BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

677. NHỮNG CÂU HỎI LỚN CHO ASEAN TRONG NĂM RỒNG

Posted by adminbasam trên 02/02/2012

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

NHỮNG CÂU HỎI LỚN CHO ASEAN TRONG NĂM RỒNG

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ tư, ngày 1/2/2012

TTXVN (Oasinhtơn 20/1)

Bước vào năm 2012, khối ASEAN phải đối mặt với những vấn đề lớn nào? Tiến sĩ Ernest Bower, giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Oasinhtơn có bài viết phân tích những vấn đề này, đăng trên trang web của CSIS ngày 19/1.

Khi bước sang năm con rồng, ASEAN phải đặt ra và trả lời những câu hỏi còn tồn tại về bản thân khối này và những cường quốc xung quanh mình.

ASEAN được đặt ở vị trí để trở thành nền móng cho những khuôn khổ kinh tế và an ninh làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược của các quốc gia trong nhiều thập kỷ tới. Liệu ASEAN có thể đóng vai trò này và duy trì vị trí trung tâm của mình không?

Mục tiêu này là một thách thức lớn. ASEAN phải thúc đẩy mạnh mẽ bằng các bước đi thực chất nhằm hiện thực hóa việc hội nhập kinh tế, chính trị và văn hóa – xã hội. Thách thức hiên nay là phải tiếp nối nỗ lực hiệu quả tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á-tại Bali tháng 11 vừa qua, trong đó ASEAN đã đi đầu trong việc đưa ra thảo luận các vấn đề khu vực và toàn cầu nóng nhất, từ cuộc cải cách chính trị tại Mianma đến mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Cuối cùng ASEAN sẽ phải đối mặt với các vấn đề xuyên quốc gia như phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh lương thực và năng lượng, biến đối khí hậu, viện trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong lúc ASEAN nỗ lực giải quyết những thách thức từ vai trò khu vực của mình, các nước thành viên đang trải qua một cuộc cách mạng thầm lặng mạng lại quyền lực cho các cử tri. Công dân trên khắp khu vực đang khẳng định vai trò của mình trong khi các chính phủ phải vật lộn để cải cách và điều chỉnh. Đây là một tiến trình lành mạnh. Tạp chí Time nói rằng năm 2011 là Năm của Người Biểu tình, nhưng tại châu Á, đó là Năm của Cử tri.

Tại Đông Nam Á, người biểu tình không phải sử dụng đến bạo lực như đã thấy trong Mùa Xuân Arập. Chính phủ các nước trong khu vực không còn là các chế độ độc đoán thời Chiến tranh Lạnh nữa. Họ đang hành động để làm hài lòng cử tri bằng việc đưa ra các ý tưởng mới về cải cách chính trị và kinh tế. Các đảng đối lập ít bị coi là những mối đe dọa về an ninh hơn, thay vào đó, được coi là những người cạnh tranh trên một thị trường cho các mô hình về quản lý và kinh tế có thể mang lại hàng hóa cho một khách hàng ngày càng đòi hỏi cao – tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng ở châu Á.

Cử tri ở châu Á có trọng tâm rõ hơn các phòng trào “Chiếm đóng” tại Mỹ và châu Âu. Người dân các nước ASEAN đang chuyển dần quyền lực kinh tế thành ảnh hưởng chính trị – một sự báo hiệu cho những điều có thể xảy ra sắp tới, đáng chú ý nhất là tại Trung Quốc.

Ngoài ra, 2012 sẽ là năm diễn ra phép thử Đông Nam Á cho Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Các cường quốc này đang ở đâu và họ muốn đóng vai trò nào tại châu Á – Thái Bình Dương?

Trong năm 2012, Trung Quốc và Mỹ sẽ tập trung vào việc chuyển giao chính trị nội bộ. Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội đảng Cộng sản 18, còn Mỹ sẽ tổ chức bầu cử toàn quốc chọn ra tổng thống và quốc hội mới. Các chu trình này thông thường có đặc trưng là sự tập trung cao độ vào các vấn đề nội bộ. Nhưng trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dường, cả hai cường quốc cần phải duy trì mối quan tâm vào chính sách kinh tế và đối ngoại khu vực, và trả lời cho câu hỏi là họ muốn gì và muốn mình là ai.

