BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

6718. Đại hội XII nhìn từ phương diện pháp lý

Posted by adminbasam trên 25/01/2016

FB Khương Duy

23-1-2016

Để hiểu những gì đang diễn ra những ngày gần đây thì phải hiểu quy chế bầu cử trong Đảng được quy định trong Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW). Trong Quyết định này, nội dung sau đây cực kỳ mới (đến mức khiến nhiều Đại hội cấp cơ sở ngỡ ngàng khi áp dụng):

Điều 13. Việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư

1- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

2- Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.

3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

A. Giải thích khái niệm

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai nhiệm kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là BCHTW do Đại hội Đại biểu toàn quốc bầu ra. Dưới BCHTW sẽ là các cấp BCH đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy) do các Đại hội cấp tương ứng bầu ra.

Thông thường ở cấp chi bộ, người ta gọi BCH chi bộ là chi ủy. Ở những cấp cao hơn người ta sẽ gọi BCH Đảng bộ X [chẳng hạn, BCH Đảng bộ trường ĐHNT, BCH Đảng bộ phường Láng Thượng, BCH Đảng bộ huyện Tân Sơn (gọi tắt là huyện/quận ủy), BCH Đảng bộ TP Hà Nội (gọi tắt là tỉnh/thành ủy)] và đương nhiên cao nhât là BCHTW.

Trong mỗi BCH sẽ có ban thường vụ – có chức năng thường trực thực hiện nhiệm vụ (ở cấp TW, trước 1951 có Thường vụ BCHTW, nhưng từ 1951 tới nay gọi là Bộ Chính trị. Bộ Chính trị do BCHTW bầu ra (thường có khoàng 15-20 ủy viên), đứng đầu là Tổng Bí thư.

B. Phân tích và vận dụng

B.1

1- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

Cấp triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là BCHTW Khóa XI. Cấp ủy viên là các ủy viên BCHTW Khóa XI. Danh sách đề cử do Hội nghị của BCHTW Khóa XI lần thứ 14 (gọi tắt là Hội nghị TW 14) kết thúc ngày 13/1 vừa qua đưa ra. Các ủy viên BCHTW Khóa XI (gồm 200 ủy viên, trong đó 175 chính thức, 25 dự khuyết) không có tên trong danh sách đề cử của BCHTW Khóa XI vào BCHTW và Bộ Chính trị Khóa XII sẽ không được ứng cử và nhận đề cử khi ra Đại hội XII.

Chẳng hạn, trong danh sách này không có tên ủy viên NTD nên khi ra Đại hội XII, ủy viên NTD không được ứng cử và nhận đề cử (nếu được đề cử thì phải xin rút). Tại Đại hội XII, các ủy viên TW Khóa XI cũng không được đề cử thêm người khác vào danh sách. Tóm lại, với các ủy viên BCHTW Khóa XI thì danh sách này là finalbinding (đến mức độ nào và có hợp lý không sẽ được phân tích ở phần sau).

2- Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.

3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

Nếu như Khoản 1 nói về Đại hội, thì Khoản 2 nói về hội nghị của các BCH Đảng bộ cấp dưới, Khoản 3 nói về hội nghị của BCHTW. Thí dụ, trước Hội nghị TW 14 vừa rồi, Bộ Chính trị (gồm 16 ủy viên, đứng đầu là TBT NPT) đưa ra danh sách trong đó không có tên ông NTD thì khi ra Hội nghị, ông NTD không được tự ứng cử và nhận đề cử (nếu có người đề cử thì phải xin rút). Đây đúng là những gì đã diễn ra tại Hội nghị TW 14 vừa rồi.

