BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2451. NGA CẦN CRIMEA ĐỘC LẬP HƠN LÀ THÔN TÍNH VÙNG LÃNH THỔ NÀY

Posted by adminbasam trên 25/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Tư, ngày 19/03/2014

Ngày 11/3, Moskva cho rằng nền độc lập tự phong của Crimea là hợp pháp và ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý theo hướng sáp nhập vào Nga. Tân Thủ tướng Crimea, Sergey Askyonov, tuyên bố bán đảo này sẽ có chủ quyền quốc gia và là một bộ phận của Nga, phù hợp với các thỏa thuận và hiệp ước. Số phận của Crimea dường như sẽ là bổ sung cho các “cuộc xung đột bị phong tỏa” của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Việc nước cộng hòa tự trị này xích lại gần hơn với Nga dường như là không thể tránh khỏi, nhưng chuyên gia các vấn đề quốc tế Kevin Limonier cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không nhất thiết phải quan tâm đến điều đó…

Trả lời phỏng vấn tạp chí “Đại Tây Dương”, ông Kevin Limonier, nhà nghiên cứu thuộc Viện địa chiến lược Pháp đã đưa ra các phân tích về vị thế địa chính trị của Crimea đối với Nga, nhưng ông cũng nói rõ rằng lợi ích của Nga đối với bán đảo này chủ yếu liên quan đến yếu tố lịch sử và quan trọng hơn là số cử tri tiềm tàng nói tiếng Nga mà Tổng thống Putin rất cần có để làm hậu thuẫn cho mình. Điều đáng nói ở đây là ông muốn điều đó bằng mọi giá, kể cả bằng giải pháp quân sự.

Được hỏi bán đảo Crimea, hiện nay nằm dưới sự kiểm soát của Nga nhưng không bị Tổng thống Putin thôn tính, có phải là cửa ngõ để Nga vào Ukraine không, chuyên gia Kevin Limonier khẳng định: “Hoàn toàn đúng như vậy. Trước hết đó là cửa ngõ mang tính lịch sử. Năm 1783, dưới thời Nữ hoàng Ekaterina II, Crimea bị đế chế Nga thôn tính, đô hộ. Từ đó trở đi, Nữ hoàng Ekaterina II cho xây dựng các thành phố ở đây, chẳng hạn như Sevastopol hay Simferopol, những cái tên có âm hưởng của tiếng Hy Lạp khiến người ta nhớ đến kế hoạch trở lại với cội rễ Hy Lạp của giáo lý chính thống”.

Ngoài ra, Crimea quả thực là cửa ngõ để vào Ukraine khi thành phố Sevastopol là một tượng đài lộ thiên thực sự của cộng đồng những người nói tiếng Nga, biểu tượng cho một cuộc sống chung nhất định đã không còn từ sau năm 1991, nhưng vẫn tồn tại. Nền tảng của cuộc sống chung đó là một lịch sử chung đối với tất cả các dân tộc thuộc Liên Xô trước đây. Sevastopol là biểu tượng thực sự của chủ nghĩa anh hùng Nga trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đó là những trận đánh ác liệt nhất. Và kể từ khi Liên Xô sụp đổ (đặc biệt là từ khoảng mười năm trở lại đây), việc kỷ niệm chiến thắng và sự hy sinh chung đó trở thành điểm tựa cho bản sắc được chia sẻ. Bản sắc này dĩ nhiên vượt ra ngoài biên giới Nga hiện nay vì nằm đúng đường biên giới của Liên Xô hay Đế chế Nga trước đây. Đó là một cái gì đó còn đọng lại ở Sevastopol.

