BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2136. TRUNG QUỐC SẺ TRỞ THÀNH SIÊU CƯỜNG VÀO NĂM 2023?

Posted by adminbasam trên 01/12/2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Hai, ngày 25/11/2013

TTXVN (Bắc Kinh 22/11)

Ngày 12/11, “Tuần san Kinh tế Trung Quốc ”, phụ san của Nhân dân Nhật báo đăng bài phỏng vấn Diêm Học Thông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại, trường Đại học Thanh Hoa, Tổng Thư ký Diễn đàn Hoà bình thế giới về khả năng Trung Quốc có thể trở thành siêu cường trong 10 năm tới hay không? Cục diện xung quanh Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào? Sách lược ngoại giao của Trung Quốc đang có những điều chỉnh gì? Tiếp tục kiên trì nguyên tắc không liên minh liệu có thể giúp Trung Quốc trỗi dậy? Một số nội dung chính đáng chủ ý như sau:

Tác giả cho rằng thế giới hai cực là không thể tránh khỏi, Trung Quốc chắc chắn sẽ chiếm một cực trong đó. Trong 10 năm tới, tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng USD sẽ tăng lên 1:5; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ đạt 19.000 tỷ USD, khi đó GDP của Trung Quốc cũng sẽ đạt 17.000 tỷ USD tính theo tỷ giá chuyển đổi hiện nay và nếu tính theo tỷ giá hối đoái khi đó sẽ vượt qua Mỹ; năm 2023, sức ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ đối với các đồng tiền khác sẽ đạt tới mức 50% sức ảnh hưởng của đồng USD, thậm chí cao hơn; đồng nhân dân tệ, đồng USD và đồng euro sẽ hình thành thế chân vạc trên thế giới; đến năm 2023, Trung Quốc sẽ có trạm không gian, có ít nhất 3 tàu sân bay được đưa vào hoạt động (thậm chí có thể đạt 5 chiếc), có từ 4-5 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang theo tên lửa đạn đạo với tầm bắn 8.000 km triển khai các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (J-20 và máy bay chiến đầu tàng hình J-31).

Tác giả nhận định trong vòng 10 năm tới, ngoài Trung Quốc, không tìm thấy bất cứ quốc gia nào có sức mạnh quốc gia tổng hợp và sức ảnh hưởng có thể tiếp cận gần Mỹ. Nếu điều này xẩy ra, thế giới sẽ không tránh khỏi xu thế hình thành hai cực, mà một cực trong đó chính là Trung Quốc.

Trước câu hỏi nội bộ xã hội Trung Quốc tích tụ nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai của Trung Quốc, tác giả cho rằng các nước lớn trỗi dậy thành công trong lịch sử đều mang theo nhiều vấn đề nội bộ nghiêm trọng. Mỹ là một ví dụ điển hình. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ có xung đột bạo lực sắc tộc hết sức nghiêm trọng; sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, nhưng vấn đề nội bộ cũng rất nghiêm trọng. Năm nay Chính quyền Obama bị đóng cửa trong 17 ngày, nếu mâu thuẫn nội bộ không nghiêm trọng, liệu có xẩy ra hiện tượng này không?

Vấn đề trong nước chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trỗi dậy trở thành siêu cường của Trung Quốc, những ảnh hưởng tiêu cực này hoàn toàn không có nghĩa Trung Quốc không thể trỗi dậy trở thành siêu cường. Trong vòng 10 năm tới, khoảng cách chênh lệch sức mạnh quốc gia tổng hợp Trung-Mỹ vẫn sẽ không ngừng thu hẹp, trong đó vấn đề trong nước của Mỹ sẽ không ít hơn Trung Quốc, thậm chí có khả năng còn nghiêm trọng hơn Trung Quốc.

Theo tác giả, việc Chính quyền liên bang Mỹ đóng cửa 17 ngày khiến nhiều người tin rằng nước Mỹ đang suy yếu tương đối. Hiện nay, Mỹ đang ra sức ngăn cản tiến trình Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về thực lực với Mỹ, nhưng nỗ lực này chỉ có thể ảnh hưởng đến tốc độ thu hẹp khoảng cách thực lực giữa hai nước, chứ không thể ngăn chặn xu thế lớn trên. Trong 10 năm tới, mấu chốt quyết định quan hệ Trung-Mỹ là cạnh tranh, nhưng cốt lõi của nội dung cạnh tranh sẽ không giống với cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Điều này cũng, cho thấy vì sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất hai nước Trung-Mỹ xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Quan hệ nước lớn kiểu mới này mặc dù không giống với quan hệ Mỹ-Xô, nhưng cũng không phải là quan hệ hữu nghị, tác giả gọi kiểu quan hệ này là “quan hệ giả bạn bè”. Nói một cách cụ thể, cặp quan hệ nước lớn kiểu mới như trên tốt hơn quan hệ Trung- Nhật hiện tại, nhưng không thể bằng quan hệ Trung-Nga, cũng không bằng quan hệ Trung-EU.

Tác giả căn cứ vào mức độ hữu nghị để phân cấp các cặp quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn khác: 1. Quan hệ hữu nghị là quan hệ Trung-Nga; 2. Quan hệ phổ thông là quan hệ Trung-Đức, Trung-Pháp, Trung-Ấn, Trung-Anh; 3. Quan hệ nước lớn kiểu mới là quan hệ Trung- Mỹ; 4. Quan hệ đối kháng là quan hệ Trung-Nhật.

