BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2497. TƯƠNG LAI TRUNG QUỐC DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA TẬP CẬN BÌNH

Posted by adminbasam trên 24/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Ba, ngày 18/03/2014

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) dẫn nguồn trang mạng Project Syndycate cho biết, kể từ khi lên làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã khiến cho các chuyên gia quan sát bối rối và ngạc nhiên. Trong khi chiến lược chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn đến việc siết chặt sự kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với vấn đề tư tưởng, truy quét các quan chức tham nhũng, đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến và ủng hộ một chính sách ngoại giao mang tính chủ nghĩa dân tộc lớn hơn, thì nhà lãnh đạo này cũng đã công bố một kế hoạch cải cách kinh tế táo bạo bất thường.

Thế giới sẽ sớm thấy được liệu lộ trình chính trị bảo thủ của ông Tập Cận Bình có nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc cải cách ủng hộ nhân tố thị trường của nhà lãnh đạo này hay không. Với việc đã giành cả năm 2013 để củng cố vị thế và lên chương trình nghị sự của mình, năm nay Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu thực hiện các cam kết của ông và chứng tỏ rằng ông đủ khả năng vận dụng quyền lực như ông đang tích lũy nó. Thành công của ông Tập Cận Bình sẽ phụ thuộc vào việc ông đối phó như thế nào với 3 thách thức lớn dưới đây.

Thách thức đầu tiên là việc thực hiện gói cải cách của ông Tập Cận Bình, điều làm nảy sinh cả sự tò mò và sự hoài nghi kể từ khi nó được công bố hồi giữa tháng 11/2013. Những người lạc quan chỉ ra rằng những mục tiêu tham vọng của gói cải cách này là bằng chứng về cam kết cải cách của ông Tập Cận Bình, trong khi những người chỉ trích lại nói rằng sự mơ hồ và thiếu một thời gian biểu thực hiện là lý do để đánh giá thận trọng về gói cải cách đó.

Để chứng minh những người hoài nghi đã suy nghĩ sai lầm, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải chuyển những lời nói khoa trương của ông thành chính sách, và phải biến các chính sách thành những kết quả cụ thể, có thể đo đếm được. Điều này có nghĩa là ông Tập Cận Bình phải bắt đầu năm mới bằng việc thực hiện các cải cách mà qua đó chỉ cần hành động của chính quyền, như cấp phép cho các ngân hàng tư nhân, gia tăng sự cạnh tranh bằng việc dỡ bỏ các rào cản đối với các doanh nghiệp tư nhân, tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái, đồng thời mở rộng các quyền công dân cho những người lao động nhập cư ở các thành phố và thị trấn nhỏ.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ phải thực hiện các biện pháp này với sự phê chuẩn của Quốc hội Trung Quốc, cơ quan sẽ chính thức hóa một số cải cách quan trọng nhất. Ở đây, cải cách đất đai sẽ là vấn đề khó khăn nhất. Chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình chỉ cam kết một cách mơ hồ về việc trao thêm các quyền về đất đai cho người nông dân, trong khi những tuyên bố gần đây của Chính phủ Trung Quốc cho thấy rằng họ muốn hạn chế các quyền như vậy. Trong vấn đề này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải thuyết phục công chúng rằng ông sẽ không cho phép các nhóm lợi ích ngăn cản sự thay đổi.

Thách thức lớn thứ hai mà Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt là việc duy trì và củng cố chiến dịch chống tham nhũng được ủng hộ cao – và có cả nguy cơ lớn – của nhà lãnh đạo này. Do ông Tập Cận Bình đã loại trừ việc huy động công chúng Trung Quốc ủng hộ các kế hoạch cải cách của mình nên biện pháp duy nhất của nhà lãnh đạo này nhằm buộc Trung Quốc tuân thủ theo chương trình nghị sự của ông là sự đe dọa về các cuộc điều tra và truy tố các quan chức tham nhũng.

Tuy nhiên, chiến lược này sẽ khó thực hiện, không chỉ là do phạm vi tham nhũng lớn, mà còn bởi nó sẽ là yếu tố quan trọng gây ra những chia rẽ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích. Một chiến dịch chống tham nhũng nhằm mục tiêu vào một số lượng lớn các quan chức Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến những xa lánh, bất đồng và chia rẽ trong giới lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền.

Phép thử thực sự đối với những ý định của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là liệu chính quyền của nhà lãnh đạo này có truy tố cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang hay không. Chiếc thòng lọng chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã và đang siết chặt xung quanh Chu Vĩnh Khang kể từ các vụ bắt giữ những cứu trợ thủ thân cận của vị cựu Bí thư Chính Pháp Trung ương.

Tuy nhiên, ngay cả việc truy tố một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã về hưu cũng sẽ phá vỡ một điều cấm kỵ. Bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình, chế độ Trung Quốc hậu Mao Trạch Đông đã nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo an toàn cho các quan chức cấp cao nhất của họ, qua đó tránh sai lầm của Mao Trạch Đông về việc biến các cuộc chiến quyền lực thành các cuộc đấu tranh sống còn mà trong đó không ai được an toàn. Do vậy, mặc dù các Ủy viên Bộ Chính trị thông thường đã trở thành mục tiêu tấn công trong quá khứ (đã có người bị kết án tù), nhưng các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vẫn nằm trong vùng “cấm đụng chạm”.

Vì thế, giờ đây ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu như ông tuân theo quy tắc bất thành văn là không truy tố ngay cả các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã về hưu, thì nhà lãnh đạo này có nguy cơ bị suy giảm sự tin tưởng vào chiến dịch chống tham nhũng của ông. Nhưng nếu như Tập Cận Bình buộc đồng nghiệp cũ của mình vào tù, thì ông có thể làm suy giảm sự đoàn kết trong ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Thách thức lớn thứ ba mà Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt là tránh một cuộc xung đột không cần thiết với nước láng giềng Nhật Bản. Tuyên bố của Trung Quốc về việc thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bao trùm cả quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông đã được đáp trả sau đó bằng chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Điều này cho thấy mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản – vốn đã ở mức thấp nhất trong 40 năm qua – sẽ tiếp tục xấu đi.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và các cố vấn của ông nên từ bỏ niềm tin viển vông rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ tăng cường vị thế của họ với công chúng Trung Quốc. Nhật Bản, với sự ủng hộ của Mỹ, sẽ gây ra một thất bại quân sự nhục nhã cho Trung Quốc.

