Nếu những điểm nói trên được thực hiện thì kết quả là gắn bó được dân với Đảng và thực hiện được đoàn kết. Tuy nhiên, cần đưa ra các chính sách cụ thể, chẳng hạn nghiêm cấm việc lạm dụng quyền lực để đề bạt người thân, có quy chế luật lệ nghiêm khắc để xử lý các trường hợp sai phạm. Việc cất nhắc, đề bạt không dựa trên lý lịch chính trị mà theo năng lực và tư chất đạo đức. Đảng và Nhà nước cần nghiêm chỉnh thực hiện chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc đối với cựu quan chức và quân nhân của chế độ cũ ở Miền Nam, nhất là trong bối cảnh cần đoàn kết dân tộc trước yêu cầu tăng nội lực để phát triển đất nước và trước nguy cơ ngoại xâm. Đặc biệt trong tình hình phức tạp ở biển Đông, để cổ vũ lòng yêu nước của mọi người dân không phân biệt chính kiến, quá khứ, chúng tôi đề nghị nên có hình thức biểu dương sự dũng cảm hy sinh của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa năm 1974.

Trong việc thúc đẩy sự hòa giải và hòa hợp dân tộc, cần có biện pháp hữu hiệu để người Việt ở nước ngoài hợp tác với các cơ sở trong nước, nhất là trong nghiên cứu khoa học, trong giáo dục và phát triển kinh tế, để cùng làm cho đất nước giàu mạnh.

2. Củng cố bộ máy nhà nước.

Một chính phủ mạnh và hiệu quả là điều kiện tối cần thiết để kinh tế phát triển nhanh và có chất lượng cao. Để củng cố bộ máy nhà nước, cần cải cách chế độ tiền lương và thực hiện việc thi tuyển quan chức. Đây là vấn đề cốt lõi của nhiều vấn đề.

Cải cách chế độ tiền lương là một việc tuy khó nhưng cấp bách và không thể trì hoãn, vì nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề nào khác. Thiết nghĩ, đây là vấn đề nan giải nhưng không hẳn là không có giải pháp nếu nhà nước thực lòng quyết tâm. Trước mắt, chúng tôi đề khởi một số nội dung cải cách như sau:

Thứ nhất, hiện tượng phổ biến hiện nay là tiền lương chỉ chiếm một phần nhỏ trong thu nhập của quan chức, công chức, thầy giáo, v.v.. Do đó, trước tiên phải minh bạch hóa các nguồn thu nhập này và lần lượt đưa vào lương.

Thứ hai, cải cách thuế để tăng thu ngân sách. Đặc biệt cần đánh thuế lưu thông bất động sản, đánh thuế suất cao đối với những người sở hữu nhiều bất động sản, và đánh thuế thừa kế tài sản.

Thứ ba, tăng tỉ lệ tiền lương trong tổng thu ngân sách. Trước mắt giảm tỉ lệ đầu tư công lấy từ ngân sách, hoãn những dự án đầu tư lớn cần nhiều vốn nhưng chưa thật cần thiết..

Thứ tư, tinh giảm bộ máy công quyền ở trung ương và địa phương.

Chúng tôi đề nghị nhà nước lập ra ngay một ban chuyên trách về cải cách tiền lương gồm các chuyên gia kinh tế, tài chính, hành chánh. Ban chuyên trách này sẽ khẩn trương nghiên cứu, xem xét 4 nội dung cải cách nói trên, để trong thời gian ngắn đưa ra đề án cải cách khả thi.

Quan chức, công chức phải là những người được tuyển chọn nghiêm túc qua các kỳ thi định kỳ và cuộc sống của họ và gia đình họ phải được bảo đảm bằng tiền lương. Tiền lương cũng phải đủ sức hấp dẫn người có năng lực vào bộ máy công quyền. Nội dung các kỳ thi tuyển cho quan chức cấp trung trở xuống cũng cần chú trọng trình độ văn hóa và sự hiểu biết về luật pháp và cơ cấu hành chánh. Quan chức cấp trung ương, cũng với nội dung ấy nhưng ở trình độ cao cấp hơn và thêm các chuyên môn cần thiết. Trình độ văn hóa và sự khó khăn phải vượt qua các cửa thi tuyển sẽ nâng cao khí khái và lòng tự trọng của quan chức, tránh hoặc giảm được tệ nạn tham nhũng. Việc thi tuyển quan chức còn có tác dụng tạo niềm tin và động lực học tập trong giới trẻ vì ai cũng có cơ hội bình đẳng thi thố tài năng cho việc nước. Chế độ tiền lương và việc thi tuyển quan chức cần được thực hiện trong vòng 3-4 năm tới.

3. Về chiến lược, chính sách phát triển kinh tế

Đây là vấn đề khá rộng và lớn, ở đây chỉ xin nói đến mấy điểm chúng tôi cho là quan trọng nhất.

Nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người. Chiến lược phát triển phải vì cuộc sống của đại đa số dân chúng và chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực ngày càng có kỹ năng cao qua giáo dục và đào tạo, qua khả năng làm chủ công nghệ.

Hiện nay xuất khẩu lao động và phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì lý do kinh tế đang là hiện tượng làm bức xúc người dân và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thế giới. Chúng tôi đề nghị nhà nước đưa ra mục tiêu đến năm 2020 phải thực hiện toàn dụng lao động, không còn ai phải miễn cưỡng ra nước ngoài chỉ vì sinh kế.

Để phát triển bền vững và hướng tới toàn dụng lao động cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng ngày càng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và chú trọng phát triển nông thôn. Cho đến nay trí thức trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều chiến lược, chính sách về các vấn đề này nhưng không được nhà nước quan tâm thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề nghị nhà nước cần tập trung những chuyên gia có trình độ, thành lập một bộ phận chuyên trách để xây dựng và giám sát việc thi hành chiến lược phát triển với đủ thẩm quyền và chế độ đãi ngộ thích hợp. Bộ phận này phải được đặt trên tất cả các bộ ngành liên quan tới lĩnh vực kinh tế, đứng đầu là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng thường trực, có những chuyên viên tài năng, có cơ chế tiếp thu ý kiến của giới doanh nhân và trí thức. Việt Nam hiện nay cũng có những cơ quan như Bộ Kế hoạch & Đầu tư hay Bộ Công thương nhưng quyền hạn liên quan tới vấn đề này bị phân tán, ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ với cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước, vì vậy thường khó có thể đề xuất được những chính sách hiệu quả, hoặc do phải cân nhắc lợi ích của quá nhiều đối tượng nên những nội dung thống nhất được cũng mang tính thỏa hiệp, chung chung.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng, chúng tôi đề nghị hoãn kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc vì chưa cần thiết, tốn kém lớn và đã được chứng minh bằng các phân tích khoa học là không có hiệu quả. Thay vào đó, cần tu bổ nâng cấp đường sắt Thống Nhất, mở rộng mạng lưới đường sắt phổ thông đến vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Bắc, đồng thời xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam và xây dựng các tỉnh lộ, huyện lộ nối nông thôn với đường sắt và đường cao tốc này, nhất là nối nông thôn với các đô thị gần đường cao tốc. Kết cấu hạ tầng như vậy mới thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn.

Liên quan đến phát triển nông thôn, việc cải cách chế độ hạn điền, tư hữu hóa sở hữu ruộng đất cần được đẩy mạnh. Chế độ hộ khẩu đã được cải thiện nhiều nhưng mỗi đô thị lại có các quy chế riêng, cần cải cách theo hướng tự do hóa việc thay đổi chỗ ở hơn nữa để người dân khi đến đô thị làm việc có thể yên tâm với cuộc sống ở đó và không cần giữ lại quyền sử dụng đất ở nông thôn. Với sự phân tán, manh mún của ruộng đất hiện nay, việc tăng năng suất nông nghiệp gặp khó khăn. Tăng năng suất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn là hai trụ cột để nâng cao mức sống của người dân ở nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, thị trường lao động hiện nay có vấn đề không ăn khớp giữa cung và cầu: Ở các khu công nghiệp tại các thành phố lớn bắt đầu có hiện tượng thiếu lao động, doanh nghiệp khó tuyển dụng số lao động cần thiết, mặc dù ở nông thôn vẫn còn lao động dư thừa. Nguyên nhân là do thị trường lao động chưa phát triển, cung và cầu không gặp nhau. Một nguyên nhân nữa là chất lượng lao động (trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, khả năng tiếp thu tri thức về hoạt động của doanh nghiệp,…) không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Biện pháp để cung cấp lao động một cách ổn định phải bao gồm chính sách ngắn hạn (phát triển thị trường lao động) và chính sách trung dài hạn (nâng cao chất lượng lao động, tăng cường giáo dục nghề nghiệp). Chính quyền địa phương ở nông thôn cần tích cực hơn nữa trong lĩnh vực này.

Nhà nước cần lắng nghe chuyên gia, trí thức về việc quyết định các dự án lớn. Đặc biệt, chúng tôi đề nghị tạm ngưng kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận vì những lý do chúng ta đã biết và các chuyên gia của ta cũng đã có những phân tích cho thấy dự án này quá tốn kém và chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhiều người trong chúng tôi cũng đã đề nghị ngưng kế hoạch khai thác bô-xit ở Tây nguyên vì các lý do về môi trường, an ninh, hiệu quả kinh tế, và sự lệ thuộc vào nước ngoài.

Vấn đề cuối cùng là cải cách doanh nghiệp quốc doanh trong đó có các tập đoàn. Cần đặt các doanh nghiệp đó trong khung cảnh chung của luật pháp, xóa bỏ việc để hành pháp trực tiếp lãnh đạo kinh doanh – dù dưới dạng Thủ tướng quản hay Bộ trưởng quản – và thay vào đó là Hội đồng quản trị độc lập và có nhiệm kỳ, do Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân bổ nhiệm, nhằm hạn chế sự thao túng của các nhóm lợi ích. Doanh nghiệp quốc doanh dùng tiền của dân và nhằm phục vụ dân, do đó phải có tiếng nói của đại diện nhân dân. Hội đồng quản trị có đại diện của dân do các tổ chức hội chuyên nghiệp và Mặt trận Tổ quốc đề cử, có đại diện của người tiêu dùng chính do các ngành sử dụng đề cử, có các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp do các hội chuyên gia đề cử. Hội đồng quản trị sẽ bổ nhiệm chủ tịch công ty hay tập đoàn. Để cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả và thực sự phục vụ nhân dân thì phải có các tổ chức chỉ đạo, kiểm tra nghiêm túc. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp phải hạn chế, không thể để cho chính quyền các cấp tự do lập ra như hiện nay. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch trong việc cấp vốn, việc cấp và sử dụng các nguồn lực quốc gia cho các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài những trường hợp đặc biệt ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước đã được công khai, minh bạch, chính sách cần bảo đảm công bằng cơ hội, bảo đảm hiệu quả sử dụng và không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt giữa các công ty, kiểm soát và hạn chế việc hỗ trợ các nguồn lực quốc gia theo kiểu chủ nghĩa tư bản thân hữu.

4. Về văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ

Chúng tôi có mấy đề nghị cụ thể sau:

a) Cần có chính sách ngăn chặn sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức xã hội. Tăng cường quảng bá và khuyến khích những giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, quyền con người,… Đồng thời, phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống tích cực để làm nền tảng cho các ứng xử văn hóa, các chuẩn mực đạo đức trong sinh hoạt xã hội. Song song với việc này cần tích cực bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của dân tộc và ngăn chặn sự xâm thực không chọn lọc của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là từ Trung Quốc.

b) Cần giảm các hình thức thi đua, tuyên dương, trao huân chương như hiện nay: Các cơ quan, các đoàn thể tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm những mốc hoạt động (20 năm, 30 năm, v.v.) và vận động để được nhận huân chương. Đây là hình thức tốn kém thì giờ, ngân sách mà không có hiệu quả, chưa kể đến những tiêu cực trong quá trình xin-cho vốn rất phổ biến. Phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh cũng không thật sự hiệu quả vì dân chúng thấy tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng, người cần học tập đạo đức Hồ Chí Minh (cần kiệm liêm chính chí công vô tư, …) trước hết phải là những người ở cấp lãnh đạo và quản lý nhà nước. Tổ chức học tập nghị quyết của Đảng sau các kỳ đại hội như cách làm hiện nay cũng tốn kém và làm ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Thay vào đó nên áp dụng các hình thức khác thích hợp và ít tốn kém thì giờ, ngân sách.

c) Việc cải tổ giáo dục được bàn quá nhiều trong thời gian qua nhưng không đưa lại kết quả. Do tầm quan trọng và tình hình ngày càng xuống cấp của giáo dục, chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách, theo sát việc triển khai các chiến lược, chính sách, và chịu trách nhiệm về kết quả của các cải cách lớn.

Một trong những nội dung cải cách cấp bách phải là nâng cao vị thế của người thầy, bắt đầu từ đồng lương đủ sống và nuôi gia đình. Từ đó tiến đến việc thiết lập lại sự trung thực trong học tập và thi cử, trả lại tính trong sáng của tuổi trẻ cho học trò, tạo điều kiện cho những tài năng nảy nở.

Một nội dung nữa là tôn trọng quyền tự do học thuật và tư tưởng ở đại học cũng như trong các hoạt động trí thức, văn hoá nghệ thuật, tạo ra sức thu hút đối với tuổi trẻ và qua đó giúp thế hệ trẻ có động lực phấn đấu mạnh mẽ, có ý thức công dân cao và hoài bão phát triển đất nước. Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị Thủ tướng hủy bỏ Quyết định 97 đòi hỏi trí thức chỉ được góp ý riêng với các cơ quan có thẩm quyền.

d) Cụ thể hóa các biện pháp làm cho giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Triệt để thực hiện miễn phí bậc tiểu học và trung học cơ sở (chậm nhất là đến năm 2015) và trung học phổ thông (đến năm 2020). Song song với việc nâng cấp các đại học đang có, cần có ngay kế hoạch xây dựng một hoặc hai đại học chất lượng cao, trong đó nội dung giảng dạy, cơ chế quản lý, và trình độ giáo sư cũng như tiêu chuẩn đãi ngộ tương đương với các đại học tiên tiến ở châu Á. Về các đại học và trường cao đẳng ngoài công lập, cần có biện pháp chấn chỉnh giải quyết ngay những nơi không đủ chất lượng và có quy chế để ngăn ngừa hiện tượng kinh doanh giáo dục hiện nay. Ngoài ra, cần ban hành các sắc thuế khuyến khích doanh nghiệp và những cá nhân có tài sản đóng góp vô vị lợi (chủ yếu là tặng không) cho sự nghiệp giáo dục. Những vấn đề này cũng cần có kế hoạch thực hiện cụ thể trước năm 2015.

Cần tăng cường mở rộng và xây dựng thêm các trường, các khoa liên quan khoa học tự nhiên và công nghệ, xây dựng nhiều trường cao đẳng công nghệ để cung cấp đủ lao động cho công nghiệp hoá trong giai đoạn tới. Hiện nay, một mặt, trong nhiều ngành, sinh viên tốt nghiệp ra truờng không có việc làm, trong khi một số ngành về công nghệ tin học, điện tử, hoá học, kế toán, nông cơ, v.v.. thì nguồn cung cấp thiếu hoặc không đủ chất lượng. Chính sách sắp tới cần chú trọng đầu tư xây dựng thêm các ngành ở các lĩnh vực này và cải thiện chương trình, nội dung giảng dạy để nâng cao chất lượng. Mặt khác, nhu cầu về lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng kỹ thuật, cao đẳng kế toán,… đang và sẽ tăng nhanh nhưng khả năng cung cấp còn rất hạn chế. Tâm lý coi thường bậc trung cấp và cao đẳng trong xã hội Việt Nam rất lớn. Cần có chính sách khuyến khích học tập trong các bậc học này, chẳng hạn tăng cường chế độ cấp học bổng và quan tâm giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường. Tóm lại, cần đổi mới thể chế giáo dục và đào tạo hiện nay mới có thể thực hiện toàn dụng lao động và đẩy mạnh công nghiệp hoá trong thập niên 2010.

Nhiều cải cách trong giáo dục cũng nên được áp dụng trong y tế: tăng đầu tư xây dựng bệnh viện, xây dựng các cơ sở y tế ở nông thôn và phổ cập bảo hiểm y tế để người nghèo có thể tiếp cận dịch vụ y tế với phụ phí thấp. Nên có chính sách miễn phí khám bệnh và phí nhập viện cho người dân nghèo hoặc cận nghèo.

e) Tăng cường đầu tư và cải thiện việc sử dụng ngân sách cho nghiên cứu khoa học: Một trong những lý do thành quả nghiên cứu khoa học của ta còn khiêm tốn là do thiếu đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2006 chẳng hạn chỉ có 428 triệu USD, chiếm khoảng 0,17% GDP. Trong cùng năm, Thái Lan đầu tư 1,79 tỉ USD (0,3% GDP) và Malaysia 1,54 tỉ (0,5% GDP). Đáng chú ý là Trung Quốc đầu tư 1,4% GDP cho khoa học và công nghệ trong năm 2010 và đặt mục tiêu đầu tư 4% GDP vào năm 2015. Ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ ở Việt Nam có đặc tính là tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất thay vì chi tiêu cho việc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học. Ngoài việc tăng đầu tư, cần phải xem xét lại việc sử dụng ngân sách khoa học. Theo cách làm hiện nay thì chúng ta có thể có những thiết bị khoa học tinh vi, nhưng không có người sử dụng hiệu quả những thiết bị này. Trong thực tế, tình trạng “thiết bị trùm chăn” đó đã trở nên phổ biến. Như đã phân tích ở trên, nền khoa học nước ta hiện nay còn lệ thuộc quá lớn vào các đồng nghiệp nước ngoài vì thiếu chuyên gia có trình độ cao. Do đó, thay vì đầu tư xây thêm phòng thí nghiệm, cần chú trọng đầu tư vào đào tạo chuyên gia có trình độ chuyên sâu.

Chẳng những cần tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ, chúng ta cần phải cải cách hệ thống phân phối ngân sách cho nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học. Hiện nay, các đề tài nghiên cứu cơ bản ở cấp nhà nước do các nhà khoa học xây dựng đã được quản lý khá tốt bởi Quỹ KH&CN quốc gia (Nafosted). Nhưng với các loại đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản xuất ở các cấp – do cơ quan chủ quản ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu nộp đơn xin và các cơ quan chủ quản xét duyệt và thẩm định – lại chưa có sự tham gia đúng mức của các nhà chuyên môn. Vì lý do này nhiều đề tài nghiên cứu của các bộ ngành, địa phương đề ra không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu thực tế.

5. Chiến lược đối ngoại

Trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam hiện nay, Trung Quốc, Mỹ và ASEAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

“Đường lối ngoại giao của Việt Nam là thân thiện với mọi nước”: nguyên tắc đó luôn luôn là lý tưởng. Nhưng lý tưởng đó cũng luôn luôn va chạm với một thực tế mà không nước nào tránh khỏi: đó là thực tế chiến lược mà vị trí địa dư là yếu tố then chốt.

Chẳng hạn quan hệ của ta với Trung Quốc. Dù Việt Nam muốn chân thành làm bạn với Trung Quốc đến đâu đi nữa, vị trí địa dư của Việt Nam cũng bắt buộc ta phải đồng thời nhìn Trung Quốc như một vấn đề an ninh cốt tủy và thường xuyên. Không việc gì ta phải giấu diếm quan tâm sinh tồn đó bằng 16 chữ vàng. Càng giấu, ngôn từ và hành động ngoại giao của ta lại càng để lộ yếu kém, sợ hãi, khiếp nhược. Chỉ bằng cách nói thẳng với Trung Quốc: “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, ta mới có thể làm bạn với Trung Quốc trên một vị thế không phải là khúm núm, thần phục. Ngày xưa, chỉ có ta với Trung Quốc thôi, ngoài trứng với đá không có ai khác, vậy mà tổ tiên ta vẫn có thể hiên ngang nói thẳng như thế, huống hồ bây giờ, thế giới đổi khác, quan hệ chiến lược có thể mở rộng với nhiều nước khác, cho phép Việt Nam lập hàng rào chiến lược bằng những quan hệ đặc biệt với nhiều nước.

