BA SÀM

Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Posts Tagged ‘Quốc hội’

979. Thư ngỏ của nhà báo Tống Văn Công gửi Quốc hội: Bốn điều bức xúc từ Văn Giang

Posted by adminbasam trên 11/05/2012

Boxitvn.net

Thư ngỏ của nhà báo Tống Văn Công gửi Quốc hội:

Bốn điều bức xúc từ Văn Giang

Kính gửi Quốc hội khóa XIII , kỳ họp thứ 3

Ngày 5-5- 2012, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội “việc xử lý, giải quyêt vụ việc ông Đoàn văn Vươn (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) vì đây là việc nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội và gây nhiều bức xúc trong thời gian qua”. Thiết nghĩ, Quốc hội cần quan tâm hơn đối với vụ cưỡng chế ở Văn Giang ngày 24-4, vì vụ này gây bức xúc đối với người Việt trong và ngoài nước vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì, theo ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo với Thủ tướng trong hội nghị trực tuyến: “Đây là một trong số ít các vụ khiếu kiện đông người điển hình”, “Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước”, “Có dàn dựng lên các video clip giả để vu khống bôi nhọ chính quyền”. Tuy nhiên, Tuyên bố của các trí thức tiêu biểu của đất nước cho rằng, vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai bẵng vũ lực ở Văn Giang “đang gây xúc động mạnh mẽ tất cả người Việt Nam có lương tri, dấy lên nỗi lo lắng chưa từng có trong mọi người dân Việt biết ưu tư về vận mệnh đất nước”. Chỉ trong vài ngày có hàng ngàn người hưởng ứng xin ký tên, đặt biệt là bà con nông dân Văn Giang đã vượt qua nỗi sợ hãi. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội đã viết những câu thơ thâm ưu:

Đọc tiếp »

Posted in Cưỡng chế đất đai, Dân chủ/Nhân Quyền, Pháp luật, Tham nhũng, Đảng/Nhà nước | Thẻ: , , , , , , , | 66 Comments »

930. Nhà nước của dân, do dân, vì dân không được phép trấn áp dân

Posted by adminbasam trên 26/04/2012

“… tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan trách nhiệm hữu quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cử những người có phẩm chất và năng lực với tính cách là các đại diện của mình về họp công khai với toàn thể các hộ dân các xã ở Văn Giang có đất đai bị thu hồi trong vụ cưỡng chế này để tìm hiểu tại chỗ sự việc.”

Nhà nước của dân, do dân, vì dân 

không được phép trấn áp dân

Nguyễn Trung

          Xem và nghe các tin tức về vụ cưỡng chế thực hiện thu hồi đất cho dự án Ecopark ở Văn Giang, tôi không thể nén được trong lòng sự căm giận và nỗi hãi hùng. Căm giận vì không thể chấp nhận nhà nước của dân, do dân, vì dân lại hành xử với dân như vậy, hãi hùng vì thấy rằng hệ thống chính trị nước ta đã có được trong tay lực lượng vũ trang sẵn sàng thực hiện lệnh trấn áp như vậy đối với dân.

          Dù sao tôi cũng vẫn phải thầm cảm ơn trời đất là đã không xảy ra đổ máu. Bởi vì nếu điều đó xảy ra, rồi nếu tình hình vuột ra ngoài mọi sự kiềm chế có thể, hoặc một sự khiêu khích nào đó cố ý hủy hoại sự kiềm chế có thể, rồi lan truyền trong cả nước, nhất là báo chí cho biết từ sau sự kiện Đoàn Văn Vươn tình trạng khiếu kiện đất đai của nông dân ngày càng căng thẳng và đang tiếp diễn ở nhiều nơi …, như vậy đất nước này sẽ đi về đâu? Trong khi đó quá trình phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa và đô thị hóa của đất nước chắc chắn sẽ còn đòi hỏi phải chuyển đổi tiếp một khối lượng rất lớn đất đai của nông dân cho sự phát triển này.

Đọc tiếp »

Posted in Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền, Kinh tế Việt Nam, Pháp luật, Đảng/Nhà nước | Thẻ: , , , , , , | 124 Comments »

749. Vụ Tiên Lãng: Đại biểu dân cử sao ít lên tiếng?

Posted by adminbasam trên 21/02/2012

Vì dân ít được lên tiếng khi “cử” đại biểu!
.

Vụ Tiên Lãng: Đại biểu dân cử sao ít lên tiếng?

Thứ Ba, 21/02/2012, 04:43 (GMT+7)
.

TT – Mặc dù Thủ tướng đã có kết luận về việc vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, nhưng đó mới chỉ là hành động của người đứng đầu Chính phủ. Từ phía các đại biểu dân cử, lẽ ra có thể làm hoặc lên tiếng nhiều hơn.

Điều tối thiểu một đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, nhất là những đại biểu ứng cử ở Tiên Lãng, có thể làm trong trường hợp này là đến với người dân để thăm hỏi, động viên.

>> Xem hồ sơ vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng trên TTO

Đọc tiếp »

Posted in Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền, Đảng/Nhà nước | Thẻ: , , , , | 75 Comments »

728. Thư của LS Trần Vũ Hải gửi các chủ blog về Kiến nghị vụ án Đoàn Văn Vươn

Posted by adminbasam trên 15/02/2012

Kính gửi: Các chủ Blog Bauxite Việt Nam, Nhật báo BA SÀM, Quê choa,  Xuân Diện, Nguyễn Quang Vinh,

Chúng tôi được biết các trang Blog của Quí Vị có uy tín và số lượng bạn đọc lớn (trong đó có chúng tôi). Liên quan đến vụ án Đoàn Văn Vươn, chúng tôi trân trọng đề nghị các Quí Vị chủ Blog:

1.    Đăng toàn văn Kiến nghị gửi Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng (VKSNDTPHP) “Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền xem xét thay đổi tội danh và biện pháp ngăn chặn đối với các bị can bị tạm giam trong vụ án chống lại cưỡng chế trái pháp luật tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòngđã đăng tại Blog Xuân Diện (sau đây gọi tắt là “Kiến nghị”). Hiện VKSNDTPHP là cơ quan trực tiếp có thẩm quyền giải quyết những nội dung trong Kiến nghị, tuy nhiên theo thông tin chúng tôi được biết có thể cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an có thể điều tra vụ án này. Nếu cơ quan điều tra  thuộc Bộ Công an điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền là Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đọc tiếp »

Posted in Dân chủ/Nhân Quyền, Pháp luật, Đảng/Nhà nước | Thẻ: , , , , , | 155 Comments »

727. Ông Dương Trung Quốc: "Tiên Lãng chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm"

Posted by adminbasam trên 15/02/2012

“Những phát biểu đầu tiên của tôi (với hai tờ báo Tiền Phong và Đất Việt) đều nêu rõ ‘trách nhiệm trước tiên là Quốc hội’ … Thế mà dường như không thấy vai trò của các tổ chức dân cử … Tôi đã nêu ý kiến là mong muốn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cả cương vị là Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng vào cuộc … Nhưng đáng tiếc là cả hai tờ báo trên đều cắt bỏ ý kiến này có lẽ vì ngại ngùng gì chăng.” Nhưng Ba Sàm thì chẳng ngại ngùng gì, mà còn mừng húm, đăng liền! Mời xem: 685. Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn 2012: phát biểu của ông Dương Trung Quốc.