Tại Ấn Độ, cuộc bầu cử năm 2012 sẽ bắt đầu ở cấp bang, chứ không phải cấp toàn quốc, và những câu hỏi tương tự cũng được đặt ra. Liệu Ấn Độ có thực sự muốn trở thành một cường quốc châu Á – Thái Bình Dương không? Cho đến nay, Ấn Độ đã tham gia các cuộc họp và tiến hành các bước đi, nhưng vẫn chưa đưa nó thành trọng tâm trong nội bộ và tập trung nỗ lực can dự của mình.

Trung Quốc muốn mình là ai?

Mối quan tâm chính của Đông Nam Á về Trung Quốc là người láng giềng khổng lồ này muốn gì và muốn là ai. Liệu năm rồng này sẽ cho thấy một Trung Quốc được dẫn đường bằng sự thận trọng của Đặng Tiểu Bình với câu hỏi “Trung Quốc nên làm gì?”, hay sẽ là một người láng giềng hiếu chiến hơn dân tộc chủ nghĩa hơn muốn thử sức mạnh kinh tế mới của mình bằng việc khẳng định chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, với câu hỏi “Trung Quốc có thể làm gì?”

Những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông và biển ở Đông Bắc Á đã làm dấy lên những lo lắng tại Đông Nam Á – thậm chí tới mức các quốc gia một thời được cho là hoàn toàn nằm dưới ảnh hưởng của Trung Quốc như Mianma đã vạch ra những hướng đi mới nhằm khẳng định chủ quyền của mình thông qua các cải cách chính trị và kinh tế. Đương nhiên, sự năng động về kinh tế và sự hiện diện trên toàn cầu của Trung Quốc là điều rất quan trọng đối với các lợi ích của khu vực. Đông Nam Á cần một Trung Quốc mạnh, nhưng là một người láng giềng tự tin, sẵn sàng hợp tác với các nước láng giềng của mình trong việc đề ra các luật lệ, hướng dẫn trong các khuôn khổ mới ở châu Á – Thái Bình Dương. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ xây dựng được lòng tin và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng.

Mỹ sẽ tập trung và tiếp tục theo đuổi các cam kết hay không?

Mối quan tâm của khu vực đối với Mỹ là liệu Mỹ sẽ tập trung và tiếp tục theo đuổi các cam kết đối với châu Á Thái Bình Dương hay không. Năm 2011, Tổng thống Obama và đội ngũ chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia của ông đã thể hiện một cách thuyết phục rằng Mỹ đang chuyển hướng sang  châu Á. Ông nói rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ là tâm điểm của tăng trưởng kinh tế và các mối quan tâm về an ninh mới trong phần đầu của thế kỷ 21. Các đồng minh và đổi tác chiến lược ở châu Á được khuyến khích bằng những lời này và bằng những hành động thực tế – sự lãnh đạo của Mỹ trong thương mại với các cuộc đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, sự tham gia Lần đầu của Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, việc thông báo các thỏa thuận thiết lập căn cứ mới tại Ôxtrâylia, sự chú ý mạnh mẽ và liên tục vào việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Mặc dù 2011 là một năm đầy ấn tượng trong việc thúc đẩy các mục tiêu và sự tham dự của Mỹ ở châu Á, ASEAN và các đối tác khác trong khu vực vẫn lo ngại về việc liệu Mỹ có thể duy trì một mức độ cam kết mới mà Mỹ đã thể hiện như vừa qua hay không. Hầu hết các nước châu Á đều mong muốn có sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực nhằm giúp thuyết phục một Trung Quốc đang nổi cần tham gia các khuôn khổ khu vực, từ đó cùng nhau xây dựng các quy tắc mới về thương mại và an ninh.

Đông Nam Á lo ngại một cách đúng đắn về khả năng tài chính của Mỹ trong việc duy trì và mở rộng sự hiện diện, và đặt câu hỏi liệu sự tập trung về chính trị có thể được duy trì trong một năm bầu cử hay không. Xu hướng tự nhiên của các chính trị gia trong năm bầu cử là tập trung gần như toàn bộ vào các vấn đề sẽ giúp họ tái cử. Chính sách đối ngoại, thương mại và các vấn đề an ninh quốc gia hiếm khi có được vị trí cao trong danh sách đó. Điều đáng buồn là các chuyên gia về tranh cử thường lôi kéo ứng cử viên của mình khỏi các chủ đề này.

