BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

401. SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (6)

Posted by adminbasam trên 05/10/2011

SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (6)

Tác giả: Philippe PapinLaurent Passicousset

Người dịch: Hoàng Hà. Hiệu đính: Diệu Linh

Tiếp theo  377. SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (5)

Hiền, một người được kết nạp vào Đảng như nhiều người khác

Đảng là một thế giới bí ẩn, không gì lộ ra được bên ngoài, người ta nói những điều đầy trái ngược về thế giới đó. Một số người nhìn thấy Đảng hiện diện ở khắp nơi, một số khác chẳng thấy nó ở đâu cả. Không ai thực sự biết Đảng là gì và hoạt động ra sao trong đời sống hàng ngày. Nhưng dù sao một chút ít thông tin nhỏ nhoi về Đảng có lẽ sẽ được người ta biết, bởi vì từ những năm 2000, chúng ta được chứng kiến một sự khuyếch trương mở rộng của Đảng trên diện rộng. Các cơ sở Đảng khác nhau ở các cấp độ khác nhau lần lượt kết nạp thành viên. Đảng phát động một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp, trên đường phố, trên báo chí và trên truyền hình. Và nếu nhìn với con mắt nghề nghiệp hơn thì thấy rằng Đảng đang ở mọi cấp độ công khai chiếm lĩnh các cơ quan lập pháp và hành pháp địa phương. Ta không thể biết mọi điều sẽ tiến triển ra sao, nhưng ít ra cần phải cố gắng hiểu chúng.

Để làm điều  này, tốt hơn hết là hãy lắng nghe một chứng nhân, một trong số hàng triệu thanh niên Việt Nam đến một thời điểm bước ngoặt trong sự nghiệp của mình bỗng nhiên đứng trước tình huống gia nhập hay không gia nhập tổ chức Đảng. Đó chính là trường hợp của Hiền. Cô 36 tuổi, thích vui sống, chế nhạo chuyện chính trị, nhưng đã gia nhập hàng ngũ của Đảng cộng sản và vừa nhận tấm thẻ Đảng viên. Câu chuyện của cô cho ta biết vì sao và làm thế nào những con người bình thường gia nhập tổ chức Đảng, hay vì sao và làm thế nào mà họ không thể làm khác thế, cho ta biết cả cách thức mà những “chi bộ” huyền thoại vốn định hình đất nước này vận hành, cũng như là thái độ ngày càng thờ ơ của người Việt Nam đối với đời sống chính trị của đất nước mình.

Cách thức và sự gia nhập Đảng

Hiền là mẹ của một cô con gái chín tuổi và sống tại một khu tập thể chung cư phía Nam Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh vào năm 1995, cô làm việc cho một số công ty nước ngoài tới năm 2002. Trong thời gian này, cô hưởng một mức lương cao: trung bình là 230 euro mỗi tháng. Cô khi đó thuộc lớp thanh niên Việt Nam giỏi dang biết thích ứng với một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên vào năm 2002, cô thôi làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài để chấp nhận một vị trí khiêm nhường tại bộ phận thông tin-tư liệu của bộ nông nghiệp. Việc chuyển đổi diễn ra dễ dàng.

Được một người họ hàng chỉ bảo, cô đã vượt qua kì thi viết một cách dễ dàng, còn tại kì thi phỏng vấn, cô đã biết chứng tỏ kinh nghiệm làm việc liên quan đến lĩnh vực quốc tế của mình. Lương cô nhận chỉ còn là 45 euro, nhưng bù lại cô đạt được cái mình từng mơ ước: một công việc ổn định và có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con gái khi đó mới một tuổi. Khi đó, cô thấy bằng lòng và không hề tiếc về sự lựa chọn này của mình. Cô có thời gian, có nhiều thời gian là đằng khác. Chắc chắn mức lương của cô mà cô có thể kiếm đước khi đó ở một văn phòng nước ngoài là 700 euro nếu như cô không có quyết định thay đổi đó: song thực tế cô chỉ còn kiếm được gần một nửa so với mức đó nếu cộng them khoảng 200 euro cô kiếm thêm được nhờ công việc dịch thuật làm ngoài giờ.

Trong hai năm đầu, công việc của Hiền diễn ra bình thường. Giờ giấc làm việc ở cơ quan linh động, thỉnh thoảng có thể vắng mặt một ít không sao, bầu không khí làm việc thân thiện. Đồng nghiệp của cô thích bàn đủ chuyện trên đời, thích bông đùa, bình luận chuyện thời sự, thổi phồng những chuyện bàn tán đó đây trong thành phố. Cô hoà đồng với mọi người, đặc biệt có quan hệ tốt với sếp của mình – một người có cá tính nhu hiền biết tế nhị tìm hiểu về gia đình, sở thích và suy nghĩ của cô. Anh ta tỏ ra rất quan tâm: Hiền không biết tại sao, nhưng cô để ý thấy thế. Vào một ngày đẹp trời, anh cho gọi cô lên gặp và với vẻ mặt quan trọng đặt vấn đề tạo điều kiện giúp đỡ cô vào Đảng. Chẳng có gì là chắc chắn cả, bởi vì quyết định lại không phụ thuộc vào cô cũng chẳng vào anh ta, chỉ có điều anh ta cho rằng khả năng cô được vào Đảng chắc chắn và do vậy anh ta thấy có trách nhiệm khuyên nhủ cô. Cô đã cảm ơn anh ta đã quan tâm tới cô và nói rằng cô sẽ suy nghĩ về đề nghị này, rồi trở về nhà trong tâm trạng rất rối bời.

Hiền đâu có muốn dính dáng gì đến chính trị đâu. Những điều cô biết về chính trị làm cô càng do dự thêm. Từ bé cô đã được tắm trong những bài ca yêu nước, đã từng đeo chiếc khăn quàng đỏ của đội viên, đã từng trong suốt nhiều năm nghe đi nghe lại một bài diễn văn ở nhà, ở trường và ở trên ti-vi, đã từng học quân sự, đã từng theo học những giờ giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin bắt buộc ở trường Đại học. Cô đã biết những cụm từ về đấu tranh giai cấp, tích tụ vốn tư bản nguyên thuỷ, thực dân khát máu, đế quốc Mĩ, chế độ nguỵ quyền miền Nam, bình minh rạng rỡ, những ngày mai huy hoàng và tương lai nhuốm màu đỏ. Trong số tất cả những thứ đó, chẳng thứ gì lạ lẫm với cô, nhưng cũng chẳng thứ gì làm cô quan tâm cả.

Cô đã có gia đình, có cuộc sống độc lập, cô chỉ muốn giải phóng mình, ấy thế mà giờ đây người ta lại đề nghị cô quay lại phía sau…Chưa kể là điều kiện làm việc việc của cô sẽ vất vả hơn, vì như mọi người đều biết rồi, một Đảng viên phải đến cơ quan đúng giờ và không được về trước 3 giờ chiều. “Là Đảng viên tạo ra một kiểu kiểm tra thứ hai đối với nhân viên, và đó là một kiểu kiểm tra chặt chẽ vì lẽ nó xuất phát từ cơ sở Đảng bộ mà nhân viên đó trực thuộc; mọi việc có thể biến chuyển không có lợi, nhất là vào kì kiểm điểm cuối năm, lúc mà Đảng viên không được giấu giếm gì. Cuối cùng, Hiền không muốn mất thời gian; cô đã bỏ làm công ty tư nhân cũng chỉ vì điều này, chứ không phải để mất nhiều giờ họp hành vô bổ. Ngày hôm sau, cô gặp sếp với bộ dạng ra vẻ tiu nghỉu, từ chối đề nghị vào Đảng, với cái cớ hợp lí là phải dành thời gian dậy dỗ con gái.

Một năm sau, đó là vào cuối năm 2005, Thọ lại nhắc lại lời đề nghị. Hiền cố gắng khoái thác nhưng lúc này tình thế của cô đã khác: con gái cô đã bốn tuổi và đi lớp mẫu giáo. Lí do hoàn cảnh gia đình không còn giá trị. Hơn nữa, không ai có thể từ chối vào Đảng nếu không có một lí do chính đáng, vì lẽ vào Đảng là một niềm vinh dự và do vậy phải được đón nhận một cách nhiệt tình. Thọ – một người tử tế và vồn vã – không cần phải nhắc lại điều này với Hiền, và thế là cô ấp úng chấp thuận sẽ thực hiện những bước đầu tiên trên con đường gia nhập Đảng. Vài tháng sau, tên cô xuất hiện trên danh sách những người được đề cử vào lớp cảm tình Đảng. Thế là mỗi người trong cơ quan lúc này biết cô đang trong giai đoạn thử thách để được kết nạp.

Cô theo lớp học này vào tháng tư năm 2006 cùng với hàng trăm người khác như cô được tập hợp từ nhiều phòng ban khác của cơ quan tại phòng hội trường lớn của Bộ Y tế tại khu Giảng Võ. Lớp học chia thành hai giai đoạn: ba ngày học, hai ngày dành cho soạn một bản ghi nhớ tại nhà. Vàọ buổi sáng ngày học đầu tiên, các học viên lớp cảm tình Đảng phải mua ngay tại lớp học một tập sách chính trị chứa nội dung chính của khoá đào tạo, hay đúng hơn đó là nội dung duy nhất vì lẽ những giờ giảng chẳng qua cũng chỉ là những lần đọc nội dung đó trước đông đảo mọi người mà thôi.

Tập kinh nhật tụng lí tưởng đối với những môn đệ theo chủ nghĩa Mác-xít chưa từng đọc tư tưởng của Mác đáng được biết đến. Nó được phân thành nhiều chương nói về lịch sử Đảng, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cơ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh, qui chế nội bộ Đảng với những nghị quyết mới đây, và cuối cùng là những điều kiện cần phải thực hiện để được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Tất cả được nhồi vào trong những câu chữ hoàn chỉnh, những lời trích dẫn chung chung và những lời kêu gọi củng cố chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Rõ ràng đây là chủ nghĩa Xta-lin của đầu những năm 1940. Và vì bởi đây là một cuốn giáo trình dành cho những kẻ thô lỗ, cho nên sau những trang dài phân tích là 4-5 dòng in nghiêng tóm lại những gì cần phải thuộc lòng. Và cũng để giúp đỡ học viên, một cuốn sách phụ lục thực sự hữu dụng bao gồm với mọi câu hỏi và trả lời về các chủ đề được cuốn giáo trình phân tích. Thực là một kiểu tổng kết chủ nghĩa Mác-xít phức tạp, một kiểu tóm lược sơ sài các khái niệm và qui luật, một học thuyết được gom nhặt và biến thành những công thức, một kiểu thánh hoá một con người và một kiểu định nghĩa một đường lối: đó quả chẳng khác gì một cuốn sách kinh lễ. Trong ba ngày lải nhải này, Hiền chẳng hề chú ý nghe những gì được nói trên bục, bởi đó hoàn toàn là những gì có trong sách, không một giáo viên nào dám mạo hiểm đi xa nội dung trong đó. Và thế là như những học viên khác, Hiền ngủ và viết thư. Cuối cùng điều mà mọi người chờ đợi diễn ra: giáo viên viết lên bảng ba câu hỏi mà các học viên sẽ phải trả lời trong bản ghi nhớ của mình. Trong ba câu hỏi thì có hai câu hoàn toàn có trong cuốn sách phụ lục hữu dụng, còn câu hỏi thứ ba xem ra có phần cá nhân hơn: “Theo bạn, thế nào là một Đảng viên tốt ?”. Khoá học kết thúc.

Ở nhà, Hiền soạn bản ghi nhớ. Đối với hai câu hỏi đầu tiên, cô chép y nguyên các câu trả lời có trong cuốn kinh thánh mà không thay đổi một dấu phẩy nào, tới mức cô có thể yên tâm mang nó tới một cửa hàng dịch vụ tin học nhờ đánh trên máy vi tính. Chỉ thế thôi mà cũng chiếm tới mười tám trang trên tổng số hai mươi trang theo yêu cầu. Có nghĩa là cô còn hai trang cho phần trả lời cho câu hỏi về suy nghĩ cá nhân. Trong có 30 mươi phút cô đã soạn xong câu trả lời, cô chỉ việc lôi ra những câu từ sáo đã có sẵn về đức tính cần có của một người Đảng viên, về tinh thần đoàn kết với nhân dân, về tình yêu vô bờ bến với Bác Hồ, về nỗi lo không ngơi của Bác đối với việc bảo vệ Tổ Quốc. Cuối cùng cô nở một nụ cười mãn nguyện khi chỉ tay vào bản ghi nhớ của mình: “Dù sao mình không tồi khi tự mình viết câu trả lời cá nhân ! Đa số những người khác chỉ việc làm thao tác “cắt-dán” những mẫu sẵn có được gởi qua thư mail !”. Để kết thúc chuyện này, cô thốt lên một từ mà ở Việt Nam người ta vẫn hay dùng mỗi khi họ chế riễu những lối nói sáo: “Bốc phét!”

Một tháng sau, Hiền nhận từ tay Thọ một tờ giấy chứng nhận cô đã hoàn thành những điều kiện đối với những người cảm tình Đảng. Trên tờ chứng chỉ này, chỉ có thời gian ngày tháng năm ghi trên đó là quan trọng vì nó chỉ có giá trị một năm. Vẫn còn phải có thêm một bước tiến nữa phải thực hiện, vì trước đó nó không có giá trị quá sáu tháng, làm sao cho người ta phải học lại khoá học cảm tình Đảng nếu như việc kết nạp vào Đảng diễn ra quá muộn; Hiền biết nhiều người đã từng phải học lớp này tới năm lần. Dù sao đi nữa thì đối với cô, quá trình xét kết nạp Đảng đã khởi động rồi. Quá trình này sẽ chỉ hoàn thành sau khi đã trải qua những cửa quan liêu sính giấy tờ xen với những sự kiểm tra chính trị chẳng đơn giản chút nào.