Như chúng ta đã biết, tại Hội nghị TW 14, có UVBCHTW (không phải ủy viên Bộ Chính trị) đã đề cử ông NTD. Việc đề cử này có trái với Điều 13.1 không? Câu trả lời là không vì danh sách đề cử đưa ra Hội nghị TW 14 là của Bộ Chính trị Khóa XI chuẩn bị, do đó nó không ràng buộc các UVBCHTW không phải ủy viên Bộ chính trị (tức là 184 UVBCHTW còn lại). Các ủy viên này vẫn có quyền ứng cử, đề cử người không có tên trong danh sách mà Bộ Chính trị Khóa XI đề xuất.

Nhưng, theo đúng quy định, ông NTD đã phải xin rút (vì ông là ủy viên Bộ Chính trị). BCHTW Khóa XI đã xem xét việc có cho rút hay không. Kết quả là BCHTW đồng ý cho ông “được” rút (chứng tỏ số người muốn ông ở lại trong BCHTW không quá bán?). Cuối cùng, Hội nghị TW 14 đã chốt danh sách. Theo đó, chỉ có ông NPT được kéo dài để ứng cử vào BCHTW, Bộ Chính trị và chức vụ Tổng Bí thư Khóa XII. Bây giờ, danh sách này trở thành danh sách do BCHTW Khóa XI (chứ không phải riêng Bộ Chính trị Khóa XI) đưa ra nên nó ràng buộc các ủy viên BCHTW Khóa XI tại Đại hội XII diễn ra sau đó.

Logic của Điều 13 là nguyên tắc tập trung dân chủ. Một đảng viên có quyền bày tỏ quan điểm riêng, nhưng một khi quyết định đã được thông qua thì anh phải tôn trọng ý kiến của tập thể dù trái với ý kiến của mình. Chẳng hạn, việc một UVBCHTW Khóa XI có quyền đề cử ông NTD tại Hội nghị là biểu hiện của dân chủ. Nhưng khi Hội nghị đưa ra danh sách cuối cùng không có ông NTD thì vị UVBCHTW kia sẽ phải chấp nhận danh sách đó dù có tâm phục khẩu phục hay không.

Điều 13 có sức mạnh cực kỳ lớn trong cơ chế ra quyết định dựa trên biểu quyết quá bán. Chẳng hạn, nếu một cấp ủy có 2 phe với tỉ lệ 5/4 thì những đảng viên thuộc phe 4 kia không thể chống lại phe 5 khi quyết định nhân sự. Phe 5 dễ dàng đưa ra và thông qua danh sách đề cử; dù phe 4 không đồng tình cũng buộc phải chấp nhận. Đây có lẽ là lý do khiến ông NTD out ngay từ Hội nghị TW 14.

B.2

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng Quyết định 244 có phạm vi áp dụng của nó. Điều 1 ghi rõ: “Quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử trong Đảng từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương. Việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quy định.”

Do Đại hội Đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN nên quyết định của BCHTW khóa cũ không thể ràng buộc Đại hội mà chỉ có thể ràng buộc các UVBCHTW khóa cũ. Về mặt nguyên tắc, quy định này không thể vượt qua quy chế bầu cử của Đại hội XII. Nhưng quy chế bầu cử của Đại hội XII về cơ bản không có gì đặc biệt vì vẫn dựa trên Quyết định 224. Như đại diện Bộ TT&TT đã khẳng định, khi được biểu quyết thì Quyết định 224 sẽ trở thành quy chế của Đại hội. Điều quan trọng là việc đề cử, ứng cử tại Đại hội sẽ do Đại hội quyết định.

Vậy quy chế này ảnh hưởng như thế nào tới sự kiện mà chúng ta quan tâm: liệu ông NTD còn có thể trở thành Tổng Bí thư không? Câu trả lời tùy thuộc vào việc vượt qua các bước sau đây.

