BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2453. XUNG QUANH ĐÀM PHÁN COC GIỮA ASEAN VÀ TRUNG QUỐC

Posted by adminbasam trên 25/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Sáu, ngày 21/03/2014

Tạp chí “National Interest” (Mỹ) ngày 18/3 đăng bài viết của chuyên gia Prashanth Parameswaran, hiện đang theo học tiến sỹ tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (bang Massachusetts, Mỹ) và là chuyên gia về Đông Nam Á từng hợp tác với nhiều viện nghiên cứu, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), đánh giá về đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị chính sách với các nước ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự quyết đoán trong tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nội dung bài viết như sau:

Ngày 18/3, các quan chức Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gặp nhau tại Singapore để thảo luận về các bước đi hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trong tranh chấp Biển Đông nhiều tranh cãi. Nếu quá khứ là một chỉ dẫn, Trung Quốc sẽ bảo đảm là nỗ lực ngoại giao như vậy sẽ tạo ra ít tiến triển trong khi nước này cưỡng bức thay đổi thực trạng theo hướng có lợi cho mình. Trong khi những cái đầu lạnh hơn hy vọng ngoại giao sẽ thắng thế, niềm hy vọng không phải là một chiến lược. Các quan chức Đông Nam Á và các đối tác bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản cần phải sử dụng tất cả các công cụ có trong tay để thuyết phục Bắc Kinh về sự cần thiết hết sức cấp bách phải có một giải pháp ngoại giao, khuyên Trung Quốc không thực hiện thêm các bước đi gây bất ổn và chuẩn bị cho một loạt cuộc khủng hoảng nếu Trung Quốc không hợp tác.

Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã thể hiện một sự quyết đoán hơn đối với các quốc gia ASEAN tại Biển Đông, kết hợp sử dụng các công cụ ngoại giao, hành chính và quân sự để áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương, tấn công các tàu và thực hiện tuần tra tại các vùng biển tranh chấp. Bất chấp cái gọi là “chính sách gây cảm tình” do giới lãnh đạo mới thực hiện tại khu vực trong năm 2013, cách hành xử tại Biển Đông của Trung Quốc vẫn không có sự thay đổi đáng kể nào, với một lệnh cấm đánh bắt cá đầu năm 2014, thực hiện tuần tra xâm lấn vào các vùng nước của các bên tuyên bố chủ quyền khác, rút khỏi các cuộc đàm phán về coc mà nước này đã đồng ý thảo luận hồi năm ngoái. Trong khi đó, khả năng Trung Quốc thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông vẫn tiếp tục gia tăng. Như một cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Chris Johnson, đã nói tại một diễn đàn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hồi đầu năm nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục không nhận thấy sự mâu thuẫn giữa việc củng cố các mối quan hệ tốt hơn với Đông Nam Á và bảo vệ tuyên bố chủ quyền một cách quyết đoán bất chấp thiệt hại cho các nước ASEAN khác cũng có tuyên bố chủ quyền.

Với thực tế này, đã đến lúc các quốc gia ASEAN và đối tác phải đưa ra một chiến lược hợp nhất trong các lĩnh vực an ninh, pháp lý và ngoại giao hướng tới việc ngăn ngừa Bắc Kinh thực hiện chính sách quyết đoán nếu có thể, và chuẩn bị đối phó với Bắc Kinh một cách hiệu quả nếu như nước này tiếp tục hoặc đẩy mạnh chính sách quyết đoán. Trong lĩnh vực ngoại giao, các quốc gia ASEAN và các bên cần tiếp tục nhấn mạnh về nguyên tắc cốt yếu mà tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, cần phải giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình tuân thủ luật pháp quốc tế. Công cụ chủ yếu để có thể đạt được mục tiêu này là coc có tính rằng buộc pháp lý. Bất chấp sự chần chừ của Trung Quốc, các quốc gia ASEAN cần phải đoàn kết nhấn mạnh cả về việc phải có quyết định nhanh chóng cũng như đảm bảo nội dung có ý nghĩa, trong đó có các cơ chế chủ chốt như đường dây nóng kiểm soát khủng hoảng.

