BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Impact factor và citation: kinh nghiệm cá nhân

GS Nguyễn Văn Tuấn

04-09-2014

Đối với những người trong giới hàn lâm, học thuật, hay đại học nói chung, mấy chỉ số IF (impact factor), citation (trích dẫn), và những chỉ số kèm theo như H index là rất quan trọng. Nhưng những chỉ số này cũng gây ra vài tranh cãi suốt 30 năm qua. Có người tuyên bố rằng IF đã chết, đừng vực nó dậy nữa. Nhưng trong thực tế, tôi biết rất rõ rằng nó … chưa chết. Chẳng những chưa chết mà còn sống hây hây.

IF được phát triển để đo lường tầm ảnh hưởng của một tập san. Nó được Eugene Garfield “sáng chế” ra từ giữa thập niên 1950. IF được định nghĩa là tổng số trích dẫn của những bài báo đã được công bố trước đây 2 năm. Chẳng hạn như trong 2 năm 2003 và 2004 tập san y khoa Lancet công bố 450 bài báo khoa học, và trong năm 2005 có 10,500 bài báo khác trích dẫn 450 bài báo đó, thì hệ số IF = 10.500 / 450 = 23.3. Chỉ số IF như thấy cực kì đơn giản.

Có thời và cho đến ngày nay IF được dùng để đánh giá chất lượng nghiên cứu và tầm ảnh hưởng của một nhà khoa học. Cả hai đánh giá như chúng ta thấy đều sai mục tiêu của IF. Mới đây một nhóm nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh học ra tuyên bố DORA nói rằng nên bỏ IF trong đánh giá khoa học. Tôi có tham gia thảo luận cùng nhóm DORA nhưng tôi không kí tên vì có vài bất đồng ý kiến với nhóm.

Nếu bỏ IF, chúng ta sẽ dùng chỉ số gì để đánh giá khoa học? Tuyên bố DORA nói rằng nên dùng citation của mỗi bài báo làm chỉ số đánh giá. Trước đó, Gs Hirsch thì đề nghị dùng chỉ số H. Tôi đồng ý là nên dùng citation thì chính xác hơn là IF. Còn nếu dùng chỉ số H (rất phổ biến) thì phải chia cho số năm công tác mà Hirsch gọi là chỉ số m thì mới công bằng.

Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy công bố trên những tập san có IF cao thường thu hút citation cao. Ví dụ như công trình mà tôi là người hướng dẫn phụ đăng trên Lancet (IF=39.2) có trên 1300 citation, thuộc vào hàng classic. Tương tự, các công trình công bố trên JAMA (IF=30), New England Journal of Medicine (IF=54.4), BMJ (IF=17.25) đều có trích dẫn trên 300 lần. Tuy nhiên, có những bài tôi công bố trên tập san có IF thấp hơn (độ 4.5) nhưng nội dung quan trọng hơn những bài trên JAMA thì tần số trích dẫn chỉ 120-150. Nhìn lại tôi thấy rõ ràng là có sự tương quan giữa IF và citation, dù mối tương quan không tuyệt đối. Đó không chỉ kinh nghiệm của cá nhân tôi mà còn của rất rất rất nhiều đồng nghiệp khác.

Dĩ nhiên, sự nghiệp một nhà khoa học không thể đánh giá bằng mấy … con số. Người ta thường xem xét ý kiến của chuyên gia trong ngành. Nhưng khổ nỗi là ý kiến chuyên gia trong ngành thường không khách quan, và quan trọng hơn, họ vẫn dựa vào các chỉ số định lượng như chỉ số H và citation. Khi tôi làm hồ sơ đề bạt chức danh giáo sư, Trường UNSW yêu cầu tôi phải cung cấp:

(a) citation cho TỪNG BÀI;
(b) liệt kê 5 bài tốt nhất trong 5 năm qua;
(c) liệt kê 5 bài tốt nhất trong sự nghiệp;
(d) vẽ một biểu đồ về chỉ số H của cá nhân tôi và 5 người khác trên thế giới trong cùng ngành;
(e) và hàng loạt các “chỉ tiêu” không định lượng khác.

Họ gửi hồ sơ cho 8 hay 10 người để bình duyệt (phân nửa là do tôi đề cử, phân nửa là Trường đề cử). Khi tôi đọc các báo cáo bình duyệt, tôi thấy hầu hết họ đều nhắm vào các chỉ số định lượng! Một số thì phân tích những công trình, nhưng vẫn dùng citation kèm theo đánh giá tổng quát.

Do đó, trong thực tế, tôi đảm bảo với các bạn rằng các chỉ số như IF, H và citation vẫn được dùng rất phổ biến trong đánh giá khoa học. Những người tuyển dụng nhà khoa học, những hội đồng học thuật, hội đồng tài trợ nghiên cứu, v.v. đều nhìn vào mấy chỉ số này trước khi quyết định. Tôi biết rất rõ vì chính tôi đã và đang ngồi trong các hội đồng như thế. Thành ra đừng nên dại dột tin theo mấy bài báo vớ vẩn mà mang khổ vào thân.

Tôi chỉ khuyên các bạn một cách thành thật là nên làm nghiên cứu có chất lượng cao và công bố trên những tập san có IF càng cao càng tốt. IF có thể sẽ chết hay đang chết, nhưng các bạn không nên đánh cuộc sự nghiệp HIỆN NAY và danh giá của các bạn trong tương lai bằng cách lờ đi IF, chỉ số H và citation.

Nguồn: FB Nguyen Tuan

4 bình luận to “Impact factor và citation: kinh nghiệm cá nhân”

  1. […] GS Nguyễn Văn Tuấn: Impact factor và citation: kinh nghiệm cá nhân (Ba […]

  2. […] GS Nguyễn Văn Tuấn: Impact factor và citation: kinh nghiệm cá nhân (Ba […]

  3. […] GS Nguyễn Văn Tuấn: Impact factor và citation: kinh nghiệm cá nhân (Ba […]

  4. […] GS Nguyễn Văn Tuấn: Impact factor và citation: kinh nghiệm cá nhân (Ba […]