TuanVietnam.net

“Tiên Lãng chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm”

Cập nhật 15/02/2012 06:00:00 AM (GMT+7)

Vụ  việc xảy ra ở Tiên Lãng theo tôi chỉ là phần nổi rất nhỏ của một tảng băng chìm rất to của rất nhiều những vụ việc tương tự liên quan đến việc thực thi Luật đất đai ở các địa phương trên toàn quốc chỉ vì nó không vương mùi thuốc súng làm chúng ta giật mình”.

Đọc tiếp »

Posted in Dân chủ/Nhân Quyền, Pháp luật, Tham nhũng, Đảng/Nhà nước | Thẻ: , , , , , , | 114 Comments »

685. Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn 2012: phát biểu của ông Dương Trung Quốc

Posted by adminbasam trên 03/02/2012

Phát biểu của Nhà sử học – Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc

Tại cuộc Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn 2012, do Tia sáng và Trung nguyên tổ chức.

BS: Như đã hẹn sẽ lần lượt đăng tải nội dung cuộc Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn tại Hội quán Sáng tạo, 36 Điện Biên Phủ, do tạp chí Tia sáng  cùng Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tổ chức, chiều 31-1-2012, dưới đây là toàn văn phát biểu của ông Dương Trung Quốc.

Cuộc gặp có đủ các gương mặt già, trẻ, trong, ngoài nước, trong Nam ngoài Bắc, doanh nhân, cựu quan chức v.v.. như GS Vũ Khiêu 97 tuổi, GS Hoàng Tụy, cựu PCT nước Nguyễn Thị Bình, cựu PTT Vũ Khoan, Giản Tư Trung-hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Đặng Lê Nguyên Vũ-Chủ tịch Trung Nguyên, TS Nguyễn Trí Dũng-VK Nhật, TS Nguyễn Sĩ Dũng-Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Lê Đăng Doanh, nhà sử học Dương Trung Quốc, TS Nguyễn Quang A, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, kinh tế gia Phạm Chi Lan, cựu Đại sứ Nguyễn Trung, GS Hồ Ngọc Đại, GS Văn Như Cương, TS Trần Đình Thiên, cựu bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển (hiện là cố vấn của Thủ tướng), Nhà báo Thu Hà-TBT tạp chí Tia sáng, … Nhiều phát biểu hay, rất bất ngờ, trong đó vụ Tiên Lãng và nhân vật Đoàn Văn Vươn đã được nhắc tới nhiều lần, đều mang thông điệp như một cảnh báo cho nguy cơ lớn liên quan tới chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Đọc tiếp »

Posted in Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền, Kinh tế Việt Nam, Pháp luật, Đảng/Nhà nước | Thẻ: , , , , | 196 Comments »

516. ĐẸP TRAI CÓ GÌ LÀ SAI?

Posted by adminbasam trên 29/11/2011

Cáo lỗi độc giả:  Ngay sau khi đăng lại bài này từ blog Cu Vinh và có đôi lời bình luận, liền nhận được đề nghị của Nhà văn Nguyễn Quang Vinh:“Mình đã hạ bài để tránh những hiểu lầm. Đề nghị anh Ba Sàm hạ bài”, BS đã chấp nhận.

Nhưng … lại phải cáo lỗi bà con lần nữa. Đó là sau khi gỡ bỏ bài và lời bình, BS lại phát hiện bên blog Quê choa của Nhà văn Nguyễn Quang Lập (anh trai Nhà văn Nguyễn Quang Vinh) vẫn đăng bài viết này nhưng không có bình luận và độc giả không được phản hồi. Nên BS xin đăng lại lời bình của mình và xin mời bà con qua blog TS Nguyễn Xuân Diện để đọc bài viết và gửi phản hồi.

Đọc tiếp »

Posted in Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền | Thẻ: , , , | 191 Comments »

331. Một Đảng và Hiến Pháp

Posted by adminbasam trên 05/09/2011

Quê choa

Một Đảng và Hiến Pháp

Huy Đức

Không hiểu vì sao Hiến pháp lại được đưa ra sửa khi những ý tưởng cải cách trong Đảng thì thiếu vắng và tình hình theo nhiều người là vẫn “chưa đủ xấu”. Nếu không xuất phát từ nhu cầu cải cách, việc sửa đổi Hiến pháp chỉ là vá víu. Rất tiếc là Đảng Cộng sản Việt Nam thường chỉ chấp nhận cải cách khi bị dồn tới chân tường, Đại hội VI năm 1986 là ví dụ.

Đọc tiếp »

Posted in Chính trị, Đảng/Nhà nước | Thẻ: , | 424 Comments »

Nát!

Posted by adminbasam trên 29/12/2007

Nát!


Nguyễn Hữu Vinh

Xin quý vị gắng đọc một bài báo có vẻ như “chẳng ra đầu ra đũa”, nói tới đủ thứ chuyện, với toàn những dấu hỏi, chấm than, ba chấm, ngoặc đơn, ngoặc kép,… của những trích dẫn, thắc mắc, bực dọc, ngạc nhiên, và nhiều điều không thể kể ra hết. Nhưng đó là cảm giác bao trùm của tôi sau khi theo dõi những buổi thảo luận, chất vấn – trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII.

Nhưng liệu có phải do cảm tính, khi lần đầu tiên phải nhìn thấy các vị đại biểu cao nhất cho nhân dân cả nước phải họp ở một nơi thật khiêm tốn, “mới” (nhưng lại cũ), mà không phải như nhiều người nghĩ là Trung tâm Hội nghị Quốc gia rộng lớn đẹp đẽ rất phù hợp, mới xây xong năm ngoái mà giờ như đang hiu vắng đợi chờ ? Tự kiếm lời giải đáp cho điều này mà không thể có nổi. Hay sẽ tin vào những xì xầm trong báo giới, rằng đó là “khổ nhục kế”, để chứng tỏ thêm việc xây mới tòa nhà Quốc hội là hợp lý? Nhưng đây mới chỉ là cảm giác như khúc dạo ban đầu cho bản nhạc tuỳ hứng không muốn đặt tên.

… Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) khi trả lời chất vấn về trách nhiệm trước tình trạng giao thông đô thị tệ hại hiện nay, ông đã đổ ngay trách nhiệm chính cho địa phương. Quả tình, như tại Thành phố Hồ Chí Minh, vụ cầu Văn Thánh 2 be bét [1] , vụ trắng trợn “nuốt” nhưng không trôi 130 héc-ta đất tái định cư của dân ở Thủ Thiêm [2] mà giờ càng cố gỡ, cố giấu càng rối, càng lộ tẩy … (đến độ kỳ quặc là Bí thư thành uỷ lại ra chỉ thị xây 12.500 căn nhà tái định cư [3] – để “sửa sai” cho … chính mình khi còn làm Chủ tịch thành phố) là rõ nhất cho những trách nhiệm rất lớn mà không thấy ai phải chịu ở địa phương này [4] . Thế nhưng nếu là người không sợ trách nhiệm, ông Bộ trưởng có thể nhận ngay về mình, ngành mình và nói rõ trách nhiệm là gì, tới đâu, năng lực, hay thậm chí lại do… “cơ chế” trước những vấn nạn giao thông. Quan trọng hơn nữa là những nguyên nhân gốc rễ của nó. Nếu không né tránh, thì cũng không khó để nói rằng “cơ chế” ở đây là cái gì. Ví dụ: đó chính là cây cầu Đồng Nai [5] sắp sập, sao địa phương báo lên từ lâu mà các ông không lo [6] , có cái cơ chế gì ở đây? Hay thực chất là vô trách nhiệm, là kém năng lực… ? Hay thực chất nữa là có những người cứ thích cảnh “nước đến chân mới nhảy” để rồi lại xin xây gấp, bỏ qua những thủ tục mà luật pháp đã quy định? Phải nói ra! Ví dụ nữa: vụ sập (hai nhịp dẫn) cầu Cần Thơ. Cho tới lúc này, đã quá cái thời hạn một tháng điều tra, Ban Chỉ đạo đặc biệt đã xin lùi thời hạn thêm [7] , tới một tháng nữa rồi, liệu có phải do khó khăn, cần cẩn trọng… hay chính là để “né” kỳ họp Quốc hội với phiên chất vấn ông Bộ trưởng GTVT sẽ có cả những đòi hỏi ông phải từ chức vì vụ này? Rất có thể! Và … không thể kể hết những trách nhiệm rất lớn và năng lực yếu kém của ngành GTVT quanh tình trạng hiện nay. Ví như cục Đường bộ mới có những “sáng kiến” [8] thật ngô nghê (sắp trình Bộ, rồi trình tới Thủ Tướng) hòng cứu nguy cho tình trạng ách tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hố Chi Minh, trong đó có thu phí xe lưu thông trong giờ cao điểm trên một số tuyến phố có mật độ giao thông lớn và bắt buộc học sinh cấp 3, sinh viên đi xe buýt, đột ngột tăng lệ phí đăng ký xe mới lên 30-50% [9] . Tại sao ông Bộ trưởng không nhận ra là cần phải loại ngay những con người kém cỏi, liên tục có lối “quấy rầy” công luận theo kiểu này ra khỏi bộ máy vì nó khiến thiên hạ phải tốn giấy mỏi mồm từ mấy năm nay? Hay do ông cũng chỉ là một “tay ngang”, chẳng có chuyên môn nhưng “trên” điều động thì phải làm nên khó xoay xở gì, đành “mặc cho nước chảy bèo trôi”?

Khi được đại biểu Dương Trung Quốc hỏi thẳng [10] về việc không sử dụng những người ngoài Đảng, kể cả những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài có phải là lãng phí nguồn lực quốc gia, thì ông Bộ trưởng Nội vụ đã trả lời “hồn nhiên” như một nhân viên văn thư của Bộ, rằng “Bộ Nội vụ không trình văn bản nào có nội dung quy định tiêu chuẩn là đảng viên mới được bổ nhiệm chức vụ“. Ai chẳng hiểu rằng có bao giờ Bộ lại… dại đến như thế ! Nhưng lại rất dễ thấy rằng ông đã không thể nói ra được việc ông có làm, quyết làm được gì để phá bỏ cái thực tế đáng buồn như cái lệ bất thành văn trên khắp cả nước trong hàng chục năm nay về sử dụng cán bộ – đúng như những gì ông Quốc vừa nói. Chỉ qua điểm này cũng đã thấy rõ cái nét “mờ ảo” trong công tác tổ chức bao năm nay mà người ta vẫn cứ tiếp tục bám giữ trong một trận đồ rối rắm. Không thể không đặt dấu hỏi rằng phải chăng từ lâu đã có những kẻ lợi dụng “đục nước béo cò”, giả vờ giương cao khẩu hiệu “cảnh giác cách mạng” bằng “chủ nghĩa lý lịch”, cố tình níu giữ những quan niệm cũ kỹ trong công tác cán bộ có từ thời chiến tranh? Ở đây đơn giản là không có văn bản chỉ đạo, nhưng thực tế cứ thế diễn ra, và không có biện pháp gì phá bỏ nó, chưa bao giờ có hình thức kỷ luật nào cho những kẻ chủ tâm níu giữ bước tiến xã hội qua công tác cán bộ bằng những thủ thuật tinh vi. Vậy nên mới mất người tài, mới có những bộ máy yếu kém và đầy dẫy tham nhũng nhưng không đâu tự thừa nhận như hiện nay; trong khi ông Bộ trưởng chỉ nêu được những lời hứa và khẳng định chung chung như khẩu hiệu, là “những người có đạo đức, phẩm chất, những người có năng lực, những người có trình độ, nhiệt tình đóng góp xây dựng Tổ quốc phải được sử dụng và ở vị trí tương xứng“. Khi được hỏi về nạn “chạy chức chạy quyền”, ông Bộ trưởng lại như “thách đố” đại biểu là nhờ đại biểu chỉ ra trường hợp cụ thể ai bỏ tiền ra chạy chức, chạy quyền để chúng tôi cùng với địa phương cùng xử lý[11] . Phải chăng ông coi các vị đại biểu của dân này là những điều tra viên của cơ quan tố tụng, hay ông không biết rằng họ chẳng hề có kinh phí, bộ máy, quyền hạn như nghị sĩ, dân biểu các nước khác để có chút ít khả năng phát hiện … giúp ông, cũng như những Bộ trưởng khác, để các vị khó có thể trả lời chất vấn theo lối đó được mãi? Và sao ông không thể đưa ra được giải pháp cụ thể để chống lại hiện tượng chạy chức chạy quyền, trong khi thực tế thì đầy dẫy những quan chức từ cả cấp xã, huyện, cho tới Trung ương lâu nay không còn thèm sống theo lối “giả nghèo giả khổ” như ngày xưa nữa – là nhịn ăn nhịn mặc để che giấu mình lắm tiền nhiều của, nhưng năng lực lại yếu kém, để rồi tới khi phạm pháp phải vào tù mới rõ cái công tác cán bộ nó ra sao? Đó chính là minh chứng dễ thấy nhất cho tệ nạn này! Và điều phi lý nhất ở đây là người dân không thấy ai phải chịu trách nhiệm trước tình trạng này, trong khi khâu con người-tổ chức cán bộ chính là khâu quan trọng nhất, quyết định hiệu quả của một bộ máy nhà nước. Lẽ ra một khi nó yếu kém, tham nhũng là phải xem lại năng lực, phẩm chất người đứng đầu về tổ chức cán bộ, phải chịu trách nhiệm, từ kỷ luật cho tới bãi chức. Tiếc rằng điều này chưa bao giờ có ở Việt Nam thời nay, mới nên nông nỗi.

