BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

692. TRUNG QUỐC 2011: MỘT NĂM KHÔNG HỀ ÊM Ả

Posted by adminbasam trên 05/02/2012

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

TRUNG QUC 2011: MỘT NĂM KHÔNG H ÊM Ả

Tài liệu tham khảo biệt

Thứ bảy, ngày 4/2/2012

TTXVN (Angiê 1/2)

Nếu như trong năm 2011, Bắc Kinh khẳng định sự lớn mạnh, đặc biệt về phương diện quân sự, thì giới phân tích thống nhất đánh giá mọi việc không phải đều dễ chịu đối với Bắc Kinh về ba phương diện: địa chính trị, kinh tế và xã hội, với nhiều vấn đề gai góc phải giải quyết và qua đó cho thấy Bắc Kinh không phải không tỏ ra lưỡng lự. Dưới đây là phân tích của giới chuyên gia trên tạp chí “Tin Trung Hoa”.

Năm địa chính trị quan trọng

Đối với chuyên gia phân tích Nikolas Jucha, năm 2011 được đánh dấu bởi ngân sách quân sự Trung Quốc gia tăng không ngừng, đứng thứ hai trong các khoản ngân sách lớn nhất ở nước này, sau ngân sách dùng để ổn định. Nhật Bản tỏ ra lo ngại trước chi phí quân sự của Trung Quốc gia tăng, còn Bắc Kinh trấn an bằng cách giải thích rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cần được hiện đại hóa và ngân sách đó được dành trước hết cho chiến lược phòng thù cũng như cải thiện điều kiện sống và làm việc của binh lính.

Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư trường Đại học Hồng Công, cho rằng ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng trong năm 2011 chỉ là sự tiếp nối của xu thế vẫn tiếp diễn từ 20 năm nay và được đẩy nhanh hơn trong thập kỷ qua. Đối với chuyên gia về mối quan hệ Đài Loan-Trung Quốc này, năm 2011 dĩ nhiên khẳng định sự lớn mạnh của Trung Quốc, nhưng so với năm 2010, sự lớn mạnh đó cũng gặp nhiều phản ứng từ phía các nước láng giềng châu Á và Mỹ.

Tình hình căng thẳng thể hiện chủ yếu ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông-TTXVN), nơi nhiều vụ va chạm trên biển xảy ra giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan đánh giá những bất đồng đó bắt nguồn từ việc Trung Quốc hiểu luật biển quốc tế theo cách của mình, với mục tiêu tổng thể là đẩy hải quân nước ngoài ra xa bờ biển và khu vực đặc quyền kinh tế ở các vùng biển này. Mưu đồ của Bắc Kinh về biển cộng với yêu sách lãnh thổ tối ưu – vốn là sự thừa kế trực tiếp từ chế độ Tưởng Giới Thạch – gây ra phản ứng dây chuyền trong khu vực, từ phía Việt Nam, Philíppin hay cả Hàn Quốc.

Tất cả các nước này không ngần ngại xích lại gần với Mỹ, nước công khai biến khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành ưu tiên chiến lược, có lẽ để ngăn chặn Bắc Kinh và tận dụng mối lo sợ mà người khổng lồ châu Á này gây ra cho các nước láng giềng của mình.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc khó có thể chơi trò thăng bằng giữa yêu sách quá đáng của mình và tầm quan trọng phải duy trì mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng, trong khi lợi ích kinh tế và thương mại đẩy Trung Quốc đến chỗ có thái độ vầ hành động như vậy.

Năm 2011 cũng đánh dấu những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải trong việc xác định vị thế trước Mùa xuân Arập. Bị kẹt bởi đường lối của chính mình “không can thiệp” vào công việc nội bộ của nước khác, Bắc Kinh đã đánh mất độ tin cậy trong các vấn đề Libi và Xyri.