Trong khi tất cả các nước ASEAN phải đoàn kết theo đuổi COC, bốn quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, gồm Brunei, Malaysia, Phillippines và Việt Nam, cần phải có thêm các bước đi cùng nhau bởi họ có các lợi ích lớn hơn trong vấn đề này. Mục tiêu chính sẽ là ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc nhằm chia rẽ các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông (rõ ràng nhất là việc cô lập Philippines). Sự hợp tác lớn hơn có vẻ như có nhiều triển vọng trong giai đoạn hiện nay so với quá khứ, với việc Malaysia gần đây thể hiện quan điểm cứng rắn hơn cùng với việc Cuộc gặp Nhóm làm việc các bên có tuyên bố chủ quyền ASEAN (ASEAN CWGM) ra đời tại Philippines hồi tháng trước. Thêm vào đó, các nhân tố bên ngoài, không chỉ là Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU), Australia, cần phải thực hiện phần việc của mình bằng cách đưa ra những tuyên bố phản đối sự vi phạm của Trung Quốc và nêu ra cái giá phải trả cho việc không tuân thủ. Một cách tiếp cận dựa trên những nguyên tắc nhằm giải quyết các tranh chấp phải là lợi ích chung toàn cầu, và một liên minh lớn hơn công khai kêu gọi điều này sẽ gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh, giúp tránh bị quy chụp trở thành vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cho dù một COC cuối cùng cũng được thông qua thì công cụ ngoại giao vẫn là tốt nhất để kiểm soát những căng thẳng tại Biến Đông. Con đường bền vững để thực sự giải quyết các căng thắng này nằm ở lĩnh vực pháp lý, với việc tất cả các bên hệ thống hóa các tuyên bố chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế, và nó sẽ mở ra cánh cửa giải quyết các tranh chấp chủ quyền và khởi động việc cùng khai thác các nguồn tài nguyên. Gánh nặng ở đây chủ yếu nằm ở phía Trung Quốc, với sự mập mờ có chủ ý về cơ sở cho tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đệ trình Liên hợp quốc năm 2009, bao trùm khoảng 80% diện tích Biển Đông, không phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế cũng có những vai trò ở đây. Các nước ASEAN cần tiếp tục thách thức tuyên bố chủ quyền theo đường 9 đoạn của Trung Quốc về mặt pháp lý để cho thấy sự quá đà của họ, giống như Phillippines đang thực hiện thông qua Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Để gia tăng sức nặng cho các sáng kiến đó, các thành viên ASEAN khác và các nhân tố bên ngoài cần hồ trợ bằng cách trực tiếp tham gia, hoặc đưa ra tuyên bố công khai mạnh mẽ. Thêm vào đó, bốn quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cần tiếp tục hệ thống hóa các chi tiết trong tuyên bổ chủ quyền của mình trong các diễn đàn đa phương cũng như ở trong nước. Sự rõ ràng hơn giữa bốn quốc gia này có thể sẽ làm bộc lộ sự mập mờ cố ý cua Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN và các đối tác bên ngoài không nên chỉ kỳ vọng rằng các nỗ lực của họ sẽ làm thay đổi sự mâu thuẫn trong tư tưởng cua Trung Quốc về COC, hay sự coi thường trắng trợn luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Họ cũng cần phải suy nghĩ nghiêm túc về cách thức kiểm soát căng thẳng nếu sự quyết đoán của Trung Quốc không suy giảm hoặc thậm chí tăng theo thời gian và lan ra một số lĩnh vực khác. Trong khi những quyết định cụ thể cuối cùng được đưa ra sẽ phụ thuộc vào mỗi quốc gia, về tồng thể, các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền, các quốc gia Đông Nam Á khác sằn lòng, và các quốc gia bên ngoài cần phải ưu tiên tăng cường hợp tác, phối hợp và kiểm soát khủng hoảng ở cấp độ nội địa, khu vực và quổc tế theo ba cách thức sau:

Thứ nhất, các quốc gia ASEAN phải gia tăng gấp đôi nỗ lực để thúc đẩy việc điều phối tốt hơn giữa các cơ quan chính phủ, cả dân sự và quân sự, chịu trách nhiệm về vấn đề trên biển. Điều này là rất quan trọng, không chỉ là để thúc đấy sự hợp tác liên ngành trong lĩnh vực an ninh hàng hải phức tạp, đụng chạm tới nhiều vấn đề từ ngư nghiệp cho đến nhập cư, mà còn để xây dựng một phương pháp tiếp cận đồng nhất đối với chiến lược khéo léo của Trung Quốc trong việc sử dụng một loạt công cụ phi quân sự để củng cố tuyên bổ chủ quyền của mình, trong đó có cả tàu hải giám. Các nỗ lực của Phillippines và Brunei thiết lập các chương trình giám sát bờ biển quốc gia là một bước đi hữu ích, hay các nỗ lực tập thế giống như một cuộc hội thảo về hợp tác liên ngành tổ chức tháng 10/2013 giữa Mỹ và Việt Nam cũng vậy.

