BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

31 năm – Vết thương chưa lành

Posted by adminbasam trên 26/10/2007

31 năm – Vết thương chưa lành

Nguyễn Hữu Vinh

Đó là vết thương của cuộc chiến 30 năm, trong lòng bao người. Hàng triệu người vẫn hoan ca, nhưng cũng hàng triệu người còn âm thầm tự chữa trị, dễ cũng tới nửa đời người, tâm lý thắng-bại, được-mất … còn đeo đẳng. Với thời gian thì những ai sống trong nước, cái cảm giác dài lê thê không thể ví với người xa xứ. Nhịp sống-làm việc gấp gáp giúp vơi đi phần nào, nhưng không biết có phải do xa cách và cảnh sống phù hoa làm cho họ khó giành được sự cảm thông. Vì, nói cho cùng thì những biến đổi giúp yên lòng hơn phỏng đã được bao nhiêu ? Tác động của “đổi mới” cùng chuyện về thăm, gửi tiền, quà cho người thân dễ dàng cũng mới được mười mấy năm nay. “Học tập cải tạo”, làn sóng vượt biên, chuyện lo chạy xuất cảnh đoàn tụ, diện HO, con lai không còn ồn ã nữa … Vậy mà còn bao nhiêu chuyện không nhỏ, sao thật khó vượt qua. “Visa về nước” cho bà con – những người luôn được coi như “một bộ phận của Dân tộc” nghe sao mà lạ, tưởng đã bỏ, lại cũng vẫn còn. Việt Nam đã đi sau Trung Quốc, Ấn Độ, Philippins … về điều này, trong khi đáng ra phải trước họ bởi những vết thương chiến tranh, của các sự kiện 1954, 75′, 79′ … rất cần “thuốc” mạnh để giúp hàn gắn. Để là “một bộ phận của Dân tộc” không có nghĩa cứ phải khư khư một quốc tịch Việt Nam, trong khi cả thế giới đang chuyển dần sang xu hướng toàn cầu hóa. Luật Quốc tịch không công nhận công dân có hai quốc tịch, nhưng nghiễm nhiên ngày ngày có bao người vào quốc tịch Mỹ, Canada .. mà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Đã qua rồi cái thời “Hội Việt kiều yêu nước” với đông đảo hội viên, hoạt động hăng say chống chiến tranh, giúp đỡ trong nước, tương thân tương ái. Giờ thì có được bao lăm trong trăm, ngàn hội đoàn, nhà thờ, chùa chiền người Việt ở ngoài “nối vòng tay lớn” với trong nước ? Quả là quá hiếm ! Rồi báo chí, văn hóa phẩm qua lại giữa trong-ngoài, cũng mới chỉ như “hương hoa” thôi.

Những hiện tượng như thầy Thích Nhất Hạnh, cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, ca sĩ Elvis Phương, nhạc sĩ Phạm Duy, … về thăm, hồi hương, kể cả gần đây – sự lên tiếng của cựu trung sĩ thông dịch Trung Hiếu (qua chuyện Nhật ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm), mà nếu có ai được sống trong lòng cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc thì mới cảm được hết cái ý nghĩa ghê gớm của nó. Họ đã phải đấu tranh, hy sinh, vượt qua ác cảm, mặc cảm, lo sợ … để hướng tới những ước vọng cao cả là quê hương, là tình đồng loại. Thế mà đã có người bằng giọng bề trên độ lượng, vội bảo rằng “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Tưởng hay, nhưng ngẫm lại thật buồn. Sao gọi là “chạy lại” mà không nói được rằng đó như là “lá rụng về cội” ? Sao có thể làm cái vẻ hạ cố rằng “không đánh” mà không nói được là đất nước giang tay đón những người con xa xứ trở về ? “Không đánh” mà nhiều khi như đuổi, thậm chí “đẩy” bà con sang bên kia chiến tuyến. Nếu cứ mải mê với những chuyện “địch-ta”, “bỏ nước” … thì đến bao giờ non sông mới thực sự liền một giải ? Hàng tỉ đô la, ngàn vạn lượt người về thăm đâu dễ là minh chứng rằng những vết thương đã khép miệng. Phải chăng vì quá nghèo, ngàn năm chân lấm tay bùn nơi đồng ruộng, rồi dốc xương máu kiệt quệ cho ngày chiến thắng làm ta khó có được thái độ khoan hòa hơn, dễ quen cân đong đo đếm mọi sự chỉ bằng con số, mà quên rằng có những điều không thể nào đo đếm nổi ? Ví như vào những “Ngày kỷ niệm chiến thắng” này, không khí nô nức bằng băng cờ, khẩu hiệu … làm sao không khỏi chạnh lòng bao người từng một thời vì cái lẽ nào đó mà ít nhiều liên hệ với chế độ cũ. Có ai nghĩ rằng cũng nên tìm một lối thể hiện khác cho cái khung cảnh hân hoan đó không ?

