BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

444. Thời của lý luận và lý thuyết nào?

Posted by adminbasam trên 28/10/2011

Thời của lý luận và lý thuyết nào?

 (Thư riêng gửi bạn Tống Văn Công để đọc chung)                                     

Phạm Toàn

Ông Công à,

Nói thật đấy nhé: ngày nay, trong đội ngũ những người còn xuất hiện trong cái thần thái đáng được chú ý về sự xả thân cho lý luận và lý thuyết, có lẽ chỉ còn một ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và một ông Tống Văn Công (xem bài: Thế nào là đột phá về lý luận. Suy nghĩ từ ý kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Hội đồng lý luận trung ương” – Trần Hữu Dũng, 24-10-2011).

Mặc dù lĩnh vực đề tài mà ông Trọng cũng như ông Công quan tâm trên phương diện lý luận đều thuộc chính trị và tuyên truyền, song chỉ khi bỗng dưng hai ông cùng một lúc phát biểu về một chủ đề và theo định hướng ấy, thì tôi mới có thể góp chuyện hầu một trong hai ông (tức ông Công – nói rõ cho khỏi hiểu nhầm). Nói như vậy cũng để phân định một điều này: cùng chuyện “lý luận”, “lý thuyết”, điều ông Công cũng như ông Trọng quan tâm, ấy là tuyên truyền. Đó tức là công việc tìm cách thuyết phục cho mọi người có một niềm tin, trong khi đối với tôi, nếu cũng phải làm gì dính dáng tới “lý luận” hoặc “lý thuyết”, điều tôi quan tâm lại là làm cách gì cho con người biết hoài nghi niềm tin của họ.

Ấy chính vì có sự khác nhau đó nên mới cần thỉnh thoảng tuy không quen nhau mà vẫn cứ phải “gửi thư” cho nhau!

2

Đặc điểm duy nhất tự cổ chí kim của công việc tuyên truyền có thể tìm thấy trong phương thức làm ăn của các nhà truyền giáo. Chỗ khác nhau của các nhà và trong các thời là ở cách thức truyền giáo. Vào cái thời đầu óc con người còn mông muội (cả nhà truyền giáo cũng không nhỉnh hơn công chúng là bao), thì truyền giáo theo lối sấm ký và theo cách ghi nhận những phép lạ (khi thiếu phép lạ thì có thể tạo ra chúng rồi lý giải những phép lạ ấy theo cách có lợi cho công việc của mình). Thế rồi đến khi con người có cái đầu óc bắt đầu khó trị tiến dần đến bất trị, thì công việc truyền giáo cũng chuyển sang mang mùi vị “thị trường” hơn – thị trường đến mức ngay cả các cô hoa hậu đang bị lột truồng ra trên sân khấu trước cả tỷ cặp mắt trần, thì lởn vởn trên tầng cao cũng vẫn có tí sắc màu “đạo đức” hoặc “triết học” nào đó do ban tổ chức rắc xuống!

Trở lại chuyện truyền giáo. Công tác truyền giáo như trên giả định ba điều: một là trước hết phải có một giáo lý để các nhà truyền giáo đem đi quảng bá; hai là, cái giáo lý đem phân phát đó cũng lại phải được giả định là chứa đựng chân lý vĩnh cửu;  và ba là, cái chân lý muôn đời ấy lại phải được giả định là được gửi gắm, không chỉ gửi gắm, còn hiện thân trong những nhà truyền giáo.  

Trong cái chuỗi diễn dịch bên trên, khâu thứ nhất thường được phát ra như là “Lời của thánh thần” – vì thế mà để tiện trông mặt đặt tên, kèm theo ông thánh ông thần kia, người ta thêm cho cái đuôi tiếng Anh ism hoặc đuôi tiếng Pháp isme, sang tiếng Việt và Hoa thành chữ chủ nghĩa. Buddha-chủ nghĩa, Kitô-chủ nghĩa, Mahomet-chủ nghĩa … rồi có Marx-chủ nghĩa, Lenin-chủ nghĩa, Hitler-chủ nghĩa, Mao-isme và Stalin-ism … hai bác vừa nhắc đến cuối cùng này là thú vị hơn cả, nhưng lát nữa mới nói. Cụ Hồ là người tuyệt vời, cụ xua quầy quậy, cụ nhường hết những điều to tát cho các chú cùng thời, tên của cụ chẳng thèm gắn với bất kỳ cái đuôi nào, kể cả và nhất là cái đuôi isme.

Còn lại cái khâu thứ hai, một giáo lý-chân lý và khâu thứ ba, những nhà truyền giáo. Chẳng cần phải học hành giỏi giang, chỉ cần quan sát sự đời nhờ kinh nghiệm, con người cũng dần dần thực hiện được bước chuyển từ cuộc sống không thể thiếu thần thánh sang cuộc sống chẳng cần mấy đến thánh thần. Sự biến chuyển nhận thức cảm tính đó thực hiện dễ hơn cả ở những nhà văn, trong phòng thí nghiệm của họ là đời sống cảm tính. Nhà văn Pháp Alphonse Daudet, trong truyện Hoàng tử nhỏ sắp chết (La mort du Dauphin) đã mô tả sự lung lay của Chân lý khi Hoàng tử con vua cha đầy quyền lực thì cũng vẫn cứ chết như con nhà thường dân. Trong tiểu thuyết của Thomas Mann Ngọn núi huyền ảo (La montagne magique) chỉ qua bối cảnh nhà nghỉ dưỡng Berghof, tác giả đã điểm lại toàn bộ nền văn minh phương Tây trong cảnh em bé níu kéo lấy cuộc sống trần gian, nằng nặc từ chối xưng tội lần cuối để thanh thản từ giã cõi đời này và – thanh thản sao được kia chớ? – để bước qua một chốn đẹp hơn như vẫn truyền tụng theo giáo lý.

Giáo lý hết thiêng – nhưng nhà truyền giáo lại chưa chết ngay cho, bi kịch của mọi cuộc sống chi phối bởi tôn giáo là ở đó! Các giáo sĩ thay phiên nhau tỏ ra thông minh hơn nhau một chút, kiễng chân cao hơn đồng nghiệp một chút, để tìm cách làm cò mồi cho một cái tưởng như là mới hơn kỳ tình cả hai cái “cũ” và “mới” thảy đều cũ mèm. Hệt như trong tiểu thuyết Rumani của N. Stancu được Trần Dần dịch và in ở Hà Nội, Những người chân đất, hai anh luật sư cãi nhau ở tòa tưởng đâu như họ có thể xé xác nhau để bảo vệ thân chủ … thế rồi xong phiên tòa, cả hai cùng ra quán bia, và nâng cốc cho những thời cơ vàng sẽ còn diễn ra nhiều nhiều – chữ “thày cò” có lẽ ra đời từ đó ở xứ Lỗ-Mã-Ni?

3

Cùng với công nghiệp hóa trên phạm vi toàn cầu, khi chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần lan tràn trong thời hiện đại, thì cũng bắt đầu thời đại phá sản của tất cả các lý luận và lý thuyết vốn “linh thiêng” một thời.

Lời của những đấng linh thiêng kiểu như Zarathoustra ngồi phán trên núi cao không còn lọt tai tất cả mọi con người nữa. Niềm tin tôn giáo lung lay khắp nơi. Ngay cả ông thày tu như Teilhard de Chardin thì cũng từng là một nhà địa chất học, và phần hồn con người cũng được nhà bác học thày tu đó nhìn như một “quyển” – cái được ông đặt tên là noosphère (Trần Dần xúi tôi hiểu đó là “tuệ quyển”). Các giá trị đơn sắc của những tín điều đã bị khoa tâm lý học chọc vào để lý giải sự tiếp nhận tự do đa sắc của con người đa dạng và đa diện. Việc một nhà bác học như Pavlov ở Liên Xô cứ mỗi sáng Chủ nhật lại cố ý cho bà con hàng phố thấy cả nhà ông đi lễ nhà thờ không biết có bao nhiêu phần tín ngưỡng và có bao nhiêu phần chọc tức?

Nghĩ rằng, đã có một nguyên nhân kép, hoặc có hai nguyên nhân gắn bó soắn suýt nhau, mà ta cần suy nghĩ để lý giải sự mất thiêng trong đau đớn của các giáo lý. Để đi tới những thành tựu khoa học, các nhà bác học không thể không có nhãn quan duy vật – từ “nhà bác học đồ tể” Galien giải phẫu xác các đấu sĩ đến nhà tư tưởng sinh học cao siêu Charles Darwin đều có chung những chứng cứ vật chất của sinh giới. Thế rồi, tất cả các nhà khoa học duy vật ấy đều đứng trước một sự thật trần trụi không con người nào tránh nổi: cái chết. Cái chết không trừ một con người “bất tử” nào! Và không con người nào không bất tử ấy lại biết rõ sau khi chết mình sẽ đi đâu. Bộ phim mới nhất vô cùng cảm động về Charles Darwin khi bắt gặp cái chết của cô con gái yêu trong lúc đã hết trong lòng ông cái niềm tin về một linh hồn bất tử về nước Chúa, câu chuyện đã phần nào cho ta thấy một gương mặt kép trong cái nguyên nhân vừa nhắc tới.