Kiểm tra và kết nạp

Thời kì đầu tiên là giai đoạn thử thách. Hiền được hai người “nâng đỡ” (đỡ đầu ) cũng là Đảng viên chi bộ cơ quan trong đó có Thọ. Cô vẫn nói chuyện vui với họ bởi họ vẫn là những đồng nghiệp bình thường của cô, chỉ có điều cô thận trọng hơn trước kia. Cô tránh nói tới những chuyện chính trị, để khỏi bị rơi vào tình trạng chênh vênh nguy hiểm, thậm chí đôi khi bị nhắc nhở với một nụ cười gượng gạo rằng cần phải nghiêm túc hơn trong mọi chuyện. Không khí trong cơ quan không thay đổi: chỉ có Hiền thôi là đang phải học cách thận trọng. Nhưng cô vẫn không biết gì về chi bộ Đảng mà cô sẽ gia nhập: cô chưa là thành viên trong đó, không biết những chuyện diễn ra, được nói, được làm ở bên trong đó. Chi bộ ư ? Một từ xa lạ, gắn với một nơi mà lại không chỉ là một nơi mà thôi, vì lẽ chi bộ họp trong những phòng thông thường. Các thành viên chi bộ vừa ở trong vừa ở ngoài; họ vừa ở cơ quan, vừa ở ngoài cơ quan. Còn đối với Hiền thì lúc này cô chẳng ở đâu cả: cô chẳng là gì hơn ngoài là một viên chức bình thường, cô đâu đã là Đảng viên. Cô đang cảm thấy tư cách của mình thay đổi. Chẳng hề biết tại sao và vì ai, cô có cảm tưởng rằng hành động và lời nói của mình đang được dò xét qua kính lúp. Cô không hề sai: sau này khi đã là Đảng viên cô sẽ biết rằng trường hợp của cô đã luôn được theo dõi sát sao và đã có nhiều bản báo cáo về cô được viết. Nếu cô biết được điều đó thì không phải vì mọi người nói cho cô biết điều đó, mà bởi vì giờ đây chính cô là người thực  hiện vai trò này đối với những Đảng viên dự bị mới.

Tính đáng tin cậy của một Đảng viên dự bị không hề là một chuyện đơn giản. Nó là một đòi hỏi, nó được kiểm chứng. Để làm điều này, Đảng sử dụng một công cụ xưa như tôn giáo: phương pháp phê bình và tự phê bình, nói một cách khác đi chính là lời tố giác và bằng chứng có khả năng phát hiện kẻ thù trong chính mình và kẻ thù xung quanh mình. Phần tiếp theo làm rõ điều này.

Vào mùa xuân năm 2007, chi bộ trao cho Hiền một bản còn nguyên của cuốn “sổ gia đình của Đảng”(?) huyền thoại cho phép điều tra về đảng viên dự bị và người thân của người này, và mục đích thứ yếu là để lôi kéo quần chúng. Lần này, “bài tập đưa ra cho cô không hề vớ vẩn tí nào và không thể hoàn thành trong nửa tiếng đồng hồ thôi”. Thực tế là cô đã cần tới hơn sáu tháng cho nhiệm vụ này. Cô phải ghi chép lại những thông tin về ông bà cô và những người thân thích, về bố mẹ, về cô gì chú bác, về anh chị em, về chồng, con cái, và tương tự như trên về phía chồng của cô. Đối với từng người một, cô ghi tên, ngày và nơi sinh, nơi ở, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, trình độ học vấn và chính trị, hoạt động tại các tổ chức đại chúng, có là Đảng viên hay Đoàn viên hay không, có dự định ra nước ngoài hay không, tài sản và “thái độ chính trị”. Liên quan đến bố mẹ và ông bà, bản mẫu kê khai yêu cầu ghi rõ những người này liệu đã “làm việc cho kẻ thù” hay không ( Pháp hoặc Mỹ ), liệu đã từng bị xử lí trong cuộc cải cách ruộng đất ( 1951-1956 ) hay không, hoặc liệu đã bị kết án tại các trại cải tạo sau 1975 hay không. Đó là một công việc chán nản với 26 phần phân theo thành viên gia đình. Tất nhiên, như tất cả mọi người, Hiền không chần chừ trước một ô trắng nào. Cô nói dối đôi chút về tình trạng gia đình vì không biết, nói dối nhiều về họ hàng cũ và xa xôi, nói dối nhiều hơn về mong muốn và thái độ chính trị của người này người kia vì không biết và không muốn biết. Nhưng cô cần phải thận trọng: những cuốn sổ được đối chiếu với nhau và cuốn của cô không được nói ngược với cuốn mà bác cô vốn cũng là Đảng viên từ hơn hai mười năm nay đã kê khai.

Thủ tục này có thể sẽ chỉ mang tính hình thức ở đất nước Việt Nam đương đại như biết bao nhiêu điều khác. Thực tế không phải vậy. Những lời khai của Hiền sẽ được kiểm chứng một cách kĩ lưỡng. Công không hề biết làm cách nào việc kiểm tra về mặt giấy tờ đã được thực hiện, mặc dầu cô không chắc chắn rằng đã có một cuộc tìm kiếm trong hồ sơ của Đảng, nhưng cô biết rằng chi bộ đã cử hai người đi kiểm tra sổ gia đình của cô. Bởi vì họ hang gần của cô sống tại Hà Nội nên trường hợp của cô dễ dàng được xử lí và chính những người “nâng đỡ” cô đảm trách công việc này: họ sẽ  không phải đi xa lắm. Nếu cần phải về quê thì họ có lẽ đã cử những người ít bận rộn hơn và có lẽ cô đã phải đi cùng, thuê xe ô tô và trả mọi chi phí rồi. Hai thanh tra sẽ kiểm tra tại khu dân cư nơi Hiền sinh sống, rồi tại khu bố mẹ cô sống, cuối cùng là tại nơi làm việc của chồng cô, và mỗi lần như thế họ lại hỏi thông tin cảnh sát khu vực và các chi bộ Đảng cơ sở. Họ kiểm chứng những lời khai của cô, và nói theo một cách chung chung hơn là họ muốn biết cô cố được mọi người biết không, có được nể trọng yêu quí hay không, có xích mích với hàng xóm hay không hay có bị lời qua tiếng lại nào hay không. Họ cùng lúc thực hiện kiểm tra trên giấy tờ và điều tra về đạo đức. Cha mẹ, gia đình, chồng không bao giờ được trực tiếp hỏi; như thế chẳng giúp ích gì, bởi vì nhiều nhân viên nhà nước được gọi với cái tên “công an phường” nắm thật rõ tình hình từng nóc nhà của khu vực mình phụ trách được huy động tại chỗ cho vào công việc vốn là của cảnh sát này.

Về phần mình, Hiền viết một đơn xin vào Đảng đầy tình tiết. Trong bản tuyên bố công khai này, cô nói hết về bản than, trình bày lí do cô xin vào Đảng và hứa nếu được kết nạp sẽ hành động sao cho xứng đáng với sự mong đợi của lãnh đạo Đảng. Hồ sơ của cô giờ có thể được đánh giá sơ qua trong nội bộ. Ngoài những mối quan hệ với hai người “nâng đỡ” tất nhiên ủng hộ cô, cô còn cần phải nhận được sự ủng hộ của quần chúng  Quần chúng chính là những người khác, những người ngoại đạo, có nghĩa họ không là Đảng viên nhưng lại được Đảng hỏi ý kiến và sử dụng nhằm gia tăng ảnh hưởng. Họ tạo thành một lớp người đặc biệt, có họp hành chính thức, và khi cần phát biểu cho ý kiến. Hiền được đánh giá tốt, là một đồng nghiệp dễ chịu và ý tứ: cô được sự ủng hộ của tất cả mọi người.

Hồ sơ của cô khi lần đầu tiên vượt ra khỏi phạm vi chi bộ giờ đây sẽ được đưa lên cấp lãnh đạo cao hơn ( nơi mà như một bài hát đã nói, “Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao” ). Quả vậy, hồ sơ được chi bộ chuyển lên cho Đảng bộ, rồi được Đảng bộ chuyển lên cho tổ chức, điều này có nghĩa là nó chuyển từ một chi bộ nhỏ qua Đảng bộ để tới cấp lãnh đạo cao nhất của bộ, vì lẽ Đảng nằm trong Nhà nước. Hiền không biết liệu hồ sơ của cô đã được chuyển tới đó chưa, liệu nó đã được xem xét một lần nữa chưa hay được xếp vào kho lữu trữ hồ sơ, nhưng vào đầu năm 2008, cô nhận được quyết định chính thức cho phép cô được vào Đảng.

Việc kết nạp chưa mang tính đầy đủ và trọn vẹn, vì mãi một năm sau nó mới diễn ra. Dù sao đó cũng là lúc quan trọng nhất. Tất cả bắt đầu bằng một nghi lễ kết nạp tổ chức tại cơ quan. Vào một buổi sang, cô được Thọ – sếp và người cố vấn của cô đón tiếp và dẫn cô tới căn phòng họp, nơi các thành viên chi bộ Đảng, những đại diện của Đảng bộ và những người thay mặt quần chúng ngồi nhóm họp xung quanh một cái bục có cắm hoa và được những chiếc đèn ha-lo-gien chiếu sang. Chúng tôi đếm có mươi hai người trên bức ảnh mà cô giữ. “Không khí buổi họp trang nghiêm tới mức không ai có thể đùa cợt được” – Hiền nói vẫn với điệu bộ thoải mái thường ngày của mình. “Tất cả đã được sắp đặt dàn dựng, để tạo ra cái vẻ nghi thức và quan trọng. Không có nụ cười nào, những vẻ mặt nghiêm túc, những câu chào ngắn gọn khô cứng. Tóm lại là tất cả mọi thứ được thực hiện để tạo cho nghi lễ kết nạp một cái vẻ đặc biệt trang trọng. Hiền tới ngồi vào chỗ của mình, dưới một tấm ảnh chân dung Bác Hồ bằng sơn mài. Cô cảm thấy mình sao lung túng thế. Rồi đột nhiên tất cả những người đến dự đứng cả dậy: quốc ca nổi lên. Sau quốc ca là bài “Quốc tế ca”, rồi sau đó là lễ chào cờ, hay đúng hơn là có hai lá cờ, vì ngoài lá cờ của Đảng còn có là cờ Việt Nam. Phương – bí thư chi bộ – lên phát biểu. Cô đọc tuyên bố chính thức của Đảng bộ cơ quan về việc kết nạp Hiền vào Đảng. Sau đó, hai người “nâng đỡ” Hiền đọc báo cáo của mình và nói thêm vài lời nhấn mạnh giây phút quan trọng của buổi lễ kết nạp và sự tin tưởng của Đảng đối với người được thu nhận; một trong hai người đã không quên hô khẩu hiệu: “Đỏ như màu của sự tin tưởng, đỏ như màu máu của chúng ta”.

Đến lúc Hiền phải lên phát biểu. Cô không tỏ ra lúng túng bởi tất cả đã được sắp xếp từ trước rồi. Trước hết cô đọc lá đơn xin vào Đảng và lời tuyên thệ của mình, một cách để nhấn mạnh rằng hành động của cô là tình nguyện và lời hứa của cô là công khai. Sau đó là giây phút quan trọng nhất. Sau một phút ngừng phát biểu rất được tính toán, cô đọc chậm rãi từng từ một “Bản tuyên thệ của Đảng viên”. Bản tuyên thệ mà cô đã học thuôc long này là một đoạn văn dài nửa trang với bốn điều: 1) Trung thành với Đảng, với chỉ thị và nhiệm vụ Đảng giao. 2) Trau dồi phẩm chất cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan lieu, lãng phí và tham nhũng. 3) Liên hệ với nhân dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, tuyên truyền trong nhân dân tư tưởng của Đảng, nhất là tại gia đình và tại nơi làm việc. 4) Tuân theo kỉ luật của Đảng, giữ gìn sự thống nhất của Đảng, thực hiện phê bình và tự phê bình, tham gia vào hoạt động chính trị… và đóng góp lệ phí sinh hoạt Đảng. Mỗi khi đọc xong một điều, Hiền lại tuyên “tôi xin thề”; và khi đọc xong toàn bộ nội dung bản tuyên thệ, Hiền nhắc lại ba lần liền câu này.

Phương – bí thư chi bộ phát biểu vài lời biểu dương, sau đó đến lượt người thay mặt “quần chúng” ( xin mở ngoặc nói rằng đây chính là một Đảng viên dự bị chờ kết nạp mới ). Lễ kết nạp kết thúc với việc đại diên chi bộ, công đoàn và quân chúng lần lượt lên tặng ba bó hoa cho Đảng viên mới. Nhưng điều  này cũng chẳng làm cho không khí nghi lễ bớt trang nghiêm hơn, đây là một điều hiếm có ở Việt Nam, bởi lẽ mọi lối hình thức chủ nghĩa may thay không bao giờ tồn tại được lâu. Nhưng ở đây lại là điều bình thường: một lễ cầu kinh đã được đọc, một lễ ban thánh thể đầu tiên đã diễn ra, và cần phải chờ đợi lúc ra ngoài sân, cụ thể là lúc chụp ảnh chung, thì mới được nghe một câu nói đùa về bộ mặt buồn cười của Hồ Chí Minh mà người nghệ nhân sơn mài đã tạo ra .

