BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Archive for the ‘Tiểu phẩm Tếu’ Category

48:Sĩ diện!

Posted by adminbasam trên 28/01/2009


Sĩ diện !

(Trích Nhật ký)

… Được cái mình vẫn luôn có quyền tự hào là một thằng rất biết giữ cái thể diện cho chế độ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào …

1975: tiếp quản một cái thành phố phồn vinh giả tạo. Dân chúng bị đầu độc thông tin từ lâu nên hiểu biết chế độ ngoài ấy rất lơ mơ, mình phải làm công tác tư tưởng phát mệt.

Họ: ở ngoải có nhiều Hông-đa không anh Hai ?

Mình: ối giời, Hon-đa chạy đầy đường.

Họ: thế nhiều ti-vi, a-kai*, phi-di-đe** hông ?

Mình: cũng chạy đầy đường, còn đang tính giảm bớt cho đỡ tai nạn giao thông đây này.

Họ: hí … hí … dzậy anh Hai mua chi cái khung xe đạp nầy … ?

Mình: à … tôi có cái thú chơi đồ cổ ấy mà. Cũng lại thói “phú quý sinh … chơi bời” thôi.

1985: ăn bo-bo mãi, không nuốt nổi. Chiều nay đói cồn cào mà cũng phải đi tiếp bọn nhà báo tây.

Nó: chúng tôi thấy trong bữa ăn dân chúng phần lớn là độn hạt mì, bo-bo … Nhiều người kêu ca là đói quá …

Mình: chúng tôi phải “thắt lưng buộc bụng” vì đồng bào miền … à quên … vì những đồng bào đang phải thắt lưng buộc bụng hơn (nên người xưa có câu “lá lành đùm lá rách”, nhưng nay chúng tôi sáng tạo nó thành “lá rách đùm lá tả tơi” để động viên nhau cho đỡ cảm giác đói bụng). Với lại ăn thua gì, hồi chiến tranh còn khó khăn gấp vạn lần mà chúng tôi cũng vượt qua nổi nữa là …

Nó: thế các ông có nhận ra nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng đó không, có định thay đổi gì … ?

Mình: có gì sai đâu mà phải đổi. Vì chiến tranh hết, đế quốc xâm lược hết !

1995: trao đổi việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Mình quán triệt là phải luôn luôn giữ lập trường kiên định, tư thế của người chiến thắng.

Nó: các ông có đồng ý ký không ?

Mình: thế còn các ông có đồng ý không mà lại hỏi tôi vậy ?

Nó: tôi đồng ý.

Mình: còn chúng tôi … để chúng tôi còn nghiên cứu đã …

(mình nói vậy thật là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa “làm cao” một chút, lại vừa tranh thủ chạy về xin ý kiến “trên” lần nữa cho ăn chắc).

2005: lần này là sẽ vào cái Tổ chức buôn bán Toàn cầu, là “kịch đường tàu” hội nhập đây, nên mình phải cẩn thận hơn.

Dân: liệu chúng ta có thể ký được trong năm nay không ạ ?

Mình: ôi giời, bọn nó muốn lắm rồi, “chơi” với mình là chỉ có lợi giở lên thôi, nên chuyện ký hay không là nằm trong tay mình.

Dân: thế sao nghe nói là lại có thể hoãn sang năm, rồi lại còn phụ thuộc cái … “pờ-rờ” gì nữa ạ ?

Mình: tất nhiên chúng ta luôn luôn quán triệt là “không chấp nhận ký với bất cứ giá nào”. Nên nếu không ký thì có nghĩa là cái “giá” đó nó “đắt” quá. Đơn giản thế thôi, như ta đi mua rau ở chợ ấy mà, đắt thì ta sang hàng khác …

Dân: “hàng khác” là ở hành tinh khác ạ ?

Mình: xin lỗi, ý tôi nói là … để hôm khác mua cũng được ấy mà … Họ ế khách thì phải bán cho mình thôi.

2015: … vậy mà cũng ngót 40 năm rồi, Nhật ký thân yêu là bạn tâm tình mỗi ngày, giờ nghĩ lại thấy mình có Nó trên cõi đời này là dở hơi rồi, Nó mà lọt ra ngoài thì con cháu nó cười cho thối mũi …

“Thôi, vĩnh biệt Nhật ký thân yêu, mày “đi” trước nhé. Xin lỗi ngàn lần, mày không thể chờ tao cùng về cõi được đâu. Mà tao phải hỏa thiêu mày cho ăn chắc, chứ “địa táng” thì nhỡ thằng nào tí toáy lại đào mày lên thì khác gì … mày chôn sống tao … hu … hu … “

Ba Sàm

*Dàn máy nghe nhạc hiệu Akai

** Tủ lạnh

Posted in Bài của Ba Sàm, Tiểu phẩm Tếu, Văn hóa | 3 Comments »

45:Thi “Bắn pháo hoa”

Posted by adminbasam trên 24/01/2009


tapbanphaohoa2


Thi Bn pháo hoa

.

– Cậu làm sao mà mặt mày hốc hác thế Út Măng ? Lại thức đêm tá lả hả ?

– Trời ơi, sếp Phó Bí ơi, sếp hổng có thương em thì thôi chớ còn nghi ngờ em bài bạc chi tội nghiệp quá à …

– Làm sao mà phải thương ?

– Chuyện tày đình dzậy mà sếp cứ “sao” dzới “trăng” hoài … Chắc sếp thương em, muốn Tết này em, cả nhà em tắt đèn hết ra sân ngồi ngắm … trăng sao Giao thừa, nên mới quyết cái dzụ “hổng bắn pháo hoa” …

– Ối giời … tưởng chuyện gì … Cậu có biết đấy là sáng kiến tuyệt vời của tớ không … mà còn nhăn với chả nhó ?

– Làm sao mà hổng nhăn được sếp ơi … Mấy bữa rày em đâu có ngủ được. Ông bà già vợ em dưới quê lên chầu chực coi pháo hoa, rồi tụi con nít nữa, tối ngày thôi rồi là bàn cãi cái dzụ pháo hoa … Còn em thì hổng hiểu sao mà sếp tính dzậy …

– Cậu non nớt chính trị lắm … Lại cả cái thằng Ba Bị nữa, nó cũng mè nheo mình cái chuyện này … đòi lật ngược lật xuôi. Nó bảo là nó thấy trên thế giới có nước nào mà Tết không bắn pháo hoa đâu, rồi những là mình còn chi bao nhiêu thứ cổ động tuyên truyền tốn gấp mấy ấy chứ …

– Dạ đúng …

– Đúng à … Các cậu không biết là mình bao giờ cũng phải có cái “bản sắc” riêng của mình … Chứ cứ cop-bi người ta mãi à ? Cả tôi cũng phải vậy … là phải có cái sáng kiến riêng, phải khác với …. “tiền nhiệm” chứ. Ngay cái chuyện “đi bộ diễu hành” mừng cái “hội nhập” cũng thế. Nó đếch thằng nào làm, mình làm mới oách chứ, mới độc chứ …

– Dạ độc địa …

– … Lại còn cái đận là phát động chống lãng phí, thực hành tiết kiệm nữa, mình cũng chưa nổ được phát pháo nào cho nó ra hồn. Nên quả này nó là cái cơ hội để mình thể hiện … mình “nổ”. Cậu hiểu chưa ?

– Là mình “nổ phát pháo” không bắn pháo … ?

