BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

+ “LÊ MÁY CHÉM ĐI KHẮP MIỀN NAM…”

Trong buổi truyền hình trực tiếp của VTV về nhạc sỹ Văn Ký tối thứ Bảy (ngày 13/11/2011) vừa rồi, khi giới thiệu về hoàn cảnh ra đời của bài hát “Bài ca hy vọng” của nhạc sỹ Văn Ký, cô MC cho biết, thời điểm mà bài hát này ra đời là lúc phong trào cách mạng ở miền Nam bị đàn áp rất khốc liệt, Mỹ – Ngụy “ …lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại các chiến sỹ cộng sản, người dân yêu nước”.

Theo tôi biết, khi miền Nam được giải phóng chỉ có một máy chém * nặng cả tấn để ở nhà lao Chí Hòa (Sài Gòn), thực chất mang tính chất dọa dẫm, biểu thị quyền lực, luật pháp của một chế độ chứ nó không hề dùng để chặt đầu người. Tôi được biết, dưới chế độ của ông Ngô Đình Diệm, duy nhất có một lần dùng máy chém để chém đầu ông Hoàng Lệ Kha *, một nhân sỹ yêu nước ở Tây Ninh (xin lỗi nếu tôi nhớ nhầm họ tên ông này, vì tôi nghe chuyện này lâu lắm rồi, qua một nhà sử học nổi tiếng). Về sau, thấy dã man, ông Ngô Đình Diệm yêu cầu không sử dụng biện pháp tử hình này nữa.

Lịch sử cần tôn trọng sự thật. Bây giờ nhiều sự thật đã sáng tỏ và đang sáng tỏ, không thể tô hồng hay bóp méo, xuyên tạc.

Lòng dân chỉ hòa hợp, đoàn kết khi mọi hiểu lầm qua đi, mọi khúc mắc của lịch sử được giải đáp, những điều không đúng được sửa sai.

“ …Lê máy chém đi khắp miền nam…”, phải khẳng định, điều này trước năm 1975 ở miền Nam là không có!

Đã không có thì không nên nhắc lại.

Nhắc lại là sự xuyên tạc, cố chấp, không thật lòng.

Nên không ?
Nguồn: Trần Kỳ Trung

* Ba Sàm bổ sung:
– Máy chém (Wikipedia): “Tại Việt Nam thời Đệ nhất Cộng hòa, theo đạo luật 10/59, những người bị kết tội là theo chủ nghĩa cộng sản sẽ bị hành quyết bằng máy chém. Một máy chém như vậy được trưng bày ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại thành phố Hồ Chí Minh.“ “Người Việt Nam cuối cùng bị hành quyết bằng máy chém là Hoàng Lê Kha, Tỉnh ủy viên Đảng bộ Tây Ninh. Ông bị hành quyết ngày 12 tháng 3 năm 1960 theo đạo luật 10/59. Sau vụ hành hình Hoàng Lê Kha, chính quyền Việt Nam Cộng hòa không còn sử dụng công cụ này nữa.“
– Cuốn Việt Nam – Những sự kiện lịch sử (1945-1975), NXB Giáo dục, 2002, tr.184: Ngày 9/5/1959 Chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59. Tháng 4-1059, Mỹ-Diệm thúc ép Quốc hội Sài Gòn thông qua luật số 91. Ngày 5-9-1959, đạo luật này được ban hành, lấy tên là Luật 10/59 về sự thành lập các tòa án quân sự đặc biệt ở Sài Gòn, Buôn Ma Thuột và Huế (gọi Luật 10/59 vì nó là đạo luật thứ 10 được Quốc hội Diệm thông qua năm 1959). Luật phát xít này quy định: lệnh gọi bị can ra tòa chỉ được đưa cho người ấy 24 giờ trước khi phán xử; quy định chỉ có hai mức phạt: tử hình và khổ sai chung thân.

 

Bài viết trên đã bị xóa, khi tin tặc cướp blog Việt sử ký vào tháng 3/2013, nhưng được độc giả lưu lại trên một blog, nay đăng lại, nên các phản hồi ban đầu không còn.