Trung Quốc chắc phải hiểu cái thế tất yếu đó của Việt Nam. Cho nên họ vừa dụ dỗ, vừa uy hiếp để Việt Nam không thiết lập quan hệ đặc biệt với Mỹ và ngay cả không mơ tưởng đến một sách lược cân bằng lực lượng như nhiều nước trong khối ASEAN công khai áp dụng. Việt Nam có gì khác với các nước ASEAN khác khiến Trung Quốc có thể uy hiếp được? Không phải vì cái vị thế “núi liền núi sông liền sông” trong địa dư mà chính vì “núi liền núi sông liền sông” trong tư tưởng. Chẳng có ai phản đối: văn hóa Trung Quốc đã từng sáng chói cả một vùng trời Đông Á, ta chịu ảnh hưởng không phải là chuyện lạ, chuyện dở. Chuyện dở là chịu ảnh hưởng mà không biết sáng tạo như Nhật Bản. Chuyện dở là chịu ảnh hưởng đến cái mức phải làm cho giống nguyên bản để khỏi bị xem là man di. Từ trong tư tưởng, Trung Quốc đã là cái khuôn để rập theo. Họ Khổng giáo thế nào, ta Khổng giáo thế ấy. Họ Mao, ta cũng đã từng Mao. Họ đang là gì, ta cũng đang thế ấy. Suốt cả thế giới châu Á, có lẽ ngoài Việt Nam và Bắc Triều Tiên, không có nước nào làm cái bóng dưới mặt trời tư tưởng của họ. Trung Quốc biết rõ như thế, việc gì họ chẳng nắm cái điểm yếu đó để dụ và đe? Họ biết rõ ta sẽ không nghĩ đến cái thế cân bằng lực lượng, vì từ trong tư tưởng ta đã không có ý niệm cân bằng, đã lựa chọn nghiêng về một phía, đã nhượng bộ họ trên khắp lĩnh vực.

Họ lại còn tha hồ nắm cái điểm yếu đó vì biết chắc rằng không ai muốn sát cánh với ta thực sự khi quan hệ thân sơ của ta không rõ ràng. Về ngoại giao, dĩ nhiên ta cần giao hảo thân thiết với Trung Quốc như với Nhật, với ASEAN, nhưng về chiến lược, cả lịch sử lẫn thực tế ngày nay không cho phép ta xây dựng an ninh trường kỳ trên tư tưởng trụ cốt “Trung Quốc là bạn đặc biệt”. Ta không minh bạch trên điểm đó, ai sẽ tin ta? Ai sẽ liên minh chiến lược với ta để ngăn chận kẻ mà ta vẫn nhận là “bạn đặc biệt”? Thế nhưng trên thực tế ta lại không thể minh bạch được vì một đằng quyền lợi quốc gia đòi hỏi ta phải cảnh giác Trung Quốc, một đằng tư tưởng chính thống lại xem Trung Quốc là bạn đặc biệt. Mâu thuẫn đó phải chấm dứt thì quan hệ chiến lược mới phân minh.

Vậy ai là đồng minh chiến lược với ta? Đồng minh ở đây không có nghĩa là gia nhập vào một liên minh quân sự mà bao gồm các trường hợp những nước có cùng quan tâm chiến lược trong các quan hệ ngoại giao. Trong định nghĩa rộng đó, thực tế ngày nay cho thấy dù muốn dù không chỉ có Hoa Kỳ mới có thể trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trong việc thiết lập thế cân bằng lực lượng để ta giữ nước. Câu hỏi duy nhất còn có thể đặt ra là: nước Mỹ có sát cánh với ta để cùng ta bảo vệ những quyền lợi thiết thân nhất của ta? Cụ thể, nước Mỹ có thể cùng ta ngăn chận bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông?

Nước Mỹ không dại gì trả lời câu hỏi đó rành rọt và công khai. Câu hỏi đó, chính ta phải trả lời, và chỉ ta mới trả lời rành rọt được mà thôi. Nếu ta làm cho người Mỹ thấy rằng quyền lợi của họ và quyền lợi của ta là một, không những chỉ trên Biển Đông mà cả trong chiến lược lâu dài của họ ở Đông Á và cả Á châu thì hai nước sẽ sát cánh với nhau. Hơn nữa, nếu ta giúp củng cố các thể chế ASEAN để vừa tăng đoàn kết và ổn định trong khu vực vừa tạo cho Mỹ cơ hội vận động nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới ủng hộ sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á thì ta lại càng thắt chặt quyền lợi của Mỹ với quyền lợi của ta hơn.

Nhưng quyền lợi mà thôi chưa đủ để xây dựng một quan hệ chiến lược bền vững, trường kỳ. Bởi vì đe dọa của Trung Quốc là trường kỳ, giải pháp đối phó cũng phải trường kỳ để quan hệ đồng minh (theo nghĩa rộng nói trên) không phải là quan hệ giai đoạn, chiến thuật. Cái gì tạo ra chất lượng cho một quan hệ chiến lược bền vững? Địa-chính trị ngày nay nói rõ: tư tưởng, văn hóa là yếu tố chiến lược cùng với vị trí địa dư. Chính thể dân chủ ở Đài Loan là yếu tố chiến lược gắn kết thêm với yếu tố quyền lợi trong quan hệ giữa Mỹ và xứ ấy. Nước Nhật quân phiệt phải dứt khoát viết lại hiến pháp để trở thành đồng minh chiến lược bền vững nhất của Mỹ trên thế giới. Do đó, cải cách thể chế theo hướng dân chủ hóa như đã trình bày ở trên ngoài mục đích tăng nội lực còn là điều kiện để mở rộng chiến lược ngoại giao.

Ai cũng biết: thực chất của ý thức hệ hiện nay ở Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc nước lớn. Dưới lớp áo xã hội chủ nghĩa, trái tim của Trung Quốc ra lệnh cho dân tộc họ phải trả thù nhục nhã của thế kỷ 19, nhanh chóng chiếm lĩnh địa vị đại cường, ngự trị như bá chủ trên vùng Đông Á. Làm sao ta đồng chí với họ được? Ngược lại, đó là tư tưởng mà ta phải triệt để chống như một đe dọa đè nặng trên sự sống còn của dân tộc. Tư tưởng chính trị của Việt Nam là tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng trên quan tâm duy nhất là độc lập của dân tộc. Vì độc lập, ta phải đoàn kết dân tộc, lấy đoàn kết làm tư tưởng, lấy dân tộc làm mục tiêu chứ không phải một lý thuyết nào xa lạ với thực tế mà người dân đang thấy trước mắt. Vì yếu tố tư tưởng quan trọng như vậy, chúng tôi đề nghị Việt Nam hãy dứt khoát cắt rốn tư tưởng với Trung Quốc. Ta đã có một Hồ Chí Minh đặt nền móng dân chủ cho một nước Việt Nam độc lập khác hẳn nền móng mà Mao đã đặt cho Trung Quốc năm 1954. Ta đã lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chỉ đạo. Tư tưởng độc lập đó cần phải được vun xới sâu hơn trong bối cảnh ngày nay. Cần suy nghĩ rằng: một phần lớn tư tưởng đó đã được thoát thai từ tình trạng chiến tranh, hết chiến tranh thuộc địa đến chiến tranh chia cắt trong một thế giới chia hai theo lằn ranh ý thức hệ. Bây giờ nước ta không còn chiến tranh nữa, đã bắt đầu phát triển lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lại hội nhập vào một thế giới hoàn toàn đổi khác trong đó ý thức hệ tranh chấp ngày xưa đã biến mất rồi. Bối cảnh hoàn toàn đổi khác, tất nhiên tư tưởng của lãnh tụ cũng phải được hiểu theo một tinh thần mới, phải được chắt lọc lại, chỗ nào là tinh túy trường kỳ, chỗ nào là chiến thuật giai đoạn, chỗ nào thích hợp cho dân chủ ngày nay, chỗ nào đã đáp ứng xong rồi những nhu cầu trong quá khứ. Toàn dân sẽ tham gia thực hiện nền móng dân chủ mà lãnh tụ đã đặt viên gạch đầu tiên từ thuở khai sinh nhà nước. Ngôi nhà sẽ xây kết hợp hài hòa tư tưởng Hồ Chí Minh với những tư tưởng dân chủ của thế giới, vạch ra một mô hình dân chủ thích hợp với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam. Mô hình đó cũng sẽ không chối bỏ nguyên tắc căn bản của chính thể hiện nay là “đảng lãnh đạo”. Vấn đề là phải thiết lập cho kỳ được dân chủ thật sự trong đảng và định nghĩa lại cho minh bạch thế nào là “lãnh đạo” theo ý kiến của toàn dân.

Không khó khăn gì để thể chế hóa hai vấn đề đó. Nhân dân và trí thức Việt Nam không thiếu óc sáng tạo. Thách thức là có ý muốn hay không. Từ lâu, vấn đề đã được đặt ra, nhưng chẳng bao giờ giải quyết. Thời cuộc ngày nay không cho phép trì hoãn nữa. Không những lòng tin của nhân dân có hạn mà an ninh của đất nước bắt buộc phải thế. Đe dọa từ phương Bắc buộc ta phải từ giã con đường cụt trong tư tưởng. Hoặc ta không có đồng minh, hoặc có đồng minh thì phải minh bạch, không ai hứng đạn cho ta nếu không tin ta.

Tất nhiên ai cũng có thể chất vấn: đồng minh (trong ý nghĩa cùng một quan tâm chiến lược) với Mỹ, ta có mất độc lập chăng? Trong lịch sử thế giới từ sau 1945, có hai kinh nghiệm đồng minh trong đó một bên là siêu cường, một bên là nước bại trận, mất cả chủ quyền, mất cả tiềm năng kinh tế, mất cả quân đội: đó là nước Đức và nước Nhật. Cả hai nước đều trở thành cường quốc. Nước Đức liên minh chiến lược với Mỹ nhưng không mất độc lập ngoại giao với Liên Xô. Nước Nhật liên minh với Mỹ nhưng không mất độc lập ngoại giao với Trung Quốc. Quan hệ chiến lược có ảnh hưởng trên quan hệ ngoại giao, nhưng không trùng hợp. Ngay cả Hàn Quốc, liên minh với Mỹ, họ có mất độc lập ngoại giao với ai đâu?

Tại sao họ không mất? Tại vì hai lẽ. Thứ nhất, họ biết vận dụng nội lực, xây dựng ở bên trong một thể chế lành mạnh, hữu hiệu, đưa đất nước họ từ tình trạng lệ thuộc, độc tài, lên tình trạng dân chủ, cường quốc. Sức mạnh bên trong là yếu tố không thể không có để độc lập với thế giới. Chính vì vậy mà toàn thể nhân dân ta khát vọng một cải cách toàn diện để lãnh đạo cùng với toàn dân đưa đất nước lên địa vị độc lập, độc lập với Trung Quốc, dĩ nhiên, và độc lập với cả Mỹ.

Thứ hai, họ biết vận dụng thời cuộc quốc tế để không trở thành chư hầu của một cực. Hiện nay, ai cũng tưởng chừng như Mỹ và Tây Âu đang trên đà đi xuống, Trung Quốc đang ở thế thượng phong bất khả cưỡng. Đúng vậy. Nhưng tình hình đó lại có một mặt tích cực khác cho ta mà chính ta cần phải thấy rõ: cái thế thượng phong trịch thượng, ngạo mạn, thủ đoạn của Trung Quốc hiện nay là vấn đề của cả thế giới dân chủ, hòa bình, tự do, chứ không phải riêng gì của ta. Việt Nam đang có một cái thế rất lớn, lớn hơn cả thời 1945, là đứng chung với cả thế giới đó trong một mặt trận chung. Chúng tôi nói “đồng minh” hoặc “quan tâm chiến lược” là nói trong ý nghĩa đó. Việt Nam “đồng minh” với cả thế giới đó chứ không phải với riêng ai. Việt Nam “đồng minh” với cả những lực lượng tiến bộ, dân chủ, trong lòng xã hội Trung Quốc. Vấn đề là ta có đủ quyết tâm làm như thế hay không, thế giới có xem ta như vậy hay không mà thôi. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở, là quốc sách để cứu nước, chưa bao giờ có.

Việt Nam sẽ không bao giờ là chư hầu của ai nếu ta vận dụng được sức lực của toàn dân. Chọn dân tộc và chọn thế giới dân chủ, hòa bình, tự do, tôn trọng môi trường thì mới thoát ra được cái ách của Trung Quốc, hiện nay và mai sau.

Dĩ nhiên, dù đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, ta vẫn coi trọng quan hệ với Trung Quốc trên nguyên tắc bình đẳng. Vì là láng giềng gần, sự giao lưu mật thiết giữa các tầng lớp dân chúng, nhất là giữa giới trí thức và lớp trẻ để tạo sự tương kính, hiểu biết nhau. Đó cũng là yếu tố góp phần gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, Việt Nam là nước nhỏ hơn nhiều về nhiều mặt, không thể theo phương châm “hợp tác toàn diện”, mà phải chọn lựa lĩnh vực và mức độ.

Riêng về vấn đề Biển Đông, chúng tôi có hai đề nghị: Một là, Quốc hội Việt Nam cần ra một tuyên cáo, một nghị quyết đặc biệt về Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, khẳng định đó không phải là sự thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ là thiện chí của Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong việc tranh chấp với Mỹ về an ninh ở vùng biển gần Đài Loan. Trung Quốc đã phản bội Việt Nam khi dùng công hàm đó để chủ trương chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyên cáo này vừa để thanh minh trước dư luận quốc tế vừa xóa bỏ những ngờ vực trong không ít người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng thêm tình đoàn kết dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm. Thứ hai, trên thực tế Việt Nam không làm chủ hết cả quần đảo Trường Sa nên cần đoàn kết với Philippines, Malaysia và Brunei trong việc gìn giữ quần đảo này và chống lại Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Việt Nam chủ động đưa ra đề án với ASEAN đặt tên Biển Đông nước ta (mà Trung Quốc và nhiều nước khác gọi là biển Nam Trung Hoa) là Biển Đông Nam Á.

E. Kết luận

Trên đây là phân tích sơ lược về thực trạng của Việt Nam và đại cương về các giải pháp nhằm cải cách toàn diện để phát triển đất nước. Những nội dung chi tiết hơn không được đề cập để tránh loãng thông tin. Tuy nhiên, qua đó cũng có thể rút ra kết luận:

Việt Nam chúng ta đang đứng trước một khúc ngoặt lịch sử. Kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học đều suy thoái, nền tảng đạo đức xã hội lung lay và trên nhiều mặt ngày càng lệ thuộc vào nước láng giềng phương Bắc. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam cần làm một cuộc cách mạng mới để cứu đất nước khỏi nguy cơ này và mở ra con đường mới để dân tộc tiến nhanh về phía trước, để đất nước phát triển nhanh chóng, giàu mạnh và tự chủ. Cốt lõi của cuộc cách mạng mới là dứt khoát từ bỏ sự ràng buộc của một chủ nghĩa, một học thuyết đã không còn sức sống ở cả Việt Nam và trên thế giới. Gắn chặt với học thuyết ấy, chủ nghĩa ấy cũng làm nước ta ngày càng lệ thuộc vào quỹ đạo của phương Bắc ngày càng nặng.

Trí tuệ, khí khái, bản lĩnh và lòng yêu nước của tiền nhân ta là những bài học vô cùng phong phú, quý giá. Bây giờ là lúc phải học lại, học hơn nữa tầm nhìn chiến lược “khoan thư sức dân” của Trần Hưng Đạo, “khai dân trí, chấn dân khí” của Phan Châu Trinh, tư tưởng dân chủ, đoàn kết dân tộc và tinh thần học tập phóng khoáng của Hồ Chí Minh. Và hơn bao giờ hết chúng ta phải kế thừa khí phách Nguyễn Trãi “… Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương, tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”.

Mong rằng với sự sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước chúng ta sẽ nhanh chóng ra khỏi thời kỳ khó khăn nghiêm trọng hiện nay và bước vào một kỷ nguyên phát triển mới./.

Đồng ký tên:

Hồ Tú Bảo, Giáo sư Tin học, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Nhật Bản.

Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư Toán học, Đại học Toulouse, Pháp.

Trần Hữu Dũng, Giáo sư Kinh tế học, Đại học Wright State, Hoa Kỳ.

Giáp Văn Dương, Nhà nghiên cứu (Vật lý), Đại học Quốc gia Singapore.

Nguyễn Ngọc Giao, Nhà báo, nguyên Giảng viên Toán, Đại học Paris VII, Pháp.

Ngô Vĩnh Long, Giáo sư Sử học, Đại học Maine, Hoa Kỳ.

Vĩnh Sính, Giáo sư danh dự (Sử học), Đại học Alberta, Canada.

Nguyễn Minh Thọ, Giáo sư Hóa học, Đại học Leuven, Bỉ.

Trần Văn Thọ, Giáo sư Kinh tế học, Đại học Waseda, Nhật Bản.

Cao Huy Thuần, Giáo sư danh dự (Chính trị học), Đại học Picardie, Pháp.

Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales, Úc.

Hà Dương Tường, Giáo sư danh dự (Toán học), Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp.

Vũ Quang Việt, Chuyên gia tư vấn Thống kê Kinh tế cho Liên Hiệp Quốc, Myanmar, Philippines và Lào; nguyên chuyên viên cao cấp Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ.

Phạm Xuân Yêm, Nguyên Giám đốc nghiên cứu Vật lý, Đại học Paris VI và Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học, Pháp.

Nguồn: Blog Nguyễn Văn Tuấn/ Diễn Đàn

163 bình luận to “441. Cải cách toàn diện để phát triển đất nước”

  1. […] Nhiều tác giả trên ĐÃ NHẬN THẤY RẰNG https://anhbasam.wordpress.com/2011/10/27/cai-cach-toan-dien-de-phat-trien-dat-nuoc/#comment-62143 […]

  2. Anh Ba Xờm said

    Hay quá, em được ăn lẫu rồi, thập cẩm :))

  3. […] Cải cách toàn diện để phát triển đất nước […]

  4. VN said

    Nếu còn người bảo thủ như Đinh Thế Huynh thì mọi cải cách vẫn đi vào ngõ cụt mà thôi!

  5. Bách Việt said

    Bài viết thể hiện các tác giả đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và công phu và viết bằng tất cả cái tâm của những người yêu nước. Phân tích cặn kẽ, lời lẽ ôn hòa, thuyết phục quá. Đọc xong thấy mình hiểu thêm được nhiều điều. Thật khâm phục các trí thức quá.

    Chỉ có điều, nếu thực hiện triệt để khuyến nghị của các tác giả về vấn đề tuyển chọn công chức thì rất nhiều con cháu, người thân của các vị lãnh đạo chính quyền, nhất là chính quyền các địa phương sẽ thất nghiệp, vì hầu hết họ không thể cạnh tranh được với những người thực sự có năng lực và trí tuệ nếu các vị trí họ ngồi hiện nay được đem ra cạnh tranh qua hình thức tuyển chọn minh bạch.

    Mong lắm có cuộc cách mạng theo hướng này.

  6. Con người chứ không phải ngợm nói said

    Ai? có thể chỉ cho mọi người biết : bằng cách nào một đám người tham lam xảo trá tàn bạo đang có quyền , lại từ bỏ việc đó . Nếu không , mọi thứ chỉ là lý thuyết xuông . Lại tính chuyện bịp bợm an dân hay sao?

  7. nguoiviet@gmail.com said

    Tóm lại là phải bỏ điều 4 của Hiến pháp là mọi sự đâu vào đấy. Nó (điều 4)còn thì mất nước.
    Mong Đảng suy xét thiệt hơn (nên thay đổi) cho dân, cho nước, cho giống nòi được nhờ!!!

  8. F 361 said

    Nhiều comments quá, tôi đọc không kịp! Tôi chỉ muốn nói ý này. Nếu có trùng lặp thì bỏ qua!