Trong vấn đề Libi, Chính phủ Trung Quốc không ủng hộ cũng không phản đối nghị quyết của Liên hợp quốc. Kết quả là Bắc Kinh phải chứng kiến chế độ thân hữu của ông Gaddafi sụp đổ, nhưng vẫn khiến người khác có cảm giác họ ủng hộ chế độ Tripoli cũ cho dù ngay trước khi nhà lãnh đạo lịch sử của Libi sụp đổ, đối thoại đã được thiết lập với Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libi. về vấn đề Xyri, Bắc Kinh dường như không điều chỉnh lập trường và tiếp tục úp mở ủng hộ chế độ Al Assad mặc cho hình ảnh của mình đối với quốc tế bị ảnh hưởng.

Sự kiện gần đây nhất đánh dấu năm địa chính trị của Trung Quốc diễn ra ở Bắc Triều Tiên với cái chết của Kim Châng In, ngày 17/12/2011. Sự ra đi của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và việc con trai ông, Kim Châng Un, lên kế nhiệm, cho thấy đây là một bước ngoặt nhạy cảm đối với Trung Quốc.

Lợi ích đối với Bắc Kinh là làm sao để chế độ Bình Nhưỡng không sụp đổ và như vậy giữ được một nước phụ thuộc vào mình về kinh tế trong khu vực. Thống nhất với Hàn Quốc, tuy được một số nhà quan sát đánh giá là không thể trạnh được về lâu dài, song không những không phục vụ lợi ích của Trung Quốc mà còn có thể gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Do vậy, vào thời kỳ Bắc Kinh và Oasinhtơn trở thành hai cường quốc quyết định các vấn đề lớn của thế giới, Chính phủ Trung Quốc không hề muốn nhân nhượng trong cuộc chiến từ xa này. về phương diện chiến lược hay kinh tế, năm 2011 được đánh dấu bởi trao đổi hữu hảo giữa Trung Quốc và Mỹ. Mối quan hệ giữa hai người khổng lồ lại càng phức tạp vì trước khi kình địch nhau, cả hai nước đều là đối tác không thể thiếu nhau được.

Trong con mắt của chuyên gia người Trung Quốc Wang Kim, mối quan hệ Trung-Mỹ chỉ dao động giữa căng thẳng cực điểm và hữu hảo. Bởi lẽ cả hai nước, đôi khi tạo cảm giác tạo thành một Nhóm G2 không chính thức, vẫn bộc lộ bất đồng với nhau trước công luận mặc dù mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đã được khẳng định.

Đối với ông Wang Kim, căng thẳng có thể nổ ra giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn có liên quan trực tiếp tới lợi ích thương mại của hai nước: Mỹ đề nghị phải có một đồng nhân dân tệ mạnh và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, còn Trung Quốc cho rằng các vấn đề của nền kinh tế Mỹ không liên quan gì đến mình.

Nhưng sự kình địch giữa hai nước cũng được khẳng định về phương diện địa chính trị, với chiến trường chính là các vùng biển ở châu Á-Thái Bình Dương. Oasinhtơn gia tăng tập trận tại đây với các đối tác trong khu vực mặc cho Bắc Kinh tỏ ý bất bình.

Chuyên gia Wang Kim cho rằng mối quan hệ Trung-Mỹ bị tác động mạnh mẽ bởi viễn cảnh bầu cử tổng thống ở Mỹ trong năm 2012: trước các đối thủ chính trị cáo buộc mình yếu đuối đối với Trung Quốc, Tổng thống Barack Obama có thể cảm thấy phải tỏ ra quyết liệt hơn.

Năm kinh tế với các vấn đề gai góc

Với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, lạm phát, tái cân bằng nền kinh tế hướng về tiêu thụ trong nước…, năm kinh tế của Trung Quốc không thiếu các vấn đề nóng bỏng.

Con số được chờ đợi nhiều nhất là tăng trưởng đã chậm lại ở mức 8,9%. Đúng là có suy giảm, nhưng phần nào cho thấy Bắc Kinh kiểm soát được quá trình này. Đối với chuyên gia Jean-Francois Di Meglio, chủ tịch Asua center, mức tăng trưởng này là một thành công lớn của Bắc Kinh trong bối cảnh khó khăn trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới không dám mơ đạt được vì mức tăng trưởng của Trung Quốc, nhất là châu Âu chuẩn bị bước vào suy thoái. Nhưng ở Trung Quốc, với mức dưới 8% có nghĩa là tăng trưởng yếu tới mức không thể duy trì việc làm và sự năng động của đất nước.

