BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

753. XUNG QUANH CUỘC KHỦNG HOẢNG HẠT NHÂN IRAN (Phần 1)

Posted by adminbasam trên 22/02/2012

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

XUNG QUANH CUỘC KHỦNG HOẢNG HẠT NHÂN IRAN

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ ba, ngày 21/2/2012

(phần 1)

TTXVN (Angiê 14/2)

Cấm vận dầu mỏ và những hệ lụy

Năm 2012 khởi đầu với việc phương Tây trừng phạt Iran bằng mưu đồ Cm vận dầu mỏ nước này. Giáo sư Chems Eddine Chitour, thuộc trường Bách khoa Angiêri, đặt ra một loạt câu hỏi: Liệu cấm vn có tác dụng không? Liệu cấm vận có bóp nght Iran không? Liệu cấm vn có lt đ được Tổng thống Ahmadinejad và thay vào đó một con ri thân phương Tây sẽ dừng chương trình hạt nhân dân sự và, từ đó, đáp ứng đòi hỏi của Mỹ và Ixraen, không? Hậu quả của cm vn sẽ ra sao? Ông lý giải trên tạp chí “Mondialisation” như sau:

Iran nắm giữ 10% trữ lượng dầu mỏ thế giới đã được khẳng định (giúp nước này đứng thứ 3 thế giới). Iran cũng có trữ lượng khí đốt tự nhiên đứng thứ hai thế giới (chiếm 15% tổng trữ lượng thế giới) và các nguồn tài nguyên này được khai thác chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước. Iran cũng là một nước lớn đang định đa dạng hóa một cách hợp lý việc sử dụng các nguồn tài nguyên này, cụ thể bằng cách xây đập thủy điện…

Đức và Pháp đã thành công trong việc “áp đặt” lệnh cho các nước nhỏ không được mua dầu mỏ của Iran. Mỹ tỏ ra hài lòng khi thấy các nước Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để áp đặt cấm vận mua dầu mỏ Iran và coi đó là một “tin rất tốt lành”. Có tới 80% số thu ngoại tệ của Iran, nước sản xuất dầu mỏ thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), là từ nguồn xuất khẩu dầu mỏ, khoảng 100 tỷ USD trong thời gian từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2012. Nga, Trung Quốc và một số nước châu Á khác mới đây khẳng định phản đối cấm vận dầu mỏ. Trong thời gian qua, Mỹ tăng cường trừng phạt chống ngành dầu mỏ của Iran bằng cách đóng băng tài sản của tất cả các thể chế tài chính nước ngoài có quan hệ buôn bán với Ngân hàng trung ương Iran trong lĩnh vực dầu mỏ. Têhêran dọa phong tỏa eo biển Hormuz, hành lang thông thương chiến lược nơi khoảng 30% lượng vận chuyển dầu mỏ thế giới bằng đường biển, đi qua. Tình hình căng thẳng dai dẳng tác động đến dầu mỏ Brent, đẩy mức giá lên cao nhất (112,59 USD/thùng) kể từ ngày 15/11/2011. Iran sản xuất khoảng 3,5 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, trong đó gần 18% sang châu Âu. Để tránh áp lực trừng phạt của phương Tây, Iran quay sang châu Á nhằm giảm sự lệ thuộc vào thị trường châu Âu. Pháp và Đức bảo vệ ý kiến về cấm vận đối với việc mua dầu mỏ của Iran, nhưng một số nước châu Âu phản đối quyết liệt. Têhêran bán khoảng 450.000 thùng sang châu Âu, chủ yếu cho Italia – nước phụ thuộc tới hơn 40% vào dầu mỏ của Iran (180.000 thùng), Tây Ban Nha (160.000 thùng) và Hy Lạp (100.000 thùng). Hơn nữa, việc tìm kiếm các nguồn thay thế khác từ Arập Xêút (nước tuyên bố sẵn sàng cung cấp thêm dầu mỏ) và Libi, vẫn không có gì là chắc chắn và hoàn toàn không làm yên lòng các nước châu Âu nghi ngại. Theo một số dự đoán, Libi hiện sản xuất khoảng 800.000 thùng/ngày.

Tuần báo “Asemen” dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Rostam Qasemi, tuyên bố giá một thùng dầu có thể lên tới mức 200 USD trong trường hợp phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Têhêran. Theo ông Nicholas Sarkis, Giám đốc Trung tâm Arập nghiên cứu dầu mỏ, cấm vận nhập khẩu dầu mỏ Iran sẽ gây ra hậu quả đáng kể đối với thị trường dầu mỏ vì hai lý do. Thứ nhất, cấm vận sẽ khiến các nước tiêu thụ mất đi nguồn cung ứng từ Iran đối với mọi thứ liên quan đến dầu mỏ. Thứ hai, sẽ có nguy cơ Iran trả đũa. Têhêran không giấu giếm ý định đó. Không ai có thể dự báo giá dầu có thể tăng đến mức nào. Cũng không thể đưa ra một con số cụ thể trước khi các biện pháp cấm vận được áp dụng. Song điều chắc chắn là giá sẽ tăng rất mạnh, có thể lên tới 150 USD, 180 USD, thậm chí 200 USD/thùng hay cao hơn nữa. Mọi giả thiết đều có thể xảy ra. Điều chắc chắn là một khả năng như vậy sẽ dẫn đến những hệ quả tai hại đối với thị trường dầu mỏ.