Thực tại ấy làm thay đổi nhận thức và thay đổi dần thái độ con người trước những lý luận, những lý thuyết vẫn tồn tại như những chân lý muôn đời. Con người thời hiện đại bỗng chân thành hơn nhiều, họ từ chối cãi chầy cãi cối bảo vệ và tán phát giáo điều của những thánh thần đã chết hoặc những thần thánh đang thoi thóp. Khiêm nhường hơn nhiều, con người hiện đại không muốn tin là mình có khả năng truyền đạt những giáo lý cao vòi vọi. Và thiết thực hơn nhiều, con người hiện đại tin vào những gì chính năng lực của mình tạo được ra – thay vì hô khẩu hiệu cho “sức mạnh quần chúng” thực hiện hô.

Thời hiện đại được chứng kiến sự ra đời của những ý tưởng thiết thực bao giờ cũng đi kèm với những giải pháp được “nhà tư tưởng” – đơn giản là tác giả của ý tưởng – tự mình đứng ra thực hiện.  Thời đại mới là thời đại của những cá nhân (hoặc nhóm – mà nhóm thì cũng bắt đầu từ một cá nhân trước khi lan sang các cá nhân khác cùng “thanh khí” và tài năng) thực sự định ra một hướng đi và đồng thời cũng định ra cả cách làm để đạt mục tiêu, với rất nhiều dè dặt tạo cơ hội cho những điều chỉnh dọc con đường đi đến mục tiêu.

Hiểu về lý luận và lý thuyết theo cách khác đi sẽ giúp con người nhìn thấy kết quả những “kiến nghị với cuộc sống” do chính mình đưa ra và chính mình thực thi. Ngay cả những ý kiến đen tối cỡ như tư tưởng làm sạch tộc người Arien bằng cách tiêu diệt hết người Do Thái của Hitler thì cũng cho kết quả trong vòng một phần tư thế kỷ – mà không hề viện dẫn tới bất kể “thời kỳ quá độ” co giãn nào. Hoặc sáng kiến thiết lập nền khoa học vô sản bằng cách đưa “điển hình tiên tiến” Mitchourin-Lysenko thành lý thuyết cách mạng: giải pháp của Stalin (cũng như phong cách Mao Trách Đông sau này) dẫn tới sự đàn áp và giết chết hàng chục triệu người. Nhưng cả “bác Mao” lẫn “ông Stalin” đều được thấy kết quả nhãn tiền. Đáng thương chính lại là đồng chí Lysenko: trong cuốn sách kể lại chuyện này, đồng chí ấy được mô tả như một con người quằm quặm quàu quạu, cau có khó khăn, chắc là vì trong chăn nên biết tỏng trong chăn có gì, biết đó mà không cưỡng lại được!

Hiểu về lý luận và lý thuyết theo cách khác đi sẽ giúp cho các nhà “sáng tạo” có khả năng hiện thực kiểm chứng kết quả của tư tưởng của chính mình. Vĩ đại như Einstein cũng được các đồng nghiệp đo giúp độ lệch của tia mặt trời, để thấy rằng mình không sai. Khổng lồ như Charles Darwin thì cũng có các bạn đồng nghiệp hậu sinh moi ra cái cơ chế thông tin di truyền xoắn xuýt xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp, mỏng manh ơi là mỏng manh, mà sao mạnh thế, mạnh gớm ghê, mạnh cho đến khi loài người công bố bản đồ gen thì mới càng thấy loài người không cần những thần thánh với những chân lý muôn năm – chỉ vài ba chục năm thôi, nhưng nếu thực thi được tư tưởng tốt đẹp của một người, thế đã là quá đủ!

Hiểu về lý luận và lý thuyết theo cách khác đi sẽ giúp cho loài người bớt sản sinh ra những anh nói khoác (hoặc nói những điều vô bổ). Và bớt cả những anh còn tiếp tục đối thoại với những anh nói những điều chính mình cũng cóc hiểu là gi gỉ gì gi nhưng cái gì cũng cứ nói lấy được!

Chào anh Công, chúc anh vui khỏe.

Chú thích cùng lúc chấm hết bài viết này: mình vừa đọc được tin sau “Chủ tịch Mustafa Abdul Jalil nói trong ngày chiến thắng Gadhafi “Tôi kêu gọi mọi người hãy tha thứ, khoan dung và hòa giải. Hãy bỏ qua thù hận và ghen ghét trong linh hồn của mỗi chúng ta. Đây là việc cần thiết cho sự thành công của cách mạng và của tương lai Libya”. Đó là một tư tưởng. Tư tưởng đó còn cần giải pháp khả thi. Để cho phù hợp với tiêu chuẩn của lý luận và lý thuyết vào thời hiện đại. Chúc các đồng chí hậu kỳ Ngu Tối Kaddafi thoát được giai đoạn quá độ để sớm qua cõi Sáng.

Hà Nội, đêm 27-10-2011

Viết khi nhớ đến các đồng nghiệp trong nhóm C.B.    

———–

VỚI ANH  PHẠM TOÀN

Tống văn Công

Tôi  định ngưng viết  thời sự chính trị để làm việc khác, bài tôi, thư anh cứ để bạn đọc chia sẻ. Nhưng sáng nay nhận nhiều mail các bạn già hỏi sao không trả lời anh Phạm Toàn; mở anh Ba Sàm thấy quá nhiều bạn đọc hỏi, bác PhạmToàn nói vậy, bác Công thấy sao. Thôi thì xin có đôi dòng!

Cám ơn anh gợi ra nhiều điều vui vui, bổ ích. Anh không thích nói chính trị, gây niềm tin, anh khuyên hoài nghi.Vâng, từ thượng cổ, các cụ đã khuyên hoài nghi là tinh thần khoa học, chống lại giáo điều kiềm hãm con người. Nhưng tôi thích cách nói của Osho, triết gia Ấn Độ hơn, ông này sinh năm 1931, lứa tuổi anh em mình. Ông ta nói: “Người hoài nghi và người tin tưởng đều mù quáng, họ quay lưng lại nhau, nhưng lại cùng ngồi chung trên một con thuyền. Người tin tưởng thì sợ ai đó khêu gợi sự hoài nghi của mình; Còn người hoài nghi thì luôn cảnh giác vì sợ bị thuyết phục bởi bất kỳ sự tin tưởng nào”. Osho cho rằng, “chỉ có sự Tin cậy mới vượt qua được cả hai trạng thái hoài nghi và tin tưởng. Tin cậy là sự tồn tại … sinh thành ra tất cả”.

Tôi đang đòi hỏi những điều để có thể tin cậy và để có  điều kiện vượt qua…!

Descartes nói nhiều về hoài nghi. Nhìn  đoàn người đang diễu hành trước mắt, ông hỏi đoàn người kia là thật hay chỉ vì ta nằm mơ nhìn thấy? Làm sao phân biệt là mình đang mơ hay đang thức đây? Có trường phái bác lại sự hoài nghi đó, cho rằng: “Hãy trực tiếp đến gặp và hỏi chuyện những người trong đoàn diễu hành ấy, thì sẽ xác định được là mình đang chứng kiến sự thật rành rành chứ không phải trong mơ!” Bắt chước trường phái này, tôi nói với bạn đồng tuế Phạm Toàn rằng: Chuyện các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Diện… đi biểu tình chống Trung Quốc là hoàn toàn có thật. Càng chắc chắn là có thật, vì các ông ấy đang kiện đài truyền hình Hà Nội. Và không cần phải “hoài nghi khoa học” nữa, vì các ông ấy đã bị Tòa án Đống Đa bác đơn  rồi!

Thư  anh viết với danh xưng Phạm Toàn, tức là ông thầy giáo, ở cuối thư anh còn chua thêm câu “Viết khi nhớ đến các đồng nghiệp trong nhóm C.B.” Tôi mới đọc bản Ý kiến của 14 vị trí thức yêu nước gửi Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ và bạn đọc cả nước, ở mục “3- Về giáo dục”: “Ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục”. Bạn Phạm Toàn phê phán “sự quan tâm trên phương diện lý luận đều thuộc chính trị” ư? Hình như đó là ý kiến của nhà văn Châu Diên chứ không phải nhà giáo Phạm Toàn! Liệu công trình giáo dục của nhóm Cánh Buồm có được đưa vào  quốc sách giáo dục hay không, nếu như vẫn còn bị “sự áp đặt” nào đó?

