BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2170. MỸ ĐANG NHƯỜNG ĐƯỜNG CHO TRUNG QUỐC?

Posted by adminbasam trên 23/12/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Năm, ngày 19/12/2013

(Tạp chí Time21/10/2013)

Trong cuộc tranh giành tương lai của châu Á, chuyến công du bị hủy của Tổng thống Obama đã mở ra cánh cửa cho ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh

Ông ấy đáng lẽ đã ở hòn đáo thiên đường Bali, gặp gỡ với những nguyên thủ quốc gia châu Á và cho Trung Quốc thấy rằng nước Mỹ nghiêm túc về việc trở thành một cường quốc Thái Bình Dương. Thay vào đó, ngày 8/10, Barack Obama ở trong phòng họp chật hẹp của Nhà Trắng, bối rối và hối tiếc.

Việc giải quyết vấn đề đóng cửa của Chính phủ Mỹ đã buộc ông Obama phải hủy chuyến đi dự 2 Hội nghị thượng đỉnh châu Á đã được lên kế hoạch từ lâu mà ông đã và đang thúc đẩy như là một nơi gặp gỡ thiết yếu để phục hồi khả năng lãnh đạo của Mỹ ở khu vực. Bây giờ, ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng rằng việc ông không tham gia được là một thất bại đối với đất nước. Ông nói: “Nó tạo ra một cảm giác lo ngại về phía các nhà lãnh đạo khác. Nó gần giống như việc tôi không hiện diện đối với chính đảng của tôi vậy.”

Hoan hỉ an ủi các nguyên thủ quốc gia đang thất vọng tại Bali là Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, người có ảnh hưởng lớn không thể nghi ngờ trong số các lãnh đạo châu Á tụ họp. Tờ Đại Công Báo của Đảng Cộng sản có trụ sở ở Hong Kong, biểu lộ sự hả hê: “Tập Cận Bình đã trở thành ngôi sao chính trị sáng nhất trên sân khấu ngoại giao châu Á. Ngược lại, Mỹ đã mất đi cơ hội quan trọng để thể hiện… Sức ảnh hưởng của Mỹ ngày càng bị nghi ngờ”.

Một lời bình luận mang tính võ đoán, có lẽ thế. Nhưng chuyến công du đã bị hủy của ông Obama đã thổi bùng lên những ngờ vực âm ỉ về việc liệu Mỹ có đủ quyết tâm và nguồn tài lực để đương đầu với thách thức về một Trung Quốc đang nổi lên và có khả năng là hung hăng hay không. Các quan chức của Obama thậm chí còn đặt cho chính sách để làm như vậy cái tên là – “tái cân bằng” đối với châu Á, mặc dù một số người trong cuộc gọi đó là “xoay trục” sang châu Á, truyền đạt một sự đổi hướng dứt khoát đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, việc “xoay trục” thì nói dễ hơn là làm. Những vấn đề như Ai Cập, Syria, al-Qaeda và Iran đã khiến Obama sa lầy ở Trung Đông tại thời điểm mà êkíp của ông hi vọng sẽ được dẫn đường đến một kỷ nguyên mới của sự can dự với Thái Bình Dương. Chuyển đi sáu ngày theo kế hoạch của Tổng thống Obama đến khu vực này là một cơ hội để thuyết phục những người hoài nghi bằng một trong những mặt hàng có giá trị nhất của ông Obama: gặp gỡ trực tiếp. Tuy nhiên, cuối cùng, những phụ tá của ông đã quyết định rằng Tổng thống đơn giản không thể đi 15.000 km từ Washington tới các sự kiện như hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Họp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong khi phong trào Tea Party đã buộc chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Một lần nữa, châu Á sẽ phải chờ đợi.