Đề án 112, cho tới lúc này thì Chính phủ nhận trách nhiệm là đã sai lầm… [12] . Rõ là một bước mạnh dạn, tránh lối nể nang rất nguy hại giữa “tiền nhiệm” với “kế nhiệm”. Thế nhưng nhận trách nhiệm thế nào, cụ thể là ai chịu, tới mức nào, có hình thức kỷ luật gì không… từ người đã “hạ cánh” cho tới những người đang tại vị hoặc đã “lên”? Sao người dân, những cán bộ cấp thấp lỡ làm hư hỏng, mất mát chút tài sản nhà nước thì có thể đi tù hoặc hết đường công danh mà vụ này tới hàng ngàn tỉ lại không ai chịu chút kỷ luật gì, chí ít là kỷ luật Đảng nếu như vị đó đã về hưu ? Đến ông Bộ trưởng Tài chính lên trả lời về trách nhiệm giải ngân bừa bãi của Bộ trong đề án này, cũng đổ tại… không thể kiểm soát nếu hai bên nhà đầu tư và các nhà thầu thông đồng với nhau [13] . Trả lời chất vấn đơn giản như vậy thật không còn gì đáng thất vọng hơn. Đảng, Nhà nước cứ hô hào “chống tham nhũng, lãng phí”, vậy mà cái sự tham nhũng, lãng phí sờ sờ ra đó, với hàng loạt quan chức tới cấp Vụ, cấp Bộ xộ khám, nhưng những vị đứng đầu các cơ quan của Chính phủ liên quan tới chi tiêu bừa bãi lại có thể phủi tay thật dễ dàng mà không hề bị ít nhất là một hình thức kỷ luật nào.

Cảm giác quý vị sẽ ra sao khi các “nghị sĩ” cùng (Phó Thủ Tướng kiêm) Bộ trưởng Giáo dục trao qua đổi lại chuyện cặp học sinh có nặng quá không, một hay hai, ba cân, chỉ sách vở không thôi hay còn gì mà nó nặng…? Ông Bộ trưởng còn sâu sát tới mức biết là còn có chai nước, riêng truyện tranh có em mang theo những cuốn tới nửa ký, thậm chí có em bố mẹ sắm cho cặp “xịn” nên nặng tới cân rưỡi (Trong dịp họp Quốc hội này, Bộ còn có hẳn một đoàn thanh tra mang theo cân để cân cặp học sinh. Sao họ không xuống các bản làng để cân thử và ông Bộ trưởng không dẫn chứng về những chiếc cặp – nếu như có – nặng trĩu những sắn, khoai, rau rừng trong đó nhỉ?). Xin nhắc lại rằng đó chính là một phần nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của ông Bộ trưởng Giáo dục trước Quốc hội [14] chứ chớ nhầm là một cuộc họp Hội đồng Nhân dân xã.

Trong khi đó thì hàng loạt vấn đề hệ trọng rất cần thay đổi thì vẫn không được động tới hoặc có giải pháp căn bản, chỉ nhiều lời hô hào kiểu khẩu hiệu, như “thầy cô không giữ mình thì nên xin ra khỏi ngành [15] “, hay “chúng tôi kêu gọi, những ai không định nghiên cứu để có cái mới trong khoa học thì xin đừng làm tiến sĩ, đừng lãng phí thời gian” v.v.. Những vấn đề hệ trọng đó là: + căn nguyên nào sinh ra tình trạng gian dối, “bệnh thành tích”, “ngồi nhầm lớp” trong dạy/học (đâu phải chỉ và bắt nguồn từ ngành giáo dục mà nó có thể tự mình “tuyên chiến”, “nói không” được); + cải tổ bộ máy, hệ thống pháp lý để thực sự khuyến khích đầu tư trong/ngoài nước cho giáo dục; + trao quyền tự chủ cho giáo dục đại học; + minh bạch hóa chi tiêu và thay đổi phương thức phân bổ ngân sách giáo dục; + kể cả những điều phi lý nhưng đã kìm hãm thầy trò trong dạy và học mấy chục năm nay là nội dung, quy trình biên soạn và độc quyền xuất bản sách giáo khoa, những quy định cực kỳ máy móc, phi lý như buộc thầy cô phải “soạn giáo án” [16] cho mỗi tiết học, tăng học phí, vội tổ chức thi trắc nghiệm đại trà v.v.. cũng cần được xem xét nghiêm túc.

Liệu ta có thể cảm thông rằng Quốc hội khóa XII cùng Chính phủ mới còn “bỡ ngỡ” trong kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ, hay sẽ quá lo khi mà khóa XII này lại bị “ngắn” đi mất 1 năm so với những khóa trước, hay chúng ta sẽ thấy chán ngán buông xuôi với những kỳ chất vấn/trả lời ngày càng chung chung, mang tính “trình diễn” và đối phó này?