Đối với ông Nicholas Sarkis, điều chắc chắn nữa là sẽ có tác động đến nền kinh tế của tất cả các nước tiêu thụ dầu mỏ, kể cả các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu vốn là những nước phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ Iran. Nhu cầu sẽ tăng trong khi năng lực sản xuất bị hạn chế và việc phát hiện mỏ mới lại càng ít. Phát triển năng lực sản xuất mới lại tương đối chậm. Nguy cơ là rất lớn đối với Mỹ và châu Âu nếu họ quyết định cấm vận và cấm nhập khẩu dầu mỏ Iran. Từ nhiều năm nay, Mỹ và châu Âu đã tìm cách bóp nghẹt Iran để gây áp lực và buộc nước này phải dừng chương trình hạt nhân. Cho đến nay, họ vẫn không thành công. Tăng cường trừng phạt, dù trong lĩnh vực dầu mỏ, tài chính hay một lĩnh vực nào khác, cũng sẽ khiến nền kinh tế Iran gặp rủi ro và trong trường hợp đó, cần dự báo trước những biện pháp trả đũa của Iran.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các biện pháp cấm vận mới được áp dụng? Thực tế sẽ không có gì đặc biệt xảy ra vì giá dầu có thể sẽ tăng trong một thời gian rất ngắn rồi lại đột ngột hạ xuống. Phương Tây lo sợ và chơi trò dọa nạt người khác khi nói đến thảm họa đóng cửa eo biển Hormuz. Liệu đó có phải là ngày tận thế của thế giới không? Thực tế chỉ có các nước nhỏ là những nước đầu tiên bị ảnh hưởng. Trước hết, Mỹ không bị ảnh hường vì họ sẽ tìm dầu ở nơi khác. Hơn nữa, cần phải không bao giờ quên rằng Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), được coi là sen đầm dầu khí phục vụ cho Mỹ, sẽ canh chừng. Thể chế này do Henry Kissinger thành lập năm 1974 để “đánh sập OPEC”. Và theo quy chế, tất cả các nước thành viên – kể cả các nước NATO – có nghĩa vụ phải thành lập kho dự trữ an toàn có thể dùng được trong 90 ngày để giảm tác động của cú sốc trong trường hợp xảy ra xung đột. Nói rõ hơn là nếu xung đột xảy ra, các nước thành viên IEA sẽ mở kho dự trữ và tạo ra một lượng dầu nhiều giả tạo triệt tiêu hệ quả của việc tăng giá do khan hiếm tình thế.

“Cách làm” này hoàn toàn trái ngược với tinh thần học thuyết tự do cung cầu, nhưng ai sẽ phản đối đây? Các kịch bản này đã được chúng minh trong các cuộc xung đột vừa qua. Tuy nhiên cuộc xung đột không được kéo dài hơn 3 tháng. Mỹ và đồng minh có phương tiện để chống tăng giá. Chỉ có các thị trường tài chính đầu cơ có thể làm rối loạn giá. Từ thực tế đó, không nên ngây thơ mà tin rằng cuộc vui của OPEC sẽ có tác dụng vì quyết định được đưa ra ở chỗ khác rồi được Arập Xêút và các ông vua nhỏ khác ở vùng Vịnh thông báo và áp đặt vì lợi ích của Mỹ. Tháng 12/2011, tại một cuộc họp của OPEC, Iran đã từng đòi giảm lượng dầu sản xuất của Arập Xêút và Côoét, nhưng vô ích. Người ta nói rằng Mỹ là thành viên quan trọng nhất của OPEC.

Tuy nhiên, dường như Mỹ lại gặp khó khăn ở khắp nơi. Theo chuyên gia Robert Bibeau, Mỹ đang trong quá trình suy tàn như đã thấy từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Sau chưa đến 70 năm độc quyền trị vì, đế chế của phương Tây sẽ tiếp tục sa sút trong năm nay. Quá trình hấp hối của Mỹ đã bắt đầu từ năm 2008 – với cuộc khủng hoảng tiền tệ – rồi tiếp diễn trong năm 2011 – với cuộc khủng hoảng nợ công – sẽ tiếp tục trong năm 2012 và còn tiếp vài năm sau đó nữa. Trong thời kỳ đó, Mỹ sẽ đồng thời không có khả năng trả nợ và không thể chèo lái được, từ đó biến thành một “con tàu mất lái”. Đó là con tàu chỉ huy của hạm đội đế quốc phương Tây. Đế chế Mỹ suy thoái là điều chắc chắn. Việc phát hành thêm đồng USD trong hai năm 2009 và 2010 chỉ làm con tàu đó thêm mất phương hướng. Các công ty xếp hạng tín dụng Ănglô Xắcxông và các chủ ngân hàng ở Wall Street biết rõ điều đó và trong năm 2012, không có gì đáng ngạc nhiên nếu họ sẽ chuyển đổi một phần tài sản của mình – đồng USD – sang đồng euro, nhân dân tệ, phơrăng Thụy Sỹ, vàng…