Để hiểu rõ tại sao Crimea có tính cốt yếu đối với Nga kể cả khi bán đảo này ở lại với Ukraine, chuyên gia Kevin Limonier nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xem xét vấn đề Hạm đội Biển Đen đóng căn cứ tại Sevastopol. Tháng 4/2010, Dmitry Medvedev (lúc đó là tổng thống Nga) ký với Viktor Yanukovych (lúc đó là Tổng thống Ukraine) thỏa thuận gia hạn hợp đồng thuê căn cứ quân sự tại Sevastopol. Giá cho thuê được nâng lên rất cao. Con số trước đây là hàng triệu (hay hàng trăm triệu) USD này là hàng tỷ (thậm chí hàng trăm tỷ) USD. Hơn nữa, Tổng thống Putin từng tuyên bố với người Ukraine rằng vì cái giá đó mà ông sẵn sàng tranh luận với tổng thống của họ.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao phải trả với giá quá đắt như vậy? Có thể sẽ kinh tế hơn nếu đặt căn cứ tại Novorossiysk. Quyết định chắc chắn không xuất phát từ lý do quân sự hay chiến lược, vì Crimea đã mất đi tiềm năng chiến lược của mình khi Liên Xô không còn nữa. Bởi lẽ nếu không có Hạm đội Biển Đen, Sevastopol không là cái gì cả. Đó là một thành phố được thành lập bởi và cho những người lính thủy. Nếu không có hạm đội của Nga sẽ không còn tượng đài biểu tượng cho không gian nói tiếng Nga đoàn kết để tôn thờ những hy sinh được kể lại bằng tiếng Nga. Đó là một cách để duy trì một nhãn quan nào đó về bản sắc Nga do chính quyền tạo ra, và cũng là cơ hội để người Nga mãi mãi đặt cho Ukraine cùng một câu hỏi: các bạn muốn đi với ai?

vẫn theo chuyên gia Kevin Limonier, phải trở lại một chút trong quá khứ mới hiểu được nước Nga vận hành như thế nào từ bên trong. Khi Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000, nước này nằm trong tay giới đầu nậu. Sức mạnh của Putin là dựa vào các mạng lưới của cơ quan tình báo KGB và, dần dần, buộc các đầu nậu phải thuần phục mình nếu không sẽ bị “chôn vùi”. Hệ thông xã hội của Nga lúc đó rất giống với một không gian phong kiến: vị tổng đốc của một vùng chỉ là một thứ lãnh chúa phong kiến với tất cả thần dân của mình. Lúc đó hình thành một hệ thống trao đổi ban phát và nghĩa vụ (chẳng hạn muốn có bằng lái xe phải nộp tiền).

Trái ngược với những gì ông dự tính, Putin không hoàn toàn phá bỏ hệ thống đó mà, trên thực tế, ông sử dụng nó để tái tạo một cơ cấu không chính thức mới tồn tại song song với trật tự hành chính và thứ bậc cổ điển để kiểm soát đất nước. Một mặt, ông biết cách loại bỏ số đầu nậu và mặt khác, sử dụng nguồn lực khổng lồ có được nhờ món lời từ năng lượng, lúc đó đã bắt đầu tác động được đến nền kinh tế nước Nga. Nhờ đó, Putin thực hiện được một số chương trình tái khởi động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, phục hồi được một nhà nước hùng mạnh, một nước Nga có chủ quyền và làm chủ vận mệnh của mình. Ông đã phải bỏ ra rất nhiều tiền, thành lập chương trình không gian và tái khởi động tất cả những gì mà ông có thể tái khởi động được. Tuy nhiên, hệ thống vẫn vận hành như trước: một hệ thống có lại quả hình thành ở mọi cấp. Thứ bậc không chính thức đó được nuôi dưỡng bằng tiền từ món lời năng lượng. Khi xây dựng một bùng binh với giá 40 triệu rúp, người ta đút túi được 1/2 số tiền đó. Đó là một hệ thống tham nhũng cổ điển và hệ thống đó dĩ nhiên chỉ có thể tồn tại được ở Nga. Chính quyền liên bang nhắm mắt làm ngơ để đổi lấy lòng trung thành nhất định nhằm duy trì hệ thống dưới sự kiểm soát của Điện Kremlin. Việc đảng Nước Nga thống nhất, đảng của Putin, lúc đầu bao gồm một nhóm các nhân vật có ảnh hưởng rồi tiếp đó trở thành một chính đảng với cương lĩnh và lý tưởng, nói lên khá nhiều điều về cách nhìn nhận sự việc đó.