1. Được bổ sung vào danh sách bầu BCHTW khóa XII. Danh sách bầu cử do BCHTW khóa XI đề xuất không có ông NTD nên ông NTD không thể ứng cử và nhận đề cử (do là thành viên của BCHTW khóa XI); đồng thời các UVBCHTW Khóa XI cũng không được đề cử ông NTD (hay bất cứ ai khác). Nhưng ngoài 200 vị UVBCHTW Khóa XI này, 1310 trong tổng số 1510 đại biểu còn lại vẫn có quyền ứng cử hoặc đề cử (vì họ không phải UVBCHTW Khóa XI nên không chịu sự ràng buộc của danh sách do BCHTW Khóa XI đưa ra). Nên về mặt nguyên tắc chỉ cần 1 trong số 1310 đại biểu này đề cử ông NTD thì quy trình pháp lý của Điều 13 sẽ diễn ra.

Trong trường hợp đó, thủ tục đầu tiên là ông phải xin rút (dù muốn hay không). Điều quan trọng là Đại hội XII sẽ quyết định về việc xin rút này chứ không phải BCHTW Khóa XI. Nghĩa là, số đảng viên xem xét việc xin rút của ông NTD ở bước này không phải là 200 UVBCHTW Khóa XI mà là 1510 đại biểu dự Đại hội XII. Nếu số người không đồng ý cho ông NTD rút chiếm quá bán trong tổng số 1510 đại biểu, ông sẽ không “được” rút mà “bị” bổ sung vào danh sách bầu BCHTW Khóa XII.

2. Nếu ông NTD được bổ sung vào danh sách thì bước tiếp theo là phải trúng vào BCHTW Khóa XII. Thật ra, nếu ông được ủng hộ ở bước trên (quá bán số đại biểu không đồng ý cho ông rút và muốn ông có tên trong danh sách ứng cử viên) thì gần như chắc chắn ông sẽ trúng vào BCHTW Khóa XII. Kết quả của vòng này sẽ có vào ngày 26/1.

3. Nếu vào được BCHTW Khóa XII, ông NTD cần phải được bổ sung vào danh sách bầu Bộ Chính trị Khóa XII. Nên nhớ rằng Đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra BCHTW sau đó BCHTW mới bầu ra Bộ Chính trị chứ Đại hội không trực tiếp bầu Bộ Chính trị.

Hội nghị đầu tiên của BCHTW Khóa XII sẽ diễn ra vào ngày 27/1 (điều thú vị là Hội nghị TW lần thứ nhất của một khóa sẽ diễn ra trong lòng Đại hội Đảng của khóa đó). Vì bầu Bộ Chính trị là cuộc bầu cử trong khuôn khổ BCHTW Khóa XII chứ không phải cuộc bầu cử của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nên Quyết định 224 sẽ được áp dụng mà không gặp vướng mắc gì.

Điều 25.4 của Quyết định 224 ghi rõ: “Đoàn Chủ tịch báo cáo danh sách những đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước đề cử vào Bộ Chính trị”. Rõ ràng một lần nữa, danh sách do Hội nghị TW 14 đưa ra lại làm khó ông NTD vì trong số các ứng cử viên Bộ Chính trị mà BCHTW Khóa XI đưa ra không có tên ông.

Vậy điều gì sẽ diễn ra ở bước 3? Quyết định 224 thực sự rất tối nghĩa trong trường hợp này.

Nhắc lại:

Điều 13.1 “Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.”

Về mặt câu chữ Điều 13.1 quy định về việc bầu cử tại Đại hội. Nhưng cuộc bầu cử ngày 27/1 tới đây là nằm trong khuôn khổ Hội nghị BCHTW Khóa XII chứ không phải của Đại hội (chỉ 200 UVBCHTW Khóa XII tham gia bầu cử, không phải 1510 đại biểu dự Đại hội). Do đó, Điều 13.1 dường như không áp dụng vào trường hợp này. Ngược lại, nếu coi Hội nghị lần thứ nhất của BCHTW Khóa XII là một phần của Đại hội XII thì chính Đại hội sẽ xem xét việc ứng cử, đề cử vào Bộ Chính trị Khóa XII chứ không phải riêng BCHTW Khóa XII. Tuy nhiên Điều 25 quy định về bầu Bộ Chính trị không nhắc gì tới vai trò của Đại hội nên cách lập luận này khó đứng vững. Do đó, một cách hợp lý nhất, Hội nghị lần thứ nhất của BCHTW Khóa XII vào ngày 27/1 sẽ không được xem là một phần của Đại hội XII và vì thế Điều 13.1 không được áp dụng.