Hiện nay, không thể nghĩ rằng Trung Quốc có lại được tăng trưởng hai con số cũng như cán cân thương mại với mức thặng dư kỷ lục: châu Âu đang trong cơn khủng hoảng, Trung Quốc phải chứng kiến khách hàng chính của mình giảm đơn đặt hàng. Điều đó khiến xuất khẩu, trụ cột truyền thống của nền kinh tế Trung Quốc, suy giảm. Cái được mất đối với Trung Quốc là tạo ra một điểm tiếp nối tăng trưởng mới thông qua tiêu thụ trong nước để hạ cánh nhẹ nhàng. Thách thức đó dường như gặp thuận lợi vì thế hệ trẻ Trung Quốc – hiện đang trong giai đoạn làm giàu – là thế hệ tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc.

Theo nhà kinh tế học Trung Quốc Ding Yinfan và chuyên gia Jean- Prancois Di Meglio, Trung Quốc được hưởng lợi từ tình hình kinh tế thế giới năm 2011. Phải nói rằng nền kinh tế thứ hai thế giới – được cho là sẽ trở thành thứ nhất – được mô tả như một giải pháp có thể có cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Nhưng nếu như châu Âu hy vọng đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp tái khởi động bộ máy của khu vực đồng euro, Chính phủ Trung Quốc lại không được tự do hành động như người ta nghĩ. Theo Ding Yinfan, Bắc Kinh phải đối mặt với một áp lực lớn của dư luận trong nước liên quan đến việc cứu trợ châu Âu.

Đại đa số người dân Trung Quốc cho rằng nước họ còn nghèo nếu tính tài sản theo đầu người. Do vậy, việc một nước nghèo có thể đến giúp nước giàu khác, nơi mức sống chung cao hơn ở Trung Quốc, là điều không thể được. Hơn nữa vì các khoản viện trợ tài chính có thể có của Trung Quốc có thể trở thành rủi ro tài chính đối với chính Trung Quốc, nước lúc đó có thể sẽ cần đến một đồng tiền châu Âu mạnh và ổn định. Nhưng chuyên gia Ding Yinfan nghĩ rằng Chính phủ Trung Quốc, mặc dù phải chịu áp lực từ phía dân chúng, sẽ dần dần can dự nhiều hơn vào châu Âu, vì lý do đơn giản là châu Âu là đối tác kinh tế và khách hàng tối cần thiết của Trung Quốc.

Đối với chuyên gia Jean-Francois Di Meglio, tình hình này mang tính chất đặc trưng của nghịch lý Trung Hoa: một nước giàu nhưng vẫn là nước đang phát triển, nơi bất công bằng xã hội thể hiện sâu rộng và tiếp tục gia tăng. Khía cạnh đó hơn nữa sẽ là một trong những ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2012, nghĩa là giải quyết các vấn đề trong nước.

Năm 2011, Bắc Kinh may mắn không bị ảnh hưởng bởi lạm phát mặc dù khó khăn về phương tiện chống lạm phát (dừng phát hành tiền mặt, hạn chế tín dụng…), có thể kìm hãm tăng trưởng. Chuyên gia Jean- Francois Di Meglio đánh giá cao thành công của Trung Quốc hơn nữa vì kiềm chế lạm phát lúc mới bắt đầu còn phức tạp hơn trong một nền kinh tế mới nối.

Nhưng lạm phát vừa bị đẩy lùi thì Bắc Kinh đã lại phải giải quyết một vấn đề cấp bách khác: đó là duy trì tăng trưởng ở mức định mệnh trên 8%. Một số nhà quan sát ở châu Á dự báo tỉ lệ này của Trung Quốc sẽ xuống dưới mức 8% ít nhất trong vài tháng và ảnh hưởng đến việc làm. Hiện nay, tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu có được là nhờ đầu tư của Nhà nước, tiêu thụ trong nước – được cho là điểm tiếp nối tăng trưởng – tăng chậm hơn nền kinh tế nói chung. Đó là dấu hiệu cho thấy xuât khẩu luôn có một vị trí quan trọng.

