BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

2452. QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA VÀ CRIMEA – CUỘC CHIẾN VÌ SỰ TƯ LỢI

Posted by adminbasam trên 25/03/2014

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Thứ Năm, ngày 20/03/2014

Theo báo mạng Asia Sentinel, cuộc khủng hoảng tại bán đảo Crimea hiện nay cho thấy bản thân vấn đề này có thể so sánh với các cuộc xung đột tiềm tàng ở đâu đó trên toàn cầu, đặc biệt là cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Nếu như thế giới thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa rất dễ cảm thấy được khuyến khích mở rộng những tuyên bố chủ quyền hiện đang tồn tại của họ, mở ra khả năng là một quốc gia chớp cơ hội chiếm giữ một hoặc nhiều đảo hay bãi đá ở quần đảo này từ tay một bên khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở đó. Nếu như một khả năng như vậy xảy ra trong thực tế, nó sẽ đánh dấu một sự leo thang nghiêm trọng về vũ lực bởi các bên có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, những bên mà đến nay vẫn kiềm chế bản thân họ ở mức độ những vụ va chạm nhỏ.

Nằm ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) giữa Việt Nam và Philippines, các hòn đảo nhỏ, đảo san hô vòng, các bãi đá ngầm và các đảo đá thuộc quần đảo spratly (Việt Nam gọi là Trường Sa, Trung Quốc gọi là Nam Sa), hiện do Brunei, Trung Quốc và Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền. Quần đảo này được tin là nằm trong khu vực có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, cũng như là có các ngư trường có nhiều tiềm năng đánh bắt cá và các nguồn thủy hải sản lớn.

Mặc dù các vụ tranh giành và va chạm đã và đang tiếp tục nổ ra giữa các quốc gia cùng có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, nhưng một “nền hòa bình” mang tính chất thăm dò – đến nay vẫn chưa có bất kỳ sự leo thang vũ lực kịch tính nào – giữa các quốc gia đã cho phép các bên có khả năng giải quyết những tranh chấp mà không gây thêm xung đột ở mức cao hơn.

Ở Ukraine, cuộc khủng hoảng hiện nay chủ yếu là một cuộc khủng hoảng nảy sinh từ nền kinh tế thất bại của nước này, trở nên trầm trọng hơn bởi những chia rẽ sắc tộc, do đó đang chia rẽ đất nước Ukraine thành hai nửa, giữa phía Tây và phía Đông. Ở phía Tây, những người thuộc các sắc tộc Ukraine ủng hộ các mối quan hệ gần gũi hơn với châu Âu, trong khi ở phía Đông, nhưng người thuộc sắc tộc Nga lại ủng hộ Moskva.

Crimea, một nước cộng hòa tự trị nằm trong Ukraine, đã được Liên Xô trước đây chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954. “Sự đối đầu nảy lửa” giữa Mỹ/châu Âu và Nga phản ánh sự chia rẽ này, với việc phần lớn dân số của bán đảo Crimea là người thuộc sắc tộc Nga. Mặc dù Mỹ và các cường quốc ở châu Âu đã tố cáo sự liên quan của Nga ở Crimea, nhưng họ vẫn chia rẽ về việc làm thế nào để phản ứng và đối phó một cách tốt nhất. Trong khi Mỹ đã xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga, thì châu Âu, đặc biệt là Đức, quốc gia nhập khẩu khoảng 1/3 lượng khí tự nhiên của họ từ Nga, vẫn chưa tiếp nhận ý tưởng này.

Khi cuộc chiến vì tương lai của Ukraine tiếp tục diễn ra, cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa cũng đang tiếp diễn và chắc chắn sẽ vẫn không được giải quyết trong một thời gian nữa.

Sự quan tâm của phương Tây ở Biển Đông không sâu sắc như là sự quan tâm của họ ở Ukraine, ngoại trừ việc đảm bảo rằng các tuyến đường biển qua vùng biển tranh chấp này được duy trì trạng thái tự do. Khoảng một phần ba lượng dầu thô toàn cầu được vận chuyển qua khu vực Biển Đông, với eo biển Malacca kết nối những nước tiêu thụ dầu lửa ở châu Á với các nhà cung cấp ở châu Phi và khu vực Trung Đông. Nếu như hoạt động vận chuyển và đi lại qua khu vực này bị hạn chế, điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các thị trường không chỉ ở khu vực châu Á, mà cả ở Mỹ.

Với việc Trung Quốc muốn khẳng định bản thân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hành động chiếm giữ một hòn đảo nhỏ ở đâu đó trong quần đảo Trường Sa từ tay Philippines hoặc Việt Nam, sẽ chứng tỏ được hiệu quả. Tuy nhiên, do Hiệp ước Quốc phòng song phương mà Philippines đã ký với Mỹ, Bắc Kinh thay vào đó có thể xem xét việc xâm chiếm một hoặc hai hòn đảo của Việt Nam.

Ngoài sự phô diễn vũ lực, Trung Quốc sẽ có nhiều lý do quan trọng hơn để “lên gân”. Nếu như Bắc Kinh chứng tỏ được sự thành công trong việc bành trướng hoạt động chiếm giữ của họ ở quần đảo Trường Sa, điều đó sẽ cho phép Trung Quốc củng cố sự hiện diện của nước này ở Biển Đông, gây bất lợi cho các quốc gia cạnh tranh và các quốc gia trong khu vực, trong đó có Mỹ, đuổi cổ những kẻ mà Bắc Kinh không ưa và giành được một vị trí có ảnh hưởng.

Đối vởi Việt Nam, việc xung đột với Trung Quốc là điều rắc rối không mong muốn. Sự gần gũi về mặt địa lý và sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc có nghĩa là Việt Nam phải đi trên một sợi dây nhỏ. Nếu như Trung Quốc chiếm giữ bất kỳ vị trí nào của Việt Nam ở quần đáo Trường Sa, Việt Nam sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng theo cách tốt nhất mà họ có thể.

Dĩ nhiên, tất cả những điều này chỉ là giả định về một kịch bản có thể xảy ra. Do Trung Quốc phải vật lộn với sự bất ổn trong nước và một số cuộc khủng hoảng ở bên trong, nên Bắc Kinh không cần phải hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc ra bên ngoài. Hơn nữa, một động thái như vậy về phía Trung Quốc sẽ làm gia tăng sự chú ý của quốc tế và dẫn đến sự hiện diện lớn hơn của Mỹ trong khu vực, điều mà Bắc Kinh đã và đang tìm cách tránh.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine và quần đảo Trường Sa có ít điểm tương đồng. Tuy nhiên, khi mà lớp khói ở Ukraine cuối cùng sẽ lắng xuống, thì một câu hỏi cuối cùng sẽ được trả lời: Đó là một quốc gia sẽ tiến xa đến đâu trong việc bảo vệ các lợi ích của họ?./.

 

Một bình luận to “2452. QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA VÀ CRIMEA – CUỘC CHIẾN VÌ SỰ TƯ LỢI”

  1. […] QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA VÀ CRIMEA – CUỘC CHIẾN VÌ SỰ TƯ LỢI […]

Sorry, the comment form is closed at this time.