Về làm luật, mới chỉ nghe qua vài chi tiết của Dự thảo Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình mà đã thấy nhiều điều khoản rất lạ. Ví như ông/bà chủ tịch xã mà lại phải có nhiệm vụ như tòa án, mõ tòa để thi hành cái “án” cách ly người bị bạo hành với thủ phạm [17] . Chẳng biết bàn thêm tới đâu nếu chịu khó tưởng tượng một chút những rắc rối có thể xảy ra, như ai sẽ là người giám sát và giám sát bằng cách nào việc này. Rồi việc đưa chuyện “cưỡng ép quan hệ tình dục vợ chồng” vào nhóm các hành vi bạo lực gia đình cũng đầy dẫy những phi lý. Phi lý trước hết và lớn nhất là sự quá yếu kém, không rõ vai trò và mất niềm tin nơi dân chúng ở hệ thống Tòa án liên quan tới đạo luật này, vậy ai sẽ xác định hành vi và phân xử những vụ việc, hay là lại … “ông chủ tịch xã”, rồi rất có thể sẽ cần có cả “ông bí thư” đứng sau chỉ đạo nữa, để khẳng định là họ có “bị cưỡng ép” không, đã được gọi là “quan hệ tình dục” chưa? Vậy mà vẫn chưa hết những điều luật chỉ mang tính chất tựa như những liều thuốc giảm đau cho con bệnh đang lên cơn co giật, đó là xây “Nhà Lánh nạn” cho những nạn nhân bạo hành gia đình. Dường như các vị đại biểu Quốc hội chưa có đủ thì giờ để tưởng tượng ra những hệ quả đi theo sẽ là gì, ví như sẽ cần có đội ngũ “vệ sĩ” cho hệ thống “nhà” này (nếu không thì chính “Nhà Lánh nạn” đó sẽ lại trở thành “Nhà lâm nạn”, nơi thuận lợi hơn đâu hết cho nạn bạo hành), rồi còn phải có người trông coi bảo quản nữa, cho khỏi biến hàng ngàn căn “Nhà Lánh nạn” thành những cái “điếm canh đê” để trâu bò vào nghỉ thuở nào. Khi có đại biểu nêu lên nhiều những biểu hiện đa dạng của “bạo lực tình dục” còn có cả buộc phá thai, đẻ con trai v.v.. rất khó phát hiện, có bằng chứng, thì càng rõ thêm thực trạng yếu kém của hệ thống tư pháp cùng những bộ luật “làm cho có” sẽ ảnh hưởng tới mức nào tính khả thi của một đạo luật. Trước hết nó sẽ lôi cuốn bộ máy hành pháp các cấp vào một “trận đồ” bất tận của họp hành, cãi vã vô bổ, ra các quyết định hành chính về những việc không phải của mình. Hiện tượng này, tức cơ quan quản lý nhà nước làm thay việc của tòa án, đang tràn ngập tất cả mọi giao dịch, tranh chấp dân sự, kinh tế. Nhìn sâu xa nữa của lối làm luật này chính là một lối “tiếp tay” cho hệ thống hành pháp vốn đã yếu kém, đầy tham nhũng được thêm quyền nắm “cán cân công lý” thay cho bộ máy tư pháp; từ đây, chính nó lại quay lại “trói tay” cơ quan lập pháp bằng những dự thảo luật “làm cho có” và lối thông qua luật rất hình thức của Quốc hội. Và cuối cùng, chính Quốc hội lại đang vướng vào cái gọi là “chủ nghĩa thành tích” mà một mình ngành giáo dục đang hô hào “tuyên chiến”. Chẳng thể còn viết nổi nếu như bàn tiếp nữa đến những gì xoay quanh Dự luật hoạt động Chữ thập Đỏ [18] , Dự luật quản lý Tài sản Nhà nước [19] , bởi những non kém, ấu trĩ, bất hợp lý cứ đầy dẫy trong đó mà vẫn không có một dự tính nào thay đổi, ví như quy trình làm luật – cần có “đặt hàng” các luật gia, công ty luật, văn phòng luật sư, chuyên gia trong, ngoài nước, các tổ chức hội (đặc biệt trong giới trí thức khoa học), các hiệp hội ngành nghề, và bớt “ôm đồm” cho các cơ quan Chính phủ; có nơi làm việc, kinh phí, bộ máy tham mưu, giúp việc, quyền được cung cấp thông tin cho từng vị đại biểu Quốc hội v.v.. và v.v…

Viết tới đây, tôi mới quyết định được cái tên cho bài báo này. Nhưng xin quý vị chớ vội nghĩ nó ám chỉ cái gì, ngoài điều đơn giản rằng trong cái mớ hỗn độn những lo lắng, những nghịch lý, nó không thể tập trung vào được một vấn đề nào, hay sắp xếp mọi sự cho có thứ tự lớp lang, dẫu đó cũng là một sự phản ảnh cái thực trạng khó tả của tình hình. Tuy nhiên, cái tên cũng có thể đã phơi bày những cảm giác rời rã khi nghĩ về một kỳ họp Quốc hội với trăm thứ lo, nhưng lại là mối lo của dân về Chính phủ và Quốc hội của mình sau một năm sục sôi “hội nhập”, giờ đang nguội đi nhanh với bộn bề nan giải trước mức độ tăng trưởng gắng cho được cao nhưng coi nhẹ những mặt trái của nó, ít am hiểu rồi thiếu những giải pháp đồng bộ, nên lãnh ngay hậu quả kém bền vững và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro [20] . Còn nhìn về lâu dài và ở tầm cao hơn, thì đó không phải chỉ là những bài toán kinh tế, mà là ở những toan tính chiến lược cho việc xây dựng thể chế Nhà nước, từ khâu tổ chức con người (cho cả Quốc hội và Chính phủ), cho tới hệ thống kiểm soát quyền lực, làm luật và thực thi pháp luật.