Với tương lai chính trị phụ thuộc vào khả năng thực hiện các cam kết cải cách của mình, điều cuối cùng ông Tập Cận Bình cần là một sự nới lỏng chính sách ngoại giao gây căng thẳng, loại trừ khả năng một cuộc phiêu lưu quân sự sai lầm đầy bất hạnh.

Những nguy cơ đối với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Trung Quốc trong năm 2014 khá cao. Điều đó có nghĩa là những nguy cơ đối với phần còn lại của thế giới cũng khá cao.

***

Năm 2013, Chính quyền Tập Cận Bình đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật không chỉ với các vấn đề trong nước như chính sách cải cách chính trị-kinh tế, cuộc chiến chống tham nhũng mạnh tay mà còn các động thái khiến tình hình trên Biển Hoa Đông ngày càng leo thang căng thẳng. Bước sang năm 2014, những thách thức của năm cũ vẫn còn cùng với những thách thức mới nảy sinh đang khiến Chính quyền Tập Cận Bình phải đưa ra ưu tiên giải quyết nhằm hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”. Xung quanh chủ đề này, báo Bưu điện Jakarta số ra mới đây có bài “Thách thức lớn nhất năm 2014 của Tập Cận Bình là giải quyết cuộc khủng hoảng bản sắc” của Steven Jiang, Phóng viên thường trú CNN tại Bắc Kinh. Sau đây là nội dung bài viết:

Nhìn bề ngoài, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bước sang năm 2014 với cương vị lãnh đạo quyền lực và nổi tiếng nhất của đất nước hiện nay. Năm mới đến mang theo những kỳ vọng về sự lãnh đạo lâu bền khi ông đã tích lũy được nhiều vốn liếng chính trị hơn hai người tiền nhiệm. Không chỉ lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền, bộ máy nhà nước, chỉ huy lực lượng quân đội với 1,5 triệu biên chế, Tập Cận Bình còn nắm vị trí cao nhất tại hai cơ quan mới thành lập: Hội đồng An ninh quốc gia và Nhóm đặc trách “cải cách toàn diện” đất nước. Uy tín và ảnh hưởng của Tập Cận Bình cũng đang tăng vọt. Chuyến thăm gần đây của Tập Cận Bình tới tiệm bánh bao tại Bắc Kinh đã ngay lập tức biến quán ăn này trở thành địa điểm nổi tiếng với các đám đông xếp hàng chụp ảnh. Ông cũng đã nhận được sự ngưỡng mộ trên các trang mạng xã hội, khi người xem nhận thấy hình ảnh gia đình được ông sử dụng làm hình nền trong tài khoản cá nhân.

Tác giả nói rằng với tất cả vốn liếng chính trị và uy tín cá nhân nổi trội, liệu Tập Cận Bình có đủ mạnh để khởi động quá trình cải cách táo bạo trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự bất mãn trong dân chúng đang gia tăng. Một trong những động thái đáng hoan nghênh nhất kể từ khi Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc là đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng – vấn nạn gây bất mãn trên toàn quốc. Tập Cận Bình cam kết không khoan nhượng với bất cứ nhân vật nào khi nói rằng mục tiêu loại bỏ “ruồi và hổ” là như nhau. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, khoảng 108.000 quan chức đã bị xử lý kỷ luật trong chín tháng đầu năm 2013, gần 20 cán bộ cấp bộ trưởng đã phải từ nhiệm từ cuối năm 2012. Phương tiện truyền thông nhà nước cũng đã trích dẫn vụ án cựu chính trị gia Bạc Hy Lai – mặc dù những người ủng hộ Bạc Hy Lai đồn đoán có động cơ chính trị, ví dụ điển hình về quyết tâm chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Giới quan sát Trung Quốc cũng đã phong thanh về việc ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang bị điều tra và nếu vụ án được công bố, ông Chu sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Một giáo sư kinh tế tại Đại học hàng không vũ trụ Bắc Kinh nói rằng có mối liên hệ rõ ràng trong các chính sách của Tập Cận Bình với sự hồi sinh của chủ nghĩa Mao vốn nhấn mạnh nguyên tắc “phục vụ nhân dân và lối sống thanh đạm”, mở đường cho Chủ tịch Mao thiết lập bộ máy quan liêu tham nhũng tương đối tự do. Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã thất bại trong việc giải quyết gốc rễ của nạn tham nhũng và nếu không có sự cải cách mang tính hệ thống thì các vụ tham nhũng mới sẽ nổi lên trong khi những vụ tham nhũng hiện nay chưa được giải quyết. Giải pháp căn bản để loại bỏ mầm mống tham nhũng chính là ngăn chặn các cơ hội cho các quan chức chính phủ nhận hối lộ trong các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, kế hoạch hóa gia đình.