Ông bạn đồng tuế của tôi ơi, rồi sẽ đến một ngày gần đây thôi, bạn sẽ phải cám ơn tôi cho mà coi!

Chủ nhật, 30- 10- 2011

Tống văn Công

64 bình luận to “444. Thời của lý luận và lý thuyết nào?”

  1. nguyen said

    bai vietn

  2. Tôi nhớ trước năm 1975. do vô tình tôi vớ được cuốn sách nói về chủ nghĩa hiện sinh trong đống giấy lộn do những người dân sơ tán – Gọi là dân K10 đi từ Quảng Trị ra nghỉ lại ở vùng Lệ Thủy – Quảng bình.Vớ được cuốn sách lạ, đọc ngấu nghiến và hiểu rằng Quan niệm về lý tưởng, về cách sống, phương thức đạt đến mục đích của mình hoàn toàn trái ngược với những điều tôi được học dưới mái trường XHCN- của chủ nghĩa Mác-Lê nin và sau này thêm tư tưởng Hồ Chí Minh.Quan niệm về nhân sinh quan của họ là cuộc sống thực dụng, sống và làm việc theo nhu cầu thực tại hôm nay và quá lắm là ngày mai , quan niệm này đã phát sinh từ cuối thế kỹ 19 đầu thế kỹ 20 và trở thành quan niệm sống nhân bản của hầu hết các nước Phương tây, Cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh là không mơ mộng vềviễn cảnh xa xăm huyền diệu, sống và làm việc vì nhu cầu thiết yếu nội tại của con người hôm nay và ngày mai.
    Nay đọc lại bài viết của thầy giáo Phạm Toàn, tư tưởng của nhóm CB về cải cách giáo dục, đối chiếu với chủ trương “đột phá ” của TBT NPT cảm nhận nhường như phảng phất đâu đây tư tưởng mới của chủ nghĩa hiện sinh trong bài viết của thầy giáo Phạm Toàn và nhóm CB và tư tưởng này hoàn toàn đối nghịch với chủ nghĩa M-LN mà các bài viết của Bác Tống Văn Công và TBT NPT đang có chủ trương” đột phá”.. Phải chăng sự đột phá kỳ này để có một cách nhìn “Hiện sinh” hơn , nhân bản hơn, thực tế hơn phải không các Bác hè?./.

  3. bảo vệ said

    lý với chả luận . chỉ tốn công tốn tiền của xã hội . đã nghèo rớt còn lắm chuyện . sao bên tây bên mỹ nó có cần lý luận gì đâu . họ chị đặt hàng cho các trung tâm nghiên cứu khoa học thôi mà họ giầu có . quyền con người được tôn trọng nhất .

  4. dân ngụ cư said

    Bác Công và Bác Toàn là những cây viết mà tôi hâm mộ.Văn tại ý ngoại, cân hiểu những ý mà những từ trong bài viết của hai Bác.
    Nếu đọc một lần chưa thấu hiểu thì đọc 2, 3 lần và xuy ngẫm.
    Dân tộc ta đang trong bị nhôt trong một cái hũ tối mò, ánh sáng leo lét lại là Mác-Lê nên Ông TBT NPT kêu gọi đột phá ( có nghĩa là phá một cách đột ngôt tương tự như đột tử là chết đột ngột)
    Cái ý đột phá chưa thấy các Bác bình luận. Cái lý luận Mác-Lê này nó bế tắc nên cần đột phá, có vậy thôi.

  5. Hoàng Hưng said

    Cả hai ông anh tôi đều đáng yêu,đều yêu nước, yêu tự do dân chủ, trước hết là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Và theo tôi biết thì cả hai đều “răng rất chắc”. Tôi luôn bái phục 2 ông anh vì mình thua xa tuy kém hơn chục tuổi. Đối thoại giữa hai ông cũng đáng để nhiều blogger và còm sĩ học theo: khác quan điểm, trao đổi thắng thắn nhưng vui vẻ, không cố chấp. Mỗi người đóng góp cho công cuộc dân chủ hóa đất nước theo cách riêng của mình, từ vị trí cụ thể của mình, thế mạnh của mình, tác động đến những đối tượng khác nhau. Chẳng ai tham vọng độc quyền chân lý và làm lãnh tụ. Đó chính là tinh thần của cuộc cách mạng mới. Đón đọc những sản phẩm chữ nghĩa mới của hai anh.
    Hoàng Hưng

  6. Hầy, anh Công,
    và cc bà con thân yêu đang theo dõi hai anh già,

    1./ Anh thật tinh tường: anh nói không phải Phạm Toàn viết mà là Châu Diên viết. Chí lý! Tôi phải thú thật với anh một chuyện này: từ rất lâu rồi, tôi làm mọi điều trên cái đất nước này với một tâm trạng TUYỆT VỌNG — chứ không chỉ là hoài nghi — và vì thế tôi nghĩ đến những DỰ ÁN NHỎ để chính mình thực hiện trong lúc chưa chết — những dự án mang trong nó một trình độ “lý thuyết” không cần cao xa lắm.

    2./ Rành rành là đất nước này thiếu một CÁI lý luận xứng đáng được gọi là lý luận. Nhưng tôi hoàn toan không nhìn thấy CÁI ĐÓ ở cuối đường hầm. Mỗi lần thấy tên anh trong loạt bài tôi phải đọc giữa đêm về sáng, tôi đều háo hức đọc TVC trước. Nhưng CÁI ĐÓ chưa đủ để cho tôi tin rằng nhỡ ngày mai mình chết thì con cháu mình CHẮC CHẮN sẽ đỡ phải tiêp tục cuộc sống chỉ toàn là đau khổ.

    3./ Chắc chắn có lúc không riêng tôi sẽ cám ơn TVC. Nhiều người khác nữa cũng sẽ cám ơn NIỀM TIN của TVC. Nhưng tôi là ngưoi hay sốt ruột, vì thấy ngoài niềm tin của TVC còn có những niềm tin khác lang chạ vào. Có MỘT người đang tin và mơ ước nước ta có một anh dò la thám báo Putin làm tể tướng để cứu vớt nước này. Có nhiều người lẳng lặng làm công việc của anh Putain rồi đấy, chả cần mơ ước.
    Và trong lúc họ ao ước thì Miên Điện quân phiệt đã tỉnh ngộ và cũng đã vượt ta rồi: nó cho đảng đối lập có trụ sở ở thủ đô rồi đó. Ta đang thua cả Lào, cả Cambuchia rồi! Cái trục hà Nội – Bình Nhưỡng – Bắc Kinh cứ cần phải hong hóng chờ chân kiềng Thiên An Môn gãy trước đã rồi mọi sự xây dựng trong bão táp mới kéo theo.

    Tôi thấy rõ là chờ như thế quá lâu.
    Tôi làm một việc nho nhỏ mà HOÀN TOÀN không trông chờ bất cứ “thắng lợi” nào. Tôi quen thuộc với ý tưởng của Romain Rolland trong tiểu thuyết Jean-Christophe — nhưng nói rõ ra đây sợ bà con chê là huênh hoang.

    Suy cho cùng, toàn bộ loại người khó có thể hiểu nhau ngay khi họ đang sống.
    Dù HỌ là BẠN của nhau.

    • Nguyễn Quang Thạch said

      Dân Hà Tịnh nhà cháu có câu “thích là mần”,

      Cháu thích bác Toàn ở chỗ thích là mần. Sách của Nhóm Cánh Buồm có thể không được đưa vào trường học nhưng có nó trên thị trường để các bậc phụ huynh so sánh và có thể áp dụng cho việc dạy con cái. Trong bối cảnh giáo dục hiện nay thì home based education là rất cần thiết.

      Chỉ mong bác xem đóng góp của Nhóm Cánh Buồm là sự đóng góp bổn phận công dân của mình đối với sự phát triển của đất nước chứ không phải là để THÁCH THỨC cái Bộ GD&ĐT.

      Kính chúc bác luôn mạnh khỏe và viết khỏe.