© 2007 talawas


[1]Xin đọc bài báo cách đây những 14 tháng, VietnamNet, ngày 15/10/2005, Những “ông Giời” nào xây cầu Văn Thánh 2 ?. Còn giờ đây, người ta đã quyết chi ra 140 tỉ tiền mồ hôi nước mắt của dân để sửa mà không ai trong giới chức phải chịu trách nhiệm cả. Thành phố ngập lụt, ùn tắc giao thông kinh hoàng … là từ những bê bối này, tức là từ sự vô trách nhiệm của chính quyền. Xin mở ngoặc: nếu bạn lên Google để tìm, sẽ có tới hơn 53 nghìn mục nói về nó. Thật không có gì để nói thêm. Liệu có cây cầu nào trên thế giới được cái “vinh dự” này ? (Tất nhiên vẫn có, đó là cầu Cần Thơ, tìm được tới 1 triệu hai trăm nghìn mục)
[2]Đại Đoàn kết, 9/11/2007, Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tpHCM:Ai phá nát quy hoạch ?
[3]Đại Đoàn kết, ngày 20/11/2007, Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tpHCN, Kỳ 1: Bán đất tái định cư của Dân.
[4](Mới đây, tiếp xúc với cử tri ngày 23/11/2007, chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã hứa sẽ trực tiếp phản ánh và đề nghị thủ tướng cho lập đoàn thanh tra đủ mạnh để thanh tra toàn diện dự án này (Đại Đoàn kết, ngày 26/11/2007,tr.2)
[5]VietnamNet, ngày 7/8/2007
[6]VNExpress, ngày 31/7/2006, Cầu Đồng Nai có thể sập bất cứ lúc nào
[7]VN Media, ngày 16/11/2007
[8]Lao động, ngày 26/11/2007, Giải pháp thiếu tính khả thi (xin bạn đọc bài này để thấy không chỉ nghành Giao thông, mà đã lây sang cả Giáo dục cũng rơi vào tình trạng lú lẫn tới mức nào trước tình trạng giao thông đô thị hiện nay).
[9]Pháp luật TPHCM, ngày 26/11/2007, Tăng phí xe đột ngột, dân sẽ sốc. (Dân không sốc đâu, mà sẽ tăng trò lách luật, và hối lộ. Cục này từng có nhiều “sáng kiến” nữa không thể kể hết)
[10]Lao động, ngày 20/11/2007
[11]VietnamNet, ngày 19/11/2007, Tuyển công chức giỏi:không phải việc riêng của Bộ Nội vụ
[12]VNExpress, ngày 20/11/2007, “Chính phủ buông lỏng quản lý, Ban điều hành 112 lạm quyền”
[13]Tiền phong Chủ nhật, ngày 18/11/2007, Đề án 112, Hai bên cố tình gian lận thì không biết được !
[14]Thanh niên, ngày 17/11/2007
[15]VNExpress, ngày 17/11/2007
[16]Pháp luật TPHCM, ngày 20/11/2007, “Tôn sư trọng đạo thời nay”, tại sao tôi không thể yêu nghề?
[17]VietnamNet, ngày 29/9/2006
[18]VietnamNet 10/11/2007, “Đừng hành chính hóa hoạt động chữ thập đỏ”. Dự luật này được soạn thảo bởi “chính chủ”, nên đầy dẫy những ý tứ muốn đem lại quyền “sinh sát” riêng cho mình, biến mình thành một cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nhân đạo.
[19]Luật này chắc chắn sẽ lại góp phần nuôi dưỡng thêm tình trạng lãng phí, trục lợi trên hàng chục triệu mét vuông đất công mà các báo Tuổi Trẻ (ngày 21/11/2007), Thời báo Kinh tế Sài Gòn (số 46, ngày 22/11/2007) đang tiếp tục báo động.
[20]Tuổi Trẻ, ngày 21/11/2007, Tăng trưởng cao cuộc sống phải dễ chịu hơn, Vũ Thành Tự Anh, Lê Nguyên Minh.

Posted in Bài của Ba Sàm, Chính trị, Đảng/Nhà nước | Thẻ: | Leave a Comment »

Đầu tư… từ đâu ?

Posted by adminbasam trên 09/11/2007

Đầu tư… từ đâu ?

.

Ngót năm mươi tỉ đô la FDI đang “xếp hàng” chờ vào Việt Nam. Đó có lẽ là con số ấn tượng dễ thấy nhất cho thành quả của gần một năm hội nhập-vào WTO. Nhưng, cũng tựa như một căn nhà vừa được mở rộng cửa chào đón khách bốn phương, rất cần biết nó đang được chuẩn bị những gì, có dọn dẹp vệ sinh, khơi thông lối ngõ, thay đổi cung cách phục vụ… để đảm bảo có tất cả đúng như lời hứa của chủ và những hy vọng của khách. Nếu không thì những nhà đầu tư cũng sẽ như đại đa số du khách, háo hức, đến, rồi “một đi không trở lại”. Với “ngôi nhà” này, có rất nhiều việc để chuẩn bị, từ chống tham nhũng, cải cách hành chính, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống luật pháp… cho đến những việc dài hơi hơn là cải cách giáo dục, bảo vệ môi trường. Tựu trung trong mọi biện pháp đều phải từ một vấn đề gốc rễ, đó là sự tham gia của người dân, là lợi ích dân sinh, chứ hoàn toàn không thể là chuyện riêng của nhà nước, cho nhà nước. Nếu thiếu những điều đó thì thành quả đạt được chắc chắn chỉ là trước mắt, nặng về hình thức, mà tiềm ẩn những thất bại lớn khó cứu vãn.

1. Thách thức

  • Tai nạn giao thông cướp đi một nghìn nhân mạng và hàng nghìn phế nhân mỗi tháng, cùng với nó là tình trạng ách tắc giao thông đô thị, qua bao nhiêu đợt “ra quân”, bao biện pháp tình thế tạm bợ hòng cứu vãn vẫn không chịu thuyên giảm [1] .
  • Nạn ô nhiễm, tàn phá môi trường, vệ sinh thực phẩm kém ảnh hưởng sức khỏe người dân và ngấm ngầm hủy hoại giống nòi vẫn tiếp tục gia tăng. Đợt lũ lụt dài và gây tổn thất chưa từng có vừa qua là một trong những lời cảnh báo của thiên nhiên.
  • Chính sách đất đai bất hợp lý tạo ra cơ hội và nguồn thu lớn nhất cho tham nhũng, gây vẩn đục môi trường đầu tư, kinh doanh, trong khi những cố gắng chống tham nhũng vẫn có vẻ dậm chân tại chỗ, với rất nhiều hiện tượng, trong đó tình trạng khiếu kiện ngày một gia tăng là minh chứng rõ nhất và cũng gây hậu quả lớn và phức tạp nhất.
  • Tình trạng quản lý lỏng lẻo trong quy hoạch đô thị và xây dựng làm cho hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở phục vụ đầu tư vẫn trì trệ, vừa là hậu quả của tệ tham nhũng, của thói vô trách nhiệm, nhưng cũng vừa là hệ quả của tình trạng yếu kém trong hệ thống pháp luật. Hàng ngàn vạn căn nhà xây trái phép, đất bị lấn chiếm phải hoặc không thể bị đập bỏ, thu hồi. Vụ PMU18 cho tới thảm họa cầu Cần Thơ gần đây cũng chỉ là những bề nổi dễ thấy.
  • Tay nghề yếu, thu nhập thấp, đời sống khổ cực của công nhân trong nhiều nhà máy, khu công nghiệp cùng hàng trăm vụ đình công mỗi năm mà tuyệt đại đa số là không đúng pháp luật, nhưng cũng lại hầu như không có tiếng nói bảo vệ của tổ chức công đoàn là câu trả lời cho những cứu cánh từ sức hấp dẫn về giá nhân công rẻ cho đầu tư, từ cố gắng dựa vào hội, công đoàn “nhà nước” và hệ thống luật liên quan như Luật Lao động, Luật về Hội, Luật Đình công… vừa thiếu vừa bất hợp lý không thể tồn tại lâu được nữa.