Thứ hai, sự hội nhập sâu hơn ở cấp quốc gia cũng cần phải đươc bổ sung bằng sự hợp tác nhiều hơn ở cấp độ khu vực và toàn cầu để ít nhất có thể giảm thiểu sự bất đối xứng giữa Trung Quốc và từng thành viên ASEAN. Điều này là hết sức cần thiết khi xét tới các cơ chế kiểm soát khủng hoảng và hoạch định các kịch bản. Ví dụ, các đường dây nóng an ninh song phương có thể là một công cụ hữu ích trong kiểm soát khủng hoảng nếu họ được đầu tư nguồn lực đúng đẳn, có cấu trúc phù hợp và được sử dụng một cách hiệu quả. Các cuộc thảo luận đã bắt đầu ở cấp độ khu vực, nhưng sẽ phải mất thời gian để có thể thúc đẩy. Do đó, các nước không vì thế mà không thiết lập các đường dây nóng an ninh trên cơ sở song phương, giống như Malaysia và Phillippines hiện đang xem xét.

Thứ ba, các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền cần đẩy mạnh việc hoạch định tình huống khẩn cấp liên quan tới Biển Đông, cả ở cấp độ quốc gia cũng như phối hợp với các bên liên quan. Các sáng kiến ở cấp độ rộng hơn đã bắt đầu được nhiều nước thực hiện, trong đó có việc mua sắm và hợp tác bảo vệ bờ biển với Nhật Bản, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Mỹ. Nhưng cũng cần phải có một sự tập trung thêm vào việc chuẩn bị cho các viễn cảnh khủng hoảng cụ thể, từ việc các ngư dân hiếu chiến có thể tạo ra khủng hoảng song phương ngoài ý muốn cho tới các biện pháp cưỡng bức hay phong tỏa kinh tế của Trung Quốc. Các kế hoạch này phải phản ánh được sự phức tạp trong chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông khi xét tới một loạt công cụ mà nước này có thể sử dụng cũng như các mức độ khác nhau của biện pháp cưỡng bức bằng quân sự và phi quân sự. Các kế hoạch này phải tính đến cách tư duy của Trung Quốc. Chẳng hạn, một chuyên gia Trung Quốc gần đây đã nói tại một cuộc hội thảo của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) rằng Trung Quốc đang bàn tới một khái niệm gọi là “ngoại giao cưỡng bức mở rộng” tập trung vào cách thức cưỡng bức một đối thu liên minh với một cường quốc, với hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Phillippines đang là chủ thể của nghiên cứu.

Các nhà chỉ trích cho rằng các nhân tố của chiến lược tổng thể này không có nhiều ý nghĩa bởi nó quá rủi ro khi các quốc gia ASEAN yếu hơn phải đối kháng với một quốc gia có nhiều thực lực hơn là Trung Quốc. Nhưng những bằng chứng cho thấy đó chính là những gì mà Trung Quốc đang dựa vào – rằng sự bất đối xứng rõ ràng về thực lực, kết hợp với ảnh hưởng khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc, sẽ khiến các quốc gia ASEAN phải suy nghĩ kỹ trước khi mạo hiểm tuyệt giao các mối quan hệ – chừng nào sự quyết đoán của Trung Quốc vẫn có thể chia rẽ được các nước có cùng tuyên bố chủ quyền và tránh kéo các nhân tố bên ngoài vào cuộc. Chính các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác có lợi ích khác như Mỹ và Nhật Bản phải suy nghĩ nghiêm túc về cách thức để đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc một cách tương ứng và phải làm tất cả những gì có thể để chỉ rõ cho Trung Quốc biết đâu là giới hạn đỏ. Điều này là để buộc Bắc Kinh phải cam kết với một giải pháp hòa bình, theo luật trong các tranh chấp tại Biển Đông, việc các bên hành động hết sức chưa phải là đủ mà họ phải làm tất cả những gì mà tình thế đòi hỏi phải làm./.

 

Một bình luận to “2453. XUNG QUANH ĐÀM PHÁN COC GIỮA ASEAN VÀ TRUNG QUỐC”

  1. […] XUNG QUANH ĐÀM PHÁN COC GIỮA ASEAN VÀ TRUNG QUỐC […]

Sorry, the comment form is closed at this time.