Trong thế giới phương Tây, chủ nghĩa đế quốc Mỹ đang hoảng loạn – kẻ thù không đội trời chung của đế quốc Trung Hoa – sẽ tìm cách khơi dậy làn sóng bảo hộ mậu dịch và dân tộc chủ nghĩa cuồng tín, đồng thời cả ý định thúc đẩy cuộc “Chiến tranh Lạnh” tai hại chống Trung Quốc. Năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã xác định khuôn khổ và đưa ra minh chứng cho một cuộc đối đầu trên quy mô lớn và lâu dài với Trung Quốc. Đó sẽ là một nỗ lực tuyệt vọng để duy trì ảnh hưởng và bảo vệ các vị trí chiến lược của Mỹ ở châu Á và khắp nơi trên thế giới. “Bộ tứ quyền lực” của quân đội Mỹ – Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia và Hàn Quốc – với sự trợ giúp của nước vệ tinh Philíppin, sẽ tìm cách phá hủy mối liên hệ thương mại của Trung Quốc bằng sức mạnh quân sự của Mỹ. Một số chiến, lược gia của Lầu Năm Góc và Wall Street nghĩ rằng do xuống cấp về kinh tế và xã hội nên Mỹ phải thực hiện hành động “mạnh bạo và nguy hiểm” này. Mất ổn định trong cung ứng dầu mỏ của Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu sẽ giúp Mỹ (nước không mua dầu ở Trung Đông) có được uy lực đối với các thị trường chứng khoán.

Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số một mặc dù mức tăng ngân sách quân sự suy giảm. Ngoài ra còn phải kể đến vai trò của các nước chư hầu của Mỹ. Để có thể bóp nghẹt Iran về phương diện tài chính, không được để các nước mua dầu của Iran thiếu dầu. Đó chính là khâu mà các nước vùng Vịnh và chủ yếu là Arập Xêút, với vai trò người mở van, can thiệp. Chuyên gia Karrim Mohsen đặt câu hỏi về kho vũ khí của Arập Xêút. Nước này vừa mua 84 máy bay F-15 của Mỹ với món tiền không nhỏ là 29,4 tỷ USD. Mua vũ khí để chống lại ai đây? Chống Ixraen hay chống Iran? cần biết rằng trong các vụ bán vũ khí cho các nước Arập, có một điều khoản cấm sử dụng số vũ khí đó để chống lại Ixraen. Nói như vậy có nghĩa là “kẻ thù” cần chống khi Mỹ bán vũ khí cho Arập Xêút đã được xác định: đó là Iran. Từ đó, người ta nhận thấy có một kẽ hở: Arập Xêút, nước có trụ sở của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC, bao gồm 57 nước, trong đó có Iran) có thể là kẻ thù của một nước Hồi giáo khác chăng? vấn đề được đặt ra với tất cả tính hệ trọng của nó: cuộc chiến mà Mỹ đang tiến hành chống Iran liệu có thể là cuộc chiến của Arập Xêút không?

Một cuộc tấn công chống Iran đã được thông báo từ nhiều năm nay bởi các cơ quan tình báo tư nhân, trong đó có các cơ quan nghiêm túc nhất. Để làm được điều đó, cần phải nhổ cái chốt Xyri. Đến lúc đó sẽ là không khó đối với Ixraen, nước đang sốt ruột, để băng qua lãnh thổ Xyri để thử nghiệm tên lửa Jericho đối với Iran.

Theo ông Gilles Munier, gây mất ổn định ở Xyri cũng như ở Iran, nằm trong kế hoạch chia nhỏ thế giới Arập trên cơ sở sắc tộc, bộ tộc hay tôn giáo. Các biện pháp phản công được đưa ra để đưa “Mùa Xuân Arập” đi trệch khỏi mục tiêu ban đầu dường như bắt nguồn từ kế hoạch Yinon có từ năm 1982. Đó là tên của một viên chức Bộ Ngoại giao Ixraen, thẹo đó sẽ tạo ra các Nhà nước nhỏ đối nghịch nhau trong thế giới Arập. Chính sách pháo hạm – hay chính sách tàu sân bấy – được sử dụng trở lại, như ở thế kỷ 19 phục vụ lợi ích kinh tế và địa chiến lược của phương Tây. Iran, Nam Tư cũ, Ápganixtan, cốt Đivoa, Libi và sắp tới có thể là Xyri và Iran, đã, đang và sẽ là nạn nhân của chính sách đó, Nhiều nhà phân tích nghĩ rằng để thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế và chính trị, Mỹ và đồng minh sẽ tấn công cả Nga và Trung Quốc. Tổng thống Obama sợ nhóm vận động hành lang Do Thái đến mức sẽ dần dần làm đủ mọi thứ đế bảo đảm có được lá phiếu của người Do Thái trong cuộc bầu cử năm nay. Sau mỗi lần bị cáo buộc không đủ cứng rắn đối với Iran, Mỹ lại tăng thêm một nấc các biện pháp chống nước này.

Trước thảm họa được báo trước, liệu con tàu Trái Đất có còn ai chỉ huy không? Cuộc chạy đua xuống vực thẳm chứa đựng nhiều mối nguy hiểm. Tại sao không ngồi vào bàn với nhau và đàng hoàng nói về tương lai của nhân loại với sự tôn trọng lẫn nhau và trước hết yêu cầu 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép thanh sát chương trình hạt nhân của chính họ và tại sao không nói về phi hạt nhân hóa khu vực Trung Đông? Tại sao lại sử dụng vũ lực để giành lấy cái không phải là của mình? Tại sao lại dùng máy bay chiến đấu để áp đặt nền dân chủ giả tạo nhưng lại mang theo sự hỗn mang, máu lửa, nước mắt và bạo lực thường xuyên? Tại sao không giải quyết vấn đề vị trí của con người so với vốn tư bản và chủ nghĩa mậu dịch tự do quá mức? Khi chỉ vài nghìn đầu nậu kinh tế giàu có hơn nửa nhân loại ắt sẽ dẫn đến sự phẫn nộ. Một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ lan ra toàn thế giới. Trung Quốc và Nga sẽ không để mặc người khác muốn làm gì thì làm vì rốt cuộc, cũng sẽ đến lượt họ trở thành nạn nhân, Đó có thể là ngày tận số của nhân loại đã được dự báo trong lich của người Maya.