Mới đây thôi, người ta đã công phu tập hợp sử liệu để chuẩn bị cho ra đời cuốn “Lịch sử thể dục thể thao cách mạng Việt Nam”. Ô hay ! Sao chuyện lớn vậy mà vẫn còn có người “vô tâm” lạ, dễ thường họ sẽ còn làm tiếp một cuốn “Lịch sử TDTT không cách mạng VN” nữa hay sao (nghĩa là đơn giản chỉ vì chưa có khả năng để thu thập sử liệu ở miền Nam giai đoạn chiến tranh, hay vì điều gì khác để mà từ cái lối “chính trị hóa” mọi thứ trở thành không có “chính trị” đến vậy) ? Lại nữa, giữa thái độ nhiệt thành của bao người hâm mộ, hiện tượng Phạm Duy đã bị dội một gáo “nước sôi” bằng một bài báo đầy những lờl lẽ nặng nề, xa lạ với tất cả những gì gọi là nghệ thuật. Và còn nhiều nhiều những câu chuyện kiểu như vậy, từ cách nói quen miệng nào là “phản cách mạng”, “ngụy” … cho đến cái “chủ nghĩa lý lịch” còn đeo dai dẳng cùng thói ưa thích tụng ca chế độ quá lời khiến mất đi bao nhiêu người tài để rồi thu nạp vào nhiều kẻ cơ hội.

“Người xây, kẻ phá”, vết thương khó lành, ít thuốc chữa, chỉ mới nhiều thuốc giảm đau thôi, vậy mà còn đi xát muối nữa sao ? Trở lại cách đây 60 năm khi Chính phủ đầu tiên của Nhà nước VNDCCH non trẻ ra đời, từ vị Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tới nhiều bộ trưởng đều là “dân Tây học”, “Tây du”. Giờ đã có một chính quyền vững mạnh, ta lại không thấy yên tâm, để mà quá hiếm những trí thức được đào tạo kỹ lưỡng ở nước ngoài (kể cả dưới chế độ cũ) giữ trọng trách trong chính quyền.

Quả là gian nan trên con đường tìm lại với nhau của Dân tộc. Chợt nhớ về ngót nửa thiên niên kỷ trước, khi Chúa Nguyễn Hoàng làm cuộc Nam tiến, mang theo lời chỉ giáo của Trạng Trình “Hoành sơn nhất đái/Vạn đại dung thân“. Rồi ngâm nga mấy vần thơ Huỳnh Văn Nghệ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long“. Thấy cảm khái cho cái nghĩa tình hòa quện Nam-Bắc, Trong-Ngoài.

Đảng, Nhà nước kêu gọi đại đoàn kết Dân tộc, nhưng để được “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thì khó có thể chỉ chủ yếu bằng lời, mà phải mạnh mẽ hơn, ví thử bằng Luật (hay Pháp lệnh) về Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc.


(Tạp chí Nhà Quản lý – số 35/2006:  Liệu nên có Luật Về hòa giải và hòa hợp Dân tộc?)

5 bình luận to “31 năm – Vết thương chưa lành”

  1. […] đạo – Sửa ngay hai thói xấu (1989), Đảng viên hay Ông chủ(2006),Tự đề cử,31 năm – Vết thương chưa lành, Cầu kiều(2007), Cải cách hành chính trước hết từ bộ máy của Đảng(2008), […]

  2. TRỰC NGÔN said

    Anh Nguyễn Hữu Vinh nhớ lời chúa Nguyễn Hoàng khi Nam Tiến. Còn tôi… tôi lại nhớ đến lời cụ Võ Văn Kiệt mỗi khi ngày 30/4 cận kề ” Trong cái ngày này thì đất nước có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”. Chỉ có cụ mới dám nói lên cái tinh thần hòa giải thấm đậm tính nhân văn đó, cũng chỉ có cụ mới khẳng định lại vai trò của ông ĐT Dương Văn Minh đã giúp cho Sài gòn hoa lệ tránh khỏi trời tan đất nát. Vậy mà ít lâu sau, có một tờ báo ở TW đã đánh một bài vào cụ Kiệt với nội dung chung là ” không phải là về hưu rồi thì muốn nói gì thì nói”.
    Chiến cuộc Bắc -Nam sẽ mãi mãi không bao giờ là vết thương sẻ lành của người VN với nhau.
    Khi mà bên chiến thắng vẫn còn say men với hàng loạt kỷ niệm tung trời 20 năm, 30 năm và mai mốt đây là 40 năm, 50 năm cuộc kháng chiến đánh cho Mỹ cút – đánh cho ngụy nhào.
    Khi mà một bộ phận hàng triệu triệu người dân Nam Bắc còn phải mang tiếng thân ngụy, thân tề… bị phân biệt đối xử ( trong đi tìm công ăn việc làm, các ngành nghề, cả những nghĩa trang cho người đã chết) … ngay trên đất nước của mình.
    Khi mà lòng thù hận, sự nghi kỵ dành cho nhiều người miền Nam vẫn còn, với bảng lý lịch như là một công dân hạng hai trong xã hội.

    Một chế độ cứ nuôi dưỡng, khơi gợi lòng căm thù không đúng chổ với đồng bào ruột thịt đã bị thất thế sau cuộc chiến của mình, thì làm sao vết thương chiến tranh của đất nước mới lành lặn? Dù có núp bóng dưới 10 cái nghị quyết 36/CP đi chăng nữa thì chuyện hòa giải và hòa hợp cũng chỉ là chuyện vẽ trăng dưới nước mà thôi.

  3. […] đây 6 năm, BS cũng đã viết về những điều liên quan qua bài “31 năm-Vết thương chưa lành”. Thế mà cho tới giờ, hình như còn thêm nữa những vết thương làm ta đau […]

  4. […] hồi mới 872. Về 61 thi hài T… on 31 năm – Vết thương chưa…LN on Tin thứ Sáu, 06-04-2012Hoang Lan Moc chau on Tin thứ Sáu, 06-04-2012Hâm mộ […]

  5. […] đây 6 năm, BS cũng đã viết về điều này qua bài “31 năm-Vết thương chưa lành”. Thế mà cho tới giờ, hình như còn thêm nữa những vết thương làm ta đau […]

Bình luận về bài viết này