BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2705. “Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ?

Posted by adminbasam trên 25/06/2014

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

25-06-2014

H3Sự khác nhau giữa lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích, khi triển khai lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, tháng 5.2013: “Lấy phiếu tín nhiệm diễn ra định kỳ hàng năm, không phải chỉ ở Quốc hội, mà tất cả các cơ quan Đảng và Trung ương sẽ làm (1). Một năm mà anh đã không quá bán thì cho anh nếu sang năm lại không quá bán thì đương nhiên phải bỏ phiếu tín nhiệm”(1.2).Mục đích và cách thức cũng được Tổng Bí thư làm rõ: “Bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm là cảnh tỉnh, răn đe để cán bộ tự soi, tự sửa là chính(2), nên lấy phiếu tín nhiệm mới được quy định ở 3 mức. Còn nếu 2 mức thì đã là bỏ phiếu tín nhiệm rồi“. Sự điều chỉnh từ định kỳ hàng năm xuống mỗi nhiệm kỳ 1 lần cũng được Tổng Bí thư cho biết lý do tại kỳ họp này: “Vì hàng năm đều có đánh giá, lấy ý kiến nhiều lần với rất nhiều kênh khác nhau, khi vào Quốc hội cũng đều tiến hành bỏ phiếu rồi đến cuối nhiệm kỳ lại đánh giá nữa. Cứ dồn dập liên tục, quanh năm chỉ có bận việc này thì còn làm gì được nữa (3)”. Kỳ vọng và hiệu qủa lấy phiếu tín nhiệm, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, “không gì tốt bằng nhân dân. Người dân đánh giá lĩnh vực đó cán bộ đã làm tốt chưa. Lấy phiếu kết quả thấp/cao chính là thể hiện sự đánh giá đó“(4). “Thực ra chỉ có Việt Nam mới lấy phiếu tín nhiệm (4.1). Ở các nước họ bỏ phiếu bất tín nhiệm luôn“4.2″.

*Điều tra xã hội học

“Lấy phiếu tín nhiệm (LPTN)“ và “bỏ phiếu bất tín nhiệm (BPBTN)“ là 2 khái niệm cơ bản phổ quát trên thế giới liên quan tới bầu cử, bổ nhiệm. Đối tượng áp dụng là các chức danh bầu cử và bổ nhiệm, tức cựu ứng viên (ƯV). Còn nơi lấy, bỏ phiếu là nơi bầu, bổ nhiệm (BBN). Cả 2 đều dùng phiếu định lượng, nhưng LPTN cho kết quả khẳng định mức độ tín nhiệm, còn BPTN cho kết qủa chỉ với 2 khả năng, hoặc bãi nhiệm hoặc không, tùy thoả thuận ban đầu như quá bán, hay quá 2/3 chẳng hạn. Quy trình công nghệ thường trải qua 3 công đoạn, tương ứng với 3 nơi liên quan tới BBN: (a) nhân dân (cử tri), (b) các ủy ban điều trần của Quốc hội và (c) Quốc hội. Xuất phát từ nguyên lý người dân là chủ nhân đất nước, ƯV là công bộc chỉ xứng đáng khi được chủ nhân tín nhiệm, công đoạn (a) thường áp dụng LPTN vốn thuộc đối tượng nghiên cứu của bộ môn khoa học và chuyên nghề “điều tra xã hội học (ĐTXHH)“. ĐTXHH có chức năng tổng hợp ý kiến dân chúng hay một nhóm dân chúng về nhận thức, phản ứng, tâm trạng hay mong muốn của họ. Đó cũng là một phương pháp trong điều tra thị trường, đánh giá triển vọng doanh thu, biến động giá cả, thành phần khách hàng… Điều tra xã hội học được thực hiện thông qua lấy ý kiến theo phương pháp xác suất thống kê, do đó đòi hỏi số lượng mẫu phải mang tính đại diện, độc lập, nghĩa là không có quan hệ trực tiếp với đối tượng điều tra và số mẫu đủ lớn. Vì vậy, họ không LPTN trong phạm vi Quốc hội, HĐND như ở ta nêu ở điểm (4.1), mà trong toàn dân, có thể trực tiếp hoặc qua điện thoại, bưu điện hay E-Mail, và cũng nhờ vậy tránh được trở ngại nêu ở điểm (3) đồng thời đạt được hiệu qủa tối ưu ở điểm (4).