Hiền sẽ phải đợi thêm một năm  trước khi được chính thức kết nạp. Trong thời gian này, cô không phải làm gì nhiều, có chăng là theo học lớp bồi dưỡng Đảng viên mới gần giống với lớp cảm tình Đảng: lại một tập sách kinh mà chẳng ai đọc, những giờ giảng cứng nhắc mà tất cả học viên ngủ gật, một bài ghi nhớ cá nhân làm qua quit cho xong. Một vài tuần sau lớp học này, Hiền nhận được cái quan trọng nhất và cũng là thứ duy nhất: tờ chứng nhận thành công có giá trị một năm. Và vào tháng 11 năm 2008, cô được công nhận là Đảng viên đầy đủ tư cách. Sự thừa nhận này chỉ là một thủ tục; chẳng có nghi lễ nào diễn ra cả. Cô đơn giản được mời tới cuộc họp thông thường của chi bộ, và tại đây thư kí chi bộ đọc to “quyết định công nhận chính thức” kết thúc với một tràng vỗ tay. Chẳng có bài diễn văn nào, cũng chẳng có bó hoa nào. Hiền vượt qua chặng đường cuối cùng vào tháng Mười năm 2009: nhận thẻ Đảng viên, với hình búa liềm ở phía trên hình chân dung Hồ Chí Minh ở mặt sau tấm thẻ. Tấm thẻ này quan trọng, bởi vì thời gian gần đây phải xuất trình nó khi giơ tay biểu quyết. Trái lại, cần phải giấu nó đi mỗi khi bị cảnh sát giao thông chặn: đối với một Đảng viên, dúi tiền vào tay cảnh sát sẽ bị phạt cao hơn hai lần vì lỗi của Đảng viên nặng gấp hai lần.

Gần ba năm rưỡi đã trôi đi kể từ cái ngày sếp cô thuyết phục cô vào Đảng tới cái ngày cô được công nhận là Đảng viên với tư cách đầy đủ, hai năm rưỡi nếu chỉ tính quá trình kết nạp mà thôi.

Trong hành trình chẳng khác cuộc chinh phục thử thách dài hơi này, đâu chỉ có một mình Hiền mà thôi. Thực vậy, vì từ năm nay, Đảng tăng cường tuyển mộ Đảng viên mới. Năm 2007, 9.500 người đã được kết nạp tại Hà Nội và con số kết nạp mới trong cả nước là 186.000 người. Trong số những Đảng viên mới này, 37 % là phụ nữ, 66 % trong độ tuổi 18-30, 44% là viên chức, 22 % là nông dân và 19 % là quân nhân. Những lớp người mới vốn trẻ tuổi và có học thức cao này (trung bình 26 tuổi và một phần ba có bằng đại học ) được thu nhận vào khoảng 56.000 chi bộ Đảng trên khắp đất nước làm con số Đảng viên tăng lên tới gần 3,7 triệu vào năm 2010 ( 2 triệu vào năm 1996), có nghĩa tương đương với gần 5% dân số Việt Nam.

Một chi bộ Đảng hoạt động như thế nào ?

Viện nơi Hiền làm việc sử dụng 316 công-viên chức. Một trăm người là đảng viên. Các đảng viên phân bổ tại 17 chi bộ, không chi bộ nào có nhiều hơn 10 đảng viên ( 3 đảng viên đã đủ để lập một chi bộ ). Chi bộ của Hiền có 6 đảng viên. Người ta chẳng làm gì cả để sát nhập các chi bộ to nhỏ khác nhau này, chỉ bởi vì sự phân nhỏ ở cơ sở là nguyên tắc tổ chức hệ thống ( trái lại mức độ rất tập trung ở cấp cao nhất ). Bằng cách tăng số lượng chi bộ, Đảng chia nhỏ và bén rễ khắp nơi. Chi bộ này có ba thành viên, chi bộ kia có năm thành viên, các chi bộ khác có tám hay bốn thành viên, như thế cho phép Đảng phủ rộng nhiều hơn cả về mặt địa lí và về mặt xã hội so với một đơn vị lớn hơn gồm hai mươi thành viên. Người ta cảm thấy có bàn tay đang loại trừ phe đối lập. Chi bộ nhỏ của Hiền được gọi với cái tên “tổ” với sáu Đảng viên chẳng thể làm được gì khác ngoài nhiệm vụ thuộc chức năng ban đầu của nó: phát đi những thông điệp từ cấp trên xuống, tạo ra một môi trường và lôi kéo những thành phần có tư tưởng hoài nghi. Người ta không đòi hỏi gì thêm.

Các chi bộ Đảng được tập hợp thành Đảng bộ, các Đảng bộ lại cấu thành các tổ chức Đảng, và cứ thế càng lên cao ta có Trung ương Đảng, rồi Bộ chính trị ở cấp cao nhất với mười năm thành viên. Đó là con đường trực tiếp. Tuy nhiên bất chấp ưu điểm của chế độ tập trung quyền lực, con đường này bị một nhược điểm có tính phổ quát: mệnh lệnh đi xuống nhanh hơn nhiều so với những yêu cầu đi ngược từ dưới lên. Khi đi từ trên xuống, tức từ đỉnh cao xuống cơ sở, sự tuân lệnh tạo thành hình chóp nón, rồi cứ thế như dòng thác nước lan toả xuống tới tận các chi bộ cơ sở ở dưới cùng. Theo chiều đi lên, có nghĩa từ nhân dân tới cấp lãnh đạo cao nhất, thông tin chỉ có thể leo lên được với điều kiện đi qua các “ban thường vụ” – đầu mối đảm bảo kết nối hệ thống từ cấp nọ tới cấp kia. Đảng là một hệ thống có trên có dưới và nguyên tắc tổ chức của nó là sự khép kín, sự vận hành của nó mang tính quân sự. Người ta sẽ bổ sung thêm rằng đó là một điều bí mât.

Đây là một di sản của thời kì hoạt động không công khai, của thời kì kháng chiến và chiến tranh, khi đảng viên được kết nạp trong rừng trong một buổi lễ gần như bí hiểm, có nghĩa rằng tính chất bí mật là một qui tắc không được vi phạm, điều này làm cho Đảng khó nắm bắt. Hiền nhắc lại với chúng tôi bằng cách nhấn mạnh rằng cô đã chẳng hề biết gì cả về chi bộ mà sau này là chi bộ của mình trước khi được kết nạp vào đó; cô đã biết rõ ai là thành viên trong đó, các buổi họp được thông tin trên bảng, nhưng các hoạt động cụ thể và các cơ chế bên trong thì cô không được biết. Sau khi cô đã được kết nạp rồi thì Phương và Thọ vẫn không quên nhắc cô một yêu cầu: không để bất cứ điều gì được nói trong buổi họp lọt ra ngoài, kể cả những gì không quan trọng. Cô vẫn còn nhớ lời nhắc nhở này được đưa ra đúng vào ngày cô được kết nạp. Khi cô ngồi ở chỗ của mình, một chỗ hơi lệch về bên trái, cô đã ngay lập tức cảm nhận được rằng chi bộ Đảng là một tổ chức kín. Cô cũng cảm thấy được sức nặng của sự kiểm tra đối với mình. Phương, bí thư chi bộ, là phó giám đốc văn phòng; những người lãnh đạo cấp cao trong công việc là những người lãnh đạo cấp cao của Đảng, và ngược lại, nói một cách tế nhị, những người lãnh đạo cấp cao của tổ chức Đảng là những người lãnh đạo cấp cao trong công việc. Đối với Hiền, họ là hai song thực tế là bốn. Dù ở bên này hay ở bên kia thì sẽ luôn có « một mắt nhìn cô, một tai nghe cô ».

Tuy nhiên, cô thốt lên, « tôi có may mắn bởi vì chi bộ của tôi còn trên cả mức thân thiện ! ». Khác với những chi bộ khác có thể cứng nhắc, nhất là ở nông thông, chi bộ của cô tập hợp những người có học thức, có thông tin (đó là nghề của họ ), luôn có khả năng tương đối hoá những vấn đề và dàn xếp với lãnh đạo cấp cao. Họ có những sở thích và những cách sống gần giống nhau, một lối sống đô thị tạo ra cách suy nghĩ nhìn nhận cởi mở. Không có xung đột, không có căng thẳng, không có sự đố kị. Ngay cả Phương được bầu lại thêm một nhiệm kì hai năm (dưới sự kiểm tra của Đảng bộ ), là một phụ nữ tử tế, « cầu tiến nhưng tốt bụng » : cô phải vậy nếu cô muốn dành được sự ưu ái của chúng tôi, tiến bộ trong cơ quan và nhận được một vị trí quản lí cao hơn ».. Hiền vừa nói không hay lắm về bí thư chi bộ mình. Cô không sai. Giữa Đảng và Nhà nước, các con đường tiến thân được trải nhựa êm : thăng tiến trong quản lí nhà nước phụ thuộc vào vị trí quản lí trong chi bộ. Đó chẳng phải là lí do tại sao chủ nghĩa xã hội trở lên đáng yêu hay sao ? Hiền trả lời câu hỏi tinh nghịch của tôi bằng một câu trả lời tinh nghịch : « Đúng thế, nhưng chỉ đáng yêu với những Đảng viên khác mà thôi ! ». Dù sao đi nữa, tại văn phòng, mọi điều diễn ra suôn sẽ hơn với Phương còn bởi chẳng ai dòm ngó tới vị trí của cô ; vào đợt bầu vừa rồi, Hiền thậm chí còn nhớ là một Đảng viên chi bộ cô đã lôi cô ra gặp riêng trong hành lang và khẩn khoản xin cô đừng bầu cho người đó.

Hàng tháng, Hiền dự họp chi bộ tại căn phòng bình thường của bí thư- buổi họp không kéo dài quá một giờ. Vì cô đã từ chối vị trí kế toán, mọi người đã giao cho cô soạn biên bản các buổi họp. Sau khi điểm lại tình hình, mọi người phải thông báo những tin mới và những chỉ đạo từ trên. Những thứ này không phải diễn ra thường diễn ra và cũng chẳng khó giải thích cho lắm, và vì vốn là những người làm việc trong lĩnh vực thông tin-tư liệu cho nên mỗi người trong họ cũng đã biết điều gì diễn ra, điều gì cần phải nghĩ và điều mình cần nghĩ thực sự. Tất cả không quá mười phút. Rồi, mọi người thảo luận kĩ về công việc thường ngày, rồi mười năm phút cuối biến thành lúc nói chuyện phiếm. Mọi người uống và vui đùa. Không khí của những buổi họp này là tất cả trừ nghiêm túc. Như để thanh minh, Hiền kết luận : « Chi bộ của tôi có thể không thật nghiêm túc cho lắm. Nó chắc hẳn khác với những nơi khác, nhất là so với những nơi hẻo lánh, nơi mà người ta thực sự nói chuyện về tình trạng đất nước và của thế giới… ». Một chi bộ không thật nghiêm túc ư ? Dù sao nó ít nghiêm khắc tới mức nhiều lần nó đã bị quên, hoặc bị chán ghét tới mức chưa bao giờ diễn ra, tới mức phải làm giả sổ ghi chép và lập một biên bản họp giả…  Nhiều trường hợp ở những nơi khác chỉ ra rằng trò họp giả này đã trở thành rất phổ biến, và cuối cùng cái kiểu vừa rập khuôn và vừa vô lối này đã trở thành một nét khá tiêu biểu cho xã hội Việt Nam đời thường ngày hôm nay.

Mặc dầu vậy, vẫn tồn tại nhiều ràng buộc. Trước hết phải nói tới những lần triệu tập họp bất thường khi lãnh đạo Đảng tuyên một nghị quyết. Cần phải ngừng mọi công việc để có mặt. Tổ chức hình kim tự tháp từ trên cao  hả hê huy động năm mươi ngàn chi bộ phía dưới. Hiền đã ba lần tới những buổi họp kiểu thế được một phái viên của ban Tuyên giáo TƯ Đảng triệu tập tại một hội trường lớn của bộ. « Tôi đã chẳng nghe gì hết » – Hiền đã nói thế – « Nhưng tôi đã mất cả nửa ngày, và tôi đã một lần lỡ một cuộc hẹn quan trọng ».

Còn một ràng buộc nữa nhàm chán hơn, đó là qui định bắt buộc đảng viên phải tham gia cả cuộc họp của chi bộ Đảng tổ dân phố nơi Đảng viên cư tru, ngoài cuộc họp của chi bộ cơ quan, và nếu có thể tham gia cả vào hoạt động do chi bộ Đảng tổ dân phố tổ chức, điều này càng làm mất thêm nhiều thời gian. Ta có thể nói dối, nghĩ ra một lí do vắng mặt nào đó, nhưng theo Hiền dẫu sao thỉnh thoảng cũng phải có mặt để tránh bị lôi ra khiển trách. Chỉ khi về hưu thì Đảng viên mới được thôi không phải thực hiện nghĩa vụ này. Những Đảng viên nghỉ hưu ai cũng biết mánh khoé sau : họ quên chuyển hồ sơ Đảng viên từ chi bộ cơ quan nơi họ thôi làm việc tới chi bộ Đảng tổ dân phố nơi họ sống, nơi mà về lí thuyết họ sẽ phải tiếp tục tham gia  sinh hoạt Đảng…

Liên quan tới những điều bắt buộc, chắc chắn phải nói tới cuộc họp cuối năm dưới hình thức là cuộc họp kiểm điểm cá nhân đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi Đảng viên. Từng người một phải đọc một bản kiểm điểm, cho ý kiến về bản kiểm điểm của các Đảng viên khác, và mỗi lần như thế họ phải điền nghiêm túc vào một tờ kê khai. Rồi trước những con mắt giả bộ thơ ngây – thực tế đây chẳng khác gì một trò trẻ con kinh khủng – từng người một phải tự kiểm điểm mình trước người khác,và để lời kiểm điểm được hoàn chỉnh, cần phải đề nghị người khác nhận xét về mình. Thực là một phép biện chứng giống trò ném đá nẩy trên mặt nước : quả vậy nếu bản tự kiểm điểm của tôi bao gồm ý kiến phê bình của người khác, thì bản kiểm điểm ( tự phê bình ) của người khác cũng bao gồm ý kiến phê bình của tôi, và chỉ như thế thì việc phê bình mới có ý nghĩa đầy đủ ( phê bình nhau để giúp đỡ nhau ). Ngay cả khi không có ý kiến gì, cũng phải cố tìm ra điểm nào đó còn chưa hoàn thiện cho lắm ở mình hay ở người khác để có gì đó phát biểu trong khoảng thời gian dành cho mình và có gì đó để điền vào bản kê khai của mình. Càng nói được điểm thực sự còn yếu kém của mình hoặc của người khác, thì lời tự phê bình và phê mình mới được cho là thành thật và tử tế. Và thế là người ta chẳng thiếu chuyện để có thể toả sáng.