Tác giả cho biết vào ngày 26/12/2013, Tập Cận Bình đã tỏ lòng tôn kính Mao Trạch Đông khi thực hiện chuyến thăm lăng Mao nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố chủ tịch. Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, đến thăm ngôi đền có thờ các tội phạm chiến tranh gây tranh cãi ở Tokyo, kết thúc một năm quan hệ Trung – Nhật xấu đi nhanh chóng xuất phát từ tranh chấp chủ quyền các hòn đảo trên Biển Hoa Đông. Trung Quốc đã quyết liệt thể hiện sức mạnh quân sự kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, phái tàu sân bay thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại Biển Đông – nơi đang có tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng. Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất chính là Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013. Mặc dù Mỹ và các đồng minh phản đối, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ giám sát và ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào trên không phận hoặc các vật thể bay không xác định trên biển. Được cổ vũ bởi chủ nghĩa dân tộc, những người mong mỏi sự trở lại của kỷ nguyên Mao Trạch Đông với lập trường cứng rắn chống lại Mỹ hay Liên Xô, ADIZ được một số nhân vật diều hâu trong Chính quyền Tập Cận Bình quan niệm là nhằm thể hiện sức mạnh, sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc. Sau chuyến thăm đền Yasukuni cửa ông Abe, Bắc Kinh đã tuyên bố ông Abe “không được chào đón” ở Trung Quốc. Hồ giai, một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất của Trung Quốc từng bị cầm tù hơn ba năm nói rằng chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe đã giúp Tập Cận Bình có lý do hoàn hảo để thể hiện sức mạnh của mình cả ở trong và ngoài nước khi nắm lấy cơ hội này chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề khó khăn trong nước. Cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình và lối sống gần dân của ông đã giành được sự ngưỡng mộ từ tầng lớp tri thức trẻ nhưng ông cũng đã bóp nghẹt tự do ngôn luận, đàn áp phong trào xã hội dân sự mới ra đời. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi nhất lại nằm trong bài phát biểu được lưu hành rộng rãi gần đây, Tập Cận Bình nhấn mạnh quan điểm không lấy tình hình thực tế “30 năm thứ hai” để bác bỏ “30 năm đầu tiên” và ngược lại. Ba thập kỷ đầu tiên của chế độ cộng sản sau năm 1949 – thường được gọi là thời đại Mao – phần lớn được phương Tây nhớ tới như một chế độ bị cô lập, nền kinh tế kế hoạch hóa thất bại, quốc gia rơi vào hỗn loạn bởi Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Ba thập kỷ sau đó bắt đầu vào cuối những năm 1970 khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế, mở cửa đất nước khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhảy vọt cùng với sự gia tăng căng thẳng xã hội do tình trạng chênh lệch giàu nghèo và nạn tham nhũng tràn lan. Đối với những người theo chủ nghĩa Mao, việc phân chia khái niệm “30 năm” dường như là một sự điều chỉnh tự nhiên đối với sự xa rời quan điểm chính thống của Đặng Tiểu Bình của những người kế nhiệm. Mao là người sáng lập đất nước, từ chối ông cũng có nghĩa là từ chối tính hợp pháp của chế độ. Các nhà lãnh đạo cũng nhận thấy những hỗ trợ cần thiết thông qua việc thực hiện chủ nghĩa Mao và hành động để tái khẳng định nền tảng của chế độ. Tập Cận Bình đã có một số tiến bộ khi thực hiện chính sách cải cách trong bối cảnh các nhóm lợi ích kháng cự quyết liệt. Những người theo chủ nghĩa Mao hiện là mối đe dọa lớn nhất của Tập Cận Bình bởi những người này mang nặng quan niệm cải cách mở cửa là hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, vấn đề là có thể tiến hành cải cách khi không từ bỏ chủ nghĩa Mao hay không đang đặt ra tranh cãi lớn và Tập Cận Bình sẽ ủng hộ ý thức hệ nào, với mục tiêu và giá trị gì.

Tác giả kết luận rằng khác với khái niệm mơ hồ “Giấc mộng Trung Hoa”, có vẻ như Tập Cận Bình đã không đưa ra được đáp án rõ ràng cho những vấn đề đầy thách thức trên. Khi sự chia rẽ trong xã hội Trung Quốc tiếp tục đào sâu hơn nữa, tương lai của hơn 1,3 tỷ người sẽ bị đe dọa.

***

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên nắm quyền được hơn một năm. Trong thời gian này, ông Tập Cận Bình đã có nhiều động thái quan trọng liên quan đến các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Nhiều người cho rằng ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo tài giỏi, có khả năng đem lại một tương lai tươi sáng hơn cho Trung Quốc. Trang mạng “Hồ sơ Trung Quốc”  vừa tiến hành một cuộc thảo luận với các chuyên gia về khả năng liệu ông Tập Cận Bình có thực sự đem lại một tương lai mới tích cực cho Trung Quốc hay không. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia trong cuộc thảo luận này:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ mới lên nắm quyền được hơn một năm. Gần đây, nhà lãnh đạo này đã có một lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, nơi ông mua và tự trả tiền một suất ăn trưa giá rẻ. Ngay sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một Thông điệp năm mới được phát sóng truyền hình từ nơi có vẻ như là văn phòng của nhà lãnh đạo này, trong đó ông chúc các công nhân Trung Quốc và gia đình của họ những điều tốt đẹp. Cả hai động thái này đều thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa các chuyên gia quan sát Trung Quốc. Nhà văn tự do Paul Mooney đã sống và làm việc ở Trung Quốc 18 năm, tháng 11/2013, hồ sơ của ông xin vào Trung Quốc để làm việc cho hãng tin Anh Reuters tại Bắc Kinh đã bị từ chối. Phản ứng của Paul Mooney, một phần trong cuộc trao đổi qua email cá nhân, đã được in lại với sự cho phép của ông – Ban Biên tập “Hồ sơ Trung Quốc”.

Những ý kiến

(1) Paul Mooney – nhà báo tự do người Mỹ chuyên viết về Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong từ năm 1985:

Tôi nhận thấy một số người trong nhóm các nhà quan sát Trung Quốc đang có những suy nghĩ đầy mơ tưởng về đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền và nhà lãnh đạo mới của nước này, ông Tập Cận Bình. Suy nghĩ, mơ tưởng duy nhất của tôi liên quan đến vấn đề này là hi vọng rằng đảng Cộng sản sẽ tuân thủ Hiến pháp riêng của họ. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng điều đó hoàn toàn không có cơ hội xảy ra, bởi nếu đảng Cộng sản Trung Quốc làm điều đó thì đảng này sẽ gặp khó khăn trong việc có thể tồn tại lâu dài. Đây là lý do tại sao ông Tập Cận Bình lại tích cực bắt giữ nhiều người khởi xướng ‘Phong trào Công dân mới’ đến vậy.

