The Diplomat
Trung Quốc làm sao để tránh cuộc xung đột tiếp theo?
Minxin Pei *
Ngày 12-6-2011
Cuộc cãi vã mới đây nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam có vẻ rất giống như đang leo thang một cách nguy hiểm. Trung Quốc cần đi đầu trong việc tìm ra một giải pháp.
Tranh cãi đang leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam về vùng biển tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] đã đến vào một thời điểm không thể bất lợi hơn cho Bắc Kinh. Cách đây chưa đầy một năm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đặt
Trung Quốc vào tầm chú ý khi tuyên bố rằng hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa là lợi ích quốc gia của Mỹ, và một cách không tế nhị lắm, bà ta đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp chủ quyền với những nước láng giềng thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế.
Như chúng ta bây giờ đều hiểu, những nhận xét của bà Clinton ở Hà Nội hồi tháng 7 năm 2010 đánh dấu một bước ngoặt giữa hai việc quan trọng. Nó thay đổi một cách quyết định nhận thức về cân bằng quyền lực ở khu vực. Trước khi bà Clinton ra tuyên bố như thế, Trung Quốc được xem như đã giành được thế trên cơ trong khu vực, thông qua nhiều năm nhẫn nhục theo đuổi chính sách “thế công mê hoặc” (charm offensive). Sau cú sốc vì phát ngôn của bà Clinton – thứ mà toàn thể Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều ngấm ngầm hoan nghênh – Trung Quốc dường như đã bị cô lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thêm vào đó, phản ứng vụng về của Trung Quốc, gồm cả những đe dọa được che đậy không kỹ lắm đối với các nước láng giềng, chỉ làm nặng nề thêm một loạt sai lầm ngớ ngẩn về ngoại giao của Trung Quốc, đã khiến cho năm 2010 trở thành năm tồi tệ nhất trong lịch sử chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 1989.
Để giành lại thế chủ động về ngoại giao và sửa chữa những tổn hại tự mình gây cho mình, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu một chiến lược thế công mê hoặc khác và tạo ra nhiều kết quả đáng khích lệ. Quan hệ với Mỹ ổn định dần kể từ khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đi thăm Washington vào tháng 1. Đối thoại quân sự Mỹ – Trung được nối lại. Ngay cả quan hệ với Nhật Bản cũng đã cải thiện đáng kể trong những tháng qua.
Do vậy đến thời điểm này, cuộc đối đầu tệ hại và có khả năng là nguy hiểm nhất, với Việt Nam, chỉ là phương án cuối cùng mà Trung Quốc muốn.
Nhưng đồng thời, Bắc Kinh cũng cần thể hiện ra rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về vấn đề tranh chấp chủ quyền. Thật không may là ở Việt Nam, hiện nay Trung Quốc đang phải đối đầu với một đối thủ cũng cứng rắn và không thỏa hiệp như thế.
Trong tất cả các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông, tranh chấp Trung – Việt là tranh chấp có khả năng dẫn tới xung đột vũ trang nhất. Trước hết, cả hai nước đều từng tham gia giao tranh quân sự trên Biển Đông trước đây. Năm 1974, hải quân Trung Quốc giành được quyền kiểm soát hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa sau khi làm cho hải quân miền nam Việt Nam thất bại thảm hại. Năm 1988, Trung Quốc và Việt Nam đánh nhau một trận hải chiến ngắn ở quần đảo Trường Sa. Thứ hai là, những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa nói chung bị coi là yếu theo luật quốc tế, bởi vì, nếu dựa vào Công ước LHQ về Luật Biển, Trung Quốc sẽ có khó khăn trong việc chứng minh rằng những vỉa san hô mà Trung Quốc đang chiếm hữu đáp ứng được tiêu chuẩn của những hòn đảo có thể có người ở và có đời sống kinh tế độc lập (mà khi đó thì sẽ có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, viết tắt EEZ). Nhưng đấy không phải câu chuyện có thể áp dụng với quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã kiểm soát một cách có hiệu lực, mà Việt Nam thì cứ tiếp tục đòi chủ quyền. EEZ 200 hải lý của Hoàng Sa và EEZ 200 hải lý tính từ đường bờ biển của Việt Nam có vùng chồng lấn. Theo các báo cáo, vụ việc trong đó tàu tuần tra Trung Quốc phá hỏng cáp khảo sát địa chấn trị giá hàng triệu USD do tàu nghiên cứu của PetroVietnam vận hành đã diễn ra trong vùng tranh chấp (chồng lấn) này.