    Nếu nhà cầm quyền hiện nay ở VN thực thi các cải cách như các trí thức này đế xuất, thì họ ko còn là cộng sản toàn trị nữa. Họ ko có chổ đứng trong một xã hội dân chủ pháp quyền. Họ phải đi tới cùng, theo con đường toàn trị tư bản thân hữu mà các “đồng chí tốt” Đại Hán đã vạch, để bảo vệ quyến lợi gia đình, phe nhóm, thân hữu như “Đảng Thái tử” đang làm,.. Cho tới cuộc cách mạng màu cánh sen nổ ra.. (hì, hì.. vừa có hoa, vừa có màu luôn…)

    F 361

    • lehaichampal said

      Lời nói của F 361 là đủ tiêu chuẩn để kết nạp vào Đảng CSVN rồi đó. Từ ngôn luận vỉa hè đến phá vòng nô lệ của BS là khoảng không gian vô cùng rộng lớn. Như chị quét rác bên đường bỗng dưng bỏ chổi đi đến phá tan cổng thành của triều đình,mà chị cho là đã thối nát. Cái chủ đề như vầy,có mấy ai mà đủ kiên nhẫn để tin,nhưng người ta vẫn tin,tin nên có nhiều bàn luận,vì vậy,có nhiều còm,đọc không kịp.
      Nói như F 361 thì nó đúng như là sờ vào lửa thì nó nóng vậy. Hết cãi.
      Tui nghĩ,xứ mình khó có CM”sen”,”nhài”,mà phần chắc là CM máu,nếu có.

  9. Phí Nhời said

    đảng Công Nông
    Trí thức, cường hào đào tận gốc , trốc tận rễ(?)
    Nhân Văn giai phẩm (?)
    hủy IDS (?)
    ……….
    “Trí thức là cục phân”- Mao Trạch Đông.

  10. Le Chiến Công said

    Đây là bản kiến nghị hợp tình, hợp lý. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hãy phát huy tinh thần “Dân biết, dân bàn” để đưa đất nước chúng ta ngang hàng với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tôi vô cùng cảm phục ý kiến của các nhân sĩ trí thức ở hải ngoại quan tâm đến vân mệnh đất nước.

  11. […] 441. Cải cách toàn diện để phát triển đất nước […]

  12. Trần Văn Nam said

    Là người Việt ai chả muốn đất nước mình phát triển,phát triển nhanh ,bền vững.Những kiến nghị có tinh thần tương tự như thế này đã được nhiều người trong nước đề cập và góp ý nhưng…Ý kiến vẫn chỉ là ý kiến.Thương thay!

  13. Ngo Trần Nam said

    Cái áo vá mãi rồi không thể vá được nữa vì vái đẫ mục.
    Cái nhà hỏng móng,kèo cột mục ruỗng…
    Hỏi các vị có sửa được không ???Vất bỏ nó đi vào sọt rác mà làm (May) cái mới.Sao ta cứ bàn quẩn bàn quanh mãi nhỉ?

  14. Hiền Cầu said

    Bài phân tích khá dài. Để đó đọc sau. Tớ chỉ muốn nói rằng, mấy bác cố chống chèo cho căn nhà khỏi sụp là tốt. Tuy nhiên, theo tớ, nhà có bốn cột cái, mối ăn mẹ nó ba cột. Chống gì nổi qua cơn bỉ này.

  15. Vũ Thế Phan said

    Bản nhiên của kỳ nhông là tính phản xạ tài tình tùy môi trường, hoàn cảnh để hoá ra lúc xanh, lúc vàng, lúc nâu… Và lịch sử nước ta đã chứng minh rằng ĐCSVN không chỉ là kỳ nhông bình thường mà là loại kỳ nhông biết tàng hình. Cho nên, trường thiên tâm huyết của chư vị đồng tác giả bản ‘ý kiến cải cách’ – tuy không có gì lạ, cũng đáng trân trọng ; có điều xem ra y chang chuyện dạy kỳ nhông phép đổi màu. Mà ai cũng biết đổi màu thế nào đi nữa kỳ nhông vẫn hoàn kỳ nhông. Đã no đủ lắm rồi, con rồng cháu tiên không thể tiếp tục gục mặt khốn khổ khốn nạn đối với thứ kỳ nhông biết tàng hình này.

    • lehaichampal said

      Một phản hồi tạo hình ảnh sinh động,đầy tính thực tiển chỉ vào hiện tình đất nước không có lối thoát hiện nay. Một ý kiến giá trị sâu sắc để nhận thức và chuẩn bị”hành trang”như”cây cột điện muốn đi”,như”nước mất chưa?”.
      Cái”ý kiến”của 14 vị trí thức gì đó,nếu ai cũng đọc”nhuần nhuyển”,rồi cứ tưởng Đảng CSVN đang chuẩn bị có sự thay đổi nào đó theo hướng”ý kiến”của 14 vị,rồi hy vọng,rồi chờ đợi…rồi 5 năm sau mới tuyệt vọng. Vấn đề đặt ra là ở chổ này. Đây là giải pháp cù nhầy. Nói đến đây,nhớ Nguyễn Cao Kỳ trở về quê hương để hòa giải,hòa hợp dân tộc. Hòa giải,hòa hợp xong,qua Malaysia tạ thế. Lạy trời phật phù hộ cho ông ấy!

  16. Cha Nấm said

    Nói thẳng ra để cải cách toàn diện đưa đất nước phát triển như : Hàn Quốc, Nga, Nhật, Mỹ, Đức… thì trong Quốc Hội Việt Nam phải có ba đảng trở lên đại diện cho các tầng lớp dân cư khác nhau. Bởi vì, Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.Đại biểu Quốc Hội là đại diện của các đảng được công dân bầu cử. Có như vậy, trong Quốc Hội mới có quan điểm, lập trường đấu tranh bảo vệ Hiến pháp. Đảng nào có những người lãnh đạo ưu tú, có phương kế phát triển đất nước tốt thì dân bầu và cầm quyền trong nhiệm kỳ mà Hiến pháp đã được Quốc Hội ( có ba đảng trở lên) phê duyệt. Còn một đảng độc quyền như VN hiện nay, thì 98% là đảng viên đảng CS thì phải giơ tay, bỏ phiếu theo mấy ông Bộ chính trị, theo ông Tổng bí thư trong Quốc Hội thì lấy đâu là Dân chủ.
    Nghiệm lại đất nước Việt Nam : Miền Nam trước giải phóng là Hòn ngọc Châu á, kinh tế, văn hóa hơn cả Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhưng đến nay, dưới sự độc quyền của đảng cộng sản Vn do lo ghế hơn lo cho sự phát triển của đất nước nên chỉ làm giàu cho Nhóm lợi ích ngồi xổm trên pháp luật nên đất nước Việt Nam còn thua xa các nước nói trên.

    • lehaichampal said

      Cầu mong ai cũng có quan điểm nhận thức như Cha Nấm thì dễ dàng đi đến thống nhất với hiện tình đất nước hiện nay.
      Không ai có thể không khen nội dung của các kiến nghị như trên. Nhưng khen để làm gì, khi nó chỉ là lá thư không có người nhận. Làm ta buồn thêm,rồi nói như kiểu nói lẫy,có thể mất lòng ai đó.
      Nhớ lại,có kiến nghị nào hơn cuộc Hội thảo gần 3 ngày,trước Đại hội Đảng 11,do giáo sư Trần Phương chủ trì cùng hơn 20 vị “đầy tâm,đầy tầm”góp ý cho Đảng những ý kiến với những tư duy gần như thấy trước được khả quan trên chặng đường phát triển. Giáo sư Trần Phương nguyên trợ lý của cố TBT Lê Duẩn,nguyên phó thủ tướng,vậy mà cũng như nước đổ đầu vịt!

  17. thạch sanh said

    cho tôi được làm kho mìn nổ
    nổ tung đi những mơ mọng hão huyền
    cho tôi được làm cây chông miệng hố
    để chôn bầy lố nhố lăng nhang

  18. hatrung said

    Bài viết khai trí cho cả nhân dân và lãnh đạo Việt Nam

  19. Hoàng Oanh said

    Đồng ý hoàn toàn với bạn Phanhalan. Mấy ông này xài trí tuệ “đặt cỗ xe trước con ngựa kéo”. Nếu xe nhích được một ly ấy là điều mầu nhiệm. Họ tung hô ĐCSVN sáng suốt và tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại: Xin thưa, cả hai yếu tố này […]. Còn muốn kéo dài thêm nữa sao?

    Giới thiệu cùng quý vị một bài phản biện ngắn gọn nhưng sâu sắc ở đây: http://tinyurl.com/y-kien-phan-bien

    • Justice said

      “ Họ tung hô ĐCSVN sáng suốt và tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại ” chổ nào trong ý kiến cải cách… này thế bạn ?

  20. Nếu là những người biết tự trọng và trân trọng xương máu của nhân dân đã đổ xuống trên mảnh đất này thì khó mấy cũng làm được.
    Còn vô liêm thì . . . dân đành Pótay.com !

  21. phanhalan said

    “Mấy Ông Bà nầy ” viết một bài rất DỠ mà DÀI !!!

    Hay là “mấy Ông Bà nầy ” bị mua chuộc bởi csVN, lý do:

    -Chê lãnh đạo CS, nhưng lại năn nỉ CS thay đổi
    -“Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, khẳng định đó không phải là sự thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa”
    – “Tư tưởng dân chủ, đoàn kết dân tộc và tinh thần học tập phóng khoáng của Hồ Chí Minh” ( HCM học CCRĐ của Tàu, thống nhất đất nước bằng vũ khí CS để giết dân)
    -“Chúng tôi đặc biệt đề nghị nên có hình thức ghi nhận và biểu dương sự dũng cảm hy sinh của những quân nhân Việt Nam Cộng hòa bảo vệ Hoàng Sa năm 1974” (“Mấy Ông Bà nầy ” không nói : VNCH bảo vệ Tự Do Dân Chủ )
    -“Chúng tôi cho rằng ở thời điểm này chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được cuộc cách mạng này”

    Thay vì , viết một bài hịch để kêu gọi Nhân Dân ý thức về Dân Chủ Tự Do, Đa Nguyên Đa Đảng, tự bỏ tư tưởng CNCS trong tâm hồn ( rát rưới của nhân loại!), “mấy Ông Bà nầy ” kêu gọi người dân yên tâm ngồi chờ những “người CS bất tài” làm cách mạng, thay đổi, nâng cao cuộc sống Dân tộc VN.

    Với chức danh trí thức, mà “mấy Ông Bà nầy ” viết một bài DÀI và DỠ như vậy, thì dân VN còn nghèo và lạc hậu là đúng rồi.

    • can lộc said

      đún bài viết tốn tâm huyết dàn gãy trai tru

    • lehaichampal said

      Dường như diễn đàn này chưa có người chủ trì?
      Đề nghị ABS cử người hướng dẫn dư luận. Đề nghị Phanhalan là phù hợp với nhiều người hơn.

    • @ Thân gởi Phanhalan và TẤT CẢ QUÝ BẠN ĐỌC !

      – “Tư tưởng dân chủ, đoàn kết dân tộc và tinh thần học tập phóng khoáng của Hồ Chí Minh” ( HCM học CCRĐ của Tàu, thống nhất đất nước bằng vũ khí CS để giết dân)

      -”Chúng tôi đặc biệt đề nghị nên có hình thức ghi nhận và biểu dương sự dũng cảm hy sinh của những quân nhân Việt Nam Cộng hòa bảo vệ Hoàng Sa năm 1974″ (“Mấy Ông Bà nầy ” không nói : VNCH bảo vệ Tự Do Dân Chủ )

      TÔI KHÔNG THÍCH LÀM VIỆC PHÂN LOẠI …chuyện này chỉ có tụi CAM công an CS ….vì lúc này RẤT CẦN THIẾT
      Tổ Quốc Việt Nam là TẤT CẢ là TỐI THƯỢNG …

      Nhưng VÌ SAO nên làm ĐỂ HIỂU NGUỒN GỐC căn nguyên TẠI SAO ???

      I – GỐC MIỀN BẮC trước 1975

      1. Từng tham dự Chiến tranh

      Hồ Tú Bảo, Giáo sư Tin học, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Nhật Bản.


      2. CÓ LẼ chưa từng tham dự Chiến tranh

      Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư Toán học, Đại học Toulouse, Pháp.

      Giáp Văn Dương, Nhà nghiên cứu (Vật lý), Đại học Quốc gia Singapore.

      (Chúng tôi HẦU NHƯ không trách mấy Vị trên này vì sinh và lớn lên trong chế độ CS …..)


      II – GỐC MIỀN NAM trước 1975

      1. Sau phong trào VƯỢT BIÊN VƯỢT BIỂN

      Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales, Úc.

      2. Du học sinh từ MIỀN NAM trước 1975 ….

      và “THÂN CỘNG” do ngây thơ “yêu Nước” !

      (Chúng tôi RẤT TIẾC mấy bác này ….làm ĐẤT NƯỚC trở nên rối rắm ..TẠI SAO từ MIỀN NAM lại du học các Nước ÂU MỸ tiến bộ …các bác ấy PHẢI BIẾT thế nào HẬU QUẢ NGUY HIỂM của ĐỘC TÀI ĐỘC ĐẢNG chớ ! …..KHÔNG BIẾT quý vị PHẢN TỈNH và có hối hận Một Thời Thanh xuân THEO ĐUÔI phong trào hay không ????? )

      Trần Hữu Dũng, Giáo sư Kinh tế học, Đại học Wright State, Hoa Kỳ.

      Nguyễn Ngọc Giao, Nhà báo, nguyên Giảng viên Toán, Đại học Paris VII, Pháp.

      Ngô Vĩnh Long, Giáo sư Sử học, Đại học Maine, Hoa Kỳ.

      Vĩnh Sính, Giáo sư danh dự (Sử học), Đại học Alberta, Canada.

      Nguyễn Minh Thọ, Giáo sư Hóa học, Đại học Leuven, Bỉ.

      Trần Văn Thọ, Giáo sư Kinh tế học, Đại học Waseda, Nhật Bản.

      Cao Huy Thuần, Giáo sư danh dự (Chính trị học), Đại học Picardie, Pháp.

      Hà Dương Tường, Giáo sư danh dự (Toán học), Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp.

      Vũ Quang Việt, Chuyên gia tư vấn Thống kê Kinh tế cho Liên Hiệp Quốc, Myanmar, Philippines và Lào; nguyên chuyên viên cao cấp Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ.

      Phạm Xuân Yêm, Nguyên Giám đốc nghiên cứu Vật lý, Đại học Paris VI và Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học, Pháp.

      CHÂN THÀNH chia sẻ CHO DÙ quý vị có giận tôi ….nhưng tôi LUÔN LUÔN GÓP Ý hết mình 100 % viết những gì trong tâm can suy nghĩ …

      ĐÓ cũng là chân thành quý trọng chân tình trao đổi ….

  22. SAIGON-HÀ NỘI said

    MỜI XEM VIDEO : Golden Asia DVD 2- Hùng Ca Sử Việt

    • Trần Văn Nam said

      Tuyệt!Người Việt khắp nơi trên thế giới cũng như trong nước đều một lòng yêu nước thế này mà lại bảo là “lực lượng Thù địch” là sao?

  23. gsxoay said

    Chúng tôi cho rằng vai trò độc tôn của ĐCS đã hết. Giờ đây đất nước cần nhiều tự do và dân chủ hơn. Việt Nam đông dân có đủ chỗ cho 3 Đảng lớn. Giờ là lúc phải thay đổi thể chế, áp dụng đúng mô hình nhà nước tam quyền phân lập, tự do báo chí, tự do tư tưởng, bầu cử tự do. Hơn hai chục năm trước các nước cựu “XHCN” ở châu Âu đã làm được. VN đã chậm hơn 22 năm so với họ, và trước sau gì thì VN cũng phải làm điều đó. Làm bây giờ còn tốt hơn làm sau 10 năm nữa. Cứ mô hình hiện nay thì chủ quyền sẽ mất dần vào tay TQ, đất nước trì trệ kém phát triển nhất ASEAN.

  24. Viet nhan said

    Đã thấy phần tiieeps theo của bài báo DC tại đây:
    http://gocsan.blogspot.com/2011/10/what-is-democracy-dan-chu-la-gi.html

  25. Ba Xạo said

    MUỐN LÀ ĐƯỢC
    Người Pháp có câu nói “Vouloir c’est pouvoir”. Nhưng tôi nghĩ:
    1/ Đảng CS không có động lực cải cách, trừ khi không cải cách thì tất yếu bị tiêu vong.
    2/ Nếu có cơ hội để thụt lùi cải cách họ luôn sẵn sàng nắm lấy.
    Nghĩa là họ không MUỐN cải cách đổi mới.

    Khi bị buộc phải cải cách họ luôn chọn cách mở ra 1 chút và càng kéo dài, càng hoãn binh càng tốt. Ví dụ như chuyện tổ chức đá bóng của VFF vậy. Nghĩa là họ luôn muốn trì hoãn, hứa hẹn càng lâu càng tốt. Từ sửa đổi sách giáo khoa, lương tiền … quyền tự do ngôn luận … Hiến kế cho người không muốn làm, khác với chỉ vẽ bày mưu cho người “không biết cách làm”, và thường là tự chuốc họa vào thân.

    NẾU có các vị lãnh đạo cộng sản MUỐN cải cách “dân chủ” thì họ sẽ làm được hay không? Hãy hỏi Tổng thống Liên Xô thử coi.

  26. peter98168@yahoo.com said

    First come first , eliminate Communism out of Viet Nam . Otherwise, It doesn’t work .

  27. Ẩn danh said

    Các Bác nói nghe hay quá!.., Nhưng còn thiếu một câu của Kinh Phật: “Quay đầu lại là bờ” để nhắc quý Ngài…lãnh đạo.

  28. Thực sự các bác trí thức tên tuổi đáng kính viết rất hay và tâm huyết với đất nước, ngoài ra một số bài trên blog anhbasam đăng cũng cực hay.

    Nhưng nhìn vào thực tế nhìn vào môi trường sống, làm việc, đó đây đi du lịch thì em thấy hơi nản. Nói ra quá nhiều vấn đề mình nhìn thấy và cảm nhận từ lâu rôi. Những bạn bè một thời bây giờ chỉ có 1 động lực duy nhất đó là TIỀN VÀ CHỈ TIỀN MÀ THÔI. Chụp giựt, luồn cúi/lạng lách, im lặng, thờ ơ….nói chung chẳng quan tâm gì đến sự công bằng, bất công, tha hóa trong xã hội miễn sao không ảnh hưởng đến cá nhân mình. Cái này thuật ngữ trên mạng gọi là MAKENO thì phải !

    Sức ỳ của người Việt quá lớn, để đột phá để can đảm thay đổi cho tốt đẹp hơn trừ phi bị dồn vào đường cùng mới quật khởi vùng lên. Nhưng khi vùng lên quật khởi được chút ấm no, sung túc thì thỏa mãn, tự phụ, ngồi rung đùi vuốt râu có khi còn sinh ra tha hóa-biến chất.

    Cho nên chủ trương nâng cao dân trí, chia sẻ thông tin để tiến bộ chỉ là một phần nếu như không có dân khí, can đảm, liều mình như chẳng có cất lên tiếng nói, hành động phản biện (ko phải phản kháng) thì mãi mãi chỉ là “BIết rồi khổ lắm nói mãi”.

    Sự can đảm Không chỉ ở một nhóm nhân sỹ trí thức, lác đác một vài người can đảm trong Quốc Hội, cựu quan chức/thầy giáo/học giả về hưu mà phải người người, nhà nhà cùng đấu tranh với những bất công trong xã hội tùy theo sức và khả năng của mình.

    • Thành said

      Nhưng chưa đủ. Tôi – bạn và một số người bạn của húng ta muốn lên tiếng lại bị “Nhét rẻ vào mồm”! Đau.