Chẳng hạn người ta điểm lại những sự kiện đã xảy ra trong năm, nhắc lại chuyện ngưòi này hút thuốc cả ngày trong văn phòng, người kia không bao giờ đóng cửa khi ra ngoài, hay người khác hay quên chào, đi quán cà phê và sao nhãng việc gia đình, không đi đổ rác, đi làm muộn, mua cho mình một chiếc xe máy đẹp ( lấy tiền từ đâu ? ) vân vân. Thậm chí không cần phải coi đây là dịp trả thù để làm cho cuộc họp biến thành chuyện không hay ; chỉ cần một phút bực bội, một thoáng tỏ ra mệt mỏi, một cá tính dễ tự ái, hay tỏ ra là một người rất tỉ mỉ là đủ rồi ( giống như người luôn cầm trên tay cuốn sổ để ghi chép lỗi của người khác ). Bởi vì cuộc sống xã hội đôi khi đòi hỏi người ta phải biết im lặng, cho nên tất cả những gì bình thường lẽ ra không nên bao giờ nói ra có thể gây ra xung đột và cãi vã để lại tổn thương

Bản thân cái cách thức này tạo ra xung đột. Nó buộc mỗi người phải đặt lên bàn ( nói ra ) những lí do gây bất hoà, những mầm mồng gây mâu thuẫn, những chiếc ngòi được nối nhân tạo với những chiếc thùng thuốc thực tế không tồn tại hoặc dẫu sao không nhất thiết tồn tại. Ta hiểu ra mục đích của cái cách thức cổ xưa theo kiểu Lê-nin này : kiểm soát thông qua mâu thuẫn. Sự bất đồng được tạo ra từ vô số chuyện là cách tốt nhất để tránh những sự liên kết ở cơ sở vốn luôn nguy hiểm. Nó là phương thuốc chưa căn bệnh tế bào con trẻ này : tòng phạm. Ta ngỡ mình đang ở trong phòng khách của Rousseau, ta đang ở dưới chiếc mũ nồi của Lê-nin. Thật kinh ngạc khi vẫn còn thấy ở Việt Nam ngày nay những gì mà người ta chỉ tìm thấy trong những cuốn sách lịch sử về chủ nghĩa cộng sản và những cuốn sách nhỏ của quân nhân. Ta thấy ở đây một tính chất bảo tàng học nào đó không phải là không thú vị. Chỉ có điều đó là một bảo tàng đã vươn ra khỏi những bức tường của nó bởi vì cái nghi thức kiểm điểm giờ đây đã lan toả ra « đại chúng ». Dù là Đảng viên hay không là Đảng viên, mọi viên chức phải làm theo. Trong bộ máy chính quyền Việt Nam, ngay cả những kẻ nghịch đạo cũng thú tội cơ mà.

Hiền bình thường vốn điềm tĩnh cũng nổi sung lên : « Trong vô số trường hợp, buổi họp kiểm điểm cuối năm là một thách thức. Tôi đã được nghe kể nó diễn ra như thế nào tại nông thôn, trong bầu không khí toàn là những sự gièm pha chỉ trích và tư thù. « Chúng tôi rất muốn tin vào những gì họ nói, nhưng ngoài những chuyện nọ chuyện kia về những xung đột giữa những người nông dân, chúng tôi đã không thể có những bằng chứng hay thông tin cụ thể đáng tin cậy nào về việc kiểm điểm ở nông thôn. Dù sao thì chuyện kiểm điểm ở chi bộ Đảng của Hiền diễn ra suôn sẻ, rất suôn sẻ là khác. Các Đảng viên chi bộ của cô là những người có học thức vốn hiểu rất rõ những cái bẫy để tránh né : trước tiên là ngay từ trước cuộc họp họ đã thoả hiệp trước với nhau về mối liên hệ giữa phê bình và tự phê bình (« mình trách cậu cái này, cậu chỉ trích mình cái kia, chúng ta sẽ diễn xong vở kịch », sau đó bằng cách trích tiền quĩ đi nhà hàng.. Cách thức tránh né này tỏ ra hiệu quả. Nhờ đó mà Hiền đã có thể tiếp tục tự do phát ngôn và nói với chúng tôi về buổi tổng kết cuối năm này. Là người được may mắn, cô đo sự khác nhau với điều mà người ta kể cho cô về những chi bộ ở những nơi khác. Nhận định này cũng còn giúp ích cho toàn bộ cuộc nói chuyện của chúng tôi : quả vậy, nếu như chi bộ của cô quả là một địa ngục thì cô đâu đã có thể phá bỏ luật giữ bí mật để kể với chúng tôi câu chuyện này về Đảng cơ chứ.

Càng vào Đảng càng ít làm chính trị

Hiền thuộc lớp thanh niên đô thị trung lưu không quan tâm tới chuyện chính trị. Lớp người này nhìn về tương lai và có khả năng chịu đựng cao, miễn sao họ không phải chịu nhiều gò bó quá và đời sống kinh tế khá lên. Điều quan trọng đối với họ là tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chuyện chính trị theo kiểu ngày xưa. Bởi xét cho cùng thì liệu đã có gì thay đổi đối với Hiền kể từ khi cô vào Đảng hay chưa ? Chẳng gì cả. Cô đã trải nghiệm quá trình kết nạp Đảng như thể đó là giai đoạn có phần gò bó, và xét cho cùng thì cũng chẳng quan trọng lắm. Đó chẳng qua là một thủ tục bắt buộc, là điều tất yếu cô phải làm một khi cô đã tự mình quyết định vào làm việc cho nhà nước, vả lại cô đã làm thuận theo một cách thật dễ dàng là bởi vì điều đó chẳng đòi hỏi ở cô điều gì về hệ tư tưởng, cũng chẳng gây ra hậu quả gì đối với đời sống hàng ngày của cô, có chăng nó cho cô khả năng được thăng tiến vì lẽ là Đảng viên là một trong những tiêu chí chính thức để được đề bạt đối với viên chức nhà nước. Cần phải làm thế và cô đã làm thế.

Đâu có cần phải là người theo hệ tư tưởng cộng sản hay phải trở thành như vậy đâu để vào Đảng cơ chứ : từ hơn năm mươi năm nay, Đảng đã là một phần của Việt Nam, không phải với tư cách là một hệ tư tưởng, mà là xét ở góc độ thể chế và xã hội. Đó là một bộ máy gần như những bộ máy khác. Một người Việt Nam được cuốn vào hàng ngũ của Đảng có ít sự dấn thân chính trị hơn so với một người Pháp gia nhập Đảng xã hội hay Đảng UMP. Nếu táo bạo hơn, ta có thể so sánh việc vào Đảng gần giống như việc nhận một tấm huân chương Bắc đẩu bội tinh ở Pháp : một kiểu lễ nghi cộng hoà, vốn ngày xưa mang tính chính trị, « đánh dấu » một sự phục tùng, nhưng theo thời gian bị tan chảy để trở thành một kiểu nghi thức của các cơ quan tới mức hoàn toàn mất đi tính chính trị. Ta cảm thấy lúng túng hoặc tỏ ra như vậy, nhưng ta đón nhận tấm ru-băng đeo lên mình, thế thôi.

Hiền chẳng ủng hộ cũng chẳng không ủng hộ Đảng. Cô ở trong hàng ngũ đó. Cô vào Đảng một cách không ồn ào, bình lặng, vào Đảng mà niềm tin không bị thay đổi vì cô đâu có niềm tin nào đâu. Cô có tấm thẻ, nhưng cô đầu phải là người cộng sản đáng giá một su. Và người ta còn không tin là cô không có có đầu óc của một người lính cấp thấp. Một trong những người bạn thân nhất của cô thời trung học không bao giờ quên đưa nhanh tay lên che miệng mỗi khi nói xong một câu chỉ trích chế độ, như thể anh ta đột nhiên câm miệng lại trước một thành viên có thế lực trong Đảng…Lời chế riễu không có hiệu lực: Hiền phá lên cười, và để thanh minh theo một cách cũng hài ước như thế, cô chêm vào một câu tự chế riễu mà tất cả moi người ở Việt Nam đều biết: “Vì tất cả mọi người đều bẩn cả, cho nên tôi vào Đảng để tất “quần chúng” được sạch !” Hiền biết nói bông đùa về chính trị, nhưng đó không phải chủ đề ưa thích của cô. Bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam, cơ chế vận hành thực tế của nó, nguồn gốc tư tưởng Lê-nin của Đảng, lịch sử thực sự của nó, sự kiểm soát hoàn toàn đối với bộ máy nhà nước, tất cả những thứ đó đâu có làm cô bận tâm để ý, hoặc nói đúng hơn là cô không nhìn thấy. Đó là văn hoá của cô và của cha mẹ cô, là thế giới của cô, là những gì cô nghĩ tới là đời sống thường ngày của cô. Và giống như nhiều thanh niên Việt Nam hoặc đơn giản đối với nhiều người Việt Nam nói chung, cô chỉ biết về lịch sử chính trị đương đại thông qua những gì sách tuyên truyền nói.

Trong hoàn cảnh như thế, mọi điều mới mẻ gây ra sự kinh ngạc, nhất là khi chỉ với một cái clich chuột, Hiền nhẩy từ thông tin này sang thông tin khác để tiếp cận được những sự thật mà cô chưa từng bao giờ hoài nghi. Khi làm việc, cô muốn kiểm tra lại ngày tháng Hồ Chí Minh đặt chân đến nước Pháp và cô bất ngờ thấy một bản sao hợp đồng hôn nhân của ông …??? ( thiếu chữ ở trang 172 trong sách, do scan) từ kho hồ sơ của KGB: Như vậy là Hồ Chí Minh có vợ, và không chỉ với dân tộc. Một số người bạn của cô nói với cô về một “mối nguy Trung Quốc”, và trên máy tính cá nhân của mình, cô khám phá ra trên những trang blog cả một thế giới toàn những lời phản đối và những sự tố cáo chế độ mà cô đã trở thành một thiết bị trong đó. Cô không thoát ra được ! Khi mở mắt ra, cô ngạt thở khi thấy trên báo chính thống xuất hiện trở lại những lời kêu gọi của cái thời Mao Trạch Đông: “Việt Nam là em, Trung Quốc là anh”. Cô bàng hoàng như từ trên trời rơi xuống khi chúng tôi đọc cho cô trường hợp của hàng chục người trong tù, bị quản thúc hoặc luôn bị đe doạ gây tai nạn giao thông chết người đối với con cái họ khi đi học. Cô ngay lập tức tìm thong tin trên mạng: “Tôi biết được những điều không thể tin nổi”.

Cô kín đáo kể những chuyện này với bạn bè than, nói với họ về sự theo dõi của cảnh sát và công lí mệnh lệnh, tâm sự những nghi ngờ và thu lượm những lời bày tỏ: cô quay trở lại chuyện chính trị mà không hề biết, cô cuốn theo dòng thời sự, theo những hồ sơ cụ thể, những tiết lộ bất ngờ, những sự mở lòng nói ra sự thật, những trang web phơi bày. Cô đã từng biết những người không được ai ưa, đã bị mất việc làm, thậm chí cả tự do. Ấy vậy mà cô đã từng nhìn nhận rằng đó là một môi trường bình thường, một quyết định của công lí, một luật chơi mà tất cả  mọi người đã tham gia. Giờ đây, Hiền bắt đầu hoài nghi và tự nhủ rằng cái chi bộ Đảng nhỏ nhoi tử tế và chỉ hơi không được nghiêm túc cho lắm chẳng có gì liên quan đến những trò chơi chính trị thực tế cả, hay với vai trò giám sát được trao cho nó. Chẳng phải cô hơi bị hụt hẫng hay sao ? Cô lại cười, nhưng có phần ít hơn so với trước kia. Cô tự hỏi không biết những người chịu những đòn trời giáng từ Đảng duy nhất đó có nhiều hay không: thế là chuyện trở lên bớt buồn cười hơn rất nhiều. Giữa sự riễu cợt vô duyên và lời chỉ trích từ đáy long là cả một vực thẳm đang được cô nhìn thấy, giống như hang trăm ngàn thanh niên Việt Nam.

Sự bất an mà họ cảm nhận thấy cũng tương đương với những nỗ lực của Đảng để ăn sâu bén rễ chắc hơn vào trong xã hội đương đại. Thách thức thực sự giờ đây không phải là làm sao thu hút những viên chức trong cơ quan nhà nước nữa, bởi vì như Hiền đã cho ta biết, việc họ vào Đảng đã trở thành điều bắt buộc. Vấn đề hiện này là làm sao vươn tới những học sinh trung học, đại đa số người làm công, tới 80-90 % người Việt Nam đang làm việc trong khu vực tư nhân. Vào năm 1999, chỉ thị 07 của Bộ chính trị đã dự kiến tăng cường mở rộng thu hút lực lượng này, nhưng những nỗ lực kết nạp đã luôn vấp phải thái độ thụ động, nếu không nói là sự phản đối của người lao động ở khu vực tư nhân.

Cuối năm 2009, tức mười năm sau, ngươi ta thống kê có 2.200 chi bộ Đảng và 36.000 Đảng viên tại các doanh nghiệp tư nhân, của Việt Nam hoặc có vốn nước ngoài. Hồ Đức Việt, trưởng ban tổ chức TƯ Đảng cho biết vào tháng Giêng năm 2010 rằng kết quả này vẫn còn quá khiêm nhường và nguyên nhân duy nhất là do thiếu tuyên truyền vận động không thể chấp nhận được: “Lao động tại doanh nghiệp tư nhân không được thông tin tốt và giới chủ doanh các doanh nghiệp này không ưa chấp nhận cho một tổ chức Đảng tồn tại trong doanh nghiệp của mình. “Sẽ tăng cường tuyên truyền, và một chương trình đang được triển khai theo hướng trả them khoản lương cho Đảng viên làm việc tại khu vực tư nhân ! Để đạt mục tiêu của mình và thuyết phục được các chủ doanh nghiệp đón nhận các cơ sở Đảng, Đảng đưa ra lập luận về tăng cường kỉ luật: một công nhân sẽ càng làm việc tốt hơn khi là Đảng viên, và khi đó sẽ trở thành tấm gương cho người khác học theo, và theo định nghĩa là người có tinh thần tuân thủ kỉ luật, trung thực và trách nhiệm.

