BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Tự đề cử

Posted by adminbasam trên 30/10/2007

 Tự đề cử

Nguyễn Hữu Vinh

Vậy là một kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khá sôi động sắp được khép lại. Kể từ kỳ bầu cử thứ nhất cách nay 60 năm, người dân lại có được chút cảm giác hồi hộp, mong chờ. Tuy còn đó những hẫng hụt, những phỏng đoán mù mờ khi có quá nhiều ứng viên xin rút, bị loại không qua lá phiếu cử tri (kể cả số được đề cử), hay những vội vã, lúng túng trong nhiều khâu tổ chức từ hiệp thương, “gạn lọc”, cho tới khai báo, xác minh tài sản, đơn thư khiếu nại, tố cáo …, nhưng nếu những ai biết kiên nhẫn và chịu khó quan sát thì sẽ thấy được những tín hiệu đáng mừng. Cái mừng lớn nhất là một số lượng người tự ứng cử đông chưa từng thấy (223, so với 60 ở khóa 11), trong đó lại còn có nhiều người có tiếng tăm, những người đã, đang ở cương vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước ít nhiều có được cảm tình trong dân chúng (cũng là chưa từng thấy). Đáng mừng nữa là nhiều vấn đề từng bị coi là “nhạy cảm” xưa nay ngại nói ra, giờ dân cũng được biết qua báo chí, như những băn khoăn về quy trình hiệp thương e còn thiếu khách quan, chuyện có tới 29 ứng viên thuộc diện Bộ Chính trị, trung ương quản lý bị đơn thư khiếu nại, tố cáo, hay việc một vị cựu thứ trưởng tự ứng cử đã được “trên” gọi điện thông báo là không ứng cử nữa … Nhưng cũng từ những tín hiệu đáng mừng này, nếu suy nghĩ rộng ra, xa hơn cho một tương lai xắp tới của bộ máy tổ chức nhà nước, cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa 13 chẳng hạn, thì sẽ lại rất lo. Đó là cái khả năng phát sinh một khoảng trống lớn từ cách thức lựa chọn ứng viên để bầu ra những người đại biểu của dân.

Trừ kỳ bầu cử đầu tiên năm 1946 mang sắc thái hoàn toàn khác biệt, thì một điều rất dễ nhận thấy trong cách thức lựa chọn ứng cử viên để bầu đại biểu Quốc hội trong thời gian qua là chỉ có hai hình thức hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng lại có chung một điểm yếu. Một do cơ quan, đoàn thể của đảng, Nhà nước đề cử. Hai là cá nhân tự ứng cử. Hình thức thứ nhất chiếm vị trí tuyệt đối và kéo dài suốt từ Quốc hội khóa 2 cho tới nay. Còn hình thức thứ hai chỉ mới manh nha cách đây 10 năm, nhưng thực sự bắt đầu có ý nghĩa thì mới từ khóa 12 này.

Tại sao nói là “trái ngược” nhưng lại có điểm chung ?

Trái ngược: một do đảng, nhà nước “chọn”, một do cá nhân tự chọn.