    • Dăng Dan said

      Hoàn toàn đồng ý! Tôi cũng đã nản như bác. Suy đi nghỉ lại mãi chẳng lẻ đặc tính dân tộc Viễt là như thế sao? Chẳng những người Việt trong nước mà người Việt ở nước ngoài cũng y chang. Cơ bản nhất trong tính cách người Việt vẫn là TỰ CỨU trước khi trời cứu, lâu dần thành bản chất: ÍCH KỶ, hoặc to hơn chút là CỤC BỘ/HỌ HÀNG/ ĐỒNG HƯƠNG/ …. , to hơn tí nửa thì GIAI CẤP (!!!!!). Cộng thêm cái tính trời cho là KHOE MẺ và THÍCH CỞI LÊN ĐẦU ĐỒNG BÀO mình: Thua ai cũng được nhưng thua thằng hàng xóm là ko được, thua Tây thua Tàu thì được nhưng thấy một thằng “đồng bào” nào khá hơn mình là lập tức …. NGHỈ THEO CHIỀU HƯỚNG XẤU (cái này đúng từ mức độ cá nhân đến đảng phái). Thêm vào đó mỗi anh Việt lại là một ÔNG/BÀ QUAN, ko chức ko tước thì thôi, tha hồ chửi rủa phong kiến, thực dân, nhưng hể khoác lên mình một tí ti “quyền lực” cở anh bảo vệ, chị quét dọn uỷ ban, cô hộ lý bệnh viện là lập tức TRỔ THẦN UY còn hơn ba thằng “ác ôn” phong kiến + thực dân + đế quốc cộng lại, chưa nói tới mấy cậu mợ có quyền lực/ ghế ngồi thực sự thì ….chỉ còn biết bótay.com, quyền hành còn hơn cả thượng đế, thậm chí có thời còn can thiệp cả vào chuyện …. chăn gối của người khác (nói nôm na là chế độ đ. phải báo cáo, ai có sống thời kỳ này ắt biết). Hể ai nói ngược ý mình thì phong ngay “phản động”. Còn trí thức nhà Việt thì tiếng là trí thức nhưng nặng phần vật chất, sắm được cái phone xịn là sướng rên mé đìu hiu, là thấy mình “trí thức” hơn đồng bào xài “đập đá”, tầm cở trí thức Việt được đo đếm dựa trên giá trị vật chất mà anh ta khoe mẻ!!!!! Đã vậy khi một vài người “lạc lỏng” muốn lên tiếng, ngay lập tức bị “nhét dẻ vào mồm” hay “chụp cho một cái mủ” to tướng.
      Cái này chắc chắn ko phải là THUỘC TÍNH ngàn xưa của dân Việt. Nếu đã có thì chắc chắn ko có các cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm trong lịch sử. Sẽ ko có Lê Lai liều mình cứu chúa (nay: cứu nó xong mình chết thiệt thân, lương liệt sỉ nó còn ăn chận!), ko có Trần Quốc Toản Phá cường địch báo hoàng ân (nay: trốn lính được thì trốn chứ tội chó gì ra trận cho con chúng nó đi học nước ngoài?), ko có Trần bình Trọng thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất bắc (nay: xời, thằng cha hâm, chỉ cần làm nhà giàu xứ bắc là đã mê lắm rồi chứ làm vương thì em xin đồng ý cả hai tay hai chân )! Cái tính này thuộc loại TẬP NHIỄM, hình thành do một hệ thống quần thể bị cai trị hà khắc và giáo dục lệch chuẩn đạo đức lâu dài, một xã hôi ko công băng, ko có giá trị thực mà toàn là lừa mị/ ảo tưởng, lời nói ko đi đôi với việc làm. Con người co cụm tự cứu và chỉ tin vào những giá trị do mình đặt ra và có trong tay, trong phạm vi kiểm soát của mình chứ ko tin vào bất cứ giá trị xã hội áp đặt nào kể cả chức tước hay bằng cấp xã hội, thứ bậc trong tôn giáo hay gia đình.
      Một khi nản quá mà tài hèn sức mọn đành phải …. theo tập thể: cũng phải tự cứu mình và gia đình mình khỏi sức cuốn hồng thuỷ của xã hội, để ko trở thành nạn nhân truyền đời từ đời ông cha đến cháu chắt, là BỎ NƯỚC MÀ ĐI dưới mọi hình thức. Vì sao, vì cái hoạ DIỆT VONG đã tới rất gần, đôi khi muốn duy trì nòi giống Việt khỏi bị đồng hoá là VƯỢT THOÁT khỏi cái cộng đồng đang bị kích LÊN ĐỒNG TẬP THỂ này! Than ôi.

      • z said

        Cũng đang tự hỏi là sự suy đồi văn hóa này của người Việt có lan tỏa tới( người Việt) ở trời Tây hay không?

  29. hehe... said

    sao chỉ thấy GS ngoài nước ? hay THẾ LỰC TRONG NƯỚC yếu hơn THẾ LỰC NGOÀI NƯỚC?

    • Ẩn danh said

      Tại vì chỉ tập hợp nhừng thành phần trí thức bất mãn với ĐCS thôi bạn.

  30. lehaichampal said

    Sau khi đọc qua mấy ý chính của 14 việt kiều yêu nước,yêu Đảng,nếu tui là ông TBT Nguyễn Phú Trọng,tui sẽ gấp rút triệu tập BCHTƯ Đảng bất thường để chỉ đạo cho BCH xem ý kiến này là kim chỉ nam cho mọi hành động để phát triển đất nước trong 20 năm tới,không những có thu nhập bình quân đầu người bằng Thailand,mà nguy cơ PHÂN HÓA cũng bằng Thailand.
    Ông Nguyễn Phú Trọng”nghiệm thu”ý kiến này như thế nào? Để tui điện hỏi ông sau. Giờ đang đọc báo BS!

    • Thành said

      Giấc mơ không có thật Bác ơi!

    • Justice said

      Bác nên cho mọi người biết những thông tin về việc các tác giả “ ý kiến… ” đã yêu đảng như thế nào đi ạ.
      Nếu là quan điểm chủ quan của bác, iem xin bác dẹp hết tất tần tật các loại mủ nón khi tham gia bình luận bất kỳ nơi đâu.
      Iem nhớ không lầm, cách nay chưa tròn nửa tháng, bác vẫn còn chưa biết xử dụng “ trả lời ” trên ABS. Mong bác chớ nên vội vàng đánh giá tư cách những người có khả năng tri thức mà bác không thể nào vói tới được.

      • lehaichampal said

        Cái ông Tây viết chữ Việt này cũng độc tài đây này,huống hồ là cộng sản. Tui nói mấy người”ý kiến”giúp Đảng,nhà nước VN là yêu nước,yêu Đảng,sao lại sai? Họ yêu thì mới giúp. Có ai đi giúp người mình ghét không?
        Tui chưa biết thì tui phải học,phải hỏi. Sao lại cấm tui không được tham gia bình luận bất kỳ nơi đâu? Ông Tây này đưa qua ở chung với Hồ Cẩm Đào là đúng gu!

  31. Cây đèn chổng ngược said

    Bài phân tích tâm huyết đã nói rõ nguyên nhân của sự trì trệ, kìm hảm của thể chế. Mong sao những con dân Đất Việt có trách nhiệm hiện nay biết lắng nghe và quên đi lợi ích cá nhân để Tổ quốc và dân tộc Việt Nam được trường tồn và còn có ngày ghi nhớ công lao.

  32. xman said

    Có lẽ chỉ cần rút ngắn lại một câu : Không cải cách thể chế chính trị triệt để thì khó có cơ hội thay đổi được dù chỉ một trong các thực trạng nhỏ nhất

  33. lehaichampal said

    Tên họ đúng là người Việt,nhưng đang ở nước ngoài cả,lấy cớ gì mà Đảng cộng sản Việt Nam họ nhận”ý kiến”đó để đọc? Đảng đâu có thiếu lý luận? Đảng đã có tư tưởng Hồ Chí Minh rồi! Không khéo,họ cho là xen vào công việc nội bộ của họ,họ không cho nhập cảnh về thăm thân nhân thì rách việc.
    Thú thật,dân Việt,nước Việt mà được như Hàn Quốc thôi,thì Đảng cộng sản Việt Nam không còn đảng viên nào nữa! Còn lại BCH 200 người,nhân dân sẽ ghi công họ bằng cách thuê vài phi thuyền không gian của Trung Quốc,chở họ lên thăm chị Hằng một chuyến và cho họ lập nghiệp với chị Hằng luôn thể!
    Không thể có suy nghĩ làm cho VN phát triển như Hàn Quốc,Nhật Bản trong não trạng của Hùng,Dũng,Sang,Trọng,các vị này đã có nhiều hơn rồi!
    PTT Nguyễn Văn Ninh nói,đến năm 2020 VN trở thành nước công nghiệp theo đường mòn hiện đại,thu nhập bình quân đầu người 3000 USD. Làm gì để có 3000/người/năm vào năm 2020. Từ 1986 đến nay,dân làm trối chết chỉ có 1200,9 năm nữa phải có thêm 1800 USD. Nếu có phép mầu nhiệm nào đó mà đạt được,thì liệu Đảng sở hữu bao nhiêu? “PHÂN HÓA”cho các tầng lớp nhân dân bao nhiêu?
    Hiện nay Thailand thu nhập 3500 USD/người/năm,họ có nói hiện đại hại điện gì đâu. Sao các ông CSVN cứ dối trá để lừa dân mãi vậy,hỡi các ông cộng sản chết tiệt?
    “Đừng nghe những gì cộng sản nói
    Hãy nhìn những gì cộng sản làm”

  34. Ẩn danh said

    cac bac tri thuc tam huyet qua ?tat ca cac tri thuc trong nuoc cung dong long nhu cac bac day thi cuoc cach mang doi moi chinh tri se den rat gan ?
    gioi tri thuc bao gio cung di dau cac phong trao cach mang co the thi nhan dan moi theo ma nhan dan da theo thi khong mot che do doc tai doc dang ha khac nao co the ton tai duoc do la diem manh cua gioi tri thuc?
    voi y kien dong gop tam huyet thi nay ma che do nha nuoc viet nam minh van bo ngoai tai thi co le cung cha khac gi che do garaphi phai ra di de nhan dan tu quyet dinh thoi ?du doc tai hay doc dang deu bi nhan dan trung tri vi hau qua ma da gay ra cho nhan dan viet nam

  35. Mùa Thu said

    Từ tháng 5 năm nay (2011), vấn đề biển Đông trở nên nổi cộm. Ảnh hưởng của Trung Quốc đến an ninh của ta đã thấy rõ. Thật ra, chuyện Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông lần này không đáng lo bằng sự thâm nhập của họ ngày càng mạnh và sâu vào kinh tế, chính trị và văn hóa của ta. Khi kinh tế ta yếu, bộ máy nhà nước yếu, nền tảng đạo đức xã hội lung lay, Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu biến Việt Nam thành một nước lệ thuộc toàn diện vào họ.(trích)
    Không phải họ không biết đâu. nhưng không một thể chế độc tài nào chịu từ bỏ lợi quyền, họ mặc kệ dân tộc

  36. Con gái VN said

    Tui sẽ cố gắng ăn chay, niệm Phật để cầu nguyện cho những phân tích, đóng góp của các vị nhân sĩ trí thức yêu nước được lọt vào mắt, được ngấm vào tim của mọi người dân nước Việt và chuyển thành năng lượng tập trung cực mạnh để chuyển xoay đất nước!
    ADIDAPHAT

    • Củ mì said

      Mô Phật, cũng mong là vậy

      • lehaichampal said

        Còn cộng sản không cần phát triển
        Đưa cộng sản về Tàu ,phát triển mới hài hòa được
        Còn CS phát triển bao nhiêu nó hốt hết,không những không được hưởng
        thành quả mà còn tức mà chết không chừng!

  37. Cái xảy nảy cái ung :

    Chung qui cuộc chiến tranh vệ quốc (1954) và thống nhất đất nước (1975) quá đẫm máu và mất mát đi. Hệ lụy, tàn dư và nhiều người vẫn còn dựa hơi vào hào quang quá khứ (ăn mày dĩ vãng).

    Các bậc trí thức chân chính thì từ xa xưa tới nay, bất luận ở chế độ nào đều muốn cải tiến, tốt đẹp, thao thức cho đất nước, cho tiền đồ dân tộc. Bởi vì phản biện là tối quan trọng để khoa học nói chung phát triển. Mà cấm các nhà khoa học, tri thức phản biện coi như trói chân, trói tay họ rồi (có lẽ vì lý do đó mà viện IDS bị bắt buộc phải tự nguyện giải tán chăng ?)

    Người Việt mình có thói quen (hư ?) là nếu sai rất ít khi chịu/dám nhận mình sai, biết là sai nếu nhận thức ra thì cũng âm thầm sửa thôi chứ chẳng ai tuyên bộ hay có lời xin lỗi đâu. Đấy là một cá nhân chứ còn cả một tập thể, cả một hệ thống và còn số đông những người ăn theo, cảm tình, hồi ức về một hệ thống mang âm hưởng hào hùng cách mạng, thần thánh không dễ ngày 1 ngày 2 có thể thay đổi.

    Không tin các bác cứ nhìn quanh gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp là biết ngay!

    Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, và định hướng cho giới trẻ. Thời gian thì trôi nhanh cứ loay hoay 10-15 năm nữa các bậc trí thức tên tuổi, kỳ cựu, tâm huyết ra đi mà không có những người tâm huyết dấn thân thì càng ngày càng bi đát, ảm đạm.

    • Nguyên Vũ said

      Đúng là điều cấp thiết bây giờ là phải nâng cao dân trí. Dân trí có cao thì mới bàn chuyện lý luận, chính trị, dân chủ v.v.

      Ủng hộ ý tưởng Tủ sách dòng họ của anh Thạch.
      http://tusachdongho.blogspot.com

      Chưa biết bản kiến nghị này có được “lưu ý” ở “trên” hay không, nhưng chắc chắn nó góp phần trong công cuộc khai thông dân trí.

      Chỉ sợ rồi đây nó lại bị quy kết là : Chiến lược diễn biến hòa bình của các “thế lực phản động”.

      (Nói khí không phải, thế các bố bên quân đội không muốn diễn biến trong hòa bình hay sao?, hay là muốn diễn biến bằng cách bạo động (để có “việc làm” chăng!?))

      • Toi dong y voi ban,tai sao DCSVN lai so DIEN BIEN HOA BINH,chang le lai thich dien bien CHIEN TRANH ? that kho hieu…Dan den hieu nhu vay day,ai giai thich gium?Lai the nay nua – DUONG LOI DOI MOI DO DANG TA KHOI XUONG VA LANH DAO…/ tu 1986 / the thi truoc 1986 do ai lanh dao ???

    • lehaichampal said

      Ra đi rồi thì hết nợ. Chúng nó ở lại”bi đát”bi ai gì mặc kệ. Sau 3 giây điều tra xã hội học,những gì bạn nêu là hoàn toàn không sai! Tình hình nay là không thể”cứu”được,chỉ có”đạp”.

  38. Otxanh said

    Là người dân, ai lại có thể thờ ơ với vận mệnh của đất nước mình? Hiện nay ở VN, người dân quá chán ngán nhà cầm quyền. Nhiều khi nói cũng thế, như nước đổ đầu vịt. Khi con người đã không còn lòng tự trọng thì khó mà đòi hỏi họ làm được điều gì tốt đẹp. Tuy nhiên, được đọc những lời tâm huyết trong bài viết trên, trong tôi lại có thêm niềm tin; bất chợt nghĩ rằng mình cần sống có trách nhiệm hơn, cố gắng làm việc tốt hơn. Hy vọng ngày nào đó, đất nước này có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu!”
    Không biết nước “sôi” đổ đầu vịt thì có tác dụng không nhỉ?

    • lehaichampal said

      Ông bà ta có câu:”Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Ngày nay đi một giờ đường học một sàng dao găm!

  39. dan bao said

    Nguyen nhan cua moi nguyen nhan, nguon goc cua moi van de, do la tinh trang doc dang. Giai quyet duoc tinh trang do thi tuc khac moi van de khac cung duoc giai quyet.!

  40. suy tư said

    Không dám đọc hết bài, vì sợ .. không ngủ được !
    thôi thì, mỗi ngày đọc một ít vậy?!

  41. nicecowboy said

    ĐỂ DẠT ĐƯỢC MỤC ĐÍCH, NÊN CÓ NHƯỢNG BỘ VÀ BẢO ĐẢM

    Không phải là các nhà cầm quyền hiện thời đui mù đến mức khộng nhìn thấy được con đường để VN phát triển : xây dựng nền dân chủ và pháp quyền, đoàn kết dân tộc, quan hệ đối ngoại với TQ một cách bình đẳng… vv… như các nhân sĩ trí thức đã đề ra.

    Vấn đề là khi họ chấp nhận thực hiện những cải cách toàn diện, cơ bản, sâu sắc như thế (có thể nói gần như là một cuộc cách mạng không đổ máu, do chính những nhà cầm quyền tự nguyện thực hiện), họ biết rằng họ sẽ bị mất tất cả quyền lực và quyền lợi đang có, thậm chí có thể phải đánh đổi cả sinh mệnh. Họ không thể chắc chắn rằng sau khi từ bỏ vai trò lãnh đạo độc tôn đi, thì sinh mạng cũng như các các tài sản hiện đang có sẽ được đảm bảo hoàn toàn…

    Vấn đề mấu chốt nhất này tôi chưa thấy ai đề cập đến bao giờ. Và chắc chắn những nguoi cầm quyền sẽ không bao giờ đưa ra trước một yêu cầu đảm bảo như thế ! nếu thế chẳng khác gì tự thú tôi đã sai, tôi sẽ nhượng bộ, miễn là các anh phải để cho tôi con đường an toàn khi tôi chịu đầu hàng.

    Kêu gọi, đề nghị, kiến nghị, góp ý đường lối phát triển … tất cả đều nhằm một mục tiêu chung, vì lợi ích tối cao của dân tộc, vì một nước VN phát triển, thịnh vượng. Nhưng có thể (Cao bồi nói có thể thôi nhé), một tầng lớp, một nhóm người lãnh đạo của Đảng… sẽ phải chịu thiệt, chịu mất mát rất nhiều so với cái họ đang được hưởng. Quyền lực : họ có thể chấp nhận từ bỏ. Lợi ích ,vật chất : họ có thể chấp nhận bị mất mát nhưng còn giữ lại được một phần. Nhưng sinh mệnh của họ , hoặc các bản án chính trị có thể có , xem xét hồi tố lại các hành vi thời họ cầm quyền… Điều này xảy ra rất thường, không ai dám bảo đảm điều này sẽ không có một khi thay đổi lãnh đạo, chế độ chính trị…

    Chính vì thế, các nhà độc tài, các chế độ độc tài chuyên chế… dù bị dưới sức ép đấu tranh rất lớn của nhân dân , họ vẫn không dám từ bỏ quyền lực mà sẽ chống trả đến cùng. Chỉ đến khi biết chắc rằng không còn con đường thắng , họ mới chấp nhận thương lượng, đặt điều kiện để cho họ con đường thoát : miễn tố, cho xuất ngoại với một số tài sản…. Thực tế vừa qua tại các cuộc cách mạng đã hoàn toàn y như thế.

    Tóm lại, theo Cao bồi, những góp ý của các nhân sĩ trì thức vể con đường phát triển của VN rất hay, nhưng chưa đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm tế nhị nhất vừa nêu. Phải chi trong đó có nêu ra một điều khoản đề nghị, thương lượng, hòa giải hòa hợp tương lai sau cải cách triệt để… để những nhà lãnh đaọ đương quyền dám thực hiện cải cách chính trị mà không cảm thấy e sợ mất an toàn cho tương lai của họ.

    Tôi nghĩ, nều được như thế thì bản góp ý này sẽ có thể được hiện thực hóa . Còn nếu không, thì cuộc cải cách cũng được thực hiện dần dần, từng bước trừng bước rất chậm. Và nhân dân sẽ phải chịu đựng lâu dài hơn nữa.

    Chúng ta sẽ chọn con đường nào :

    – cai cách triệt để như góp ý của các vị nhân sĩ trí thức, nhưng có nhượng bộ và dành con đường thoát, rút lui trong danh dự cho một thiểu số cầm quyền, lãnh đạo. Điều này chủ yếu chỉ được tiến hành do sự tự nguyện của những người lãnh đạo đương thời và sự đồng ý của phe cải cách, và cần có vai trò trung gian của một phe thứ ba (nếu không, chả phe nào chịu mở lời trước !)