Đây sẽ là một thách thức thực sự cho Nhà Trắng của Obama, làm sao để tiếp tục tập trung và theo đuổi các cam kết ở châu Á. Nhà Trắng đã thể hiện sự nhạy cảm của mình đối với hoạt động đi lại ra nước ngoài và khả năng bị các nhóm về quyền lao động xa lánh do các hiệp định thương mại. Sự chia rẽ về đảng phái ở mức độ mới đáng báo động, cùng với việc các vấn đề ngân sách luôn bị đẩy đến phút cuối tại Quốc hội sẽ cộng thêm những thách thức cho việc duy trì cam kết cùa Mỹ.

Nếu Mỹ dao động sớm như vậy, các đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ buộc phải đặt ra những nghi vấn và tính đến các chiến lược “rào dậu” có thể phá hỏng tiềm năng to lớn của các quan hệ đối tác mới về an ninh, thương mại và đầu tư đang tăng lên, và củng cố cấu trúc khu vực.

Khi nào Ấn Độ sẽ khẳng định vai trò châu Á – Thái Bình Dương của mình?

Ấn Độ có các đường biên giới chung trên bộ và trên biển với Trung Quốc và Đông Nam Á. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ có những gắn bó sâu sắc với Đông Nam Á thông qua lịch sử, sự cai trị, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa. Ấn Độ là một thành viên của cấu trúc khu vực mới hình thành bao gồm các hiệp định thương mại tự do với ASEAN cũng như các nước châu Á – Thái Bình Dương khác, là thành viên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+, và Diễn đàn khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, trong ba cường quốc tham gia các khuôn khổ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ còn là nước hướng nội nhiều nhất Đông Nam Á muốn biết khi nào thì Ấn Độ sẽ khẳng định vai trò khu vực của mình và đang tìm kiếm các yếu tố có thể kích thích Ấn Độ thúc đẩy các nỗ lực hội nhập và tham gia một cách quyết liệt hơn. Trong số các yếu tố này, có hai yếu tố có thể làm được nhất: một là các công ty Ấn Độ tìm cách thoát khỏi tệ tham nhũng đến khó thở và các luật lệ làm giảm sự hiệu quả ở trong nước, và hai là lực lượng quân đội ngày càng hiểu rõ các mối quan ngại về an ninh tại Ấn Độ Dương.,

Ấn Độ nên đóng một vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn trong cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, việc ủng hộ cải cách chính trị và kinh tế tại Mianma sẽ là món khai vị lý tưởng. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ là Gandhi và Nehru là nguồn cảm hứng rất quan trọng cho phong trào độc lập tại Mianma (khi đó gọi là Liên bang Miến Điện). Ấn Độ có các lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh và xã hội trong việc chứng kiến một Mianma ổn định và phồn thịnh phát triển ở biên giới phía Đông. Một Mianma hòa bình với một chính sách đối ngoại cân bằng là phù hợp với lợi ích của Ấn Độ. Các lợi ích cũng tương tự với một Mianma tham gia các sáng kiến kinh tế kết nối Đông Nam Á đại lục, Trung Quốc và Ấn Độ thông qua đường bộ, đường sắt và đường biển. Cuối cùng, một Mianma ổn định và cải cách sẽ củng cố,ASEAN trở thành cơ sở vững chắc cho việc mở rộng hợp tác kinh tế và an ninh khu vực, đây là mối quan tâm cốt lõi về an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Mianma: Cơ hội đột phá trong năm 2012

Cơ hội lớn nhất cho Đông Nam Á trong năm 2012 là việc Mianma có thể vươn lên từ bóng tối của năm thập kỷ đàn áp và tự cô lập với thế giới bên ngoài. Sự tiến bộ của Mianma là quan trọng với Đông Nam Á vì ASEAN đã phải kéo lê lết chế độ hà khắc này kể từ khi Mianma gia nhập vào năm 1997.

Những hành động mạnh mẽ đã đồng hành với lời nói của chính phủ, trong đó có việc thả nhiều tù nhân chính trị, cải cách luật pháp vốn giới hạn sử dụng Internet, và việc nới lỏng các hạn chế đối với báo chí và tự do hội họp. Ngoài ra, nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã được bỏ lệnh quản chế tại gia, bà và đảng của bà được phép tham gia cuộc bầu cử bổ sung vào đầu năm 2012.