      • Thạch làm ơn liên hệ với tôi.
        Co một việc đang thiếu người làm.
        Cần trao đổi.
        Phạmtoannhamthan@gmail.com

  7. TRẦN BÌNH TRỌNG said

    BÁC TOÀN ĐỪNG CẦU TOÀN GIỮA LÝ LUẬN VÀ LUẬN LÝ

  8. An said

    Phạm Toàn tỏ ra khinh miệt những thứ lý luận mà ông cho là có mục đích tuyên truyền cho các thứ gọi là “niềm tin”, vì ông thích những thứ làm cho người ta hoài nghi những cái được coi là thiêng liêng trong các “niềm tin” ấy. Không muốn nói rõ ra, nhưng sự đả kích của ông Toàn rõ rệt là nhằm vào những giáo điều gọi là Mác-Lênin” ở Việt Nam hiện nay; và để chọi lại thứ “lý luận” đó ông đưa ra một thứ lý luận về giáo dục của ông và của nhóm CB mà ông đang thể nghiệm như một thí dụ phản biện. Ông Phạm Toàn có thể coi thứ lý luận của ông thiết thực hơn và có thể thay thế cho những thứ lý luận vớ vẩn khác. Điều đó
    người ta tôn trọng ông và không có gì để tranh cãi, nhưng cái trở thành có vấn đề và cần tranh cãi là thay vì trực tiếp phủ nhận thứ “lý luận” Marx-Lenin vớ vẩn nói trên để “tuyên truyền”cho thứ lý luận về giáo dục của mình, ông Toàn lại mượn một trái bi-da để đi một đường cơ: cột sự bàn luận về chủ nghĩa Marx Lenin của ông Tống Văn Công vào chung một bó với thứ lý luận “Mác-Lênin” chính thống mà ông khinh miệt để sự bày tỏ sự khinh miệt trọn gói của ông. Ông tưởng như vậy là giải quyết xong vấn đề, nhưng đọc ông một cách có nhận xét, người ta không khó gì để nhận ra trong cách lập luận của ông có nhiều
    điều không được nghiêm chỉnh: ông không đếm xỉa gì đến mục đích của ông Tống Văn Công khi ông này bàn luận về thứ lý thuyết chính thống
    nói trên, điều mà ai đã đọc các bài của nhà báo kỳ cựu này một cách có đầu đuôi đều nhận ra sự phê phán không những với việc Đảng cộng sản
    Việt Nam áp dụng sai lầm những nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lenin vào thực tế gây tai hoạ cho đất nước mà còn đi đến chỗ chứng minh tính
    chất lỗi thời cần từ bỏ của bản thân thứ lý luận gọi là chủ nghĩa “Mác- Lênin” ấy nữa. Vấn đề đặt ra ở đây do đó không phải là bàn bạc hoặc tranh cãi về niềm tin này hay niềm tin nọ, chọn lựa thứ lý luận này để bỏ thứ lý luận kia mà rút lại là nhận diện ra một phương pháp vốn được xem là tối kỵ trong biện luận, là thứ phương pháp được gọi
    là nguỵ biện kiểu “người rơm”, dựng nên những điều giả tưởng cho người khác rồi căn cứ vào đó chỉ trích, tệ hại hơn nữa lại biểu hiện sự chỉ trích đó bằng một thái độ triết lý không giấu diếm sự cao ngạo. Tôi cho rằng thực chất đây chỉ là một kiểu làm dáng trí thức chẳng có gì gọi được là “minh triết” cả.

  9. bảo vệ said

    Kính thưa các nhà lý luận . Kinh tế thị trường là sự sáng tạo của nhân loại . không có một học thuyết nào hơn được . bởi vì với khẩu hiệu khách hàng là thượng đế .là ưu việt vạn lần mọi loại lý luận . bởi vì ở đó mọi loại hàng hóa là để phục vụ con người tốt nhất . phục vụ con người ân cần nhất hàng hóa tốt nhất rẻ nhất an toàn nhất ,môi trường sạch nhất đđầy đủ nhất ….

  10. Thông Báo Khai Mạc Thành Lập Diễn Đàn PalTalk: “PhongTrào YêuNước Việtnam”
    Diễn đàn PalTalk “PhongTrào YêuNước Việtnam” thành lập để khơi dậy lòng tự tôn dân tộc của nhân dân ta nhất là những bạn trẻ và cổ vũ cho quyền bày tỏ ý kiến và quan điểm về những vấn đề hiện tình của đất nước.
    Chi tiết xin vào:
    http://ptynvn.blogspot.com/

  11. Lyloi said

    Nói “đột phá lý luận” thì thật là khó hiểu, nền tảng của lý luận thì đã có đó là Mác-Lê, đột phá là gì ? bỏ đi à ? từ trước cũng là một nền tảng nhưng do hiểu chưa hết nên mỗi thời một kiểu. Thời ông Đỗ Mười dẫn quân vào Sài gòn đánh tan tác tư sản tư nhân, bây giờ lại khuyến khích. Do vậy chủ nghĩa Mác là một thứ lý luận mơ hồ và vô bổ. Mỗi người tự giải thích mỗi kiểu. Stalin, mao, Hồ Chí Minh, Kim nhật thành, Ponpot mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời một khác, nếu là đột phá thì là cả một công việc lớn, nó giống với từ cải tổ nếu không thực hiện được thì cũng chỉ là những câu nói đầu lưỡi rẻ tiền mà thôi.

  12. Tùng said

    Nhân chuyện NPT nói chuyện “đột phá lý luận” theo cách nói huênh hoang quen biết của một Tổng Bí thư Đảng, TVC đã dựa vào đó để nói chuyện “đột phá lý luận” theo ý của một nhà cải cách, hàm ý khuyên nhủ NPT không nên lý thuyết một cách mơ hồ, mà nên chú ý đến những vướng mắc gay gắt của thực tế để có những đổi mới mạnh mẽ hơn. Đọc bài của ông Phạm Toàn tôi thấy ông này chẳng hiểu TVC đang nói gì. Thấy ông Công giáo đầu bằng việc làm bộ ca ngợi ông Trọng, ông Toàn liền cho rằng ông Công đã hùa những giáo điều vớ vẩn của ông Trọng, không hiểu rằng ông Công chỉ dùng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông “ để phê phán ông Trọng một cách không nể nang. Có nhiều cách phê phán, cách của ông Công cũng đã được nhiều người sử dụng: không đứng ngoài mà nhẩy vào mảnh đất lý luận để tìm hiểu, mục đích là vạch ra những thứ sai lầm, dối trá trong lĩnh vực này. Không theo dõi kỹ những bài viết của ông Công, không hiểu cách chơi của những người như ông Công, ông Toàn tỏ ra thiếu đi một điều cực kỳ quan trọng trong viết lách: không biết tôn trọng người mình muốn đối thoại. Chẳng những thế lại còn lên mặt khoe khoang chữ nghĩa một cách hết sức lạc đề, bằng cả một thái độ quá tự thị khi lên lớp người khác không khác gì dạy dỗ một trẻ em đang học tiểu học!

  13. noileo said

    Phạm Toàn:
    “cái giáo lý đem phân phát đó cũng lại phải được giả định là chứa đựng chân lý vĩnh cửu; và ba là, cái chân lý muôn đời ấy lại phải được giả định là được gửi gắm, không chỉ gửi gắm, còn hiện thân trong những nhà truyền giáo.”

    Tống Văn Công hãy biết & hiểu & nghe theo lời giảng trên của thầy giáo Phạm Toàn mà ngưng lại việc xạo sự tung hô những kẻ & những lời nói của những kẻ chỉ nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, thậm chí còn làm ngược lại lời nói.

    Tống Văn Công hãy ngưng lại việc tung hô những lời nói “dân chủ tự do” của cái kẻ, nói thì “dân chủ là để cho dân mở miệng”, nhưng làm lại là đàn áp trí thức, giam nhốt bất hợp pháp những ai cất lên tiếng nói của lương tâm,

    hoặc nói thì ““Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do…Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý…Quyền tự do tư tưởng hóa ra là quyền tự do phục tùng chân lý” (Toàn tập, nxb Sự Thật,1987, tập7, trang 482), nhưng làm lại là, điển hình như, giam lỏng, bỏ đói luật sư Nguyễn Mạnh Tường vì viên luật sư này đã bày tỏ ý kiến tìm chân lý khác với mình.

    Nói một đằng làm một nẻo, làm ngược lại lời nói là một thuộc tính đê tiện của kẻ cầm quyền. Chỉ có những kẻ cầm quyền gian ác mới nói một đằng làm một nẻo, mới nói thì dân chủ tư do, làm thì độc tài đàn áp.