– Chưa hết đâu nhé. Tớ còn “phản pháo” cái thằng Ba Bị là mình đang có cái chiến dịch tuyên chiến với tai nạn giao thông, giờ Tết nhất, lại pháo hoa với pháo hoét, mắt mũi cứ trớn lên mà ngắm rồi lại chả … “đi Văn Điển” sớm. Tỉ số tai nạn mà tăng lên … thì ai chết … hay là chỉ có tôi “chết” thôi ? Khốn nạn nhất là ngộ nhỡ có thằng nào nó bị xe chẹt chết, nó lại đổ tại là mải xem pháo hoa mình bắn …

– Nhưng mà em có cái sáng kiến này sếp coi sao nghen … Tức là nếu nói bằng mình tiết kiệm, thì thôi mình kêu gọi mấy “Mạnh Thường Quân” bỏ tiền ra tổ chức pháo hoa, họ kết hợp quảng cáo …

– Á … à, cũng ghê đấy ! Nhưng giờ tớ hỏi cậu nhá … Là tất cả cái tuyên truyền cổ động của mình, nó đều có cái “tiêu chí” cả. Thí dụ cái “diễu hành”, nó có băng-cờ-loa-phóng-thanh-áo-sống các kiểu … ai cũng biết là mình tuyên truyền về cái gì … Nào là cái vê-kép-tê-ô này, cái a-pếch nữa. Chứ cái trò pháo hoa … đùng đùng, xoè xoè … Chả rõ cái mục đích chính trị nó là gì cả …

– Dzậy thì …

– … Thì tôi sẽ yêu cầu bố ranh nghiệp nào tinh tướng nhận bắn pháo hoa í … phải đảm bảo cho tôi làm sao bắn lên nó phải nở ra những cái hoa … xếp thành mấy cái chữ, kiểu như vê-kép-tê-ô í … Tức là ai xem cũng phải hiểu được một lúc những hai ý … là “mừng-năm-mới vui-hội-nhập”…

– Chu cha … sếp chơi khó nhau quá !

– Cậu thấy chưa … Nhưng mà chưa hết đâu nhá … Tớ còn chơi kiểu “thi” nữa, nó như là “đấu thầu” í (nhưng cũng vưỡn phải để tôi chỉ định đấy !). Tức là sát hạch mấy anh một lúc, anh nào chuẩn thì mới ô-kê. Nào, có anh nào dám chơi không nào ?

– Dám quá đi chớ !

– Được … thế thì cậu viết đề xuất đi xem nào …

– Dạ … em sẽ đề xuất là tổ chức cuộc thi đó vào … đúng-phút-Giao-thừa luôn ! Càng dzui !

– ???

– A-lô … ông bà già vợ ơi, đừng dzìa quê nữa nghen … Ở lại mà coi … “Thi-bắn- pháo-hoa” ! *

Ba Sàm

(Tạp chí Thế giới Văn hóa – số 4-2007)

* Ba Sàm nổ bài nầy ngay sau khi hay tin các sếp lãnh đạo cái “cố đô Sài Gòn” quyết định không bắn pháo hoa trong dịp Tết 2007, rồi lại rất mừng là các vị đã đổi ý (không biết có phải vì nghe báo chí rên la, trong đó có cả Ba Sàm?) Mừng nữa là năm rồi thành phố Đà Nẵng lại có thi bắn pháo hoa nữa (cũng không biết có phải cọp ý tưởng của Ba Sàm?)

Posted in Bài của Ba Sàm, Tiểu phẩm Tếu, Văn hóa | Leave a Comment »

22:Bộ Truyền Bệnh

Posted by adminbasam trên 27/12/2008


Bộ Truyền Bnh

Ba Sàm

– Út Măng ! ÚT Măng ! …

– Trời ơi, có chuyện chi mà ngó bộ sếp …

– … Tình hình rất gay … em làm sao phải cứu anh quả này thôi.

– Dạ được ngay, sếp Phó Bí của em … chị nhà có nghi ngờ chi sếp, mà nghe em nói là bả tin liền à …

– Cậu cứ tếu không đúng lúc … Việc nguy cấp lắm đây này. Đêm qua tớ vừa nhận được điện thoại khẩn. Các anh “trên” đang rất lo lắng, bực mình cái tình hình bọn bờ-loóc bờ liếc chúng nó cứ tung thông tin lên trên mạng hạ thấp uy tín lãnh đạo. Các anh bảo mình quản cái kiểu gì mà để tình hình nó như vậy …

– Chà … gay go rồi đây …

– Còn gì nữa … Mẹ, vừa nhận “ghế” xong là … là … Toàn những việc lạ hoắc … Nên giờ các anh giao tớ là phải soạn ngay cái Quy chế quản cái món này. Nhưng mình cũng có biết chó gì về nó đâu chứ. Giờ cậu đưa tớ tới cơ quan rồi nghiên cứu ngay cho tớ, … Xe cộ để đấy đã, mai đi rửa cũng được …

– Dạ …

– … Tối qua tớ gọi bọn Ba Gai, Ba Xạo định giao ngay, nhưng chúng nó cũng mù tịt cả .. cứ ú a ú ớ phát bực ! Tớ thấy phi cậu ra trong cái Bộ này không có thằng nào làm nổi đâu, mà cậu lại ăn nói nó … “chân quê”, dễ hiểu, lại hấp dẫn …

– … Dạ, rồi ! Dzụ này em quan sát tụi con nít nó “chơi”, nên cũng nắm được sơ sơ. Giờ em trình bày dzầy sếp nghe được không, rồi mình tính nghen …

– Ừ … nói ngay đi !

– Dạ … Cái bờ-loóc này nó như là cái … thân thể con người ta (tiếng Anh nó kêu bằng cái bó-đì) …

– Thôi thôi … tiếng Anh với chả tiếng em, nói nhanh xem.

– Dạ … Lâu nay ăn vận người thì đẹp đẽ, lịch sự, giàu sang, kẻ thì nghèo hèn rách rưới … Như sếp với em dzậy nè …

– Giời ơi … cậu lại ….

– Dạ không … em nói thiệt đó mà … Tức là trước đây thì … ai cũng như ai, tức là đều không có bị lộ cái … “ấy” bên trong quần ….

– Á, được đấy, tức là “to”, “bé” gì … không ai biết ?

– Trúng phóc ! Tức là sếp to hơn em, mặc sang hơn em, nhưng cái “thằng nhỏ” của sếp nó lại .. nhỏ hơn cái “thằng nhỏ” của em, nhưng mà không ai hay biết …

– Thằng mất dạy !

– Dạ … có mất dạy như dzậy mới dạy sếp được cái cách viết “đề án” cho các anh “trên” hiểu được chớ …

– Thôi được, cậu tiếp đi. Nghe hấp dẫn rồi đấy.

– Dạ … rồi các em “chân dài” cũng dzậy … Lâu nay mặc đồ dzô đàng hoàng, chớ không mặc gì thì …

– Ứ … ừ …

– Dạ, không … ý em là nếu không mặc thì sẽ bị các sếp … phạt liền, vì cái tội … “gây rối trật tự công cộng”.

– Đúng ! Tớ bắt đầu hiểu ý cậu rồi đấy …

– Dạ … Như dzậy là nó có cái chuyện lâu nay con người ta đều che đậy cái … “thầm kín” bên trong của mình. Người ta mặc quần áo cũng tựa như ai đó có viết dzô cuốn nhật ký thì cũng cất trong ngăn kéo, không ai biết ngoài mình. Nhưng giờ nó có cái anh-tẹc-nét, người ta mới không viết dzô cuốn vở tập cất ở nhà, mà viết lên trên cái … mạng toàn cầu này … Hổng có khác chi các em “chân dài” bây giờ ra đường là …

– … Là … tồng ngồng ! Đúng không ?