Đó là điểm qua vài nét điển hình nhất để tạm hình dung hình ảnh được tạo ra trong con mắt nhà đầu tư đã, hay sắp, đặt hy vọng sinh lời vào những đồng đô-la của mình sẽ ra sao. Có thể ta cảm thấy bất lực nếu như phải một lúc đối mặt với từng đó vấn nạn, từng đó thời gian mà mọi sự dường như có chiều hướng xấu thêm. Chưa kể đến việc hầu như mọi quyết định, chính sách đưa ra đều có hai mặt của nó. Như việc quy định đội mũ bảo hiểm, nếu thực hiện được chắc chắn sẽ giảm bớt thương tật trong tai nạn giao thông, nhưng bởi gấp gáp thi hành mà thiếu những giải pháp từng bước, đồng bộ nên độ khả thi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng; doanh nghiệp mũ bảo hiểm trong nước thì mất cơ hội, ngược lại doanh nghiệp nước ngoài lại vớ bẫm, thậm chí gây nhiễu loạn thị trường, hạ thấp tính nghiêm minh của pháp luật bằng sản phẩm kém chất lượng. Hay việc khuyến khích những khoản đầu tư chóng sinh lời như lắp ráp xe máy, ô tô giá rẻ nếu không được cân nhắc đến vấn đề môi trường, tai nạn, ùn tắc giao thông đang là vấn đề vô phương cứu vãn nhiều năm nay, cao hơn là chiến lược công hiệp hoá hiện đại hoá đất nước (chứ không phải để thành một đại công trường gia công cho nước ngoài) thì cũng sẽ gây phản tác dụng.

2. Lối thoát
Song không phải không có lối thoát, cũng không phải chỉ có nhà nước mới có khả năng và trách nhiệm để điều chỉnh mọi chính sách sao cho hợp lý. “Lối thoát” đó chính là ở DÂN. Vì đã quá rõ những trì trệ nêu trên là hậu quả của năng lực, phẩm chất kém từ bộ máy điều hành các cấp, nhưng lại tránh né sự kiểm soát của công luận, ắt sẽ trầm trọng thêm. Người dân phải được tham gia tích cực, chủ động hơn vào mọi chính sách quan trọng của nhà nước. “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” không thể chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền, mà muốn được như vậy, trước hết phải tạo ra được môi trường pháp lý lành mạnh để người dân có được quyền lợi, trách nhiệm thực sự trong vai trò làm chủ của mình như Hiến pháp đã khẳng định. Đơn cử:

  • Luật Trưng cầu dân ý [2] là để lấy ý kiến nhân dân về những quyết định quan trọng của nhà nước. Không biết được dân có đồng tình hay không mà cứ làm thì sẽ gây nhiều hậu quả (chỉ thông qua báo chí, hay qua “triển lãm” lấy ý kiến dân chưa thể đầy đủ, khách quan và có sức mạnh, cả sự tôn trọng. Việc lấy ý kiến xây Tòa nhà Quốc hội là một ví dụ).
  • Luật Biểu tình có rất nhiều ý nghĩa. Ngay lúc này, nó có thể là một công cụ hữu hiệu đấu tranh với vấn nạn tham nhũng mà nhà nước đang rất lúng túng đối phó. Xưa từng có bao cuộc biểu tình, tuần hành chống ngoại xâm, sao nay dân ta không được làm như vậy với lũ nội xâm? Hay như tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài gần đây, thực chất là người nông dân kéo lên thành phố biểu tình. Đó chính là “thước đo” cho chính sách, luật pháp,… Nếu như có luật để điều chỉnh cho những hành vi này thì sẽ dễ dàng hơn trong việc giải quyết, xử lý mâu thuẫn, kể cả mâu thuẫn trong chính sách cán bộ khiến khó xử lý những cấp thẩm quyền tham nhũng, vô trách nhiệm, nay cần dựa vào sự đánh giá qua thái độ của dân.
  • Ngoài những hoạt động có tính cá nhân đơn lẻ, người dân còn cần và có thể quy tụ trong những đoàn thể quần chúng dưới nhiều hình thức đa dạng, đó là những tổ chức hội, và rất cần có Luật cho nó. Thông qua những tổ chức này, mọi người dân, các tầng lớp doanh nhân, trí thức… có điều kiện nói lên tiếng nói của mình, đòi được bảo vệ quyền lợi cho mình, đóng góp ý kiến thiết thực, có trọng lượng cho mọi chính sách, pháp luật của nhà nước.
  • Thêm nữa, một khi những mâu thuẫn về quyền lợi trong nhân dân không được giải quyết thỏa đáng, sinh ra khiếu kiện chính là gánh nặng đè thêm lên bộ máy hành chính nhà nước, trong khi trách nhiệm giải quyết những việc làm sai trái của họ lại không thể là chính họ, mà phải là hệ thống toà án. Thế nhưng, bằng thực trạng toà lệ thuộc vào cấp ủy, cấp hành chính, thiếu khách quan như hiện nay, mà ví dụ điển hình nhất là vụ án đất đai Đồ Sơn-Hải Phòng, đã không thể gánh vác được nhiệm vụ ngày càng nặng nề này, cần phải được cải tổ (trước hết bằng thành lập toà án khu vực). Nên việc sửa đổi Hiến pháp để rồi mới sửa được và cũng là tạo áp lực để sửa căn bản các Luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát v.v.. là vô cùng quan trọng.

Còn rất nhiều những ví dụ để minh chứng cho việc cấp thiết phải có các bộ luật liên quan trực tiếp tới đời sống dân sinh, cũng là sự hỗ trợ mạnh mẽ cho một môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững lâu dài.

3. Trở ngại
Thế nhưng dường như đã có những “tiếng kèn ngập ngừng” khó lý giải, đặc biệt “tiếng kèn” này lại nhắm vào đúng cái chính sách mà Đảng, nhà nước Việt Nam thường nêu cao, đó là “lấy dân làm gốc”.

  • Cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, dự Luật về Hội đáng lẽ đã được đem ra bàn thảo, thông qua sau hơn chục lần chỉnh sửa, thế nhưng đã bị đình hoãn mà người dân không hay biết vì sao.
    Mới đây, Chính phủ lại tiếp tục đề nghị Quốc hội lui thời hạn thông qua dự luật này cùng dự luật Dân tộc [3] .
  • Dự Luật Biểu tình, dự luật Giám sát của nhân dân do Mặt trận Tổ quốc đề nghị cũng vừa bị Uỷ ban Pháp luật bác bỏ mà không rõ lý do [4] .
  • Dự Luật Trưng cầu dân ý cũng chịu chung số phận.
  • Nếu như không có sự trì hoãn trong cả thời gian dài đến kỳ lạ việc trình dự thảo Luật Thuế sử dụng đất [5] (mặc dù đã có Nghị quyết Trung ương 7 đặt nhiệm vụ rất rõ) thì chắc chắn sẽ giảm rất nhiều tình trạng chiếm dụng, đầu cơ đất đai, là thứ đã góp phần đáng kể gây nên cảnh bất công, nông dân mất đất để rồi sinh khiếu kiện, đẩy giá đất, nhà cho thuê lên cao đến phi lý cản trở nhiều các nhà đầu tư, chưa nói tới những mất mát tài sản quốc gia vô cùng lớn, cùng bao nhiêu hệ luỵ khác. Vấn đề rất hiển nhiên về thuế sử dụng đất này cũng đã từng được chuyên gia nước ngoài dày công nghiên cứu và cảnh báo [6] , những ý kiến rất có trọng lượng và trách nhiệm trong nước kiên trì đề nghị, vậy mà không rõ vì lý do gì vẫn tiếp tục bị trì hoãn [7] / [8] .
  • Lớn nhất là Hiến pháp, cũng đã có quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không sửa trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 này [9] mà lý do đưa ra cũng thật khó thuyết phục. Đó là phải chờ tới 4 năm nữa để Đại hội đảng CSVN khoá XI sửa Cương lĩnh. Lý do này gây ra một nghịch lý, là trước những thay đổi nhanh chóng khủng khiếp từng ngày trên thế giới mà Việt Nam vừa mới bước vào hội nhập, cùng bao nhiêu khó khăn thách thức ghê gớm trong đời sống nhân dân cả nước, vậy mà tất cả phải đợi chờ. Không lẽ Đảng CSVN không có được một bước đột phá để khỏi tự mình trở thành lực cản không thể vượt qua cho công cuộc đổi mới mà chính mình đang lãnh đạo? (Ví như có Đại hội bất thường để sửa Cương lĩnh chẳng hạn, nếu như thực sự đúng là “phải sửa”). Trong khi đó vẫn có rất nhiều ý kiến mạnh mẽ của các chuyên gia, các vị từng là lãnh đạo các bộ Tư pháp [10] , Tài nguyên Môi trường, hay đương nhiệm đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, các Ủy ban của Quốc hội đề nghị phải sớm có, phải sửa đổi hệ thống Hiến pháp và những bộ luật này.

4. Căn nguyên
Bấy nhiêu liệu đã đủ để nói rằng vẫn còn đó những lối tư duy cũ kỹ, e ngại việc phát huy dân chủ, sớm hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền sẽ khó cho công việc “quản lý” của các cấp hành chính, cấp ủy Đảng. Kể cả hy vọng vẫn còn có thể duy trì những bước đi quanh quẩn, với cứu cánh bằng hoạt động tuyên truyền, động viên là có thể “giải toả” được những vướng mắc, bức xúc trong dân chúng, vận động được đầu tư trong ngoài nước. Hay bằng “giáo dục, thuyết phục”, hô hào rồi thử nghiệm bằng vài giải pháp tạm bợ để “cải cách” là sẽ nâng cao được đạo đức, ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên mà không cần phải có những Tòa Hành chính, Kinh tế, Dân sự khu vực công minh hơn buộc những “công bộc” này phải đối mặt trước những việc làm sai trái tổn hại quyền lợi của dân. Thậm chí có thể có cả những lo lắng quá mức khi có những ý kiến động tới “vùng cấm” là Điều 4 Hiến pháp [11] ? Bỏ nó “là tự sát” [12] , vậy có thể sửa cho phù hợp với tình hình thực tế trước những đòi hỏi cấp bách của cuộc sống được chăng, và có công khai bàn bạc được không? Chẳng phải năm 1992 chính Quốc hội khóa IX đã sửa Điều 4 Hiến pháp 1980 đó sao? Bởi vì nếu không được quy định trong Hiến pháp thì việc “luật hóa” tổ chức, hoạt động và sự lãnh đạo của Đảng ngày càng trở nên cấp thiết cũng sẽ khó có thể thực hiện, và đương nhiên mối quan hệ, lòng tin của dân với Đảng CSVN sẽ không những không được cải thiện mà còn xấu thêm.

Nhưng, gắn liền và lẩn khuất sau những e ngại đó không thể không có những toan tính cá nhân, cục bộ liên quan tới trách nhiệm, đến quyền lợi vật chất, tinh thần của nhiều người. Gọi đó là trò “tham ô chính sách” hết sức tinh vi (tác động để đưa ra những điều khoản trong hệ thống luật hòng tạo kẽ hở cho tham nhũng, hoặc cản trở những điều khoản, dự luật nào có thể giúp tăng hiệu năng kiểm soát của xã hội) – mà lâu nay chưa bị vạch mặt, đang là một mối nguy rất lớn hủy hoạt uy tín, sức mạnh của Đảng CSVN, đến vận mệnh của cả Dân tộc.

Làm sao để nhận diện rõ những khoảng tranh tối tranh sáng đó? Không cách gì hơn là bằng việc mở rộng quyền tự do ngôn luận, báo chí, công khai hoá tất cả những vấn đề trọng đại của quốc kế dân sinh để cùng bàn bạc dân chủ – từ trong Đảng ra tới toàn xã hội.

Có vậy thì mới hy vọng mọi sự đầu tư, dù là từ trong hay ngoài nước, bằng tiền của, hay công sức, trí tuệ, tinh thần,… tất thảy sẽ thực sự được bắt đầu và trên hết từ lợi ích, sự đồng thuận của DÂN.

© 2007 talawas


[1]“Số người chết vì tai nạn giao thông tăng”, báo Quân đội Nhân dân, ngày 6-6-2007
[2]“Cần xây dựng Luật Trưng cầu dân ý”, Tuổi trẻ, ngày 12-10-2007  http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/223959/Can-xay-dung-Luat-trung-cau-dan-y.html

http://phapluattp.vn/20100814012257716p0c1013/nha-nuoc-nhan-phan-kho-de-dan-duoc-thuan-loi.htm
[3]“Ủy ban Pháp luật kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và xây dựng cơ chế bảo hiến”, Đại Đoàn kết, ngày 28-9-2007
[4]Bài đã dẫn
[5]“Quản lý đất đai ‘chồng’ &’trống’”, Đặng Hùng Võ, Nhà Quản lý, số 52-tháng 10-2007
[6]“Đưa giá đất VN giảm xuống bằng 0”, Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 18-3-2007
[7]Tin vắn, Tuổi trẻ Cuối tuần, ngày 22-8-2007
[8]“Muốn kéo giá bất động sản xuống: Ngoài thuế, không có cách nào khác”, Đặng Hùng Võ, Thanh niên ngày 18-10-2007
[9]“Quốc hội khóa XII sẽ không xem xét sửa Hiến pháp”, VietNamNet, ngày 11-10-2007
[10]“Tinh thần Hiến pháp”, Nguyễn Đình Lộc, Huy Đức, Sài Gòn Tiếp thị, ngày 19-9-2007
[11]“Đã đến lúc sửa Hiến pháp?” Nguyễn Đình Lộc, Khíêt Hưng, Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 8-10-2007
[12]Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Tổng cục Chính trị Quân đội NDVN, VTV1, ngày 27-8-2007

Posted in Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền, Đảng/Nhà nước | Thẻ: , | Leave a Comment »

 
%d người thích bài này: