BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

3- Dân trí

Khi gia nhập đảng CSVN, nguyện đi theo lý tưởng cộng sản, thế rồi hắn đã tìm thấy một lý tưởng khác, như viết trong Tuyên ngôn “Phá vòng nô lệ”.

Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên.

Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo! Nhiều năm sau, ở Hà Nội, những ngã tư đông đúc như Tràng Tiền-Hàng Bài, ngoài một chú cảnh sát đứng bục, thường phải thêm có 4 chú cầm gậy chặn bốn phía, lùa, đuổi mà cũng không xuể.

Lên xe bus, xe đò trong Nam luôn cho hắn những cảm giác thích thú để quan sát. Đủ các hạng người, mà sao không chen lấn, cãi vã. Khách nhường ghế cho nhau, thăm hỏi, chỉ đường tận tình (những thứ mà cho đến hôm nay, trên xe bus Hà Nội, người ta phải ghi lên tấm biển to đùng, thành “Nội quy”). Lơ xe lăng xăng xách, buộc chằng đồ cẩn thận cho khách, nhảy lên mui, đeo bên thành xe la nhắc người dưới đường cẩn thận.

Người ta làm việc như điên, nhưng tiêu xài cũng dữ. Chiều chiều là quán nhậu tấp nập, đàn ông lai rai vài xị đế tới tối. Về nhà, đánh một giấc, sớm mai lại lao vào làm quần quật. Nhậu ở nhà thì vợ con phải cung cúc hết mình phục vụ, như chuyện đương nhiên. Từ “nhậu” người Bắc học được từ đây, cùng với những ngôn từ trong Nam được cho là “chịu chơi”, “hiện đại”, như “Tiệm” (hớt tóc, phở), “Nhà” (may, thuốc) …

Người Bắc nhịn ăn để mặc, người Nam nhịn mặc để ăn. Hắn cho đây là phát hiện của riêng mình. Có lẽ họ bù trừ cho nhau thì đất nước này sẽ tốt đẹp hơn, đủ thứ, từ nết ăn ở cho tới tính tình.

Không như Hà Nội, chung cư Sài Gòn khi đó không có chuyện cơi nới, lấn chiếm hành lang, chỗ công cộng. Người ta quan tâm, giúp đỡ nhau rất tự nhiên, nhưng lại ít xoi mói đời tư, ganh ăn tức ở như người Bắc.

1979, về miền Tây. Nhiều tháng ăn ở cùng nông dân, thấy rõ con người ở đây ngoài nét hiện đại bề nổi bằng những vật dụng gia đình, thì thiếu hẳn một nền tảng văn hóa mà ngoài Bắc có lợi thế của xứ sở đã an cư lạc nghiệp rất lâu đời.

Sống cùng một gia đình nông dân khá giả ven sông Hậu, hắn vô cùng ngỡ ngàng và lúng túng về điều kiện vệ sinh. Ao cá vồ với những chiếc “cầu tõm” đơn sơ là điển hình cho thứ “nhất cử lưỡng tiện” của tiêu hóa và bài tiết. Những gia đình không có ao thì kênh rạch, sông vừa như “giếng khơi”, vừa nhà vệ sinh. Vậy mà họ vẫn lấy nước kênh, sông về bể, lóng phèn và uống “sống”. Có bữa, chiến sự trên biên giới Việt Miên dữ dội, sáng ra, chỉ ít phút mà ngó thấy cỡ dăm xác người như trâu trương trôi lờ đờ dọc sông. Vậy mà bà chủ nhà vẫn xách nước lên, đổ vào chiếc lu ngoài cửa, ai đi qua cũng múc uống.

Người dân sợ sệt vô cùng những gì liên quan tới nhà nước. Một bữa, trong bàn nhậu, thấy anh hàng xóm bị một tay thanh niên mặt non choẹt hoạnh họe chửi bới mà cứ nín thinh, hỏi sao vậy, anh thì thầm: “Nó là … đoàn viên đấy!”

Bàn chuyện “dân trí” đương nhiên bao hàm cả với những người trong cơ quan công quyền, giờ hay được gọi là “quan trí”. Câu hỏi bao nhiêu năm vẫn đi theo hắn: tại sao cán bộ, nhất là ở những cơ quan pháp luật, với người dân luôn có ngăn cách rất lớn?

Những gì hắn kể ở phần đầu đã trả lời phần nào câu hỏi. Và còn rất nhiều nữa.

Những tờ báo hàng ngày thường trực trong công sở là tờ Nhân dân, Hà Nội Mới, hình như vẫn chưa đủ, một thời còn có quy định giờ đọc báo tập thể 15 phút. Thế mà nhiều đồng nghiệp, trong giờ làm việc chẳng biết làm gì, ngáp ngắn ngáp dài, ôm tờ Nhân dân xoay ngược xoay xuôi đến nhàu nát, nhưng cũng chẳng dám chuồn ra ngoài “chạy” việc riêng, vì sợ bị kiểm điểm.

Nhưng kể cả nhiều vị, cũng đi đây đi đó, mà sao vẫn … “nguyên bản”. Như ông sếp của hắn, có tận 7 năm “lăn lộn” ở New York, vậy mà vẫn rất “chân quê”, quần đùi vắt lưng ghế, dép lê loẹt quẹt, khạc nhổ tứ tung …

Hắn vẫn tự thấy mình may mắn, khi được quen, được học hỏi những người có hiểu biết, môi trường sống, làm việc khác hẳn. Những năm tháng còn là người nhà nước, thì có nghệ sĩ Văn Vượng, đạo diễn Trần Văn Thủy, sau này ra thành người “tự do” có TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Quang A, … là những bậc đàn anh giúp hắn mở mắt ra thêm ít nhiều. Hắn vẫn hằng ao ước, giá như những người trong bộ máy đảng, chính quyền, các vị lãnh đạo có được những mối quan hệ gần gũi, bình đẳng với giới trí thức, văn nghệ, thì đất nước này, người dân VN ta sẽ đỡ khổ hơn bao nhiêu.

Học không phải chỉ “tri thức”, mà cả lối sống, không chỉ ở những người “lắm chữ”, có danh vị, mà cả từ những con người bình thường, thậm chí bị coi như tội phạm.

Nhớ mãi một chuỵên, khi BS mới hơn 10 tuổi, ở nhà nông dân nơi sơ tán. Trong bữa ăn, hắn gặm qua quít một miếng xương, rồi liệng ra mâm. Cụ chủ nhà gắp lên, gặm nốt.

Khi tiếp xúc với các sĩ quan, công chức chế độ cũ “cải tạo”, hắn biết thêm nhiều điều lạ, đáng quý ở họ. Gần gũi với ông Ng., trại Z30D, Hàm Tân, một cựu thiếu úy cảnh sát đặc biệt, nghe kể nhiều chuyện đời, mới biết ông có “nghề tay trái”, là đệm đàn guitar điện cho các quán cà phê. Không như người cán bộ cộng sản, họ hoạt động văn hóa xã hội mà kiếm thêm những đồng tiền chính đáng, tự nhiên và thấy tự hào. Đến khoảng giữa những năm 80’, khi xem bộ phim “Con thú tật nguyền” của Hồ Quang Minh, càng thấy những hiểu biết, nhìn nhận của mình về “đối phương” một thời là đúng. 

Có điều, chính những người được tiếp xúc sớm, nhiều hơn với xã hội dân chủ, văn minh phương Tây, trong đó có giới trí thức, văn nghệ hai miền, đã xuất ngoại học, làm việc, hay định cư ở nước ngoài, hàng chục năm qua, cũng không tránh khỏi những cái tật rất Việt Nam của mình, từ lối tư duy, cho tới tính cách. Hình như họ đáng phải được “nâng cao dân trí” hơn cả người dân, vì là kẻ dẫn dắt dân chúng đưa xã hội đi tới, đấu tranh, cải hóa giới lãnh đạo chính trị. Những nhận xét này hắn đã nghiền ngẫm, hì hụi trong 3 tháng một bài viết công phu: Quyền lực và tri thức

Và một thành phần xã hội đóng góp quan trọng cho mở mang dân trí, nhưng lại được ví như thứ “Quyền lực thứ Tư”, đáng lẽ phải lưu tâm trong bài viết này hơn cả, là làng báo VN. Nhờ đặc thù công việc, hắn may mắn tiếp xúc nhiều với họ, dễ phải tới trăm người trong mấy chục năm qua. Thế rồi như nhân duyên, blog và báo cứ đan xen, gắn kết trong công việc, suy nghĩ của hắn hàng ngày.