Trong quá khứ, phản ứng của người Trung Quốc đối với những hoạt động thăm dò khai thác được tiến hành bởi các nước có yêu sách chủ quyền khác ở Biển Nam Trung Hoa luôn được tiết chế. Trung Quốc luôn lên án họ đã xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc, nhưng hành động của Trung Quốc luôn có sự kiềm chế hơn và khác hẳn. Trên thực tế, nhiều nước tham gia tranh chấp chủ quyền đang không ngừng các hoạt động thăm dò và khai thác dầu và khí tự nhiên gần với vùng biển duyên hải của họ ở quần đảo Trường Sa, nhưng cho đến nay Trung Quốc đã không đưa tàu hải quân đến ngăn cản họ. (Vụ việc xảy ra hôm 9-6-2011 trong đó tàu cá Trung Quốc phá cáp khảo sát của tàu nghiên cứu Việt Nam xảy ra tại một khu vực nằm trong quần đảo Trường Sa, cách xa bờ biển Việt Nam). Mặc dù vậy, phản ứng của Trung Quốc với những hành động tương tự ở quần đảo Hoàng Sa thì cứng rắn hơn nhiều. Vài năm trước, tàu tuần tra Trung Quốc đã cắt cáp khảo sát của một tàu nghiên cứu thuộc sở hữu của một công ty phương Tây, công ty này trước đó đã ký hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam.
Nếu mọi thứ khác đều bình bình như nhau, thì khả năng xảy ra hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam trên vùng biển bao quanh quần đảo Hoàng Sa lại cao hơn thế rất nhiều.
Nhưng Việt Nam không biết giữ thăng bằng. Hải quân của họ có thể không có nhiều, nhưng họ đã liên tục thể hiện ra rằng họ không sợ Trung Quốc. Để cho Bắc Kinh thấy họ sẵn sàng chiến đấu, Hà Nội đã đặt hàng mua sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga (và sẽ vận hành trong vài năm tới). Trên phương diện ngoại giao, Việt Nam cũng chơi bài một cách thành thục. Mối quan hệ của họ với Mỹ cải thiện một cách sâu sắc, hai cựu thù ngày nào đã tiến hành tập trận chung lần đầu tiên trên Biển Nam Trung Hoa vào tháng 8 năm ngoái.
Liệu quan điểm mới của Washington trên Biển Đông và quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và Việt Nam có làm cho Hà Nội táo gan hơn để đối đầu với Bắc Kinh hay không, đó vẫn còn là câu hỏi của bất cứ ai. Điều quan trọng đối với Bắc Kinh bây giờ là làm thế nào tránh được một xung đột nữa có thể xảy ra với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Với việc Hà Nội tuyên bố tập trận bắn đạn thật ở khu vực này vào ngày 13-6, nguy cơ giao tranh bất ngờ là có thật.
Là một trong hai nhân vật chính, Trung Quốc cần nắm vững cơ sở đạo đức trước, bởi lẽ dư luận quốc tế có xu hướng ủng hộ bên yếu hơn trong bất cứ tranh chấp nào. Để bắt đầu, Trung Quốc nên tạm thời hoãn các hoạt động tuần tra trong vùng tranh chấp để tránh bất kỳ cuộc xung đột bất ngờ nào có thể xảy ra. Bắc Kinh cũng nên đưa ra những đề xuất cụ thể với Hà Nội về việc làm sao để tránh những vụ đối đầu tương tự trong tương lai. Ví dụ, xác lập một thời kỳ cả hai bên cùng tạm ngừng hoạt động khai thác trong vùng biển tranh chấp – điều này có thể làm dịu tình trạng bị kích động hiện nay.
Tiếp sau các biện pháp tạm thời này, cần phải có những bước đi chủ động về ngoại giao mạnh mẽ hơn để góp phần đưa tới một giải pháp đa phương cho vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tranh cãi Trung – Việt có thể gây ra khủng hoảng đấy, nhưng nó cũng tạo một cơ hội độc nhất cho Trung Hoa và ASEAN đẩy mạnh đàm phán để đạt được bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực mạnh hơn. Một số ý kiến ở Trung Quốc có thể coi việc ký kết một bộ quy tắc ứng xử như thế là sự hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc, một cách không cần thiết. Nhưng đối với một quốc gia mà mọi dự định và khả năng quân sự gia tăng đều các nước láng giềng mất bình tĩnh, thì đây có thể là một trong số ít những động thái thực tiễn nhằm làm cho tuyên bố của nó về “phát triển hòa bình” trở nên đáng tin cậy.
Minxin Pei là giáo sư về chính quyền ở Đại học Claremont McKenna, trợ lý nghiên cứu viên tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie (Carnegie Endowment for International Peace).
Comment của độc giả John Chan, 14-6:
UNCLOS chỉ liên quan tới chủ quyền trên biển chứ không phải trên đất không người ở. Khi nào biên giới trên biển của hai nước, ví dụ Anh và Pháp, có vùng chồng lấn, thì trong phần lớn trường hợp, biên giới ấy sẽ được phân định bởi một điều ước, hoặc, nếu các bên đồng ý, được phân định bởi tòa án quốc tế. Nói chung, như thế là phá vỡ mọi sự mâu thuẫn. Vì thế, Malaysia không thể có yêu sách chủ quyền đối với Singapore. Thêm vào đó, tòa án quốc tế có thể xử lý các vụ việc trong giới hạn của UNCLOS và chỉ UNCLOS mà thôi, tranh chấp nào không có biên giới rõ ràng và được xác định thì nằm ngoài quyền tài phán của họ.
Tuy nhiên, nếu các vị có thể ra yêu sách rằng mấy hòn đá nhỏ kia là lãnh thổ có chủ quyền của các vị, thì rồi các vị nhận biên giới 12/200 hải lý tính từ mấy hòn đá đó. Đó là cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan đối với phần lớn Biển Đông. Do Trung Quốc có bằng chứng lịch sử lâu dài và nhiều bằng chứng vững chắc khác để chứng minh cho chủ quyền của mình đối với tất cả các đảo nhỏ ở Biển Nam Trung Hoa, cho nên các nước khác ở Biển Đông phải sử dụng các phương thức không theo quy ước để đưa ra yêu sách, nhằm chống đỡ với thế bất lợi của họ là thiếu bằng chứng xác thực.
Cái thú vị ở đây là tất cả các vị blogger Việt Nam đều trích dẫn UNCLOS mà không thật sự hiểu UNCLOS. Tàu tuần tra Trung Quốc đi tuần cách bờ biển Việt Nam 140 hải lý là bởi vì đấy là vùng trung tuyến giữa các đảo của Trung Hoa và bờ biển của Việt Nam *.
Người dịch: Thủy Trúc
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
–
* Người dịch chú thích: Bạn đọc chú ý đến cách lập luận của tác giả Minxin Pei cũng như phản hồi của độc giả John Chan (Trung Quốc?) dưới đây nhằm biến vùng biển nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành “vùng chồng lấn”, “vùng tranh chấp”, và Trung Quốc đang tuyên truyền quan điểm này cho toàn thể người dân nước họ. Thú vị là trong phần phản hồi cũng có nhiều ý kiến tranh luận của độc giả Việt Nam, đặc biệt là Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy (nhưng có lẽ đều là “tự phát” của các trí thức người Việt ở nước ngoài, chứ không phải do chủ động của giới học giả trong nước được nhà nước tạo điều kiện).
“… EEZ 200 hải lý của Hoàng Sa và EEZ 200 hải lý tính từ đường bờ biển của Việt Nam có vùng chồng lấn. Theo các báo cáo, vụ việc trong đó tàu tuần tra Trung Quốc phá hỏng cáp khảo sát địa chấn trị giá hàng triệu USD do tàu nghiên cứu của PetroVietnam vận hành đã diễn ra trong vùng tranh chấp (chồng lấn) này…”.
“Tàu tuần tra Trung Quốc đi tuần cách bờ biển Việt Nam 140 hải lý là bởi vì đấy là vùng trung tuyến giữa các đảo của Trung Hoa và bờ biển của Việt Nam”.
0.000000
0.000000
Thích bài này:
Thích Đang tải...