BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

12.262. HẬU QUẢ CHẾT NGƯỜI CỦA MỘT BÀI BÁO

Posted by adminbasam trên 06/04/2017

Trung Vân

6-4-2017

Một bài báo gây chết người, ai chịu trách nhiệm? Ảnh chụp từ báo Phụ nữ TPHCM

Ngày 20-03-2017, báo Phụ Nữ TPHCM đăng một bài “chấn động giang hồ” của hai cây bút ký tên Trần Triều và Sơn Vinh. Nhiều báo khác trên mạng Internet đã trích đăng lại, kể cả báo Người Việt ở nước ngoài. Kết quả là Công an Phường 14, quận 6, y tế, dân phòng, môi trường… xông vào nhà bà Lý thị Thu Ngọc, tại số 40 Phan Anh, phường 14, quận 6, hàng chục người, lục soát tan nát, tịch thu hơn 200 kg đầu cá chứa trong tủ đông mang đi thiêu hủy.

Cảnh tượng kinh hoàng đến mức chú bé Lý Ngô Triều Tiên… 11 tuổi, cháu bà Ngọc, vừa đi học về đến nhà đã phải ngã lăn ra ngất xỉu. Gia đình mang đi cấp cứu, và đến 2 ngày sau thì em đã tử vong… Dĩ nhiên, em đang mắc bệnh tim, và chịu không nổi cú sốc quá lớn.

Nhưng lương tâm hai nhà báo Trần Triều và Sơn Vinh có bị cắn rứt hay không khi biết rằng chính mình là nguyên nhân cái chết của một em bé vô tội? Kiểm tra lại bài báo “sát thủ” này, người ta rút ra được những gì? Bà Ngọc mếu máo kể lại: Họ chụp mũ, nói tôi “hô biến” cá thối cho heo ăn giá chưa đầy 2.000 VND/ kg, mua ở các công ty về “phù phép” rồi bán lại với giá 20.000 đ. Nhưng thực sự, tôi mua từ 5 đến 15.000 đ/kg, có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Việc tôi làm đã có đăng ký kinh doanh hẳn hoi, không phải là bất hợp pháp… Thế nhưng, họ mô tả tôi như một kẻ tội phạm lén lút buôn bán ma túy, nên dẫn đến thảm kịch như trên. Thử hỏi, nhà báo có còn lương tâm hay không?

Đằng sau câu chuyện này, có phải là trách nhiệm cao quý của những anh hùng vô tư đi tìm chân lý hay không? Nhà văn Vũ Hạnh đã từng nói nửa đùa nửa thật tại báo Công An TPHCM cách nay 5 năm khi tôi vừa gặp mặt ông: “Bố già lúc này ra sao? Có khỏe không? Ối! Cũng vẫn cái nghề đâm thuê, dziết mướn ấy mà!” Quả vậy, một bài báo viết theo đơn đặt hàng, chính là … dziết mướn. Nó cao cấp hơn một chút nghề “dziết đơn mướn”, thường gặp tại Bưu điện TP trong thời kỳ mà người ta ùn ùn làm hồ sơ HO đi sang Mỹ.

Báo phụ nữ và hai phóng viên Trần Triều, Sơn Vinh có cảm thấy bất an với cái chết của em bé này không? Ảnh: Trung Vân

Tại các công ty chế biến hải sản, luôn có bộ phận “gom thu rác” mà trên lý thuyết là để đổ đi, hoặc nuôi gia súc. Nhưng thực chất, đây là một kho tàng vô cùng béo bở, nên được người ta tranh giành nhau quyết tử. Một mất một còn. Bởi vì hàng mua với giá rác, nhưng bán lại với giá “hàng”. Chẳng hạn đầu cá hồi hay cá basa. Phần thịt ngon được đóng gói đưa vào siêu thị, hay xuất khẩu. Còn đầu và xương được bán đấu giá! Ai mua cao hơn thì được.

