BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

10.564. NGƯỜI CÙNG KHỔ

Posted by adminbasam trên 25/10/2016

FB Luân Lê

25-10-2016

h1Cải cách ruộng đất những năm 1950s thì lấy của cải của người giàu chia cho người nghèo.

Gần 70 năm sau, khi cứu đói người dân, họ lấy của người nghèo chia cho người ít nghèo hơn.

Đúng là đại văn hào Victor Hugo, tác giả lừng danh của “Những người khốn khổ”, đã nhận định chuẩn xác đến kinh ngạc về chủ nghĩa xã hội, đó là nó sẽ chia đều sự nghèo khó cho tất cả.

Còn trong Trại súc vật của Goerge Orwell thì nêu rõ, tất cả các loài vật đều bình đẳng, tuy rằng sẽ có những con vật bình đẳng hơn.

Nếu không khởi tố vụ án có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản này thì sẽ dung túng cho hành vi của những loại bất lương nhân danh sự nhân đạo để cướp đoạt tài sản của những người cùng khổ trên đất nước này, mà nó vốn đã diễn ra ở rất nhiều nơi và nhiều lần như đã thấy, mà điều đó đã khiến dân chúng gần như mất hết niềm tin và chẳng còn hy vọng vào bất kỳ thứ gì gọi là tốt đẹp nữa.

Người ta có thể đói ăn, khát nước, thiếu mặc, nhưng một khi không còn niềm tin thì đó là lúc có một điều gì đó đã sụp đổ vĩnh viễn.

_____

FB Luân Lê

ĐIỂM KHỐN CÙNG

25-10-2016

h1Trong một xã hội mà quá nhiều loại lưu manh và khốn nạn, ắt hẳn, làm người tử tế là một lựa chọn chứa đầy rủi ro và quả thực là thách thức khó khăn đến suốt đời đối với một con người trót có nhân tri và lương tâm.

Chúng còn xây vài cái nhà vệ sinh tiền tỷ giữa đồng không mông quạnh cho trẻ em tiểu học đi ỉa để tìm cách ăn, nợ thôn hơn triệu đồng chết cũng không được chôn, mới sinh ra đã đóng phí nghĩa địa, chúng đang tâm ăn chặn, ăn bớt, xà xẻo tiền của người tàn tật, người nghèo, gia đình liệt sỹ, tìm cách chiếm đoạt tiền cứu trợ người bị nạn bởi thiên tai, lũ lụt, hạn hán, thì hà cớ gì tiền từ thiện cho bà con đã bị dồn đến khốn cùng chúng không thể ăn cướp cho được.

Ngay hôm qua thôi, ở giữa Thủ đô hoa lệ, cán bộ của một Bộ đầu ngành của cả nước có tên là Khoa học, và cả những nhà báo, phóng viên còn ngang nhiên thi nhau cướp giật tang vật phi pháp (hàng giả) trước mũi kiếm pháp luật để làm của riêng, thì trách chi những nơi xa xôi, hẻo lánh và những ông quan bé. Và doanh nhân, người làm ăn kinh doanh cũng mưu mô, thủ đoạn, gian manh để làm ăn bất chính. Nhiều người dân thì đầu độc nhau để tư lợi, giành giật để sinh tồn.

Một xã hội bất lương, dối trá, đểu cáng và tận cùng của sự khốn nạn đã và đang tồn tại lừng lững trước mắt chúng ta, mỗi ngày.

Tình người thì đã cạn, và luật pháp cũng dường như đã thực sự không còn tác dụng (?).

Đúng là cái lũ chó đẻ, thua cả thời chị Dậu.

_____

VnExpress

Nhận cứu trợ 2 triệu, bị thôn thu lại chia 60 nghìn

Hoàng Táo

25-10-2016

Là một trong những hộ nghèo nhất thôn, bà Văn được đoàn cứu trợ tặng 2 triệu đồng, tuy nhiên số tiền bị cán bộ thôn thu lại, hôm sau chia cho bà 60.000 đồng.

h1Những hộ được cứu trợ đều có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Ảnh: Hoàng Táo.

Xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) nằm sát sông Gianh, hứng chịu hậu quả nặng nề sau trận lụt vào tuần trước. Nhiều đoàn cứu trợ về xã cấp phát gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm và cả tiền mặt.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận hàng và tiền cứu trợ, nhiều người trong xã phản ánh, cán bộ thôn đến tận nhà thu lại rồi chia cho những người khác trong thôn.

Những hộ được cứu trợ đều là hộ neo đơn, có hoàn cảnh cùng cực. Nhiều người không dám tố cáo vì lo hậu quả sau này.

Đường vào căn nhà xập xệ của bà Văn (78 tuổi, thôn Tân Đông, xã Quảng Hải) ngập ngụa bùn – dấu vết còn lại của trận lũ tuần trước. Sống một mình, con cái đi làm ăn ở Tây Nguyên, bà Văn được một đoàn hảo tâm từ Hải Phòng hỗ trợ 2 triệu đồng.