Sức mạnh gấu trúc

Ông Obama không nói nhiều về Trung Quốc khi ông lần đầu tiên chạy đua cho chức Tổng thống vào năm 2008. Khi ông làm vậy, ông thường làm dấy lên những sự lo lắng thái quá về việc Washington vay mượn từ Bắc Kinh để tài trợ cho các khoản thâm hụt quốc gia. Nhưng từ đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông, những cố vấn an ninh quốc gia của ông đã kết luận rằng những cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan và cuộc săn lùng khủng bố trên toàn cầu đã làm cho Mỹ xao lãng khỏi Đông Á và rằng Trung Quốc đã nhanh chóng lấp khoảng trống đó. Sau khi chủ yếu đã vượt qua cuộc suy thoái toàn cầu và tiếp tục đà tăng trưởng nhanh chóng của mình, Trung Quốc đã điển chế những thực tiễn kinh tế mà phương Tây phản đối – và điều mà Mỹ tuyên bố đã đem đến cho Trung Quốc một lợi thế không công bằng – như đầu tư của các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu phớt lờ nhân quyền và các yếu tố môi trường. Đáng ngại hơn, Bắc Kinh đang ngày một quyết đoán hơn trong việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở các vùng biển tranh chấp xung quanh các đường biên giới của mình và đe dọa các nước láng giềng nhỏ bé hơn.

Các cố vấn của ông Obama đã kết luận rằng, việc cư xử với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc như là một ý nghĩ nảy ra sau sẽ là một sai lầm nguy hiểm. Với tư cách là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, châu Á đại diện cho tương lai của phần lớn nền kinh tế Mỹ. Trung Đông vẫn cho thấy các mối đe dọa an ninh, nhưng trật tự thế giới sẽ được quyết định bởi cách cư xử của Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này, bao gồm cả Nga và Ấn Độ. Một Trung Quốc hòa bình và hợp tác có thể dẫn tới một thời kỳ phát triển thịnh vượng trên toàn cầu. Một Trung Quốc hẹp hòi và thù địch có thể thúc đẩy một cuộc cạnh tranh vị thế siêu cường với nước Mỹ đã không thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Ông Tom Donilon, người đã từ chức với tư cách là Cố vấn An ninh quốc gia của Obama vào tháng 6, đã phát biểu: “chúng tôi đã lên nắm quyền và cố gắng có một cái nhìn bao quát toàn cảnh thế giới và hỏi rằng chúng ta đã đầu tư dưới mức ở đâu – và chúng ta đã đầu tư dưới mức ở châu Á. Cùng thời điểm mà Mỹ tập trung một cách áp đảo, và vì lý do đúng đắn, vào Iraq vào giữa những năm 2000 cũng là thời điểm mà châu Á trải qua một sự phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất trong lịch sử”.

Kết quả là một chiến lược lần đầu tiên được tuyên bố công khai trên một bài báo trong tạp chí Chính sách Đối ngoại năm 2011 bởi Ngoại trưởng lúc đó Hillary Clinton. Có tiêu đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, bài báo đã tuyên bố rằng nước Mỹ đã đứng tại “điểm xoay trục” khi mà nó giảm dần các cuộc xung đột hậu 11/9, và bài báo kêu gọi “tăng cường đầu tư về thực chất” vào ngoại giao, thương mại và sức mạnh quân sự trong khu vực.

