BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2498. VIỆT NAM NÊN SỚM ĐƯA VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG RA TÒA ÁN QUỐC TẾ

Posted by adminbasam trên 24/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Tư, ngày 19/03/2014

(Đài RFI 15/3 )

Ngày 14/3/2014, đúng 26 năm ngày Trung Quốc ngang nhiên đưa quân đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sát hại 64 lính hải quân Việt Nam. Năm 2014 cũng là đúng 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa, khiến 74 người lính miền Nam thiệt mạng. Trước một người láng giềng khổng lồ, lại hung hăng, đầy tham vọng như thế, Việt Nam phải đối phó như thế nào? Theo nhận xét của ông Thái Văn cầu, chuyên gia về không gian ở Mỹ, không thể kéo dài tình trạng hiện nay mà cần đưa vấn đề ra trước các tòa án quốc tế càng sớm càng tốt.

– Xin chào ông Thái Văn Cầu, ông nhận định như thế nào về thái độ của Việt Nam và Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông?

+ Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 giữa lãnh đạo 2 nước Việt Nam và Trung Quốc, trong gần 20 năm Việt Nam không hề có một phương án nào ngoài việc đi theo lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, trên cơ sở 16 chữ vàng-4 tốt. Trong cùng thời gian đấy, Trung Quốc tranh thủ xây dựng cơ sở vững chắc cho tham vọng chiếm đoạt Biển Đông của họ. Trước hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và trước phản ứng của nhân dân trong nước, lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện lập trường khi vào năm 2011, lần đầu tiên công khai đề cập đến sự kiện Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và sau đó vào năm 2013 cũng lần đầu tiên đề cập đến việc sử dụng công cụ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp. So với các nước khác trong tranh chấp, Việt Nam có chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa một cách mạnh mẽ và rõ ràng. Tuy nhiên, các quyết định của tòa án quốc tế trong giải quyết tranh chấp cho thấy thuận lợi về chủ quyền lãnh thổ của một nước không tồn tại lâu dài với nước ấy. Tòa án quốc tế vẫn sử dụng nguyên tắc không làm xáo trộn sự ổn định. Theo nguyên tắc này, tòa án quốc tế có thể đưa phán xét thuận lợi cho một nước đang chiếm giữ một vùng đất, một vùng biển mặc dù chủ quyền ban đầu không thiết lập rõ ràng, nhưng có hành xử thích hợp trong thời gian dài.

– Như vậy, Việt Nam phải đối phó như thế nào?

+ Một trong những phương hướng mà chúng tôi đề nghị là phải tận dụng luật pháp quốc tế. 3 điểm mà tôi thấy Việt Nam cần phải khẩn trương thực hiện trong thời gian tới là: Thứ nhất, Việt Nam phải kiện toàn hồ sơ chủ quyền qua sự đóng góp của giới nghiên cứu người Việt ở trong nước và ngoài nước cũng như qua tham vấn chuyên gia luật pháp quốc tế người nước ngoài. Thứ hai, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các nước về lập trường sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Thứ ba, quy định ngay cả đảo lớn nhất của Hoàng Sa và Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế hay trên lục địa để giảm thiểu mức độ xung đột với các nước liên quan và vô hiệu hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc. Mục đích của Trung Quốc là gì? Họ biết rằng càng kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp thì càng có lợi cho họ. Đấy là dựa trên các quyết định của tòa án quốc tế trong thời gian vừa qua. Do đó, một số người có ý kiến cho rằng vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông rất là khó khăn, đôi khi cần thời gian 100 năm hay lâu hơn nữa. Theo tôi nghĩ, nếu Việt Nam có một chiến thuật tốt thì Việt Nam không cần phải đợi 100 năm nữa mới giải quyết vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

– Trong các tòa án quốc tế, tòa án trọng tài quốc tế, tòa án quốc tế về luật biển, theo ông, Việt Nam nên đưa vấn đề ra trước tòa án nào?

+ Tòa án quốc tế và tòa án quốc tế về luật biển đòi hỏi các bên phải đồng ý tham dự thì họ mới xét xử. Trong khi đó, Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển đưa ra hai công thức khác là tòa án trọng tài theo phụ lục 7 và tòa án trọng tài đặc biệt theo phụ lục 8. Tòa án này không cần thiết sự hiện diện của các bên tham dự mà họ vẫn phán xét. Vấn đề Việt Nam nên theo tòa án nào là điều mà hiện nay Việt Nam cần phải nghiên cứu thêm. Mỗi bên đều có cái lợi riêng của nó, ví dụ trong một đề nghị mà tôi muốn đưa ra là Việt Nam có thể cùng Philippines, Malaysia kêu gọi Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế. Vì từ trước tới giờ, Trung Quốc luôn khẳng định họ có bằng chứng rất rõ ràng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, về đường lưỡi bò. Nếu đó là khẳng định dựa trên cơ sở sự thật thì Trung Quốc không có một lý do nào khác để từ chối đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế, nhất là khi hiện nay Trung Quốc đang có quan tòa đại diện trong tòa án quốc tế cũng như trong tòa án quốc tế về luật biển.

– Chắc ông cũng biết sự kiện cách đây vài hôm Trung Quốc bao vây một đảo đá ngầm nhỏ hiện do Philippines chiếm giữ ở Trường Sa, tức là Bắc Kinh vẫn tiếp tục lấn chiếm trên Biển Đông?

+ Không ai có thể biết trước được những bước đi tiếp theo của Trung Quốc như thế nào. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta nhận được là nếu chúng ta dùng sự quan tâm của dư luận thế giới về hành động bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông thì đó là một cách có thể ngăn chặn hành động vô lối của Trung Quốc trong thời gian tới. Việt Nam nên nhấn mạnh vào yếu tố đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, đồng nghĩa với đấu tranh để gìn giữ trật tự ổn định trong giao thông hàng hải trên Biển Đông.

– Đó là đối với luật pháp quốc tế, còn ở trong nước thì việc giáo dục về bảo vệ chủ quyền biển đảo lại bị lơi là?

+ Phải nói trong 3 tháng đầu năm 2014 cũng có một số diễn biến gọi là tương đối tích cực dù rằng ta có thể làm tốt hơn. Thứ nhất, Việt Nam đã cho kỷ niệm một cách giới hạn sự kiện Hoàng Sa 40 năm trước. Ngoài ra, gần đây họ đã cho thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông. Bên cạnh đó, người dân trong nước cũng cần phải hiểu được rằng chúng ta đang sống trong thời đại tin học thì nguồn thông tin không chỉ từ nhà nước mà còn từ những nguồn khác. Qua đó, người dân có thể hiểu hơn về những gì đã xảy ra trong lịch sử, trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc./.

Một bình luận to “2498. VIỆT NAM NÊN SỚM ĐƯA VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG RA TÒA ÁN QUỐC TẾ”

  1. […] VIỆT NAM NÊN SỚM ĐƯA VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG RA TÒA ÁN QUỐC TẾ […]

Sorry, the comment form is closed at this time.