Mỹ-Nhật là đồng minh, hai nước bắt tay đối phó với Trung Quốc là bình thường, nhưng Mỹ sẽ kiểm soát Nhật Bản, không cho phép Nhật Bản dùng phương thức phát động chiến tranh đối kháng với Trung Quốc.

Về chính sách ngoại giao, tác giả cho rằng cùng với việc thực lực của Trung Quốc không ngừng được tăng cường, tầm quan trọng của ngoại giao xung quanh ngày càng trở nên nổi bật. Làm thế nào để xây dựng một mạng lưới ngoại giao xung quanh ổn định hơn, trở thành vấn đề quan trọng mà ngoại giao Trung Quốc phải đối diện. Từ đầu năm đến nay, ban lãnh đạo khóa mới của Trung Quốc ra sức thúc đẩy ngoại giao xung quanh, tiến hành một loạt chuyến thăm đến Đông Nam Á: từ ngày 2-8/10, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức Indonesia, Malaysia, đồng thời tham dự Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Bali. Từ 9-15/10, Thủ tướng Lý Khắc Cường tham dự Hội nghị Trung Quốc-ASEAN (10+1) lần thứ 16, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung, Nhật, Hàn (10+3) lần thứ 16 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 tổ chức tại Brunei, đồng thời thăm chính thức 3 nước là Brunei, Thái Lan và Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm về công tác ngoại giao xung quanh được tổ chức ngày 24-25/10, Tập Cận Bình nhấn mạnh phải đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao xung quanh, nhằm tạo môi trường xung quanh tốt đẹp cho sự phát triển của Trung Quốc, làm cho sự phát triển của Trung Quốc đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nước xung quanh, thực hiện cùng phát triển.

Tác giả nhận định chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang có thay đổi căn bản mang tính phương hướng, trong đó chuyển biến từ sách lược giấu mình chờ thời sang hăng hái hoạt động được coi là một thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao hiện nay của Trung Quốc, thậm chí có thể nói là một sự thay đổi về chất.

Trước đây thái độ của Trung Quốc trong hầu hết các vấn đề quốc tế là không can dự, chỉ tiến hành hợp tác kinh tế với các quốc gia khác, không nói đến vấn đề ngoại giao, nhưng hiện nay Trung Quốc đồng thời tiếp cận cả vấn đề kinh tế và an ninh, thậm chí vấn đề an ninh còn được ưu tiên hơn. Sách lược ngoại giao mà Trung Quốc áp dụng trước đây là lấy quan hệ với Mỹ làm trọng, quan hệ với các quốc gia xung quanh phải nhường chỗ cho quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng hiện nay quan hệ với các quốc gia xung quanh đã trở thành trọng điểm trong quan hệ ngoại giao nhà nước của Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ phải phục tùng quan hệ ngoại giao xung quanh. Do đó, sự thay đổi về sách lược ngoại giao này không đơn giản là sự thay đổi về tính bị động thành chủ động, nó là sự thay đổi mang tính chất căn bản trong chính sách ngoại giao Trung Quốc hiện nay.

Về cục diện xung quanh Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào, tác giả cho rằng hiện nay quan hệ giữa Trung Quốc với Nga, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và các nước khác thuộc khu vực Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á đang được cải thiện. Tuy nhiên, sự thực môi trường xung quanh Trung Quốc hiện nay là Philippines và Nhật Bản theo đuổi quan hệ đối kháng với Trung Quốc, mà sự đối kháng này tương đối nghiêm trọng, trong thời gian ngắn không thể giải quyết. Xét về phạm vi đại cục xu thế môi trường xung quanh Trung Quốc hiện nay, cải thiện quan hệ là dòng chẩy chính, nhưng xét về góc độ đối kháng, vấn đề Nhật Bản và Philippines hết sức nghiêm trọng.

Về nguyên tắc không liên minh liệu có thế giúp Trung Quốc trỗi dậy, tác giả cho rằng nếu Trung Quốc, không từ bỏ chính sách không liên minh đã được thực hiện từ năm 1982 đến nay, Trung Quốc sẽ càng tự làm khó mình trong các vấn đề an ninh quốc tế.

Chính sách không liên minh đã làm cho Trung Quốc không có lấy một đồng minh mang ý nghĩa thực sự. Thiếu đồng minh đã trở thành vấn đề khó khăn chủ yếu nhất của Trung Quốc trong việc cải thiện môi trường quốc tế.

Để ngăn chặn sự cô lập của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cần phải điều chỉnh chính sách không liên minh, sách lược liên minh có thể giúp Trung Quốc tăng số lượng đối tác chiến lược đúng nghĩa. Đến năm 2023, Trung Quốc có thể có khoảng 20 nước đồng minh hoặc quan hệ đối tác chiến lược không chịu hạn chế bởi mọi điều kiện. Mặc dù vẫn ít hơn nhiều so với Mỹ, nhưng bước đầu đã hình thành hệ thống đồng minh chiến lược ổn định có quy mô nhất định.

Hiện nay, các nước xung quanh có tiềm năng trở thảnh đồng minh của Trung Quốc là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Pakistan, Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, Lào, Campuchia. Những nước này đều đang chịu sức ép chiến lược từ Mỹ, vì vậy có nhu cầu cần sự giúp đỡ từ Trung Quốc để tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia./.

 

 

Sorry, the comment form is closed at this time.