Điều tra xã hội học được áp dụng lần đầu tiên năm 1824 tại Thủ phủ Tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, bởi một tờ báo điạ phương, với chỉ một câu hỏi, ai sẽ được tín nhiệm trở thành tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm 1824. 59% người được hỏi trả lời tín nhiệm Andrew Jackson. Kết quả bầu cử sát tỷ lệ trên, nhưng rốt cuộc John Quincy Adams trúng tổng thống bởi chiếm quá bán phiếu đại cử tri.

Hiện ở Đức có nhiều viện điều tra xã hội học uy tín, như viện FGW hoạt động từ năm 1974 do đài truyền hình nhà nước ZDF cấp kinh phí, một trong những nhiệm vụ chính là đánh giá độ tín nhiệm chính trị, đúng nghĩa “lấy phiếu tín nhiệm“ ở ta. Hay viện IfD-Allensbach thành lập 1947, chuyên khảo cứu về các vấn đề chính trị, tâm ý và kinh tế, từ năm 1956 xuất bản hàng năm sách „niên giám dân chủ“. Viện FORSA lớn hàng đầu nước Đức, thành lập năm 1984, chuyên nhận đơn đặt hàng của 2 kênh truyền hình tư nhân nổi tiếng Đức ProSieben, và RTL. Viện EMNID cũng lớn tương tự FORSA thành lập năm 1945 chuyên nhận đơn đặt hàng của Chính phủ Đức.

*Tham khảo công nghệ LPTN ở Đức

Khác ta, Đức theo chế độ đa đảng, đảng nào trúng cử được lập thành đoàn nghị sỹ đảng đó đóng vai trò 1 bộ phận, đơn vị bên dưới, trực thuộc quốc hội. Bầu Quốc hội chính là bầu các đảng cùng ứng viên cá nhân đảng đó giới thiệu, và ứng viên không đảng phái. Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm lẽ dĩ nhiên phải lấy từ chính cử tri đối với các ứng viên do cử tri bầu (công đoạn a). Có thể tham khảo kết quả lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện bởi 4 viện trên lần gần đây nhất, với câu hỏi “nếu thứ 7 tuần tới bầu cử Quốc hội, thì ngài tín nhiệm bầu đảng nào? cho kết qủa „kiểm phiếu“ bẩu cử “thử“ trong bảng dưới đây:

H2

Các đảng ứng viên nhìn vào cột (1), (2) và (3) biết ngay uy tín của mình đã và đang ở mức nào trong mắt người dân. Phiá cầm quyền, Liên đảng CDU/CSU và SPD thắng cử kỳ bầu cử Quốc hội năm ngoái đến 67,2% số phiếu, tới lần bầu cử thử này kết qủa uy tín bị sụt giảm 0,7-2,5 % chính là thách thức đòi hỏi Liên đảng phải xem xét lại thực tế quản trị đất nước và những chính sách đã áp dụng. Phía không chấp chính, có 3 đảng đã tăng được uy tín tới gần 2%, là cơ hội cho họ yên tâm phát huy tiếp vai trò của mình trên chính trường. LPTN bằng cách bỏ phiếu thử, vì vậy trở thành động lực thúc đẩy, không chỉ qua đó thu hút dân chúng tích cực tham gia quản lý đất nước, mà còn tạo cơ hội cho mọi đảng phái dù không hay có tham chính (tham gia quốc hội) hoặc kèm cả chấp chính (nắm chính phủ), đều có thể “tự soi, tự sửa“ như ở điểm (2), tránh được trừng phạt bởi quy luật nghiệt ngã của chính trường “một đảng không biết sửa là một đảng hỏng“ mà đảng PDP là một điển hình (xem mục dưới).