Cùng với tầm nhìn mới này đã xuất hiện một loạt hành động ngoại giao tại một khu vực nơi mà những nhà phân tích nói rằng việc đơn giản xuất hiện là vô cùng quan trọng. Bà Clinton đã tham dự tất cả các Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong suốt nhiệm kỳ của mình, lần đầu tiên đối với một Ngoại Trưởng Mỹ, và ông Obama đã tham dự 3 trong số chúng; chuyến công du bị hủy của ông đáng ra sẽ là lần tham dự thứ 4 (Geogre w. Bush, ngược lại, chưa từng tham dự một hội nghị nào). Đông thời, Mỹ đã tái khẳng định các quan hệ với các quốc gia như Nhật Bản và Singapore, những nước đã phải vật lộn để được các quan chức của ông Bush ám ảnh với al-Qaeda và Iraq đáp lại lời gọi. Ông Obama và bà Clinton đã làm tan băng những mối quan hệ với Myanmar vốn đã bị cô lập từ lâu và đã đạt đến một thỏa thuận nhằm giúp đỡ Việt Nam với một chương trình hạt nhân dân sự. Êkíp Obarna cũng đã tiếp tục theo đuổi Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – một hiệp ước tiềm năng quy mô lớn gồm 12 quốc gia, bao gồm 5 quốc gia châu Á, điều sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do mới giống như NAFTA mà Mỹ hi vọng có thể giúp lôi kéo Trung Quốc vào một hệ thống thương mại hướng vào phương Tây nhiều hơn. Obama háo hức để thông qua nó một cách nhanh chóng đến nỗi một vài tập đoàn kinh doanh đã cảnh báo về việc vội vàng đi đến một thỏa thuận không hoàn hảo.

Tuy nhiên, sự “xoay trục” không chỉ là những cái bắt tay và tự do thương mại. Đó cũng là một sự phô trương sức mạnh. Lầu Năm Góc đang triển khai nhiều hơn những máy bay vận tải, tàu khu trục và tàu ngầm trong khu vực và tuyên bố rằng nước này sẽ triển khai 60% lực lượng nước ngoài của mình tại châu Á, tăng lên từ mức 50% ở hiện tại. Các quan chức đã cho biết những lực lượng này sẽ được miễn trừ khỏi sự cắt giảm chi tiêu sắp tới của Lầu Năm Góc. Lực lượng không quân gần đây đã thông báo những kế hoạch chuyển thêm các máy bay chiến đấu tới Singapore, Thái Lan và Ấn Độ, và một quan chức đã cho biết các máy bay ném bom rốt cục có thể được đóng căn cứ tại Australia. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành cùng với Philippines về sự hiện diện đáng kể của Mỹ ở đó. Một lực lượng mới bao gồm 2.500 lính thủy quân lục chiến dự kiến sẽ được bố trí ở bờ biển phía Bắc của Australia. Và trong tháng 4, tàu khu trục U.S.S Freedom sẽ cập cảng ở Singapore – tàu đầu tiên trong số 4 tàu chiến duyên hải mới sẽ hoạt động liên tục từ căn cứ hải quân Changi của nước này. Mặc dù các quan chức Washington hạ thấp tầm quan trọng của chúng, những động thái quân sự này đã gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng: “Trục châu Á nhằm vào Bắc Kinh”, như một tiêu đề viết năm 2012 trong tạp chí Global Times, một tờ báo gắn với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều làm Bắc Kinh lo lắng đem lại một vài sự an ủi cho các quốc gia châu Á khác, những nước xem Mỹ đem lại một đối trọng làm yên lòng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các yêu sách của nước này đối với các vùng biển và lãnh thổ tranh chấp. Trung Quốc đã tuần tra các bãi cát ngầm gần Philippines và bắt giữ ngư dân Việt Nam đi lạc vào vùng lãnh hải được cho là của Trung Quốc. Trong tháng 3, Việt Nam tuyên bố rằng một tàu Trung Quốc đã truy đuổi và bắn vào một tàu cá của Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc đã khuếch đại các yêu sách của mình đối với một loạt các hòn đảo tranh chấp từ lâu không có người sinh sống ở biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư — có vị trí nằm ở các vùng nước được cho là giàu trữ lượng giàu mỏ và khí đốt – làm dấy lên những lo ngại về xung đột vũ trang. Những lo ngại này không phải là không có lý. Nhật Bản cho biết một tàu Trung Quốc đã cho ra-đa kiểm soát hỏa lực của nó bám sát một tàu và một máy bay trực thăng thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản gần các quần đảo này hồi tháng 1. Tờ Global Times nói về một cuộc đụng độ tiềm tàng đối với đối thủ cũ của Bắc Kinh: “Chúng ta cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.”