 Đối thủ “gom rác” của bà Ngọc là công ty Diệp Mai, ở số 57 Nguyễn Đình Kiên, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân. Bà Ngọc luôn dám thu mua “rác” với giá cao hơn Diệp Mai nên phát sinh ra mâu thuẫn một mất một còn. Cách để giết chết bà Ngọc là thuê người… dziết mướn! Chính vì thế mà bà Ngọc, vốn kinh doanh nhỏ lẻ, ít học nên không biết và không có khả năng chơi trò này. Thế là bà bị truy sát liên miên. Năm 2010, 2014, 2017… Đối phương quyết tâm làm cho bà chết, để độc quyền ép giá các công ty hải sản. Thậm chí khi bị báo Phụ Nữ đánh, rồi nhiều báo mạng khác ăn theo, bà còn không biết họ là những ai, viết cái gì về mình.

Bà Ngọc phải nuôi một gia đình mà 85% dân số đều mắc bệnh tâm thần, hay tim thuộc loại rất nặng. Cái chết của chú bé… chắc chắn không phải là cái chết cuối cùng trong gia đình, khi bà chẳng biết xoay sở sang nghề gì khác để kiếm sống.

Khái niệm về cá dành cho heo ăn hay cá thối được báo Phụ Nữ xoáy đi xoáy lại là rất mơ hồ, đầy ác độc. Làm nghề cá, đương nhiên là tanh và thối. Xe đi trên quốc lộ 1, tới vùng Phan thiết làm nước mắm, kẻ đang ngủ say cũng phải tỉnh giấc vì thối. Mắm “bò hóc” truyền thống của người Kampuchia là phải để cho con cá thối đến rữa thịt, rồi mới mang đi ướp muối, gia vị, nên tạo ra một mùi hương đặc trưng mà không dân tộc nào có được. Thế nhưng họ lại vang danh thế giới với đền Angkor Wat.

Một khúc cá nếu ươn đến mức rả thịt thì không ai ăn được, bởi vì khi gặp lửa, thịt sẽ không còn bám vào xương. Nó không còn là cái đầu cá nữa. Không thể lừa được bất cứ ai. Cơm bình dân, dĩ nhiên là phải dùng đầu cá, và khách hàng mặc nhiên chấp nhận, bởi vì: tiền nào, của nấy. Nhưng nếu nó ươn đến mức rả thịt thì không ai có thể ăn được.

Hai nhà báo Trần Triều và Sơn Vinh cũng không thể chứng minh được bà Ngọc dùng hóa chất độc hại gì để ướp cá từ rả thịt đến kết dính lại với nhau, mà chỉ nói một cách mơ hồ là “phù phép”. Một kiểu chụp mũ ác độc và vô trách nhiệm. Câu này khiến người ta hiểu ngầm bằng đủ cách và đã dẫn đến hậu quả tác hại nghiêm trọng. Dù sao trong suốt 10 năm làm nghề này, bà Ngọc chưa từng bị ai thưa kiện vì gây ngộ độc cho khách hàng. Nếu không, bà đã phải dẹp tiệm từ lâu lắm rồi.

Tóm lại, đây là một bài báo thuộc loại dziết mướn, và đã gây ra hậu quả chết người. Báo Phụ nữ cần phải cảnh giác, không để bọn dziết mướn lợi dụng mình và gây tội ác với người thấp cổ bé họng. Với những loại bài này, chúng được kẻ hưởng lợi nhiều nhất chi tiền rất đậm. Thảm kịch vẫn chưa dừng lại, với tình hình hiện nay. Một sự thật không thể nào chối cãi được.

Giấy đăng ký kinh doanh của bà Ngọc. Ảnh: Trung Vân

2 bình luận to “12.262. HẬU QUẢ CHẾT NGƯỜI CỦA MỘT BÀI BÁO”

  1. […] 12.398. HẬU QUẢ CHẾT NGƯỜI CỦA MỘT BÀI BÁO […]

  2. […] https://anhbasam.wordpress.com/2017/04/06/12-398-hau-qua-chet-nguoi-cua-mot-bai-bao/ […]

Sorry, the comment form is closed at this time.