BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

530. ẤN ĐỘ TRƯỚC MỐI ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC

Posted by adminbasam trên 06/12/2011

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ hai, ngày 5/12/2011

Số 331 – TTX

ẤN ĐỘ TRƯỚC MỐI ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC

TTXVN (Niu Đêli 26/11)

Tờ “The Pioneer”số ra ngày 25/11 đăng bài viết của nhà phân tích chính trị Ấn Độ Ashok Mehta cho rằng việc Ấn Độ thực hiện chính sách thiên về hòa giải và đánh giá thấp mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả tốt. Trong quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ cần phải hành động đúng tầm của Ấn Độ.

Tại hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Bali (Inđônêxia) mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thẳng thừng bác bỏ việc Trung Quốc phản đối sự có mặt của Ấn Độ tại Biển Đông khi nói với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo rằng lợi ích của Niu Đêli tại vùng biển này “mang tính chất thương mại thuần túy”. Trong khi đó, ông Ôn Gia Bảo cũng rất cứng rắn khi cảnh báo các nước ngoài “chớ can thiệp” vào các tranh chấp tại Biển Đông.

Thủ tướng Singh nhiêu lần nhắc lại rằng “thế giới có đủ không gian cho cả Ấn Độ và Trung Quốc” cùng nổi lên một cách hòa bình. Song Bắc Kinh nói không gian đó chỉ là hợp tác trong một lĩnh vực nào đó. Thủ tướng Singh thừa nhận ông đã 28 lần gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Đó là một kỷ lục đối với một thủ tướng Ấn Độ.

Thế nhưng, ngoài quan hệ thương mại, trong đó chủ yếu do Trung Quốc nắm ưu thế, có rất ít điểm tích cực trong quan hệ song phương. Việc Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm nhập qua Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) vẫn tiếp diễn. Lực lượng quân đội Trung Quốc tập trung dọc biên giới vượt xa khả năng răn đe thông thường của Ấn Độ. Bắc Kinh đã lặng lẽ chiếm 2000 km đường biên giới khu vực Ladakh trên thực tế đã biến vùng Casơmia từ hai bên (Ấn Độ và Pakixtan) thành cuộc tranh chấp ba bên. Tranh cãi giữa Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ kéo dài quá lâu và không thấy có triển vọng được giải quyết.

Hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán về biên giới: 8 vòng từ năm 1981 đến 1987, 14 vòng từ năm 1988 đến 2001, 13 vòng từ 2003 cho tới vòng 14 diễn ra vào cuối tháng 11 này. Hai bên thường chơi trò “trao đổi lãnh thổ’’, phác thảo Tuyến kiểm soát thực tế và đối thoại chính trị, kinh tế và chiến lược.

Ấn Độ đã để lỡ cơ hội trao đổi trong những năm 1960. Trung Quốc đã rút bỏ kế hoạch trao đổi bản đồ vì lo ngại LAC trở thành con tin cho sự có mặt của quân đội Ấn Độ. Các cuộc đàm phán hiện nay – thỏa thuận về các vấn đề chính trị, nghiên cứu khung cho việc phác thảo Tuyến kiểm soát thực tế – bị bế tắc sau khi Trung Quốc rút lại thỏa thuận của họ trước đó về việc không động chạm tới các khu vực đã được giải quyết. Từ đó đến nay họ đã thành công trong việc làm chệch sự chú ý khỏi các vấn đề biên giới sang các lĩnh vực kinh tế và chiến lược. Ảo tưởng về sự đột phá được đặt ra ngay cả khi Thủ tướng Singh nhiều lần kêu gọi các nhà đàm phán Ấn Độ nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh cãi về biên giới .

Một cơ chế phối hợp mới cho việc duy trì hòa bình ổn định dọc tuyến LAC được đưa ra ngay cả khi Trung Quốc lặng lẽ đưa quân tới vùng Gilgit – Baltistal, thuộc vùng Casơmia do Pakixtan chiếm đóng trái phép (POK). Bao biện cho tiến trình chậm chạp của các cuộc đàm phán về biên giơi, tại cuộc hội thảo ở Viện các lực lượng thống nhất ở Niu Đêli, Giáo sư Zhou Gencheng làn việc tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nói rằng mục đích của việc tiến hành chậm chạp các vòng đàm phán là để “duy trì nguyên trạng biên giới tạo điều kiện giữ gìn hòa bình và ổn định’’. Ông viện dẫn các Hiệp định về Hòa bình và ổn định năm 1993 và các biện pháp xây dựng lòng tin năm 1996 cũng nhằm mục đích trên, và nói rằng việc giải quyết vấn đề biên giới do lịch sử để lại “rất phức tạp đòi hỏi phải có thời gian và sự kiên nhẫn”. Bởi vậy, những người lạc quan có nhiều lý do để chờ đợi sự đột phá.

Bài báo cảnh báo Ấn Độ không được phép mắc sai lầm: Trung Quốc sẽ kéo dài vấn đề tranh chấp biên giới để gây thiệt hại lớn cho Ấn Độ cho tơi khi Bắc Kinh cảm thấy có thể áp đặt được giải pháp theo các điều kiện của họ, và sau khi lãnh tụ tinh thần của người tây tạng Đatlai Latma qua đời. Trung Quốc ngày càng quan tâm sâu sắc đến Tawang và Arunachand Pradesh (họ gọi là Nam Tây Tạng), nơi trở thành điểm chính trong tranh cãi biên giới giữa hai nước. Trung Quốc đã kín đáo ngỏ ý rằng nếu Ấn Độ chịu nhường Tawang và Aksai Chin thì họ sẽ từ bỏ tất cả các yêu sách lãnh thổ khác với Ấn Độ, trong đó có Arunachand Pradesh. Tawang rất quan trọng đối với Trung Quốc vì phong trào Khampa chống Chính quyền Trung Quốc hồi những năm 1960 ở Tây Tạng xuất phát từ thành phố này và cuộc nổi dậy trong tương lai ở Tây Tạng cũng có thể bắt nguồn từ nơi đây.

Sự chuẩn bị về quân sự của Ấn Độ rất chậm chạp và hầu như không có gì thay đổi trong hai thập kỷ qua ngoại trừ một số thay đổi lực lượng và nâng cấp hạ tầng. Chỉ một phần nhỏ khuyến nghị tăng cường lực lượng quân sự được thực hiện năm 1988. Bộ trưởng Quốc phòng A.K Antony cũng đã thừa nhận Ấn Độ bị tụt hậu trong tiến trình hiện đại hóa quân đội, trong khi Trung Quốc vượt xa Ấn Độ về xây dựng hạ tầng và khả năng quốc phòng. Bởi vậy, nguy cơ Tawang bị chiếm đoạt hoặc một chiến dịch đột kích vào thành phố này giống như chiến dịch Kargril (quân Pakixtan xâm nhập vào chiếm lĩnh một thời gian vùng núi Kargil thuộc bang Giamu và Casơmia của Ấn Độ năm 1999) là có thể xảy ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sử dụng chiến lược của Khổng Tử để đạt được mục đích đó: trói chặt Ấn Độ vào khu vực Nam Á bằng cách kéo dài tranh cãi biên giới và bao vây Ấn Độ. Hiện Bắc Kinh đã trở lại với trò chơi cũ bằng cách cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân ở vùng Đông Bắc của Ấn Độ.

Có hai lý do khiến Ấn Độ có xu hướng hòa giải và hạ thấp mối đe dọa từ Trung Quốc: dư âm của thất bại trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962, và tránh để không rơi vào thế phải đương đầu với cuộc chiến tranh trên hai mặt trận. Niu Đêli hiện không có đủ nguồn lực để tạo thế răn đe thông thường trên hai mặt trận. Khả năng răn đe bằng lực lượng thông thường của Ấn Độ vốn đã không phù hợp lại càng giảm sút bởi chính sách không đánh đòn hạt nhân phủ đầu của mình trong khi chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên của Trung Quốc là mơ hồ.

Ấn Độ cần phải khắc phục điểm yếu của của mình bằng các biện pháp khác mà nước này cho đến nay vẫn ngại sử dụng. Việt Nam, Đài Loan và Tây Tạng là các đòn bẩy chưa được sử dụng. Ngoài ra Ấn Độ cần phải lợi dụng các điểm gây sức ép khác – ngoài khơi eo biển Malắcca, vùng ven biển Mianma để tạo áp lực đối với việc vận chuyển bằng đường biển của Trung Quốc. Điểm khởi đầu đã được thực hiện tại Hà Nội. Niu Đêli cần lấy lại thế đã mất tại Nêpan, Xri Lanca và ngăn chặn việc để mất thêm ảnh hưởng vào tay Trung Quốc.

Giáo sư John Lee thuộc trường Đại học Xítni khẳng định rằng việc quan hệ thương mại được tăng cường không những không làm giảm căng thẳng; mà còn làm sâu sắc thêm sự cạnh tranh và kình địch về lâu dài. Trung quốc không thể nổi lên một cách hòa bình khi các cường quốc khác cũng nổi lên đồng thời. Không gian địa chính trị không đủ lớn để đảm bảo cho sự nổi lên của bất kỳ một cường quốc nào mà không gây căng thẳng như không khí tại Hội nghị cấp cao Đông Á mới đây đã cho thấy.

Quản lý sự nổi lên của Trung Quốc không chỉ khiến một mình Ấn Độ đau đầu. Đây là mỗi quan ngại đầu tiên của nước Mỹ đang suy yếu – một nước Mỹ mang món nợ lớn với Bắc Kinh và nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay vào năm 2020. Chi phí quân sự của Mỹ cũng đã giảm suống thấp nhất kể từ năm 1940 đến nay. Tuy vậy, Mỹ vẫn là cường quốc số một của thế giới. Trong quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ cần phải hành động đúng tầm của Ấn Độ./.

2 bình luận to “530. ẤN ĐỘ TRƯỚC MỐI ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC”

  1. […] ẤN ĐỘ TRƯỚC MỐI ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC […]

  2. […] -ẤN ĐỘ TRƯỚC MỐI ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC basam–THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM Tài liệu tham khảo đặc biệt Thứ hai, ngày 5/12/2011 Số 331 – TTX ẤN ĐỘ TRƯỚC MỐI ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC TTXVN (Niu Đêli 26/11) Tờ “The Pioneer”số ra ngày 25/11 đăng bài viết của nhà phân tích chính trị Ấn Độ Ashok Mehta cho rằng việc Ấn—‘Mỹ và Israel chiến tranh ngầm với Iran’ (06/12)—– Like this:LikeBe the first to like this post. […]

Sorry, the comment form is closed at this time.