– Dạ, quá đúng đi ! … Nhưng chưa hết, tuy hổng có miếng vải che thân nhưng các em lại có một miếng che … che mặt …

– Hả, lại thế nữa hả ?

– Cắc cớ dzậy đó … Người ta che mặt, nên người ta lại càng hổng biết ngán cái sự đời …

– Rõ rồi, nên tớ mới hạ quyết tâm để trình lên các anh “trên” để quản cái giống này chứ … Giờ cứ rà soát kỹ, phát hiện … “cởi truồng” là phạt thật nặng vào cho tiệt luôn. Tức là đưa vào cái bờ-loóc những hình ảnh, thông tin vi phạm là phạt.

– Dạ, nhưng thưa sếp là chuyện nó hổng có đơn giản dzậy …

– Còn trò gì nữa ?

– Dạ, nó có nhiều chuyện dzô cùng … Thứ nhứt, là cái dz ụ “che mặt” đó đó. Tức là người ta “che mặt” đi, mà trên cái mạng toàn cầu này đâu như “sân nhà” mình, sếp đâu biết được ai là ai mà phạt, rồi đâu dễ mà bắt buộc người ta không được che mặt, hay là bỏ cái che mặt đó ra. Đâu có giống cái dzụ “khách hàng di động trả trước phải khai báo lai lịch”. Ở đây nó phờ-ri cả mà.

– Rắc rối rồi đây …

– Dạ chưa nhằm nhò gì … còn nhiều dzô cùng vấn đề … Thứ nữa, là nhiều em hổng thèm che mặt, mà còn muốn khoe “đồ hiệu” …

– “Chết” ngay ! … “ăn” phạt ngay !

– Bộ dễ quá há ! Làm sao phạt ? … Người ta “khoe” trong “nội bộ” thôi, đâu có khoe ngoài đường ngoài xá thì sao ? Tức là trên cái bờ-loóc đó, có đủ các loại nhu cầu, ai muốn “khoe” … một mình mình tự coi thôi cũng được (tức là … tựa như sếp ở truồng trong phòng tắm, rồi tự ngắm cái “thằng nhỏ xí” của mình trong gương á) …

– Thế hả ?

– Dạ … Rồi … còn ai muốn “khoe đồ” cho vợ, cho chồng, cho người tình, tình đồng tính … Tức là đủ các loại “khoe” khác nhau. Dzậy sếp tính cấm, tính quản, rồi phạt kiểu chi đây ? Rồi ra cái văn bản “bao” được hết mấy thứ “khoe” này hông ? Có văn bản rồi cũng chưa hết chuyện. Không lẽ sếp cứ rình, khi nào người ta “khoe” … “hổng đúng tôn chỉ mục đích” ban đầu khi đăng ký với cái Bộ Truyền Tin của sếp, thì sếp phạt há ?

– Giời ơi, rối tinh cả … làm sao bây giờ ?

– Dạ, cũng chưa hết. Kế đến là cái loại có nhiều em hổng có che mặt, mà ra đường cũng có … “che đậy” đàng hoàng. Rồi đôi lúc, các em … hé lộ ra … cho coi chút xíu rồi lại che lại. Sếp chạy theo riết mà … coi, mà phạt sao ? Nó tựa như mấy cha làm báo mạng đó. Các cha chơi trò nhá nhá … đưa hình, đưa bài lên, mà “trên” hổng có khoái thì ta lại giựt xuống. Khỏe re à ! Mà giờ thì hổng có sáu trăm tờ báo nhà nước nữa đâu nghen, mà đúng là báo … “nhân dân” rồi. Tức là toàn dân làm báo, hàng vạn, có lúc sẽ tới triệu nữa lận … Dzậy sếp tính sao đây ? Chạy theo riết mà “rà” … rờ coi mấy em có mặc quần mà hổng có đồ lót bên trong, tức là … “ở truồng trong quần”, là sắp “khoe hàng” … rồi phạt sao ?Hay là “cách chức” ? Đâu phải là cái thứ của sếp “cắm” dzô đâu mà đòi “cách” người ta ?

– Bố khỉ ! … Hết “vấn đề” chưa ?

– Chưa đâu … Giờ tới cái khúc về “luật”. Sếp căn cứ theo cái luật nào mà xử phạt người ta đây ? Nếu kêu bằng “nhật ký” thì sếp phải ra cái “Luật Nhật ký” chớ (mà ra cái này là mình thành “độc nhất vô nhị” trên thế giới rồi đó sếp- nó cho mình dzô cái cuốn kỷ lục Ghi-nét liền). Còn nếu coi đó như là “báo chí” là gay rồi, là “vẽ đường hươu chạy”, công nhận “có báo tư nhân” rồi ! Lại còn sửa luật báo chí cách chi đây nữa chớ ? …

– Thôi … mệt quá đi mất. Ong cả đầu … Cậu tạm im đi một lát cho tôi nhờ …

– Dạ, em im thì ai “dạy” sếp đây … Là … tới cái khúc sếp sửa luật rồi, làm sao thực thi ? Người ta biểu “núm cái thằng có tóc …” mà đây thì … hé hé … lơ thơ vài ba sợi

– Cậu lại bắt đầu tục tĩu rồi …

– Dạ hông … là em nói thiệt tình chớ. Em đâu có nói mấy em “chân dài”, mà nói ba cái tay chơi bờ-loóc á. Mấy cha mà sếp “cắm” dzô phụ trách ba cái tờ báo, người ta còn sợ sếp không đưa dzô “cơ cấu”, sợ bị phạt. Còn mấy cái “nhà báo nhân dân” đây, “đầu chầy đít thớt” … sếp phạt sao ? … Tới mấy cha nội “giao thông” muốn phạt xe máy còn phải giựt chìa khóa xe người ta, sợ người ta dong luôn … Không lẽ một tay sếp nắm dzô “đồ” mà mấy em “khoe”, tay kia bốc di động kêu một-một-ba tới ứng cứu sao ? Nó tới nó lập biên bản sếp tội “quấy rối …” không chừng !

– Thằng này …

– Dạ em thiệt tình đó !

– Mẹ kiếp, thằng chó nào nó đẻ ra cái món i-ti này … nó lằng nhằng thế không biết ?

– Dạ, chưa hết lằng nhằng đâu … Có “em” khi bị phạt còn la, là “eo ơi … em ngủ say quá, nó lột quần em ra chớ em đâu có tính cái dzụ … khỏa thân mà mần chi … Em trinh trắng như dzầy mà … ” … hí, hí …

– Thế là thế quái nào thế ?

– Là trên cái bờ-loóc đó, nó có cái mục kêu bằng còm-men, cho ai muốn gởi thông tin thông điệp gì tới cũng được hết, mà mọi người dzô cũng được coi hết. Dzậy là mệt rồi, người ta kêu là bị gởi thông tin “nhạy cảm” tới mà hổng biết, chớ đâu có tự ý đưa lên. Không lẽ sếp phạt oan người ta sao ? … Mà chưa hết đâu nha. Có “em” còn cố tình để hớ hênh cho sếp dzô ngó cho đã cái con mắt … Khoái quá thì còn cho quay phim, chụp hình nữa …

– Thế nữa hả ?