Eo biển Hormuz hay là ngòi n chiến tranh

Nhà lãnh đạo tối cao Cộng hòa Hồi giáo Iran, giáo chủ Ali Khamenei, dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 1/3 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua nếu Liên minh châu Âu ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran.

Theo đánh giá của nhà phân tích Cherif Ouazani của tạp chí “Jeune Afrique”, đây là một hành động nhằm mục đích đối phó với tình hình trong nước trong khi chính quyền chia rẽ và làn sóng phản kháng có thể lại nổ ra vào dịp tổng tuyển cử vào tháng Ba tới, cuộc bỏ phiếu đầu tiên kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi năm 2009. Bởi lẽ cả ở Iran, “Mùa Xuân Arập” cũng làm đảo lộn tình hình. Một nguyên nhân gây lo ngại khác là tham vọng quá mức của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, người tích cực vận động hành lang để truất quyền lực rộng rãi của giới tăng lữ.

Nhưng Mỹ, Pháp, Anh và Liên minh châu Âu rất quan tâm đến lời đe dọa này: eo biển Hormuz nếu bị đóng cửa có thể sẽ kéo giá dầu lên tới 200 USD/thùng. Một tin rất không tốt lành trong thời khủng hoảng tài chính này, đặc biệt đối với Liên minh châu Âu và Mỹ đang trong cơn khủng hoảng tài chính.

Điều đáng nói ở đây là không phải là Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, người nổi tiếng với những tuyên bố hay hành động mang tính khiêu khích, đưa ra lời đe dọa này, mà là giáo chủ Khamenei, nhân vật quyền lực nhất Iran, với quyền lực tôn giáo và chính trị vô biên, trong đó có chức Tổng tự lệnh tối cao quân đội. Là người hoạch định chính sách đối ngoại của Iran, ông trực tiếp lãnh đạo các thể chế chủ chốt của Iran, từ tư pháp đến giáo dục hay tình báo, thông qua một mạng lưới những người trung thành có cùng mối thâm thù phương Tây như ông và một tầng lớp tăng lữ có cùng niềm tin như ông. Chỉ có ông là người duy nhất có thể ra lệnh đóng cửa eo biển Hormuz, từ đó có thể gây ra một cuộc xung đột vũ trang với hậu quả khôn lường đối với toàn khu vực, thậm chí còn xa hơn nữa. Hơn nữa, ông không sợ một cuộc đối đầu quân sự.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Jacques Beniliọuche cho rằng các chính khách thường hay coi nhẹ những bài học của lịch sử. Cách đây 45 năm, việc Tổng thống Ai Cập thời đó, Gamal Abdel Nasser, đơn phương đóng cửa eo biển Tiran đã khiến cuộc Chiến tranh Sáu ngày nổ ra sớm hơn. Ý định của Iran đóng cửa eo biển Hormuz cũng có thể gây ra những hậu quả tương tự.

Cuộc Chiến tranh Sáu ngày hồi đó được phát động như một cuộc “tấn công phòng ngừa” của Ixraen chống lại các nước láng giềng Arập, sau khi eo biển Tiran bị Ai Cập phong tỏa ngày 23/5/1967 khiến tàu của Ixraen không qua lại được. Trước đó Ixraen đã cảnh báo việc đóng cửa lối ra, vào biển Đỏ và cảng Eilat sẽ bị coi là hành động tuyên chiến.

Hiện nay, các nhà lãnh đạo Iran muốn biến việc kiểm soát eo biển Hormuz thành việc phô trương sức mạnh của mình và, cũng như Gamal Abdel Nasser, gây ấn tượng đổi với dư luận ở các nước Arập và Hồi giáo cũng như củng cố quyền lực của mình, vấn đề đối với Têhêran cũng là để thử phản ứng của phương Tây và một Chính quyền Obama bị coi là suy yếu. Nhưng phải biết dừng ở chỗ nào vì dường như Têhêran cố tình lao vào một cuộc đối đầu vũ trang tự vẫn.

Hơn 1/3 lượng dầu mỏ của thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz và ngăn cản giao thương ở eo biển nhỏ hẹp này có thể dẫn đến những hậu quả lớn mà Mỹ không thể chấp nhận. Để ra dấu hiệu cảnh báo, ngày 28/12/2011 Mỹ đã cho tàu sân bay USS C. Stennis đi qua eo biển Hormuz với thủy thủ đoàn gồm 6.000 người và 75 máy bay chiến đấu trên boong. Mỹ cũng cử một tàu sân bay khác đên hỗ trợ, chiếc USS Abraham Lincoln, và ra lệnh cho chiếc tàu sân bay thứ ba, chiếc USS Vinson, ngay lập tức rời Hồng Công.

Chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Iran, tướng Hossein Salamin, ngày 29/12/2011 khẳng định: “Mỹ không có khả năng nói với Têhêran cần phải làm gì ở eo biển Hormuz.” Iran dọa phong tỏa bằng mìn eo biến Hormuz để trả đũa ý đồ của Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt tài chính chống nước Cộng hòa Hồi giáo đang thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Tổng thống Barack Obama đã ký một văn bản cho phép truy tố tại Mỹ các ngân hàng thực hiện giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran.

Toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ Iran với biện pháp có hiệu lực ngay là giảm 25% nhập khẩu năng lượng từ Iran.

Đáp lại, Iran gồng mình lên. Nhiều lời đe dọa của Iran được phía Mỹ lưu tâm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta, cảnh báo “Mỹ sẽ đáp trả bằng sức mạnh nếu Iran tìm cách phong tỏa eo biển Hormuz, điểm qua lại có tính chiến lược đối với việc vận chuyển dầu mỏ trên biển” và nói đến “chỉ giới đỏ” không được vượt qua. Têhêran dọa thả mìn ở phía trước các mỏ dầu và cảng dầu mỏ của các nước sản xuất dầu mỏ ở vịnh Pécxích, đặc biệt là Arập Xêút. Iran thường có những hành động như vậy vì năm 1988, trong cuộc chiến tranh Iran-Irắc, họ đã rải mìn trong vịnh Pécxích gây thiệt hại cho một số tàu chở dầu và tàu khu trục USS Samuel B.Roberts của Mỹ vướng phải một quả mìn M-08 đã bị hỏng nặng. Lúc đó Mỹ đáp trả bàng việc không kích hai dàn khoan dầu của Iran. Hành động đó đã khiến Iran phải cùng với Irắc chấm dứt chiến tranh.

Cho đến lúc này, những lời đe dọa của Mỹ không làm cho Iran sợ. Tổng tham mưu trưởng Ataollah Salehi tuyên bố: “Chúng tôi khuyên tàu sân bay Mỹ Stennis, đã từng qua eo biển Hormuz và hiện đang ở biển Oman, không nên quay lại vịnh Pécxích. Iran không có ý định nhắc lại lời cảnh báo của mình và sẽ làm tất cả để bảo đảm an ninh ở eo biển Hormuz.”

Cùng với lời đe dọa đó, Iran thông báo thử tên lửa trong vùng eo biển Hormuz khiến việc đi lại ở vùng này phải ngừng lại trong 5 tiếng đồng hồ. Ngày 2/1, Hải quân Iran đã phóng hai quả tên lửa hành trình, một là loại đất đổi biển Ghader có tầm bắn 200 km và một là loại hạm đối hạm Nour bắn xa tới 100 km. Theo Têhêran, hai loại này có thể phá hủy được tàu sân bay.

Ở phía bên kia, Mỹ tỏ ra lưỡng lự. Bên cạnh việc phô trương sức mạnh bằng cách cử tàu sân bay với hạm đội hộ tống đông đảo đi vào Địa Trung Hải và biển Đỏ, Mỹ tránh để khỏi bị khiêu khích và lối nói hùng hổ mà trước đây người ta đã thấy có thể dẫn đến thảm họa khi không ai có thể lùi để khỏi bị mất mặt.

Năm 1967, Tổng thống Gamal Abdel Nasser đã đưa Ai Cập và các đồng minh Xyri và Gioócđani đến thảm họa quân sự vì quá nóng vội và đặc biệt vì không muốn nhìn thẳng vào sự thật về tương quan lực lượng quân sự. Oasinhtơn muốn để người khác hiểu rằng mình không tìm kiếm sự đối đầu với Iran. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, George Little, khẳng định rõ ràng: “Không ai trong Chinh phủ Mỹ tìm kiếm sự đối đầu về vấn đề eo biển Hormuz. Điều quan trọng là phải làm cho áp lực giảm xuống.”

Ixraen cũng có ý định giảm bớt tác động của những hành động khiêu khích và thái độ ngạo mạn của Iran khi nói rõ rằng sức mạnh quân sự của Iran không địch nổi với sức mạnh của phương Tây. Phó Thủ tướng Ixraen kiêm Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược thuộc phái diều hâu, Moshé Yaalon, cho rằng các cuộc tập trận của Iran trước hết cho thấy nước này hoảng sợ trước các biện pháp trừng phạt nhằm chấm dứt tham vọng hạt nhân của họ. Theo ông, “trên thực tế, điều đó không thể được coi là cân bằng sức mạnh giữa hai bên được.” Ông muốn siết chặt trừng phạt kinh tế chống Têhêran hơn nữa khi nói rằng “giải pháp quân sự vẫn là giải pháp cuối cùng” để ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân.

Các mối đe dọa của Iran được tung ra đúng lúc diễn ra cuộc tập trận được lên kế hoạch từ lâu giữa Ixraen và Mỹ với tên gọi “Austere Challenge-12”. Mục tiêu của cuộc tập trận là thiết lập một tấm lá chắn chống tên lửa chung và phối hợp giữa quân đội hai nước. Mỹ muốn tạo cho cuộc tập trận này một quy mô đặc biệt nhằm mục đích vừa răn đe vừa để chuẩn bị cho việc có thể hỗ trợ hành động quân sự của Ixraen chống các cơ sở hạt nhân của Iran, điều cho đến lúc này vẫn chưa được dự kiến.