    Mọi sự tung hô những lời nói “dân chủ tự do” của cái kẻ chỉ nói dân chủ tự do mà không làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo, hoặc làm ngược lại lời nói “dân chủ tự do”, là bịp bợm lừa dối, là tội ác…

  14. văn thinh said

    Một đv lão thành nói : VIỆC BÁC TRỌNG BẢO LỰC LƯỢNG NGHIÊN CỨU LÝ LUÂN CỦA ĐẢNG NÊN CÓ “ĐỘT PHÁ”,THEO TÔI LÀ CÓ Ý CHỈ ĐẠO CỦA BÁC ẤY.LIỆU CÓ THỂ HIỂU LÂU NAY LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG TA BỊ GÒ BÓ TRONG MỚ LÝ LUẬN MÁC LÊ,NÊN KHÔNG ĐƯA ĐẢNG TA TIẾN LÊN ĐƯỢC,NAY NÊN PHÁ TOANG MỘT MẢNG (dột phá)ĐỂ THOÁT RA,TIẾN LÊN THEO QUY LUẬT CHUNG CỦA THẾ GIỚI .BÁC TRỌNG NÓI VẬY THEO TÔI LỰC LƯỢNG LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG NÊN LÀM THEO Ý BÁC TRỌNG LÀ MONG MỚI CÓ SÁNG TẠO. CHỨ CÁI ĐỐNG SÁCH MAC LÊ CŨ MÈM MÀ CÒNN NHIỀU CÁI SAI,CÁI LẠC HẬU,NGHIÊN CỨU MÃI LÀM GÌ CHO KHỔ?!!!!!!!

    • Đông Hoàng said

      Bác tin như thế hay khẳng định như thế? Còn tôi thì không tin vậy. Tôi chỉ mong Gs TS TBT NPT đọc và hiểu được bài viết của ông giáo viên PT ( không Gs-Ts về lý luận ism gì) thì mới có le lói ánh sáng của “Đột phá “. Bới “đột phá” như ai đó mong ở TBT thì gần giống anh chàng AQ của TQ : CM là cách mẹ nó cái mạng đi à?

  15. Hoa Phượng said

    Chuyện giản đơn như đánh bùn sang ao mà các bác cứ làm nó rối mù lên. Rõ chán. Đột phá lý luận là “đột cái lý thành cái luận” rồi lại “phá cái luận thành cái lý”. Rõ chửa ?

  16. Quyenduocnoi said

    “con người cũng dần dần thực hiện được bước chuyển từ cuộc sống không thể thiếu thần thánh sang cuộc sống chẳng cần mấy đến thánh thần.( Thời của lý luận và lý thuyết nào?” PT).
    – Ý tưởng của bác Phạm Toàn thâm thúy và “cao siêu” ( nhưng không phải là không thể hiểu). Nhưng mình lại thấy một sự thật lộ liễu và rất “tầm thường” ( mà thật khó hiểu ?!): Ngày nay, các quan chức của “đảng ta”, ở cấp cơ sở vì học vấn và tri thức còn yếu thì đành một lẽ, nhưng cán bộ cấp huyện,cấp tỉnh ai cũng có bằng ĐH cả ( có nhiều vị thạc sĩ, tiến sĩ ), sao lại thích thích lệ thuộc vào thánh thần dữ vậy, qua việc cầu cúng, lễ bái ngày vía, ngày rằm, ngày lễ ?? Lễ hội đền Trần phía Bắc, ngày lễ bà Chúa Xứ ở Châu Đốc phía Nam. Và còn nhiều nơi khác nữa, cán bộ cứ đến lễ lạc nườm nượp đấy thôi ( hẳn là cầu giữ ghế được càng lâu càng tốt ! ). Bảo là đi ngoạn cảnh chỉ là một cách ngụy biện để che đậy một niềm tin viễn vông. Bảo là truyền thống văn hóa lại càng không đúng.
    Mình đã từng ôm bụng cười vì một công ty xổ số kiến thiết một tỉnh phía Nam Trung bộ, bán ế quá nên tổ chức cúng thật linh đình. Doanh thu có tăng không thì chả biết, nhưng CB sở TC được một bữa no say túy lúy. Còn tỉnh đầu tiên của miền Tây Nam bộ ( có đến hơn 13 vị tiến sĩ ) đã chọn nhiều con số 9 để làm biểu tượng nhân kỉ niệm ngày được CP cho lên thành phố. Kể cả việc chọn một học sinh lớp 9 lên phát biểu cảm tưởng nữa, trời ạ !

    • Ẩn danh said

      Mình đã từng ôm bụng cười vì một công ty xổ số kiến thiết một tỉnh phía Nam Trung bộ, bán ế quá nên tổ chức cúng thật linh đình. Doanh thu có tăng không thì chả biết, nhưng CB sở TC được một bữa no say túy lúy.

      CON SỐ 9 !

      Còn tỉnh đầu tiên của miền Tây Nam bộ ( có đến hơn 13 vị tiến sĩ ) đã chọn nhiều con số 9 để làm biểu tượng nhân kỉ niệm ngày được CP cho lên thành phố. Kể cả việc chọn một học sinh lớp 9 lên phát biểu cảm tưởng nữa, trời ạ !

      CON SỐ 8 !

      Thế vận hội BẮC KINH 8 giờ tối ngày 8 tháng 8 năm 2008

  17. Bài của nhà giáo Phạm Toàn viết rất trí tuệ và nhiều ẩn ý.
    Tôi tóm lược thế này có được không?

    Bác Công đừng tốn công dùng lý luận đấu với lú luận.

  18. Hoa Moc Lan said

    Chao cac ban.
    Bai cua bac Toan co nhieu diem dang nghien ngam va huu ich. Tuy nhien giua xa hoi va ton giao khac nhau nhieu lam. Chi con nguoi ton giao moi cam nghiem duoc thoi. Vi nhu khong ai co the dem toan hoc vao phan tich van hoc, hay hoa hoc duoc.
    Ban Trinh Thu co nhac den loi me dan nam xua :” cho tieu bay xung chim”, co the phan khoa hoc, nhung o do chua dung mot chan ly cao ca ma ke ca nhung nguoi khoa hoc day minh chua chac da nghiem ra duoc.
    Ai te vao dau ma cha duoc. Cu thu te vao mat nguyen tan Dung thi se biet.

  19. ba láp said

    Ở đâu thời nào mà chả có “ism”, kẻ truyền đạo nói khoát tìm cách “dụ dỗ” con chiên, con người mà! Vấn đề ở chỗ là kẻ truyền đạo có AK47, còng số tám và nhà tù siêu rộng, có khả năng chứa mọi người vào và bảo “trái đất phải là hình vuông”. Đám cai tù cũng có kẻ ngu và lắm kẻ đểu: trái đất hình gì tao đéo cần miễn sao là đám tù nhân biết “lạo động cải tạo” để “tăng thu nhập” nhà tù.

    Muốn giải quyết tình trạng này thì chỉ có cách tước đoạt vũ khí của “kẻ truyền đạo có súng”, sau đó thì phải ra luật là kẻ truyền đạo không được có súng, dùng súng. Truyền đạo không có đạo lý, chứng cớ, chỉ nói khoát, mà không có AK47 làm bùa hộ mạng thì phải dè chừng vì dễ bị lãnh đòn, thế là kẻ truyền đạo láo khoét sẽ ít đi, nhưng bảo đảm không tuyệt chủng vì trái đất không phải là thiên đường.

    Tước đoạt vũ khí của “kẻ truyền đạo có súng” không phải dễ vì tù nhân chỉ có hai bàn tay trắng nên phải cần có rất nhiều tù nhân dũng cảm đồng ý thoát tù.

  20. nguoidaicat said

    Khoe đọc nhiều sách quá.

    Nhưng thế giới không phải chỉ có bằng ấy cuốn sách!!!!!!!!!!!!

    • Dân SàiGon said

      Chỉ đọc 1 bức thư ngắn mà ” lĩnh hội” được nhiều quá.
      đả thế còn có óc “sáng tạo” nữa…

  21. meo meo said

    Bác Pham Toàn viết hay quá, cháu rất hâm mộ bác!

  22. Quốc Hận said

    lý luận không phải nói chó cái thành chó đực , mà là để phân tích cái đúng cái thực cho mọi người khác dễ hiểu ,dân là người bị trị phải có quyền lựa chọn người chủ đứng ra lo liệu đời sống của mình , ấy thế mà cái quyền tối thượng ấy cũng bị tước bỏ thì còn nói gì đến công bằng dân chủ nữa , người có tài đức không được cất nhắc , chỉ toàn một lũ ngu xuẩn đưa nhau lên , đất nước này như thế nào chắc mọi người dân cũng rõ , lý luận học thuyết vớ vẩn vất vào sọt rác hết ,,,,,

  23. Ẩn danh said

    Bài viết của ông Phạm Toàn và lời bình của một số độc giả khiến tôi nghĩ đến chuyện “Chiếc long bào của Hoàng Đế cởi truồng”! Chán….