Điểm yếu chung: những người được đề cử đều đang phải đảm đương trọng trách của đảng, nhà nước, hoặc đoàn thể thuộc đảng, nhà nước, nên gặp khó khăn rất nhiều cho công việc của Quốc hội. Phần đông trong số họ lại được chọn bởi các cơ quan hành pháp, tư pháp, hoặc dẫu có bởi đoàn thể thì cũng ít nhiều chịu sự “chủ quản” của cơ quan hành pháp. Như vậy tính đại diện và điều kiện để đại diện cho dân của họ chắc chắn bị hạn chế rất nhiều. Còn người tự ứng cử, không phải do đảng, nhà nước “chọn”, tính đại diện cho dân có vẻ rõ hơn, nhưng thực sự vẫn yếu. Vì người tự ứng cử thường không hoạt động trong một đoàn thể quần chúng nào, hoặc có hoạt động thì cũng không phải được đoàn thể đó đề cử, nên họ không được sự tôi luyện, đánh giá sâu sát cũng như mang tính đại diện của một nhóm quần chúng cử tri nào. Đây là điểm bất lợi cho chính các ứng viên đó, cũng là bất lợi chung cho việc chọn lựa đại biểu cho Quốc hội; nhất là trong hoàn cảnh mà thói quen của đông đảo cử tri qua nhiều năm là nghi ngại, không tin rằng thời buổi này mà vẫn còn có những kẻ sẵn sàng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chưa kể ý thức về một cơ quan dân cử phải thực sự trực tiếp từ dân, từ các hội đoàn của dân cũng chưa được nhiều và mạnh. Có thể cũng lại chính từ việc hiểu rất rõ thực tế này mà nhiều cá nhân có tâm huyết, năng lực, điều kiện để ra ứng cử cũng không mặn mà gì, họ mang cảm giác cô độc. Họ không muốn “đánh cá” uy tín của mình, vì dù sao thì việc trúng hay không cũng ít nhiều đánh giá sự tín nhiệm của quần chúng, kể cả bị “chụp mũ”, nghi oan là kẻ có ý đồ “cá nhân”, háo danh.

Chính vì vậy mà hoạt động tổ chức bầu cử Quốc hội vừa qua dường như đã gặp phải những lúng túng. Trong đó không thể không có những lo lắng về năng lực, tư cách, điều kiện của những vị tự ứng cử ra sao, bằng cách nào để đánh giá chính xác. Nếu vẫn theo cách “sàng lọc” rất hẹp và khá là đơn giản bằng lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi làm việc như lâu nay, cho một số lượng ứng viên quá lớn như vậy, liệu có bị “lọt lưới” nhiều người không xứng đáng không ? Còn nếu phải dùng đến biện pháp “thô”, là loại khi hiệp thương lần cuối ở hội đồng bầu cử, thì e rằng ít nhiều mất đi cái bản chất “trực tiếp” của quy trình bầu cử như luật định, là đã thay cử tri đi bỏ phiếu rồi. Cũng không loại trừ những lo ngại là rất có thể một kẻ “vô danh tiểu tốt” nào đó lại thắng cử trước một quan chức được đảng, nhà nước cử, chỉ do các khâu sàng lọc lâu nay quá bất hợp lý; nảy sinh nghi vấn rằng quan chức này kém tư cách, năng lực, mà chưa quen được tâm lý coi đó là chuyện bình thường. Rồi từ lo lắng này mà có thể phải sử dụng đến biện pháp hiệp thương để sàng lọc một cách khiên cưỡng. Đáng lo là những băn khoăn chính đáng rất có thể đã bị lẫn lộn với những thái độ muốn níu kéo lề lối cũ, e ngại sự có mặt của những người có năng lực, dám bảo vệ quyền lợi của người dân.

Còn có rất nhiều sự lúng túng khác nữa mà chỉ người trong cuộc thì mới có thể rõ hết được. Nhưng chỉ với cái kết quả “rơi rụng” còn lại 30 ứng viên trong tổng số 223 vị tự ứng cử là có thể thấy được bản chất vấn đề.

Thế mà một thực tế rất rõ là trong những kỳ bầu cử Quốc hội sau này sẽ càng phải giảm đáng kể số ứng viên do đảng, nhà nước chọn, những vị đang tại vị trong cơ quan hành pháp, tư pháp. Đương nhiên cùng lúc là phải tăng đáng kể những ứng viên không phải nằm trong diện này, nhất là ngày càng cần nhiều hơn số đại biểu chuyên trách, ngoài đảng và ít bị ràng buộc bởi những cơ cấu thành phần cứng nhắc như “độ tuổi”, “dân tộc”, “nữ” … Nhưng nếu vẫn lặp lại hiện trạng vừa qua, vẫn chỉ có hai loại ứng viên trên, thì chắc chắn không thể có được một Quốc hội mạnh, chưa kể sẽ nảy sinh những lúng túng, rồi dẫn tới những quyết định không hợp tình hợp lý, thậm chí thô bạo trong khâu “sàng lọc” ứng viên.