Hàng nghìn lính Mỹ bao gồm phi công, các đội đánh chặn tên lửa, lính thủy đánh bộ, kỹ thuật viên và nhân viên tình báo đã đến Ixraen. Anh cũng được thông báo về cuộc tập trận này và nói rõ họ sẵn sàng tham gia hành động quân sự chống Iran nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa. Một cuộc họp về vấn đề này đã diễn ra tại Oasinhtơn giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen, Ehoud Barak, và các Tham mưu trưởng quân đội Martin Dempsey và Benny Gantz cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Philip Hammond.

Các cuộc tập trận và lời đe dọa của Iran làm gia tăng căng thẳng trong vùng vốn đã căng thẳng với việc làm mất ổn định chế độ Đamát, đồng minh chính của Iran được Nga ủng hộ bằng mọi giá. Nguy cơ phong tỏa tuyến cung ứng dầu mỏ dẫu sao cũng đã dẫn đến việc thành lập một liên quân phương Tây và một hạm đội tàu chiến hùng hậu, kể cả tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp cũng có thể tham chiến chống Hải quân Iran nếu nước này không kìm hãm được ý đồ chiến tranh. Trên thực tế, chương trình hạt nhân của Iran gây trở ngại cho Mỹ và Anh ít hơn là tất cả những lời đe dọa đối với tự do hàng hải ở khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Nhưng Chính phủ Iran vẫn tiếp tục đi theo lối cũ và vừa thông báo tiến hành tập trận quy mô lớn vào tháng Hai cũng ở eo biển Hormuz và trong vịnh Pécxích với mật danh “Nhà Tiên tri vĩ đại”. Như vậy, có nguy cơ cuộc tập trận của Têhêran diễn ra cùng lúc với cuộc tập trận chung giữa Ixraen và Mỹ. Những bài học của lịch sử như vậy bị quên đi quá nhanh.

Ai được gì, ai mất gì, nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa?

“Nếu bạn hỏi tôi điều gì khiến tôi mất ngủ cả đêm, tôi sẽ nói đó là eo biển Hormuz và những gì đang diễn ra ở vùng Vịnh.” Câu nói này của Đô đốc Jonathan W. Greenert, Cục trưởng Cục tác chiến Hải quân Mỹ, cho thấy việc Chính phủ Iran dọa đóng cửa eo biển này nếu bị Liên minh châu Âu cấm vận dầu mỏ, khiến các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, quan tâm như thế nào. Hơn nữa, Mỹ cho rằng về mặt kỹ thuật, phong tỏa eo biển này là quá dễ dàng đối với Hải quân Iran, giống như việc “uống một cốc nước” theo cách nói của một nhà lãnh đạo Iran.

Nhưng đối với các nhà quan sát thông thạo, phong tỏa eo biển Hormuz sẽ là hành động tự sát về kinh tế đối với Iran. Dưới đây là ý kiến của ông Franeois Géré, nhà sử học, chuyên gia địa chính trị, chủ tịch sáng lập Viện phân tích chiến lược Pháp (IFAS), chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu cao cấp quốc phòng (IHEND), Giám đốc nghiên cứu thuộc trường Đại học Paris III; và ông Francis Perrin, Giám đốc tạp chí “Dầu mỏ và khí đốt Arập”, khi trả lời phỏng vấn các tạp chí “Đại Tây Dương” và “Affaires Stratégiques”.

Hỏi: Liệu Iran có khả năng về quân sự để phong tỏa eo biển Hormuz không?

Trả lời: Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz, nhưng sẽ gặp khó khăn. Phong tỏa một vùng biển có khoảng cách hẹp giữa mũi Oman ở phía Nam và thành phố Bandar Abbas cũng như các hòn đảo thuộc Iran ở phía Bắc, sẽ không thể gây rối loạn trên diện rộng được. Iran đã từng đóng cửa eo biển này trong thời kỳ 1986-1987.

Iran có thề áp dụng hai chiến thuật. Hoặc thả mìn là việc rất dễ thực hiện và gây trở ngại lớn cho tàu bè. Hoặc đe dọa bằng tên lửa đât đối biển do Trung Quốc sản xuất. Các loại vũ khí này đã được cải tiến đáng kể trong thời gian qua. Iran tuy không thể đóng cửa hoàn toàn eo biển Hormuz, song có thể gây nhiều khó khăn khi làm giảm đáng kể nhịp độ giao thông hàng hải, đồng thời khiến các tàu từ các nơi khác đến phải được hộ tống bởi – điều này là bắt buộc – tàu của Hải-quân Mỹ.

Hỏi: Hậu quả kinh tế nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz là gì? Liên minh châu Âu liệu có thể đối phó với tình trạng thiếu dầu không?

Trả lời: Trước hết tôi nghĩ rằng Iran sẽ không đóng cửa eo biển Hormuz. Tôi không chắc nước này có đủ phương tiện dể làm điều đó, nhưng tôi chắc chắn rằng nếu có đủ phương tiện, Iran cũng sẽ không thể duy trì đươc việc phong tỏa trong một thời gian dài khi phải đối mặt với Hạm đội V của Mỹ. Ngoài ra còn lực lượng Hải quân của một số nước khác. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng Iran cũng không có lợi gì khi đóng cừa eo biển Hormuz vì các khách hàng chính của họ là các nước châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng không phải chỉ có hai nước này. Các nước này ngày càng mua nhiều dầu mỏ ở nơi khác ngoài Iran và nếu Iran phong tỏa eo biển Hormuz, Iran gây phương hại một mặt cho xuất khẩu dầu mỏ của chính mình và mặt khác cho các khách hàng của mình, trong khi Iran đang cần được hỗ trợ về kinh tế và chính trị, cụ thể của Trung Quốc, tại Hội đồng, Bảo an Liên hợp quốc.

Nhưng giả thiết đóng cửa eo biển Hormuz xảy ra, tôi nghĩ điều đó sẽ nằm trong lôgích chiến tranh. Nếu Iran bị Ixraen hay Mỹ tấn công, lôgích phong tỏa eo biển Hormuz là có thể. Trong trường hợp này sẽ xảy ra hai hậu quả trước mắt: giá dầu tăng vọt trên thị trường quốc tế và tăng phí bảo hiểm đối với các tàu chở dầu hoạt động ở vùng biển này. Tôi không nghĩ tình hình này sẽ kéo dài bởi lẽ nếu xảy ra phong tỏa, thì dĩ nhiên điều đó sẽ bị coi là một hành động chiến tranh, một sự vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến quyền tự do hàng hải qua các eo biển. Cái được mất ở đây lớn đến mức – theo con số của năm 2011, có tới 35% lượng dầu mỏ xuất khẩu của toàn thế giới đi qua eo biển Hormuz – các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ và các cường quốc phương Tây dĩ nhiên không thể chấp nhận hành động phong tỏa đó, còn Iran không có phương tiện để phong tỏa lâu dài. Như vậy, hậu quả kinh tế sẽ không quá lớn, cũng không kéo dài, nhưng trước mắt sẽ là giá dầu và phí bảo hiểm cho các tàu chở dầu tăng, cộng với rủi ro chính trị có thể sẽ gia tăng trong toàn vùng vịnh Pécxích, theo đánh giá của các nhà đầu tư.

Hỏi: Iran có lợi ích gì khi tung ra lời đe dọa đó? Liệu Iran có bị phong tỏa bởi chính hành động phong tỏa eo biển Hormuz của mình không?

Trả lời: Đây dĩ nhiên là một con dao hai lưỡi. Iran có thể bị buộc phải giảm đáng kể xuất khẩu dầu mỏ của mình. Điều đó có nghĩa là tự bắn vào chân mình. Mặt khác, biện pháp đó có thể làm giá dầu tăng vọt. Như vậy, Iran mất vì phải giảm xuất khẩu dầu mỏ, nhưng lại được nhờ giá dầu tăng. Nói cách khác, trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, không ai, cả Iran cũng như Mỹ, được lợi gì khi lao vào một hành động kiểu này.

Hơn nữa, các nước trong khu vực dĩ nhiên không muốn hoạt động kinh tế của mình bị xáo trộn. Cũng không nên quên Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, những cường quốc sẽ bị thiệt hại kép, cả về nguồn cung ứng năng lượng lẫn giá dầu mỏ, nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa.

Hỏi: Nền kinh tế Iran có thể chống đỡ được lệnh cấm vận đó không?

Trả lời: Hiện nay, Liên minh châu Âu, theo đánh giá của ba quý đầu năm 2011, nhập khoảng 22-23% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran. Lượng dầu này là lớn, nhưng không phải là cốt tử. Do đó, nền kinh tế Iran sẽ không bị đánh quỵ trong trường hợp Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Trái lại, nếu lệnh cấm vận đó có hiệu quả, Iran có thể mất đi gần 1/5 thị trường xuất khẩu. Điều này là quan trọng. Chắc chắn Iran sẽ tìm kiếm một số thị trường khác, nhưng thị trường Mỹ vẫn đóng cửa từ ba chục năm nay và cũng sẽ không mở. Như vậy chỉ còn châu Á.

Vấn đề đối với Iran là châu Á đã nhập khẩu một khối lượng lớn dầu mỏ. Dĩ nhiên, châu Á không hoàn toàn có thể hay có lợi ích khi nhập khẩu thay thế toàn bộ lượng dầu mỏ xuất khẩu mà Iran hiện đang bán sang châu Âu. Điều có thể sẽ xảy ra là Iran có thể đưa sang châu Á một phần lượng dầu mỏ xuất khẩu sang châu Âu, nhưng cũng chỉ được một phần. Như vậy, lượng dầu mỏ xuất khẩu sẽ giảm sút, có thể là 10%, có thể là 15%. Hơn nữa, để bán được dầu mỏ cho châu Á nhiều hơn hiện nay, rất có thế Iran phải giảm giá nhiều. Khả năng lớn nhất là nền kinh tế Iran sẽ bị ảnh hưởng lớn và Iran sẽ mất đi một phần lượng dầu mỏ xuất khẩu, phần còn lại sẽ phải được bán với giá thấp hơn bình thường. Đó là thiệt hại thực sự đối với nền kinh tế Iran, nhưng không đủ để đánh quỵ nền kinh tế của nước này.

Điều này cũng còn phụ thuộc vào phản ứng của các nước sản xuất dầu mỏ khác. Nếu Arập Xêút sản xuất nhiều dầu mỏ hơn để giúp châu Âu không bị thiệt hại do chính lệnh cấm vận mà họ áp đặt đối với Iran, mức tăng giá dầu trên thị trường thế giới có thể sẽ ít hơn. Nếu trái lại, các nước sản xuất dầu mỏ không bù đắp được lượng dầu thiếu hụt, giá dầu chắc chắn sẽ tăng khá mạnh vả điều nghịch lý là trong trường hợp này, Iran có thể chỉ lâm vào tình huống xấu phần nào vì tuy mất về lượng, nhưng lại được về giá. Nhưng tôi tin rằng Arập Xêút sẵn sàng làm những gì cần làm để cân bằng lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với Iran.