– Từ từ … đừng vội sướng mà đi ngó sếp ơi … Vì nếu sếp dzô coi là tội đâu thì sếp chịu chớ họ hổng có chịu à. Tức là người ta để cái pát-uộc nó đơn giản, công khai, ai cũng biết. Dzậy là ai cũng dzô đó vọc được, đưa thông tin, hình ảnh “nhạy cảm” dzô … Tức là nó không còn có cái dzụ “đơn phương ở truồng” nữa, mà giờ là thành như cái Câu lạc bộ, ai khoái dzụ “ở truồng” này thì dzô … Như bên tây nó có cái bãi tắm truồng á .. Còn ta thì … tạm coi như là cái nhà xí công cộng, ai có “nỗi buồn” thì tha hồ mà dzô, mà “giải quyết”, mà “xả” … Còn nói cho ngay thì nó là cái “Tòa báo Nhân dân”, tức là mọi người dân đều được tham gia đưa bài vở dzô …

-Hả ? … Thế thì phải dẹp hết, … dẹp ngay cái thứ “nhân dân” í … dẹp luôn !!!

– Chết … sếp ơi ! … Vạ miệng đó sếp ơi … Sếp xúc vào chỗ phạm rồi …

– Thôi chết ???!!!

– Nhưng thôi … “nhân dân” thông cảm, bỏ qua …

– … Ừ … Dưng mà … kiểu này thì nó làm loạn cả à ?

– Dạ hông, người ta cũng biết tự trọng lắm chớ bộ … Ai chơi không đàng hoàng là bị tẩy chay liền …

– À, tớ nghĩ ra cách rồi … Cậu bảo những cái bờ-loóc đấy nó sẽ như dạng “nhà xí công cộng” hả ? … Thế thì mình cứ nhẩy vào, mình ị bừa bãi ra đấy, cần thì bơm cả phân vào. Chúng nó không chịu nổi là bỏ thôi. Cần quái gì phải quản với chả lý … Tức là mình cũng nhẩy vào tham gia, nhưng tung tin lung tung cả lên, chửi tục loạn cả lên … chúng nó chán, phải bỏ thôi ? Cũng hết luôn cả trò “Tòa báo nhân dân” …

– Chà, chiêu độc quá há ?

– Phải thế chứ … Cậu không biết các cụ dạy là “… Đi với ma phải … “

– Dạ … Dzậy thì cái Bộ của ta không kêu bằng Bộ Truyền Tin nữa, mà phải đổi tên thành Bộ … Truyền-Bệnh !

– … Thằng đểu !!!


(Diễn Đàn ngày 23-9-2007)

Posted in Bài của Ba Sàm, Tiểu phẩm Tếu, Văn hóa, Đảng/Nhà nước | Leave a Comment »

82:Bí mật đời … riêng

Posted by adminbasam trên 09/10/2007

Bí mật đời … riêng

.

– Đọc gì mà say sưa thế Út Măng ?

– Dạ thưa sếp, em đọc cái “Hồi ký … của một ả ca-ve” …

– Cái gì ? Nó tên là gì … đưa xem nào !

– “Em-so-ri” … Em thấy sếp Phó Bí của em ưa đi múa karaoke quá nên em chọc sếp chơi đó mà …

– Cái thằng …

– … Mà giờ sao các chị em vùng lên dữ quá, đua nhau ra hồi ký, làm nhiều cha lên ruột … rồi nhào đi mua. Cha thì lo mình “được” thành nhân vật chánh trong đó, cha thì muốn học hỏi kinh nghiệm … “tình trường”, “chơi” làm sao mà sau này khỏi được vinh danh trong “hồi ký” của các em. Thêm các bà nữa, ngờ ông xã mình dính chấu … cũng mua gấp coi. Còn cánh xế tụi em thì tò mò coi xem có … sếp mình trong đó không. Dzậy là sách bán chạy như tôm tươi … Cười muốn chết !

– Thôi chết ! Đúng thế hả ?

– Bộ sếp nhiều việc quá hổng có đọc sách báo gì hết trơn …

– Vậy là phải có biện pháp quản lý, chứ kiểu này thì …

– Thì lộ hết bí mật “tư tác”, bí mật “đời riêng”, con riêng, tài sản, tài khoản riêng …

– Không phải chuyện đùa đâu nhá.

– Nhưng theo ngu ý của em thì phát triển ba cái “hồi ký” này cũng hay chớ. Không chừng mình còn phải phát động thành cái phong trào … Từ rày mấy cha nội đỡ đi quậy … lo lỡ có ngày nó ra đời cái “Hồi ký của một ả ca-ve” thiệt thì gay. Chưa nói tới mấy quan tham xộ khám rồi, ngồi bóc lịch là dễ “nhàn cư vi … viết hồi ký” … Bán cũng chạy khủng khiếp luôn … Còn mấy tay “dựa cột” thì khỏi nói, sắp mất mạng thì còn gì nữa mà mất mà sợ, “hồi ký” bán ra là con cháu mấy đời tiêu xài khỏe re, khỏi … phấn đấu, khỏi lo đấu tranh đòi xóa cái “chủ nghĩa lý lịch” nữa.

Dzậy là các “ô dù”, “huynh đệ” ngồi nhà tha hồ mà run …”lạy Trời từ kiếp sau con xin chừa …”

– Đúng là … khủng khiếp quá ! Sao mình không lường trước được chuyện này nhỉ? Phải cấm, phải quản lý hết mới được !

– Dạ, nhưng mà sếp tính cho kỹ chớ rủi họ lại “lách luật”, họ không ra cái “hồi ký”, mà ra cái thứ kêu bằng “hồi ức”, “hồi tưởng” … thì … chào thua !

– Đấy, cái kiến thức “làm luật” ăn nhau là ở chỗ ấy. Mình phải bao quát hết, quản chặt tất cả những loại “hồi” nọ “hồi” kia …

– …

– Mà này … cậu không nghe gì à ? Hí hoáy cái gì đấy … viết cái gì đấy ?

– Dạ, em viết những chỉ thị của sếp … dzô cái … nhật ký của em.

– “Nhật ký” ?

– Chà, sếp dzô tư quá đi. Không những em viết mà em còn tính xuất bản đó …

– Hả ? Cậu định giết tôi đấy hả ? Cậu mà chơi kiểu này á, … là còn nguy hiểm hơn cái trò “hồi ký” đấy. Cậu có biết lâu nay cậu đã là người của …

– … của công chúng ?

– … Bao nhiêu mánh bí mật “quân cơ” tôi tâm sự, đem ra hỏi ý kiến cậu thì lộ béng hết chứ còn gì … là tôi đi tù chứ còn gì.

– Nhưng như dzậy thì em mới khỏi mắc tội “không tố giác tội phạm”, mới được khen thưởng, cất nhắc …

– Bố láo ! Cậu định phản tôi, định phắn trước hả ?

– Dạ không … mà là em cũng phòng hờ, rủi … chị nhà có giận gì sếp, giận “bề trên” của sếp mà ra cái hồi ký thì chắc em chết chùm theo sếp luôn …

– Nguy to … nguy to … Đã thế thì cấm cả “nhật ký” luôn !

– Dạ, dzậy thì em xin chuyển qua viết cái “tuần ký”, “nguyệt ký” … Giờ mình dzô cái Vê-kép-tê-ô rồi, nên áp dụng luật nó phải như bên tây, từ ngữ là phải thiệt chính xác đó sếp …

– Cấm tất, cứ có chữ “hồi”, có chữ “ký” là cấm.