Để lấp cái “khoảng trống” trong phương pháp chọn lựa này, một điều hiển nhiên mà ở các nước văn minh đã thực hiện từ rất lâu, đó là việc “tự đề cử”. Những ứng viên này không thuộc diện được đảng, nhà nước chọn (đề cử), cũng không phải là cá nhân tự ứng cử, mà là được các hội đoàn quần chúng (ngoài số 6 tổ chức quần chúng của đảng và một vài hội, liên hiệp hội được “cơ cấu” cho phép đề cử ứng viên như lâu nay) cử ra. Họ là những người được tín nhiệm từ số 320 hội hoạt động trong toàn quốc, hơn 2150 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành thuộc trung ương và hàng chục nghìn hội ở các quận, huyện … Những tập thể quần chúng khổng lồ như vậy mà dường như lâu nay bị quên lãng. Một sự quên lãng quá ư đáng tiếc và phi lý ! Họ phải được, phải có sự khích lệ, giúp đỡ để tự đề cử những người đại diện của mình. “Tự” ở đây là tự các hội đoàn đó đề cử ứng viên, chứ không phải là đảng, nhà nước, hội đồng bầu cử “cơ cấu”, “phân bổ” chỉ tiêu vài ứng viên cho riêng vài hội, cũng không phải các ứng viên đó “đơn thương độc mã” tự mình ra ứng cử. Như vậy sẽ rất thuận lợi cho việc đánh giá và trợ giúp cho họ. Nhất là gần đây có những ý kiến rằng: nên buộc các ứng viên phải lấy được bao nhiêu chữ ký ủng hộ của cử tri thì mới đủ tiêu chuẩn, thậm chí cả một số tiền “đặt cọc” nữa, sẽ không còn là chuyện nan giải. Bởi vì cái sự “lấy chữ ký” mà không được đặt cơ sở của một vài hội đoàn, tập thể nào đó giới thiệu thì rất dễ trở nên chuyện cười cho thiên hạ (bằng việc lấy chữ ký bà con họ hàng, người qua đường chẳng hạn). Kể cả việc đảng cần có sự lãnh đạo thì cũng có thể gián tiếp thông qua các hội đoàn này, mà vẫn đảm bảo tính khách quan nhất định. Giờ đây các ứng viên có được sự hậu thuẫn của đoàn thể, từ vận động tranh cử, quyên góp tiền bạc, cho đến cả việc bảo vệ uy tín, sự an toàn nếu như có khiếu kiện, đe dọa nào đó. Nhưng đáng tiếc là hàng chục năm nay, chúng ta đã quên mất rằng những hội đoàn này chính là cơ sở tốt nhất để tạo điều kiện thử thách, rồi chọn lựa cho các ứng viên, không chỉ cho Quốc hội, mà còn cho tất thảy Hội đồng nhân dân các cấp. Có điều cái sự “quên” này đã đi vào thói quen quá lâu, giờ phải được nêu ra, cho phép và tập dượt. Đây chính là phương pháp có tính chất “trung dung”, mà lại sẽ là chính yếu sau này, để lấp đi cái khoảng trống của hai phương pháp kia, một sẽ phải “teo” dần, một mới sinh ra nhưng đầy mong manh, thiếu hợp lý.

Tất nhiên trong thời gian tới, bằng Luật về Hội và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội mới, có thể sẽ có những chuyển biến mới rõ ràng hơn cho việc chọn lựa đại biểu Quốc hội, nhưng việc dự thảo luật cũng rất cần lưu ý nhấn mạnh tới hình thức tự đề cử này, và khi luật đã đi vào cuộc sống cũng vẫn phải có ý thức rất mạnh mẽ thì mới thay đổi được những thói quen cũ.

(Tạp chí Nhà Quản lý – số 47)

Một bình luận to “Tự đề cử”

  1. […] tôi là lãnh đạo – Sửa ngay hai thói xấu (1989), Đảng viên hay Ông chủ(2006),Tự đề cử,31 năm – Vết thương chưa lành, Cầu kiều(2007), Cải cách hành chính trước hết […]

Bình luận về bài viết này