Hỏi: Những nước nào có thể hưởng lợi từ hành động đóng eo biến về phương diện chính trị và kinh tế?

Trả lời: Đó sẽ là một số nước sản xuất dầu mỏ khác, những nước có khả năng và quyết tâm sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn nữa để bù đắp lượng thiếu hụt, Nhưng số các nước này không quá nhiều. Trước hết là Arập Xêút, cộng với một số đồng minh của nước này như Côoét và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất. Bởi lẽ hiện nay, nếu nhìn vào các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ thấy tuyệt đại đa số các nước này đang sản xuất tất cả những gì mà họ có thể sản xuất. Như vậy, trong thời gian trước mắt, họ không thể sản xuất được hơn. Họ có thể sản xuất được nhiều hơn trong thời gian trung và dài hạn, nhưng để làm được điều đó, cần phải đầu tư.

Song ở đây, ta nói về khả năng phản ứng nhanh, chỉ trong vòng vài tuần lễ, trước tác động nảy sinh từ lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ Iran. Theo những gì tôi biết, hiện nay Arập Xêút chắc chắn có phương tiện và quyết tâm phản ứng và chắc chắn cả một vài trong số các nước đồng minh của nước này ở vùng Vịnh. Các nước khác hoặc không có khả năng, hoặc không muốn, hoặc không có lợi ích gì, hay có cả ba khả năng này.

Nếu Arập Xêút phản ứng bằng cách tăng lượng dầu cung ứng ra thị trường, có thể giá dầu sẽ không tăng quá nhiều, cũng không tăng trong một thời gian quá dài khi lệnh cấm vận được áp dụng. Nếu trái lại, Arập Xêút không phản ứng gì, giá dầu sẽ tăng đáng kể và trong trường hợp này, tất cả các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ sẽ được lợi từ việc tăng giá. Nếu Arập Xêút tăng lượng dầu cung ứng ra thị trường, giá dầu cũng sẽ tăng, nhưng không nhiều vì trên thị trường các công ty dầu mỏ sẽ nhận thấy rằng mức cung vẫn đủ và vẫn có cân bằng giữa cung và cầu.

Trong trường hợp này, chính Arập Xêút sẽ được lợi vì tận dụng được tình hình này để xuất khẩu nhiều hơn, thu về nhiều hơn mặc dù nước này không thật cần đến như vậy. Còn một giả thiết cũng quan trọng là các nước sản xuất dầu mỏ khác sẽ phản ứng ra sao, cụ thể là một số nước có thể sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn trong ngắn hạn.

Hỏi: Có thể Iran và Vênêxuêla chơi con bài leo thang để nâng giá dầu không?

Trả lời: Không nên đánh giá thấp khả năng của Tổng thống Hugo Chavez cũng như mối liên hệ giữa Iran và Vênêxuêla. Trong mối quan hệ đó, có tới 90% là lối nói khoa trương và rất ít khả năng hành động cụ thể. Đúng là ở cấp độ OPEC, một liên minh chiến thuật tồn tại từ nhiều năm nay. Nhưng điều đó thực sự không có ý nghĩa gì.

(còn tiếp)

5 bình luận to “753. XUNG QUANH CUỘC KHỦNG HOẢNG HẠT NHÂN IRAN (Phần 1)”

  1. Nongvanden said

    NIGENIA La ai quoc gia nao vay ? cung bay dat len tieng binh luan nghe sao no au tri, moi ro, cham phat trien.

  2. dinh said

    Nước nhỏ thì khổ thế đấy, làm gì mà không đem lại lợi ích cho nước to, thì khó mà yên thân.

  3. Hương-Nguyên (Colorado-USA) said

    Cho dù 2 Chính phủ hiện tại của Syria và Iran tán thành hoặc phản đối , thì Số Phận của họ cũng đã được Thế-Giới QUYẾT ĐỊNH từ lâu rồi .

  4. hoa vu said

    Đã là chiến tranh ko nên phân tích về góc độ kinh tế, chẳng ý nghĩa gì. Một cuộc chiến tranh toàn diện đến một giai đoạn nào đó sẽ trở thành chiến tranh vệ quốc.
    Phương tây đánh Iran cực kỳ khó thắng, nhưng ai có thể đảo lộn được quy luật tồn tại muôn đời

  5. đe dọa bằng tên lửa đât đối biển do Trung Quốc sản xuất. said

    Iran có thề áp dụng hai chiến thuật. Hoặc thả mìn là việc rất dễ thực hiện và gây trở ngại lớn cho tàu bè.

    Hoặc đe dọa bằng tên lửa đât đối biển do Trung Quốc sản xuất.

    Các loại vũ khí này đã được cải tiến đáng kể trong thời gian qua.

    Như vậy: Rõ ràng là Trung quốc đã đối đầu quân sự với Mỹ,
    Cũng như trước đây chiến tranh Việt nam, Người dân VN là bia đỡ đạn cho cuộc mặc cả giữa Trung quốc và Mỹ.

    Thương thay cho những người dân lành của VN và Iran , luôn bị thằng tàu biến thành găng tay
    trên sàn đấm bốc với Mỹ.

Bình luận về bài viết này