Người ta tỏ ra vui mừng khi trích dẫn những minh chứng cụ thể chỉ ra rằng không hề có phản đối nào đối với chương trình này, mà trái lại chỉ có sự đồng nhất quyền lợi giữa giới doanh nghiệp và giới chính trị. Đầu tiên phải kể đến ông Lê Như Ái, chủ một nhà máy nước khoáng ở thành phố Hồ Chí Minh, người đã công khai khen ngợi tinh thần làm việc siêng năng mà mười tám Đảng viên trong xí nghiệp của ông đã thể hiện. Còn bà Trần Thi Lê, tổng giám đốc một công ty lương thực tuyển dụng mười ba Đảng viên thì tuyên bố không hề chuẩn bị trước: “Ban đầu tôi lo lắng vì không biết, nhưng tôi đã thấy mình sai bởi vì việc tồn tại một tổ chức Đảng tại doanh nghiệp nhắc nhở chúng tôi thường xuyên phải tỏ trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và công nhân. Và khi nảy sinh một vấn đề, chính chi bộ Đảng giúp giải quyết vấn đề đó; chi bộ Đảng nắm rõ suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của công nhân; chi bộ Đảng cho phép phản ứng kịp thời trong trường hợp xảy ra bất đồng, và do đó tránh được xung đột xảy ra.

Còn đây là một lĩnh vực mở rộng hoạt đông khác của Đảng: điều hành hoạt động thường ngày của đất nước. Không chỉ giật giây, đứng đằng sau hoặc biệt phái người vào hầu hết các cơ quan, Đảng đang ra khỏi hậu trường để công khai lộ mặt trên sân khấu. Quả vậy, một dự án cải cách đang được tiến hành nhằm sát nhập chức danh chủ tịch uỷ ban nhân dân ( người đứng đầu cơ quan hành pháp địa phương ) với vị trí bí thư Đảng. Có nghĩa là hợp pháp cho phép bí thư Đảng có thể nắm mọi quyền điều hành. Quyền lực của bí thư sẽ càng ít bị hạn chế hơn khi các hội đồng nhân dân đang bị bỏ đi, điều này cũng sẽ xoá bỏ những kì bầu cử địa phương duy nhất ở Việt Nam: Bí thư Đảng trở thành người đứng đầu cơ quan hành pháp giờ đây không còn bị bất cứ hội đồng nhân dân nào kiểm soát. Chúng ta hãy biết rằng những cải cách này không hề làm thay đổi cách thực vận hành thực tế của mọi chuyện, bởi vì ở địa phương từ lâu nay, bí thư vẫn luôn là nhân vật quyền lực nhất; chúng chỉ thay đổi bề ngoài mà thôi, và do đó chỉ để phát đi một thông điệp chính trị mới, đó là: kết thúc huyền thoại về một chính quyền địa phương tự chủ, tuyên bố công khai rằng Đảng từ đây tăng cường chi phối bộ máy nhà nước. Ở cấp TƯ cũng diễn ra thay đổi tương tự, dẫn tới việc sát nhập vị trí tổng bí thư với vị trí chủ tịch nước, giống như ở Trung Quốc. Người ta kháo nhau rằng đây là điều dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 vào tháng Giêng năm 2011.

Cuối cùng lien quan đến đời sống thường ngày, sự tuyên truyền của Đảng đã được tăng cường và mạnh nhất vào những năm 2009-2010 kể từ thời kì mở cửa vào cuối những năm 1980. Chỉ cần đọc báo, không chỉ của những cơ quan báo chí chính thức, hoặc xem ti-vi, chẳng hạn chương trình Câu hỏi cho nhà vô địch thu hút nhiều khán giả về nội dung liên quan đến Đảng cộng sản, trong đó Julien Lepers của Việt Nam ra câu hỏi: “Ngày thành lập Đảng cộng sản Đông Dương là ngày nào ?”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên:“Chúng ta hãy đứng dậy để dành lại đất đai của ông cha ta để lại!” vào dịp nào ?”, “Từ viết tắt Việt Minh có ý nghĩa gì?”. Ở khắp mọi nơi và mỗi khi có dịp, người ta lại nói tới lịch sử hào hùng của Đảng cộng sản, kết quả lớn lao mà Đảng đã giành được, những công trình tầm cỡ sắp thực hiện, và “tư tưởng Hồ Chí Minh” đầy mơ hồ –  chủ đề của nhiều lời bàn tán thay vì nói về chủ nghĩa Mác-xít-Lê-nin dường như đã phần nào bị xếp vào trong góc.

Sự tôn thờ thần tượng Bác Hồ được xây dựng ngay từ Hồ Chí Minh còn sống với sự đồng ý của ông đã có nền tảng vững chắc ngay từ khi ông qua đời vào năm 1969; lăng của ông vẫn tiếp tục được nhiều đoàn học sinh và những người dần từ các tỉnh thăm viếng khi thăm quan thủ đô. Những câu chuyện tô hồng về Hồ Chí Minh đã được đưa vào nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa. Sự tôn thờ một nhà chính trị dần dần trở thành một sự tôn thờ một bậc thánh[1]. Ta có thể không ít lần nhìn thấy tượng nửa thân của Hồ Chí Minh bằng thạch cao trắng hoặc sơn son thiếp vàng đặt tại các ngôi chùa  làng ở đồng bằng sông Hồng, bên cạnh tượng Phật, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, hoặc những bức thực sự đẹp và uy nghi được đặt riêng một mình, với một bát nhang được cắm nhiều nén hương thành kính. Đảng sử dụng mọi khả năng có thể và những bức tượng nửa thân này được đặt ở đó để nuôi dưỡng và khích lệ lòng thành kính chính trị. Vào tháng Giêng năm 2010, khi thăm một ngôi chùa đang được xây dựng tại một tỉnh miền Trung Việt Nam, chúng tôi đã ngạc nhiên khi đọc câu sau ở phía trên trán tường: “Được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Đảng, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.” Rõ ràng là Đảng đang công khai sát nhập vào cả đời sống tôn giáo.

Những đòi hỏi của Đảng trở nên cấp thiết. Việc kết nạp đang mở rộng. Tuy nhiên, lối giao giảng đạo bắt buộc này chỉ tạo ra những kẻ giả đạo và những kẻ qui theo giả nhân giả nghĩa mà thôi. Cho nên có thể nói là tình hình chính trị Việt Nam chứa đựng khá nhiều nghịch lí. Một mặt, Đảng ra khỏi ốc đảo, tuyên truyền để kết nạp, công khai can thiệp vào quản lí hoạt động thường ngày của đất nước mà trước đây Đảng vốn thận trọng giữ một độ lùi nhất định, và Đảng nỗ lực sử dụng mọi khả năng để lôi kéo quần chúng ở làng mạc xa xôi hẻo lánh nhất. Mặt khác, giới trẻ Việt Nam, nhất là giới trẻ thành thị, không ngớt lời chế riễu chính trị, hoặc nói  chẳng ra gì về vai trò của Đảng và hình ảnh của Đảng với tư cách là bộ mặt của đất nước ở nước ngoài. Đảng càng lộ diện bao nhiêu thì giới trẻ càng tránh xa  bấy nhiêu. Dường như ta thấy mờ mờ hiện ra ở bên trong một cuộc xung đột thế hệ âm thầm. Giới trẻ ngày càng nóng long chờ đợi tới lúc những nhà cách mạng già và cha mẹ họ nhường chỗ cho mình và để họ có quyền lo chuyện tăng trưởng kinh tế, về những thứ họ tiêu dùng và về chính ước mơ mang “Mỹ” của họ: giới trẻ đang ngộ ra rằng họ còn phải chờ đợi lâu nữa.


[1] Xem chương 12 – trang 306

78 bình luận to “401. SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (6)”

  1. […] tôn thờ một nhà chính trị dần dần trở thành một sự tôn thờ một bậc thánh[1]. Ta có thể không ít lần nhìn thấy tượng nửa thân của Hồ Chí Minh bằng […]

  2. […] AnhBaSàm […]

  3. […] VỚI NGƯỜI VIỆT (3)SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (4)SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (5) SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (6)   có lẽ “không hấp dẫn mấy” như bài […]

  4. Người Hà Nội said

    Bản dịch đúng là còn nhiều chỗ dùng từ còn ngô nghê, thậm chí còn làm sai lạc cả nội dung, ý nhĩa ban đầu của nguyên bản. Tuy nhiên cũng phải nói rằng tác giả không phải là người VN nhung cũng nghiên cứu khá kỹ về cách thức hoạt động của ĐCSVN. Mặc dù vậy, vì là người ngoại đạo nên cũng không tránh khỏi nhiều sai sót, ngộ nhận, phóng đại và phiến diện. Chế độ chính trị mỗi nước khác nhau, không nên áp đặt mô hình của nước này cho nước khác. Ở nơi nào thấy đa đảng tốt thì người ta theo, nơi nào thấy 1 đảng mà tốt, đem lại lợi ích cho đất nước, cho xã hội, cho mọi người thì người ta đi theo thì cũng chẳng có gì là lạ. Ở VN, cũng chẳng có ai ép buộc một người nào đó phải vào đảng. Vì vậy gần 90 triệu dân mới có mấy triệu đảng viên thôi. Việc chị Hiền vào đảng hay không cũng chẳng ai bắt buộc cả. có điều nếu chị ấy muốn vào đảng và trở thành đảng viên thì phải tôn trọng, phục tùng những nguyên tắc sinh hoạt đảng. Bất cứ 1 đảng, 1 tổ chức nào cũng có những quy định của riêng mình. Nói như bác Hai lúa là thực lòng: Thấy đảng nào tốt, đem lại quyền lợi cho mình, con cháu, gia đình mình hay nói rộng ra là cho dân mình là mình theo thôi.

    • hahien said

      Qua bài viết thì tôi thấy chị Hiền chị ấy vẫn “tôn trọng, phục tùng những nguyên tắc sinh hoạt đảng” đấy chứ.

  5. Huong said

    Bản dịch có rất nhiều sai sót. Tôi đồng ý với nhận định của Hodao ở trên. Đây là bản dịch cho người Việt thì phải dùng những từ mà người Việt vẫn dùng ! Không thể lấy lý do là người nước ngoài thì bắt họ phải nói ngây ngô. Hơn nữa bản thân người dịch không hiẻu mình dịch cái gì nên mới để dấu hỏi chấm trong ngoặc, trong khi nội dung tiếp theo đã khiến ai cũng hiểu là lý lịch, mà người dịch vẫn tiếp tục dùng từ “cuốn sổ”.

    Ngoài ra còn nhiều chỗ sai nghiêm trọng, ví dụ :
    – “Và vì bởi đây là một cuốn giáo trình dành cho những kẻ thô lỗ”. Ở đây trong bản gốc là “béotiens” nghĩa là những kẻ “tập tọng” chứ không phải “thô lỗ” nghe quá nặng nề và không hợp với ngữ cảnh.
    -“Thực là một kiểu tổng kết chủ nghĩa Mác-xít phức tạp”. “Point de marxisme compliqué” “point” ở đây không phải là “tổng kết” (faire le point), mà là trạng từ, có nghĩa là “pas”. Vì thế câu này bị ngược nghĩa. Ý tác gỉa là : “Hoàn toàn không phải là một thứ chủ nghĩa Marx phức tạp” gắn với ý sau là mọi thứ đều được đơn giản hóa, tóm tắt lại thành công thức. Lưu ý dich giả là “ramassé” không phải là “thu gom”, mà trong trường hợp này là “vắn tắt”, “rút gọn”.

    Philippe PAPIN là nhà sử học, không phải nhà báo, cũng không phải nhà nghiên cứu “văn hóa, xã hội” và không hề “mang dòng máu Việt Nam” như một số người khẳng định !

    • hahien said

      “Đây là bản dịch cho người Việt thì phải dùng những từ mà người Việt vẫn dùng”. Ý kiến này của bác cũng rất có lý. Nhưng chúng ta cũng cần coi trọng những ý kiến và cảm thụ của những người Việt khác với bác khi họ đọc bản dịch này.

      Còn theo tôi thì đã là bản dịch cho người Việt thì KHÔNG NHỮNG NÊN dùng những từ mà người Việt vẫn dùng mà QUAN TRỌNG HƠN là làm cho người Việt cảm thấy thích thú. Khi đã cảm thấy thích thú thì tất nhiên là người ta cũng phải cảm nhận được nội dung rồi

      Tất nhiên là cái sự “thích thú” và cảm nhận của mỗi người cũng khác nhau và điều này phụ thuộc vào văn hóa đọc và nhiều yếu tố chủ quan khác, dù cùng là người Việt. Tôi thích thế nhưng bác lại không thích cũng là chuyện bình thường.

      Và vì nó mang nhiều yếu tố chủ quan nên chúng ta tôn trọng cách nhìn nhau.

      Còn những chỗ dịch sai hẳn về ngữ nghĩa hay ngữ pháp mà bác chỉ ra là rất đáng ghi nhận. Nhưng phải chăng bác cứ viết thẳng ra thành câu, ví dụ như theo tôi thì đoạn này nên dịch là bla bla bla… thì tốt hơn (tôi cũng đã một vài lần dịch lại một vài câu như thế trong những bài khác cũng trên trang của Anh Ba nhưng không bao giờ quên cám ơn người dịch một câu). Như thế là bác sẽ cùng với người dịch làm cho bản dịch có thể hoàn hảo hơn mà vẫn thể hiện trân trọng công sức của người ta. Đấy mới là thiện ý và chắc chắn được các còm sỹ ở đây đánh giá cao. Người ta đã bỏ ra nhiều công sức, làm không công, mà người đọc chỉ nhận xét một cách vô cảm rằng “bản dịch có rất nhiều sai sót” thì tôi thấy …. cứ thế nào ấy.

      Riêng tôi thì vẫn thấy bản dịch rất tuyệt vời, dù khó mà có thể tránh khỏi một số sai sót nhỏ khi dịch một bài dài như vậy

      • Huong said

        Sở dĩ tôi chỉ chỉ ra một vài chỗ sai mà không dịch lại cả câu chính là vì cái yếu tố “khách quan” mà bác nói. Mỗi người có cách cảm nhận và cách hành văn khác nhau vì thế tôi không thể viết lại một câu trong bản dịch của người khác. Làm như vậy là tôi bắt người khác gò theo cách viết của tôi. Tôi chỉ nêu ra những sai sót để người dịch lưu ý thôi.
        Tôi đồng ý với bác là rất khó tránh khỏi sai sót, nhất là trong một bản dịch dài và khó “nhằn” như cuốn sách này. (Phải công nhận là dịch cuốn này không đơn giản). Tuy nhiên đã nhận dịch (dù không công, như bác nói) thì vẫn phải đảm bảo chất lượng, đừng để sai về ý vì đây là sai sót nghiệp vụ.
        Nếu bác là bác sĩ, dù chữa bệnh không lấy tiền, bác vẫn phải chữa đến nơi đến chốn, chứ không cho “đau bụng uống nhân sâm” và viện cớ “không công” phải không ạ ?

  6. Việt cộng thường nói, chủ trương đường lối của Đảng, quan điểm của Đảng, nguyện suốt đời phấn đấu đi theo Đảng…Nếu Đảng đem lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho người dân, thì không cần nêu khẩu hiệu, người dân cũng tự nguyện đi theo Đảng suốt đời để được ấm no, tự do, hạnh phúc, con người được tôn trọng, được học hành hiểu biết.
    Ai cũng có lý tưởng và chính kiến riêng của mình, mình thấy Đảng nào phù hợp với lý tưởng của mình thì mình tự nguyện ra nhập và đi theo, ai bắt buộc đâu. Chị Hiền trước khi ra nhập Đảng không tìm hiểu kỹ về Đảng hay sao mà kêu ca dữ vậy, phàn nàn dữ vậy, chị làm tôi phải tìm hiểu lại quyết định của chị đấy.
    Tôi chưa biết Đảng nào hay Đảng nào dở, vì so sánh thì luôn khập khiễng, nhưng cứ thấy an ninh của Đảng cộng sản việt nam tốt là tôi thấy đáng đi theo rồi, còn hơn phải uổng mạng ở một đất nước mà an ninh không ổn định cho dù đời sống có khấm khá hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên Đảng nào cũng có mặt hay, mặt dở…

    • hahien said

      Ủa! Lạ quá? Tui thấy chị Hiền có “kêu ca” hay “phàn nàn” gì “dữ” đâu nhỉ? Đơn giản là chị ấy chỉ kể lại một câu chuyện với những cảm nhận (rất bình thản) của riêng chị ấy, ai không chia sẻ thì thôi nhưng lời lẽ của chị ấy có đao to búa lớn gì đâu mà bác bảo “dữ”??? Độc giả mà ai cũng phán xét giống bác như thế thì mới đúng là… dữ thật! 🙂

  7. Hai Lúa said

    Ở nước nào cũng có Đảng, phần lớn là đa đảng. Đường lối của Đảng nào đem lại lợi ích cho tôi thì tôi theo. Ở Mỹ có Đảng cộng hòa và Đảng dân chủ, tôi thấy Đảng của ông omaba đem lại tự do cho người dân thì dân Mỹ ủng hộ và đi theo. Ở Việt Nam chỉ có một Đảng cầm quyền duy nhất. Nên khi về đến Việt Nam nhiều năm nay, qua quan sát tôi thấy cuộc sống người dân được cải thiện, con cháu tôi được học hành, và nhiều đứa đã được sang Mỹ học bằng học bổng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo điều kiện cho cháu tôi được đi học, vợ và con tôi được đi tham quan tại Mỹ và nhiều n ước khác, đời sống khấm khá, có cơm ăn, áo mặc đầy đủ. Tôi thấy thích nên đã động viên con cháu vào Đảng để được là một thành viên có giá trị tại đất nước mình đang sống thế thôi, còn thủ tục vào Đảng rườm rà thế nào, tổ chức của nó ra sao tôi không cần quan tâm, phải không bạn Hiền

    BTV: Bác đang ở SG mà nói chuyện ở Mỹ nghe vui nhỉ?

    • hahien said

      Nếu bác chỉ nói thế này (tức là bỏ cái đoạn: “qua quan sát tôi thấy cuộc sống người dân được cải thiện”) thì sẽ không có ai cãi bác: “Nên khi về đến Việt Nam nhiều năm nay, con cháu tôi được học hành, và nhiều đứa đã được sang Mỹ học bằng học bổng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo điều kiện cho cháu tôi được đi học, vợ và con tôi được đi tham quan tại Mỹ và nhiều n ước khác, đời sống khấm khá, có cơm ăn, áo mặc đầy đủ. Tôi thấy thích nên đã động viên con cháu vào Đảng để được là một thành viên có giá trị tại đất nước mình đang sống thế thôi”

      Thế là gia đình bác được đang ưu đãi, bác muốn con cháu bác vào đảng. OK.

  8. J said

    Hiền đã bị lôi vào một vở diễn dối trá !!

  9. HỒ CAN ĐẢM said

    BÂY GIỜ MÀ SAO CÓ NGƯỜI CHỊU VIẾT ĐƠN ĐỂ VÀO ĐẢNG NHỈ. TÔI NHIỀU LẦN ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ VIẾT ĐƠN VÀ LÀM LÍ LỊCH NHƯNG TÌM CÁCH TỪ CHỐI. HỌ ĐƯA ĐI HỌC CHÍNH TRỊ MÀ HỌ GỌI LÀ ‘CẢM TÌNH ĐẢNG’. ĐẾN NGHE NGƯỜI TA NÓI LẠI NHỮNG BÀI HỌC MÀ LÚC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC MÌNH ĐÃ QUÁ QUEN VÀ MÌNH CÒN HIỂU HƠN NHỮNG NGƯỜI ĐANG ĐỨNG NÓI TRÊN KIA. VÀ MỌI NGƯỜI TỤ TẬP LẠI NÓI CHUYỆN RIÊNG. TRÊN KIA, NGƯỜI RAO GIẢNG NÓI CHO XONG VIỆC, CHẲNG QUAN TÂM BÊN DƯỚI CÓ NGHE HAY KHÔNG. CUỐI KHÓA, VIẾT 1 BÀI NGẮN VÀ AI CŨNG THÀNH CÔNG.

    CHƯA BIẾT VÀO ĐẢNG LỢI LỘC GÌ MÀ NHIỀU NGƯỜI BÂY GIỜ VẪN CHEN CHÂN VÀO. NẾU VÀO ĐẢNG, LÍ LỊCH CỦA MÌNH SẼ BỊ GHI LÀ CÔNG SẢN VÀ MỘT MAI KHÔNG BIẾT SẼ BỊ MỘT ĐẢNG NÀO ĐÓ ĐÌ CHO THÌ KHỔ CẢ DÒNG HỌ. TÔI NHỚ LÚC TRƯỚC CHA TÔI VÀO QUỐC DÂN ĐẢNG SAU NAY BỊ CS HÀNH CHO KHÔNG NGÓC ĐẦU LÊN ĐƯỢC.

    ‘TIỆC’ SẮP TÀN RỒI, VÀO THÌ CHỈ DỌN BÁT ĐĨA VÀ RỬA CHÉN THÔI. ĐỪNG NGU.

  10. Tần Cối said

    BẤT AN
    Bài này nêu lên thực trạng Đảng đang “đảng hóa” để ăn sâu, bén rễ chắc hơn vào trong xã hội đương đại SAU KHI LIÊN XÔ TAN RÃ.

    Đảng hóa tức ban cho tấm thẻ vào cổng chức vụ (gọi văn hoa là ban cho ai đó cái “sinh mạng chính trị”)
    1/ Hợp thức hóa các trường hợp hiếm hoi đã có chức vụ hoặc đang trong diện cán bộ nguồn.
    2/Viên chức nhà nước được cho là ưu tú hoặc nổi trội (chỉ cần có lý lịch tốt ở mức tối thiểu là trong sạch hoặc thậm chí chỉ cần lý lịch xác minh là rõ ràng)
    3/ Các thân nhân của các đảng viên khác trực hệ (cha con, anh chị em ruột, chồng và vợ)
    4/ Mở rộng trong lực lượng vũ trang quân đội và công an, lập lại chế độ chính ủy
    5/Diện ngoài xã hội, vô sản trong khu vực tư nhân
    6/ Lớp trẻ, kể cấp 3.
    7/Đang bàn chuyện cho doanh nhân (tư sản) vào vào đảng
    8/ Đang bàn chuyện cho đảng viên được “bóc lột”
    9/ Đang bàn chuyện đảng là của cả dân tộc (làm mờ nhạt tính giai cấp, nhất là liên minh công – nông).

    Đảng viên có nhiều loại, loại cấp ủy, loại cán bộ nguồn, loại trọc
    Đảng viên trọc: là loại đảng viên không có chức vụ gì và có lẽ suốt đời vẫn thế. Cô Hiền trong bài hình như không phải là không có chức vụ. Nếu thu hút, giới thiệu, bồi dưỡng được các đảng viên mới cam phận sẽ là đảng viên trọc, đó là điều được khuyến khích. Khó cưỡng lại lời mời vào đảng, cho dù sẽ chỉ là đảng viên trọc. Vào đảng chỉ phải đi họp, học nghị quyết, chịu kỷ luật ràng buộc lời ăn, tiếng nói, tư tưởng, lại phải đóng đảng phí, nếu không muốn bị coi là “kẻ thù” tiềm tàng của chế độ. Lắm khi bị bắt rút khỏi danh sách ứng cử … Vậy thì làm đảng viên trọc thì có lợi gì? Nhiều lắm chứ. Làm đảng viên thì có nhiều cái lợi. Được tin tưởng vì đã CÙNG XUỒNG (đồng bọn chung vận mệnh). Được bao che với mức độ nào đó cho các sai trái dễ mắc phải trong đời sống nhiều luật lệ nhiêu khê. Được ban phát ân huệ, ít lắm cũng thấy an toàn và tôn trọng hơn dân thường về mặt an ninh xã hội và thân thể. Có nơi để bày tỏ, than phiền và được lắng nghe, giải quyết theo mức độ.

    Nếu ngày xưa người ta tìm mọi cách cản trở người tài vào đảng để ngăn chặn bước tiến công danh, để che chắn phe cánh, bè phái. Muốn vào đảng phải PHẤN ĐẤU trầy vi tróc vẩy thì ngày nay đang có nạn VÀO DỄ RA KHÓ. Quên chuyển hồ sơ về địa phương sau khi hưu, quên sinh hoạt và đóng đảng phí là các thủ thuật để THÔI sinh hoạt đảng.

    Tất cả đang nói lên đảng cảm thấy cô đơn, cô độc và đang muốn dùng kỷ luật đảng, đặt vòng kim cô lên những nhân tài ưu tú, lớp trẻ, trí thức trẻ mà đảng sợ rằng để họ ngoài đảng, ngoài vòng kiểm soát tư tưởng là rất nguy hiểm.

    To ra, béo bệu ra thì dễ bị bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ. Các chi bộ trong sạch vững mạnh, 4 tốt , 5 tốt gì cũng có tham nhũng và “mất sức chiến đấu”.

    Than ôi! Chiến đấu chống ai? Chống cái gì? Giành giựt cái gì?

  11. Peter said

    DCSVN là một tôn giáo như Phật giáo không có ông Phật hay như công giáo không có Chúa. Và tôn giáo thì quyền lợi của tôn giáo là trên hết. Thế thì đảng viên chỉ là người sai vặt rồi cho ít tiền. DCSVN đả lỗi thời rồi và trở thành trơ trẽn .

  12. Quan sát thấy said

    Khi tôi còn bé thấy ở các nơi công cộng như đình làng( nơi thường để họp làng , họp đội sản xuất…)Uỷ ban xã, đều có treo khẩu hiệu: Tổ quốc trên hết, dưới treo ảnh Bác Hồ. Nhưng từ năm 1975 thống nhất đất nước đến nay khẩu hiệu này không còn nữa, thay vào đó là là khẩu hiệu: đảng cộng sản việt nam quang vinh muôn năm, dưới là tượng Bác Hồ. Mọi người ai hiểu giải thích đi/

    • Dânđen said

      Thật quá sốc khi thằng” ĐẦY TỚ” buộc “CHỦ” hô hào gọi :
      “ĐẦY TỚ” VN quang vinh muôn năm


  13. Chiều tàn trên Sông Seine
    ==============


    Hoàng hôn trên khói sóng Sông Seine

    Ráng đỏ Mặt trời Paris lên đèn

    Du thuyền như Thiên nga lướt nhẹ

    Ôi sóng vật vờn nhịp điệu quen quen

    Thuyền viễn xứ một thời một thuở

    Cánh buồm trùng dương Tự do say men

    Thuyền nhân đạp sóng vượt biên vượt biển

    Giông bão chập chùng trùng khơi mây đen

    *

    Chiều tàn hoài cảm phủ bến Sông

    Dòng nước luân vũ vọng dội nức lòng

    Thanh bình đây Hồn ta ngây ngất

    Chuông nguyện Nhà thờ Đức Bà ngân trong

    Váng đỏ tím chiều tàn vang dạ khúc

    Chim bay về tổ ấm gợi Hoài hương mong

    Sông Seine uốn trôi về chân mây cuối

    Nhẹ nhàng trổi dậy Khúc nhạc lòng .. ..

    Paris, Tàn Hạ – trên bến Sông Seine
    23 tháng 9 năm 2011

  14. Con người chứ không phải ngợm nói said

    Trang BS hiện nay vẫn chưa đủ giá trị để chấp nhận SỰ-THẬT.

  15. dân đen said

    tù túng………..
    ách tắc…….

  16. Hùng Phong said

    Tất cả chỉ là một vở kịch. Ở đó, người ta giả bộ phấn khởi, giả bộ căm giận, giả bộ ưu tư, giả bộ chân thành, giả bộ ân hận,…

    Một vở kịch dài nhưng hồi, chương, đoạn…không được rõ ràng cho lắm! Vậy thôi!

  17. […] tôn thờ một nhà chính trị dần dần trở thành một sự tôn thờ một bậc thánh[1]. Ta có thể không ít lần nhìn thấy tượng nửa thân của Hồ Chí Minh bằng […]

  18. Dangvien-khongchibo said

    Xin chào tất cả anh chị đã comment ở đây.

    Tôi đã từng là đảng viên ĐCSVN, tôi thấy bài dịch này rất chuẩn cho dù một số từ chưa được “đúng chuyên môn” lắm vì mấy lẽ:
    – Người dịch có thể chưa bao giờ được biết các qui trình thủ tục để vào Đảng như tn.
    – Người dịch chuyển tải nguyên xi chữ của tác giả với mục đích thể hiện tính khách quan.

    Để dịch được nhưng bài từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, người dịch đã bỏ ra nhiều công sức (tự nguyện không công). Vậy, Xin các bác đừng quá khắt khe câu chữ mà nên nhìn tổng quát cả bức tranh.

    Tranh luận tiểu tiết chỉ để dành cho những đảng viên họp chi bộ thôi. 🙂

    Một đảng viên đã nhận ra chân lý.
    Đảng-viên-không-chi-bộ

  19. CCB said

    Đúng là “Đảng ta trăm tay ngàn mắt”- Rất may tôi đã không phải (không vào) là đảng viên- Trước kia tôi hiểu câu nói này có nghĩa là đảng thật sáng suốt và có thể làm được tất cả mọi thứ; nhưng bây giờ cái điều “trăm tay ngàn mắt” kia lại tạo cho tôi cái cảm giác ghê sợ, đến mức tôi cảm thấy thật may mắn cho mình khi mình đã tự nguyện làm “một quần chúng”…./.

  20. Nguời Sai Gòn said

    Thời nay mấy ai vào Đảng để giúp cộng đồng chưa hay toàn hămm he tìm cách tư lợi? Có nhân phẩm thực sự thì ở đâu co có thể giúp nhân dân mình đuợc vào Đảng chỉ mang tiếng xấu ! Nguời dân ta mắt không còn mờ nữa, quá rõ ràng rồi ! Hết thời.

  21. honghung said

    Kính anh 3sam .
    Xin được hỏi có phải nguồn gốc Đảng cách mạng là từ người (Sergi Nechayev) viết cuốn sách “GIÁO LÍ CÁCH MẠNG” mà Lê Nin lấy làm phương châm lãnh đạo cách mạng ?
    Kính anh 3Sàm .tôi nghe hơi nồi chõ vậy nên tò mò kính mong được 3Sam cho biết Secgi Nechayev là ai mà dữ vậy ?

  22. honghung said

    Tôi có nghe nói về một cuốn sách được Lê Nin gối đầu gường : “Giáo lý cách mạng” tác giả là Sergi Nechayev 1869. Ai biết xin mách gùm những giáo lí đó là gì ? mục đích và hành động ? & nhân thân -thân thế của Nechayev ?
    Tôi chân thành cảm ơn.hghg.

    • tongdh said

      Chẳng biết bác hỏi có ý gì. Nhưng tiện tay cứ google cho bác cái. Chắc bác muốn nhắc tới ông này. Chỉ có bài tiếng Anh, chưa có bài tiếng Việt

      http://en.wikipedia.org/wiki/Sergey_Nechayev

      Viết là Sergey Nechayev hoặc Sergei Nechayeb. Tiếng Nga là: Серге́й Неча́ев như bác thấy ở thông tin wiki ở link trên.

  23. […] SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (6) […]

  24. […] tôn thờ một nhà chính trị dần dần trở thành một sự tôn thờ một bậc thánh[1]. Ta có thể không ít lần nhìn thấy tượng nửa thân của Hồ Chí Minh bằng […]

  25. […] Nguồn anhbasam […]

  26. băng XHĐ 79 Mã Lò Q.Bình Tân said

    Bài này viết dài quá , đọc hoa cả mắt !

  27. nguyễn văn Đức said

    chặt chẽ như thế mà sao vẫn sụp đổ? ( Nga và toàn bộ các nước Đông Âu) . bao giờ thì đến bốn nước chủ nghĩa xã hội còn lại? cũng chỉ là thời gian khi nào thôi.

  28. Nails Man said

    Nếu bạn nào là Đảng viên mà qua Mỹ định cư thì nên cẩn thận khi ghi tên nhập quốc tịch Mỹ. Câu phỏng vấn đầu tiên mà Sở Di Trú Hoa Kỳ hỏi là bạn có phải là thành viên hay cảm tình với Đảng Cộng Sản hay không? Nếu bạn khai có thì đừng mong nhập tịch. Sở Di Trú Hoa Kỳ xem Đảng Cộng Sản là một tổ chức tội phạm vì Chủ Nghĩa CS đã là thủ phạm giết trên 100 triệu người vô tội khắp thế giới ! Tuy ở Mỹ cũng có Đảng CS như chả có ma nào tham gia !

  29. nhân dân said

    Cái này phải được phổ biến cho giới trẻ hiểu về cách hoạt đảng, không thì cứ lờ mờ mà chui vào đó khó mà có đường ra. Như tôi đây đã thoát được 1 lần rồi, mong mọi sự bình yên.

  30. Hùng Anh said

    Cố gắng đọc từng chữ của bài báo và so sánh với thực tế, cũng khá gần với thực tế. Thế hệ trẻ nhận thức chính trị kém, vd: chưa được đọc chủ nghĩa Mác-Lê mà phải tôn sùng.
    Cần thấy rõ:
    Những thanh niên với mục đích vụ lợi vào Đảng để thăng tiến kiếm lời sẽ là nguy hiểm cho dân tộc, những thanh niên ậm ừ vào đảng cho yên thân thì chẳng khác gì người dân bình thường (họ sẽ là những ông bà nghị gật – không bao giờ là “lá cờ đầu” như đảng muốn) những người thanh niên mới lớn năng động, tích cực phấn đấu vào đảng để cống hiến sẽ có 2 hướng sau khi nhận thức rõ về Đảng và vị trí bản thân – 1 là trở thành đảng viên cơ hội ra sức bảo vệ thể chế, 2 là bất mãn – ra khỏi đảng hoặc trở thành nghị gật.

    Tóm lại – Đảng đã và đang làm ngu dân, cản trở sự phát triển, tiến bộ của đất nước (bắt người dân nghĩ theo cách của đảng, bênh vực quá đáng cho những đứa con cưng của đảng…), gây mất đoàn kết trong dân (chia để trị, tạo mâu thuẫn nội bộ để biết rõ tình hình, không thực hiện hòa giải dân tộc…), gây nguy hiểm cho toàn vẹn lãnh thổ đất nước (bắt tay với Trung Quốc – thỏa hiệp – đi đêm chỉ vì lợi ích tối thượng của đảng…)

    Lối thoát nào cho dân chủ? Trong khi bộ máy đảng như là gián điệp lan sâu vào từng ngõ ngách, quân đội của đảng, công an của đảng nhiều và chuyên nghiệp. Theo thiển kiến của tôi – những người yêu tự do và tiến bộ bước đầu nên:
    – Tấn công vào điểm yếu trong hệ tư tưởng của đảng, chỉ rõ điểm bất hợp lý (…) khi kinh thánh của đảng bị chỉ ra sai – thì lộ rõ bộ mặt của đảng độc tài.
    – Chỉ rõ sai sót của pháp luật và các công cụ của đảng (các điều luật vi hiến, có lợi chỉ cho đảng), tích cực tố cáo tham nhũng, thối nát của bộ máy đảng trên các cơ quan ngôn luận quốc tế
    – Tập hợp đoàn kết dân tộc đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do chính kiến (bước đầu), phát động các phong trào đấu tranh cho dân chủ, phá tan chủ nghĩa mackeno trong thanh niên sinh viên và nhân dân.

    -Cảm ơn ABS về những thông tin rất có giá trị trên blog này-

    • tongdh said

      Bác viết comment thật dài, chỉ mỗi tội nhầm từ bản dịch sách của người ta thành “bài báo” – Phí hết cả ý của bác đi 😀

  31. sangmat said

    Khi một giáo sư giảng bài thì tất cả các sinh viên chăm chú lắng nghe. Khi một tu sĩ đắt đạo giảng thì tất cả các tính đồ nghe.Khi một võ sư giảng dạy thì các võ sinh nghe.Vậy chứ khi mà một Đảng viên đắt đạo (thường là đã về hưu) nói thì hình như chả ma nào nghe! sao mà vô lý ngộ nhẩy? Chả hiểu!

    • Thiếu Minh said

      Nói thì toàn là bốc phét và không thực tế thì ma nào thèm nghe ! hỏi thế mà cũng hỏi.

  32. huythuanvu said

    Đoạn mất trang 174 do scan bị mờ có lẽ là: Hồ Chí Minh với một cô gái người Trung Hoa ở Quảng Châu tên Tăng Tuyết Minh, có cưới hỏi đàng hoàng từ kho hồ sơ của KGB…”

  33. Hoà said

    Đảng là danh từ chung. Con người là cái cụ thể. Khi con người tốt được đảng khoác lên mình một danh từ chung, mọi người nhìn vào cảm nhận cái tốt của đảng. Khi chủ nghĩa cơ hội lộng hành, thì cái nhóm lợi ích tuyển, đưa người của hắn vào cái quyền uy của đảng, quyền của đảng lớn bao nhiêu thì nó tàn sát nhân dân bấy nhiêu và với danh nghĩa là đảng.
    Thập kỷ 1968 trở lại đây nhièu kẻ cơ hội chui vào cái tổ chức đảng. ( nhận biết chúng ra ngay đó là những kẻ không biết tôn trọng chính bản thân hắn mà chuyên môn nhai lại hoặc im lặng, có nói thì đánh trống lảng hoặc chuyển thể sang cái ngôn từ bất cập, chưa có tiền lệ, nhậy cảm hay chưa có gì mới)
    Bọn cơ hội đã chui sâu leo cao chúng cũng không từ thủ đoạn bới lung tung rối tinh rối mù thành luận cứ ” diễn biến hoà bình”,” phản động” ,” bị kích động” để chia rẽ nhân dân, thực tế là chia dân ra để trị và duy trì quyền lực: tham nhũng .
    Người việt chân chính là người có tri thức nghe và phản biện, không biết nhai lại.
    Bạn có biết có loại đại biểu cử tri chuyên nghiệp nghe đại biểu quốc hội báo cáo không?

  34. Thợ xây said

    Tác giả là người nước ngoài mà viết sát thực tế quá!
    Không rõ có nhiều bạn xử lý tình thế giống như tôi không khi mà tôi cũng có một số tâm trạng giống nhân vật Hiền. Đó là sau nhiều lần được giới thiệu “cảm tình”, tôi luôn tìm cớ rút lui với lý do nọ kia… nhưng vẫn không xong, rồi cũng đến lúc “tên cô xuất hiện trên danh sách những người được đề cử vào lớp…” trải qua khóa học (khoảng 10 ngày)…
    Nhưng tôi khác Hiền ở chỗ không là đảng viên. Vì …(chắc không cần nói các bạn cũng biết)

  35. […] tôn thờ một nhà chính trị dần dần trở thành một sự tôn thờ một bậc thánh[1]. Ta có thể không ít lần nhìn thấy tượng nửa thân của Hồ Chí Minh bằng […]

    • Dân Hàng Mành said

      Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như người dân Việt Nam không coi Hồ Chí Minh là Thánh. Tất cả coi cụ cũng là con người bình thường như chúng ta, có đầy đủ các nhu cầu và cảm xúc, cảm giác như chúng ta. Chính vì vậy mới thấy hết được sự vĩ đại của Người!

  36. Tất cả ngươi Việt đều là đảng viên, vì tất cả đều nói:”Đảng ta!”, và người ngoài đảng cũng học nghị quyết Đảng, và được treo cờ Đảng cộng sản.

  37. Dân chủ : Ánh Thái dương rất gần nhưng thật xa .. ..
    ========================

    Dân chủ : Ánh Mặt trời

    Rất gần nhưng thật rất xa

    Tiếng vọng Diên Hồng năm xưa .. ..

    Cha ông réo gọi thúc giục .. ..

    Giấc mộng đời bất tuyệt như đóa Hoa Hướng Dương

    Những tia chớp lửa từ Bắc Bán cầu nhìn về vùng trời đêm Cố Hương .. ..

    Nam Bán cầu Sông Ngân : Thánh Địa – ôi Cố Hương .. .. ôi Quê Hương .. ..

    Chỉ là những tia chớp lửa

    Chỉ là Ánh Mặt trời

    Ám ảnh Hôm qua .. ..

    Ám ảnh Hôm nay.. ..

    Ám ảnh Hôm mai .. ..

    Ánh Mặt trời Dân chủ 

    Thật rất gần nhưng thật rất xa

    Tiếng vọng Diên Hồng năm xưa .. ..

    Tổ tiên réo gọi thúc giục .. ..

    Giấc mộng đời bất tuyệt như đóa Hoa Hướng Dương

    Những tinh vân chớp lửa từ Bắc Bán cầu nhìn về vùng trời đêm Cố Hương .. ..

    Nam Bán cầu dải Ngân hà Thiên hà : Thánh Địa – ôi Cố Hương .. .. ôi Quê Hương .. ..