– Dzậy thì ba cái “bút ký”, “ký sự”, “ký họa” … ?

– Cũng cấm luôn cho yên chuyện ! Chặt chẽ thế thì hết cửa chưa ?

– Dạ, dzậy đúng là “hết cửa”, là cấm cửa … cả làng Văn-Hóa-Nghệ-Thuật luôn!


Ba Sàm

(Diễn Đàn – ngày 9-9-2007)

Posted in Bài của Ba Sàm, Tiểu phẩm Tếu, Văn hóa, Đảng/Nhà nước | Thẻ: | 2 Comments »

Hỏi ý con Kiến con

Posted by adminbasam trên 06/10/2007

Hỏi ý con Kiến con


Con: bố ơi, bố nhìn này … con sâu to thế mà bọn kiến nó khiêng được, nom cứ như thể là nó đưa đám ấy bố nhỉ …

Bố: ối giời ơi … Biết cái quái gì mà đưa đám … Mà đưa tao cái điếu cày đã nào, cả tăm nữa … Nó đem về nhà nó chén đấy …

Mẹ: này mình ơi, ra em bàn cái vụ “nghỉ hè, nghỉ Tết” cái xem nào. Chứ người ta hỏi ý kiến phụ huynh, vô tuyến đài cứ là loạn cả lên chả biết thế nào cả.

Bố: ối giời ơi … lại cũng “kiến” với chả “voi”. Mấy chục năm nay vưỡn thế, giờ các bố muốn làm gì cứ làm, giỏi thì cứ thử đi. Sai thì lại sửa …

Mẹ: nhưng mà nó là cái chuyện thiết thân, giảm nghỉ hè cho chúng nó thì mình đỡ lo cái đận học hè, chơi bời lêu lổng, “chữ thầy giả thầy”, chán bi đáo rồi lại ra sông ra hồ vầy nước thì không khéo … Với lại Tết mình lại có thêm thì gian cho chúng nó lên thị xã chơi nữa chứ …

Con: a, hoan hô ! Tết này được nghỉ thêm hả mẹ ?

Bố: yên nào, nhóc con hóng chuyện người nhớn …

Con: con tưởng là bàn chuyện chúng con được nghỉ Tết thêm chứ ạ ?

Mẹ: đúng rồi … Việc của chúng mày đấy … là giảm … là nghỉ hè in ít thôi, tăng cái nghỉ Tết, nghỉ lễ lên cho nó “giảm tải” học hành … Ừ mà lạ nhỉ, sao nhà trường với lại ở “trên” người ta không hỏi ý kiến chúng nó nhỉ …

Con: hỏi ý kiến con thì con cứ là giơ cả hai tay …

Bố: này, mẹ con mày ở trên giời xuống đấy hở, mà háu bở thế ? Gớm … ý-kiến-con … có mà ý-con-kiến thì có ! Các “ông Nhà nước”, các ông í như voi như hổ, còn mình chỉ phận “con sâu cái kiến” thôi nhá. Các bố quyết gì, bảo gì thì chúng con phải theo thôi … Cái ngữ suốt ngày vục mặt xuống bùn với phân gio mà cày bừa đồng áng thì biết đằng mò nào mà …

Con: thế còn trẻ con … ?

Bố: chúng tao là “kiến” … thì chúng mày chỉ là phận … con của con kiến chứ còn gì … là con ấu trùng í. Ai điên mà đi hỏi cái lũ ấu trùng. Hiểu chửa ?

Con: à … có khi bố nói đúng thật đấy. Cô giáo con cô í dạy những câu như là “người đông như kiến cỏ” này, … rồi phải chịu khó “kiến tha lâu đầy tổ” … , “con kiến mà kiện củ khoai” … “con kiến mà leo cành đa” … là nói người dân đấy bố ạ.

Bố: thì chả là dân đen này chứ còn thằng nào vào đấy nữa … Là “dân đen” tức là nó nghèo khổ bửn thỉu, đen nhẻm như cái lũ kiến đen kia kìa …

Con: thế nhưng cô giáo lại bảo là đừng tưởng con kiến bé nhỏ là yếu ớt, ngu ngốc đâu. Cô kể cái chuyện “Voi-Kiến”buồn cười lắm cơ … Là lũ Kiến sợ Voi lắm, nhưng chúng nó biết đoàn kết, lại khôn đáo để. Nên một hôm chúng nó chui được vào tai con Voi …

Bố: … rồi nó đốt chứ gì ?

Con: không đâu ạ. Nó không đốt … Nhưng Voi thì tức lắm, chỉ chờ chúng nó ra là trị tội dám láo …

Bố: đúng quá !

Con: thế mà bọn Kiến nó còn đẻ ra đấy nhung nhúc những lũ Kiến con nhá ….

Mẹ: rõ khiếp !

Con: vâng … nó làm tổ luôn trong í, ngày ngày ra ra vào vào kiếm ăn tha mồi về mà Voi lại chả dám làm gì …

Bố: sao thế ?

Con: … vì duyên do là lũ Kiến con í, chúng nó suốt ngày nô đùa, nhảy nhót, tranh ăn … lại còn tẩn nhau khóc lóc loạn cả lên. Thế là anh Voi đinh tai nhức óc, điên đầu nhưng chả làm được gì, lại còn sợ nữa chứ …

Mẹ: ừ nhỉ ?

Con: … từ đấy giở đi Voi ta rõ là hiền lành ngoan ngoãn, nhũn như con … giun. Đi đâu, làm gì cũng phải rón rén se sẽ thôi, cũng phải hỏi-ý-kiến lũ Kiến con, chỉ lo chúng nó mà tức lên … nó lại la hét …

Bố: ối giời … Lại còn mai kia chúng nó nhớn lên, không biết điều là nó còn … đốt cho, thì có mà …

Con: đúng đấy ạ !!!

Ba Sàm

(Tạp chí Thế giới Văn hóa – số 10-2007)

Posted in Bài của Ba Sàm, Giáo dục, Tiểu phẩm Tếu | 1 Comment »

Giả Dối là cha Gian Dối

Posted by adminbasam trên 02/10/2007

Giả Dối là cha Gian Dối

– Út Măng ơi, ăn mừng đi, quả này thắng lớn rồi …

– Oáo, sếp Phó Bí tôi hồi này còn chơi lô-tô Kiến thiết Thủ đô nữa hay sao đây ?

– … Cậu biết không, các thầy vừa thông báo quyết định đặc cách cho tớ …

– Thành “Ông Trạng” luôn khỏi học ?

– Không, có mà điên ….

– Được làm … thầy luôn ?

– Cậu cứ lăng nhăng. Tức là giờ tớ chả phải thi thố, “vượt rào” vượt cạn môn nào hết. Một phát luận án tốt nghiệp là xong !

– Dóc tổ … à, xin lỗi … là sếp nói chơi hay thiệt dzậy ?

– Tớ có nói dối … mà làm gì … Nhưng mà có điều làm tớ hơi băn khoăn …

– Băn khoăn là không “quay” mà phải chuyển qua “cọp” luận án chớ gì ?

– Không phải, mà là cái tên của nó cơ, là “CHỐNG-GIAN-DỐI-TRONG-THI-CỬ”.

– ???