  24. Người cả đời nghiên cứu, nay vẫn còn ‘đột phá lý luận’

    Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH TƯ
    Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI
    Luận án tiến sĩ của ông về Khoa Xây dựng Ðảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô (1983). Quá trình công tác, hầu như liện tục nắm những vị trí, công việc liên quan đến công tác lý luận và xây dựng ĐCSVN. Có thể nói ông cả đời học và hành lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Các cột mốc thời gian:

    1967: Cán bộ Phòng Tư liệu, Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản) đến nay là 44 năm.
    1983:, Trưởng Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản đến nay là 28 năm.
    2001: Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, phụ trách công tác lý luận của Ðảng đến nay là 10 năm.

    Xem: Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ nhất Hội đồng Lý luận TƯ
    Cu đen tui ráng đọc từ đầu đến cuối ngất ngư, hoa cả mắt, hổng hiểu: túm lại là đột phá về lý luận là đột cái gì?

    • Mongun said

      Đột phá về lý luận là cái thứ để người ta tiêu tiền thuế của dân một cách hợp pháp, là cái cách để người ta giữ ghế mà thôi

  25. Bước chân xa said

    Cũng may là cái đuôi “isme” đã không còn được con người ngày nay hoan nghênh! Cũng may là Cụ Hồ đã không “bị” gán cho cái “đuôi” ấy! Vậy mà nhiều những ai đó cứ cố tình bám những cái “đuôi hão huyền” để xây dựng xã hội trên những điều huyễn hoặc.

    Mà thú thật ở cái không gian ngột ngạt của những “tờ 500.000 xanh” này làm gì có cái lý thuyết, lý luận nào sống nổi. Ai cho nó ngoi đầu lên? Giả như có cái “isme” tồn tại thì đó là sự khiên cưỡng. Đó là thứ “isme” vô chủ, vô nghĩa, vô vị, vô duyên, vô….

    Bác Toàn viết rất thâm thúy. Cháu chỉ sợ những người đang đi theo một cái đuôi “isme” nào đó đọc mà không nhận ra cái thâm thúy thì hơi tiếc.

  26. Hà Thành said

    Thâm. Và hay. Phải hiểu được tính cách hay ẩn dụ của bác Phạm Toàn, sẽ hiểu được bài viết này.

    Thế nhưng, lý luận ko thể thiếu để hướng đạo thực tiễn. Ngay nhóm Cánh Bướm của bác cũng vậy thôi, bác à. Nếu ko, nó sẽ chấp cha chấp chới ngay. Hì…hì…

    Vì thế mà bác Tống Công mới …thách đố!!!

  27. NguoiViet said

    Những thứ chủ thuyết đã làm người ta chán tới tận cổ rồi. Mà cả trăm năm nay tất cả các chủ thuyết không chừa cái nào, đã làm con người điêu đứng khủng khiếp. Vậy mà vẫn có thể mê hoặc được người thì lạ thật.
    Điều tôi thích ở bác Phạm Toàn là tư duy minh triết mà giản dị của người từng trải, tinh tế nhưng phóng khoáng không thèm tiểu tiết. Nhưng phải nói tôi thích nhất ở bác là tính lạc quan sảng khoái, thật hiếm có.

  28. Từ xưa đến nay, trên thế giới đang tồn tại nhiều học thuyết chính trị nhằm điều tiết hoạt động của xã hội.Đúng như Bác Phạm Toàn chỉ rõ các học thuyết ấy sau khi nâng tầm để trở thành” Chủ nghĩa” thì các môn đồ ra sức truyền giáo để trở thành quan điểm tư duy sống của một tộc người, một bộ phận của xã hội. Như Mác chỉ rõ “không có lý luận thì cách mạng không có đường ra” cái nguyên lý ấy chỉ đúng khi con người phát triển trong giai đoạn cộng sinh, khi khoa học kỹ thuật đang giai đoạn tìm tòi phát minh,mò mẫm tìm đường đi lối lại; khái niệm lượng hóa qua khả năng tư duy trừu tượng để ra đời những phát minh cho nhân loại.Thế giới nghi nhận những thành tựu vĩ đại của các nhà khoa học, các vị tiên tri trong giai đoạn trước thế kỹ 20. Nhưng ngày nay khi mà khoa học công nghệ đã phát triển như vũ bão, mọi lý thuyết đều hiểu một cách tương đối- lý thuyết Anh Stanh chứng minh điều đó, thì câu nói của Mác ở trên không còn giá trị nữa.Trước đây khi có người cho rằng rằng quả đất hình tròn thì bị thiên chúa giáo phỉ báng, nhưng ngày nay khi nói thuyết tiến hóa của Đacuynh là cơ sở để giải thích sự phát triển của vạn vật là điều cần kiểm chứng vì khi chỉ cần một nhân tế bào là có thể cho ra đời một sinh linh – con người hiện đại. Vì vậy thời đại ngày nay mà mài đũng quần nghiên cứu lý luận với học thuyết để đi tìm cái vĩnh quả là quá lạc hậu, là phi thực tế.
    Tổng thống Obama đã từng trả lời phóng vấn khi hỏi ông theo chủ nghĩa nào: Với tôi không có thứ lý luận, chủ nghĩa nào chi phối cả, tôi làm việc vì lợi ích của nước Mỹ và vì quyền lợi của người dân Mỹ- chữ “dân” thường, không phải Nhân dân khó hiểu như Đại tá , Tiến sĩ Quang từng định nghĩa. Vị lãnh đạo một nước đứng số 1 của thế giới được công nhận có nền văn minh , tiến bộ nhất hành tinh này( Điều này thực tế minh chứng không nên bàn cãi là có thực sự văn minh hay không vì chỉ cần thấy Hiến pháp của họ tồn tại đã hơn 200 năm mà không cần sửa đổi gì lớn cũng đủ biết họ có một nền tảng lý luận quá vững vàng rồi phải không các Bác) đã nói như vậy tại sao các bác còn đi tôn tùng một học thuyết nào cho vô ích, tốn hao tiền thuế của dân. “Lý thuyết là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”./.

  29. Nguyễn Thanh said

    Chắc hẳn ai cũng biết câu ” Mọi thứ lý luận chỉ là màu xám , chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi “Bởi vậy, nếu như nói : Phải đặt niềm tin vào lý luận thì quả thật là mơ hồ > Khi tôi còn là học sinh phổ thông, thày giáo đã dạy tôi rằng ” khi giải một bài toán, các em phải biết đặt ngược vấn đề mới là hiểu biết toàn diện” Không bao giờ đặt niềm tin vào những thứ lý luận viển vông khi nò chưa thực sự trở thành “Cây đời xanh tươi “

  30. Vô Tình Tú Sĩ 無情秀士 said

    Tôi không am tường về chính trị mấy, chỉ mong các ngài bớt lý luân về cái lý thuyết lập lờ về chính sách hoặc chủ trương này nọ mà những cái chính sách và chủ trương đó hoàn toàn có lợi cho các ngài chứ không có lợi cho các vị phó thường dân.
    Các ngài luôn nói các học thuyết chính trị của các ngài tạo ra là đỉnh cao trí tuệ trong khi thực tế các ngài làm sai rồi lại sữa sai cứ tiếp tục cái vòng tròn lẩn quẩn đó suốt mấy chục năm dài nhưng tuổi đời con người có giới hạn. Vậy nếu cứ lý luận như các ngài thì khi các ngày nhắm mắt các ngài vẫn còn sai lầm. Nếu tôi hay bất cứ một vị phó thường dân nào đó có sai cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến aicòn các vị sai thì đẩy cả cái đất nước này về đâu? Như Vinashin, PMU18, ….
    Ví dụ như trong văn học, bầy giờ đã qua thời kỳ cần phải ca ngợi các vị nữa thì các vị lại định hướng một cách què quặc cho văn chương theo kiểu “nhà em có nuô một ông nội” hay “Từ hải là một thương binh”; thời chúng tôi đi học đâu có văn theo mẫu, bây giờ văn chương cũng phải đi vô con đường hẹp là các mẫu văn ca ngợi lý tưởng của ai đó trong cái quá kứ tưởng tượng như Lê văn Tám chẳng hạn,…
    Tóm lại, các ngài cứ hô hào thay đổi, đổi mới, học tập tư tưởng của ông A, bà C… mà mấy cái đó cóc có cái nào phù hợp với xã hội. Các ngài có tư tưởng cho người khác học tập còn những người không có đỉnh cao trí tuệ như các ngài thì không có tư tưởng hay sao?. Các ngài hô hào tiết kiệm , thay đổi cấu trúc vã hội thế các ngài có làm đúng như các ngài nói không…? Hơn nữa, theo thiển ý của tôi thì cái đống lý luận và cái mớ học thuyết vĩ đại mà các ngại đưa ra chẳng qua là cái đống giẻ rách đối với phần lớn các vị phó thường dân thôi vì chẳng có ít lợi gì.

    • người dân said

      Đúng, chẳng có ích lợi gì, chỉ có hại cho dân tộc.

  31. binhnhidienbien said

    ong cong va ong lu noi chien ni nuan giong nhu tu thit hoi vet lo mo mai moi duoc mot teo de boi vao mep di khap lang khoe rang vua ngoi cung mam an co voi dia chu, do la noi cho sang de lay le voi thien ha chu thuc tinh trong bung co cai coc kho gi dau ,cac thu ni nuan xua nay o vn ta deu the ca,chi de lua dao thoi ma. buon nam loi mai chang chuyen phai nam gi bi gio txoi oi

  32. Quốc Hận said

    dân Việt Nam cá tính thường không thích nói nhiều nói dai , chỉ thích thực tế thôi , lý luận lý thuyết gì đó ,không sản sinh ra cơm áo gạo tiền , nên người ta không thích dù hay mấy cũng gác bỏ , chân lý của cuộc sống là thực tế , dù nói dở cũng trở thành hay , dù kẻ giỏi lý thuyết lý luận nói hay nhưng không thực tế cũng trở thành dở , mọi người trong thiên hạ không chấp nhận , chế độ này xuất hiện mấy chục năm rồi , tốt xấu người dân đã rõ . cái mớ lý thuyết suông ấy nên vất vào sọt giác , nói không nghe chống lại dở luật rừng ra để trị , xây nhiều nhà tù , tuyển mộ nhiều công an đàn áp bắt bớ , đó là biện pháp tối ưu của kẻ độc tài gọi là pháp trị , bọn dân ngu chớ kêu ca , độc tài ,độc trị muôn năm ????????????????????????????????????

  33. CÀ DÁI DÊ said

    ĐỀ NGHỊ HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG KẾT NẠP BÁC TỐNG VĂN CÔNG VÀ BÁC PHẠM TOÀN VỀ LÀM PHÓ CHỦ TICH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG.

    • Q.K said

      Ấy chết! Chắc bạn quên chuyện Tiến Sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ bị lãnh án tới 7 năm tù vì tội yêu nước và tội dám nói thẳng nói thật chẳng sợ ai cả! điển hình là khi ở tòa án Tiến Sỹ Luật chấp 2 tay sau (Đít) chứng tỏ chả sợ ai cả!ha!ha!ha! đúng không các bạn trên diễn đàn anhbasam? HA!HA!HA!

  34. Ẩn danh said

    Anh Công ơi,
    Ý kiến của anh PToan đúng đấy. Nói với TS XDĐ làm gì. Nó nói mà chính nó cũng chẳng hiểu nó nói gì. Có thể, anh Công muốn nói để cho người khác nghe, để mà biết cái dốt, cái ngu của TS XDĐ. Dù sao, tôi cũng trân trọng anh Công. Và cảm ơn anh Toàn nhiều.
    Một người bạn cũ,63 năm tuổi Đảng.

  35. Xuân Bách said

    Các nguyên thủ, lãnh tụ của các quốc gia được phần lớn người dân trên thế giới (chỉ trừ những người luôn rêu rao lý thuyết công sản và những người không ưa cộng sản, nhưng chỉ thiên chỉ trích, phê phán, thiếu công bằng) thừa nhận là dân chủ, tiến bộ, giàu có, văn minh, hạnh phúc, hùng cường….chẳng thấy đề cập đến các lý thuyết xã hội – chính trị rối rắm như ở các nước do đảng cộng sản cầm quyền, nước Đức quốc xã của Hitle, một số quốc gia Hồi giáo khắc nghiệt và ngu muội..
    Khi phải bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề đối ngoại, đối nội, các Tổng tống Mý thường nói về trách nhiệm của Hoa Kỳ với cộng đồng thế giới, về vai trò lãnh đạo của Mỹ, về đạo dức và công bằng, công lý, về bất bình trước bất công, tội ác…Những khái niệm ấy, ai cũng có thể hiểu và đối chiếu với hành động của Tổng thống, của nước Mỹ, xem lời nói có đi đôi với việc làm?
    Thanh niên bồng bột Nguyễn Ái Quốc ban đầu cũng say sưa chủ thuyết này nọ, khi trở thành Hồ Chí Minh (55 tuổi, tri thiên mệnh), ông chế nhạo những người cố xúy hoặc đẻ ra các đống rác lý luận rối rắm, thuốc mê ấy. Nhưng không hiểu vì sao các đệ tử của ông lại ham lý luận rối rắm đến vậy? Hay là “cha làm thày, con đốt sách”?
    Không cần bám víu vào thánh thần và đức tin mù quáng siêu nhiên hay các lý thuyết chính trị rối rắm mê hoặc nhồi sọ nhằm ngu dân, vì quyền lợi cá nhân lãnh tụ hay nhúm chóp bu chế độ, các nhà văn chân chính sáng tác để đề cao các giá trị nhân văn, tính thiện trong mỗi con người. Chỉ có thái độ ủng hộ điều tốt đẹp, chống lại cái ác, cái xấu xa, tin tưởng thiện sẽ thắng ác…mới có thể cứu rỗi loài người. Nhưng cũng chính vì vậy, các nhà văn chấn chính bao giờ cũng là kẻ thù không đội trời chung và nguy hiểm nhất đối với giới lãnh đạo hắc ám. Bạn chưa tin điều này, xin hãy kiểm chứng ở chế độ Quốc xã, thời kỳ Stalin, Mao Trạch Đông, vụ nhân văn giai phẩm ở VN, chế độ của Polpot. Mới đây, vụ “Những vần thơ của quỷ sa tăng” (xảy ra ở các quốc gia Hồi giáo, nhà văn này phải trốn sang Anh) chằng hạn…Bây giờ bạn tin chưa?
    Xin cụ Tống Văn Công đừng thèm chấp ông Trọng nữa làm chi. Ông trọng được bạn bè cũ đánh giá là trọng nghĩa bạn bè, nhưng ông ấy lại kêu gào kinh tế nhà nước là chủ đạo trong khi Vinashin, Dầu khí, Vinalines…và hầu hết các đơn vị kinh tế nhà nước khổng lồ khác đang đi theo quy luật “xuống hố cả nút” (XHCN). Vì vậy, khi còn làm Bí thư Hà Nội, ông được gắn biệt danh Trọng “lú”. Khi làm Chủ tịch Hội đồng lý luận qốc gia, ông làm chó nó bị lây nhiễm thành “hội đồng lú lẫn quốc gia”.
    Ô hô !!! Ông Trọng lại đang là người dân dắt cả đất nước VN. Chốn mê cung nào chờ nguxofi dân VN đây?

  36. Thông Kiến said

    Trang Ba sàm là trang của đại chúng, những bài viết rặt lý luận như thế nầy theo tôi nghĩ hơi khó đọc đối với đa số khách thăm. Có thể thầy Phạm Toàn viết riêng cho ông cựu tổng biên tập nên thành ra như vậy. Vấn đề thầy đề cập cũng không có gì quá khó hiểu, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận với vấn đề theo lối “Diễn nôm”.

    Do đó, nếu bài trả lời của nhà báo Tống Văn Công (nếu có) cũng viết theo lối “học thuật ” thì có lẽ anh Ba sàm không nên đăng.

    • thichlangthang said

      Anh Ba Sam luôn luôn tôn trọng các ý kiến của độc giả.Vào trang Basam có rất nhiều người uyên thâm lắm bạn ạ

    • Hiền Cầu said

      Để em thử diễn nôm thế này cho Bác hiểu nhe:
      Bác Công: -” Hoan hô anh Trọng. Anh chỉ đạo cho lính đục phá vào lý luận, có thật không vậy?”
      Thầy Toàn khuyên bác Công:- ” Lý luận là cái …đách gì. Hãy ‘đục phá’ vào thực tiễn”

    • backy said

      Tôi chẳng thấy có gì là “học thuật” cả trong những gì Bác Công, Bác Toàn nói. Mọi thứ đều rõ ràng. Tôi rất trân trọng Hai Bác.
      Chỉ có điều, xin Bác Toàn tha lỗi, Bác cứ nêu nhiều tên tuổi, những sách Bác đã đọc qua nhiều quá. Bác làm tôi nghĩ tới nhóm Giao Điểm và nhân vật tôi tởm nhất là ông Ngọc – Chung Trần, mà cái ông này có cái kiểu cứ viết là khoe sách này sách nọ. Tôi biết Bác chẳng phải thế nên có nhời thế.