Tôi không thể tưởng tượng rằng sẽ có bất kỳ người dân thường Trung Quốc nào nghĩ rằng đây là buổi bình minh của một ngày mới tươi đep. Nếu họ suy nghĩ như vậy, rất có khả năng đó là bởi vì họ không thể nhảy qua ‘Bức tường lửa Trường Thành’ (tường lửa kiểm duyệt Internet của Trung Quốc), và vì thế không biết về những vấn đề mà ông Tập Cận Bình đã gây ra trong năm qua, hoặc có thể họ là những người có các mối liên hệ chặt chẽ với đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu họ đã nỗ lực tối thiểu để tìm hiểu sự thật về những chính sách của ông Tập Cận Bình thì họ sẽ không tin điều gì cả. Tôi chỉ có thể nghĩ rằng sự tin tưởng này đối với ông Tâp Cận Bình là dựa trên sự thiếu hiểu biết. Nếu người dân bị đánh lừa bởi việc ông Tập Cận Bình xuất hiện tại một trong những nhà hàng rẻ nhất của Trung Quốc để mua bánh bao thì đúng là họ không hiểu rõ về tình hình hiện nay ở Trung Quốc. Những “trò đánh bóng trước công chúng” này từ lâu đã được các chính trị gia trên toàn thế giới sử dụng. Không ai thực lòng làm những điều đó.

Tuy nhiên, chắc chắn sẽ là buổi bình minh của một ngày mới với sự đàn áp được đẩy mạnh. Tôi dự’ đoán xa đến mức có thể nói rằng tình hình tự do ngôn luận và tự do cá nhân (như được bảo đảm bởi Hiến pháp của Trung Quốc) tại nước này đang ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 1989, khi tôi ở Bắc Kinh để đưa tin về sự đàn áp tàn bạo đối với phong trào sinh viên.

Tóm lại, một số điều tôi đã và đang đăng tải trên mạng Internet trong một vài tháng qua, thì điều khiến tôi chú ý nhiều nhất trong năm đầu tiên ông Tập Cận Bình cầm quyền là làm thế nào ông ấy lại khiến đất nước thụt lùi nhiều như vậy. Trước hết, tôi nhớ những ngày tháng tươi đẹp dưới thời cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Ngay cả thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng ôn Gia Bảo cũng không tồi tệ như thời của Chủ tịch Tập Cận Bình hiện nay.

Chúng ta đã thấy một nỗ lực chưa từng có của Chính phủ Trung Quốc nhằm đàn áp mạnh mẽ hơn đối với cộng đồng người sử dụng mạng xã hội trên Internet ở nước này. Việc này bao gồm chiến dịch bắt giữ các blogger Trung Quốc và những điều như việc thông qua điều luật để ngăn chặn sự lan truyền ‘những tin đồn sai sự thật’ – hành động đã dẫn đến vụ bắt giữ một cậu bé 16 tuổi gần đây bị cáo buộc phát tán ‘các tin đồn’. Chúng ta từng thấy blogger nổi tiếng Trung Quốc Tiết Tất Quần, người đã có 12 triệu người theo dõi trên trang cá nhân của ông, có một buổi thú tội công khai trên truyền hình quốc gia, ngay cả trước khi ông ấy có quyền được đưa ra tòa xét xử. ông Tiết Tất Quần bị cho là đã bị phát hiện mồi chài mại dâm, nhưng trong lời thú tội trên truyền hình, ông ấy ám chỉ đến những sai lầm mà ông mắc phải trên trang tiểu blog của mình, điều ngầm cho thấy lý do thực sự khiến ông ấy bị bắt giữ. Và chúng ta cũng đã thấy Trân Vĩnh Châu, một nhà báo Trung Quốc, xuất hiện trên truyền hình quốc gia để đưa ra lời thú tội tương tự. Việc này vi phạm luật pháp Trung Quốc. Luật pháp nước này không cho phép các nhà báo tiếp cận với phạm nhân cho đến khi tòa án đưa ra bản án.

Tác động của động thái này thật khủng khiếp. Hiện nay, đa số chủ nhân của các trang tiểu blog đều ‘nằm im’ và các trang mạng này đang rất yên lặng, ngoại trừ một số người vẫn duy trì một sự hiện diện ở đó. Tuy nhiên, việc đàn áp các trang mạng cá nhân như vậy đang gây nhiều lo ngại.

Chúng ta cũng đã từng thấy khoảng 300 luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc bị bắt giữ trong những tháng gần đây, và trong nhiều trường họp, các luật sư của họ đã bị ngăn cản không cho gặp họ. Sự cai trị của pháp luật đã bị ảnh hưởng rất lớn dưới chính quyền mới. Trong số những người bị bắt, có nhiều luật sư và các nhà hoạt động nổi tiếng của Trung Quôc, chẳng hạn như Hứa Chí Dũng, Đinh Gia Hỉ, Quách Phi Hùng, Tống Tắc, Vương Bính Quyền, Lưu Bình, Triệu Trường Thanh… Những người bị bắt giữ đều liên quan đến việc kêu gọi Chính quyền Trung Quốc tôn trọng Hiến pháp hay kêu gọi các quan chức nước này (chẳng hạn như ông Tập Cận Bình) công khai tài sản cá nhân của họ. Và cuối cùng, hãy nhìn vào tình hình truyền thông Trung Quốc hiện nay. Hầu hết các nhà báo Trung Quốc tài năng và được tôn trọng nhất đều bị buộc phải im lặng, bị sa thải hoặc bị bắt giữ như Trần Vĩnh Châu. Và một số người thậm chí đã rời khỏi Trung Quốc trong nỗi thất vọng cùng cực. Tôi chưa từng thấy giới truyền thông địa phương bị ‘bịt miệng’ khủng khiếp đến như vậy kể từ năm 1989.