– Làm sao mà mắt trợn ngược thế ? Cậu cho là khó quá à ? Không biết là tớ đang bán tín bán nghi đây này, là có phải các bố muốn “chơi” mình, thấy mình “dính” mấy quả thi mấy môn trước nên giờ …

– Sếp lại đa nghi rồi. Theo thằng em thì đây là chiến thuật gọi là”dĩ độc trị độc” và “nhất cử lưỡng tiện” cực hay. Tức là các thầy biết sếp quá siêu cái dzụ … “ảo thuật” trong thi cử, giờ vừa khó đối phó với sếp, lại vừa muốn “tìm kiếm tài năng”… trẻ để chống gian dối …, nên mới quyết dzậy.

– Cậu nói nghe có lý … Thôi, giờ mình bàn thẳng luôn vào nội dung nhá. Là theo cậu, sẽ viết gì đây, chẳng nhẽ mình lại … không giữ “bản quyền” các “chiêu” của mình à ?

– … Đúng là khó … À, mà được rồi … em có cách cực hay, đi vào bản chất vấn đề mà lại không lộ “chiêu” …

– Được lắm, nói đi !

– Giờ bắt đầu, mình phải xác định xem căn nguyên làm sao mà sinh ra cái dzụ gian dối này. Nên em hỏi sếp nghen. Sếp có thích đi học không ?

– Có mà điên, vì sự nghiệp … là phải thăng tiến thì đi chứ. Tần này tuổi rồi, lại chả có năng khiếu khỉ gió gì …

“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường,

Ham rong chơi qua mỗi lần trốn học” …

– Đó … vấn đề là ở đó đó … Dzậy nếu sếp không đi học thì sao ?

– Cậu hỏi ngớ ngẩn quá. Thứ nhất là cái bằng này là bắt buộc này, nếu không có nó là … nghỉ khỏe. Thứ hai, cái học vị kia mà không có, thì … mình như cái thằng “vô học”, chúng nó có cả. Lúc đưa lên “bàn cân”, người ta cân nhắc … là mình thua. Ai mà đánh giá rõ được năng lực, tư cách … với lại nói chung cái khoản này, nếu xét kỹ thì mình cũng … hơi bị gay.

– Dzậy là xong, đó là một phần của cái Luận án này, nó được đổi tên là “DIỆT-GIẢ-DỐI-ĐỂ-CHỐNG-GIAN-DỐI” …

– Nghe lạ quá. Giả dối cái gì ?

– Tức là cái chuyện sếp đi học chớ cái gì nữa, đâu phải do nhu cầu nâng cao kiến thức, rồi chuyện đánh giá cán bộ qua bằng cấp, cũng dễ bị “dỏm” theo cái bằng của sếp luôn. Giờ tiếp nghen. Thế em hỏi sếp là nếu sếp, sếp A, sếp B … nhiều sếp bự đi học, mà thi đều bị rớt thì có ảnh hưởng gì không ?

– Ảnh hưởng quá đi chứ. Nhà trường sẽ bị đánh giá chất lượng dạy này, rồi … người ta cười cho … toàn thằng tai to mặt nhớn mà … dốt, lười.

– Quá chuẫn đi. Nghĩa là các thầy cũng sẽ phải tìm cách dạy, thi cử kiểu du di cho các cha đậu “chăm phần chăm” là thầy trò cùng dzui cả. Dzậy là được ba mục trong luận án rồi. Tiếp … Còn sắp nhỏ ở nhà, tụi nó có thắc mắc chuyện sếp đi học không ?

– … À, chúng nó cứ trêu tớ. Thằng nhớn nó còn bảo “bố cứ yên tâm đi, khi nào thi, con chỉ cần đeo râu mang kính vào, con vào con thi hộ bố là … ngon hết”. Bọn trẻ giờ khôn đáo để, gì cũng biết hết !

– Đó, chúng nó “khôn” là tại sếp, tại người lớn hết … Tức là nội cái dzụ “giả đi học” của sếp cũng thành như “vẽ đường hươu chạy” cho tụi trẻ, nó sẽ coi gian dối trong thi cử là … chân-lý-sáng-ngời. Rồi nó cũng phải “phấn đấu” học … “quay” sao cho giỏi, cho hơn cha thì sau này nhà mới có phước chớ. Sơ sơ vài mục dzậy là cũng thấy được tình trạng giả dối tràn lan trong xã hội nó là căn nguyên của chuyện gian dối thi cử, học hành … Tức là mấy thằng Giả Dối nó là cha cái tụi Gian Dối đó. Mình muốn chống Gian Dối, thì trước tiên, mình phải phăn cho ra hết mấy thằng cha … mắc dịch của nó đã. Diệt được thằng cha rồi thì làm sao có được thằng con. Khỏi chống với đỡ gì luôn, khỏe re à !…

– Ấy, hượm đã. Thế còn mẹ nó, mẹ mấy thằng Gian Dối ấy ? Mình mà diệt mẹ nó đi thì có phải tốt hơn không ?

– Á, ý hay tuyệt ! Chứng tỏ là sếp cũng … đâu đến nỗi. Đây chính là phần hai của luận văn. Nhưng hơi bị kẹt đây …

– Kẹt gì ?

– Kẹt vì mẹ tụi nó … là … chính là sếp đó, chớ còn ai …

– Cái gì ???

– … Tức là mấy thằng Giả Dối ấy, nó … “tằng tịu” với sếp, sếp cũng “thương” lại nó luôn, rồi sếp mới mang “bầu”, mới “đẻ” ra mấy thằng Gian Dối … Ghê chưa ?

– Trời ơi ! Nghe khủng khiếp quá ! Thế chả nhẽ …

– … “chả nhẽ” sếp tự diệt sếp chớ gì ? Rồi sếp cũng tội nghiệp cho “người tình” của sếp nữa phải hông ? Dzụ này thì em chịu … xin để sếp quán triệt cái “phê, tự phê” coi …

– Hượm đã ! Út Măng, hượm đã … Thế … thế còn ông nội nó, cụ cố nội nó, cả lò nhà nó … của mấy thằng Gian Dối í … còn sống cả không ?

– Trời ơi Trờ … ời … ! … Bộ sếp muốn “tiêu” luôn hay sao mà hỏi dzậy ??

Ba Sàm

Posted in Bài của Ba Sàm, Giáo dục, Tiểu phẩm Tếu | Leave a Comment »

Đại dân biểu chuyên trách

Posted by adminbasam trên 25/09/2007

Đại dân biểu chuyên trách

– Kính chào sếp đã về …

– Này Út Măng! Sao cậu lại dám gian dối, man khai lý lịch là thế nào ?

– Dạ, em đâu có cái dzụ đó thưa sếp Phó Bí …

– Lại còn không thành khẩn … Chuyến công tác này gần quê cậu, tớ có ghé thăm bà cụ. Bà cụ cậu khoe là nhà cậu hai đời đều là …

– Dạ ba chớ, ba đời là “giai-cấp-công-nhân” thứ thiệt, tự hào lắm đó nha.

– Không phải ! Bà cụ bảo … làm tôi giật mình … là ông nội cậu, rồi bố cậu nữa, đều từng là “dân biểu”. Thế tức là tham gia vào chế độ cũ rồi còn gì. Chắc là phải thế nào với chúng nó thì mới được …

– … Hí … hí … hí … há … há …

– … Lại cả cha lẫn con, hơi bị “kinh” đấy chứ ?

