BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2422. PHẢI CHĂNG TRUNG QUỐC ĐANG CÔNG KHAI CHỈ HUY THẾ GIỚI?

Posted by adminbasam trên 06/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Hai, ngày 03/03/2014

Việc Trung Quốc gần đây thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao gồm cả quần đảo Senkaku chính thức do Nhật Bản quản lý là một dấu hiệu mới cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh muốn có vai trò hàng đầu trong cân bằng địa chính trị trong tương lai.

Nhận xét trên được đưa ra bởi tướng không quân Jean Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), và ông Emmanuel Lincot, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Trung Hoa đương đại thuộc Viện Thiên chúa giáo Paris. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của hai chuyên gia này trên tạp chí “Đại Tây Dương “, về ý đồ và hành động của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Hỏi: Trung Quốc mới đây có cơ hội để dấn thêm trong bầu không khí căng thẳng ngoại giao với Nhật Bản khi thông báo thiết lập ADIZ bao gồm cả quần đảo Senkaku do nước này chính thức quản lý. Bắc Kinh bảo đảm rằng cách làm đó là “phù hợp với luật pháp quốc tế”, song việc thiết lập một vùng như vậy rõ ràng nằm trong khuôn khổ nước này ngày càng tự khẳng định mình trong tương quan lực lượng quốc tế. Khi nhiều người nói đến “mối nguy Trung Quốc”, có thể họ có ý định xác định rõ vai trò mà Trung Quốc muốn có được trong cân bằng địa chính trị tương lai chăng?

Jean-Vincent Brisset: Việc thiết lập ADIZ bao gồm cả quần đảo Senkaku cũng như một phần không phận của Hàn Quốc là một bước tiến nữa trong việc Trung Quốc khẳng định quyết tâm kiểm soát và minh chứng cho sự có mặt trong không gian nằm giữa bờ biển nước mình và “chuỗi đảo thứ nhất”. Đó cũng là một biểu hiện nữa cho thấy sự lựa chọn chiến lược “chống tiếp cận” được hình thành từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cần tương đối hóa quy mô của việc thực hiện một biện pháp như vậy.

Trước hết, cũng giống như mọi ADIZ khác (khoảng hai chục nước, trong đó có Mỹ, có các ADIZ đang hoạt động), đó là việc đơn phương thành lập, với các quy định hoàn toàn không được ghi trong văn bản quốc tế. Tiếp đó, các ADIZ còn có đặc tính riêng là bao gồm cả một phần không gian nằm dưới sự quản lý của một số nước khác đang đòi chủ quyền. Chắng hạn, ADIZ của Trung Quốc nằm chồng lấn lên các ADIZ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng, trong tất cả những tuyên bố sau khi ADIZ được thiết lập, Chính phủ Trung Quốc thận trọng – cho đến lúc này – giữ mập mờ giữa vùng nhận dạng phòng không và không phận quốc gia. Điều trớ trêu là việc thiết lập một vùng như vậy không phải là tuyên bố mang tính chủ quyền.

Có điều cần lưu ý là Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc không có phương tiện kỹ thuật và tác chiến để buộc các nước khác phải tôn trọng quy định chống tiếp cận. Người ta không thể bắt giữ một chiếc máy bay. Máy bay có thể bị kiểm soát, nhưng nếu chiếc máy bay đó từ chối tuân lệnh, giải pháp duy nhất là bắn hạ nó. Nếu đó là máy bay dân sự, Trung Quốc chắc chắn sẽ không muốn lặp lại sai lầm “thảm kịch” của lực lượng phòng không Liên Xô khi họ bắn hạ chiếc máy bay mang số hiệu KAL 007 vào năm 1983. Máy bay quân sự có thể có liên quan, dù đó là của Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, song không phải là miếng mồi ngon. Cho đến lúc này, và có thể trong nhiều năm nữa, chất lượng tác chiến của lực lượng phòng không Trung Quốc vẫn còn thấp.

Có thể đơn giản nghĩ rằng Bắc Kinh đang ở trong lôgích khẳng định về phương diện vùng, và đang sắp xếp quân bài với ý định không đi quá xa, nhưng với hy vọng có thể tiếp tục lấn tới.

Emmanuel Lincot: Tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản là cực kỳ đáng lo ngại vì nó khuấy động trở lại các cuộc xung đột trong tiềm thức làm thui chột ý kiến cho đến nay được thừa nhận rộng rãi – mặc dù không đúng – theo đó sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể khiến một cuộc đối đầu có bản chất quân sự không thể xảy ra. Khả năng đó cách đây vài năm vẫn không ai nghĩ tới, song lúc này có thể xảy ra.