Cách đối xử với giới truyền thông nước ngoài là điều tồi tệ nhất trong hơn 18 năm tôi làm việc ở Trung Quốc. Có hàng chục phóng viên nước ngoài đang chờ đợi bên ngoài Trung Quốc trong suốt hơn một năm để xin được cấp thị thực báo chí – điều có thể không bao giờ xảy ra. Bản thân tôi cũng đã bị từ chối cấp thị thực và đây là điều rất hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn nhiều là việc cuối năm 2013 có khoảng 20 nhà báo làm việc cho tờ New York Times và hãng tin tài chính Bloomberg đã phải đối mặt với nguy cơ không được gia hạn thị thực, có nghĩa là họ sẽ bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc và các văn phòng của họ sẽ gặp khó khăn trong việc hoạt động. Và mặc dù dường như tất cả những nhà báo đó, ngoại trừ một số sẽ được gia hạn thị thực, nhưng vẫn có những người như Phil Pan, Chris Buckley và một loạt nhà báo của hãng tin tài chính Bloomberg phải chờ đợi hơn một năm để được cấp thị thực vào Trung Quốc. Và dự kiến, việc gây khó khăn cho các nhà báo nước ngoài sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm tới, như đã từng xảy ra hàng năm kể từ năm 2009.

Tiếp đến, đó là việc hơn 128 người đã tự thiêu ở Khu Tự trị Tây Tạng, số vụ bạo lực ở Khu tự trị Tân Cương cũng gia tăng, và số lượng ngày càng tăng các cuộc biểu tình của người dân nông thôn, lao động nhập cư và công nhân các nhà máy, cùng tình trạng môi trường ngày càng xấu đi. Tôi không thấy bất kỳ ví dụ nào về việc ông Tập Cận Bình thực hiện các bước đi nghiêm túc để giải quyết những vấn đề này.

Cuối cùng, dường như là trong năm qua Trung Quốc cũng đã có nhiều cuộc xung đột với các nước láng giềng ở châu Á hơn so với những năm gần đây. Phải thừa nhận rằng tôi không am hiểu về các xu hướng quốc tế, nhưng ấn tượng của tôi là mọi thứ cũng đã trở nên tồi tệ.

Tôi vừa hoàn thành một bài viết 3000 từ cho tạp chí Nieman Foundation và tôi đã phỏng vấn hàng chục nhà trí thức, nhà báo, blogger nổi tiếng của Trung Quốc. Không ai trong số họ bày tỏ sự lạc quan trước những gì tôi đã đề cập. Các cuộc trò chuyện của tôi với những người có quan hệ gần gũi với đất nước Trung Quốc, chỉ phục vụ cho việc xác nhận niềm tin của tôi rằng mọi thứ đang tồi tệ hơn so với giai đoạn rất lâu trước đây.

(2) Andrew J. Nathan – Giáo sư Khoa học Chính trị thuộc Đại học Columbia (Mỹ). Dưới đây là ý kiến của chuyên gia này dưới hình thức suy nghĩ giả tưởng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình:

Họ gọi chúng tôi là giới quý tộc đỏ. Xem xét cách thức chúng tôi làm việc chăm chỉ để có được vị trí như ngày hôm nay, tôi thấy rằng đó là sự xúc phạm. Tuy nhiên, có một chút sự thật trong cách gọi đó. Cha và ông nội của chúng tôi đã chiến đấu để mang lại cho chúng tôi cuộc sống ngày nay. Chắc chắn, cũng đã có những sai lầm. Tuy nhiên, không ai phải chịu đựng nhiều hơn chính chúng tôi. Chúng tôi đã sống sót và đã đưa mọi thứ trở lại như cũ, song không ai biết ơn chúng tôi vì điều đó. Chúng tôi thông minh hơn, kiên cường hơn, và có sự gắn kết tốt hơn so với phần còn lại. Không ai khác có thể quản lý đất nước ngang bướng này, nhưng chúng tôi đã làm được nhiều hơn thế: chúng tôi đã thành công khi quản lý được đất nước này. Chúng tôi là những người duy nhất hiểu cách thức hoạt động của chế độ này. Đó là lý do tại sao chúng tôi lại chịu trách nhiệm. Vì vậy, liệu chúng tôi có được hưởng một số đặc quyền cá nhân trong quá trình này? Chúng tôi xứng đáng với điều đó.

Tuy nhiên, đó không phải là những phần thưởng cá nhân khích lệ chúng tôi, đó là thực tế rằng chúng tôi và chỉ có chúng tôi mới có thể làm cho Trung Quốc lớn mạnh. Chúng tôi có những bất đồng trong chính bản thân mình. Đôi khi một hoặc hai anh em họ hàng phải hy sinh vì thể diện. Nhưng tất cả chúng tôi nhất trí rằng không ai ngoài chúng tôi có thể nắm quyền cai trị. Rất nhiều kẻ thù muốn thấy chúng tôi thất bại. Những trí thức què quặt đố kỵ của chúng tôi nói ba hoa và than phiền, những người có suy nghĩ nhỏ mọn, tranh cãi ngang ngạnh về những hy sinh của họ vì sự tiến bộ lịch sử của đất nước. Điều nguy hiểm nhất là kẻ thù của chúng tôi ở phương Tây. Các nhà ngoại giao và các chuyên gia tài chính của họ bên ngoài thì nở nụ cười nhưng trong lòng lại coi khinh lịch sử, văn hóa, hệ thống chính trị và tổ tiên của chúng tôi. Giờ đây, họ cũng bắt đầu lo sợ chúng tôi, thậm chí điều đó còn khiến họ lo lắng hơn và chờ đợi chúng tôi thất bại. Nhưng chúng tôi sẽ không như vậy – miễn là chúng tôi tiêp tục nắm giữ quyền lực. Đó là vị trí số một, chúng tôi phải xem tất cả sự đối lập là điều như nó vốn có – một nỗ lực để làm suy yếu chúng tôi, làm suy yếu đất nước và dứt khoát tiêu diệt nó cho dù nó khéo léo khoác lên mình những khẩu hiệu về pháp luật, công lý, nhân quyền hoặc xu hướng lịch sử. Lịch sử thuộc về kẻ mạnh. Chúng tôi rất mạnh và chúng tôi sẽ giữ vững điều đó.