Nhưng điều đó có liên quan gì đến vấn đề Crimea? Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Nga chịu thiệt hại rất lớn do giá dầu lửa sụt giảm một cách thảm hại. Nếu nhìn vào biểu đồ sẽ thấy năm 2009, Nga lâm vào suy thoái có tính lịch sử. Giá dầu lửa hạ xuống khiến Nga không có nhiều nguồn lực để tài trợ cho các mạng lưới không chính thức. Như vậy, không còn cạnh tranh để có được nguồn của cải nữa. Trong khi đó, vẫn cần phải trả tiền cho chính các thần dân của mình… Tất cả các thần dân đó đều bắt đầu đi thăm dò nguồn mới ở nơi khác và chấp nhận rủi ro, kể cả phải quay lưng lại với một bộ phận cử tri (có nguyện vọng mới nhờ 10 năm tăng trưởng và ổn định dưới thời Putin). Đó là sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu thực sự ở Nga, muốn có minh bạch và công bằng xã hội. Các yếu tố này, cộng với các mạng xã hội bùng nổ dẫn đến các vụ bê bối lớn trong cả nước. Cơn giận dữ của dân chúng bắt đầu gia tăng. Các cuộc biểu tình hồi tháng 12/2011 là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng của hệ thống thao túng bằng món lời bị tầng lớp trung lưu – vốn ngày càng đông – phản đối. Điều đó trùng hợp với việc Putin trở lại nắm quyền và ông đã phải xích lại gần số cử tri truyền thống của mình, đặc biệt là phải gắn bó với cộng đồng những người nói tiếng Nga được nói đến ở trên. Từ đó trở đi, ông phải chiếm lĩnh sân khấu truyền thống để biến “chủ nghĩa Putin” thành một màn kịch, như với ban nhạc Pussy Riot, đạo luật chống truyền bá đồng tính, Thế vận hội Sochi…

Kết cục của cuộc khủng hoảng Ukraine khiến người Nga ngạc nhiên bao nhiêu thì khiến cả thế giới sửng sốt bấy nhiêu. Nhưng Tổng thống Putin, vốn là một chiến lược gia nhạy bén, đã biết cách lật ngược tình thế có lợi cho mình khi củng cố tinh thần cho số cử tri nói tiếng Nga ở Ukraine, đồng thời tiếp tục chiến lược cứng rắn tối đa đối với phương Tây và tất cả những gì đại diện cho phương Tây. Vụ việc ở Crimea là sự trốn chạy. Putin cũng như các thần dân của mình buộc phải ngày càng táo bạo hơn. Đó là một trong những lý do chính giải thích cách ứng xử của Nga hiện nay trong vấn đề Crimea.

Trả lời câu hỏi rốt cuộc sự việc ở Crimea nói lên điều gì và có thể giải quyết các vấn đề thuộc về chính sách đối nội thông qua chính sách đối ngoại không, chuyên gia Kevin Limonier, giảng dạy về địa chính trị tại trường Đại học khoa học nhân văn Nhà nước (RGGU) tại Moskva, khẳng định là “không, hoàn toàn không”, mà đó là sự trốn chạy, vấn đề thực sự của Nga là hệ thống thống trị bằng tiền lời. Nga là một nước hiện đang sống bằng tiền lời, nhưng người sống bằng tiền lời không sáng tạo được, không làm ra của cải được. Một người sống bằng tiền lời không đi lên được. Tổng thống Putin vẫn muốn lại biến Nga thành một cường quốc. Nhưng cách thức mà ông tạo ra hệ thống (ông không phải là người chủ của mọi thứ) khiến nước Nga hiện nay không có khả năng trở thành một cường quốc. Không thể, bởi lẽ đất nước đó không có năng lực sáng tạo. Khi một đơn vị khí đốt rớt xuống dưới 115 USD, ngân sách của Nga không còn giữ được thế cân bằng và dù đó là quân đội, ngành giáo dục hay mọi chương trình khác, tất cả đều hoàn toàn phụ thuộc vào trò lên xuống của món lời năng lượng. Chắc chắn cũng có ý định sáng tạo, nhưng vấp phải bức tường của hệ thống thống trị bằng món lời từ năng lượng. Đó chính là đổi thủ ghê gớm nhất của nước Nga./.

Một bình luận to “2451. NGA CẦN CRIMEA ĐỘC LẬP HƠN LÀ THÔN TÍNH VÙNG LÃNH THỔ NÀY”

  1. […] NGA CẦN CRIMEA ĐỘC LẬP HƠN LÀ THÔN TÍNH VÙNG LÃNH THỔ NÀY […]

Sorry, the comment form is closed at this time.