BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

VÀ QUYỀN LỰC THỨ TƯ

 VÀ QUYỀN LỰC THỨ TƯ

 

ĐOAN TRANG

Nhà xuất bản Giấy Vụn

 

LỜI NGƯỜI VIẾT

Mở đầu một cuốn sách mà phát biểu như sau thì có thể gây rối cho người đọc, nhưng tôi tin rằng phần lớn những điều tôi nghĩ và viết trong cuốn sách này không có gì mới với một số đông độc giả – những trí thức mà ngoài khối lượng tri thức và thông tin rộng lớn, họ còn có vốn sống, có trải nghiệm thực tế ở nhiều xã hội khác, trong nhiều thời kỳ khác. Ngay trong thế hệ của tôi thôi, có rất nhiều bạn sở hữu trí tuệ sâu sắc và hiểu biết xã hội, hiểu biết thế giới ở một mức độ khiến tôi phải vô cùng khâm phục. Tôi tin những gì tôi viết, họ đều đã biết cả, có điều họ chưa nói ra (trên báo) mà thôi, bởi vì xét cho cùng việc đó cũng giống như thắp một ngọn nến giữa ban ngày.

Nói cách khác, tôi không nghĩ mình có thể mang lại phát hiện hay tư duy gì mới mẻ cho bạn đọc qua những bài viết này, trong cuốn sách này. Tôi không phải học giả, không phải nhà tư tưởng. Mặc dù các bài báo tôi viết liên quan tới nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, nhưng tôi không phải sử gia, kinh tế gia, nghệ sĩ hay nhà nghiên cứu về chính trị học. Thậm chí tôi cũng không dám nhận mình là nhà báo hay một cây bút chuyên mục bình luận (như Thomas Friedman, Fareed Zakaria, Simon Singh, Stephen J.Debner, Naomi Klein, hoặc từ thời chiến tranh Việt Nam là Stanley Karnow, những cây viết mà tôi quan tâm và ngưỡng mộ). Tôi chỉ là một người viết báo, hay nói chính xác nhất, một phóng viên. Với tư cách ấy, tôi viết các bài mà tôi tập hợp lại bản gốc trong cuốn sách này. phần nhiều các bài đã được đăng tải trên một số báo và tạp chí như Nhịp Cầu Thế Giới, pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên trang Tuần Việt Nam của báo điện tử VietNamNet.

“Và quyền lực thứ tư” là một tựa đề hơi có vẻ khiêu khích (có lẽ nhiều người sẽ nghĩ như vậy), nhưng nó phản ánh một cách tổng quát những gì tôi muốn mang tới cho bạn đọc qua cuốn sách: một góc nhìn vào nghề báo, và góc nhìn của một phóng viên vào đời sống chính trị – kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Cuốn sách có bảy chương, trong đó ở đầu mỗi chương, tôi đều có một vài lời “đề dẫn” với mục đích diễn giải thêm chút ít về nghề báo với độc giả. Có rất nhiều điều để nói về nghề báo, nhất là ở Việt Nam, nơi mà báo chí cũng như rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội vẫn còn đang trên con đường chuyên nghiệp hóa. Những người đọc nghiêm khắc có thể cho rằng câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét” cho đến giờ vẫn còn giá trị, báo chí Việt Nam đầy sai và lỗi, nhà báo Việt Nam cẩu thả, lười biếng, vô trách nhiệm, thậm chí nói nặng nhất là dốt. Với cuốn sách mang một tựa đề khiêu khích này, tôi không định thanh minh, bao biện gì. Tôi chỉ muốn trình bày vài quan điểm cá nhân, đồng thời, qua phần đề dẫn ở đầu mỗi chương và qua một số bài viết, cung cấp thêm tới độc giả ít nhiều thông tin có tính chất “hậu trường” về nghề báo. Đó là một nghề đầy vất vả, khó khăn, đặc biệt với những ai muốn lý tưởng hóa nó, trong một môi trường rõ ràng là còn rất nhiều điều kiện không thể lý tưởng. Nhưng đó cũng là một nghề mang lại niềm hạnh phúc rất lớn, không thể diễn tả hết bằng lời, cho những người yêu nó và muốn sống hết mình vì nó. Có một ý mà tôi đã viết trong một bài báo, và tôi vẫn còn muốn nhắc đi nhắc lại ý đó, nhiều lần nữa: “Nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt”.

Một điều nữa tôi rất muốn nói là: Tôi mong muốn vô cùng, rằng tới một lúc nào đó, việc một phóng viên viết những bài báo như tôi đã tập hợp trong cuốn sách này, là hoàn toàn bình thường. Bình thường như thể đó là một phần trong những câu chuyện chúng ta vẫn nói với nhau hàng ngày. Thật vậy, vì sao trong những trao đổi thường nhật, chúng ta lại không thể nói về các chủ đề “vĩ mô” như kinh tế và chính trị? Như là sự sai lầm hoặc bất hợp lý của một chính sách nào đó, tình hình quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, lịch sử kinh tế Việt Nam, những rủi ro của việc tăng hoặc giảm giá điện đột ngột, v.v.? Đó đâu phải là chuyện trên trời, chuyện chỉ của các lãnh đạo, học giả hay các nhà báo thích “nói phét”?

Tiếp theo: QUYỀN LỰC THỨ TƯ

Nguồn: NXB Giấy Vụn

MỤC LỤC

 

Phần 1: QUYỀN LỰC THỨ TƯ

Phần 2: QUAN HỆ VIỆT-TRUNG

Phần 3: HAI NHÁNH QUYỀN LỰC

Phần 4: LẶN LỘI THƯƠNG TRƯỜNG

Phần 5: NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Phần 6: NGƯỜI HÀ NỘI

Phần 7: NHỮNG GƯƠNG MẶT

Phần 8: NHẢM VĂN

2 bình luận to “VÀ QUYỀN LỰC THỨ TƯ”

  1. Pham Chinh said

    Chúc mừng sinh nhật của tác giả ĐT

  2. Nhị Mai said

    Tôi chưa đọc hết mới được Phần 1, nhưng rất hấp dẫn. Có lẽ đây là cuốn sách được chào đón và mong đợi. Rất lâu không có cuốn sách nào đáng đọc. Sau khi đọc hết tôi sẽ có phản hồi chính thức.

Bình luận về bài viết này