Có rất nhiều dấu hiệu khiến tôi nghĩ rằng thế giới đang bước vào một thời kỳ bất ổn nguy hiếm giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Một mặt, mối quan hệ hợp tác giữa Tokyo và các nước thành viên ASEAN, những nước có cùng nỗi lo sợ Trung Quốc bành trướng trong khu vực của mình, không ngừng được mở rộng. Việt Nam, nước phải đối mặt với những bất đồng với Trung Quốc liên quan đến quy chế của các quần đảo Spratleys (Trường Sa) và Paracels (Hoàng Sa), dường như đặc biệt nhạy cảm với những tiến triển trong mối quan hệ ưu đãi với Nhật Bản trong lĩnh vực chiến lược. Mặt khác, tuy ở xa hơn và mặc dù là yếu tố sống còn đối với việc bảo đảm an ninh cho việc vận chuyển dầu mỏ từ châu Phi đến, Ấn Độ trở thành một tác nhân cơ bản đối với Nhật Bản ở châu Á. New Delhi và Nhật Bản năm 2000 đã ký hợp tác chiến lược toàn diện và hàng năm, quân đội hai nước tiến hành tập trận hải quân chung. Cuối cùng và đặc biệt là mối quan hệ với Mỹ được tăng cường trong thời gian qua.

Ngày 3/10/2013, một thỏa thuận lịch sử đã được ký kết trong cuộc gặp gỡ giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ, John Kerry và Chuck Hagel, với những người đồng nhiệm Nhật Bản, Fumio Kishida và Itsunori Onodera, nhằm tăng cường liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ. Phương tiện cảnh giới thế hệ mới và số quân Mỹ được tăng cường tại căn cứ trên đảo Guam và quần đảo Mariannes, với chi phí được Nhật Bản bảo đảm một phần: tất cả nhằm thiết lập một vành đai an toàn xung quanh Trung Quốc.

Kích động chủ nghĩa dân tộc không báo hiệu điều gì tốt lành cho tương lai giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Không một công tác hòa giải nào được tiến hành giữa hai dân tộc kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay. Một cách chung hơn, tôi có thể nói rằng Trung Quốc có ý định thiết lập lãnh địa của mình thông qua một loạt sáng kiến cả về phương diện song phương lẫn đa phương. Hoặc với Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) với hội nghị được diễn ra vào tháng 9/2013 tại Bishkek (Kyrgyzstan), hoặc tại các hội nghị thượng đỉnh APEC và ASEAN một tháng sau đó tại Đông Nam Á, nơi nhiều cuộc tiếp xúc được tiến hành nhằm ngăn chặn hành động của Mỹ và các đồng minh của nước này tại các khu vực có liên quan.

Việc Trung Quốc là một cường quốc có sức mạnh răn đe trở thành hiện thực kể từ năm 1964, nghĩa là từ khi Mao Trạch Đông và các nhà cộng sản thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, cần nhắc lại rằng thực tế đó đã khiến Tướng De Gaulle chuyển hướng trong việc công nhận Bắc Kinh mà bỏ qua Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan) và lợi ích của họ. Giờ đây, có nên cho rằng Trung Quốc đang nói lên một tiếng nói chung, tiếng nói của Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo mới của nước này không ? Dĩ nhiên, Hội nghị trung ương ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy khả năng tập trung toàn bộ quyền lực của nhân vật này. Và về điều đó, tình hình là rất khác so với Hồ cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông. Các vụ việc rắc rối xung quanh vụ Chu Vĩnh Khang – nguyên Bí thư ủy ban Chính trị pháp luật trung ương và là người gần gũi với Bạc Hy Lai – và việc Tập Cận Bình dường như một mình kiểm soát vấn đề này cho thấy đó là một con người đang áp đặt mình một cách mạnh mẽ. Có nên sợ chế độ Bắc Kinh sẽ có những hành vi quá đà kiểu Putin không? Cho đến lúc này và trong Đảng đang hiện hữu sự đoàn kết giữa những người có cùng dòng máu mà Tập Cận Bình không thể làm ngơ, kể cả trong việc đưa ra những quyết sách về đối ngoại.

Hỏi: Có thể nói rằng chế độ của Tập Cận Bình nhìn nhận Trung Quốc như một cường quốc bá quyền trong tương lai, trong một thời gian ngắn sẽ thay thế Washington, hay như một tác nhân chủ chốt trong một thế giới đa cực cân bằng không?