      Có gì nói thẳng mẹ nó ra. Bác Toàn ạ. Đời còn có bao lâu mà cứ úp úp mở mở. Hay Bác sợ?
      Lý thuyết hay lý luận Mác xít lê nín ít , giờ có ai còn nghe? Chỉ còn tác dụng đem ra hù dọa bọn chuyên tu tại chức thôi.
      Lý luận dựa trên hệ luận Mác xít của Ông Trọng – một thằng oắt sinh viên năm nhất đã đủ khả năng nói chuyện phái quấy. Ông Trọng biết, ông không lú nhưng ông Trọng hèn và ngu lắm. Nói thẳng ra như thế cho nhẹ người. Bác Toàn ạ.
      Người như ông Công rất nhiều nhưng nói ra được như ông thì đếm chưa hết đầu ngón tay. Xã hội mình bây giờ đểu và hèn nhiều quá.

      • Nguyên Vũ said

        Tất nhiên mỗi bài viết đều có lựa chọn độc giả, đối tượng mình hướng tới.
        Bàn chuyện đỉnh cao lý luận thì chắc cũng phải dùng đỉnh cao lý luận để nói thôi, hic

  37. nguoimientrung said

    Thời cuộc đã có nhiều biến đổi. Ngày nay học sinh đến lớp, thường có chuẩn bị tư duy để trao đổi với thầy cô về bài học và từ đó xây dựng một lối hiểu vấn đề vừa khoa học, vừa thực tiễn, vừa mang tính cập nhật. Chủ thuyết Mac-le theo thời gian, cùng thực tiễn đã được con người minh chứng như là những lý thuyết vay mượn, không thể vận hành trong thực tế bởi ngôn ngữ của nhân loại về cái bản thể, về cái tôi luôn luôn hiện hữư, và về cái tương đối luôn nằm trong khái niệm tuyệt đối. Độc lập- tự do là khái niệm không thể so sánh bằng vì thế nó là cái thứ nhất không có cái để vượt qua, khái niệm đó từ đó mà chỉ ra cho các nhà lãnh đạo xã hội rằng mọi lý thuyết của nhân loại cũng chỉ để phụng sự cho TỔ QUỐC ĐƯỢC ĐỘC LẬP, NHÂN DÂN ĐƯỢC TỰ DO, CŨNG NHƯ CON NGƯỜI ĐƯỢC ĐỘC LẬP VÀ SỐNG TRONG MỘT ĐẤT NƯỚC TỰ DO. Lí do tại sao chúng ta luôn phấn đấu đến một môi trường tốt, đó cũng chính là ý nghĩa của việc chọn lọc thừa kế và phát triển của xã hội con ngưòi trên tinh thần học hỏi, trao đổi, minh định qua thực tế. Cứ khăng khăng về một lí thuyết, bác bỏ mọi thực tế cuộc sống đang diễn ra hằng ngày là mầm mống của chủ nghĩa giáo điều, cực đoan, duy ý chí. Cả hai ông Công và ông Trọng cứ mải mê chuyện học thuyết mà quên rằng Việt nam cứ tụt dần về mọi mặt so với thế giới bên ngoài, ngay cả MỘT HỘI DỒNG LÍ LUẬN TRUNG ƯƠNG đến bây giờ nẫn con rối trong việc chọn con đường đi của dân tộc, rối đến nỗi mất tay lái phải gắn thêm cái đuôi định hướng, và từ đó tạo ra một tiền lệ mó mẫm, u u minh minh là đất sống cho những kẻ bất lương, cơ hội, mặc sức tung hoành vơ vét của cải, khiến cho ngưòi dân quay ngược trở lại chê bai, bất tín với lãnh đạo đất nước. ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO LÀ NỀN TẢNG CỦA MỘT QUỐC GIA, tất cả mọi học thuyết của xã hội chỉ để phục vụ cho việc tìm ra chính nghĩa của độc lập- tự do, Một con chim nhốt trong lồng, được tự do bay nhảy, ca hát suốt ngày, theo khái niệm nhân loại đó cũng không phải là độc lập tự do, lãnh đạo của một đất nước, phải đặt ý thức xây dụng đất nước, tôn trọng nhân dân lên trên ý thức hệ tư tưởng , có như vậy mâu thuẫn dẫu vẫn tồn tại, nhưng đất nước theo đó vẫn phát triển theo kịp trào lưư các nước trên thế giới.

  38. Утконос said

    Mù mờ, lộn xộn, râu ông nọ cắm cằm bà kia, chỉ có thể nói như vậy về thư của ông Toàn gửi ông Công. Hình như ông Toàn là giáo viên cấp 1 thì phải.

    • Nếu bạn đọc một lần mà chưa hiểu thì đọc lại lần nữa, nếu đọc lại lần nữa mà vẫn chưa hiểu thì bài này viết không giành cho bạn đọc rồi. Thật đáng tiếc, khi đã thực sự không hiểu thì đừng nên nói gì, hãy ngẫm nghĩ và cố gắng đọc nhiều hơn nữa trong sách vở và trong cuộc sống.

      • Hiền Cầu said

        Tôi rất, rất đồng ý với Bạn. Còn nếu không có thời gian thì đọc một lần rồi bỏ nó ngoài tai. Không nên nhận xét lung tung, đau lòng người đáng kính

    • Người Việt Yêu Nước said

      Nói bạn đừng buồn, chỉ muốn bạn hiểu rằng: bạn […], đọc không hiểu thì lại đi dè bửu người khác, người ta càng nhìn thấy bạn ngu dốt mà thôi.
      Điều này mình nói chân thành, do đó câu đầu tiên mình mới nói bạn đừng buồn!!
      Nhận tiện, cung thấy nhiều người lên án bác Công, thực ra bác Công cũng có một số tư tưởng khá tiến bộ khi viết bài góp ý cho BCT và Đảng. Nhưng vì bác vẫn chưa vượt qua được “tường lửa”, vả lại nghề nghiệp đã ngấm vào máu, nên vẫn cứ cố bám theo “lề phải” với ý nghĩ rằng Đảng CS thay đổi thì XH thay đổi. Không một chủ nghĩa lỗi thời, giáo điều và dối trá chắc chắn phải đào thải ra khỏi nhân loại.

      • Người Việt Yêu Nước said

        BTV phảy dùm sau chữ Không ở dòng cuối dùm, nếu không sẽ sai ý nghĩa. Chân thành cảm ơn.

  39. Cảm ơn bác đã khai sáng cho tôi biết thế nào là lý luận và lý thuyết chân chính !
    Chỉ tiếc rằng người mà bác cần đối thoại lại vừa điếc vừa mù chữ !
    Thôi bác ạ sá gì cái giống chó sủa trăng ấy ! Nó sủa giọng ma khi ma đã chết hẳn đúng 20 năm nay (1991-2011) !
    Kính chúc bác vui , khỏa ,hạnh phúc và cống hiến cho đời nhiều bài hay như bài này ,nếu không hay hơn nữa !!!
    Kính chào bác !

  40. Nông dân sài gòn còn sót lại said

    Ước gì trong nền giáo dục VN có nhiều người có quan điểm giống Thầy Toàn. Sao nhiều người cứ thích gắn cái miếng che mắt ngựa lên dân tộc này mãi vậy.

  41. Hong Giang said

    Từ lâu tôi đã có suy nghĩ là, các quan chức của ta giỏi lý luận lắm. Cứ đăng đàn là hoa chân múa tay như dạy thiên hạ nhưng có khi bản thân lại chẳng hiểu mình đang nói gì, chẳng hiểu những điều mình đang nói có ý nghĩa như thế nào. Chỉ lý thuyết suông.
    Nói thật, trong hàng ngũ Giáo sư, Phó giáo sư tôi hoàn toàn không phục các vị trong lĩnh vực lý luận một tí nào cả, mà chỉ phục các vị trong linh vực khóa học tự nhiên. Nhiều học thuyết, lý luận, luận điểm đã lạc hậu từ đời tám hoánh nào rồi mà vẫn cứ bảo thủ mang ra áp dụng, làm cho đất nước ta tụt hậu so với nhiều nước trong khu vục (chưa nói đến thế giới) hàng chục năm.

  42. KTS Trần Thanh Vân said

    Khâm phục bác Toàn.
    Một nhà giáo kỳ cựu, viết ra những câu chữ lời lẽ châm biếm nhưng mang tính giáo dục sâu sắc.
    Chỉ tiếc, người thực sự cần đọc những lời lẽ giáo dục này của bác, co thể sẽ không đọc và không bao giờ có thì giờ đọc.
    Vả lại, hình như ông ta không biết chữ?.

  43. Nhớ chuyệnngày xưa Mẹ tôi mang ông đầu rau,cũ hết dùng ra gốc đa đầu làng bỏ đivà căn dặn chúng bây chớ tiểu bậy bị sưng chim !!??

  44. Hà Ngọc Hùng said

    Tôi đã đọc bài của Bác Công, giờ bài này của bác Toàn, chờ bác ý của Công xem sao !

Sorry, the comment form is closed at this time.