Nhận tiền vào trưa 22/10 thì đến tối, người của thôn đến nhà thu lại khoản tiền này. “Cán bộ thôn nói lụt chung, mọi người cùng mất mát nên ai được hỗ trợ thì phải chia sẻ”, bà Văn thuật lại.

Bà cho hay có nhiều thứ muốn mua sắm, chi dùng sau lũ nhưng bị thu hết tiền nên rất túng thiếu. Trong nhà không còn thứ gì đáng giá.

h1Nhiều người muốn mua sắm nhưng bị thôn thu hết tiền rồi chia đều theo khẩu. Ảnh: Hoàng Táo.

Tương tự, căn nhà của bà Thi (60 tuổi) bị ngập sâu đến 2 mét trong trận lụt. Cầm một triệu đồng tiền hỗ trợ chưa nóng tay, đoàn cứu trợ vừa đi khỏi thì có người của thôn đến nhà bà Thi thu hết.

Cạnh nhà bà Thi, vợ chồng chị Linh nhận được một triệu đồng và cũng bị thu sạch. “Đoàn cứu trợ về tận nhà, xem thấy áo quần bị trôi hết, gạo ngâm nước nát bét rồi mới hỗ trợ tiền”, chị Linh kể.

Theo người dân, cán bộ thôn Tân Đông sau khi thu tiền về đã chia bổ đầu cho tất cả các khẩu trong thôn. Bà Văn, bà Thi được nhận lại 60.000 đồng do sống một mình, gia đình chị Linh có 5 người, được nhận 300 nghìn đồng.

Chị Ngân (45 tuổi) ở thôn Tân Thượng cũng bị thu mất số tiền 2 triệu đồng của một đoàn từ thiện. “Họ thu nhưng không nói khi nào sẽ trả lại, cũng không biết được chia lại bao nhiêu”, chị Ngân nói. Có chồng bị thần kinh, con gái lớn đang mang thai thì vừa mất chồng, nhà chỉ còn chị và con gái sau là lao động chính. Căn nhà tềnh toàng không có gì giá trị ngoài chiếc tivi. Chị Ngân bảo nhận tiền dự tính sắm ít vật liệu sửa lại nhà, nhưng giờ thì chắc chịu.

Tình trạng thu lại toàn bộ tiền cứu trợ rồi chia đều cũng diễn ra ở nhiều thôn còn lại của xã Quảng Hải.

Không chỉ tiền, các mặt hàng như gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm cũng bị thu hồi. Một số đoàn cứu trợ số lượng hàng không lớn, không thể chia ra cho toàn bộ thôn thì cán bộ hóa giá, bán lấy tiền rồi chia bằng tiền mặt.

Trong ngày 22/10, đoàn cổ động viên bóng đá Hải Phòng đến xã Quảng Hải, cứu trợ cho 115 hộ dân với số tiền hơn 200 triệu đồng. Danh sách các hộ dân nhận quà được đơn vị này lấy từ các thôn. Ngay khi đoàn này di chuyển thì cán bộ thôn đến thu lại tiền.

h1Những gì còn sót lại của một hộ dân được nhận cứu trợ tại thôn Vân Nam, nhưng bị cán bộ thôn thu lại. Ảnh: Hoàng Táo.

Trước thông tin tiền cứu trợ bị thu lại rồi chia bổ đầu, ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho hay: “Quan điểm của xã là hỗ trợ gia đình nào thì gia đình đó được hưởng. Xã giao các thôn lập danh sách và tổ chức trực tiếp tặng quà. Xã đang kiểm tra và nếu có hiện tượng trên sẽ chỉ đạo trả lại tiền cho người được cứu trợ”.

Còn theo ông Nguyễn Trần Quang, quyền chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra thông tin “thu lại tiền cứu trợ” nhằm chấn chỉnh, không để tiếp tục xảy ra. Cùng với đó, ai có sai phạm sẽ bị xử lý.

Ông Quang cũng cho rằng, “sự việc xuất phát từ nhận thức lấy lại rồi chia đều để hài hòa, chứ không phải vì tư lợi của cán bộ thôn. Dù vậy, việc này là không được phép. Việc chấn chỉnh tình trạng này thuộc thẩm quyền các địa phương”.

*Tên các nhân vật nhận cứu trợ đã được thay đổi.

5 bình luận to “10.564. NGƯỜI CÙNG KHỔ”

  1. […] 10.564. NGƯỜI CÙNG KHỔ […]

  2. […] Luân Lê☆(Ba Sàm) 25.10.2016 – Cải cách ruộng đất những năm 1950s hô hào lấy của cải của […]

  3. […] Sàm: Mời xem thêm 2 stt của LS Lê Văn Luân và bài báo của VnExpress: NGƯỜI CÙNG KHỔ. Trích: “Nếu không khởi tố vụ án có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản này […]

  4. […] Trung. Ba Sàm: Mời xem thêm 2 stt của LS Lê Văn Luân và bài báo của VnExpress: NGƯỜI CÙNG KHỔ. Trích: “Nếu không khởi tố vụ án có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản này […]

  5. […] https://anhbasam.wordpress.com/2016/10/25/10-564-nguoi-cung-kho/ […]

Sorry, the comment form is closed at this time.