    Nguyễn Hữu Viện

  38. Quốc Hận said

    dù có xoay sỏa cách nào , thì cũng không chuyển được tình thế ,cái thời vận đã hết rồi ! như bỏ cái thây ma ra để mê hoặc người ta cũng chẳng còn tác dụng gì , người dân bây giờ không u mê nữa đâu , các việc làm đã phơi ra , không che dấu được , nói láo chẳng ai tin , thôi tỉnh lại đi , không có chết không kịp ngáp đâu=================================

  39. Khách said

    Tác giả đúng là rãnh thiệt đi phân tích mỗ xẻ Đảng , thật ra nó chỉ là một từ do con người đặt ra để kêu gọi những người khác chui vào trở thành thành viên trong một tổ chức
    Còn tùy thuộc vào cách thức hoạt động hay hoặc dở :
    Thất bại do bởi thiên tai
    Thành công do bởi thiên tài Đảng ta

  40. Ngamnguihuycan said

    Nhặt sạn: Theo chính tả hiện hành, đảng viên không viết hoa

    • Củ mì said

      Viết hoa hình như để tạo nên tính đặc biệt của ĐẢNG thôi

  41. Ngamnguihuycan said

    Lời cuối cho Đảng mình
    Họp hành chuyện linh tinh
    Đảng viên như cá chậu
    Đâu biết chuyện cung đình

    Xót ai dựng Đảng mình
    Giờ đây hóa thành tinh
    Khổ đau : Toàn dân chịu
    Quyền lợi: chiếm một mình

    Thương quá Đảng mình ơi
    Còn cái vỏ không thôi
    Một nhóm người thao túng
    Dân chỉ biết kêu trời

    • Ẩn danh said

      Đất Tây nguyên hết rừng chim ngủ đất.
      Trời phương nam Đảng chiếm dân kêu trời!

  42. Hồ Đào said

    Làm gì có “sổ gia đình Đảng Viên” ? dịch không đúng rồi ! đó là quyển “Lý lịch Đảng Viên”…
    BS: Cám ơn bác. Có lẽ vậy.

    • Hồ Đào said

      dịch nhiều chỗ sai quá ! Đảng viên dự bị thì có 1 năm dự bị. Học lớp cảm tình Đảng, thì viết bài “thu hoạch”. Nhiều chỗ dịch sai quá, cần chỉnh sửa lại cho đúng với thực tế. Không phải là người “hướng dẫn” vào Đàng, mà là người “giới thiệu” vào Đảng.v.v….

      • hahien said

        Theo ngôn ngữ chính thống VN thì là “lý lịch…” thay cho “sổ gia đình…”, “người giới thiệu” thay cho “người hướng dẫn”. Nhưng tôi nghĩ nếu dùng đúng những từ ngữ chính thống đó thì bài viết này mất đi một sắc thái riêng biệt của nó.

        Tôi không nghĩ là người dịch dịch sai mà có lẽ người dịch đã cố tình dịch thật sát theo kiểu “word by word” để người đọc như có cảm giác như đang được nghe trực tiếp một ông Tây đang diễn đạt vấn đề bằng tiếng Việt chứ không phải là nghe lại qua người dịch. Điều này có cái thú vị riêng của nó.

        Các thầy giáo tiếng Anh của chúng ta thường nhắc sinh viên tránh lối dịch “word by word”, nhưng cá nhân tôi cho rằng trong một vài trường hợp, cụ thể như trường hợp này, thì dịch “word by word” lại có cái hay riêng của nó.

        Vì vậy, đừng vội vàng chê người dịch.

        • anh6 said

          Khi dịch 1 vấn đề đời thường mà không ai biết nói cái gì cả thì có nghĩa người dịch chỉ dịch như 1 cái máy – và đó là điều tối kỵ trong dịch thuật.

          Lý lịch Ðảng viên mà dịch là sổ gia đình đảng viên (và nhiều từ khác nữa như bác Hồ Ðào nói) thì không thể chấp nhận được. Người ngoại quốc không có khái niệm như vậy nên buộc người ta phải dùng những chữ sao cho người nước họ có thể hiểu được – khi mình dịch lại thì phải làm sao cho người dân mình hiểu là đang nói cái gì chứ ai lại dùng từ ngô nghê như thế.

        • Hùng Anh said

          Theo tôi Hahien nói rất đúng, cái dịch theo kiểu tây này có sắc thái riêng – có ý nghĩa riêng. Ai đọc cũng có thể hiểu – dù nó không đúng với từ chuyên môn.

          Vẫn là 1 câu góp ý – đừng bắt người khác phải nghĩ những gì mình nghĩ, đừng bắt người khác phải viết những gì mình cho là đúng. Như vậy các bạn đang góp phần vào công cuộc THOÁT VÒNG NÔ LỆ.

          Các ý kiến phản biện cũng rất đáng có.

          ()

        • hahien said

          @ Anh6.

          Đồng ý với bác là “khi mình dịch lại thì phải làm sao cho người dân mình hiểu là đang nói cái gì”

          Thì người dịch bài này có làm cho bác (cũng là dân mình) hiểu khác đâu! Rõ ràng là tôi thấy bác vẫn hiểu cái “số gia đình…” ấy là “Lý lịch đảng viên” đấy thôi. Thế là mục đích của người dịch vẫn đạt được đấy chứ! Nghĩa là người Việt đọc vẫn hiểu ông Tây đang nói về cái gì, mặt khác lại thấy thú vị khi như đang được nghe chính lời của ông Tây diễn đạt nó theo một cách lạ lẫm, làm cho người ta dường như quên mất đây là một bài dịch mà là như đang được nghe ông Tây nói trực tiếp. Hay là bác sợ các “dân mình” khác không hiểu như bác! Xin hỏi tất cả các “dân mình” khác là độc giả đọc bài này có cần phải được bác giải thích thì mới biết đó là “Lý lịch” không?

        • anh6 said

          Tui đã từng viết lý lịch mỏi tay, 1 lần khi vào ÐH (cách đây 30 năm), 1 lần khi làm cán bộ nhà nước (dạy đại học), làm passport đi nước ngoài (trên 5 lần) vv, vị chi ít nhất trên 6-7 lần, nhưng đọc đến đoạn kể viết lý lịch tui cứ ngờ ngợ không hiểu ông này tả cái gì – đến khi bác Hồ Ðào nói “lý lịch” tui mới ngã ngửa ra . Bác đã thấy cái ý của tui chưa ? Nếu bác vẫn khăng khăng giữ ý thì tui cũng OK thôi .

        • hahien said

          @ Anh6.

          Vâng. Thông cảm với bác và tôn trọng ý kiến bác vì thấy cái ý của bác rồi. 🙂

          Nhưng theo tôi thì cái cảm giác “cứ ngờ ngợ” của bác khi đọc đến đoạn đó cũng thú vị đấy chứ. Nếu cứ viết huỵch toẹt là “lý lịch…” thì làm sao bác có cái cảm giác “ngờ ngợ” ấy được. Một bài viết mà độc giả mới đọc mấy dòng đầu biết hết cả rồi thì còn gì là hấp dẫn

          Theo tôi, chính bài viết này hay lại là ở những cái “ngờ ngợ” đó. Nếu đây là một bài viết của một tác giả Việt Nam, dùng toàn những từ ngữ mà ai cũng biết thì tôi tin chẳng thu hút được người đọc. Vì nếu thế thì câu chuyện mà tác giả kể hầu như chẳng ai lạ gì cả. Nhưng đây là một ông Tây viết về câu chuyện đó thì nó lại hấp dẫn các độc giả là “dân mình”, không phải hấp dẫn ở nội dung của câu chuyện (vì chẳng ai lạ gì), mà hấp dẫn ở chỗ độc giả thấy sao ông Tây này hiểu cặn kẽ chuyện của “dân mình” thế. Một bài viết hay là một bài viết tạo cho người đọc những bất ngờ thú vị cần khám phá. Và cái mà độc giả khám phá được ở bài viết này không phải là nội dung câu chuyện (vì nó đã cũ mèm), mà là góc nhìn của một ông Tây về chuyện này ra sao, vì thế mà những từ ngữ “ngô nghê” nếu được dịch ra cho khỏi “ngô nghê” như bác nói thì nó sẽ làm mất đi cái hiệu quả tạo sự hấp dẫn này

          Thực ra trong khi đọc, cũng có những lúc tôi “ngờ ngợ” để rồi có lúc lại reo lên một tiếng “à ra thế”. Điều này mang lại cho tôi một cảm giác thích thú. Còn nếu bác không thích cảm giác này thì thôi.

      • củ khoai said

        Chắc bác Hồ Đào là Đảng viên? Bác thuộc loại nào ạ? Không phải là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay hoàn thành tốt nhiệm vụ… mà là: đã thoái hoá biến chất chưa?

      • Ẩn danh said

        Dịch như vậy để khẳng định tác giả không phải người Việt, lại càng không chút liên hệ tới cái “Đảng” mà bài viết nói tới. Để càng bộc lộ ra sự đau đớn của sự thật từ 1 góc nhìn bên ngoài. Tuy chỉ là kỹ thuật dẫn chuyện nhẹ nhàng như vẽ tranh thủy mạc nhưng cái hồn và cái chân thực đã tạo nên cảm xúc mạnh của ý thức vỡ toang khi được ngộ. Chí ít cũng là những suy tư cho người đọc là người Pháp, hay người Việt, hoặc những người nào khác có ý muốn tìm hiểu về đời sống người Việt hiện tại như tựa sách đã nêu. Thật là tuyệt.

      • CCB said

        @HODAO
        Đây không phải là một tác phẩm văn học, vì vậy theo tôi dịch như vậy mới khác quan- Không áp đặt(như đảng viên) người khác phải ngĩ giống mình.

        • hahien said

          Đồng ý với bác rằng “dịch như vậy mới khác quan”, nhưng không chỉ có thế, tôi nghĩ chính dịch như thế mới làm cho bài viết có tính văn chương hơn, ở một mức độ nào đó nếu có thể gọi nó là một tác phẩm văn chương thì cũng không đến nỗi quá lời.

        • CCB said

          xin lỗi tôi gõ sót “khách quan” =”khác quan” nhưng hóa ra lại hay!. Tôi tự nghĩ thế.

        • CCB said

          Nhờ Bác nào am hiểu giải thích giùm Văn Học có khác Văn Chương không xin cám ơn!.

        • hahien said

          @ CCB

          Bác gõ sót nhưng tôi vẫn hiểu là bác định nói “khách quan”. Và trả lời của tôi cũng là theo cái ý bác định nói (khách quan) nhưng gõ nhầm (khác quan) của bác đấy ạ.

          Sở dĩ tôi gõ lại nguyên văn câu chữ của bác vì tôi không có thói quen sửa hộ lỗi chính tả cho người khác trừ khi được yêu cầu.

          Còn “văn chương” có khác “văn học” không thì tôi đoán là bác biết nên bác mới hỏi lại thế. Vậy thì sao bác không chỉ bảo cho anh em được học hỏi thêm, hỏi lại làm gì cho nó cầu kỳ?

    • tongdh said

      Post comment xong mới thấy đoạn góp ý của bác Hồ Đào với Hà Hiền. Em có ý kiến thế này:

      Một là Hà hiền làm ơn chia sẻ bản scan đó bằng cách upload lên đâu đó đi. Tha thiết đấy.

      Hai là cứ coi như bản dịch này là bản draft đi, dù dịch rất công phu nhưng mới hiệu đính một vài lần thì không thể hết lỗi mà.

      Ba là, bác Hồ Đào rộng rãi một chút đi, dịch đúng và hay thì khó lắm, nếu bác đã từng bắt tay vào dịch để in nghiêm chỉnh thì cũng biết rồi mà.

  43. D.Nhật Lệ said

    Phải thành thật mà công nhận rằng tác giả là một nhà báo lão luyện nên đã biết cách khai thác tin
    tức một cách khoa học và nhất là suy luận bằng lý trí,chứ không hề để đối tượng mà ông ta đang
    thăm dò có thể dẫn dắt ông lạc hướng rồi đi ra ngoài mục đích ban đầu của ông ta.

    • tongdh said

      Tác giả Philippe Papin hoàn toàn không phải là nhà báo lão luyện, anh ta có vẻ giống nhà nghiên cứu văn hóa XH hơn nhiều.
      Thông tin trên mạng cho thấy anh ta sinh năm 1967 dù nhìn hình có già hơn tuổi chút: http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/517098/Philippe-Papin-nguoi-viet-lich-su-Ha-Noi.html
      Trước khi có cuốn này, nguyên bản “Vivre Avec Les Vietnamiens”, báo chí đã vô tình lăng xê anh ta với cuốn “Histoire de Hanoi” – Lịch sử Hà nội, được coi như một trong các cuốn chào mừng Thăng long – Hà nội 1000 năm.
      Bản dịch của anh Ba Sàm lỗi nhiều và chậm quá. Anh có thể upload bản scan lên đâu đó để những người đọc tiếng Pháp mà không có điều kiện mua cùng chia sẻ, được không?

      • hahien said

        Theo tôi, bản dịch như thế này là tuyệt vời, chúng ta không nên đòi hỏi thêm khi được đọc không mất tiền như thế này. Tôi đánh giá cao công sức của người dịch và ABS.

        • Huong said

          Hahien đã đọc bản gốc chưa mà dám đánh giá là “tuyệt vời” ? Bản dịch rất nhiều sai sót, trong đó có những sai sót trầm trọng về nghĩa, chứ không chỉ có sai sót nhỏ về cách dùng từ đâu ! Tuy nhiên hôm qua tôi đã gửi lời góp ý, nhưng không thấy ABS đăng. Chắc bị kiểm duyệt rồi đây !

        • Huong said

          Xin lỗi tôi không nhìn thấy phần phản hồi đã được đăng ở trên, đề nghị bỏ hai tin phản hồi vừa gửi. Cảm ơn ABS.

      • Huong said

        Laurent Pasicousset là nhà báo.
        Philippe Papin không phải là “nhà báo lão luyện”, càng không “có vẻ giống nhà nghiên cứu văn hóa” mà là nhà sử học ! Nếu bạn đã đọc cuốn Lịch sử Hà Nội thì chắc hẳn bạn đã biết là đó là một công trình khoa học đồ sộ, nghiêm túc và có giá trị, chứ không phải tác giả “vô tình được báo chí lăng-xê” như bạn tưởng.

Sorry, the comment form is closed at this time.