Jean-Vincent Brisset: Tôi tin chắc Tập Cận Bình vẫn chưa thành công trong việc tự khẳng định mình như một “ông chủ” không thể bác bỏ được của chế độ. Bằng chứng là chính quyền hiện nay không đưa ra được các quyết định quan trọng cần thiết để kiểm soát tình hình ở trong nước, do đó đang tìm cách trước hết tập trung vào các chủ đề tạo được sự đồng thuận. Tất cả các phe phái đang tranh giành nhau quyền lực thực tế và đặc biệt là dân chúng, có được một chỗ dựa có bảo đảm khi họ nói về cuộc chiến chống tham nhũng và biểu dương sức mạnh đối với Nhật Bản. Trong lúc đó, Bắc Kinh chưa tìm ra được giải pháp cho các vấn đề ô nhiễm hay tăng sức mạnh ở trong nước vì cần phải làm sao để một bộ phận trong giới lãnh đạo chấp thuận và điều đó dường như còn chưa nằm trong tầm tay của Tập Cận Bình.

Ngoài lợi ích vật chất của các tác nhân khác nhau và sự khác biệt về tư tưởng, còn có nhiều nhãn quan địa chiến lược đối lập nhau ở trong nước. Tất cả người Trung Quốc đều muốn nước họ ở trong thế mạnh trong khu vực “của mình”, bao gồm – ngoài vùng phụ cận sát sườn – cả Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), đang trở thành chiếc ao nhà, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc kiểm soát các không gian biển nằm ở phía sau “chuỗi đảo thứ hai” cũng nằm trong nhãn quan chung này.

Thế giới nằm ở ngoài “vùng” đó được nhìn nhận một cách mập mờ hơn. Tuyên bố chính thức nói đến một thế giới đa cực trong đó Trung Quốc có thể là một trong những tác nhân lớn. Có thể đó là điều mà các nhà lãnh đạo mong muốn một cách công khai nhất. Đối mặt với họ là một số khác muốn Trung Quốc cố thủ ở trung tâm một vùng dễ kiểm soát đối với mình. Ngược lại, một số khác, những người nói đến thế hệ thứ hai nhiều nhất, có thể thích Trung Quốc đánh bật Mỹ khỏi vị trí cường quốc thống trị thế giới để nhảy vào thay thế.

Emmanueỉ Lincot: Điều chắc chắn là con người có tham vọng. Nhưng từ đó để khẳng định con người có những ý định như được nói đến xem chừng không đáng tin cậy lắm. Rồi có thêm những thế lực lớn khác đang chuẩn bị để nhảy vào cuộc cạnh tranh trên thế giới. Đặc biệt tôi nghĩ đến Iran, và cả châu Phi nữa… Trung Quốc không thể một mình một ngựa để kiểm soát các vấn đề quốc tế được. Liệu Trung Quốc có muốn điều đó khiến họ có thể sẽ phải trả giá quá đắt không? Thế giới không còn ở trong lôgích thực dân tập trung vào các cuộc chinh phạt lãnh thổ nữa. Nơi Trung Quốc làm đảo lộn những dự kiến của phương Tây có từ thời Chiến tranh Lạnh, là khả năng của họ trong việc sáng tạo trong những lĩnh vực công nghệ trình độ rất cao và phát triển bền vững. Trung Quốc sẽ nộp một số lượng bằng sáng chế lớn nhất và sẽ có ý định áp đặt những chuẩn mực mới. Cuộc chiến đang bắt đầu diễn ra trước hết là thách thức đối với tri thức.

Hỏi: Một số nhà Trung Quốc học đôi khi nói đến tâm lý trả thù đang tác động vào tiềm thức tập thể của người Trung Quốc, luôn bị nhục nhã trong hai cuộc Chiến tranh Nha phiến. Thực sự có thể nói Trung Quốc có ác cảm thực sự đối với phương Tây không?

Jean-Vincent Brisset: Các cuộc Chiến tranh Nha phiến chỉ là một phần rất nhỏ trong các sự kiện quá khứ hiện vẫn nuôi dưỡng tâm lý trả thù trong tiềm thức của người Trung Quốc. Nếu như các cuộc xung đột đó đánh dấu hồi kết của một thời kỳ đỉnh cao của Đế chế Trung Hoa, cũng không nên quên rằng triều đại trị vì ở Trung Quốc thời đó không phải là Trung Quốc, mà là Mãn Châu. Tiếp đó, các vụ “cưỡng đoạt” không những gia tăng, đặc biệt với các hiệp ước không bình đẳng, mà sau đó còn tiếp tục diễn ra. Một trong những chiếc gai nhọn tồi tệ nhất là sự chiếm đóng của Nhật Bản. bắt đầu từ năm 1931 với việc xâm lược Mãn Châu và tiếp đó là cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1937 đến năm 1945. Thất bại ở Triều Tiên, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan, thất bại của “chiến dịch trừng phạt” chống Việt Nam còn là những nỗi nhục khác.