Các cải cách ở Mianma có thể mang lại cho các nước châu Á – Thái Bình Dương một cơ hội lớn nhằm củng cố ASEAN thành cơ sở để xây dựng cấu trúc thương mại và an ninh khu vực mới. Nó sẽ khuyến khích Trung Quốc cùng ngồi chung với các nước khác để thiết lập các quy tắc về thương mại và an ninh, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng khu Vực, và hợp tác trong các vấn đề như Biển Đông.

Cải cách chính trị tại Mianma là một biểu hiện của xu hướng người dân và cử tri được trao quyền trên toàn Đông Nam Á. Nếu xu hướng này được giữ vững, các chính quyền trong khu vực sẽ tự tin đẩy mạnh các chiến dịch chống tham nhũng, thúc đẩy các cải cách chính trị và kinh tế, củng cố các thể chế. Các bước đi này là dấu hiệu tốt cho việc hình thành một cơ sở quản lý công bằng và bền vững tại Đông Nam Á. Trong thập kỷ tới, xu hướng nhân dân được trao quyền lực và quản trị tốt này có thể có tác động tới Trung Quốc nhiều hơn là ảnh, hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Đông Nam A.

Năm con rồng đặt ra cho Đông Nam Á và các đối tác của mình những câu hỏi quan trọng. Khi các câu hỏi này được trả lời, khu vực sẽ có những quyết định quan trọng về hướng đi cho các xu hướng chính trị, kinh tế và an ninh đang nổi lên. Một ASEAN được củng cố sẽ phù hợp với lợi ích của tất cả các nước châu Á – Thái Bình Dương. Năm này sẽ cho thấy ai hiểu được xu thế chiến lược này, và ai sẵn sàng đầu tư để đạt được mục tiêu đó./.

4 bình luận to “677. NHỮNG CÂU HỎI LỚN CHO ASEAN TRONG NĂM RỒNG”


  1. Ma trận – Mê hồn trận trên Biển Đông dậy sóng …
    ================================

    Cửa Đại – Hội An xem Dương Tử

    Gã Giang (1) học thầy Mao bơi cừ

    Đà Nẵng hai lần Hồ (1) trở lại

    Diễn biến Hòa bình ghi cảo thư

    Bao lơn Biển Đông xem Nam Hải

    Hoàng Sa – Trường Sa hành chánh từ

    Từ nay Tam Sa – Hải Nam quận

    Mây mù Giao Chỉ ! Đâu kình ngư ??

    *

    Tầu ngầm nguyên tử chỉa yết hầu

    Săn đuổi rình mò hải vực sâu

    Trực chiến đấu hàng không mẫu hạm

    Tôn Tử – Trịnh Hòa (2) chiến lược đầu

    Cầu nối Ấn Độ Dương hải đạo

    Hợp đồng bao trận tuyến với nhau

    Đầu mũi súng nhử treo tiền bạc

    Kinh tế tầm thực bạt ngàn dâu

    *

    Bẻ cong Lịch sử thuyết lót đường

    Biển người tràn xuống Biển Đông thương

    Đường chim bay tin nguy báo bão

    Siết chặt gọng kềm ép đại dương

    Bạch Đằng Giang mai thành Trường Hải

    Eo biển Đối Mã đỏ sa trường

    Chuyển hướng canh tân nền Dân chủ

    Trong & ngoài Nước Việt dẹp tai ương !

    Nguyễn Hữu Viện

    1. Giang Trạch Dân học thầy Mao Trạch Đông bơi tuyên truyền trên sông Dương Tử đến tắm trên Cửa Đại, Hội An xem như ao nhà !! chiều 28.2.2002 và Hồ Cẩm Đào cũng đã đi thăm Đà nẵng – nơi quản lý huyện đảo Hoàng sa trên giấy mực vào tháng 11/2005 và trở lại ngay sau đó một năm vào 16/11/2006 lại đến thăm tiếp Đà nẵng- trước khi đến Hà nội để “thăm” 8 doanh nghiệp của Trung Quốc có đầu tư trực tiếp tại Đà Nẵng với tổng số vốn 102,2 triệu USD quản lý khoảng 65.000 công nhân
    2. Đô đốc Trịnh Hòa được bơm lên như Kha Luân Bố trong chuyến hải hành đầu tiên, gồm 63 chiếc thuyền và 2.780 người như cố gắng chứng minh rằng Trung Hoa đã thám hiểm, chinh phục và chiếm thuộc địa được nhiều vùng đất xa xôi từ thời Trung Cổ, trong số đó có các hải đảo của Việt Nam như Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Sơn và Phú Quốc.