    – cải cách dần dần, từng bước từng bước một (có vẻ như thực tế hiện nay đang xảy ra ?), nhưng nhân dân phải chịu đựng tình hình khó khăn này một thơi gian rất lâu nữa. Điều này cũng tùy thuộc vào những người lãnh đạo, và sự kiên nhẩn của người dân.

    – khi cải cách không được tự nguyện thực hiện bởi lãnh đạo, thì theo qui luật tự nhiên nó cũng sẽ xảy ra, nhưng do quần chúng nhân dân tiến hành như vừa xảy ra ở các nước Phi châu.. Cái giá phải trả để đạt được nó là quá đắt cho tất cả các bên và chỉ có thể là lựa chọn cuối cùng khi không còn cách nào khác.

    Chỉ là vài ý kiến ý cò nhỏ mọn dưới con mắt của một người dân đen như Cao bồi. Còn toàn bộ bản góp ý của các vị nhân sĩ trí thức nêu trên phải nói là một công trình nghiên cứu công phu, quý báu… Cao bồi đọc suốt, và thấy sáng mắt ra rât nhiều điều.

    Trân trọng.

    • Trần Mai said

      TỰ RỜI BỎ ĐỊA VỊ?
      Những điều sau đây thì hầu như người VN nào cũng biết. Nhưng, đa số là họ để trong lòng và chấp nhận
      – Muốn có địa vị cao thì người ta càng phải tốn nhiều công sức, tiền bạc, thời gian và mưu mô hơn.
      – Khi được địa vị cao thì không những họ mà gia đình, bà con, dòng họ đều được hướng giàu sang, danh vọng
      – Những người có địa vị cao thì sự liên kết của họ càng chặc chẻ hơn và trở thành hệ thống
      Giả sử, có một người đang ở địa vị cao, bỗng dưng họ trở nên tốt tuyệt vời và họ muốn hy sinh cả tài sản và tính mạng cho Đất nước. Nhưng, đồng nghiệp trong hệ thống có chịu để cho họ hy sinh không? Họ có thể hy sinh bản thân, chứ họ có dám hy sinh dòng họ, vợ, chồng, con cái của họ không?

    • Nguyên Vũ said

      -Con tôi từ trong trứng đã biết đưa tiền hối lộ rồi, vừa đẻ ra chưa được một ngày tuổi đã được nhét tiền vào trong tã (20.000) để cho y tá bệnh viện tắm (BV Phụ sản HN).

      -Vợ vào đẻ, phải đưa tiền cho kíp đỡ, đau quá thì nhét vào “bỉm” bác sỹ tự cầm.

      -Con đi học, ngày 20-11 mua hoa cho con tặng cô, và dạy luôn con cách đưa phong bì.

      -Công an thì chạy chọt để ra đứng đường, nhận mãi lộ. Hỏi xem có anh công an nào có lý tưởng nào khác ngoài lý tưởng tiền, quyền.
      v.v.

      Đạo đức xã hội xuống cấp, con người bây giờ thực dụng và ích kỷ lắm, lấy ai làm cải cách triệt để đây? Vậy giải pháp trước mắt là gì?

      • lehaichampal said

        Giải pháp trước mắt là nhắm mắt lại!

      • Dang Dan said

        Giãi pháp có liền đã được đảng và nhà nước chuẩn bị chu đáo cho nhân dân: tôn giáo quốc doanh: chủ trương ai làm gì mặc ai, mình lo tu cho mình là được, tự mình biến thành …. CỪU, chả cần suy nghỉ gì, cái gì cũng có đảng , nhà nước và ƠN TRÊN phò trợ.

    • lehaichampal said

      Không đi nhậu cũng bị loại:
      Cấp Ủy của chi bộ Đảng có 5 ông,hôm kiếm được cái mánh nào đó,ông bí thư mời đi nhậu,có một ông thấy”vấn đề”và bịa lí do để không đi nhậu,thế là từng bước ông này bị loại khỏi cấp Ủy. Ông bí thư có quyền to do cấp trên ban cho. Chế độ tập trung dân chủ là vậy.
      Đúng ra,cái ý kiến trên là của giai cấp công nhân,nông dân Việt Nam dâng lên Đảng,thì họa hoằng Đảng mới xem và bất ngờ thấy dân trí của Đảng xứng đáng được hưởng thêm vài cái dân chủ nữa,rồi Đảng sẽ xét kỹ mà cho.
      14 ông trí thức Việt kiều ăn học nhiều nhiều rồi lại gửi liều chứ làm gì được Đảng chiều. Cái Đảng này không ai có quyền cả,nhưng ai cũng có quyền. Họ có toàn quyền trị dân,trong Đảng thì họ chỉ có quyền nâng nhau mà thôi. Trong Đại hội 11,ai đó xướng lên,đưa con anh Mạnh vào UVTƯ,rồi đưa con anh Nguyễn Văn Chi vào TƯ,con anh Dũng vào TƯ. Thấy chưa.

  42. CÀ DÁI DÊ said

    ĐỀ XUẤT CỦA CÁC BÁC RẤT CÓ LÝ, NHƯNG KHÔNG THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC VÌ NẾU THỰC HIỆN THÌ ĐẢNG CỘNG SẢN SẼ MẤT QUYỀN LÃNH ĐẠO.

    THEO TÔI CẦN PHẢI ĐA ĐẢNG, NHƯNG ĐẢNG CỘNG SẢN LUÔN LUÔN GIỮ VỊ TRÍ LÃNH ĐẠO.

    TÁCH ĐẢNG CÔNG SẢN VIỆT NAM THÀNH HAI ĐẢNG ĐỘC LẬP LÀ ĐẢNG CÔNG SẢN VIỆT NAM A VÀ ĐẢNG CÔNG SẢN VIỆT NAM B.

    ĐẢNG A DO ÔNG TRỌNG LÀM CHỦ TỊCH ĐẢNG
    ĐẢNG B DO ÔNG SANG LÀM CHỦ TỊCH ĐẢNG.

    HAI ĐẢNG NÀY CẠNH TRANH LẪN NHAU NHƯ ĐẢNG CỘNG HÒA VÀ ĐẢNG DÂN CHỦ BÊN MỸ VẬY.

    CHỈ TRONG VÒNG 20 NAM LÀ VIỆT NAM BẰNG MỸ.

    • gabay said

      Bác có ảo tưởng quá không? 20 năm nữa bằng Mỹ em dám đổi 4 Đảng chứ ko phải 2 như bác đề xuất.

  43. KHÁCH said

    Cứ theo đường lối “phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ” là vẫn còn bảo thủ tư tưởng , thực tế không có hiệu quả, hiện nay cho ta thấy rõ nó chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích .Định hướng cho một con đường phát triển quái lạ mà xưa nay chưa có một nước phát triển nào áp dụng
    Còn ẵm ờ không rõ ràng trong đường lối ngoại giao thì còn sinh ra nghi kỵ , hoặc là TQ hoặc là các nước trên thế giới ( âm mưu của TQ ai cũng thấy rõ).Không khéo câu nói có giá trị gần một ngàn năm của Ông Lý Thường Kiệt biến mất dưới tay của TQ do các ông lãnh đạo hiện tại , tụi nó lúc nào cũng muốn nuốt chững VN
    …….
    Không đánh giá hết những thua lỗ thực tế cứ bao che đùng đẩy rồi cứ TÁI CƠ CẤU thì sẽ như vụ VINASHIN
    Không mạnh dạng thay đổi guồng máy lãnh đạo ở một số ngành cụ thể như : Giáo Dục , Y Tế …., thì đạo đức nhân cách và lương tâm của con người sẽ còn tệ hại hơn nữa…..

    • lehaichampal said

      Hồi nhỏ đến giờ tui chỉ có nghe nói tái giá,nay được nghe thêm Tái cơ cấu. Chưa nghe ai giải thích nên tui hiểu vầy: Cái cơ(gân)nó bị tái,rồi còn bị ái đó Cấu vào. Đau lắm!

  44. […] Post lại trên anhbasam […]

  45. Góp ý said

    Rất mừng khi nhận thấy ở Việt Nam ta vẫn có các vị học giả khả kính, nặng lòng vời dân, với nước, đã cùng nhau viết bản “ý kiến” tâm huyết có giá trị như thế này ! Trong đám mây đen độc tài và gian dối ở VNXHCN này, mà lại dám cùng nhau nghĩ & nói ra, dám cùng nhau can gián, trình những giải pháp …, thì xem ra thời đại chúng ta đây, khí phách, tài năng và tấm lòng của các thức giả cũng có thua gì thời xưa đâu ?

    Nhưng người dân Việt Nam chúng ta, tuy hèn mọn nhưng cũng giàu kinh nghiệm sống dưới chế độ Cộng Sản này, mấy ai nấy lại không biết “14 vị Trần huỳnh duy Thức” đây thực ra đang cả gan nhìn ngó buổi Tiệc tùng vui thú của bọn cầm quyền tham nhũng , hẳn các vị ấy sẽ khó tránh những đòn thù hèn hạ, bẩn thỉu của họ ! Song, chắc chắn họ đã tự biết ! Tôi cũng không nghĩ các vị ấy hy vọng gì nhiều ở “những đôi tai điếc đặc kia”? Có chăng , họ cố gắng đưa ý kiến của mình ra cho người dân Việt Nam suy xét…Một cách khác của sự hy sinh thầm lặng !
    Bài góp ý quá rộng, nên xin được góp một phần nhỏ mọn nói về khía cạnh thực tiễn của vấn đề :

    Giả sử , vì nhận thấy các ý kiến trên là đúng đắn và tâm huyết, những lãnh đạo CS cấp cao nhất, đột nhiên xuất hiện lương tri, bất ngờ hạ quyết tâm dấn thân, hy sinh thậm chí cả đến “ sinh mạng chính trị “ của mình để thực hiện, nhưng rồi sẽ phải “chựng” lại với một câu hỏi duy nhất : “ Ông ta sẽ DÙNG AI ĐỂ THỰC THI ?” – Không thể là ai khác ngoài Cán bộ công chức Đảng viên đảng CSVN ? Còn ai khác ?

    Nếu vậy, Hoặc là “Thân bại danh liệt” và trở thành tội đồ của mọi thứ tội ! – Hoặc là ông tá cần đến một lực lượng khác, một sự phối hợp và ủng hộ toàn diện , bắt đầu bằng việc trao quyền cho những nhân tài ngoài Đảng, bằng việc những tập hợp và lắng nghe tri thức, tư vấn để phân tích và thực hiện.

    Xin nói điều ai cũng biết: Trong khi truyền truyền giành lại tự do và công bằng xã hội cho tầng lớp bị áp bức, Công sản khắp nơi trên thế giới đều lấy “Đấu tranh giai cấp” và sử dụng “bạo lực cách mạng” để chiếm lấy quyền lực cho riêng họ. Trong suốt quá trình ấy, những chủ thuyết ,tôn chỉ và “chủ trương lớn” …của họ đã sản sinh ra và tuyệt đối tuân thủ một “quy trình” ĐÁNH GIÁ, CHỌN NGƯỜI, DÙNG NGƯỜI phù hợp với mục tiêu của ấy. Quy trình đó là tấm khiên, là lẽ sống còn của nó. Ở cái thể chế XHCN mộng mị giả tạo ngày nay cũng thế , mặc cho những hô hào dối trá, quy trình ấy vẫn không có gì thay đổi, thay đổi là “tự sát” !

    Muốn tồn tại và duy trì quyền lực độc tôn, hệ thống ấy buộc chỉ được phép tin tưởng và sử dụng những kẻ công bộc trung thành, không biết đến thắc mắc hoặc phản biện , hay cùng lắm, sử dụng những kẻ vô hại. Năng lực & Tài năng hoàn toàn không tham dự gì trong quy trình ấy ( đương nhiên Chính kiến khác biệt lại càng thậm nguy hiểm !) . Chưa bao giờ, trên thế giới này, ta thấy có một nền độc tài nào COI TRỌNG Tài năng, hoặc sự Thịnh Suy của đất nước , hoặc Bất mãn của dân chúng, hoặc Hòa bình của nhân loại…v.v, HƠN LÀ lòng Trung thành đối với nền cai trị độc tài của nó !

    Ở guồng máy Độc tài-Toàn trị tại Việt Nam XHCN, lòng trung thành tuyệt đối , vô điều kiện ấy, được gọi là “Tính Đảng“ ! Cái “Tính Đảng” biết đi đứng, nói năng lại có một tên gọi chung là “Cán bộ Đảng viên !” – Từ khi gia nhập, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, những “Cán bộ” ấy chỉ quan tâm, miệt mài trau dồi ( hoặc giả vờ trau dồi) cái tính Đảng trong con người họ. Những gì khác còn lại trong cuộc sống rộng lớn này, họ “hãnh diện bỏ qua” ! Trong vòng tay dìu dắt và trông chừng, giám sát của Đảng Cộng sản, cách sống, cách đánh giá, các mối quan hệ …v.v của tất cả đều xoay quanh “tính Đảng “. Nó như thói quen, như máu thịt và là lẽ sống còn của họ ( ngày nay, nó còn có thể là “viễn cảnh tương lai tươi sáng nhất “ mà họ có thể hình dung ra được).
    Những gì còn lại như Trình độ, Chuyên môn, Lương tri, Nhân phẩm , Đạo đức …v.v, với họ, luôn là những sản phẩm thù nghịch, là vụn vặt, là thứ yếu, là không quan trọng !

    Thời gian càng dài, lực lượng công bộc trung thành ấy càng thêm đông đúc, họ nắm giữ mọi ngóc ngách quyền lực trên toàn quốc, dù cho ngoài Tính Đảng, họ không có một cái gì khác trong tâm trí. Với phần lớn họ, có “bạo lực cách mạng” ( hoặc chỉ cần bạo lực), có sự trung thành tuyệt đối với phe nhóm, là sẽ thắng tất cả và có tất cả . Thực tế trong giai đoạn đầu của các thể chế độc tài cũng chứng minh điều ấy không hẳn đã sai !

    Nhưng chính vì thế, hệ thống ấy cũng khiến phần đông “cán bộ Đảng viên” có hai khuyết điểm thường trực:
    1/ Việc khiên cưỡng trau dồi điều trái bản năng, khiến họ càng giàu”tính Đảng” càng thiếu tính Người.
    2/ Quá coi trọng nên nếu “tính Đảng” bị đe dọa, họ lập tức trở nên bơ vơ, lạc lõng, mất định hướng !

    Hai khuyết điểm ấy lộ rõ hàng ngày, hàng giờ trong xã hội VN chúng ta lâu nay. Chỉ khác về mức độ biểu hiện. Ngoài một phần chung ấy, còn có một phần không nhiều các “Cán bộ Đảng viên” còn lại , tuy vẫn có khuyết điểm (1) nhưng họ tránh được tâm trạng mất định hướng (2) bằng cách nâng cao năng lực giả trá, nhằm xây dựng, đeo bám, cũng cố quyền lực bằng mọi giá : Độc tài !. Điều này làm khuyết điểm (1) trong những kẻ ấy thêm trầm trọng, và là nguyên nhân chính dẫn đến “những hiện trạng” trong bản ý kiến. Sự tha hóa quyền lực ! Độc tài tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối.

    Ở VN XHCN, sự “tha hóa tuyệt đối” ấy biểu thị rõ nhất qua điều 4 Hiến pháp, tự trao cho họ quyền lực tuyệt đối và mang họ lên cao hơn mọi thứ Hiến pháp & Luật pháp. Chính điều 4Hiến pháp là cội gốc của mọi sự phản động của giới cầm quyền VNXHCN. Tất cả những hiện trạng khác, chỉ là hệ quả hiển nhiên từ nó. Chống lại sự tha hóa quyền lực, chính là chống lại sự dối trá khủng khiếp của điều 4 Hiến Pháp. Một sự chuyên đổi sâu xa và toàn diện trong hòa bình, nếu có , phải được cụ thể hóa . Và khi ấy, buộc phải bắt đầu bằng việc mạnh mẽ xóa bỏ điều 4 phản động này trong HP. Ngày nó còn tồn tại, là những ngày họ còn có thể nói : Chính nhân dân Việt Nam ( tiến bộ, yêu nước, yêu CNXH, những chiến sỹ trung kiên…v.v) đã trao cho chúng tôi ( những học trò xuất sắt của…, những đỉnh cao trí tuệ, những đại diện xứng đáng của…v.v) quyền lực ấy ! Còn nói gì đây ? ….

    Xóa bỏ nó, tạo lập một HP tiến bộ nếu được gần như lập tức hơn 50% các “hiện trạng” tự động giãm đi và (hy vọng) biến mất ! Xóa không được, có lẽ phải “xóa bàn” làm lại !

    Bàn cờ Gadhafi đã xóa như thế. Nay người dân VN và chính quyền CSVN chọn lối đi nào ?!

    • TRI + NGÔN + HÀNH phải là NHẤT QUÁN !

      Tôi công nhận việc trước tác Ý KIẾN DÀI của 14 Tác giả là công phu …nhưng mới DỪNG LẠI ở TRI + NGÔN ….

      Hãy HÀNH ĐỘNG để 14 Tác giả PHẢI DẤN THÂN ngay cả về Nước TÙ ĐÀY

      như 14 vị Trần Huỳnh Duy Thức

      như 14 vị Cù Huy Hà Vũ

      như 14 vị ĐỖ THỊ MINH HẠNH nam

      như 14 vị PHẠM THANH NGHIÊM nam

      như 14 vị ĐIẾU CÀY

      như 14 vị LÊ QUANG ĐỊNH

      chắc chắn Ý KIẾN ấy khả tin hơn ….thuyết phục hơn !

  46. Nguyễn said

    Không ai nghe các bác đâu vì người mà các bác muốn đối thoại là Đảng CSVN:1- Họ là một người khổng lồ, không có người đứng đầu để suy nghĩ và chịu trách nhiệm dù họ có 1 ông tổng bí thư hoành tráng. Họ được lãnh đạo tập thể, có nghĩa là chẳng ai trách nhiệm cả. 2- Họ rất cao ngạo vì họ quá tự ty, quá mặc cảm, và quá thiếu tự tin. Họ tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ. Có cả Hội đồng lý luận trung ương giúp việc cơ mà. Mấy bác có học qua lớp lý luận chính trị cao cấp chưa? 3- Vì là hậu quả của cơ chế tuyển dụng người như các bác đã nói, không có ai đủ trí tuệ để nghe góp ý của các bác. Ôi, hãy ngậm ngùi chia buồn cùng các bác. Chí ít, các bác sẽ là những Nguyễn Trường Tộ 100 năm sau!

  47. Ẩn danh said

    Cám ơn các nhân sỹ.

    Những điều tâm huyết rất đáng trân trọng. Nhưng điều Việt Nam ta cần là một thủ lĩnh đứng ra để hiệu triệu nhân dân đứng lên… chứ không ta lại nuối tiếc ngàn năm.
    Tôi có cảm tưởng đất nước đang ở thời kỳ Tự Đức.

    Trân trọng.
    Lê Mạnh-Hà Nội

  48. ba dung said

    Lạy “Bác”, viết gì mà dài thế thì làm sau 14 ông “thánh tông đồ” của “Bác” đọc và hiểu được. Viết ít thôi, theo kiểu một “tỷ” thì ít hơn một “triệu” ấy cho dể nhớ

  49. Người Hà Nội said

    tôi đồng tình với những nhận định của nhóm tác giả về tình hình đất nước hiện nay. Những hạn chế, yếu kém thậm chí cả những sai lầm, khuyết điểm trong quản lý, lãnh đạo đất nước. Tất cả những điều đó, nói chung, ai cũng nhận thấy, những người lãnh đạo đất nước càng biết cả. Trong HNTW3 vừa qua, ĐCSVN cũng nhận rõ và cũng đã đề ra những giải pháp mà đột phá là tái cơ cấu 3 lĩnh vực chủ yếu:
    + Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công
    + Tái cơ cấu tài chính, trọng tâm là ngân hàng
    + Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, TCT 90, 91.
    Đấy là trên lĩnh vực kinh tế. Tôi cũng đồng tình với các tác giả là để đưa đất nưới phát triển toàn diện cần phải cải cách triệt để, toàn diện, trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước, khu vực, quốc tế hiện nay, cần có những bước đi thích hợp, những giải pháp cụ thể mang tính khả thi, tránh ôm đồm, nóng vội, cái gì cũng muốn đạt kết quả ngay. Cần chọn những khâu trong tâm trọng điểm làm mũi đột phá tập trung làm tốt, đạt kết quả rồi tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực, vấn đề, mục tiêu khác. Tôi chỉ chưa nhất trí với các tác giả khi cho rằng VN ngày càng lệ thuộc vào TQ. Điều đó không chính xác lắm. VN chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, VN sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên TG.