(3) Giáo sư Orville Schell – chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung thuộc tổ chức Asia Society ở New York:

Rất khó đế nghiên cứu danh sách toàn diện của Paul Mooney và không thể không đồng ý với ông ấy rằng theo một cách cơ bản – có lẽ sẽ chính xác hơn khi nói đó là cách thức nguyên tắc – rất nhiều hành động của ông Tập Cận Bình là sai trái. Gần như không thể tưởng tượng được rằng bất cứ ai ngập chìm trong những giá trị giác ngộ có thể cảm thấy bất cứ điều gì ngoại trừ mối lo ngại về các cuộc tấn công ngày càng tăng của ông Tập Cận Bình chống lại báo chí (trong nước và nước ngoài), Internet, quyền hiến định, tự do hội họp và tự do học thuật, sự chú ý tới tình trạng thù địch mà các chính sách biển đảo của Trung Quốc đã tạo ra với các nước láng giềng của Trung Quốc và Mỹ. Có một bước thụt lùi không thể phủ nhận đối với nhiều hoạt động mà ông Tập Cận Bình đã tiến hành trong năm qua và từ một bối cảnh rõ ràng, chúng cho thấy về một buổi hoàng hôn hơn là một buổi bình minh mới.

Tuy nhiên, những đánh giá như vậy về các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ thực sự thuyết phục nếu được đưa ra từ quan điểm của một khung tham chiếu nhân văn. Và do đó chưa chắc đã nhận được nhiều sự ủng hộ ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các nhà lãnh đạo nước này. Như ông Andrew Nathan đã rất thẳng thắn chỉ ra trong lời biện hộ giả tưởng của ông ấy, những điều quan trọng nhất đối với Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều người khác ở Trung Quốc không phải là quá nhiều sự bảo vệ các giá trị nhân văn như vậy, mà là bảo vệ sự giàu có, quyền lực, sự ổn định và đoàn kết của Trung Quốc trong vai trò một nhà nước. (Điều này không phải là để nói rằng không có ai ở Trung Quốc quan tâm đến dân chủ và nhân quyền, mà đơn giản là để nói rằng những người này không phải là những nhà lãnh đạo được yêu thích trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay). Sự phổ biến của những lĩnh vực này là hoàn toàn khác nhau. Những gì chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã thiết lập là nguyên tắc chỉ đạo của ông ấy. Đó không phải là ví dụ về Thomas Jefferson, John Locke hay Jean- Jacques Rousseau, hoặc thậm chí về Nelson Mandela hay Vaclav Havel, mà là về nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Đây là một nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự quan tâm đến sự cải thiện của người dân Trung Quốc, nhưng mối quan tâm này cũng cho phép ông ta trở thành một người mạnh mẽ, khi cần thiết ông ấy cảm thấy có đầy đủ quyền để hành động đơn phương, thậm chí bắn vào nhân dân để cứu chính bản thân họ, do ông lo sợ việc không hành động sẽ gây nguy hiểm cho sự đoàn kết quốc gia. Chẳng hạn, vào năm 1989, quyền cá nhân đã trở thành một vấn đề nổi bật trong số các vấn đề của đất nước Trung Quốc. Sau đó, đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình đã được trao quyền để làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm duy trì sự ổn định, ngay cả khi những hành động đó vi phạm Hiến pháp, bởi Trung Quốc không có tòa án hiến pháp. Điều đó đã và đang diễn ra, có chút gì đó giống như một thể chế “không răng”.

Vậy làm sao mà tất cả những điều đã được phân tích này lại đại diện cho một ‘buổi bình minh mới’?

Nếu định nghĩa của một ai đó về sự phục hưng, hoặc một sự khởi đầu mới, được đo bằng tinh thần yêu nước mãnh liệt, đoàn kết dân tộc, sự thịnh vượng, sức mạnh quân sự, đoàn kết quốc gia và ảnh hưởng toàn cầu (theo hướng hiện nay các nước khác lo sợ Trung Quốc đủ mạnh để buộc họ phải phục tùng nước này), thì Trung Quốc có thể nói là được hưởng một vài điều gì đó từ một “sự phục hưng”. Mọi người, từ các nhà ngoại giao, các doanh nhân đến các nhà báo và các quỹ đang cố gắng tham gia cuộc đua Trung Quốc. Sự phục hưng của họ có thể không phải là sự phục hưng văn hóa, chính trị, tinh thần của một châu Âu cách đây 600 năm, nhưng nó là sự hồi sinh của một khuynh hướng khác biệt trong các thuộc tính từ lâu đã rất quan trọng với Trung Quốc và khuynh hướng này giúp đảm bảo rằng nước này sẽ không bị bắt nạt hay bị giật dây bởi các cường quốc lớn hơn. Tuy nhiên, nó không đảm bảo rằng Trung Quốc, có được sức mạnh mới, có thể không bị kích động hết lần này đến lần khác, lại tham gia việc     bắt nạt và bành trướng sang các nước xung quanh. Chúng ta sẽ chờ xem.

Trung Quốc có thể vẫn còn phải đi một chặng đường dài để giành được sự tôn trọng cần thiết từ phần còn lại của thế giới, nhưng ít nhất sức mạnh ngày càng tăng của nước này cũng đã giúp họ giành được một sự khâm phục miễn cưỡng. Nếu Trung Quốc không được yêu mến – điều rất hiếm – thì ít nhất nước này cũng phải được kính nể.