Khác bầu cử Quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu thuận, chống hoặc trắng, người dân không được quyền bầu chính khách quan chức mà chỉ có quyền tự do đánh giá năng lực và uy tín họ, nên thang điểm đánh giá được áp dụng như trong chấm điểm học sinh, từ -5 đến + 5. Nếu quy đổi sang bỏ phiếu bầu cử, cũng có thể hiểu: 0 là phiếu trắng, dương là phiếu thuận và âm là phiếu chống.

Kết qủa điều tra xã hội học của FGW theo cách chấm điểm, được thực hiện bằng phỏng vấn qua điện thoại từ ngày 2 – 4.6.2014 với 1.215 cử tri chọn đại diện ngẫu nhiên, cho bảng điểm như sau: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Đảng CDU Merkel đạt 2,2 (tháng 5 trước đạt 2,4 điểm, mất -0,2 điểm), đứng vị trí đầu bảng. Vị trí thứ 2 Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier 1,9 điểm (tháng 5: 2,1, mất -0,2). Vị trí thứ 3, Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Schäuble 1,8 điểm (tháng 5: 1,9, mất -0,1). Tiếp theo Hannelore Kraft Phó Chủ tịch đảng SPD 1,5; Phó Thủ tướng, Chủ tịch đảng SPD Gabriel 1,2; Peer Steinbrück từng ứng viên Thủ tướng của đảng SPD nhiệm kỳ này 1,0; Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen 0,8; Nữ Bộ trưởng Lao động, Xã hội Andrea Nahles 0,6; Trưởng đoàn nghị sỹ đảng Linke (trong đó có đảng cộng sản) Gregor Gysi 0,3; Chủ tịch đảng CSU Horst Seehofer 0,3 điểm.

Cách chấm điểm học sinh, và để người dân đánh giá vốn hiệu qủa “không gì tốt bằng nhân dân“ (bởi họ là người thụ hưởng các chính sách nhà nước, trực tiếp cho điểm), vừa tránh được gây bất lợi như ở điểm (3), khắc phục được trăn trở của các đại biểu nêu ở điểm (5.1), (5.2), (5.3), (6), (7) (trình bày mục dưới); các chính khách quan chức trọng trách có đủ thời gian dài 4 năm để tự “cảnh tỉnh, răn đe, tự soi, tự sửa“ như ở điểm (2).

*Hiệu qủa thực tế

Có thể tham khảo tình cảnh đảng FDP của cựu Chủ tịch gốc Việt Rösler, một đảng lớn hàng đầu xưa nay ở Đức, đang liên minh chấp chính thì bị loại ra khỏi Quốc hội với số phiếu bầu tụt từ 14,7% kỳ bầu cử năm 2009 xuống còn 4,8% nhiệm kỳ này, dưới ngưỡng được vào Quốc hội, quy định 5%. Philipp Rösler và toàn bộ BCH phải nhận trách nhiệm thất bại, cùng từ chức. Thoạt đầu, năm 2009, chỉ sau thắng lợi kỳ bầu cử mấy tháng, kết quả điều tra xã hội học của các viện cho thấy, uy tín đảng này liên tiếp tụt, xuống tận mức đáy 3% (nghĩa là mất tới 11,7%). Từng nổi tiếng là một tài tử chính trị xuất chúng, Rösler được bổ nhiệm làm phó Thủ tướng, rồi Đại hội đảng bất thường bầu làm Chủ tịch, với kỳ vọng thay người tiền nhiệm cứu vớt Đảng FDP. Mặc dù có gần 4 năm liên tục được cảnh tỉnh, răn đe qua bầu cử thử hàng tháng để đảng tự soi, tự sửa, nhưng rốt cuộc cũng chỉ nhích lên được gần ngưỡng 5%. Bởi kết quả thăm dò ý kiến về chính sách cho thấy, chính sách thuế của đảng FDP đề xuất chỉ được 6% dân chúng ủng hộ, chính sách y tế chỉ 4%, và chính sách kinh tế thuộc lĩnh vực chủ chốt có tiếng của đảng FDP xưa nay cũng chỉ 3%. Đặc biệt tới 83% người được hỏi, đồng ý với đánh giá: Đảng FDP hứa hẹn nhiều nhưng gần như không thực hiện được, tức bất lực. Cái gì phải đến sẽ đến. Đảng FDP bị loại ra khỏi Quốc hội Đức nhiệm kỳ này là một thực tế chứng minh tính hữu ích của điều tra xã hội học nước họ qua bầu cử thử và cho điểm có khả năng cảnh tỉnh, răn đe, tự soi, tự sửa, nếu không sẽ bị chính người dân đào thải bằng lá phiếu thật của họ.