Một điểm đáng lưu ý là trong quá trình vận dụng, Điều 13 dường như mâu thuẫn với Điều 1 của Quyết định 224 (Điều 1 khẳng định vai trò tối cao của Đại hội). Khi trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng khẳng định rằng việc ứng cử, đề cử sẽ do Đại hội XII quyết định (http://www.thesaigontimes.vn/141461/De-cu-ung-cu-Dai-hoi-se-quyet-dinh.html) nhưng không rõ Đại hội có quyền quyết định ở mức độ nào. Theo phân tích thì có lẽ Đại hội chỉ quyết định danh sách đề cử, ứng cử vòng 1 và tham gia bầu vòng 3 thôi, còn từ vòng 3 Đại hội có được tham gia đâu mà quyết định? Như vậy thì quyền quyết định của Đại hội thật sự đã bị hạn chế nhiều bởi Quyết định 224 này.

Cũng có thể Điều 13.1 vẫn được áp dụng mà không cần lập luận gì. Điều đáng băn khoăn là, như đã nói ở trên, BCHTW Khóa XII sẽ có rất nhiều UVBCHTW Khóa XI tái đắc cử, nhưng vào ngày 27/1, BCHTW Khóa XI không còn tồn tại nữa do đã có BCHTW mới. Điều 13.1 áp dụng với “cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội” (tức UVBCHTW Khóa XI) liệu có còn ý nghĩa khi họ đã tái đắc cử làm UVBCHTW Khóa XII? Khả năng cao là có, dù điều đó nếu nghĩ kỹ thì rất phi lý vì hóa ra BCHTW Khóa XI chi phối cả BCHTW Khóa XII?

Cho nên, tóm lại vấn đề pháp lý ở đây là:

> Nếu Điều 13.1 không được áp dụng: tin tốt cho ông NTD, chuyển sang Điều 13.3.

> Nếu Điều 13.1 được áp dụng, khi đó cần phải trả lời câu hỏi liệu các UVBCHTW Khóa XI tái đắc cử Khóa XII có trách nhiệm tuân thủ danh sách bầu Bộ Chính trị Khóa XII mà BCHTW Khóa XI đưa ra không? Nếu không thì đây là tin tốt cho ông NTD. Nếu có, họ sẽ không được đề cử ông NTD hay bất cứ ai khác.

Khi đó, chỉ những UVBCHTW Khóa XII mà không phải UVBCHTW Khóa XI tái đắc cử mới có quyền để cử ông NTD hay bất cứ ai khác. Nếu được đề cử, ông NTD sẽ phải xin rút. Hội nghị lần thứ nhất BCHTW Khóa XII sẽ xem xét đề nghị xin rút này. Có thể thấy trong trường hợp này tỷ lệ ủy viên mới và ủy viên tái đắc cử sẽ cực kỳ quan trọng vì nó quyết định việc xin rút này có “được” chấp nhận không. Chúng ta không biết tỷ lệ này là bao nhiêu cho đến ngày 26/1.

Điều 13.3 “Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.” Điều này cũng không thật hợp lý nếu được áp dụng vì tại thời điểm ngày 27/1/2016 chưa có Bộ Chính trị và Ban Bí thư mới (đang bầu) nên đối tượng điều chỉnh của Điều 13.3 chưa tồn tại. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng vì chưa có Bộ Chính trị mới, nên đối tượng điều chỉnh chính là Bộ Chính trị cũ. Do đó, với vai trò là Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XI, ông NTD sẽ không được tự ứng cử hay nhận đề cử vào Bộ Chính trị Khóa XII, một khi trong danh sách mà Bộ Chính trị Khóa XI đưa ra không có tên. Điều này nhất quán với những giải thích ở trên.