Việc chuyển sang tăng trưởng trong nước, vốn được nói nhiều đến trong năm 2011, như vậy sẽ là một trong những cái được mất lớn nhất của năm 2012. Hơn nữa vì nếu Bắc Kinh thành công trong việc chuyển sang hình mẫu này, điều đó sẽ có nghĩa là cải thiện được điều kiện sống của một bộ phận lớn dân chúng, và cũng có nghĩa là đẩy lùi được mối đe dọa bất bình xã hội.

Năm nhạy cảm về phương diện xã hội

Mùa Xuân Arập, lạm phát, phản kháng tập thể trên các mạng xã hội… Có thể nói năm 2011 là năm dậy sóng về phương diện xã hội ở Trung Quốc. Trước hết là mối đe dọa Mùa xuân Arập, với những lời kêu gọi hồi tháng 2/2011 tiến hành cuộc “Cách mạng hoa Nhài” trên lãnh thổ Trung Quốc Tuy vắng bóng một phong trào phản kháng thực sự có tổ chức, song một lực lượng cảnh sát đông đảo đã được huy động ở Bắc Kinh.

Theo nhà xã hội học Jean-Philippe Béjà, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), bằng chứng là Chính phủ Trung Quốc sợ phong trào phản kháng trong thế giới Arập lan sang đất nước mình. Hơn nữa không phải ngẫu nhiên mà ngân sách lớn nhất của Trung Quốc được dành để duy trì ổn định, cao hơn cả ngân sách quân sự.

Tuy nhiên, không có một phong trào đủ quan trọng nào ở Trung Quốc có khả năng đối đầu với chính quyền. Nhưng những ổ chống đối gia tăng ở khắp nơi trong nước. Xu thế này một phần là do lạm phát cao tác động trong suốt cả năm và đẩy giá lương thực thực phẩm tăng vọt. Bắc Kinh coi cuộc chiến chống tăng giá là một ưu tiên, cho dù có phải hy sinh tăng trưởng. Chiến lược này có thể được giải thích bằng những bài học trong quá khứ: trong những năm 1940, nạn lạm phát quá cao đã thúc đẩy nhanh quá trình sụp đổ của Quốc dân đảng, địch thủ lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Phản kháng xã hội lan rộng trong năm qua ở Trung Quốc phần lớn là do các mạng xã hội phát triển mạnh, đặc biệt là mạng Sina Weibo được nhiều người sử dụng nhất. Chính thông qua mạng này mà phần lớn các vụ bê bối bị phanh phui cũng như những lời phê phán đối với chính quyền được tung lên. Đối với Bắc Kinh, rõ ràng là không thể lấp được tất cả các lỗ hổng vì thông tin lan truyền rất nhanh trên các mạng này. Điều này đặc biệt đúng trong vụ tai nạn đường sắt ở thành phố Ôn Châu vào đầu mùa Hè, với một cơn mưa lời phê phán cay nghiệt đối với Bộ Đường sắt Trung Quốc.

Để giành lại quyền kiểm soát, Bắc Kinh áp đặt một số biện pháp đối với người sử dụng Internet, như buộc phải khai báo danh tính mới được sử dụng mạng xã hội. Năm 2012 sẽ cho thấy loại biện pháp đó của Bắc Kinh có đủ không hay chính quyền trung ương sẽ buông xuôi và mở cửa cho đối thoại với những ngưòi nổi giận ở trong nước./.

Một bình luận to “692. TRUNG QUỐC 2011: MỘT NĂM KHÔNG HỀ ÊM Ả”

  1. TNS John McCain vừa lên tiếng cho biết Tàu cộng đang bị “Cách mạng Hoa Nhài” tấn công và có thể bị xé tan làm nhiều mảnh. Liệu có đúng? Mong là vậy để cuốn bọn cướp mafia VN đi luôn thể…

Bình luận về bài viết này