    Trung Quốc đã lập Viện nghiên cứu Trịnh Hòa tại Nam Kinh.


  2. Kháng thể Văn hóa Việt thách thức Sức mạnh Mềm Tàu
    ========================================

    Suốt hai Thiên Niên kỷ tương tác dài
    May còn chưa Hán hóa không sai
    Cho dù vay mượn có chọn lựa
    Tự nguyện hấp thụ có bản bài
    Tiến trình Việt hóa tích hợp tích cực
    Du nhập Khổng giáo xây nền móng dài
    Văn Miếu khuôn viên Quốc Tử Giám
    Trung quân lẫn Ái quốc cả hai

    *

    Suốt hai Thiên Niên kỷ giao lưu
    Bao cuộc Chinh chiến bao oán cừu
    Kháng thể Văn hóa Việt thách thức
    Tiếng Nôm + Nam Sử mộng tầm sưu
    Siêu cường toàn cầu Tàu đang trỗi dậy
    Tầm thực Sức mạnh Mềm thâm mưu
    Sóng thần văn hóa Khựa tràn ngập
    Cảnh giác họa Vong quốc vong lưu

    *

    Kháng thể Việt trong huyết quản Đồng bào
    Chiến lược khuếch tán Viện Khổng Chết (1) lao đao
    Châu Phi Viện Khổng Tử mọc như nấm độc
    Vòi bạch tuộc Thực dân Chệt da vàng vào
    Khai thác cạn kiệt tài nguyên dân bản xứ
    Cô lem chú lọ giờ tởm con cháu Mao
    Hướng về phương Tây Khoa học kỹ thuật
    Văn minh Nhân bản phương pháp luận chuyển giao
    Bài học Thế Sử Dân tộc Hàn – Nhật
    Thoát khỏi hiểm họa Đại Hán ác độc sao !

    TRIỆU LƯƠNG DÂN

    1. Trung Quốc hiện đã và đang xây hơn 320 Viện Khổng Tử trên toàn cầu….

    Nhưng may mắn thay Việt Nam cho đến lúc này chưa có một Viện Khổng Chết nào đi vào hoạt động trong khi Châu Phi Viện Khổng Tử mọc như nấm độc
    Vòi bạch tuộc Thực dân Chệt da vàng vào
    Khai thác cạn kiệt tài nguyên dân bản xứ
    Cô lem chú lọ giờ tởm con cháu Mao Xếnh Xáng …

  3. Cục Đất said

    Bài hay ! TTXVN dịch bài này khá trung thực.
    Bài gốc ở đây: http://csis.org/publication/year-dragon-aseans-existential-questions

  4. Dan oan VN said

    Việt Nam vắng mặt trong cuộc tập trận của hải quân Ấn Độ.

    Bản tin hôm thứ Hai của tờ The Times of India cho biết trong số 13 nước tham gia cuộc thao dượt có tên Milan ở quần đảo Andaman và Nicobar hồi năm ngoái chỉ có Việt Nam là không đến dự trong năm nay. Bản tin không nói gì về lý do của việc này.

    Tuy nhiên, tin của Tân Hoa Xã đánh đi từ New Dehli hôm thứ ba cho biết cuộc thao dượt 6 ngày của hải quân Ấn Độ, bắt đầu từ ngày thứ tư, có sự tham gia của các chiến hạm và các phái đoàn đến từ 14 nước Á Châu Thái bình dương và Ấn Độ dương, trong đó có Việt Nam.

    Theo Tân Hoa Xã, các nước tham gia gồm có Australia, Bangladesh, Brunei, Philippines, Miến Điện, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Maldives, quần đảo Seychelles và Mauritius.

    Các giới chức quân đội Ấn Độ cho biết cuộc tập trận Milan trên cơ bản là một cuộc tụ họp 2 năm một lần của các lực lượng hải quân Á châu Thái bình dương do Ấn Độ đứng ra tổ chức với mục đích tăng cường tình hữu nghị, gia tăng khả năng hoạt động chung và chia sẻ quan điểm về các vấn đề hải dương.

    Cuộc thao dượt bắt đầu từ năm 1995 với hải quân 4 nước giờ đây đã tăng lên tới 14 nước.

    Nguồn: Xinhua, The Times of India
    http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-india-naval-exercise-01-31-2012-138388214.html

Bình luận về bài viết này