Bởi vì kiểu bùng nổ sự giàu có và quyền lực này – đã phủ nhận Trung Quốc từ rất lâu – luôn quan trọng đối với đảng Cộng sản Trung Quốc và trước họ là Quốc Dân đảng, nên thành quả hiện nay đại diện cho một “sự hạ cánh” mới và quan trọng, và không phải là thành tựu nhỏ. Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu nữa cuộc thử nghiệm dài hàng thế kỷ của Trung Quốc trong việc tự làm mới mình mới hoàn thành. Sẽ thật vô lý nếu không nhớ rằng sau mỗi buổi bình minh, luôn có một ngày khác, một buổi hoàng hôn và cả một đêm khác. Đôi khi, chúng ta có thể phàn nàn về việc làm thế nào mà Trung Quốc có được vị trí như ngày nay, và thậm chí cả phương hướng mà Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang lái con tàu Trung Quốc đi theo. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thật ngây thơ nếu không thừa nhận rằng con tàu ấy đang đến bên bờ mà một thế kỷ trước dường như cũng không thể đạt tới. Vì vậy, như ông Andrew Nathan gợi ý, từ một quan điểm chắc chắn được chia sẻ khá rộng rãi tại Trung Quốc, sự kỳ vọng vào Chủ tịch Tập Cận Bình như một người lãnh đạo mạnh mẽ mới ở Bắc Kinh – đặc biệt là sau thời gian cầm quyền không thuyết phục của cựu Chủ tịch Hồ cẩm Đào – đại diện cho một ngưỡng cửa có thể là của một kỷ nguyên mới. Có thể không phải là một kỷ nguyên nhân văn, dân chủ hoặc thậm chí (đôi với những người phương Tây) không phải là một kỷ nguyên đáng quý , nhưng ông Tập Cận Bình, đại diện cho một ban lãnh đạo mới, đang cố gắng định hình một kỷ nguyên mới, một ban lãnh đạo có thể cứng rắn hơn và ‘hiếu chiến’ hơn so với các ban lãnh đạo của Trung Quốc trong quá khứ.

Về tất cả các chính phủ đã cai trị Trung Quốc từ năm 1912, sẽ không có quá nhiều bằng chứng về những nguyên tắc và các giá trị mà những nhà lãnh đạo mới này tán thành, nhưng liệu họ có thể tiếp tục thúc đẩy một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và tôn trọng hơn (nhưng cũng đáng sợ hơn) hay không?”

(4) Eaward Friedman – Giáo sư Danh dự thuộc khoa Khoa học Chính trị của Đại học Wisconsin, Madison:

Hầu hết các chuyên gia phân tích – những người sống ở các nền dân chủ – đều đánh giá thấp sự nổi tiếng của đảng Cộng sản Trung Quốc độc tài trên toàn cầu, và những chuyên gia đánh giá như vậy không chỉ ở Pakistan, nơi Trung Quốc là nước được ủng hộ hơn hẳn. Trong toàn bộ các nước đang phát triển, những người coi mình cùng có chung quá trình hậu thuộc địa với Trung Quốc cho là Trung Quốc đứng về phía họ để chống lại tác động được cho là của chủ nghĩa thực dân mới từ châu Âu và Mỹ. Những người này hân hoan với việc Trung Quốc phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của các cường quốc Chiến tranh Lạnh vào năm 1964. Họ lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đưa Trung Quốc tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 1971. Họ công khai bác bỏ những lệnh trừng phạt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đối với Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4/6/1989 dưới chế độ Đặng Tiểu Bình. Họ coi Trung Quốc như đang đứng về phía họ và họ mong muốn Chủ tịch Tập Cận Bình gặp những điều tốt lành. Các nhà lãnh đạo của họ được gia tăng uy tín bất cứ khi nào đất nước họ được nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm.

Nhiều người Trung Quốc, không chỉ trong đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền mà cả trong quân đội nước này, đều hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ mang đến một ngày mới cho Trung Quốc, một ngày mà ở đó tình trạng tham nhũng được kiểm soát và sự công bằng được thúc đẩy. Bức ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang ăn những chiếc bánh bao bình thường trong một nhà hàng bình dân là nhằm mục đích đánh bóng hình ánh của ông Tập Cận Bình, hay chính xác là hình ảnh mà tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều mong muốn có được.

Tuy nhiên, con đường này, có thể khá dài và sẽ thành công, sẽ đưa Trung Quốc theo hướng hà khắc, quân phiệt và chủ nghĩa độc tài dân túy hơn (một số người gọi nó là chủ nghĩa phát xít). Những chính thể như vậy, tuy họ đối xử khắc nghiệt với các đối thủ và các đối thủ tiềm năng, nhưng có thể rất được lòng những người yêu nước, như trường hợp ở Trung Âu trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

Con đường này khiến cho nhiều khả năng các cuộc tranh chấp quốc tế của Trung Quốc sẽ được quân sự hóa. Những cuộc đụng độ quân sự không nhất thiết dẫn đến cuộc chiến tranh tổng lực. Nhưng rất có khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hành động dựa trên một chương trình nghị sự cho thấy (đối với cả trong và ngoài nước) rằng chế độ của đảng Cộng sản Trung Quốc rất cứng rắn và Trung Quốc sẽ chứng minh với mọi người rằng họ thực sự cứng rắn. Mặc dù nguồn gốc của các biện pháp cứng rắn này (cả trong và ngoài nước) nằm bên trong nền chính trị của Trung Quốc, nhưng sẽ là sai lầm khi tưởng tượng rằng các chính phủ hậu thuộc địa sẽ đột nhiên từ bỏ sự nhận thức của họ rằng Trung Quốc là một lực lượng tích cực trên thế giới và đột nhiên coi chính quyền độc tài độc đảng của đảng Cộng sản Trung Quốc là một chính quyền xấu xa.