*Những trăn trở đáng chú ý của các đại biểu về LPTN và BPBTN

Khác với điểm (1), Tờ trình của ỦBTVQH kỳ họp này chọn phương án LPTN một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ ba); giữ nguyên đối tượng lấy phiếu, với 3 mức đánh giá, tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Người được lấy phiếu khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Có từ quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì ỦBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo. Người có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Khi thảo luận, Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng “trong tương lai gần nên đi đúng xu hướng thế giới chỉ BPBTN“ (5). “LPTN rất khó tránh được cảm tính. Có những người mới chỉ biết mặt qua ảnh, tìm hiểu qua lý lịch, đến tận khi Chính phủ mới ra mắt mới biết mặt (5.1)“. Còn theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, gần 500 đại biểu chắc cũng không đánh giá hết được công việc của UV (5.2). Mặt khác, nếu tiến hành BPBTN ngay thì liệu có cơ hội để người tín nhiệm quá thấp giải trình và có đảm bảo chuẩn bị được người thay thế (5.3). Trước phiên thảo luận, Chính phủ cũng có văn bản đề nghị “không quy định kết quả LPTN làm căn cứ trực tiếp để thực hiện BPBTN“ (6).

* Cơ sở pháp lý nào cho LPTN và BPBTN ở Quốc hội?

Trong khi LPTN thuộc quyền tự do ngôn luận, chính kiến, hiệu quả “không gì tốt bằng nhân dân“, như ở Đức có thể đào thải đảng FDP mất tín nhiệm ra khỏi nghị trường, hay thay đổi chính phủ qua các nhiệm kỳ theo ý chí của người dân, thì LPTN và BPBTN ở quốc hội trong bất kỳ nước nào cũng liên quan tới nguyên lý cơ bản, khái niệm phổ quát, về chức năng và mối quan hệ qua lại giữa 4 chủ thể, quốc hội, đảng, chính phủ, toà án, do hiến pháp chế định.

