Giang Lê
6-1-2014
Tôi đang so sánh bài phát biểu của tướng Thanh bản tiếng Anh (trên website của IISS – link bên dưới) với bản tiếng Việt trên website báo Thanh Niên. Tôi sẽ bàn về nội dung của bài phát biểu này sau, trước hết là nhận xét về 2 version của bài phát biểu.Nhìn chung tôi cho rằng bản tiếng Anh là bài dịch từ nguyên gốc tiếng Việt vì một số câu chữ đặc thù của các bài phát biểu ở VN được đưa nguyên sang bản tiếng Anh. Tuy nhiên cũng lạ là có một số câu dường như bản tiếng Việt được dịch ngược lại từ bản tiếng Anh (vì câu tiếng Anh “chuẩn” hơn câu tiếng Việt).
Bản dịch tiếng Anh có câu cú, từ vụng không được trau chuốt, không chuẩn, và vẫn còn lỗi ngữ pháp. Một số chỗ có sai lệch về ý tứ giữa 2 version. Đặc biệt 2 paragraph rất quan trọng mà dư luận nhắc đến nhiều 2 hôm nay có sự khác biệt, dù không quá rõ nhưng đáng đặt câu hỏi đó là cố ý hay do người dịch không dịch tốt (tôi sẽ phân tích thêm về vấn đề này sau).
Bài phát biểu có nhiều ngôn từ rất “tuyên giáo” và “vênh” với văn hoá/chính trị quốc tế. Ví dụ đoạn nói về “lãnh đạo Đảng” hay ngụ ý về việc phải định hướng phát ngôn báo chí. Bài viết ba lần nhắc đến chữ “cấp cao” cũng là đặc thù của VN, hay những cụm tính từ rất đao to búa lớn như “nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết” cũng vậy (chắc làm người dịch toát mồ hôi).
Việc sử dụng từ East Sea trong bản tiếng Anh mà không mở ngoặc là South China Sea là một cố chấp, nó làm giảm giá trị của một paragraph khi nói về tranh chấp biển vì nhiều người nước ngoài không biết East Sea ở đâu (trong khi Song tu Dong, Song tu Tay vẫn có mở ngoặc chú thích tên tiếng Anh).
Dịch chữ “quân đội” thành “the army” có thể gây thắc mắc cho các nhà bình luận/nghiên cứu Anh/Mỹ. Ở những quốc gia Anglo-Saxon “armed forces/defence force” được cấu thành bởi “the army”, “the airforce”, và “the navy”. Trong đó “the army” chỉ là lục quân, hầu như không liên quan đến tranh chấp trên biển.
Câu “It is our clear awareness that struggling to protect territorial sovereignty is sacred” dịch quá máy móc. Chữ “struggling” làm thay đổi ý nghĩa của câu gốc tiếng Việt, chắc các độc giả nước ngoài sẽ gãi đầu gãi tai vì chẳng hiểu tại sao bảo vệ chủ quyền lại phải struggle.