Tuy nhiên, không thể nói rằng có một mối ác cảm thực sự đối với phương Tây. Trái lại, giao thương mở ra khiến tất cả những người Trung Quốc có khả năng đều muốn đi du lịch và tìm hiểu một lối sống thường thôi miên họ. Lối sống của phương Tây, với nghĩa rộng nhất của thuật ngữ đó, là lý tưởng của tất cả giới trẻ, điều thường bị than phiền bởi những người thấy truyền thống bị mai một và cũng lo sợ mất đi nền văn hóa. Trái lại, cho dù hình mẫu Nhật Bản được nhiều người ưa thích, song không hề có ảnh hưởng tương tự. Và khi các chính phủ quyết định kích động dư luận nước mình chống lại Nhật Bản, họ không phải không gặp khó khăn, kể cả trong các tầng lớp có học hành nhất trong dân chúng.

Emmanuel Lincot: Đó là thứ mặc cảm tồn tại trong đông đảo người dân và được chế độ duy trì. Nhưng có phải phương Tây đang tự để mình bị cuốn vào tâm lý nạn nhân không? Một số rất đông chính khách ở phương Tây coi Trung Quốc như một vật hy sinh trong khi họ chưa bao giờ đặt chân đến nước đó. Thế nhưng, về nhiều mặt, Trung Quốc có thể làm gương cho các nước khác. Đó là về khả năng sức bền: dân tộc khổ cực đó nhờ làm việc đã thành công – và chỉ trong vòng ba thập kỷ – trong việc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Thành công đó khiến các nước khác thấy sợ và khuấy động trở lại một ảo tưởng cũ: đó là “mối nguy vàng”. Cách duy nhất để thoát khỏi tâm lý đó là học cách hiểu về Trung Quốc và người dân nước này, nghĩa là ngôn ngữ và nền văn hóa của họ. Nỗ lực đó không phải là vô ích, mà sẽ giúp tiếp cận được hơn 1/4 dân số thế giới.

Hỏi: Đế chế Trung Hoa không ngừng lớn mạnh, song vẫn còn là một nước hạng hai đúng rất xa so với Mỹ với ngân sách quân sự hàng năm xấp xỉ 700 tỷ USD. Theo một số chuyên gia Mỹ, ngân sách không chính thức của Bắc Kinh chỉ vào khoảng 300 tỷ/năm. Có thể nghĩ rằng Trung Quốc có khả năng “đuổi kịp” cường quốc hàng đầu thế giới về phương diện quân sự không?

Jean-Vincent Brisset: cần rất thận trọng khi xem xét những đánh giá của một số “chuyên gia” Mỹ về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Trong thời kỳ ngân sách quân sự giảm, trong đó kẻ thù Liên Xô đã không còn và “trục” của Chính quyền Obama được chuyển dịch về châu Á không thể hiện bằng việc tăng cường phương tiện ở khu vực Thái Bình Dương, giới vận động hành lang trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Mỹ có đầy đủ lý do để đánh giá mối đe dọa Trung Quốc cao hơn thực tế. Con số được Bắc Kinh chính thức công bố cho năm 2012 là 114 tỷ USD, và chi phí quốc phòng, nếu muốn so sánh một cách tương đương với chi phí của Mỹ, có thể sẽ vào khoảng 150-200 tỷ USD, kể cả nghiên cứu, lực lượng hạt nhân và lương hưu. Đối với một quân đội hiện vẫn còn tới 2,5 triệu người, tối đa một quân nhân cũng chỉ được 80.000 USD, so với gần 500.000 USD cho một quân nhân Mỹ.

Khó có thể thấy Trung Quốc sẽ đi theo hình mẫu nào trong hai thập kỷ tới. Hải quân được tạo thuận lợi trong những năm gần đây, phương tiện chiến đấu được hiện đại hóa nhiều, song năng lực tác chiến vẫn còn hạn chế ngoài một lực lượng nòng cốt rất nhỏ. Không quân cũng đang chờ để được trang bị máy bay thực sự hiện đại, nhưng số máy bay này còn đang ở thời kỳ mẫu chế tạo và dường như tiến trình phát triển không được nhanh như mong muốn. Còn Lục quân đến lúc này vẫn không được hưởng lợi từ những nỗ lực nói trên.

Quân đội Trung Quốc, vốn ra đời trong một cuộc nội chiến và trong một thời gian dài bị bó chặt trong những giáo điều chiến tranh nhân dân, cũng phải đặt lại vấn đề đối với toàn bộ học thuyết của mình và trang bị một văn hóa tác chiến hiện vẫn chưa có trong tay.Về phương diện trang thiết bị, người ta thấy rằng mặc dù có nhiều nỗ lực, song ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn tiếp tục gặp khó khăn khiến nước này không thể đuổi kịp được Mỹ, nước với ngân sách hơn 80 tỷ USD/năm dành cho công tác nghiên cứu, vẫn tiếp tục ngày càng bỏ xa không những Trung Quốc mà cả các nước khác trên thế giới./.

Sorry, the comment form is closed at this time.