Sau tất cả, nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng đóng góp nhiều vào sự thịnh vượng của thế giới mỗi năm hơn là Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ, hoạt động nhập khẩu và các khoản vay đã kích thích sự tăng trưởng nhanh hơn ở khu vực châu Phi cận Sahara. Đa số các chính phủ, không chỉ các chính phủ ở những quốc gia kém phát triển nhất, đều sẽ phản đối những chính sách có thể làm họ mất đi những lợi ích tưởng tượng về quan hệ sâu sắc với một Trung Quốc đang bùng nổ kinh tế. Do vậy, những người Trung Quốc ủng hộ chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy rằng nhà lãnh đạo này đang dẫn dắt người dân Trung Quốc đi tới một tương lai tươi sáng hơn.

(5) Robert Kapp – chuyên gia lịch sử về Trung Quốc trong thế kỷ 20, thuộc Đại học Rice ở Washington, đồng thời là chuyên gia về quan hệ Mỹ – Trung :

Đây là một chủ đề thú vị và hầu hết những gì cần phải nói đã được nói. Tôi sẽ chỉ đơn giản là quan sát, bằng cách tóm tắt, và có lẽ là đúc kết lại những gì ông Orville Schell đã viết, rằng vấn đề liệu năm cầm quyền đầu tiên của ông Tập Cận Bình có báo hiệu một số sự khởi đầu mới hay không. Theo tôi, điều đó có lẽ phụ thuộc vào điều mà một người nào đó trông đợi và điều mà một người nào đó đang tìm kiếm. Danh sách được phân chia thành từng mục về những diễn biến thụt lùi được cung cấp trong phần thảo luận mở đầu là một sự kết tinh, một bài diễn thuyết tinh túy nhất với hình thức cô đọng nhất, trong số những gì tôi đã thấy và (tôi giả sử) hầu hết người đọc trang “Hồ sơ Trung Quốc” sẽ thất vọng, khinh ghét và đầy hoang mang. Điều đó là “đúng”, nếu các bạn cảm thấy như vậy. Tuy nhiên, như ông Orville Schell đã chỉ ra ngay trong phần bình luận của ông ấy, vẫn còn một danh sách từ một quan điểm đặc biệt – một quan điểm mà hầu hết người Mỹ đều công nhận và tôn trọng, nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ là một quan điểm duy nhất.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hỏi xem điều gì trong năm đầu tiên của Chính quyền Tập Cận Bình có thể quan trọng đối với “người Trung Quốc”, hoặc nói một cách chính trị hơn, là đối với “những người đàn ông/phụ nữ trên phố”, hay đối với một số người khác được xác định là nhóm người thiểu số bên cạnh những người Trung Quốc bị ngược đãi qua những số liệu nổi bật trong phân thảo luận mở đâu. Để viết ra bất cứ điều gì mà “bất kỳ người dân thường Trung Quốc” nào có thể nghĩ về các lý do anh/cô ấy đã không “nỗ lực tối thiểu đề tìm hiểu sự thật”, hoặc bất cứ sự tin tưởng nào đối với Chủ tịch Tập Cận Bình trong số “những người dân thường Trung Quốc” như vậy là “dựa trên sự thiếu hiểu biết”, khiến tôi cảm thấy mình quá tự phụ và không thoải mái khi khẳng định rằng mình biết nhiều hơn về điều mà người dân ở Trung Quốc nghĩ.

Không có bí mật nào đối với bất kỳ ai trong chúng ta, rằng việc phát hiện ra “điều mà người dân Trung Quốc thực sự nghĩ” là một quá trình phức tạp, bị giới hạn bởi nhiều sự kiểm soát ngôn luận, hội họp… – những điều mà tất cả chúng ta đều quen thuộc và nhàm chán. Tuy nhiên, chính vì nó là một quá trình phức tạp như vậy nên tôi nghĩ rằng chúng ta đang tạo ra nguy cơ vô tình gây hiểu lầm giữa chính chúng ta, nếu chúng ta kết luận một cách đơn giản với các độc giả thân thiện của trang “Hồ sơ Trung Quốc”, rằng nếu có bất cứ ai ở Trung Quốc không đồng ý với mô tả cụ thể của chúng ta về thực tế ở Trung Quốc, thì người đó hẳn phải là kẻ lười biếng, bị đánh lừa hoặc bị gian lận hay bị đàn áp bởi những yếu tố tồi tệ nhất của một chế độ hà khắc.

Có lẽ cuộc thảo luận này có thể được cân bằng và mở rộng bởi sự tham gia của một hoặc nhiều cộng tác viên – những người chú ý tới nền kinh tế Trung Quốc và chắc chắn tới cả chương trình cải cách đầu tiên được nêu trong Hội nghị Trung ương 3 của đảng cộng sản Trung Quốc năm 2013 và giờ đây đang trong quá trình xây dựng, thực hiện. Nếu những nỗ lực cải cách đó đạt được tiến triển thực sự thì nó có liên quan đến vấn đề đặt ra ở đây. Còn nếu những nỗ lực cải cách đó chưa tạo được tiến triển thực sự, song dường như đang hướng tới việc thực hiện trong thời gian ngắn và trung hạn, thì cũng nên cân nhắc kỹ cuộc thảo luận của chúng tôi. Mặt khác, nếu họ biến tất cả trớ nên tồi tệ hoặc không thực hiện hay chứng minh được những điều giả dối rỗng tuếch và đầy hoài nghi, thì ít nhất sẽ có thêm căn cứ cho những gì đã được bàn đến trong chủ đề này. ít nhất, chúng ta hãy cố gắng để có được một cái nhìn”./.

Một bình luận to “2497. TƯƠNG LAI TRUNG QUỐC DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA TẬP CẬN BÌNH”

  1. […] TƯƠNG LAI TRUNG QUỐC DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA TẬP CẬN BÌNH […]

Sorry, the comment form is closed at this time.