    • Kha Dang said

      “Tôi chỉ chưa nhứt trí với các tác giả khi cho rằng VN ngày càng lệ thuộc vào TQ. Điều đó không chính xác lắm….” Bác cho rằng chưa chính xác vì bác tin vào những điều họ nói thôi, chứ còn thực tế thì mọi người đều thấy là Nhà Nước VN ta đã mất nhiều tự chủ trước TQ rồi. Bác tỉnh lại đi !

      Kha Dang

    • Người Hà Nội nói giống Nguyễn Tấn Dũng quá ạ !

  50. PTYNVN said

    Thông Báo Khai Mạc Thành Lập Diễn Đàn PalTalk: “PhongTrào YêuNước Việtnam”
    Diễn đàn PalTalk “PhongTrào YêuNước Việtnam” thành lập để khơi dậy lòng tự tôn dân tộc của nhân dân ta nhất là những người trẻ và cổ vũ cho quyền bày tỏ ý kiến và quan điểm về những vấn đề hiện tình của đất nước.
    Chi tiết xin vào:
    http://ptynvn.blogspot.com/

  51. thudinh said

    Tôi tâm huyết với bài viết này. Chỉ cần các bác lãnh đạo còn thiết tha đến vận mệnh con em Đại Việt thì không có học thuyết hay tư tưởng nào trói buột được, và cải cách là nhiệm vụ sống còn!

  52. Mong mọi người cùng bắt tay để ý kiến này được nhân rộng và đến được tay các lãnh đạo…

  53. Tóm lại để thực hiện được các điều trên để canh tân đất nước cần
    – Bãi bỏ quyền lãnh đạo của [..], đảng cộng sản muốn có người trong bộ máy chính quyền phải cạnh tranh cùng các đảng phái khác trong bầu cử tự do minh bạch.
    – Ngay bây giờ phải tự do báo chí, nghĩa là không có báo chí nhà nước độc quyền, nhà nước không được nuôi báo chí bằng ngân sách, mà tư nhân cũng được làm báo.
    – Mạnh dạn xóa bỏ các trường đào tạo những kiến thức vô bổ như trường đào tạo các môn chính trị Mác Lê. Loại bộ máy hoạt động của đảng ra khỏi hệ thống chi tiêu ngân sách Nhà nước, đảng nào muốn hoạt động phải tự lo kinh phí do các đảng viên đóng góp.
    – Cấm mọi sự tuyên truyền tư tưởng có lợi riêng cho bất kỳ đảng nào trên các phương tiện thông tin đại chúng.
    – Hệ thống tư pháp phải thật sự tam quyền phân lập. Quân đội, công an chỉ hoạt động theo nhiệm vụ của mình vì lợi ích của nhân dân không được vì đảng phái nào những người tham gia trong quân đội, công an không được tham gia đảng phái nào nghĩa là không có hoạt động chính trị trong quân đội công an.

  54. DanMoi said

    May ong HTB, NTD,… chac het viec de lam.

  55. vile said

    Biết bao nhiêu ý kiến tâm huyết, các phân tích sâu sắc và những kế hoạch mang tầm vĩ mô được các nhân sĩ trí thức khắp nơi nếu lên với Đảng Cộng Sản. Thế nhưng, cũng như mọi lần trước, Đảng đang bịt tai với những lời khó nghe với mình nhưng là sự thật là ánh sáng dẫn đường cho đất nước tiến lên.
    Buồn thay cho đất nước Việt Nam!

  56. Nguyên Vũ said

    Ông Tổng bí thư đang yêu cầu phải “Đột phá lý luận” là để phản lại các bác đấy. hic.
    Em thử cầm đèn chạy trước… máy bay tí xem sao:
    ================
    Ban Tuyên giáo trung ương ra chỉ thị:
    Trước tình hình lợi dụng “chiêu bài dân chủ”, bây giờ thêm một chiêu bài mới: “Kiến nghị để phát triển đất nước”, nhằm mục đích “lật đổ chế độ”, “chống chính quyền nhân dân”, “chống lại sự lãnh đạo của Đảng”. Yêu cầu các cơ quan đoàn thể, mặt trận tổ quốc, báo chí, và toàn toàn dân… vạch trần âm mưu này.

    Ban tuyên giáo
    (sắp ký)

    • thudinh said

      “Đột phá lý luận” ngẫm lại cái khẩu hiệu này sẽ toát mồ hôi hột! Tại sao không đột phá cách nghĩ, cách làm mà lại luận cái lý đã ấu trĩ nhỉ?

  57. Ẩn danh said

    Có nhiều người cho là nội dung bản ý kiến này không mới và sẽ không làm thay đổi được gì. Theo tôi, không có việc gì là vô nghĩa cả.

    Hôm nay mọi người vào đây và bàn luận. Chứng tỏ vẫn còn nhiều người quan tâm đến thực trạng và tương lai đất nước, mừng vì chúng ta chưa vô cảm. Nhưng làm sao biết được tỷ lệ giữa những người quan tâm và không quan tâm?

    Nhiều người thật ra không vô cảm, nhưng họ nghĩ vấn đề theo chiều hướng khác, họ muốn yên ổn, họ tin là ĐCS sẽ ngày càng dân chủ hơn, họ hy vọng là xã hội sẽ tự tốt đẹp lên, họ nhìn thấy nhiều nhà lầu xe hơi hơn, cầu đường lớn hơn, họ so sánh đời sống hôm nay với VN cách đây 50 năm và thấy nhà cửa đã kiên cố hơn, mỗi nhà có TV coi thay vì cả huyện mới có vài cái như ngày xưa. Họ không hề biết rằng những gì họ đang hưởng chính là thành quả của những phát minh khoa học từ một thế giới tự do, nơi đã cống hiến cho nhân loại những tiện ích chưa bao giờ có được, đó là bước tiến của nhân loại chứ không phải của quốc gia. Và để xây được những công trình giao thông đồ sộ thì chúng ta phải đánh đổi tài nguyên. Mà cả 2 điều trên: tiến bộ khoa học kỹ thuật và tài nguyên đất nước đều không do ĐCS mang lại.

    Vậy hôm nay chúng ta nghĩ rằng bản ý kiến này sẽ không làm cho ĐCS thay đổi, điều đó đúng khi mà đó chỉ là những ý kiến của một nhóm trí thức nhỏ nhoi, điều đó đúng khi mà số đông vẫn còn “không quan tâm”. Ngày trước đã từng có người nói, nhưng nó trở thành lạc lỏng thậm chí không ai biết tới, nó biến người nói trở thành phá hoại; hôm nay lại có người nói có thể người ta không thèm để ý; ngày mai lại có nhiều người nói thì nó lại trở thành chân lý.

    Theo tôi không có cái nào là không đúng thời điểm cả, nhưng phải có người đi đầu (chứ không phải là đứng đầu), nhờ có bước 1 mới có bước 2, có một ít người nghe rồi mới có nhiều người nghe. Sao có nhiều ý kiến bi quan quá vậy, sao mỗi người không là một người đi đầu để thuyết phục những người xung quanh mình quan tâm hơn đến những gì đang diễn ra (như bản ý kiến trên đã nêu), rồi số người “vô cảm” sẽ bớt đi, người quan tâm sẽ nhiều hơn, rồi chúng ta sẽ không còn đơn độc, rồi ý kiến của chúng ta sẽ trở thành chân lý, tôi tin là như vậy!

  58. Người sông Tiền said

    Tôi thấy quí vị phân tích và đánh giá đúng tình hình thực tế. Đây là những lời tâm huyết của giới chuyên môn am hiểu tình hình VN, nhưng tôi thấy lãnh đạo Đảng (tập thể Bộ Chính trị) rất bảo thủ, chai lì, làm việc bất chấp pháp luật… Từ trước tới nay, tôi thấy có biết bao kiến nghị, thư ngõ gởi tới các cấp lãnh đạo VN đã rơi vào “im lặng đáng sợ”. Lần này, xem chừng các nhà trí thức cũng lao vào vết xe cũ. Cầu mong ý nghĩ tôi sai.

    • dân said

      ”lãnh đạo Đảng (tập thể Bộ Chính trị) rất bảo thủ, chai lì, làm việc bất chấp pháp luật…”(copy)

      Đây là kết quả 100 năm trồng người theo Mác Lê!. Chưa tới 100 năm mà đã có vô số TS ,GS ,..v..v..Đỉnh cao sáng ngời kiên quyết tiến lên thiên đường ,dù nước mẹ Mác Lê không làm được ,nước ta sẽ làm được với anh em đại đồng Trung Hoa ,cải tạo thế giới này!
      E rằng các Bác cải cách phải trồng người cải cách thôi ! bao nhiêu năm đây ?Lương tri thui chột ,mạnh đươc yếu thua thay cho lẽ công bằng !Ông Bà xưa dạy phải có ích cho Tổ Quốc kẻo sau khi chết khó ăn khó nói với Tổ Tiên , Liệt Sĩ . Giờ thì phải đại đồng kẻo khó nói chuyện với Mác Lê ! Ủa ! lộn Mác Lê chết hết rồi mà làm qué gì có đời sau mà sợ he…he….

    • PQ said

      Việc khó khăn khó có thể thành công ngay, tôi tin bài phân tích trên cũng là 1 viên gạch để xây nên 1 bức tường

  59. Cha Nấm said

    Những điều các vị nói thì mấy ông đảng CS Việt Nam thừa biết. Nhưng để bảo vệ thể chế độc tài, bảo vệ cái ghế “Vua chúa” thì còn ngày nào ngồi trên cái ghế đó ( Thực chất không phải dân bầu cử mà là đảng sắp đặt và một mình đảng có 99% là đang viên đảng CS Việt Nam trong Quốc hội biểu quyết thì Hiến pháp, các điều luật, hoạt động kinh tế XH-Văn hóa là vì cái túi của Nhóm lợi ích mà ĐCS VN đứng đầu).
    Nói thẳng ra để cải cách toàn diện đưa đất nước phát triển như : Hàn Quốc, Nga, Nhật, Mỹ, Đức… thì trong Quốc Hội Việt Nam phải có ba đảng trở lên đại diện cho các tầng lớp dân cư khác nhau. Bởi vì, Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.Đại biểu Quốc Hội là đại diện của các đảng được công dân bầu cử. Có như vậy, trong Quốc Hội mới có quan điểm, lập trường đấu tranh bảo vệ Hiến pháp. Đảng nào có những người lãnh đạo ưu tú, có phương kế phát triển đất nước tốt thì dân bầu và cầm quyền trong nhiệm kỳ mà Hiến pháp đã được Quốc Hội ( có ba đảng trở lên) phê duyệt. Còn một đảng độc quyền như VN hiện nay, thì 98% là đảng viên đảng CS thì phải giơ tay, bỏ phiếu theo mấy ông Bộ chính trị, theo ông Tổng bí thư trong Quốc Hội thì lấy đâu là Dân chủ.
    Nghiệm lại đất nước Việt Nam : Miền Nam trước giải phóng là Hòn ngọc Châu á, kinh tế, văn hóa hơn cả Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhưng đến nay, dưới sự độc quyền của đảng cộng sản Vn do lo ghế hơn lo cho sự phát triển của đất nước nên chỉ làm giàu cho Nhóm lợi ích ngồi xổm trên pháp luật nên đất nước Việt Nam còn thua xa các nước nói trên. Tai hại hơn, nền giáo dục Việt Nam đang ngày một tụt hậu so với các nước và nền văn hóa Việt Nam đang bị đản hóa, đang bị Tàu hóa, Hán hóa, bành trướng Trung Quốc hóa. Với âm mưu thôn tính Việt Nam, không tránh khỏi nhóm lợi ích Việt Nam đang ngồi xổm trên Quốc Hội, nói một đằng làm một nẻo nghieng theo bành trướng Trung Quốc, thì nguy cơ Dân tộc Việt Nam đến ngày diệt chủng là trầm trọng. Hiện nay, bành trướng đảng cộng sản Trung Quốc đã có chiến lược vạch ra từ thời Mao, với bản đồ hình lưỡi bò, thuê đất dài hạn và kết cấu với người Việt thân Tàu thuê đất 50 trên rừng đầu nguồn, khai thác Bo xit phá hủy môi trường Tay Nguyên, đêm đêm hàng trăm xe chở quặng lén lút ở các tỉnh Biên giới phía bắc bán lậu sang Trung Quốc, đưa người lao động là lính cải trang sang làm các dự án với giá thầu rẻ…là những thủ đoạn đang được Nhóm lợi ích, tham nhũng có chức có quyền cao của Việt Nam tiếp tay . Thế lực công an là làm theo lệnh của nhóm lợi ích luôn nói là thực hiện ý đảng nên mới có bắt bớ, đàn áp, đạp vào mặt người biểu tình. Các báo chí Lề phải là của đảng phải làm theo ý đảng nên phải nói bừa để rồi các Nhân sỹ trí thức khởi kiện. Tòa án làm theo ý đảng nên mới có “Bản án bỏ túi”. Ông TS luật Cù Huy Hà Vũ có đơn khởi kiện ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng Viện kiểm soát phải nghe ý đảng nên lại bắt và xét xử sai pháp luật bị các luật sư và dư luân lên án. Ý đảng là ai ? là mấy ông lãnh đạo cao. Nhưng khi vạch ra thì lại chẳng biết ai cả. Thông báo cấm biểu tình của TP Hà Nội là ai ký thì tá hỏa ra chỉ là cái dấu treo mà không ai ký…

  60. danchinh said

    Tôi rất tâm đắc với những ý kiến tâm huyết với đất nước của tất cả mọi người. Đây có lẻ là nguồn động viên rất lớn để tôi tiếp tục sống và cống hiến dù rất nãn chí với hiện tại của đất nước.Vẫn luôn đinh ninh” thà đốt một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bòng tối”. Xin mạn phép thả mấy câu thư giãn:
    Trời mưa từng trận, gió từng hồi
    Bổng chốc giang sơn ngập cả rồi
    Lũ kiến bất tài từng khúm dạt
    Cánh bèo vô dụng một bè trôi
    Lơ thơ rừng rậm nghe chim hót
    Lổm ngổm giường cao thấy chó ngồi
    Ngán cảnh trời làm nên nỗi thế
    Vì ai nên nỗi nước non tôi?
    Kính!

  61. anhrophi said

    Bác Viện trước đây viết sắc lắm, không hiểu sao dạo này hay nặng lời và dài dòng thế. Ba Sàm và các BTV hãy cân nhắc để trang anhbasam mãi là trang Khai trí.

  62. Người VN said

    Bài phân tích quá hay tuy chưa nói hết chi tiết mọi mặt nhưng cũng đã phản ánh đúng với những diễn biến vừa qua dưới sự lãnh đạo họ
    Dân tộc VN có muốn tiếp tục cùng ngồi trên con thuyền mục nát mà họ đang cố gắng gia cố từng phần hay không ? trong suốt thời gian qua họ gia cố chỗ nầy chưa xong thì chỗ khác lại phát hiện mục nát và như thế tình hình chẳng những không cải thiện mà ngày càng rối thêm .Cảm giác như đất nước VN không ai làm chủ ( nhân dân tất nhiên là không rồi), nếu có thì nhóm người có quyền lực thao túng mặc tình có gì không hay thì né tránh ,những cơ chế chính sách được đặt ra rất có hệ thống nhưng rất tiếc những người đảm nhiệm hoàn toàn bất lực với hành động “rất hoang dã “của mình ( mâu thuẫn có tinh toán) , nhóm lợi ích đầy quyền lực đang nằm trong tổ chức cấp cao , nội bộ đã và đang bài xích lẫn nhau trong mọi giai đoạn ….
    Về mối quan hệ quốc tế ,người VN có nên ban giao và là đồng minh với TQ theo phương châm 4 tốt và 16 vàng hay không ? ngu dốt người VN ai cung thấy TQ bao đời nay luôn muốn xóa sổ câu nói ” NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ”( không nói tên tác giả con nít VN cũng biết ),
    Rất đúng đồng minh với Mỹ cũng chính là đồng minh với cả thế giới trong phạm vi khu vực Châu Á Thái Bình Dương và biển đảo của VN chắc chắn không bị TQ xâm chiếm theo Công Ước Quốc Tế ở hiện tại cũng như trong tương lai
    Vị trí địa lý ,giữa Mỹ và TQ thì VN nên chọn ai là đồng minh có lợi ?
    Đối với TQ ,hy vọng những người hiện tại sáng suốt đừng có những ký kết ràng buộc bất lợi để sau nầy khi mấy ông mất đi rồi để lại những rối rắm cho con cháu sau nầy

  63. D.Nhật Lệ said

    Thật ra,những nhận định khá chính xác nói trên bây giờ nói ra là hơi trễ nhưng chậm còn hơn
    không.Ngay cả một số “trí thức xách cặp” cho giới chức chóp bu cũng biết nhưng vấn đề chủ
    yếu là trách nhiệm của đảng csVN.đã được nhận thức thẳng thắn,không thể đổ tội cho bất cứ
    người dân hay thế lực thù địch giả tạo nào như nhà cầm quyền thường làm.
    Cái gọi là “hợp tác toàn diện” là hết sức phi lý,bất công giữa 2 lực lượng cực kỳ chênh lệch về
    mọi lãnh vực,chỉ nhằm lấp liếm sự thật nước lớn (Tàu) bắt chẹt nước nhỏ (VN) như hiện nay.
    Nói chung bản nhận định khá thuyết phục nhưng xem ra lời lẽ còn ôn hòa,có vẻ khẩn cầu,chưa
    đủ dứt khoát và mạnh mẽ đến mức đòi hỏi đảng csVN.phải gấp rút cải cách,nếu không muốn
    nước ta trở thành chư hầu của TC.!

    • Ko on hoa thi Ho ko cho nhap canh vao VN tham nguoi than thi cung nguy,Dat nuoc nay la cua ho ma.Me con chi HUONG o Duc ve guong bieu ngu trich loi CTN Truong Tan San “” BAO VE BIEN DAO..”” ma bi truc xuat va cam nhap canh la guong do sao?

  64. người dân said

    Trong bản phân tích tình hình của trí thức hải ngoại có một điểm đáng lưu ý: Không nên tự ràng buộc vào một ý thức hệ duy nhất.

    Theo tôi đây là điều then chốt nhưng rất tiếc không thể có được. ĐCS VN đang tìm mọi cách để chống lại điều này như ” chống diễn biến hòa bình”, ” chống bọn phản động trong nước câu kết với các thế lực thù địch nước ngoài”.

    Các vị về thăm nước nhà nên cẩn thận một chút vì đã có vụ án “hai bcs đã qua sử dụng” cảnh báo đấy nhé.

    Yêu nước thì phải yêu Đảng, yêu nước mà không yêu Đảng có thể là phản động đấy. Nên nhớ rằng Đảng phân loại nhân dân đấy nhé!

  65. Cải cách toàn diện, đặc biệt về kinh tế và chính trị là đòi hỏi cần thiết đổi với VN lúc này. Nếu không cải cách, VN sẽ không thể phát triển mạnh được. Sự cải cách năm 1986 của VN là một ví dụ. Mạnh dạn từ bỏ không thương tiếc cách làm, cách tư duy cũ sẽ giúp VN phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, cải cách gì thì cải cách nhưng phải giữ vững cho được sự ổn định của xã hội và môi trường hòa bình. Nếu không có sự ổn định và hòa bình thì mọi sự cải cách sẽ dẫn tới bạo loạn và bất ổn. Chính sự ổn định của VN bấy lâu nay sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta thực hiện cải cách thành công.