– Sếp làm em cười nôn ruột, mà nãy giờ lại run cái giò quá, lo không còn được … hầu hạ sếp. Em cứ tưởng sếp cũng “cáo già” rồi, ai ngờ lại bị mắc lỡm bà già …

– Cái gì ? Bà ấy cũng khai man …

– Bả nói giỡn đó, chớ từ hồi nào giờ em đâu có gian dối chi … mà đúng là ba đời nhà em là “giai cấp công nhân” nòi thiệt chớ bộ. Bả kêu “dân biểu” tức là “dân biểu đi đâu thì đi đó”. Tức là nội em làm nghề kéo xe tay từ thời Tây nè, rồi “gia truyền” luôn cho ông già em, là chạy cái xích-lô đạp. Tới hồi nhờ giải phóng nên ổng “đổi đời”, sắm được cái xích-lô máy. Dzậy là hai cha con làm cái nghề mà dân từ bà bán rau ngoài chợ tới mấy ông Mẽo kêu là phải dạ thưa có mặt liền, biểu đi đâu, tới đâu là phải nghe răm rắp, dân họ giỡn chơi, kêu bằng mấy cha “dân biểu“. Còn tới em, nhờ ơn sếp mà em “lên đời”, tuy cũng chưa thoát khỏi giai cấp công nhân, nhưng được làm cái anh “quan biểu“, tức là sếp, rồi sếp bà, sếp con biểu đưa đi đâu là em tuân lệnh liền. Sếp dzui chưa ?

– Cái thằng … thế mà vẫn còn đùa được, làm mình hết cả hồn vía, tưởng quả này kiểm điểm cả nút rồi … Ừ mà sao cái chế độ cũ ấy, nó lại gọi là “dân biểu”, mà không gọi là “đại biểu” … Quốc hội thì có phải là trịnh trọng hơn không nhỉ ?

– Chà, sếp cũng “chữ nghĩa” ghê quá ta … Theo em, mình cứ hay thấy cái gì như là “tàn dư” chế độ cũ là bỏ đại mà không tính cho kỹ. Ví như cái “tổng thống”, cả nước chỉ có một ông. Chớ mình kêu “chủ tịch”, thì từ phường xã, công đoàn, mặt trận … cho tới quốc gia đâu cũng “chủ tịch” ráo trọi, thành ra … “chủ tịch một lứa” quá đi, đâu có uy nghiêm kính cẩn được. Còn cái tên “dân biểu” nó cũng hay dzô cùng … Tuy không phải là “dân biểu đâu đi đó”, nhưng cũng là thuộc cái thành phần mà dân biểu là phải biết lắng nghe, phải biết bảo vệ quyền lợi cho dân đỡ bị quan ức hiếp… Tên vừa ngắn gọn mà lại súc tích. Chớ kêu “đại biểu Quốc hội” thì thành ra cứ nghĩ mình là người của … Quốc hội thôi, mà dễ quên mình là được dân bầu lên, phải thuộc về dân, nói tiếng nói của dân. Mà giờ mình dzô cái vê-kép-tê-ô rồi, ăn nói tập cho nó ngắn gọn hiện đại dần đi, chớ nhiều cái tên nghe nó dài thoòng quá … nào là …

– Á, lý sự ra phết đấy ! Nhưng cái từ đó là liên quan đến mô hình tổ chức Quốc hội kiểu “tư bản” rồi … Tức là “dân biểu”, rồi gì nữa nhỉ … ?

– Dạ thưa … nghị sĩ.

– Ừ … nghị sĩ, là chỉ có mỗi cái việc “lập pháp”, mà không có chức tước gì bên “hành pháp”, “tư pháp” cả. Chứ phe mình, là hơi bị oai, ngoài cái chức đại biểu Quốc hội thì các vị vẫn có thể còn được kiêm luôn cả chủ tịch tỉnh này, hoặc bộ trưởng, hay là chánh án nữa … Nên cái từ “đại” là hàm ý nó to lắm, quyền nhớn lắm. Chứ đâu kiểu vớ vẩn thế …

– Nhưng sao em nghe nói là mình đang tăng cường cái “đại biểu chuyên trách”, để các vị có nhiều thì giờ, chịu cúi đầu mà nghe dân “biểu“, từ đó mà “chế” ra luật cho nó hợp lòng dân. Nhứt là bớt đi cái dzụ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa nghe dân vừa … hành dân, rồi lại còn làm bộ tự giám sát mình nữa … Vì “đời nào bánh đúc có xương, đời nào đại biểu lại … không thương … thân mình” phải hông anh ?

– À … đúng là trước đây thì Quốc hội chỉ có vài vị … không có chân gì trong chính quyền, nhưng giờ ta đang tăng dần các đại biểu không nắm chức quyền, để chỉ chuyên vào làm Quốc hội thôi, gọi là “đại biểu chuyên trách”. Tức là hơi giống …

– “Tư bổn” … ? Dzậy là vừa có “dân biểu”, vừa có “đại biểu” ?

– Đại để là vậy. Tức là ta cũng có tiến dần lên cho nó có vẻ na ná như kiểu “tam quyền phân lập” kiểu tư bản ấy (mình đang “hội nhập” mà).

– Chết, dzậy là mình lại qua phe …

– Không, cậu mơ hồ lập trường quá. Đời nào … Về kinh tế thì mình kiên định cái “cơ chế thị trường định hướng xã-hội-chủ-nghĩa”, còn về chính trị thì mình cũng kiên quyết phải giữ cái mô hình …

– Mô hình vừa “dân biểu” vừa “đại biểu” ?

– …

– Dzậy thì theo em, ta gọi quách tất cả các vị là “đại-dân-biểu” cho xong. Nghe nó vừa đảm bảo cực oai, lại vẫn có đủ tính chất “thị trường” lẫn “xã-hội-chủ-nghĩa” nữa, vừa có cái chữ “dân” nữa nghe thiệt là … êm tai (như cái từ “nhân dân” mình hay xài đó, nhưng đây nó ngắn gọn hơn) mà lại có “dân biểu” là bà con còn khoái nữa. Nhất là không bị nhầm với những vị “đại biểu” đi họp hội nghị này nọ lu bù rồi nhận phong bì, mà nhà nước đang tính phải giảm bớt đi đó.

– Ừ … nghe bùi tai phết đấy nhẩy … Để tớ thử đề xuất phương án này lên các anh xem sao. Biết đâu mình lại được các anh …

– … cho qua làm đại-dân-biểu-chuyên-trách luôn …

– Hả ? … “chuyên trách” ? … Thế thì có mà … đói dài ! Cậu lại xỏ tôi rồi ???

Ba Sàm

Posted in Bài của Ba Sàm, Chính trị, Tiểu phẩm Tếu, Đảng/Nhà nước | Leave a Comment »

“Phao” tuyệt mật

Posted by adminbasam trên 14/09/2007

“Phao” tuyệt mật

Bữa nay Út Măng lái xe đưa anh Phó Bí đi thi để thăng “Ông Trạng”. Hắn lo dữ mà sao ảnh cười nói rổn rảng, lại còn góp ý cho hắn là cần nâng cấp con Cờ-Rao để làm sao có hệ thống ka-ra-ô-kê trong xe. Ảnh bảo là mới “cọp” được cái ý tưởng này trên mục “Mỗi ngày một ý tưởng” của vê-tê-vê. Rồi ảnh ngân nga “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay … la lá la là … là là la la …” mà hổng có nhạc đệm thành thử nghe ẹ quá.

… Không lo sao được khi cũng ngày này năm ngoái, anh Phó Bí bị hỏng thi vì dính cái dzụ “đổi đen thay trắng” từ mớ giấy nháp … Mà thôi, hắn không dám nghĩ tới nữa, vì đó là chuyện “tuyệt mật”.