Đối với nhiều người, thái độ mới của Trung Quốc được biểu tượng hóa rất khéo léo vào năm 2012 khi Bắc Kinh công bố hộ chiếu mới kèm một bản đồ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa mà đã vạch ra các đường biên giới của Trung Quốc xung quanh khu vực tranh chấp từ Ấn Độ cho tới Đông Nam Á. Ngoại trưởng Ấn Độ đã cho rằng những đường biên giới này là “không thể chấp nhận được” và một quan chức Việt Nam đã miêu tả động thái này như là “một bước đi rất hiểm độc của Bắc Kinh trong số hàng ngàn những hành động ác ý của họ”. Trung Quốc không phải là quốc gia Thái Bình Dương duy nhất gây hấn. Nhật Bản cũng đã đưa ra yêu sách gây hấn đối với các hòn đảo tranh chấp, và các nước khác trong khu vực cũng đã làm phức tạp vấn đề vùng lãnh hải. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước đáng lo ngại nhất.

Đó là lý do vì sao mà ngay cả các quốc gia đã từng bác bỏ ảnh hưởng của Mỹ giờ đây đang cân nhắc lại điều đó. Chẳng hạn như Philippines. Năm 1991, thuộc địa trước đây của Mỹ này đã ra lệnh cho các lực lượng của Mỹ rời khỏi đất nước này, đóng cửa căn cứ quân sự lớn nhất châu Á của Lầu Năm Góc tại vịnh Subie, và kết thúc sự hiện diện của Mỹ kéo dài một thế kỷ ở đó. Nhưng giờ đây Manila đang tìm kiếm một người bảo vệ. Bộ trưởng Quốc phòng của nước này gọi Trung Quốc là “một người hàng xóm áp bức” và “một kẻ hay bắt nạt ở ngưỡng cửa của chúng ta” và chính phủ của ông đang thảo luận với Washington về việc cho phép luân phiên đưa vào nước này lính Mỹ và các tàu hải quân Mỹ “để bảo vệ vùng biển phía Tây Philippines của chúng tôi” – cách Phillippines gọi một phần Biển Nam Trung Hoa. Lời đề nghị được đưa ra sau khi các tàu Trung Quốc ngăn không cho các tàu Philippines tiếp cận một khu vực đánh cá truyền thống vào năm ngoái và tăng cường những cuộc tuần tra từ một căn cứ ở bãi đá ngầm Mischief, mà Manila cho rằng thuộc quyền sở hữu của mình. Ông Dali Yang, một nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Chicago, phát biểu: “Nó gần như giống phiên bản của Trung Quốc về học thuyết Monroe. Người Trung Quốc đã đưa tàu của họ tới và nắm quyền kiểm soát các bãi đá ngầm này từ tay người Philippines. Điều này là cực kỳ nguy hiểm”.

Mt cuc Chiến Tranh Lnh mới?

Các quan chức và chuyên gia của Mỹ tin rằng một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ có thể đem lại sự ôn định sống còn. Ông Gordon Chang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á của trường Đại học Stanford phát biểu trong Diễn đàn An ninh Aspen hồi tháng 7: “Chúng ta có một khu vực nơi mà các nước rõ ràng không ưa nhau. Một số nước muốn đi đến chiến tranh. Chúng ta cần phải ở đó để duy trì hòa bình.”

Những quan chức hàng đầu của Bắc Kinh đánh giá trục này như một điều gì đó nham hiểm hơn: một chiến lược kiềm chế gợi nhớ lại một chiến lược mà Mỹ đã từng sử dụng nhằm chống lại Liên Xô trong suốt Chiến Tranh Lạnh, điều mà đặc trưng cho một sự tăng cường chủ yếu về mặt quân sự và những nỗ lực nhằm tách các nước chư hầu khỏi phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn, đã ám chỉ quan điểm này trong một chuyến viếng thăm mùa hè tới Washingon. Ông Thường đã phát biểu: “Chúng tôi hy vọng chiến lược tái cân bằng này có thể mang lại hòa bình cho khu vực Thái Bình Dương thay vì tìm cách làm suy yếu Trung Quốc”.