Ở những nước theo mô hình hiến định đảng là lực lượng chính trị, quốc hội lập pháp, chính phủ hành pháp, toà án tư pháp, thì mối quan hệ giữa chúng được thể chế hoá, trở thành quy trình tự động xưa nay. Như Hiến pháp Đức quy định, đảng là những tổ chức chính trị tự nguyện, “tham gia vào quá trình biến ý chí chính trị dân chúng thành chính sách nhà nước“ (điều 21), qua bầu cử có thể tham chính hoặc/và chấp chính. Vì vậy, LPTN được thực hiện chỉ ở công đoạn (a) bằng phương pháp bầu cử thử. Đối với Chính phủ, Thủ tướng do Quốc hội bầu và Tổng thống công bố (điều 63), Bộ trưởng không do Quốc hội mà do Thủ tướng bổ nhiệm bãi nhiệm (điều 64), vì vậy Quốc hội không thể định kỳ LPTN vốn đã được thực hiện ở công đoạn (a) hay BPBTN do nhiệm kỳ họ đã được hiến định 4 năm chứ không phải tạm thời. Tuy nhiên Hiến pháp họ cũng đã dự liệu tình huống ƯV mất uy tín giữa chừng, nên điều 67 hiến định: Quốc hội có thể BPBTN Thủ tướng bất kỳ lúc nào có vấn đề về uy tín (bất thường), nếu quá bán sẽ bị bãi nhiệm (tức thực hiện công đoạn c). Ủy ban Quốc hội có thể điều trần ƯV khi có vấn đề (tức thực hiện công đoạn b) làm căn cứ định lượng cho Quốc hội xử lý. Rốt cuộc, BPBTN ở công đoạn (c) không được phép áp dụng định kỳ, nhưng có thể áp dụng bất thường. Đó cũng chính là cơ sở pháp lý buộc tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng nước họ luôn sẵn sàng từ chức một khi hành xử bị đông đảo dân chúng bất bình, chính trường phản đối (2 tổng thống Đức 2 nhiệm kỳ kế tiếp qua đều từ chức, 1 chỉ bởi 1 câu phát ngôn vi hiến; 1 chỉ do bị ngờ vực vụ lợi 750 Euro, vừa qua đã được tuyên trắng án) nếu không muốn bị BPBTN bất thường, trở thành nền văn hoá từ chức mà ở ta còn thiếu vắng.

Nước ta bước đầu áp dụng LPTN và BPBTN, vì vậy có thể coi là bước quá độ hay thử nghiệm hội nhập chính trường thế giới như nêu ở điểm (5). Trong 3 công đoạn phổ quát, hiện ở ta LPTN chưa thể thực hiện được ở công đoạn (a) như các nước, nên không còn cách nào khác phải thay thế bằng công đoạn (c). Có thể áp dụng phương pháp bầu cử thử hoặc chấm điểm. Tuy nhiên để LPTN có giá trị khoa học như ở công đoạn (a) đỏi hỏi tần suất (số lần trong nhiệm kỳ) phải đủ độ tin cậy theo toán thống kê, và đại biểu phải thu thập được ý kiến cử tri để đảm bảo tính khoa học mẫu điều tra đại diện đủ lớn và độc lập. Đó là gánh nặng đặt lên vai Đại biểu Quốc hội, chứ không phải một đặc quyền có thể dẫn tới vận động hành lang giữa đối tượng và người lấy phiếu, đóng vai trò tiền đề, điều kiện „cần“ cho LPTN, nếu không tự nó đánh mất ý nghĩa vốn có.

Cũng như bất kỳ quốc hội nào trong nhà nước pháp quyền, Quốc hội ta có chức năng lập pháp, vì vậy BPBTN bất thường nằm trong khả năng và trách nhiệm của Quốc hội, kể cả khi LPTN đặt ra tình huống trực tiếp phải BPBTN bất thường như ở điểm (1.2). Trong trường hợp này chỉ có thể bảo đảm tính khoa học để thoả mãn điểm (6) bằng cách áp dụng công đoạn điều trần (b) được coi như một phương pháp giám định, nếu không BPBTN bất thường sẽ mang tính xác suất, nhất là khi rơi vào tình huống ở điểm (5.1) và (5.2).

Nguồn ảnh: báo Dân Trí

5 bình luận to “2705. “Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ?”

  1. […] Nguyễn Sỹ Phương: “Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ?  […]

  2. […] 2382. “Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ? […]

  3. […] TS Nguyễn Sỹ Phương: “Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ? (Ba […]

  4. […] “Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ? (QC 26/6/2014)-TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức-Theo Ba Sàm   […]

  5. […] 2382. “Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ? […]

Sorry, the comment form is closed at this time.