  66. Quan điểm của các vị trí thức được nêu ra trên đây khác xa lắm lắm với các vị “lãnh đạn ” trong đảng cs. Cho nên có đề nghị cũng bằng thừa. Vậy thì liệu có ích gì khi nói ra mà hổng có ai thèm nghe.

    • Ban sai roi.sao ko ai nghe,it ra la khai DAN TRI, ai cung NGAM MIENG thi dat nuoc se ra sao?Cam on cac TRI THUC hai ngoai cac vi da mo mat cho chung toi,Van tran trong Cu Ho,nhung loi noi day tam huyet,co trach nhiem,mot cong trinh nghien cuu cong phu vi dan vi nuoc,Toi rat nguong mo cac vi
      Hong Thach tu London

  67. NCT said

    Xin chân thành cám ơn 14 vị nhân sỉ VN ở nước ngoài đã quan tâm đến hiện tình quê hương đất nước.
    Bản ý kiến này quý vị không gửi cho riêng bất kỳ 1 cá nhân, tổ chức nào; tôi là dân đen thuần túy, cảm thấy rất vinh dự và sung sướng , tự cho bản thân mình cũng là 1 trong những đối tượng được quý vị quan tâm phổ biến.

    Bằng hết cả lòng chân thành và ngưỡng mộ quý vị, tôi xin gửi lên đây một vài ý kiến thô thiển liên quan đến mục D của bản ý kiến.

    1) _ Cải cách thể chế là quan trọng nhất .. Theo tôi và phần lớn người dân VN cho rằng, thể chế của nhà nước VN hiện nay là 1 thể chế độc tài. Tôi chưa hề biết trong lịch sử nhân loại, có 1 nhà nước độc tài nào đó đã tự ý từ bỏ bản chất độc tài, ngoại trừ chúng bị hạ bệ bởi 1 yếu tố bên ngoài. Mong quý vị hướng dẩn cho ĐCS VN phương pháp cụ thể để họ tự rủ bỏ độc tài. Xin đừng bảo hảy dân chủ trong đảng, bất kỳ đảng nào cũng có kỷ luật đảng, lời thề của đảng viên khi mới gia nhập, chấp hành kỷ cương của đảng.

    2) _ Củng cố bộ máy nhà nước. Ở đây, quý vị đã tự mặc định rằng đã có cải cách thể chế. ( giả sử như thế ). Có 2 vấn đề chủ chốt quý vị đưa ra là : “ chế độ tiền lương và việc thi tuyển quan chức ”Về tiền lương thì có liên quan đến tinh giảm bộ máy công quyền ở trung ương và địa phương như quý vị đã nêu. Tôi được biết, số tiền Nhật Bản viện trợ cho VN để cải cách hành chính nhằm tinh giảm bộ máy công quyền ở trung ương và địa phương từ 20 năm qua không phải là nhỏ. Cóc lại hoàn cóc, tiền mất tật mang .Thi tuyển quan chức thì ôi thôi, hàng trăm hàng ngàn mảnh bằng dổm nằm trong hồ sơ thi tuyển, không có chức năng nào kiểm tra. Chưa nói tới, tiến sỉ phải hơn cử nhân là lẻ thường, nhưng cái tiến sỉ Marx- Lenin thì ích gì cho đất nước hôm nay.

    3_ Về chiến lược, chính sách phát triển kinh tế. Doanh nghiệp quốc doanh 1 số nghành nghề nào đó là cần thiết đối với quốc gia chậm phát triển như VN. Nhưng, chưa từ bỏ được “ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghỉa ” thì quốc doanh là chủ đạo, mọi vốn liếng của chúng đều do nhà nước bơm vào. Nhà nước nuôi doanh nghiệp quốc doanh, nhà nước trực tiếp quản lý doanh nghiệp quốc doanh là điều dể hiểu, không thể làm khác; ngoại trừ xóa bỏ cụm từ xã hội chủ nghỉa.

    4_ Về văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ. “ Tăng cường quảng bá và khuyến khích những giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, quyền con người,…”. Nhân loại tiến bộ dưới nhản quan ĐCS VN đang cầm quyền là giác ngộ cách mạng. Qúy vị thừa biết giác ngộ cách mạng là cái sợi xích trói chặt những giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, quyền con người,….Tôi thiết nghỉ lời kêu gọi này xứng đáng nêu ra sau khi cụm từ giác ngộ cách mạng đã ngủ yên dưới mồ.
    Các phần còn lại trong tiểu mục này cũng thế, xã hội chủ nghỉa là cái rọ hảm nhốt những vấn đề này trong tù túng tối tăm.

    5 _Chiến lược đối ngoại. Tôi cho rằng những gì quý vị nêu ra, 14 ông vua ở VN đều biết. Họ không dám rời ống tay áo của Trung quốc chỉ vì “ mọi huyệt đạo trên cơ thể riêng tư của họ đều đã bị Trung quốc day bấm làm cho đầu óc họ xơ cứng trước kẻ thù ”. Họ càng xơ cứng với kẻ thù bao nhiêu thì họ lại càng xơ cứng với nhân dân VN bấy nhiêu để lấy lại cân bằng. Nói nôm na 14 ông vua VN trả thù sự hèn nhát của họ bằng cách cao ngạo độc đoán với nhân dân Việt Nam.. Lấy chuyên chế đối nội để rửa hờn thấp kém trong đối ngoại.

    Xin lập lại trước khi dứt lời, tôi hết sức ngưỡng mộ 14 vị nhân sỉ đã vì quốc gia dân tộc, cùng nhau viết lên bản góp ý này. Những gì tôi trình bày ở trên, có thể quý vị cũng đã biết. Do đó, nếu có gì không được toại nguyện, mong tha thứ cho.

    P/s : Không biết gửi những suy nghỉ này ở đâu, mạn phép ABS , thông cảm.

  68. Phan Tran said

    Cai cach dung nghia cua no la phai TU TREN XUONG DUOI , TU TRONG RA NGOAI. Giong nhu chua nha dot phai SUA TU TREN NOC SUA XUONG muon NEN NHA CHAC PHAI SUA TU DUOI NEN NHA ROI DEN TUONG NHA nhu the cai NHA moi chac va dep….??????

  69. Dân Việt said

    Ăn thì phè phỡn ,học thì giả dối (Cấp đất cho thầy để lấy bằng ) Ngày đêm nằm giữa lũ gian manh cơ hội nghe điệu nhạc : MUÔN NĂM, VĨ ĐẠI ,ANH MINH.SÁNG SUỐT,QUANG VINH ..du dương .mê mẩn .Nên nó lú lẫn đần độn và dị ứng nặng với lời trung thực .
    Gadahfi lú lẫn đến tức cười :-Bị lôi từ ống cống ra và sắp bị hàng triệu oan hồn xé xác mà còn hỏi :Chuyện gì đang xảy ra vậy ? .Ngu như vậy nên bị xử tại trận vậy là tuyệt .Đúng là tên súc sinh trong phe súc sinh .

  70. A Cô Đa said

    Những ý kiến của quý vị thật chính xác rõ ràng về hiện tình đất nước hiện nay. Xin cảm ơn vô cùng những lời tâm huyết của quý vị. Tuy nhiên xin quý vị hãy trả lời giúp cho đầng bào trong và ngoài nước biết : Ai sẽ cải cách toàn diện ? Chắc quý vị sẽ trả lời là Đảng ta chứ gì ? Vậy thì các vĩ đã thầy các vị quá ấu trĩ và ảo tưởng chưa. nếu không muốn nói là quý vị quá ngu và ngây thơ. Xin lỗi các quý vị nhé. Kinh nghiệm đầy mình của quá vị sống trong chế độ do đảng ta chăn dắt mà đến giờ quý vị còn mù quáng thế , khi tiếp tục hiến kế cho đảng ta, những việc mà đảng ta chả bao giờ dám thực thi cả. Vì cải cách toàn diện là toi ngay.

    BS: Xin thưa bác ACĐ, những ý kiến trong bất cứ bài viết/bức thư ngỏ nào cũng đều không phải chỉ nhắm gửi tới đối tượng ghi trong đó, nghĩa là nó còn được nhắm tới đại chúng (thậm chí còn là đối tượng chính). Và như vậy thì tác dụng của nó ra sao, chắc bác phải nghĩ lại trước khi chê người ta là “ngu”, bác ạ. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, mục tiêu nâng cao dân trí của trang Ba Sàm này cũng cùng nhắm tới điều đó.

    • Nobita said

      A Cô Đa thật vô văn hóa và mất dạy. Ông nói với các trí thức tiền bối mà cứ như chửi con ông.

    • Ẩn danh said

      Bài viết của các trí thức Việt kiều trên danh nghĩa là gửi cho BCT, Quốc hội, Chính phủ nhưng thực chất là gửi tới công chúng Việt Nam, họ đang góp phần đánh thức và nâng cao tư duy cho người dân. Họ cũng thừa biết gửi cho BCT, CP, QH cũng như không

      • Kha Dang said

        Tôi không biết A Cô Đa là ai, nhưng đúng là bạn ấy đã quá sai khi chửi các tác giả là “ngu”. Và đúng như nhiều ý kiến phản hồi trên đây, đặc biệt là của “Khách”, bài viết của các trí thức Việt kiều, ngòai ý chân thành gởi tới BCT, Quốc hội, Chính phủ VN, còn nhằm gởi tới công chúng VN.

        Riêng tôi nghĩ đa số công chúng VN hiện đang rất tâm đắc với bài viết này vì quan điểm của bài viết rất phù hợp với quan điểm của họ. Đa số công chúng VN đều đánh giá cao công lao của ĐCSVN trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Số người cho rằng cuộc chiến chống Mỹ vừa qua là không cần thiết chỉ là số ít. Số người Việt ở hải ngọai theo quan điểm này thì có thể đông hơn, nhưng người trong nước thì không nghĩ vậy, và họ sẵn sàng tiếp tục theo ĐCS nếu ĐCSVN thực hiện cải cách như những ý kiến trong bài viết của các vị trí thức Việt kiều trên đây.

        Tôi còn nghĩ và thực sự lo rằng nếu ĐCSVN không tiến hành cải cách thì rồi nhân dân sẽ truất phế họ. Lúc đó thì chắc chắn họ sẽ không có công gì trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà công trạng của họ trong sự nghiệp thống nhất đất nước trước đây cũng sẽ bị ảnh hưởng, giảm sút đi rất nhiều. Và đó sẽ là thảm họa cho dân tộc ta trong tương lai, vì để tiến hành cuộc cách mạng truất phế ĐCSVN, mất mát, hy sinh sẽ rất lớn, thời gian sẽ rất lâu dài. Chưa kể trong lúc nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh chống ĐCSVN, TQ sẽ mượn cớ giúp VN (mà thực chất là giúp ĐCSVN chống bạo lọan) để can thiệp, xâm chiếm nước ta. Lúc đó sẽ là thảm họa kép, thiệt hại sẽ vô cùng to lớn, đau thương mất mát sẽ vô cùng to lớn. Nhưng sẽ không có con đường nào khác, vì nhân dân VN luôn anh hùng, bất khuất, sẽ không thể ngồi yên mãi để vận mệnh dân tộc lâm nguy. Tôi nghĩ BCT ĐCSVN không thể không biết, nhưng không biết họ có vượt qua được những cái mà họ đang có, quyền lực, quyền lợi…, để nghe theo tiếng gọi của “non sông” mà tiếng hành những cải cách vì sự tồn vong của dân tộc, và của chính ĐCSVN trong đó có danh tiếng và cả sinh mệnh của họ nữa.

        Ôi tương lai của đất nước đang gặp thử thách quá lớn, là người dân thường không có tí năng lực nào, chúng ta không thể không ưu tư !!!

        Kha Dang

    • A CO DA la loai vo hoc,tai sao dam xuc pham cac tri thuc dang kinh

  71. Trần Mai said

    Xã hội bao gồm các cá nhân, tập thể và môi trường hoạt động. Muốn xã hội phát triển thì trước hết cần tạo môi trường thuận lợi để các cá nhân và tổ chức được phát triển.

    1. Cá nhân
    Quan điểm đánh giá hoạt động của các cá nhân trong xã hội ngày càng sai lệch và bất hợp lý.
    – Danh hiệu thi đua ngày càng được xem trọng hơn thành tích
    – Bằng cấp ngày càng được xem trọng hơn kết quả công việc
    – Địa vị ngày càng được xem trọng hơn sự cống hiến …
    Đánh giá sai có thể biến cá nhân tốt trở thành xấu, tổ chức vững mạnh có thể tan rã. Thực trạng và nguyên nhân của vấn đề này là những người có danh hiệu, có bằng cấp hoặc địa vị thì thu nhập và sự được tôn trọng của họ chênh lệch rất lớn so với những người cùng năng lực nhưng không có những danh hiệu trên. Đây là động cơ để những hành vi mua bán danh hiệu xảy ra phổ biến trong xã hội: Mua chức, mua bằng và mua danh hiệu thi đua

    2. Tổ chức
    Tiếng nói trung thực của các thành viên trong những tổ chức ngày càng ít. Sự minh bạch vì vậy mà giảm sút, nhất là những tổ chức thuộc sở hữu nhà nước, thậm chí có cả những tổ chức nghiên cứu khoa học. Trong các tổ chức này, số ý kiến ngược lại với ý của lãnh đạo là rất hiếm – có những cuộc Đại hội công nhân viên chức mà chẳng có ý kiến nào bàn về những điều chưa làm được của tổ chức và họ chỉ dám nói về thành tựu mà thôi. Dân chủ trong tổ chức không có thì tính dân chủ trong xã hội không có điều kiện thực thi.
    Cũng vì xem trọng danh hiệu, bằng cấp và địa vị nên công việc và mục tiêu của tổ chức ít được cụ thể hóa, tính minh bạch của tổ chức thấp. Vì vậy mà tính bất hợp tác tăng lên trong các tổ chức, làm cho hiệu quả của tổ chức giảm dần theo thời gian, kéo hiệu quả của xã hội giảm theo. Sự minh bạch và công bằng phải được xem trọng thì hiệu quả hoạt động của tổ chức mới có thể được nâng cao. Muốn vậy thì phải tạo điều kiện cho tính dân chủ trong tổ chức được phát triển

    3. Môi trường hoạt động trong xã hội
    – Thông tin: Xã hội thiếu thông tin trái chiều trong một thời gian dài. Nhờ vào mạng internet mà thông tin ngày càng phông phú hơn. Cho nên, khi nhận được thông tin mới là họ thấy phần “tin” lớn hơn nhiều so với phần “thông”, và làm cho niềm tin của nhiều người dân bị sai lệch.
    – Sự trung thực trong môi trường sống ngày càng giảm. Cuộc sống của những người trung thực ngày càng khó khăn hơn. Tính giả dối vì vậy mà tăng theo.
    Đơn cử: Ai thường tham nhũng và ai thường là trưởng ban chống tham nhũng? Họ có những hành vi sai trái với lương tâm của chính họ. Nhưng trước tập thể, họ buộc phải thường xuyên nói những điều tốt đẹp và đạo đức. Đạo đực giả vì vậy mà xuất hiện, bản tính xấu hỗ xa dần con người. Xã hội tiến dần đến sự giả dối, giả dối ngày càng trắng trợn hơn. Nếu vẫn chấp nhận sống chung với giả dối thì không một cá nhân, một gia đình nào có thể tránh khỏi sự vô cảm và nhẫn tâm…
    Còn sống chung với giả dối trắng trợn, thế hệ sau sẽ xem thế hệ này là tội đồ của Dân tộc

    • Kha Dang said

      Tôi hòan tòan nhứt trí với bạn Tran Mai. Thực trạng của xã hội ta hiện nay là vậy. Và những hiện tượng này cứ kéo dài, dai dẵng. Tôi cho rằng đó là biểu hiện của giai đọan suy đồi của xã hội, trong chu trình “hưng, suy, diệt” của một triều đại. Chỉ tiết là tiến trình này nhanh quá, chưa thấy “hưng” đâu mà nay đã thấy “suy” rồi !

      Ôi, anh Ba ơi, làm sao để quí vị ở Ba Đình tỉnh ngộ, để cứu nguy cho Đảng ta?

      Kha Dang

  72. Anh Hung said

    Những phân tích về chính trị ,xã hội, kinh tế Việt nam hiện nay của các trí thức người Việt rất trung thực và chính xác. Các giải pháp mà các trí thức đưa ra rất quý giá cho đất nước Việt nam khi và chỉ khi Việt nam có nền dân chủ tự do, đa nguyên, đa đảng. Ai cũng biết là hiện nay Việt nam dưới sự lãnh đạo duy nhất đảng cộng sản và từ Quốc hội,chính quyền đến các tổ chức đoàn thể đều chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản. Đảng cộng sản lại chịu sự lãnh đạo của một nhóm người mà nhóm người này không hiểu gì về chủ nghĩa cộng sản nhưng nhờ chiếc áo cộng sản của thế hệ cha ông họ khoác lên nên được làm lãnh đạo đảng cộng sản. Vì vậy nhóm nhỏ người này đã làm biến tướng chủ nghĩa cộng sản và cố gắng dùng bất kỳ thủ đoạn nào để duy trì đặc quyền lãnh đạo bất chấp nguy cơ đất nước mất độc lập, nhân dân mất tự do . Chính vì vậy nên các bản kiến nghị, các bức thư ngỏ, các giải pháp của các nhân sỹ, trí thức trong nước cũng như hải ngoại gửi cho lãnh đạo chóp bu đảng và nhà nước cộng sản VN đều “cuốn theo chiều gió”.

  73. […] trích đăng phần tóm tắt nội dung, bạn đọc có thể xem thêm chi tiết tại trang Ba Sàm, Viet-Studies hay Diễn […]

  74. tài Nông đức Cạn said

    Cũng chỉ là ” đàn gẩy tai trâu”! Cái đất nước nhược tiểu này ngày càng thấy lụn bại!

  75. Minh Nguyen said

    Tôi hoàn toàn ủng hộ toàn bộ ý kiến góp ý trên của 14 Trí thức yêu nước, một số ý kiến tương tự như trên toi cũng đọc trên nhiều Blog…Theo tôi biết hiện có nhiều CB, Đảng viên…SV, trí thức, công nhân, nông dân…quan tâm, cũng có nhận thức và suy nghĩ như thế, họ thường tam sự bên cốc cà phê với nhau công khai… một số đang xúc tiến trong công tác thường ngày dưới nhiều góc độ khác nhau. Có 1 điều ai cung thấy rõ: Hiện có nhiều người công nhận tư tưởng HCM thôi, nêu cao ý thức độc lập dân tộc.., coi trong chủ quyền quóc gia hơn ý thức hệ mơ hồ, xa lạ… còn Mac-Le không còn nghe ai nhắc nữa ?
    VN dã có nhiều thành công trong đối ngoại thời gian qua…có tăng cường ngoại giao quốc phòng, hợp tác, đối thoại với đối tác chiến lược nhiều nước lớn…đạt một số thành tựu đáng kể…Cần làm nhiều hơn nữa…
    Cần cải cách KINH TE-GIÁO DỤC mạnh hơn, nhanh hơn trước tình hình thay đổi nhanh chóng khu vưc Chau á-TBD hiên nay…
    Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền Biển – Đảo rộng rãi, đi vào chiều sâu….

    • Tôi hoàn toàn ủng hộ toàn bộ ý kiến góp ý trên của 14 Trí thức yêu nước !

      TÔI quên ĐẾM sao lại NGẪU NHIÊN TÌNH CỜ trùng lập trùng phùng với CON SỐ quái ác 14 chỗ ngùi dành cho 14 đỉnh cao CHí (chấy !) tuệ của Bộ Chính CHỊ chính EM …..

      Ha ha ha ! Ha ha ha ! Ha ha ha ! Ha ha ha !