Bất chấp những cam đoan của Washington, Trung Quốc cũng có lý lẽ của mình. Ông Daniel Blumenthal, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói: “Tôi không biết làm thế nào mà người ta trấn an các đồng minh của chúng ta rằng chúng ta đang đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc và sau đó tìm cách để trấn an Trung Quốc rằng điều này không phải là về họ. Trung Quốc nên trông đợi một phản ứng đối với 20 năm tăng cường lực lượng thời bình của mình. Nó rất gây bất ổn”. Sau nhiều năm phô trương sức mạnh của Trung Quốc, Blumenthal lập luận: “Chúng ta phải phản ứng lại để vẫn còn đáng tin cậy đối với các đồng minh của chúng ta và đảm bảo với họ rằng chúng ta là những đối tác đáng tin cậy”.

Quan điểm cũng bị chia rẽ trong êkíp của Obama về việc Trung Quốc tiêu biểu đến mức nào cho một cơ hội – một người khổng lồ kinh tế đang phát triển và một đối tác thương mại hấp dẫn – so với một thách thức đối với quyền lực và lợi ích của Mỹ. Ví dụ, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Ngoại trưởng Clinton đã có một quan điểm thận trọng hơn về những mục đích của Trung Quốc so với Donilon, người mà một quan chức gọi đùa là “panda hugger” (Một chính trị gia phương Tây ủng hộ các chính sách của Trung Quốc Cộng sản). Dù quan điểm cá nhân của họ là gì đi nữa, các quan chức của Obama quyết tâm tránh sự thù địch của Trung Quốc đã làm việc tích cực để giải thích rằng sự “xoay trục” là về sự hợp tác. Obama nói trước một cuộc gặp năm 2012 với Tập Cận Bình, người lúc đó là Phó Chủ tịch của Trung Quốc: “Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc… Chúng tôi tin tưởng rằng một Trung Quốc mạnh mẽ và thịnh vượng là một điều có thể giúp mang lại sụ ổn định và thịnh vượng cho khu vực và thế giới”. Các quan chức Mỹ lập luận rằng nền an ninh được Mỹ hậu thuẫn đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai của châu Á.

Và đằng sau cánh gà, các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ đã dành hàng giờ đảm bảo với Trung Quốc rằng sự “xoay trục” này không có điểm gì chung với chiến lược kiềm chế thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ, mà mục tiêu của nó là sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô. Donilon phát biểu: “Khi chúng tôi có những cuộc đàm luận với Trung Quốc, chúng tôi đã chỉ ra rất rõ ràng rằng chúng tôi biết kiềm chế sẽ là như thế nào. Chúng tôi biết làm thế nào để làm được điều đó. Chúng tôi đã làm điều đó. Việc này không có bất cứ điều gì giống như vậy.”

Để nhấn mạnh quan điểm này, Thứ trưởng Quốc phòng Michele Flournoy sau đó đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 12/2011 để gặp gỡ người lúc đó là Phó Tổng Tham mưu trưởng Trung Quốc, Tướng Mã Hiểu Thiên. Ông Mã và các đồng nghiệp của mình đã phàn nàn về các sứ mệnh thu thập thông tin trên không và trên biển của Mỹ, được biết đến như là các hoạt động do thám chiến lược. Flournoy đã cho ông ấy xem một đoạn hình chiếu cho thấy các dữ liệu đặc biệt được tiết lộ về các sứ mệnh giám sát tương đương mà Mỹ đã tiến hành xung quanh Liên bang Xôviết khi ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Vào lúc đó, do thám hướng vào Liên Xô lên tới “một cái gì đó như 80% đến 90%” của tất cả các sứ mệnh của Mỹ, Flournoy hồi tưởng lại. “Và chúng tôi đã nói với Trung Quốc rằng nếu các vị nhìn vào tỷ lệ phần trăm hôm nay xung quanh Trung Quốc, đó là tỷ lệ phần trăm một con số”.