… Kia rồi ! Anh Phó bước ra khỏi phòng thi. Mà sao sớm dzậy ta, hay lại như năm ngoái ? Nhưng không phải, dáng ảnh hiên ngang, miệng hát “chưa có bao giờ …”

– Sao rồi sếp ?

– Tuyệt vời !

– Sếp xài chiêu gì mà độc dzậy ?

– Xuỵt, tuyệt mật ! … (Anh Phó Bí cười sảng khoái) … Mà đúng là tuyệt mật thật. Nhưng thôi thì chuyện cũng xong rồi, tớ kể cho mà nghe để mà học hỏi nhá … Đọc đề chưa xong mà tớ đã lấy “phao” ra … “quay” luôn …

– Trời, bạo liệt dzậy …

– Trật tự nào ! … Được một lát thì giám thị tới. Tớ “vô tư” đặt ngay tờ công văn lên trên …

Út Măng há hốc mồm miệng muốn hỏi.

– … Hượm đã. Tay giám thị tưởng quả này “ăn gỏi” ngay mình như năm ngoái rồi, ai ngờ vừa thấy chữ “tuyệt mật” ngay trên công văn, lại có cả tên nơi gửi to như mả thằng ăn mày nữa, nó mới hãi chứ … Thế là phải “lảng chân giò” ngay.

– Trờ … ời …

– … Nộp bài xong, tớ hùng dũng bước ra, cả tốp giám thị, thanh tra đứng như “chào cờ” hết.

– Dzậy là sếp bọc “phao” bằng cái công văn tuyệt mật mới nhận chiều qua ?

– Chứ sao nữa … đây này … Ối ! Thôi chết … nó đâu rồi nhỉ ? … Hay là mình nộp béng nó cùng mớ giấy nháp rồi ? … Làm sao giờ … ối … giời … ơi là … giờ … ời … ời …

– Trời … cũng … “bó tay” !!!

Ba Sàm

(Tạp chí Tia sáng – số 16/2006)

(Tạp chí Thế giới Văn hóa – số 1/2007)

Posted in Bài của Ba Sàm, Chính trị, Giáo dục, Tiểu phẩm Tếu | 1 Comment »

Lá xanh, Lá vàng

Posted by adminbasam trên 10/09/2007

Lá xanh, Lá vàng

– Đi thôi Út Măng … đưa tớ sang Bộ Thành Tích ngay, lần này cơ quan ta “ăn” ngon choét cái “Lá cờ đầu” rồi … Này, cậu cứ say sưa cái báo gì mà xanh đỏ nom rức mắt thế, lại tạp chí “lá cải” hả ?

– Sếp đang dzui lắm phải hông đại ca Phó Bí của … các em ? Thế thì cho em được “dân chủ” chúc xíu nha … Dzậy sếp biểu em đọc ba cái “lá cải”, còn sếp thì sếp đọc cái loại báo gì ?

– Tớ đọc … lá … lá …

– “Lá dzàng” đúng hông ?

– Sao lại gọi là “lá vàng” ? À, đúng, vì nó quý như vàng !…

– Chà, đại ca lẹ quá ta! Nhưng cái ngu ý của em là nó … dzàng úa cơ, từ hình thức tới lối đưa tin … cũ mèm, mốc xì … từ thiên niên kỷ trước.

– Láo toét ! … quý như vàng, nó phải là “vàng lá” nữa ấy chứ.

– Rồi, tạm coi như có hai nghĩa. Giờ mình “tranh luận”, “phân tích” chút nghen … Lá cải với lá dzàng cái nào sâu …

– Loại lá vàng chứ, báo tớ đọc ấy … sâu sắc vô cùng …

– Í, sếp hiểu sai ý em rồi. Con sâu cơ, nó làm sao “nhai” được cái … lá dzàng của sếp … có mà không chết queo thì cũng móm à …

– Á, chơi chữ hả … Phải cảnh giác cách mạng cao độ với tay này đây … À mà đúng, đồng ý ! Cái món lá cải của cậu nó đầy sâu, phải luôn “soi” cẩn thận chứ không là … nó làm “rầu nồi canh”, là “chệch hướng”.

– Dạ quá đúng, … ba cái lá mà hổng thấy con sâu nào là … rất dễ … đầy thuốc sâu (mà có khi vì nhiều thuốc sâu quá thì nó mới … dzàng úa đó), xơi dzô là … đi gặp ông bà ông dzải không chừng. Thà “chệch hướng”, húp cái nồi canh “rầu rầu” còn hơn … Sếp hỏi sếp bà hay đi chợ là biết liền à.

– Cái thằng xỏ xiên rồi … Thôi, sang câu khác đi.

– Dạ. Dzậy lá cải, lá dzàng lá nào “khô” ?

– Đương nhiên là lá vàng, vàng lá đều khô cả, không có cái kiểu ướt át, uỷ mị “thiếu tính chiến đấu” đâu.

– Đúng quá, khô không khốc, “khô đét căm hờn”, quắt queo hổng ai … muốn ngó dzô. Còn lá cải là … “lá còn xanh như bao anh đang còn tre … é … lá la là la la la là la …”

– Lại đểu ! Thế cậu có biết cái lá vàng của tớ nó truyền đạt những nội dung quan trọng cần quán triệt thế nào không… vô giá đến thế nào không ?

– Dạ đúng … nó dzô giá, tức là hổng có ghi giá chi hết, là cho không, phát không ở cơ quan bắt phải đọc … “Tình cho không biếu không … ân tình xin chớ … cho bừa …”

– Khó chịu ! Thế thì tôi lại hỏi cậu nhá. Lá cải với lá vàng, cái nào có đông độc giả hơn ?

– Chà chà, nghe chừng khó nói đây. Dzậy em xin thiệt tình một cái nghen … là cái lá dzàng của sếp đông “độc giả” dzô cùng …

– Thấy chưa, phải có tinh thần “phê, tự phê” thế chứ …

– Dạ, rất thẳng thắn, là dzầy … vì em hiểu “giả” là con người, còn “độc” là rất đặc biệt (kiểu “độc chiêu” á). Tức là cái lá dzàng của anh nó dzô cùng nhiều người “dùng” đặc biệt. “Độc” giả thứ nhứt là mấy bà bán xôi, bán bánh rán … là khoái xài lắm à, nó rẻ mà tiện dụng dzô cùng … rồi đương nhiên người dùng … à … “độc” giả kế tiếp nữa là … người ăn xôi, bánh. Nhiều khi “đọc” giả khỏi đọc luôn, vì nó tới thẳng tay “độc” giả, khỏe re. Hồi sáng đó, em mời sếp xơi gói xôi bọc bằng cái … “lá dzàng” … còn thơm nức mùi mực … của sếp đó ! Thiệt là … “nhất cử … tam, tứ tiện”, “lá dzàng” không đọc thì ta … bọc, không có “đọc giả” thì có “bọc giả” !

“Con nai dzàng ngơ ngác … Đạp lên lá dzàng … rơ … ơi …”

– … Này ! Tập trung vào mà lái đi, thơ với chả thẩn, lại tai nạn giờ, … dân chủ cũng phải có tập trung chứ !

 

Bài đã đăng trên trang Ba Sàm 2007, nhưng bị tin tặc xâm nhập, xóa mất, nay đăng lại, nên không còn các phản hồi ban đầu của độc giả.

Posted in Bài của Ba Sàm, Tiểu phẩm Tếu | Leave a Comment »