Điều thú vị là nếu Điều 13.3 được áp dụng, khi đó chỉ Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũ mới bị ràng buộc bởi danh sách mà họ đã đưa ra. Các UVBCHTW Khóa XII (cả mới và tái đắc cử) nếu không phải thành viên Bộ chính trị Khóa XI đều có quyền đề cử ông NTD. Thủ tục xin rút cũng tương tự như trên nhưng khả năng “được” rút sẽ thấp hơn và khả năng “bị” bổ sung vào danh sách sẽ cao hơn do các UVBCHTW tự do hơn trong việc đưa ra quyết định so với trường hợp áp dụng Điều 13.1.

4. Phải trúng cử vào Bộ Chính trị. Nếu vượt qua vòng trầy da tróc vẩy số 3 để được bổ sung vào danh sách bầu cử, khả năng trúng cử của ông NTD vào Bộ Chính trị Khóa XII là khá cao.

5. Phải có tên trong danh sách bầu Tổng Bí thư. Quy trình tương tự như trên nhưng thật ra vòng này dễ hơn rất nhiều. Điều 26.1 nêu rõ: “Đoàn chủ tịch báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn Tổng Bí thư và dự kiến nhân sự Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước giới thiệu, ý kiến giới thiệu của Bộ Chính trị khóa mới, kết quả giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư của Đại hội để hội nghị tham khảo.”

Rõ ràng danh sách bầu Tổng Bí thư không phải chỉ do BCHTW Khóa XI đưa ra nữa mà còn phụ thuộc vào ý kiến của Bộ Chính trị Khóa XII (được bầu ở bước 4) và kết quả giới thiệu nhân sự của Đại hội XII. Do đó, cơ hội cho ông NTD ở vòng này cũng sẽ cao hơn nhiều lần (dù vẫn phải diễn lại màn xin rút).

Một điểm thiếu nhất quán của Quyết định 224 là trong khi Điều 26 nhắc đến vai trò của Đại hội trong việc giới thiệu nhân sự vào vị trí Tổng Bí thư thì Điều 25 lại không hề nhắc đến vai trò của Đại hội trong việc giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị.

6. Được bầu làm Tổng Bí thư. Đây là bước cuối cùng trong quy trình. Nói chung nếu đã vào được đến đây thì cơ hội của ông NTD là rất cao. Nếu có rớt ở vòng này thì dù sao cũng vẫn là ủy viên Bộ Chính trị Khóa XII.

Nếu nhìn lại các bước trên đây, có thể thấy bước 1 là bước then chốt nhất vì nếu không đươc bổ sung vào danh sách bầu BCHTW Khóa XII thì tất cả đều đi tong. Tuy nhiên khả năng thành công của bước 1 là khá cao (do Đại hội có quyền lực ngoài tầm kiểm soát của BCH TW Khóa XI). Bước 3 là bước hóc búa nhất vì quy định không đủ rõ ràng để áp dụng vào trường hợp cụ thể này. Còn nếu đã qua bước 3 thì cánh cửa gần như mở toang rồi.

C. Kết luận

Tóm lại, luật chơi mới do BCHTW Khóa XI đưa ra khi vận dụng vào Đại hội XII đã và đang đem lại nhiều diễn biến bất ngờ. Dù thế nào đây cũng là một Đại hội mà kết quả không đơn giản là nhìn thấy trước như các Đại hội trước nữa.

Một bình luận to “6718. Đại hội XII nhìn từ phương diện pháp lý”

  1. […] 6718. Đại hội XII nhìn từ phương diện pháp lý […]

Sorry, the comment form is closed at this time.