Những gì xảy ra tiếp theo đã được lộ ra. Flournoy hỏi chủ nhà Trung Quốc của bà, người ban đầu đã gật đầu tỏ vẻ hiểu: “Anh không thấy sự khác biệt sao?” Bà nói với một tiếng cười khúc khích: “Tôi nghĩ rằng trong một vài phút, tôi đã thấy một sự trái ngược nhận thức nào đó diễn ra. Sau đó, họ nhanh chóng quay lại quan điểm của mình, không, không, đây hẳn là một thông tin đánh lạc hướng – tất nhiên là các vị đang kiềm chế chúng tôi”.

Nói dễ hơn làm

Cuối cùng, điều có thể làm yên lòng Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ lời lẽ hay hình chiếu nào là thái độ hoài nghi về việc liệu vị thế của ông Obama có đủ chắc chắn để thực hiện một sự “xoay trục” hay không. Bất chấp tham vọng của ông rời khỏi những vướng mắc về Trung Đông, khu vực này vẫn tiếp tục đóng vai trò tương tự về mặt địa chính trị như một đứa trẻ sơ sinh đang la hét. Chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Obama đã bị phá hủy bởi Phong trào Mùa xuân Arập, Ai Cập, Syria, al-Qaeda và giờ là Iran. Bài diễn văn ngày 24/9 của ông tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đã gần như dành riêng về Trung Đông: trong bài phát biếu dài hơn 40 phút của mình, ông Obama đã đề cập tới Syria, Ai Cập, Iran và Israel 68 lần. Trung Quốc? Chỉ một lần. Cái gật đầu khác của ông đối với châu Á là một sự ám chỉ đến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Một cựu trợ lý về chính sách đối ngoại thuộc Thượng viện – người tới thăm khu vực này thường xuyên, phát biểu: “Ngay cả trước khi chính phủ ngừng hoạt động, đã có rất nhiều lo lắng ở châu Á rằng, vì tất cả các bất ổn ở Trung Đông, trục này đang chết dần”.

Trục này cũng có thể chịu ảnh hưởng từ sự ra đi của một số kiến trúc sư chủ chốt của nó, bao gồm Donilon và bà Clinton. Người thay thế Donilon, bà Susan Rice, thiếu niềm đam mê nổi tiếng của ông dành cho sự “xoay trục” này. Gắn bó với Syria và nền hòa bình Arập-IsraeỊ ông John Kerry đã tới thăm Trung Đông bảy lần với tư cách Ngoại trưởng, nhưng ông đến châu Á chỉ hai lần. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã đến thăm khu vực này 3 lần, mặc dù chuyến thăm cuối tháng Tám bị chi phối bởi một cuộc tấn công quân sự dường như sắp xảy ra với Syria, buộc Hagel phải tham gia một cuộc họp khẩn cấp tại Nhà Trắng qua hội nghị truyền hình từ Kuala Lumpur.

Việc phục hồi sự tín nhiệm của trục này sẽ đem lại nhiều hơn các chuyến thăm của những người như Kerry và Hagel. Ông Kurt Campbell – người gần đây là quan chức hàng đầu về châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu: “Điều quan trọng là chúng ta tiếp tục thể hiện sự hiện diện”. Trong cuộc họp báo ngày 8/10, ông Obama đã cho thấy một sự tương đồng với các CEO công ty – những người như ông nói: “nếu họ muốn đi đến chấp nhận một thỏa thuận, họ sẽ không làm điều đó qua điện thoại”.

Chủ tịch Trung Quốc chắc chắn đã không làm vậy. Tại Jakarta, Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước quốc hội của Indonesia – quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, và công bố một loạt các thỏa thuận thương mại trị giá hơn 30 tỷ USD. Tại Malaysia, ông đã thảo luận về những mối quan hệ thương mại tốt hơn với quốc gia đó và về hợp tác chiến lược trong vùng biển Nam Trung Hoa.

Quay trở lại Bắc Kinh, chính phủ của ông đã cảnh báo Mỹ không nên gây nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới với một sự vỡ nợ. Vào thời điểm khi Mỹ hy vọng sẽ dạy cho Trung Quốc về những điều luật kinh tế, Bắc Kinh đang dạy cho Washington về trách nhiệm của mình. Đó là một lời nhắc nhở đáng xấu hổ khác đối với ông Obama rằng việc thành công ở châu Á sẽ phải đợi cho đến khi ông giải quyết được các vấn đề của mình ở quê nhà.

TTXVN (Hong Kong 18/12)

Theo báo mạng Asia Sentinel (Hong Kong), khi Trung Quốc phát triển nhằm chiếm vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới của nước Mỹ, Washington phải xem lại chính mình. Sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể được coi là sự tái sinh của nước Mỹ.

Nền kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua kinh tế Mỹ vào năm 2020 (mặc dù có thể sẽ sớm hơn hoặc không phải vậy). Cho dù là như thế nào thì sự tăng trưởng của Trung Quốc nhất định sẽ dẫn đến việc thay đổi quyền lực toàn cầu. Như vậy, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc giàu có đến mức độ nào và ảnh hưởng của việc mua bán bằng tiền bạc liệu có ảnh hưởng đến vị thể của Mỹ trên vũ đài quốc tế?

Nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng mở rộng lãnh thổ của mình ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và biển Hoa Đông, Bắc Kinh có thể thấy rằng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới sẽ bị hạn chế phần nào. Chắc chắn việc Trung Quốc thiết lập một “Vùng Nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông không phải là một bước đi tích cực và có vẻ như đã phản tác dụng.

Mặc dù bản thân ADIZ không phải là điều gây tranh cãi, nhưng việc Trung Quốc gộp luôn quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku có liên qụan đến Nhật Bản vào ADIZ của nước này là điều vượt quá mức bình thường và gây ra nguy cơ xung đột không cần thiết. Nếu không phải là điều gì khác, thì việc thành lập ADIZ chính là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm khiêu khích Nhật Bản và Mỹ. Trung Quốc đã thành công trong việc nhận dạng hai máy bay B-52 của Mỹ cũng như các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc bay qua ADIZ.

Mặc dù vị thế cường quốc mạnh nhất thế giới của Mỹ cuối cùng cũng sẽ chấm dứt, nhưng điều đó không thể được coi là bằng chứng về sự suy giảm vai trò của nước này trên trường quốc tế. Các nhà lãnh đạo Mỹ phải chấp nhận diễn biến này. Nếu không làm như vậy thì có thể gây trở ngại cho khả năng của Mỹ trong việc điều chỉnh và hoạt động theo thực tế mới này.

Mặc dù việc điều các máy bay B-52 (hoặc bất kỳ máy bay quân sự nào khác) là cần thiết đế xua tan những quan điểm cho rằng Trung Quốc sẵn sàng tham gia cuộc xung đột xung quanh tuyên bố độc đoán của họ về một ADIZ, nhưng Mỹ không thể ngừng phản kháng trong một trò chơi với vô số chiêu trò của Trung Quốc, bằng việc ứng phó với mọi tuyên bố hay hành động được Bắc Kinh đưa ra.

Phản ứng của Mỹ với Trung Quốc, cho dù là bất kỳ điều gì, đều đã thể hiện sự nới lỏng một cách đáng ngạc nhiên đối với điều mà Bắc Kinh có thể tạo ra để khiêu khích Washington. Mỹ, thay vì đưa ra mệnh lệnh về các điều khoản trong sự can dự của họ với Trung Quốc, đã đảm nhiệm một vai trò có tác động trở lại đối với sự quyết liệt của Trung Quốc. Khi can dự với Trung Quốc, Mỹ phải đi đầu trong những vấn đề có thể được, và thận trọng đi theo khi cần thiết.