      • NCT said

        Bác ViỆN ơi.
        Từ ngày gặp bác trên ABS, nhiều lần muốn nhắc bác coi chừng bị “ dủa toe tua ” như bác đã từng bị bằng hửu “ xoáy nòng ” bên DCV online; nhưng thôi.
        Vì sao bác biết không ? Theo tôi, 1 còm viết lên, được trả lời, dù đồng ý hay phản bác cũng là niềm vui của còm đó. Viết cho lắm, nói cho nhiều mà không ai quan tâm, đó là nổi bất hạnh của còm sỉ.
        Cho nên, 1 đôi khi định bấm vào chổ trả lời còm của bác, tôi lại thôi vì tôi nghỉ bác vẫn còn đủ “ chí tệ ” để thấy mình là ai.
        Với còm này, tôi buộc lòng phá lệ, vì tôi hiểu bản chất giọng cười ha ha của bác là gì. Hảy tìm ông T N Phong, cho ra 1 bài khích bác 14 vị nhân sỉ này với giọng lưởi nào là…..nào là…..Trình độ bác đủ sức nào là….cho đến tận ngày bác chào ông bà.
        Nay kính.

  76. Anh Hung said

    xin bác Đợi chờ, đây cũng là lời ru ngủ của đảng cộng sản VN cho dân Việt đấy. Nhân dân Việt nam hãy đợi chờ dân chủ trong nội bộ đảng đến khi nào đất nước không còn nữa thì hãy thực hiện dân chủ xã hội nhế.

    • Những lý do bài phân tích đưa ra chính là động cơ thúc đẩy ĐCSVN phải thực hiện chương trình hiện đại hóa CNXH. Đó không phải lời ru ngủ hay ảo tưởng như trước đây nhưng sẽ là một thực tế gần xảy ra. Xin hãy kiên nhẫn.

      • Người dân thường hiện nay không thể làm bất kỳ điều gì – cứ nhìn xem “vụ đội nón” thì biết. Chỉ có đảng viên nhất là các đảng viên hưu trí hay mất quyền lợi là có thể nêu lên yêu cầu hiện đại hóa mà không sợ gì cả. Đây chính là động lực chính yếu thúc đẩy giới lãnh đạo phải quan tâm đến cải cách. Đúng là phải mất một ít thời gian để phong trào này trở nên đủ mạnh để tạo thay đổi

  77. Vô Phương said

    TBT Nguyễn Phú Trọng đã có nói nhân cuộc đi thăm Học viện Chính trị Quốc phòng đại ý là: Các thế lực thù địch đang tìm cách chống phá con đường đi lên CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã chọn … (nhân dân có chọn không thì họ nghĩ là đương nhiên rồi) nên mọi ý kiến dù có đúng đến mấy mà không nêu rõ rằng: dứt khoát lựa chọn CNXH và dưới sự lãnh đạo toàn diện của ĐCS (vĩnh viễn hoăc rất lâu mà ít nhất đời ta hoặc con, cháu, chắt …) thì Đảng Nhà nước không bao giờ coi trọng …

  78. meo meo said

    Các trí thức Việt Nam nói hết nước, hết cái như này mà không nghe nữa thì chịu hẳn rồi. Mong Việt Nam đừng thành con Cá ươn!

  79. binhnhidienbien said

    ong tran huu dung moi chi la assistant professor thi khong the xung danh giao su duoc,toi thay cac ong phan tich theo chieu huong lam dep mat dang cs vn thi do chi la mot chung hoang tuong cua long yeu nuoc vi ban chat cua dang la xau het cho noi thuc chat khong con la mot dang cach mang nua ma chi la vai nhom loi ich tranh gianh quyen luc lay cong nong lam doi tuong cua cach mang de thoa suc cuop doat,cho nen y kien cai cach cua cac ong da gui nham dia chi dang cs khong nghe cac ong dau vi chinh ho la the luc thu dich cua cac ong va cua nhan dan nhat la cong nong day,chi khi nao khong con su lanh dao toan dien va tuyet doi cua dang cs thi nhung phan tich va cai cach cua cac ong moi thuc hien duoc,xin don cu neu dang khong chia nhau 4,5 ty usd vinashin thi da thua tien tang luong cho nguoi lao dong hoac mua duoc 200 cai tau ngam lop kilo de bao ve bien dao cua to quoc chung ta nhung nhung viec do doi lap va triet tieu loi ich cua dang tuc la cua nhom cam quyen cho nen xin noi that long yeu nuoc cua cac ong that dang quy nhung da goi gam vao tay ke thu cua dan toc ,that dang tiec vay thay ,mot dan chung nho nhoi la ong nguyen minh triet voi dong luong chu tich nuoc cu cho la 20 trieu mot thang di thi lam sao ma co noi 2ty vndong de lam qua tu thien may ngay truoc day,xin cac ong hay tinh con mo de nghi sang nhung viec khac co ich thiet thuc hon cho dan toc

  80. Dân Quảng Ninh said

    Cờ đang bí, xóa đi làm ván khác. He he…

  81. Đoán Toàn Sai said

    Cộng tất cả những comment trên trang ABS rồi chắt lọc, biên tập lại cho có trật tự là được bản kiến nghị này.
    Ở ta lãnh đạo là “trí tuệ tập thể” nên rất khó qui kết trách nhiêm cho ai đó, chắc vì thế mà đối tượng của bài viết bao gồm cả Đảng, Chính phủ và Quốc hội .
    E rằng kiến nghi của các vị Trí thức sẽ không có được kết quả như mong muốn

    • an nam dan said

      du noi gi di nua cung dan khay trai trua no dang va se vo vet ma ko co ai dam lam gi duoc no bang chung gan day nhu vinaxincho lam that thoat hang chuc ngan ty chang ai khieu nai chang ten nao chieu trach nhiem thi doi nao no chieu cai to toan dien ai ngay ngo tin bon nay co long yeu nuoc la con mo no ko bao gio thay doi day la co hoi thuan loi cho bon chung ,chi tru phi xay ra nhu libi thoi

  82. Năm said

    Lại tiếp tục ” Nói chuyện với cái đầu gối” cho nó vui.

  83. Nhuan Tho said

    Ho khong nghe dau du y kien cua cac vi la rat khoa hoc, khach quan khong phai it nguoi biet ngay chinh cac vi chop bui cung biet. The nhung vi dac quyen, dac loi cua dong ho, phe canh ho khong bao gio tu bo ngai vang. Chi khi nao dan ta lam duoc nhu Libya thi moi mong thuc hien duoc cac ly tuong kia.

  84. BCS said

    Ôi dào, gửi cho BCS với lú thì làm cái gì. Chúng nó còn tàn độc hơn Gadafi.

  85. khach said

    Mỗi người có một suy nghĩ, một cách yêu nước khác nhau nhất là các vị lãnh đạo họ cũng có suy nghĩ của họ.

    Tuy nhiên tôi mong các quý vị lãnh đạo :
    TBT Nguyễn Phú Trọng,
    Chủ Tích nước Trương Tấn Sang,
    Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng v.v..

    hãy đọc bài phân tích (như tên gọi của ông NVT) và suy nghĩ về hiện tình đất nước. Hãy can đảm nhìn vào các khía cạnh tiêu cực, những gì chưa làm được hay những vấn nạn đang xảy ra trên quê hương, những nguy cơ có thật….để có những quyết sách đúng đắn.

    Các vị đang nắm quyền lực, quý vị sẽ làm được nếu quý vị biết trân trọng những hiền tài, biết lắng nghe những lẽ phải của họ cho dù nó có thể gây thương tổn quyền lợi của quý vị & của tổ chức quý vị.

    Tổ quốc phải trên hết, vượt trên tất cả quyền lợi đảng phái, ý thức hệ chính trị . Nhân dân đặc biệt là trí thức sẽ luôn ủng hộ nếu quý vị làm đúng, hiệu quả và thật tâm cho quê hương và dân tộc

    • binhnhidienbien said

      tran trong hien tai de chung no cuoi len dau chung tao thi co ma chung tao mat het ah sao lai sui dai the, cu phai tri phu dia hao…….tri thuc la ke thu so1 cua chung tao day nghe ro chua

  86. Dân SG said

    Bài viết rất hay và chí lý.

    Ý dân đã nêu rồi, cái chính ở đây là ĐCS có can đảm làm cuộc cách mạng thật sự hay không thôi.

  87. Chín Đờn Cò said

    Đọc bài của các vị thêm buồn.
    Đó đây trên các diễn đàn, các trí thức trong nước cũng có những tư tưởng và hiểu biết về hiện tình, cũng muốn có những cãi cách đưa đất nước tiến lên bằng chị bằng em.
    Đáng tiếc, căn bệnh tham tiền hám quyền của Việt Nam đã di căn. Quyền lợi danh dự quốc giq dân tộc là việc xa vời, vinh thân phì gia là việc trước mắt.
    Tư tưởng cận thị “Cái nhà luôn gần hơn cái chợ, cái lờ vợ luôn gần hơn cái mả Cha” làm sao mà cãi với cách ?

  88. Quốc Hận said

    những ý kiến trên rất đúng rất tốt , nhưng không bao giờ họ nghe để lột sác , thực vậy ! họ là những người tham lam đặt quyền lợi cá nhân trên quyền lợi nhân dân đất nước , không bao giờ chấp nhận , cũng như các tên độc tài mang giòng máu (cà cuống ) chết đến đít vẫn còn cay , không bao giờ tỉnh ngộ để nhìn ra sự thật , ……..

  89. Thao Nguyen said

    Cảm ơn các vị có lòng với đất nước. Cứ nói lên vẫn hơn không nói gì.Người Việt chúng ta bây giờ có cơ hội được làm theo những gì quý vị đã đưa ra không hay cuối cùng sau nầy lịch sử Việt Nam sẽ có phần ghi lại như vầy :

    Vào năm 2011 có một nhóm “Nguyễn Trường Tộ” đưa ra bài sớ nầy nhưng vì vua, quan cai trị lúc ấy không nghe nên bây giờ Việt Nam trở thành…tỉnh của Trung Quốc.

    Và sau nầy con cháu chúng ta sẽ lặng thầm hát bài hận… gì gì đó như bài Hận Đồ Bàn chẳng hạn ?! Vái trời đừng phải hận gì cả !

    Xin cảm ơn các đồng tác giả !

  90. BND said

    Cảm ơn các Ngài quan tâm đến đất nước và người dân Việt Nam.
    Nào phải chỉ có hôm nay chúng ta mới có những bài phân tích tình hình đất nước như của các bác đâu, có nhiều nhiều lắm các kiến nghị các bài viết của người Việt trong và ngoài nước đã viết, cái cốt lõi của vấn đề là sức mạnh, chúng ta chưa có sức mạnh để có thể có tiếng nói cải cách hay đòi hỏi Đảng và chính quyền thực hiện theo ý dân để cải tổ đất nước.
    Sức mạnh của tất cả chúng ta hiện nay có là cây viết và tấm lòng với tổ quốc cùng nhân dân, ngoài cây viết ra chúng ta có gì? bao nhiêu năm qua rồi, “Sức mạnh” của người dân Việt yêu chuộng tự do và công bằng vẫn còn đang chông chờ vào điều “dựa vào hay mong đảng thay đổi”.
    Hiện tình đất nước ngày này là đảng bảo vệ đảng, bằng mọi cách đảng phải sống còn, chiến tranh chết chóc ai chết mặc ai, ai đói ai khổ không cần biết, đường đảng đảng đi và người dân vẫn dài cổ “hận thiên thu” bởi có không biết bao nhiêu triệu triệu lớp người chết ra đi rồi vẫn chưa thấy được hy vọng của đất nước, kể cả chúng ta cũng không ngoại lệ.

  91. balangxang said

    Xin cảm ơn tấm lòng của các vị trí thức yêu nước, ở vị trí của các vị , nếu như tôi và phần lớn người Việt Nam hiện nay thì sẽ chỉ quan tâm đến gia đình và lo xây căn nhà của minh sao cho lớn và đẹp, còn mọi việc bên ngoài thì mặc kệ.

    Tôi nghĩ đối tượng của bài viết này nhắm tới không phải là 14 vị ” người mà ai cũng biết ” mà là hơn 80 triệu người dân Việt Nam, hy vọng qua từng bài viết, từng ý kiến sẽ giống như mưa dầm thấm đất, sẽ từ từ thay đổi được suy nghĩ của mọi người.

  92. Ẩn danh said

    Rất ngưỡng mộ các vị nhân sỹ trí thức về các ý kiến đầy nhiệt huyết này.

    Tuy nhiên, có lẽ để những suy nghĩ đáng trân trọng này trở nên có ích, trước đó Việt Nam cần có những phát biểu ngắn gọn và rõ ràng về những vấn đề cốt tử của một xã hội loài người văn minh như là:

    Hiến chương 77 (của Tiệp Khắc cũ)
    http://www.talawas.org/?p=4771

    hay

    Hiến chương 08 (hay còn gọi là Linh bát Hiến chương, của một nhóm trí thức Trung Quốc)
    http://www.viet-studies.info/kinhte/HienChuong_08.htm

  93. Nguyễn Trung Thành said

    Xin chân thành cảm ơn các tác giả! Bài viết quá hay. Chỉ mong đến được với người dân và các lãnh đạo, trước là để bổ sung và sửa đổi ngay trong hiến pháp lần này.
    Còn mấy ý cần nêu cụ thể hơn: 1. Các vấn đề hệ trọng liên quan đến đất nước cần bắt buộc phải trưng cầu dân ý. 2. Nói về mối nguy của Trung Quốc đồng thời nên nêu bật giá trị các nước dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Mong Anh Ba Sàm có thêm lời bình!!!

    • Có lẽ các tác gỉa này mong muốn trở lại hiến pháp 1946 – đó chỉ là vật của quá khứ không phù với thực tế, cách suy nghĩ của giới lãnh đạo hiện nay.

  94. BiMin said

    Cờ tàn. Nên xóa đi làm ván khác thôi…

    • Ẩn danh said

      Có lẽ như vậy là hay.
      Làm cái mới khỏe hơn đi sửa cái cũ.

      • Thông Kiến said

        Điều quan trọng là ai cho xóa, ai xóa, có xóa được không???

  95. Tiếng dân said

    Cám ơn các GS đã nói rõ được thực trạng nước nhà, đặc biêt là sự phụ thuộc TQ. Tuy nhiên, có lẽ quá bức xúc về hệ thống hành chính “ăn đất ” nên đề xuất tư hữu đất đai của các ông lại thiếu thực tế. Chế độ “công điền, công thổ ” đã có từ xưa, việc cướp đất của dân do cái gốc là độc quyền và tham nhũng mà ra chứ không phải là do công hữu.

  96. Ngamnguihuycan said

    Cám ơn các nhà trí thức đã trình bày khá đầy đủ. Nhưng tác dụng thì cũng chỉ như một áng văn đẹp mà thôi.
    Không ai nghe theo đâu.
    “Cốt lõi của cuộc cách mạng mới là dứt khoát từ bỏ sự ràng buộc của một chủ nghĩa”
    Không phải như vậy đâu các bác ơi. Cái đó họ đã bỏ lâu rồi, chứ còn chủ nghĩa nào đâu !
    Chủ nghĩa bây giờ là: Chế độ độc tài và các quyền lợi nhóm

    • Khách said

      Còn nước còn tát bác ơi. Nếu không cảnh tỉnh được mười bốn vị, thì nó cũng đánh thức được 80 triệu người 🙂

  97. dưới chân núi lớn said

    đảng cộng sản không đủ can đảm và khả năng để làm một cuộc cánh mạng thật sự.
    tôi bỏ qua dỉ vảng,noí về tương lai.
    1)trả lại quyền lãnh đạo cho dân,
    2)trả laị đạo cho người theo đạo”dẹp bọn đảng viên gỉa dạng tu sỉ để phá đạo”
    3)thả hết tù nhân chính trị
    4)tổng tuyển cử
    no way ,how ever any body can try

    • dân báo said

      Không thể mở miệng ra mà van xin như vậy được, cũng không thể ngửa tay đi van nài họ trả lại cho ta cái mà đáng ra ta phải có, mà phải đòi lại cái ta xứng đáng phải có. Cách duy nhất là đứng lên lật đổ chế độ độc tài này thôi! Chúng không dể dàng từ bỏ quyền lực đâu!

  98. Nông Đức Lưu, Quảng Ngãi said

    […] toàn diện, làm lại cái mới. Một ngỏ thoát cuối cùng.

  99. Ẩn danh said

    Cảm ơn các Thầy đã có lòng quan tâm đến đất nước và người dân Việt Nam (trong số này có thầy Nguyễn Minh Thọ ở Bỉ từng giảng dạy tôi).

    Nhưng tôi nghĩ hòan cảnh hiện nay không thể làm một cuộc cải cách tòan diện được. Kêu gọi cũng vô ích, bởi vì chính các vị lãnh đạo đất nước họ quá hiểu vấn đề – nhưng họ đã và đang buông xuôi mà.

    Chúng ta không còn hy vọng làm một cuộc đổi mới được nữa rồi.
    Đất nước Việt Nam hiện nay rất khác so 1975 hay 1986.

    • Nói thẳng said

      Không đâu Bác Khách, cuộc sống không bao giờ là trễ cả, “cứ gõ cửa sẽ được mở”, tôi không nghĩ buông xuôi là thái độ tốt, một cuộc đổi thay sẽ xảy đến từ những ý tưởng, những đóng góp theo hướng tích cực dù là nhỏ nhất, thậm chí không được đáp ứng ở thời điểm này.

      • Ha ha ha ! Ha ha ha ! Ha ha ha !

        Chúng ta không còn hy vọng làm một cuộc đổi mới được nữa rồi.
        Đất nước Việt Nam hiện nay rất khác so 1975 hay 1986.

        “cứ gõ cửa

        KIỂU GÕ CỬA LỀU DU MỤC CỦA TÊN ĐẦU TÓC BÙ XÙ Xứ LI-BÌ thi tên chủ nhà LỀU gần 200 tỉ ĐÔ NA ôm mặt MÁU ….rồi nằm cung với CON GIAI trong NHÀ ĐÔNG LẠNH THỊT SÚC VẬT …

        thì sẽ được mở”

        Ha ha ha ! Ha ha ha ! Ha ha ha ! Ha ha ha !

        BS: Hề hề! Bác Viện cười … dài vậy, nhưng viết ngắn đi là cũng đỡ rùi. Cám ơn bác.

  100. Nhiều tác giả trên ĐÃ NHẬN THẤY RẰNG

    “VIỆT NAM đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại: kinh tế bấp bênh, giáo dục và y tế xuống cấp, khoa học và công nghệ non yếu, đạo đức xã hội suy đồi, tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước thiếu hiệu quả ! ….”

    […]

    BTV: Tôi xin edit bỏ 1 phần phản hồi của bác. Xin bác lưu ý rằng, nếu bác cứ nói như thế này thì blog này sẽ bị đóng, và tôi tin rằng bác và nhiều độc giả ở đây không muốn điều đó, mong bác thận trọng hơn khi phản hồi trong blog này. Cám ơn sự hợp tác của bác.

    • công bằng said

      Đề nghị Bác Viện ăn nói cho chín chắn !

      • BapRang said

        Đề nghị Bác Công Bằng tránh lối kích động cá nhân và diễn đàn mà không dùng lý luận và dẫn chứng khoa học.

    • Ẩn danh said

      copy”BTV: Tôi xin edit bỏ 1 phần phản hồi của bác. Xin bác lưu ý rằng, nếu bác cứ nói như thế này thì blog này sẽ bị đóng, và tôi tin rằng bác và nhiều độc giả ở đây không muốn điều đó, mong bác thận trọng hơn khi phản hồi trong blog này. Cám ơn sự hợp tác của bác.” Thật chạnh lòng!!!!!!!!!!

    • Ẩn danh said

      Tôi cũng chán cách comment của bác Viện này, cũng có vài ý kiến nhẹ nhàng với bác.

      Mong bác comment ngắn gọn (nhất là đừng làm thơ dài dòng).

      Bác Viện cũng nên rút kinh nghiệm sau khi bị TTHN của kami + CNX cảnh cáo.

      Blog không nên xem là nơi để bác xả stress.

      Kính bác!

      BS: Tới đây mà bác Viện vẫn không chịu nghe lời bà con là BS cúp bớt cho ngắn đó nha.

Sorry, the comment form is closed at this time.