Trong các phát biểu gần đây tại Đại học Georgetown, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, đã nêu ra những ý định của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và dĩ nhiên là với cả Trung Quốc. Bà Susan Rice nói rằng khi đối mặt với các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm, Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác với nhau. Khi đối mặt với sự cạnh tranh, hai nước sẽ cố gắng xử lý ở mức tốt nhất có thế. Với 60% sức mạnh Hải quân Mỹ được triển khai tại Thái Bình Dương vào năm 2020, điều này chắc chắn không làm hài lòng Trung Quốc. Sẽ có nhiều việc cần làm để quản lý các mối quan hệ, chú ý đến sự cạnh tranh giữa hai cường quốc thế giới.

Ít nhất cho đến bây giờ do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, nên vẫn tồn tại vẻ bình yên bề ngoài vào thời điểm hiện nay và trong tương lai gần. Trong giai đoạn cùng tồn tại này, tuy mong manh, nhưng Mỹ vẫn có một cơ hội để tái sinh.

Trong một thế giới đa cực, vai trò lãnh đạo của Mỹ phải là sự thay thế cho Trung Quốc. Do đó và nhất thiết, Mỹ phải xem xét lại vị trí của họ trên vũ đài thế giới. Và Mỹ không cần phải nhìn quá xa để tìm nguồn cảm hứng.

Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi Đế quốc Anh vẫn được coi là một cường quốc, Mỹ đã liên tục thu hút người dân từ khắp nơi trên thế giới. Đó là một điểm đến cho những người dân nhập cư không phải vì Mỹ được xem là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới mà bởi đất nước này mang tới điều mà không một quốc gia nào làm vào thời điểm đó: một sự khởi đầu mới thoát khỏi những phong tục và truyền thống cũ kỹ.

Hoặc tốt hơn hoặc tồi tệ hơn, Trung Quốc hiện đang có một bề dày lịch sử 4.000 năm, và có lẽ kết quả là một cảm giác về chủ nghĩa tuân thủ vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng. Trung Quốc vẫn khá đồng nhất về mặt sắc tộc với hơn 90% dân số là người Hán, và cảnh giác với những ảnh hưởng bên ngoài. Ngược lại, Mỹ là một quốc gia tương đối trẻ và đa sắc tộc – tình trạng đa sắc tộc một phần là do di sản nhập cư của Mỹ; và chính di sản này, như đã xảy ra trong quá khứ, sẽ tiến hành và xác định rõ nước Mỹ trong những năm tới.

Sự giàu có mới nổi và những cơ hội kinh tế của Trung Quốc sẽ là một sự khuyến khích mạnh mẽ cho các quốc gia nước ngoài đồng hành cùng Trung Quốc để cùng hưởng lợi, nếu như có phần của họ trong chiếc bánh. Ngay cả Mỹ cũng không thoát khỏi sức hấp dẫn về tiềm năng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất kể là thứ hạng nào trên thế giới – số một hay số hai, Mỹ sẽ vẫn là một điểm đến cho mọi người từ tất cả các nơi trên thế giới đang tìm kiếm một sự khởi đầu mới. Tất nhiên, đó là nếu như Mỹ có thể khôi phục sức mạnh tài chính của họ. Khả năng thu hút nhân tài và các cá nhân chăm chỉ là tài sản lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị và kinh tế có nguy cơ dẫn đến tình trạng bỏ rơi những nhà sáng chế và các nhà phát minh trong tương lai.

Những cơ hội cho sự sáng tạo và đổi mới là một trong những điều hấp dẫn chính của Mỹ, nhưng nếu các nhà lãnh đạo nước này không thể giải quyết những bất đồng chính trị của họ và quay trở lại phục vụ nhân dân thì chính họ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ hạ bệ Mỹ./.

Sorry, the comment form is closed at this time.